Thursday, December 28, 2023

XÁ LỢI TÓC CỦA ĐỨC PHẬT...?

Trên mạng đang bàn về sợi tóc của Đức Phật cách đây đã hơn 2.600 năm trước ở một cái chùa nổi tiếng của một vị "sư" cũng lắm tai tiếng.

"Xá lợi tóc Đức Phật" nào ở một cái chùa, ở một quốc gia khác mà "cho mượn" dễ dàng như vậy? Các bạn trẻ đang so sánh với cỏ Pili.

Thôi thì....!
Trên đời này cái quý nhứt là tình người và cái duy nhứt có thể sưởi ấm nhân gian là sự yêu thương san sẻ. Thành ra khi ta còn người thân, gia đình và bạn bè kế bên thì ta chẳng sợ gì hết trước những bất trắc của cuộc sống. Nhìn mọi thứ tự nhủ là nó nhẹ thì nó sẽ nhẹ và ta sẽ bước qua được.

Nhiều người siêng lạy xá lợi, lạy sư, lạy tượng nhưng ở nhà không lạy ông bà cha mẹ. Nghĩ đơn giản một chút để tinh thần mình thanh thản hơn, tâm thế cân bằng hơn.

Đức Phật Thích Ca luôn xiển dương, vun bồi tinh thần cho chúng sanh, những thứ thuộc về tinh khí và cái tâm của mỗi chúng sanh. Những điều hay thuộc về Đức Phật mà chúng sanh có thể lãnh hội đặng là: Trung Đạo, Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế, Công Bình Bác Ái và Bình Đẳng, không sợ Sanh Lão Bịnh Tử và chấp nhận nó để An Hòa, Tinh Thần trong quán chiếu Vô Úy, tinh thần Vô Trụ...

Đức Phật chưa bao giờ cho rằng Ngài là thần linh hay Thượng Đế. Ngài chưa bao giờ bảo Ngài có quyền năng ban phước cho những ai kính tin Ngài, sùng bái Ngài, và giáng tai họa đến những ai không kính tin, không sùng bái Ngài.

Đức Phật chỉ là người tìm ra chân lý và dẫn đường cho chúng sanh đến với chân lý đó. Khi còn sống, Ngài đâu có lập giáo, đâu xưng là giáo chủ, Ngài chỉ là người tu tập để chỉ chúng sanh con đường diệt khổ, người dẫn đường, tu kiểu Phật là bỏ cái bản ngã mình xuống hết.

“Hãy tự xem con là hải đảo của con, hãy tự xem con là nơi nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác” (Trường A-hàm, kinh Đại bát Nát Bàn)

Và Ngài cũng dạy:
Chính các ngươi là kẻ bảo hộ cho các ngươi, chính các ngươi là nơi nương tựa cho các ngươi” (Kinh Pháp Cú, kệ 380).

Ai cũng chết, Đức Phật chết, chúng sanh chết. Người chết đem chôn thì bị dòi bọ đục khoét phân hủy, còn thiêu thì thành tro bụi và khói. Chết là cát bụi trở về với cát bụi. Con người đều ở trọ trần gian, một đời người ngắn ngủi, sanh, lão, bịnh, tử.

Người chết rồi thì không còn gì hết, tắt thở, mắt không thể thấy, tai không thể nghe, lưỡi cũng không thể động, thân thể cứng đơ như đá. Đó là tất cả các căn thảy đều bại hoại, không có tác dụng, năng lực của sáu căn đều bị mất hết. Không ai giữ cái gì bên mình sau khi chết. Mọi thứ để lại là tinh thần, là những tiếng hay, tiếng tốt và tiếng xấu mà thôi.

Bát Nhã kinh viết rằng: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng).

Nhưng chúng ta ý thức rằng, có sống sẽ có chết, chết là hết, chỉ còn danh là còn ở lại. Cái danh con người mới là cái để lại thực tế cho đời, danh tốt và danh dơ. Bia đời, bia miệng mới là bia trường cửu.

