Friday, January 12, 2024

THUỐC CHỐNG PHÓNG XẠ NHA ĐAM = LÔ HỘI – 


Cây nha đam = Cây lô hội (Aloé vera)

@ Nhiều bạn đọc viết: 

Động đất ở Nhật gây rò rỉ chất phóng xạ ra biển và mây khói gây mưa cũng lan truyền đi các nước… Do đó nếu bị nhiễm phóng xạ thì có thuốc gì hay giải độc được không? Y học cổ truyền dân gian có kinh nghiệm gì hay không?

Sự độc hại của chất phóng xạ thì người ta được biết nhều từ khi bị bom nguyên tử và và các thảm họa do nhà máy nguyên tử gần đây nhưng trong thiên nhiên cũng có nhiều tác hại như các tia cực tím, tia X, tia vũ trụ từ thái dương hệ chiếu xuống con người và vạn vật. Vì thế người và muôn vật trong thiên nhiên cũng biết cách tự bảo vệ bằng sự phòng thủ thiên nhiên hoặc thông qua hệ thực vật (dược thảo) bằng ăn uống hay dùng ngoài da… 

Trong bài này, chúng tôi xin giới thiệu những vị thuốc của vùng nhiệt đới, nghĩa là nó từng chịu đựng nhiều bức xạ mặt trời nhất đó là cây Nha đam (Lô hội) và cây Nhàu Noni. Tác dụng trị phóng xạ được in đậm dưới đây. Với cây Nhàu Noni thì dùng nước cốt Nhàu Noni (uống hoặc thoa ngoài da)

 
Cây nha đam

Trái nhàu nori

VÀI DÒNG LỊCH SỬ
Một trong những dược thảo đã vượt thời gian và không gian, được Đông, Tây và Nam Y Dược mọi quốc gia, mọi ngành Y học cùng sử dụng… là cây Nha đam.

Nha đam còn được gọi là Lô hội.

Tên khoa học: Aloe vera (L.) Burm. f.

Tên đồng nghĩa: Aloe barnadensis Mill. var sinensis Haw., thuộc họ Agavaceae (trước là Liliaceae hay Aloaceae).

Ngay cả Hoa Kỳ, vốn được xem là một nước “chậm tiến” trong việc dùng thảo mộc để chữa bệnh, cũng đã dùng Nha đam trong nhiều dược phẩm và mỹ phẩm. Hơn nữa nhiều Nhà nghiên cứu Mỹ đã phải khuyên dân Mỹ là mỗi nhà nên trồng: một cây Aloe vera để vừa làm cảnh và vừa làm thuốc trị và cả khi cần cấp cứu vì phỏng do nhiều nguyên nhân…

Tên Aloe vera được chính thức công nhận bởi Quy ước Quốc tế về Danh xưng thực vật (International Rules of Botanical Nomenclature). Tuy nhiên trong Danh Mục Cây thuốc của WHO, Aloe được xem là tên chung của khá nhiều loài khác nhau như Aloe chinensis, Aloe elongata, Aloe indica, Aloe officinalis… Ngoài ra một loài Aloe khác Aloe ferox cũng được chấp nhận là một cây cung cấp nhựa Aloe. Mỹ gọi cây Aloe vera dưới tên Curacao Aloes, còn Aloe ferox dưới tên Cape Aloes. Đông y gọi Lô hội (Lu-
hui)

Aloe ferox “Cape Aloe” = Lô hội

Lô hội đã được dùng làm thuốc trị bệnh từ thời xa xưa. Sách thuốc cổ Ai Cập (3500 năm trước Tây lịch) đã chỉ dẫn cách dùng Lô hội để trị nhiễm trùng, các bệnh ngoài da và làm thuốc nhuận trường, trị táo bón. Lô hội đã được vẽ và mô tả trên các bản văn làm bằng đất sét tại Mesopotamia từ năm 1750 trước Tây lịch như một cây thuốc.

