Wednesday, December 20, 2023

Ông Chủ

Hễ nhắc đến bao sự khó khăn của thủa ban đầu lập lại cuộc đời trên miền đất mới, nhiều người thường ví von, chẳng hạn họ như bắt đầu bằng con số không to tướng hoặc với hai bàn tay trắng. Riêng tôi chẳng những hơn họ hẳn tới ba con số không, lại thêm con số năm to tướng đứng đằng trước. Nghĩa là tôi bắt đầu cuộc sống trên đất Mỹ với món nợ trên năm ngàn đô la. Bởi tôi phải ký giấy nợ tiền vé máy bay đưa ba người trong gia đình nhỏ bé của tôi từ bên trại tị nạn Mã Lai đi định cư, cộng với mọi chi phí nhà thương lúc sinh đứa con trai thứ hai, sau đúng bốn ngày đến Mỹ. Vì chúng tôi đã rời Worthington, một thành phố nhỏ nằm phía cực Nam bang Minnesota, nơi tôi được bảo trợ vào nước Mỹ, để dọn về San Diego, nên không thể xin chính quyền duyệt xét lại được. Tuy nhận lãnh tới hai món nợ quá lớn, tôi lại cảm thấy nhẹ tênh, bởi chỉ phải trả góp tổng cộng hai mươi đô la một tháng. Giống như cắt bớt đi một phần nhỏ số tiền chính phủ trợ cấp cho gia đình tôi sinh sống.

Tôi chẳng rõ các nơi khác sự trợ giúp người tị nạn ra sao, riêng tại San Diego vào thời điểm năm 1977, gia đình tôi ngoài việc được cấp phát đầy đủ tiền bạc để sinh sống, còn nhận thêm trợ giúp tiền mua thực phẩm, bảo hiểm y tế, thuê nhà giá rẻ… Riêng việc học tiếng Anh, vào lớp chẳng những không phải trả cắc bạc nào, tôi may mắn theo học một khóa ba tháng. Học tám tiếng mỗi ngày, năm ngày một tuần, được lãnh mỗi giờ hai đô la rưỡi, ngang với mức lương tối thiểu tại California. Cái tên tiểu bang dài lòng thòng, được người Việt cắt bớt chỉ còn hai chữ Cali, vừa dễ gọi vừa đáng yêu, đỡ phải cong môi uốn lưỡi.

Vài ngày trước khi mãn khóa học, bỗng dưng anh bạn ngồi cạnh tôi vắng mặt. Đến buổi học chiều, thấy anh trở lại lớp, tôi gạn hỏi:

– Sao anh nghỉ học sáng nay vậy?

Anh đáp:
– Ồ! Nhà trường gởi tôi đi xin việc.

Tôi hỏi tiếp:
– Công việc gì vậy anh?

– Đan vợt racquetball.

Hai tiếng "đan vợt" khiến mắt tôi sáng lên. Bởi vài hôm trước, nhân lúc ngồi tán gẫu cùng bè bạn, hỏi han nhau về công ăn việc làm tại San Diego, tôi nghe một người huyên thuyên nhắc đến racquetball, một môn chơi trong gian phòng chữ nhật. Người chơi dùng một loại vợt cán ngắn, khung nhỏ hơn vợt tennis chút đỉnh, thi nhau đánh mạnh quả bóng vào tường cho văng ra chạm xuống sàn. Ai để quả bóng nảy trên sàn quá một lần sẽ bị thua một điểm. Đây là môn thể thao với mục đích vận động thân thể hơn là tranh tài cao thấp cho khán giả xem. Nhưng điều khiến tôi chú ý và ao ước tìm được công việc này, bởi có thể làm tại nhà, như vậy điều lo lắng nhất của tôi là phải giao tiếp bằng tiếng Anh không trở ngại chi nữa!

Tôi nôn nóng hỏi:
– Anh có xin được công việc đó không?

Anh bạn lắc đầu:
– Họ chỉ nhận người có kinh nghiệm thôi.

Tôi buột miệng hỏi tiếp:
– Anh có thể chỉ tôi đường đi, để tôi tới đó xin thử xem có may mắn hơn anh không?

