Tuesday, February 13, 2024

"ĂN BẮC MẶC NAM"?

Mấy rày thấy xôn xao vụ tô phở.

Cái ông nhà báo HN gì đó tuyên bố "Hà Nội chỉ cần quán không tên đầu ngõ cũng đủ chất lượng chấp hết Sài Gòn."

Còn ông nhà văn Nguyễn Đình Bổn "đập" lại: "Hà Nội có gì đáng để gọi là ẩm thực đâu? Đói vàng cả mắt. Nay mới no đủ chút cái giọng đã tanh tanh rồi!".

Phễu tui đọc bài từ sớm, thấy người ta chia 2 phe để đấu khẩu nhưng cũng không quan tâm. Đơn giản là nó vớ vẩn. Bỏ qua vụ ngu của người cà khịa; Vớ vẩn vì mặc dù sự thật nó hiển nhiên, mà người ta cũng không biết đường mà nói.

Tối nay đọc được 1 bài, cái gì mà "ăn Bắc mặc Nam" với những lý giải sai phè; nên ngứa cổ mà nói vài câu vậy:

Phễu tui không bàn về phở. Mà bàn về vụ "ăn Bắc mặc Nam".

Có ý kiến đại khái là phải ăn Bắc, đồ ăn bắc ngon; nhưng trước 1954, còn sau này thì dở.

Đó là một ý kiến vừa đúng vừa sai. Đúng là, đồ ăn ở Bắc đúng là trước đây ngon hơn bây giờ. Cái này có thể giải thích bằng thuyết "hoá thạch văn hoá ngoại biên" của ngành Văn hoá học: văn hoá từ trung tâm, do biến động mà lan toả đến các vùng ngoại biên và "hoá thạch" ở đó. Và văn hoá ẩm thực cũng theo đoàn người di cư, để lại cái trung tâm trống rỗng. Thế nên ở Chợ Lớn vẫn còn nhiều món thời phản Thanh phục Minh, trong khi ở Trung Hoa đại lục nó đã biến mất. Tương tự như thế món bún heo giả cầy đồng bào Bắc 54 nó chuẩn hơn ở HN. Đương nhiên cơm tấm ở Cali thì nó đúng vị ban sơ hơn cơm tấm ở TPHCM hiện nay. Bla... bla...

Thành ra cái món phở cũng không ngoại lệ. Còn gì đáng lưu giữ hơn văn hoá khi bắt buộc phải ly hương? Những đoàn người phải bỏ quê cha đất tổ đó còn gì quý hơn cái văn hoá của họ?

Cho nên phở Saigon, hay thậm chí là ở Cali, Paris..., ngon hơn ở HN, Nam Định... là có cái lý của nó. Có muốn cũng không bác bỏ được. Ấy là cái đúng, tức là trước 1954 đồ ăn ở Bắc ngon hơn bây giờ. Nhất là sau 30 năm miền Bắc đói vàng mắt (hậu quả của lối quản lý XHCN). Ở một XH mà miếng thịt ôi bằng 2 ngón tay cũng phải xếp hàng - thì lấy đâu ra cái no mà có nền-ẩm-thực-đặc-sắc-như-tuyên-truyền trong gần nửa thế kỷ??!!

Còn nói nó sai là ở chỗ: thật ra, các món HN nói riêng và miền Bắc trước 1954 thì cũng vầy vậy, chẳng có gì đặc sắc. Dân dã thì "cơm tám giò chả" là hết mức. Cỗ bàn thì chỉ vòng đi vòng lại có vài món: xôi gấc, gà luộc, giò chả, nem, miến măng..., là cũng "đụng nóc". Có vào sách vở như "Các món ngon HN" mà nhà văn Vũ Bằng miêu tả thì cũng chỉ là cầu kỳ mà chẳng đặc sắc.

(Người viết bài này là dân Bắc "2 nút", cũng lăn lóc đủ các tỉnh từ vùng cao đến xứ biển, từ Bắc vào Nam hồi còn làm báo (những năm 2000s), cho nên cũng không đến nỗi ếch ngồi đáy giếng mà viết.)

Quay lại vấn đề, thế thì câu "ăn Bắc mặc Nam" là sai sao??

Nó đúng. Chỉ là người ta hiểu sai mà thôi.

Đầu tiên là nói về "mặc". Miền Nam chỉ có 2 mùa, mưa và nắng. Cho nên ăn mặc đơn giản. Suốt năm chỉ cần vài bộ đồ là đủ. Trong khi miền Bắc có 4 mùa, áo quần cũng có tới 4 loại. Áo mùa đông thì không mặc cho mùa hè. Áo thu thì khác với áo mùa xuân. Cho nên miền Bắc về ăn mặc rất phong phú, phương Nam không thể bằng được.

Còn ăn? Hãy quên câu "đồ ăn ở Bắc ngon hơn" [miền Nam] đi. Bởi lẽ phương Nam từ khi mở đất đã là nơi hội tụ ÍT NHẤT 3 nền ẩm thực lớn nhất nhì thế giới. Đó là Việt, Hoa và Khmer. Còn miền Bắc thì không. Từ xưa đã vậy, còn 50 năm gần đây thì đói nghèo (từ 1990 tới nay mới thoát đói thôi). Cho nên đừng so sánh, nó buồn cười.

Như vậy, câu "ăn Bắc mặc Nam" là câu CHÊ đó. Ăn Bắc thì là dở, mặc Nam thì là đơn điệu.

Rạng mùng 4 Tết con Gồng, dáo xư Phễu



No comments:

Post a Comment