Tên “Aloe” có thể phát xuất từ chữ Ả Rập “Alloeh” với ý nghĩa là một “chất đắng và óng ánh”. Lô hội là một cây thuốc, không thuộc loại ma túy nhưng đã gây ra cả một cuộc chiến tranh: Khi Đại đế Alexander chinh phục Ai Cập vào năm 332 trước tây lịch, Ông đã nghe nói đến một cây thuốc có khả năng trị vết thương thần kỳ tại một hòn đảo tên là Socotra, ngoài khơi Somali, và để lấy cây này về làm thuốc cho quân của mình, đồng thời ngăn chặn địch quân không cho họ chiếm được cây thuốc này, Ông đã gửi hẳn một đoàn quân đi chiếm hòn đảo (có lẽ là Madagascar ngày nay).. và cây này chính là Aloe de Curacao (Nha đam).

Cũng nên ghi nhận là tên của dược chất “Aloe” được ghi trong Phúc âm Thánh Gioan (19: 39-40) dùng để ướp xác Chúa Jesus không phải từ Lô hội nhưng từ một cây khác gọi là Aloewood (là Gió bầu chứa Trầm Hương và Kỳ Nam).

Y sĩ trứ danh người Hy Lạp, là Dioscorides đã dùng Lô hội để trị vết thương ngoài da, bệnh trĩ, vết ung loét và cả rụng tóc. Thầy thuốc La Mã Pliny đã biết dùng Lô hội để trị táo bón.

Các nhà buôn Ả Rập đã đem Lô hội từ Tây Ban Nha sang các nước Á đông trong khoảng thế kỷ thứ 6 và từ đó y học Ayuraveda biết dùng Lô hội để trị bệnh ngoài da, ký sinh trùng đường ruột và cả đau bụng kinh.

Tuy Nha đam có nguồn gốc từ châu Phi nhưng sau đó đã được đưa sang trồng tại châu Mỹ, nhất là vùng West Indies và dọc bờ biển Venezuela. Trong Thế kỷ 19, đa số Aloe xuất cảng sang châu âu đều từ các đồn điền tại West Indies thuộc địa của Hòa Lan (tại đảo Barbados và Aruba), qua hải cảng Curacao nên được gọi là Curacao Aloe, Barbados Aloe… Các Aloe của châu Phi như Cape Aloe, Uganda Aloe, Natal Aloe… được gọi chung dưới tên thương mãi Zanzibar Aloe… 

Trong khoảng đầu thế kỷ 20, người Pháp đã đem giống Aloe vera từ thuộc địa Phi châu về trồng tại Việt Nam (chủ yếu ở Ninh Thuận và Bình Thuận) để xuất khẩu mỗi năm hàng chục tấn Aloe sang châu âu và đến giữa thế kỷ 20 thì bị ngưng trệ vì chiến tranh thế giới lần thứ II nên giống Nha đam còn sót lại, mọc hoang ở các tỉnh trên cho đến ngày nay. Trong những năm gần đây Hoa Kỳ đã trồng khá nhiều Aloe vera tại Florida, Texas và Arizona do ở nhu cầu chất gel (nhày) trích từ Aloe để làm thuốc và mỹ phẩm tăng cao. Khoảng 1990 đến nay, cây Nha đam được phát triển trở lại tại Ninh thuận để dùng trong nước và xuất khẩu…

 
Những cánh đồng trồng cây nha đam ở Ninh Thuận.

ĐẶC TÍNH THỰC VẬT

– Nha đam thuộc loại thân thảo, mọng nước, gốc thân hóa gỗ, ngắn.

– Lá không có cuống, hình máng, mọc vòng rất sát nhau, màu từ lục lợt đến xanh lục đậm. Mép lá có răng cưa thô như gai nhọn, mặt trên lõm có nhiều đốm không đều dài từ 30-60cm.

– Phát hoa dài đến 1m, mọc dạng chùm dài mang nhiều hoa, lúc non mọc đứng sau rủ xuống, hoa màu vàng lợt hay ửng đỏ, dài cỡ 3-4cm.

– Quả hình trứng khi non màu lục, đổi thành nâu khi già.