Xá lợi là những gì còn lại sau khi thiêu đốt một thân xác người chết, mà người đầu tiên trong Phật giáo chính là Đức Phật. Xá lợi chỉ là biểu tượng trong tôn giáo. Suy cho cùng nếu là thiệt thì nó cũng chỉ là vật chất vô tri vô giác.

Xin hãy nhớ rằng! Tu tập trong Phật pháp chủ yếu là tu tâm, là tự mình an tâm, an xứ, tự mình giác ngộ. Không có bất cứ vật nào, bất cứ ông sư bà ni nào có thể giúp mình giác ngộ hay trụ xứ. Đức Phật dạy rằng: "Hãy tự bản thân mình thắp đuốc lên mà đi”.

Ai cũng nghĩ rằng sống làm đủ trò, có tiền đi chùa lạy xá lợi này khóc xá lợi kia, nâng sư này bợ sư nọ là có phước, là giác ngộ chăng? Khi chết có quy tụ đông sư tăng rình rang cúng tế, vậy là "thoát nợ đời" chăng? Đức Phật không có khả năng giải tỏa nợ đời của chúng sanh.

Kiểu đó kẻ nào dù không "thực" mà có tiền, giàu có thì phước đức hơn vạn lần kẻ nghèo rồi. Làm gì có chuyện làm điều xấu rồi lên chùa cúng dường là giải được nghiệp hết sạch sành sanh. Ăn chay, phóng sanh, làm thêm những việc thiện khác chỉ là hoa lá cành thôi, không có khả năng gột rửa cho người đó nếu thực sự họ sống không tốt.

Phật quan niệm bình đẳng chúng sanh và chúng sanh đều phải tự ý thức bản thân của mình mà sống tốt. Tất cả chúng ta, tự tâm mình, tự ý thức mình, xấu tốt, phước họa do mình, tự đốt đuốc mà đi, chẳng ai đốt đuốc dùm ta được đâu.

Cao tăng giờ khó kiếm. Những ông sư um sùm, nổi tiếng đều không phải cao tăng. Cao tăng mà làm show, làm event, gây shock giỏi hơn Trấn Thành. Cao tăng hám danh kiểu đi lọng che, chiêng khua trống gõ, bắt Phật tử cúi đầu rạp xuống đất đón mình.

Cao tăng ngồi giữa chánh điện giải vong là không có rồi. Trong chùa, trong chánh điện thì ma quỷ, vong nào dám vô để quậy quọ mà giải? Cao tăng là người rất đơn giản. Nói kiểu Lão Tử là kẻ biết là kẻ không nói, không thể hiện. Kẻ không biết mới thể hiện.

Càng có tuổi, tui càng thấy rõ những cái um sùm là hư vô, ảo ảnh. Thiên hạ giờ tu kiểu truyền thông, tức là màu mè và hình thức là nhiều. Cái quan trọng là bản thân mình, dân tộc mình thì họ cố ý hoặc không có khả năng nhận thức nên bỏ qua. Tui trọng Phật, nhìn Phật đi tới và tìm hiểu, nghiền ngẫm triết lý của Ngài, nhiêu đó làm cả đời chưa xong. Sống ở đời thấy thời bây giờ nhiều sư có tánh cải lương và màu mè.

Tự nói với mình:
- Chẳng ai độ mình được ngoài bản thân mình
- Chẳng ai có khả năng trải thảm giác ngộ giúp mình ngoài chính mình
- Chẳng ai cầu siêu được mình ngoài tâm thức của chính mình
- An trụ trong chính tâm chánh của chính con người mình

Một cọng tóc hay cọng lông, hay cọng cỏ? Không nói lên điều gì từ những triết lý của Đức Phật. Bình an thiệt sự trong tâm, không bình an bề ngoài. Bình an là khoảnh lặng trong lòng, là tâm mình nhẹ lại.

Sống theo Đức Phật để rèn luyện đạo đức và sống cho thành nhân chớ không phải vì một sợi tóc không rõ nguồn gốc...!

Nguyễn Gia Việt

No comments:

Post a Comment