Anh lấy từ túi áo ra đưa cho tôi mảnh giấy ghi địa chỉ. Thấy cách nhà tôi độ chục dặm đường, thế là sau giờ tan học, tôi lái xe tìm tới đó ngay. Đến nơi mới biết, đây chẳng phải một hãng xưởng, mà là một ngôi nhà nằm trong khu dân cư.

Tôi nghe rõ tiếng chuông binh bong vừa bấm, rồi một người đàn ông da trắng kém tôi vài tuổi, thân hình rắn rỏi, bước ra mở cánh cửa cái. Đứng bên ngoài khung cửa lưới, dù đã nhẩm đi nhẩm lại khá nhiều lần, tôi vẫn phải cố hết sức mới bập bẹ thành lời:

– Thưa ông… tôi đến đây… xin việc làm.

Ông nhìn tôi vừa lắc đầu vừa đáp:
– Tôi không cần người làm nữa!

Tôi nghe và hiểu trọn vẹn câu này, nhưng vẫn đứng nguyên một chỗ dương mắt bối rối nhìn ông. Tôi nhớ rõ lắm, tạng người tôi lúc đó cao hơn một thước bảy, mặc quần size hai mươi bảy, cân nặng dưới bốn mươi bảy ký lô… Ông nhìn tôi chằm chằm một lúc, có lẽ thương hại một người đàn ông da vàng mũi tẹt ốm yếu, mới lên tiếng hỏi:

– Anh có kinh nghiệm đan vợt không?

Vì không muốn đánh mất cơ hội tốt này, tôi đành phóng đại:
– Tôi… tôi… đã có chút kinh nghiệm… đan vợt ở Việt Nam.

Thế là ông mở rộng cánh cửa lưới cho tôi bước vào nhà. Ông đến đứng bên một khung sắt đen, cao hơn một thước tây chút đỉnh. Tôi đoán đây chắc là dụng cụ đan vợt. Ông chỉ tay vào đó, lên tiếng hỏi:

– Anh từng sử dụng công cụ đan vợt này chưa?

Lần này câu tôi trả lời thật hơn một chút:
– Thưa ông chưa…. có lẽ… có lẽ… dụng cụ đan vợt bên Việt Nam… cũ hơn ở đây. Nhưng… nhưng… tôi tin là nếu… nếu… tôi thấy cách ông đan… chắc chắn tôi sẽ làm được.

Lắng nghe tôi cố gắng diễn đạt vừa dứt, ông cầm một cây vợt màu đen tuyền lên, vừa gắn vào máy vừa dẫn giải từng động tác một. Lần trò chuyện ấy tôi hiểu ông bằng đôi mắt nhiều hơn giọng nói. Qua những động tác liên tục biến đổi tôi biết, khi đặt cây vợt vào máy đan cần vặn thật chặt, để khung vợt không bị lực dây kéo làm thay đổi hình dạng. Sau mỗi lần căng dây, ông đều dùng cái kẹp kẹp chặt sợi dây lại, giữ cho dây luôn căng đều cùng một lực. Đan xong bề dọc, ông hướng dẫn tôi đan chiều ngang. Ông cẩn thật chỉ vẽ cách đặt hai ngón tay trỏ phía trên và phía dưới đường dây dọc, cứ thế nhịp nhàng đẩy sợi dây nằm giữa hai ngón tay, sao cho dễ dàng luồn lên luồn xuống. Bàn tay ông hơi to nhưng nhịp nhàng đưa đẩy đều đặn, nhìn chẳng khác gì người lực sĩ đang bơi bướm trồi lên hụp xuống lấy hơi trên mặt nước. Đôi bàn tay ấy cũng đóng mở hai cái kẹp liên tục, để luôn giữ cho đồng đều sức căng mỗi đường dây. Ông liên tục mở kẹp, đóng kẹp, luồn lách ngón tay mỗi lần căng thêm dây. Ông làm điêu luyện, thuần thục, mất chưa tới mươi phút đã đan xong một cây.

Lấy cây vợt ra khỏi máy xong, ông đập nhè nhẹ lên đầu gối như để cảm nhận độ căng của dây, rồi lên tiếng hỏi:

– Anh có thể đan được như vậy không?

