Thursday, February 8, 2024

Bâng khuâng chiều ba mươi

Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.

Chiều nay tôi cũng gặp người bạn mới đi Việt nam về, ngồi chung bàn tiệc gây quỹ chiều ba mươi không nghe ai nói về tết cho đỡ buồn, đỡ nhớ quê xa nên đành nghe anh bạn mới đi Việt nam về tuyên bố thẳng thừng là thức ăn bên Việt nam bây giờ không ngon bằng bên Mỹ. Anh bị đồng hương bên đây phản đối mạnh nhưng đương sự vẫn kiên trì chứng minh qua vài món bình dân như phở, lẩu dê, lẩu bò, lẩu thập cẩm…, bánh xèo, mì hoành thánh, hủ tiếu gõ, gỏi khô bò đu đủ, tới bánh bò bánh tiêu… 

Tất cả chỉ cón tên gọi không thay đổi chứ phẩm chất đã biến chất hết rồi. Hồi xưa ăn miếng bánh bò hấp thơm mùi lá dứa tới đi xa nhớ hoài, nhưng bây giờ xài hương liệu mùi lá dứa cho tiện và rẻ hơn lá dứa tươi nên miếng bánh bò hấp thời hiện đại chỉ vừa khẩu vị những người sinh sau đẻ muộn, chưa từng ăn qua bánh bò hấp với lá dứa tươi…

Đúng là những món chợt nhớ chợt thèm trong lòng người xa xứ đến da diết, nhưng anh bạn mới đi Việt nam về cho biết: Bên Việt nam bây giờ nấu ăn không ngon bằng bên Mỹ vì dùng hương liệu nhiều quá, không còn tính chất tự nhiên như xưa. Hồi xưa mình ăn miếng xôi gấc thơm khác bây giờ, vị nhẫn nhẫn của vỏ hột xôi gấc không nhầm lẫn vào đâu được thì nay gấc chế biến cũng mỗi hiệu một mùi hương theo gia truyền nên xôi gấc tự nhiên của bà bán gánh đã tuyệt tích…là chưa nói đến mánh khoé của người buôn bán trong nước bây giờ theo trào lưu lên mạng, cái gì cũng lên mạng... 

Tôi xem trên YouTube, không ngờ ngay đầu hẻm nhà vợ tôi bên Sài gòn lại mở ra cái quán lẩu bò. Tôi nhìn thôi đã thấy thèm vì thấy ngon và quá rẻ, chỉ hai trăm ngàn một cái lẩu bò hai người ăn. Tôi mơ về để rủ hết bạn bè, bà con đi ăn lẩu, tôi đãi hết mọi người; tôi bao quán một ngày cũng đủ tiền vì mỗi người ăn chưa tới năm đô la, lại không thuế… Nhưng sự thật tôi về hoàn toàn khác! Cái lẩu hai trăm ngàn trên YouTube là để quay phim, làm clip thôi, quảng cáo cho xôm tụ thôi. Cái lẩu hai người ăn mà nhiều và nhìn ngon mắt ấy là phải kêu thêm, chừng sáu trăm ngàn mới tương đương với cái lẩu lên phim; không phải là treo dê bán chó nhưng có một nói ba để dụ khách là có thật. Việc thứ hai làm nản lòng người xa xứ là bước vào nhà bếp của quán lẩu thì hết dám ăn vì từ khâu sơ chế đến khâu nấu nướng, cuối cùng là khâu dọn rửa, đều thiếu vệ sinh cơ bản nhưng cần thiết cho một nơi bán hàng ăn.

