Sunday, January 28, 2024

"HOA SEN TRONG BIỂN LỬA"...

Muốn biết bản chất thực của ông Nhất Hạnh thế nào thì đừng đọc những cuốn thiền màu mè, cải lương yêu thương, thở rên gì đó, hãy đọc cuốn "Hoa sen trong biển lửa".

Ngày xưa cá nhân tôi cũng rất thích thú với hình ảnh "Sư Ông", nhưng đọc sách xong thì toát mồ hôi hột. Đọc xong mới rõ sự thiên kiến và chủ đích chánh trị của bản thân ông. Ông nói ông "tu hành" nhưng nói rằng chữ "Trung Đạo" của Phật không bao giờ có ở bên ông.

Trước 1975 nếu "mấy thầy" Phật giáo dấn thân, công khai lập đảng chánh trị thì chắc giờ hậu sanh sẽ không nói gì đâu ha? Ngặt cái là có tham vọng chánh trị, sẵn sàng đem bàn thờ Phật đặt trước xe tăng nhưng cứ là "thầy", là "tăng" miết thôi. Thí dụ như Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ của PG Hòa Hảo đó, ông công khai "Thầy lập đảng chánh trị...". Và giờ hậu thế nghiêng mình trước chí khí của ông.

Ông Nhất Hạnh luôn miệng kết án Mỹ này nọ, nhưng cuộc chiến VN không chỉ có Mỹ quăng vũ khí lên đầu dân tộc này, còn có Liên Xô và Trung Quốc thì ông im re. Bom nổ ở Hà Nội thì ông xót, chứ Sài Gòn và những đô thị Miền Nam thời Mậu Thân 68 thì ông cũng làm ngơ. Ông rốt cuộc chỉ "lên án" mỗi Mỹ và "trách nhiệm" hòa bình chỉ quy cho VNCH và người dân Miền Nam là xong.

Cái chữ "hòa bình" và "đấu tranh vì hòa bình" là một phạm trù lịch sử và thực tế cay đắng với dân tộc Việt Nam, nhứt là thời gian đã đi qua, có nhiều kinh nghiệm.

Sĩ phu mà ba ngày không xem sách, thì soi gương mặt mũi đáng ghét, nói chuyện nhạt nhẽo khó nghe”

Bình thời giảng võ, loạn thế độc thư”, thế thì mọi người hiểu được bản chất của hòa bình và chiến tranh ra sao?

Hòa bình và chiến tranh đều là công cụ của chánh trị cả. Đừng bao giờ đem hai cái này ra so sánh để rồi nhìn chiến tranh xám xịt máu me tùm lum còn hòa bình thì hồng tươi xanh mướt, hòa bình là thiên đường, còn chiến tranh là địa ngục. Thực ra hai cái này nó song song, tương hỗ và là anh em nhau đó, trong hòa bình có chiến tranh và có chiến tranh tới hòa bình.

Không phải cứ chiến tranh là xấu và hòa bình thì tốt. Hòa bình trong mệt nhọc, đói rả họng, u trì địa ngục trong cái khoảnh im lặng thanh bình giả tạo cũng không phải là cách sống của kẻ sĩ hiện đại. Hòa bình chỉ là sự tạm im hơi của tiếng súng để chuyển qua chiến tranh mà thôi.

Có câu: ”Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”. Lục Tài Tử nói rằng: ”Nuốt đặng cái cay đắng trong nỗi đắng cay mới làm được hạng người trên cả loài người” đấy thôi.

"Mạng người như rác cỏ
Dây hòa bình còn thắt cổ người tin"

Cái phe đi đâu cũng "hòa bình" thời trước 1975 nhiều lắm. Chẳng phải ông Trịnh cũng từng đó sao? Nhưng cứ mỗi lần nghe giai điệu bài nhạc "Em còn nhớ hay em đã quên" là thấy tức cười

"Em ra đi nơi này vẫn thế
Lá vẫn xanh trên con đường nhỏ
Vẫn lấp lánh hoa trên đường đi".

"Vẫn thế" tức vẫn bình thường, không xáo trộn gì, vẫn sống phè phè, mọi danh dự, nhân phẩm vẫn như cũ, chợ búa vẫn lao xao, áo quần xanh đỏ tím vàng, cơm ăn no sơn hào hải vị.... Tánh xác thực đó xin để ai từng đi qua thời gian ấy cảm nhận:

"Đáy vực, ý tình còn lắng đọng
Góc trời, tâm sự mãi niêm phong
Giang sơn vẫn đợi thời xoay hướng
Tổ quốc hoài mơ lúc rẽ dòng
Nếu trách phiền em luôn lận đận
Thì thương xót chị mãi long đong
Chị ơi, lịch sử mang thương tích
Vẫn nở hoa hồng trên bại vong"(Hồ Trường An)

Lép nhép về ông Nhất Hạnh nghe vui. Là vì mấy năm trước ông cũng nhăn nhúm xe lăn. Rồi nay cũng phải đi về nơi xa lắm. Đời người vô thường. Không biết ông có được về cõi Cực Lạc của "Bụt A Di Đà" không? Nhưng ai cũng nhớ, sư Pháp Hải sau vụ "thắng lợi" trước vợ chồng Bạch Xà, lúc chết Phật không cho vô Tây Phương. Lý do gì từ tự tâm mà biết.

Chết nào đã hết, chết chỉ là trạng thái tạm. Cái danh ngàn đời mới quan trọng. Cái câu "Phóng hạ đồ đao lập địa thành Phật" (Buông con dao đồ tể xuống, đứng ngay đó mà thành Phật) của Phật giáo Bắc Tông là một câu cực kỳ đạo đức giả, thực tế chỉ là câu "dụ" tín đồ đi theo.

Đức Phật đã nói: “Thật dễ thấy lỗi người. Quá khó để nhận ra lỗi mình”. Đức Phật đã dạy: “Kẻ ngu mà không nhận mình ngu, mới thực sự là ngu. Còn người ngu nhưng biết mình ngu thì trong mức độ nào đó cũng là khôn”.

Địa Tạng Vương Bồ Tát từng nói rằng: “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật. Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ đề” (Địa ngục chưa hết người thì ta thề không thành Phật. Chỉ khi nào chúng sanh được độ hết thì ta mới chứng Bồ đề)

Đoạn trường lắm! Không ngồi vạch lá tìm sâu, chẳng ai đổ thừa, đổ lỗi rồi bị quy chụp là dân Miền Nam nó "thua" nên tự ti và tức nên giờ lôi ông sư già đang nằm trong hòm ra bơi móc. Không có đâu! Sự thực rành rành, ai cũng phải chịu trách nhiệm với vai trò lịch sử của mình chứ.

Jane Fonda rốt cuộc nhận sai lầm và phải xin lỗi đó. Jean Marie Mérillon, cựu đại sứ cuối cùng của Pháp tại Sài Gòn viết trong hồi ký rằng:

"Sống ở Việt Nam lâu năm, tôi cảm thấy thương xứ sở nầy.

Tội nghiệp cho họ, họ có thừa khả năng dựng nước, nhưng cái quyền làm chủ quê hương đã bị các cường quốc chuyền tay nhau định đoạt.

Tôi xin lỗi người Việt Nam. Tôi đã làm hết sức mình nhưng không cứu vãn được nền hòa bình cho dân tộc Việt".

Nguyễn Gia Việt

No comments:

Post a Comment