Tôi suy nghĩ tìm câu chữ một lúc mới cố diễn đạt:
– Xin ông vui lòng… cho tôi mượn một mảnh giấy… với một cây bút… để tôi ghi chép lại… từng động tác ông làm.

Nhìn ông đi vào một căn phòng, tôi mừng thầm biết ông hiểu đúng điều tôi muốn. Vài phút sau bước trở ra ông trao cho tôi quyển sổ với một cây bút. Sau đó ông lấy cây vợt khác đặt lên máy, tiếp tục đan. Giống như lần trước, vừa làm ông vừa luôn miệng dẫn giải. Tôi chỉ lặng thinh dương mắt quan sát thật kỹ và ghi ra giấy. Đan xong cây vợt nữa, ông lại hỏi:

– Anh có thể đan được chưa?

Lúc đó đầu óc tôi quá căng thẳng vì vừa nghĩ tiếng Việt vừa phải dịch sang tiếng Anh. Phần phải chú tâm vừa nghe, vừa nhìn vừa ghi ghi chép chép. Giọng tôi vẫn ấp úng:

– Xin ông vui lòng… đan thêm một cây nữa… để tôi kiểm soát kỹ lại… những gì tôi vừa ghi trong quyển sổ này.

Sau khi ông đan xong cây vợt thứ ba. Đến phiên tôi tự tay vặn chặt cây vợt vào chiếc máy. Việc căng dây theo chiều dọc khá dễ dàng, tôi không gặp trở ngại nào. Đến chừng đan bề ngang, mỗi lúc thấy tôi ngập ngừng hay đan sai, ông lại chỉ ngón tay vào quyển sổ. Tôi với ông hiểu nhau vẫn bằng cử chỉ hơn lời nói. Cuối cùng sau cả giờ đồng hồ tôi mới đan xong cây vợt racquetball đầu tiên.

Nhìn ông đưa cây vợt lên ngắm nghía với nụ cười trên môi, tôi mừng vô hạn. Trong lúc vẫn chưa biết phải làm gì tiếp, ông đã lên tiếng:

– Bây giờ tôi bận chút công chuyện phải đi ra ngoài khoảng hai giờ đồng hồ. Anh có thể ra về hoặc ở đây tiếp tục đan cho tới khi tôi quay trở lại.

Ông nói thật chậm, giúp tôi hiểu trọn vẹn lời ông. Tôi mừng quá đỗi, gật đầu nói nhanh, giọng vẫn ấp úng:

– Tôi… tôi sẽ ở lại đây đan… cho… cho tới lúc ông trở về.

Cánh cửa vừa khép lại, tôi ngồi xuống chiếc sofa êm ái, như để trút bỏ hết mọi nỗi căng thẳng suốt gần hai giờ qua. Tôi đảo mắt khắp gian phòng khách ngăn nắp, đẹp đẽ chẳng khác gì cảnh trong phim ảnh. Từ cái bàn cà phê hình trái xoan với mấy tờ tạp chí Times, Sports, nhật báo San Diego Union đặt bên trên, từ cái tủ tivi bóng lộn màu gỗ nâu, cho đến cái lò sưởi như toát ra vẻ thanh lịch, ấm cúng. Nhìn ra bên ngoài hàng hiên phía sau ngôi nhà, cả một khu vườn xanh lá cùng vài khóm hoa hồng, y như một công viên nho nhỏ. Tiếc là tôi không thể ngắm lâu, vì phải bắt tay ngay vào công việc.

Đan cây vợt thứ hai này tôi cảm thấy nhanh hơn cây đầu tiên khá nhiều. Nhưng than ôi khi kiểm soát lại tôi nhận ra đã mắc một sai lầm, để một đoạn dây đan ngang không tròng chéo theo đúng thứ tự! Cả hai đều nằm phía trên, thay vì phải sợi trên sợi dưới liên tục đều nhau. Tôi phải đau lòng cắt bỏ đan lại. Nhìn bao cọng dây vàng ươm vứt bừa bãi trong thùng rác, tôi đâm lo sẽ bị ông phát hiện, mới vội vàng nhặt hết từng cọng lên nhét vào hai túi quần để phi tang.