Nha đam rất dễ trồng, thích hợp ở vùng nắng nóng, nhiều ánh sáng nhưng cũng có thể trồng trong chậu kiểng ở sân hay trong nhà vì cây có sức chịu đựng cao khi bị cằn cỗi vì thiếu nước, dưỡng chất và ánh sáng (dĩ nhiên là cây rất ít hoạt chất). Cây không chịu được sự úng nước và nhiệt độ lạnh dưới 5°C. Nha đam có thể được trồng bằng chồi non rất dễ dàng.

Lá nha đam




  
Quả nha đam

THÀNH PHẦN HÓA HOC:

Nha đam (Lô hội = Aloe vera) là nguồn cung cấp 2 dược liệu khác hẳn nhau.

1- Nhựa Aloe (sách cũ viết theo tiếng Pháp: aloès, đông y gọi là Lu hui hay Lô hội, Lưu hội).

Ngay dưới lớp biểu bì hay “da” mỏng của lá cây Nha đam có những tế bào hình trụ, chứa một chất nhựa lỏng màu lục. Ngay khi thu hoạch, người ta cắt xéo lá Nha đam sát gốc và dựng ngay vào mốt cái máng, nhựa chảy ra, tự cô đặc lại ở nhiệt độ bình thường, thành nhựa aloe khô, cứng, màu vàng nâu, óng ánh, rất đắng.

Nhựa Aloe khô chứa các hoạt các chất hydroanthron gồm các chuyển hóa chất:

1-1- Hydroanthracen, mà những chất quan trọng nhất là Aloin A và Aloin B (từ 25 đến 40%) (hỗn hợp Aloin A và B được gọi là aloin = aloe-emodin hay còn gọi là Barbaloin); các hydroxy-aloin A và B (từ 3 đến 4%) một ít và chrysophanol.

1-2- Chromon gồm 8-C-Glycosyl chromon (hay Aloeisin, khoảng 30%) và các Aloeresin A và B.

2- Gel aloe (chất nhầy aloe).

Gel aloe nầy có thể trích lấy bằng cách gọt bỏ bì lá màu xanh lục đi, rồi nghiền miếng gel trong suốt của lá Nha đam tươi, các tế bào chứa chất nhày tại đây bị vỡ sẽ cho chất nhầy deo dẻo trong suốt gọi là gel aloe.
Gel aloe (chất nhầy aloe)

Gel aloe chứa một loại polysaccharid gồm: pectin, hemicellulose, gluco mannan, acemannan và các chuyển hoá chất mannose.

Trong Lô hội còn có thêm những chất khác như:

– Phân hóa tố: Bradykinase.

– Các amino-acids, Lipids, Sterols (Lupeol, Campesterol Beta-sitosterol).

– Tannins.

– Hợp chất hữu cơ loại Magnesium lactate.

– Một chất kháng-prostaglandins.
Gel Aloé vera (chất nhầy nha đam)

DƯỢC TÍNH và CÁCH SỬ DỤNG:

Nha đam trong đông y:
Đông y cổ truyền dùng vị Lư hội (Lô hội = Lu hui) tức là chất nhựa aloe khô (không dùng gel). Dược liệu được lấy từ các loài Aloe vera var chinensis hay Aloe ferox trồng tại các tỉnh phía Nam Trung Quốc và châu Phi.

Theo đông y thì Lư hội có vị đắng, tính hàn tác dụng vào các kinh mạch thuộc can, vị và đại trường

Lô hội có tác dụng hạ hỏa, tống ứ: dùng để trị táo bón, chóng mặt, mắt đỏ và tinh thần cáu kỉnh do ở “nhiệt ứ”.

Đông dược dùng chung với Chu sa (Cinnabaris) để trị táo bón kinh niên do ở nhiệt ứ.

Lô hội diệt được ký sinh trùng và bổ được tạng vị: Trị được trẻ em chậm phát triển vì sán lãi.

Lô hội “thanh nhiệt” và làm mát gan: trị các chứng đau hạ vị, chóng mặt, nhức đầu, ù tai, cáu bực, bón và sốt nóng do ở nhiệt tại can kinh. Lô hội được dùng chung với Rễ Long đởm (Radix Gentianae) và Hoàng cầm (Radix Scutellariae Baicalensis).