Có về mới biết tất cả đã thay đổi, nói chung là người ‘ăn dơ’ nhờ chức quyền thì mới có tiền ăn rau sạch, tôm cá tự nhiên; còn người ‘ăn sạch’ với lương tháng ba cọc ba đồng thì chỉ đủ tiền ăn rau dơ, rau phân bón hoá học tới lá rau quế bằng lá trầu nhưng chẳng có mùi rau quế gì hết; ăn tôm cá nuôi bằng thực phẩm chế biến nên con tôm con cá ú nụ mà thịt bã chè như ăn tôm bột, cá bột…

Thôi thì nhận xét của một người đâu phải là tất cả, nghe để biết bâng khuâng chiều ba mươi vì quê tôi bây giờ có như thế nào thì cũng vẫn là nơi tôi muốn về, nhất là chiều ba mươi tết. Dù đồng hương bên đây chín người mưới ý thì tôi cũng nên vui mừng mới đúng vì chiều ba mươi ở quê người mà không cần phải nói một câu tiếng Anh nào hết. Cả thế giới xung quanh đều mang hồn Việt với những gian hàng tết bán đủ cả những món quà tết, quần áo tết, bao lì xì đỏ, bánh tét, bánh chưng, không thiếu thứ gì liên quan đến tết… trộn lẫn trong mùi hương thực phẩm tết lan toả từ những gian hàng bán thức ăn, tạo nên không khí tết, trầm bổng cùng tiếng Việt làm ấm lòng xa xứ… 

Nhưng nỗi buồn cuối năm như khối u trong lòng, cứ chiều ba mươi là xưng tấy lên đã nhiều năm qua. Từ những chiều ba mươi bâng khuâng nhớ nhà da diết nhưng không có điều kiện để về thăm nhà, thăm cha mẹ, anh em, láng giềng… thèm một bữa nhậu ở trần bên sân nhà hàng xóm, thèm nghe tiếng pháo chuột lẹt đẹt của trẻ con đang đốt tuổi thơ bay, thèm nghe tiếng guốc xuân của cô gái dậy thì đi qua ngõ… 

Những cái thèm trong tâm tư người hải ngoại làm cay mắt chiều ba mươi ấy có nguội lạnh bớt theo thời gian xa xứ, nhưng chưa bao giờ biến mất khỏi tâm tư người xa quê. Chiều nay gió đông tàn và những bông tuyết muộn làm trắng cả giấc mơ ngày về, không biết xóm làng xưa ai còn ai mất để hàn huyên bên ly rượu xuân như lời bài hát “đầu xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…” 

Cảm giác về nhà ăn tết bay biến theo dòng sống hải ngoại hay cha mẹ đã qua đời, làm cho sự thôi thúc về lại mái nhà xưa khi năm tàn tháng tận không còn mãnh liệt. Dù trong lòng không quên những chiều ba mươi chen lấn nơi bến xe, chịu trả gấp đôi tiền vé xe đò chỉ để về nhà ăn tết, và ngậm ngùi thay khi về đến nhà đã chạng vạng chiều ba mươi mới hay nhà chả có gì để gọi là tết. 

Chiến tranh và hoà bình đã làm nên những cái tết chỉ có ở Việt nam như tết Mậu thân ăn tết dưới hầm chống pháo kích, trẻ con chúng tôi dùng bột nếp rứt ra từ bánh ít mà chơi nặn hình thay đất sét. Trong khi tết hoà bình, không có tiếng đạn bay thì lại không có gì để ăn là tết xã hội chủ nghĩa, chỉ có loa phóng thanh trên cột đèn hô khẩu hiệu, lải nhải những điều thừa thãi oang oang, còn tất cả đều xìu như bao tử lép. Nhưng thể nào anh em, bạn bè trong xóm cũng bói ra chai rượu quốc doanh, chút dưa giá lẻ bạn vì thiếu thịt kho tàu… tết lâng lâng với ly xuân ấm lòng phiêu bạt để ra giêng, anh em, bạn bè lại chia tay. Miếng cơm manh áo ở quê nhà tuy khó nhưng có quê hương là chòm xóm nhỏ. Nay có cả cộng đồng ăn ngon mặc đẹp đi xe sang nhưng nói chuyện trên trời dưới đất, tào lao thiên đế hơn thật lòng thương tên bạn hàng xóm cả năm mới gặp lại nhau chiều ba mươi vì cùng về ăn tết với gia đình, nhường nhau ly rượu lạt, nhịn nhau câu lỡ lời, chín bỏ thành mười tình nghĩa thủy chung… không chém gió như người ăn bơ sữa quen miệng bên này.