Đến chừng ông trở lại, tôi cũng đan vừa xong cây vợt thứ tư. Ông nhìn thật kỹ ba cây vợt tôi vừa đan, gật gù nói:

– Tôi sẽ trả cho anh bảy mươi xu một cây vợt.

Thấy tôi nhìn ông cười thật tươi, ông nói giọng vui đùa:
– Vậy là hôm nay anh làm được hai đô la tám mươi xu rồi đó.

Tôi càng mừng hơn khi nghe rõ từng câu ông hỏi:
– Ngày mai anh muốn tới đây đan vợt nữa không?

Tôi chỉ biết gật đầu lia lịa, cố gắng giải thích để ông hiểu, mãi đến cuối tuần này tôi mới mãn khóa học. Tôi xin ông cho tôi tiếp tục lại nhà ông đan vợt sau giờ tan lớp. Ông vui vẻ gật đầu. Tôi cười thật tươi lúc bắt tay từ giã, hân hoan mở toang cánh cửa bước đi, đối nghịch hoàn toàn với tâm trạng nặng trĩu suy tư lúc lái xe đến đây.

*
Kể từ sau ngày mãn khóa học tiếng Anh có nhận lương, mỗi ngày tôi đều đến nhà ông, làm liên tục suốt từ sáng cho đến khi trời tối mịt. Đúng hai tuần sau ngày tôi đặt chân vào ngôi nhà này. Ông chờ đến khi tôi dọn dẹp lại chỗ làm việc chuẩn bị ra về, mới từ trong buồng bước ra, bảo tôi ngồi xuống sofa, còn ông ngồi trên chiếc ghế đối diện. Ông đưa cho tôi một tờ giấy trắng, vẫn với giọng thật chậm rãi:

– Anh viết rõ tên họ, số an sinh xã hội, số bằng lái xe, số điện thoại và địa chỉ nơi anh đang ở vào mảnh giấy này cho tôi.

Nhìn phớt qua tờ giấy tôi vừa trao, ông tự giới thiệu mình:
– Tên tôi là Brant, B R A N T. Họ của tôi là Bauder, B A U D E R.

Ông nói rõ ràng, còn đánh vần từng chữ một. Ông bảo tôi lập đi lập lại cho tới khi phát âm đúng. Ông cũng đọc và đánh vần tên họ tôi. Quả không ngờ giọng ông khá chính xác, khi phát âm hai dấu hỏi, dấu ngã có trong tên tôi.

Chiều hôm đó ông ký tấm ngân phiếu đầu tiên trao cho tôi rồi nói:
– Hôm nay tôi cho anh đem cái máy đan này về nhà cùng với một thùng vợt ba mươi cây. Đan xong anh mang tới đây cho tôi rồi nhận thêm vợt mới để đan tiếp.

Tôi vừa nghe được câu nói hằng mong đợi từ ngày đầu đến đây. Lòng tôi như reo vui lúc khiêng cái máy đan vợt đặt vào trong thùng xe. Về đến nhà niềm hân hoan liền lan tỏa sang cho bà vợ. Tôi líu lo tuôn ra hết những điều vừa học được suốt thời gian qua. Mấy ngày trước tôi là đứa học trò tập tành làm quen từ cách cột chặt sợi dây, cho đến việc xoay trở chiếc máy… Giờ tôi nghiễm nhiên trở thành một ông thầy chỉ vẽ cho bà vợ mọi việc cần làm. Giống hệt như lần đầu Brant giải thích rõ từng động tác cầm kềm, cắt chéo đầu dây thành mũi nhọn,… Vợ tôi cũng dương to đôi mắt nhìn từ ngón tay đến bàn tay tôi nhịp nhàng di chuyển, luồn lách như múa may cùng cây vợt, cái kẹp và luôn cả mấy cọng giây.

Để giúp nhà tôi có thể thực tập ngay, tôi nghĩ ra một sáng kiến. Cho bà vợ đan bề dọc, phần dễ dàng nhất trẻ con cũng làm được, tôi sẽ đan tiếp bề ngang sau. Nhìn vợ tôi tươi cười cúi mặt chăm chú đan, xem ra có vẻ nể nang tôi lắm! Tôi nhẩm tính trong đầu theo lối suy nghĩ đậm chất Việt Nam, rồi từ tốn phân tích về cái tương lai sáng rỡ của hai vợ chồng:

– Hiện giờ mỗi tiếng đồng hồ anh có thể đan khoảng năm sáu cây vợt. Nếu anh chỉ đứng đan mười tiếng một ngày thôi! Ôi như vậy mỗi tháng mình kiếm được bạc ngàn dễ như chơi.