Liều dùng trong đông y: từ 0,3-1,5g dưới dạng viên, hoàn hoặc bột (không công hiệu khi dùng dưới dạng thuốc sắc). vị Lô hội (trong đông y tức là nhựa aloe khô là thuốc có độc, không dùng quá liều vừa nêu, tối đa 2-6g/ngày cho người lớn. Không dùng cho phụ nữ có thai.

Nha đam trong tây y:
Tây y sử dụng Nha đam dưới hai hình thức dược phẩm khác hẳn nhau: gel aloe và nhựa aloe.

Gel aloe:
Tác dụng trị phỏng và giúp làm lành vết thương do phóng xạ:

Khả năng của aloe gel trong việc giúp trị lành các vết thương đã được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1935 khi Tạp chí Y khoa Mỹ công bố trường hợp một phụ nữ bị phỏng vì phóng xạ tia X được trị lành bằng cách đắp chất gel lấy trực tiếp từ một cành lá Aloe vera.

Sau đó các tác dụng của gel aloe trên vết thương và vết bỏng đã được nghiên cứu rất kỹ tại khắp nơi trên thế giới, riêng công trình nghiên cứu tại ĐH. Galverton (Texas, Mỹ) đã ghi nhận: aloe gel có thể thấm sâu vào mô tế bào, có tác dụng làm tê tế bào, diệt vi khuẩn, siêu vi khuẩn và ngăn sự phát triển của nấm gây bệnh, kháng viêm (chống sưng), làm giãn nở các vi mạch máu, giúp đưa máu về nuôi dưỡng các tế bào bị hư hại.

Tác dụng chống sưng viêm vì phỏng các loại của gel aloe đã được giải thích bằng 3 cơ chế sinh học (Journal of the American Pediatric Medical Association No 84-1994).

Phân hóa tố (enzym) bradykinase (loại carboxypeptidase) trong gel aloe có thể ức chế tác dụng gây đau nhức của bradykinin sinh ra tại nơi tổn thương do phỏng và tương tích tia vũ trụ.

Magnesium lactat trong gel lá Nha đam tươi có khả năng ngăn cản tiến trình tạo histamin. Khi có sự hiện diện của gel aloe, các chất thromboxan B2 và prostaglandin F2 (các chất gây ra sưng và đau nhức) đều giảm bớt.

Hợp chất loại sterol (lupeol) trong gel aloe có tác dụng chống sưng rất mạnh.

Gel aloe đã được chứng minh là có tác dụng ngăn chặn được sự phát triển của các vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (bệnh lao), Staphyloccoccus aureus, Strepto coccus pyogenes (gây mụn nhọt), Salmonella paratyphi, Pseudomonas, Escherichia coli… và các loại nấm gây bệnh như Candida albicans, Trichophyton (nấm trên tóc), và cả siêu vi khuẩn Herpes

Nha đam Aloé vera

Tác dụng chống phóng xạ:
Các thử nghiệm lâm sàng ghi nhận gel aloe giúp vết thương mau lành (International Journal of Dermatology No 30-1991):

Trong thử nghiệm “in vivo” gel aloe làm vết thương mau lành bằng kích hoạt trực tiếp hoạt tính của các thực bào (macrophages của hệ miễn dịch) và tế bào sợi (fibroblast) giúp mau lành vết thương. Sự kích hoạt fibroblast làm gia tăng các sự tổng hợp collagen và proteoglcan… giúp sửa chữa các hư hỏng nơi mô tế bào.

Tác dụng này có lẽ nhờ do các polysaccharid nhóm mannose trong lá Nha đam: Chất mannose-6-phosphat là chất chính tác dụng bằng cách kết dính nơi các thụ thể của các yếu tố tăng trưởng trên bề mặt của các fibroblast và do đó gia tăng hoạt tính của chúng. Hơn nữa, acemannan, một hợp chất phức tạp trong gel lá Aloe cũng cho thấy có khả năng giúp vết thương chóng lành và giảm được các phản ứng tác hại của tia phóng xạ trên da (International Journal of Radiation oncology, biology and physiology No.15-1995).