Không biết chiều ba mươi giữa phố đông người hay người đông làm con phố chật. Tôi đi dự tiệc gây qũy vì nể mặt người mời, nhưng mau chóng về lại garage là cứ địa bình an nhất trong đời hải ngoại. Nơi chỉ có cái lạnh làm khó những ngón chân, rồi lân lên đến vành tai tê buốt cũng không tha cho tâm trạng lạc loài, ánh đèn vàng kiên nhẫn như một nhà sư khất thực, thầm lặng soi bóng sự cô đơn đến cái bóng cũng biết già nên đứt bóng đêm ba mươi ngoài garage với bộn bề tâm trạng. 

Nửa đêm lạnh lẽo bước qua năm mới, giật mình dậy vì lạnh nhưng còn ngoan cố không chịu vô nhà. Ngồi nhìn mấy đòn bánh tét, mấy cái bánh chưng âm thầm lạnh một góc garage, góc tường trắng đến vô cảm làm nổi bật gói quà ai cho từ lễ Tạ ơn hay Giáng sinh gì đó đang nghiền ngẫm sự lãng quên. Trà, rượu, bánh, mứt, chocolate gì đó trong gói quà ấy là một bữa sang cả dưới vòm trời quê xưa thì xa xưa ấy đã qua lâu rồi. Bây giờ ăn gì cho qua cơn đói tâm tư đang thèm khát một chỗ ngồi trên sân hàng xóm với những người muôn năm cũ…

Một đêm ba mươi đi dự tiệc gây quỹ về trong trời đất gây quỹ như dịch bệnh đang hoành hành thành phố tôi ở đến tội nghiệp thần linh, không được về nhà ăn tết mà cứ phải ngồi đó chờ đến lượt tượng Chúa, tượng Phật được đấu giá như mua bán thần linh. Linh hồn tượng đá bị rút ống thở theo lời tuyên án của những đại MC ở địa phương là Ngài đã thuộc về ai? Địa chỉ mới của bức tượng chiều ba mươi tết, đêm ba mươi tết đã dời về khu váng nhện và bụi bặm trong lâu đài của những người thành đạt. Tấm lòng của những người tạo tác nên những tác phẩm nghệ thuật cũng yên nghỉ hẩm hiu từ đó. Chút an ủi đóng góp hiện vật để gây quỹ từ thiện, gây quỹ cứu bão miền trung của những người có lòng với đồng bào còn trong nước theo gió cuốn đi chiều ba mươi bâng khuâng từ độ…

Nhưng quan trọng hơn là những thế hệ người Việt lớn lên ở hải ngoại, không có thôi thúc bằng mọi giá phải về nhà ăn tết. Hình ảnh chen chúc ngoài bến xe đò những ngày giáp tết như sống lại trong căn garage mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Giá như giờ này được khăn gói ra ga, mua vội chút quà cho cha cho mẹ, cái cập rập làm cho hưng phấn hơn mệt mỏi ấy đã chết tự bao giờ? Chả trách con cái đã bằng tuổi mình những năm dành dụm chút tiền để về quê ăn tết, nhưng chúng đã không về nhà đêm nay dù không hề xa xôi hay trở ngại gì; chỉ đơn giản chúng không có sự thôi thúc về nhà ăn tết như những thế hệ chen lấn ngoài bến xe xưa kia.

Rồi đêm dài lắm mộng cũng qua. Sáng đầu năm âm lịch đã về trên búp non cây táo sau nhà. Một năm mới sáng dần theo vòng quay trái đất để giấu nhẹm những đêm ba mươi như ung bứu trong lòng đến trừ tịch năm sau lại nhói buốt tâm can…

Phan

No comments:

Post a Comment