Vợ chồng tôi cứ thế "phấn khởi hồ hởi" vừa làm vừa huyên thuyên dệt mộng. Ba chục cây vợt mang từ nhà Brant về lúc ban chiều, nhờ sáng kiến độc đáo vừa phát sinh, chúng tôi thanh toán chớp nhoáng, mắt chưa buồn ngủ mọi việc đã xong xuôi.

Qua sáng sớm hôm sau tôi điện thoại cho Brant hẹn giờ giao vợt. Tôi quả bất ngờ nhìn gương mặt Brant nhăn nhúm lại lúc rút một cây vợt lên xem. Brant còn đổ hết cả thùng vợt bày đầy ra thảm. Với gương mặt giận dữ, đôi mắt láo liên, Brant tìm kiếm trong đống vợt một lúc, bước tới nhặt lên hai cây, đưa ra trước mặt tôi, gằn giọng hỏi:

– Anh có làm đúng như tôi đã hướng dẫn không?

Tôi mạnh dạn đáp:
– Dạ… dạ… rất đúng… rất đúng thưa ông.

Giọng Brant quả quyết:
– Không, anh chỉ đan đúng có mỗi một cây thôi, hai mươi chín cây kia hoàn toàn sai bét hết!

Tôi lẳng lặng cầm hai cây vợt Brant vừa trao, một cây như hình trái xoan, còn cây kia tròn vo, chẳng khác chi khuôn trăng rằm. Tôi nhận ra cái lỗi của mình. Bởi khi để vợ tôi đan bề dọc trước, nên lúc tháo cây vợt ra khỏi máy, sức căng dây đã làm biến dạng khung vợt. Tôi như một tội đồ, đau đớn, câm nín đứng nhìn bàn tay Brant lần lượt cắt hết dây hai mươi chín cây vợt, sau đó phải cố uốn, cố nắn từng cái khung cho trở lại hình dáng cũ. Cả giờ đồng hồ sau, Brant trao lại thùng vợt và cuộn dây đan mới cho tôi, nghiêm mặt nói:

– Anh mà không làm đúng như lời tôi chỉ dạy, tôi sẽ lấy cái máy đan lại và không nhận anh làm việc cho tôi nữa! Anh hiểu rõ lời tôi nói không?

Tôi gật đầu lia lịa, miệng chỉ biết lí nhí lập đi lập lại mấy câu xin lỗi. Tôi cũng muốn bồi thường cho sự thiệt hại lớn lao này, nhưng tôi không đủ trình độ tiếng Anh để hỏi Brant xem giá cả hai mươi chín sợi dây anh phải cắt bỏ là bao nhiêu? Sau tai nạn thảm sầu đó, sự việc đần độn ấy không xảy ra nữa. Việc đan vợt của vợ chồng tôi mỗi ngày mỗi tiến bộ hơn. Vài tháng sau Brant giao cho tôi tất cả bốn cái máy đan vợt ông hiện có. Thế là cả bố mẹ lẫn các em tôi đều trở thành người làm công cho Brant.

*
Brant và tôi ngày một hiểu nhau tăng dần theo số vốn liếng tiếng Anh tôi học hỏi thêm được. Tôi còn xem Brant là một vị thầy dạy tiếng Anh cho tôi. Bởi Brant biết tôi thường phạm lỗi khi trả lời tiếng "phải" (yes) hay "không" (no) trong các câu hỏi ở thể phủ định. Có lần Brant hỏi tôi:

– Anh không phải đến lớp học chiều nay sao?

Tôi gật đầu đáp:
– Phải, phải… thưa ông chiều nay tôi không có lớp.

Brant liền dạy tôi sửa lại:
– Một khi trả lời "phải", anh phải nói là: Phải, chiều nay tôi có lớp. Một khi trả lời "không", anh phải nói là: "Không", chiều nay tôi không có lớp. Vậy anh cho tôi biết, chiều nay anh có đến lớp học không?