Cơ chế tác dụng này gồm 2 mặt: trước hết acemannan là một tác nhân kích hoạt thực bào rất mạnh và do đó kích thích sự phóng thích các cytokin, và thứ đến là các yếu tố tăng trưởng có thể kết dính trực tiếp với acemannan, tạo sự ổn định và kéo dài khả năng kích ứng tạo mô tế bào cho da thịt.
Extraction, Purification, Structural Characteristics, Biological Activities and Pharmacological Applications of Acemannan, a Polysaccharide from Aloe vera. (Chiết xuất, tinh chế, đặc điểm cấu trúc, hoạt động sinh học và ứng dụng dược lý của Acemannan, một loại Polysacarit từ nha đam)

Tác dụng trị phỏng: Các vết phỏng độ 1 và 2 khi được chữa trị bằng gel aloe cho thấy thời gian lành vết thương nhanh, đồng thời vết thẹo cũng nhỏ hơn hoặc không để lại sẹo (Journal of burn care and rehabilitation No 3-1982).

Tác dụng này được cho là do chất allantoin trong gel. Aloe gel cũng khá hữu hiệu trong các trường hợp vết thương ngoài da do băng giá và cả phỏng cháy da vì phơi nắng quá độ: khi phân tách tác dụng trên vết thương, cho thấy gel aloe tác dụng như một chất ức chế thromboxan A2, một chất trung gian gây tiến trình hư hại mô tế bào.

– Trong trường hợp phỏng thông thường, vấn đề quan trọng nhất là phải… chữa ngay, bôi gel aloe lên chỗ phỏng càng sớm càng tốt, và điều tốt nhất là dùng ngay một lá Nha dam tươi (trồng tại nhà) làm thuốc, và đây là tiến trình cần làm:

Trước hết làm lạnh ngay vùng bị phỏng bằng cách cách nhúng ngâm trong nước lạnh thường hoặc nước đá chừng 1 phút (lạnh có tác dụng giải nhiệt, làm tê, làm ngưng cảm giác đau và ngăn chặn sự lan tràn của vết thương vì sức nóng trên vết thương để tự nguội sẽ tiếp tục gây phỏng).

Cắt một lá Aloe tươi và gọt bỏ vỏ xanh đi rồi dùng miếng gel trong suốt ấy thoa chất nhày ngay vào khắp vết thương bị phỏng để chất nhày tự khô lại trên vết thương. Có thể lập lại vài lần nếu cần.

Thoa chất nhầy của nha đam (gel d’aloé vera) vào chỗ vết thương.

Tác dụng trị Nấm nơi da và bộ phận sinh dục:
Những thử nghiệm trong ống nghiệm cho thấy gel aloe có thể làm nấm Candida albicans (thủ phạm gây bệnh nấm nơi bộ phận sinh dục phụ nữ ngưng tăng trưởng. Tuy các kết quả này chưa được FDA chấp nhận, nhưng kinh nghiệm dân gian vẫn dùng miếng gel từ lá tươi thoa vùng da háng. Bẹn và cơ quan sinh dục nam hay nữ để trừ nấm gây ngứa và hâm lở…

Thoa chất nhầy của lá nha đam (aloé vera gel) vào chỗ nấm Candida albicans gây ngứa và hâm lở.

Tác dụng kích thích hệ miễn dịch và trị một vài loại Ung thư: các nhà nghiên cứu tại đại học y khoa Tokyo đã tìm thấy chất aloetin A (lectin) và aloin trong gel aloe có khả năng kích thích hệ miễn dịch gia tăng sự sản xuất các thực bào có thể diệt được các vi khuẩn và tế bào ung thư.

Các nghiên cứu tại Nhật và Hòa Lan cho thấy rằng các hợp chất trong gel aloe có thể giúp gia tăng sự hoạt động của hệ miễn dịch bằng cách trung hòa các hóa chất độc hại từ các tế bào hư hỏng và nhờ đó giúp bảo vệ được các tế bào khác còn nguyên vẹn. Một nghiên cứu khác tại trung tâm y học thuộc Viện ĐH San Antonio (Texas), khi nghiên cứu tác dụng của trích tinh Aloe trên tế bào ung thư cũng cho thấy những kết quả khả quan; tuy nhiên về tác dụng của Aloe-emodin trên tế bào ung thư bạch cầu (leukemia) thì chưa được Viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ chấp nhận vì liều sử dụng tương đối cao, có thể gây độc hại cho người bệnh.

Aloe gel và Bệnh tiểu đường:
Một thử nghiệm tại châu âu cho thấy Aloe gel có khả năng làm hạ đường huyết nơi thú vật. Và thử nghiệm lâm sàng tại Thái Lan (1996) trên 72 người tiểu đường, tuổi từ 35 đến 60, uống một dung dịch gel aloe, sau 1 tuần lễ, đường huyết giảm rõ rệt, và tiếp tục giảm đều trong 35 ngày sau đó; nồng độ triglycerid cũng giảm theo với nồng độ đường (Phytomedicine No 3-1996)

 


Aloe gel trong Mỹ phẩm:

Gel aloe được dùng trong nhiều mỹ phẩm, nhất là Kem thoa ngoài da: Nữ hoàng Cleopâtre đã từng dùng gel Aloe vera để thoa da cho bóng, nhưng muốn có một làn da đẹp nên dùng gel aloe tươi, lấy ngay từ lá Nha đam, vì đa số các loại gel “ổn định hóa” của kỹ nghệ mỹ phẩm trên thị trường như các kem thoa da và dầu gội đầu (Shampoo) lại không hề có tác dụng trị liệu như nêu trên. 

Việc lựa chọn một loại Mỹ phẩm cho thật tác dụng cũng là một vấn đề khó khăn; tuy nhiên các thử nghiệm cho thấy, các chất gel aloe ngay sau khi trích khỏi lá cây sẽ bị biến chất rất nhanh, nên kỹ nghệ phải thêm vào ngay những chất chống oxy hóa thích hợp, những chất chống mốc để tránh việc hư hại do vi khuẩn, nấm mốc. Nhiệt độ nóng cũng gây hư hại gel, nên cần tránh sử dụng nhiệt. Thông thường thì một nồng độ 40% gel trở lên mới có thể có tác dụng sinh học.

(Theo tiêu chuẩn của WHO thì chỉ có gel ở trạng thái tươi từ lá mới có tác dụng và cách trích gel được làm như sau: Lấy lá tươi, rửa sạch bằng nước có chứa chlor loãng. Tách bỏ lớp vỏ ngoài của lá kể cả các tế bào hình trụ nói trên. Cần thận trọng đừng đụng đến các phần bì lá màu xanh lục, vì có thể làm ô nhiễm gel bởi các chất nhựa của lá. Có thể sát trùng gel bằng phương pháp pasteurization ở 75°C trong thời gian ít nhất phải là hơn 3 phút).

Trong lá tươi có sẵn chất tự bảo quản nên có thể để lá Aloe vera tươi trong nhà 7 ngày mà không sợ hư.

Một số nhà sản xuất mỹ phẩm thường quảng cáo là Nha đam có thể ngăn chặn sự lão hóa của da, nhưng thật ra gel aloe có khả năng thấm ướt, tạo ẩm độ (moisturizing) trên da, nên làm da bớt bị nhăn tạm thời mà thôi. Gel aloe tươi có thể có tác dụng kích thích sự tổng hợp các chất collagen và sợi elastin, trong tiến trình lành hóa vết thương (nghĩa là từ khi bị thương tích, phỏng, bôi ngay gel aloe lên cho tới khi vết thương lành mà thôi). (International Journal of Dermatology No 30-1991).