Tôi mạnh dạn đáp:
– Không… không chiều nay tôi không có lớp.

Mỗi khi nghe tôi phát âm sai, Brant cũng kiên nhẫn chỉ tôi nói đi nói lại nhiều lần cho thật đúng. Ngoài việc chỉ dạy thêm tiếng Anh, Brant giúp tôi chấn chỉnh lại đôi chút về cung cách làm việc hơi cẩu thả, cố tình che dấu sự sai phạm của mình. Bởi tôi biết mỗi lần kiểm soát, Brant chỉ rút mỗi thùng vài ba cây vợt lên xem xét thôi, nên đôi lần tôi dấu nhét mấy cây vợt đan không đúng độ căng vào thùng. Một lần Brant bắt gặp những bốn cây kém chất lượng. Chẳng những Brant không tức giận, trách phiền, mà chỉ ôn tồn hỏi tôi:

– Anh biết vì sao nhiều người trên thế giới ưa chuộng các sản phẩm mang nhãn hiệu Hoa Kỳ không?

Tôi đáp:
– Vì bền bỉ và chất lượng cao.

Brant gật đầu nói tiếp:
– Để đạt được điều đó người Mỹ luôn cẩn trọng trong mọi công việc sản xuất. Tôi khuyên anh, khi đan xong cây vợt nào, anh hãy tự đặt câu hỏi: Nếu anh là người mua, anh có chọn cây vợt anh vừa đan không? Trả lời thông suốt câu hỏi đó, tức là anh đã góp phần vào việc bảo vệ cho thương hiệu của Mỹ rồi! Anh dư biết, nếu số vợt tôi đem giao cho hãng bị trả lại nhiều, họ sẽ không tiếp tục giao vợt cho tôi nữa, chắc chắn sự việc này sẽ ảnh hưởng đến mọi người trong gia đình anh.

Lời Brant phân tích chỉ dạy đó giúp tôi nhìn lại hành động chính bản thân mình để tự sửa đổi, nhờ thế công việc mỗi ngày càng ít trở ngại hơn.

Có lần Brant mang đến nhà tôi cả mấy ngàn cây vợt, rồi hỏi:
– Cho tôi biết chừng nào nhóm của anh đan xong số vợt này?

Tôi hỏi ngược lại:
– Ông muốn tôi giao vợt lại cho ông trong vòng mấy hôm?

– Độ một tuần lễ có thể xong không?

Tôi nhẩm tính một lúc rồi bảo Brant:
– Chỉ bốn hoặc năm ngày thôi, thưa ông.

Và cũng kể từ lần đó Brant hiểu thêm về sự siêng năng, cần cù của người Việt Nam. Vì vậy mỗi lần giao việc cho tôi, Brant thường bảo cứ thong thả làm, nhưng đâu một ai trong đại gia đình tôi chịu thong thả! Hễ có vợt là bố mẹ tôi, vợ chồng tôi, các em tôi chỉ ngừng đan lúc ăn cơm hay cần vào nhà vệ sinh. Đôi khi không thể chờ tôi tới nhà nhận vợt, Brant thường dấu chìa khóa cửa trên kèo nhà, nơi chỉ riêng tôi với Brant biết.

Bởi công việc được trả dựa vào con số vợt trao và nhận, tuy sự nhầm lẫn hiếm khi xảy ra, nhưng vẫn có. Lần đó tôi thấy hai con số khác biệt, liền báo cho Brant:

– Tuần này ông đã trả cho tôi thiếu ba cây vợt.

Brant kiểm soát lại sổ sách, lắc đầu xác quyết:
– Tôi không sai. Tôi chỉ trả cho anh đúng theo con số tôi ghi cẩn thận trong quyển sổ của tôi thôi.

Thấy sự sai biệt chẳng nhằm nhò gì, tôi liền nhún vai:
– Tốt thôi, không sao hết.

Đến một lần khác, con số vợt Brant trả nhiều hơn con số tôi ghi. Tôi cũng báo cho Brant biết:

– Ông trả cho tôi dư đúng một chục cây vợt.