Gel d’aloé vera tươi

Tác dụng trị liệu của nhựa aloe:
Tác dụng trị liệu chính thức của nhựa Aloe khô cũng được tây y công nhận là gây xổ, trị táo bón. Tác dụng gây xổ hay nhuận trường của Nhựa Aloe (khô) do các hoạt chất 1,8-dihydroan thracen glycosid, aloin A và B. Sau khi uống aloin A và B, không bị hấp thu nơi phần trên của ruột non sẽ bị thủy phân nơi ruột già bởi các vi khuẩn để trở thành các chuyển hóa chất (chất chính là aloe-emodin-9-anthron). Tác dụng xổ của Aloe thường xẩy ra 6 giờ sau khi uống, và có khi chậm đến 24 giờ sau.

Cơ chế hoạt động của Nhựa Aloe gồm 2 phần:

* Kích thích nhu động ruột, làm gia tăng sự tống xuất và thu ngắn thời gian thực phẩm chuyển qua ruột và làm giảm bớt sự hấp thu chất lỏng từ khối phân.

* Gia tăng sự thẩm thấu tế bào qua màng nhày ruột, có lẽ nhờ sự ức chế các ion Na+, K+, adenosin triphosphatase hoặc ức chế các kênh chlor… đưa đến sự gia tăng lượng nước trong ruột già.

Việc dùng Nhựa Aloe khô làm thuốc nhuận trường, trị táo bón cũng là một vấn đề bàn cãi giữa y học Mỹ và các nước âu châu: Các nước âu châu, nhất là Đức, cho phép dùng nhựa aloe (vị Lô = aloès) làm thuốc xổ (ghi trong German Commission E Monograph) với cách dùng là sử dụng trích tinh khô đã được tiêu chuẩn hóa = Standardized dry extract (theo dược điển âu châu 2 hoặc Dược điển Anh BP 1988) phải chứa từ 19 đến 21% các chất hydro-anthracen. Trích tinh này có lợi điểm là loại được các chất nhựa tạp thường gây ra các phản ứng phụ không tốt. Liều dùng để xổ là 0,05 đến 0,1g trích tinh khô. Tại châu âu, Nha đam là thành phần của các dược phẩm như “Compound Benzoin Tincture”, “Opobyl”, miền Nam VN thời xưa có “Teinture d’Aloès”, “Piluiles Dupuy”…, trong khi đó aloin là thành phần của các dược phẩm “Alophen”, “Purgoids” và các thuốc có gel aloe hiện nay…

Tại Mỹ hiện nay, nhựa Aloe khô được xem là… không nên dùng, nếu không thật cần thiết để trị táo bón; vì ngoài vị đắng, nhựa Lô hội do chứa các hợp chất anthraquinon là những chất gây xổ bằng cách kích thích nhu động ruột và còn gây ra những phản ứng đau quặn nơi bụng và gây khó chịu cho ruột. Nếu dùng quá liều có thể đưa đến xuất huyết đường ruột và cả sạn thận. Phụ nữ có thai và cho con bú không nên dùng thuốc xổ có có nhựa Aloe khô vì tác dụng kích thích tử cung có thể gây ra trụy thai và vì aloe đi qua sữa mẹ có thể gây hại cho trẻ bú mẹ.

Với các trường hợp táo bón, tiêu hóa chậm, giải độc cơ thể, người ta khuyên dùng gel aloe tươi (ăn sống hoặc nấu chè miếng gel aloe tươi lấy từ 100-200g lá Nha đam, có tính nhận trường hoặc xổ nhẹ hơn và giải độc cơ thể.

Tóm tắt:

+ Trị phỏng lửa, phỏng nước sôi, phỏng do phơi nắng, phơi nhiễm chất phóng xạ… dùng gel aloe tươi (trồng sẵn) thoa ngay lên da, ngày một hay nhiều lần…

+ Phơi nhiễm phóng xạ do thức ăn, nước uống, tồn dư thuốc trừ sâu… ăn sống hay nấu canh, nấu chè gel aloe tươi (khoảng 200g) hoặc uống nước cốt Nhàu Noni (50-100 ml/ngày).

DS.Phan Đức Bình
TS.Trần Việt Hưng 04/2011

No comments:

Post a Comment