Vẫn như lần trước, Brant xem lại sổ sách rồi quả quyết:
– Anh sai chớ tôi không sai.

Brant nghênh mặt lên nói tiếp:
– Ở đây tôi là chủ! Anh phải nhận đủ số tiền Ông Chủ trả cho anh.

Tôi cũng chỉ biết nhún vai, bỏ tấm ngân phiếu vào túi. Và kể từ đó hai tiếng "Ông Chủ" luôn ở trên cửa miệng tôi mỗi khi nhắc đến Brant.

Ông Chủ chẳng những chỉ quan tâm đến công việc đan vợt mà còn nghĩ đến tương lai những người làm công cho ông. Một lần Brant khuyên tôi:

– Nghề đan vợt này chỉ giúp gia đình anh có được cuộc sống tạm đủ thôi. Tôi khuyên anh với các em của anh nên ghi tên học một ngành nghề nào khác ở mấy đại học cộng đồng hay một trường dạy nghề nào đó, để có thể tìm được một công việc làm tốt, thì tương lai gia đình các anh mới vững vàng hơn.

Nhờ lời khuyên chân thành đó, tôi ghi tên học vài lớp tại trường cao đẳng Cộng đồng San Diego. Tôi được thu nhận theo một khóa học nghề thợ tiện. Học và thực tập trong vòng ba tháng, được nhận lãnh ngang bằng mức lương tôi theo học khóa tiếng Anh. Có cấp bằng rồi, nhà trường còn giới thiệu học viên đến các công ty lớn trong quận hạt San Diego xin việc. Thêm một lần nữa tôi may mắn được nhận vào làm cho hãng Rohr ở Chula Vista. Đây là một công ty chuyên sản xuất các cơ phận thuộc ngành hàng không và không gian. Tôi làm ở đó mãi cho đến khi xin nghỉ hưu.

Tuy tìm được một việc làm vững chắc, lương cao, nhưng chính công việc đan vợt giúp tôi có được một cuộc sống gia đình chẳng mấy khác nề nếp khi xưa. Nghĩa là ông chồng ra bên ngoài kiếm sống, bà vợ ở nhà chăm sóc gia đình, con cái. Nhờ vậy cha con tôi luôn có người lo cho từ bữa cơm đến giấc ngủ, cho dù bà vợ tôi luôn bận bịu với công việc đan vợt hàng ngày.

*
Cả gia đình lớn của tôi làm việc cho Ông Chủ gần chục năm trời. Làm mãi cho đến hôm Brant đến tận nhà báo tin, Brant sẽ bỏ hẳn nghề đan vợt. Dù vậy Brant giới thiệu tôi với mấy người bạn vẫn theo đuổi nghề nghiệp này. Brant tặng tôi luôn cái máy đan làm kỷ niệm. Tôi bùi ngùi khi biết Brant cũng sẽ rời bỏ căn nhà ở San Diego, và chẳng rõ sắp lưu lạc nơi phương trời nào!

Những tháng ngày sau đó, mỗi năm một lần tôi mới biết tin Brant qua tấm thiệp Giáng Sinh. Thiệp Brant gởi tới nhà chẳng những đặc biệt còn riêng biệt nữa. Mỗi tấm thiệp tuy khác nhau, nhưng chỉ nhìn phớt qua hình ảnh vui tươi dí dỏm, chưa cần thấy nét chữ, tôi biết ngay đó là của Brant.

Góp nhặt lại bao lời trong những tấm thiệp, tôi biết Brant đã trở thành một phi công của hãng American Airlines. Brant kể về bao chuyến phi hành đầy lý thú. Nào Brant vinh dự được tham gia phi hành đoàn đầu tiên bay đến Venice, một thành phố nổi tiếng với nhiều kinh đào dọc ngang của nước Ý, trên chiếc Boeing 787. Nào vào một ngày Hè rực nắng, Brant lái chuyến bay sang Hồng Kông, lưu lại đó cả tuần lễ, rong chơi trong Disneyland và lang thang khắp các nẻo phố phường. Vào đêm cuối cùng Brant cùng bạn hữu dùng bữa tối trên tầng thứ một trăm mười sáu của tòa nhà cao nhất Hồng Kông. Brant kể thêm, trước khi nghỉ làm việc cho American Airlines. Brant được bay chuyến cuối với Randy Taylor, viên phi công trưởng tuyệt vời, để cùng đến Thượng Hải rồi quay trở về Los Angeles. Sau ngày đó Brant bay chiếc Cessna Citation X hùng dũng, một loại máy bay dân sự nhanh nhất hành tinh của hãng NetJets.

Brant cũng báo cho tôi biết khi lập gia đình với một nữ văn sĩ. Tuy tôi không tham dự lễ cưới, nhưng hình ảnh và tình yêu thương chan hòa của đôi lứa, cũng ngập tràn qua những gì Brant gởi kèm theo thiệp Giáng Sinh. Rồi vợ Brant qua đời đột ngột, không có lấy một đứa con! Tôi cảm nhận được nỗi mất mát to lớn ấy cũng chỉ qua những cánh thiệp. Brant dần lấy lại thăng bằng trong cuộc sống qua cách san sẻ tình yêu thương cho hai con chó cưng. Loại chó Brant nuôi cũng cao to, mạnh mẽ nhưng hiền lành giống chủ.

Rồi Brant bước thêm bước nữa cùng một bà mẹ đơn thân. Tôi cảm nhận tình yêu thương nồng nàn đầy tràn hạnh phúc của một gia đình mới. Từng câu chữ Brant viết trong thiệp Giáng Sinh tiếp tục lay động lòng tôi. Tôi ghi ra đây mấy lời thân thương từng nhận được:

Hưởng và Dĩ thân yêu nhất.

Hy vọng hai bạn có một Giáng Sinh vui vẻ và một năm mới tuyệt vời!
Đã quá lâu rồi tôi mới có thời gian để gởi thiệp Giáng Sinh, nhưng xin hãy tin nơi tôi khi tôi nói rằng, tôi thường xuyên chân thành nghĩ về hai bạn. Gần đây cuộc sống tôi bận rộn lắm, nhưng rốt cuộc chúng tôi cũng tìm được thời gian để cùng với gia đình nghỉ ngơi ở Hawaii. Hy vọng mọi người trong gia đình bạn đều khỏe và cuộc sống về hưu của hai bạn luôn tuyệt vời.

Luôn yêu thương thật nhiều.

Adam, Amelia và Brant.

Sang một năm khác, vẫn bao nhiêu lời lẽ chân thành ngắn gọn ấy.

Hưởng và Dĩ thân yêu nhất.

Tôi luôn nghĩ về hai bạn, thường kể cho bạn bè tôi nghe câu chuyện của gia đình hai bạn nữa. Tha lỗi cho tôi vì tôi không thể gặp bạn thường xuyên như trước đây. Nhưng cuộc sống là như vậy đó! Tôi chúc cả hai bạn một mùa Giáng Sinh và một năm mới hạnh phúc.

Luôn yêu thương thật nhiều.

Adam, Amelia và Brant.

Còn đây, chữ nghĩa của Brant viết trong tấm thiệp Giáng Sinh năm 2022.

Hưởng và Dĩ,

Có thể hai bạn không biết điều này. Đó là một trong những niềm vui lớn nhất trong cuộc đời tôi là nhận được thiệp Giáng Sinh của hai bạn hàng năm. Qua đó tôi biết được tình hình gia đình hai bạn như thế nào. Hưởng, Dĩ, và từng người thân của hai bạn là tất cả những gì mà "Giấc Mơ Mỹ Quốc" hướng tới và tôi rất vui khi được trở thành một phần trong Giấc Mơ Mỹ Quốc đó. Hy vọng bạn có một năm tuyệt vời và tốt nhất hơn bao giờ hết.

Luôn yêu thương thật nhiều.

Adam, Amelia và Brant.

Quả đúng những gì Brant viết. Ngày tôi trốn tù cải tạo đưa cả đại gia đình mười bốn người gồm ba thế hệ vượt biển, chúng tôi ra đi chỉ với mục đích tìm tự do, để được sống đúng với phẩm cách một con người. Chúng tôi đến đất Mỹ với thân phận người tị nạn, xem đây là chốn tạm dung. Nhưng không, lần hồi thời gian giúp tôi nhận nơi đây chính là quê hương thứ hai. Cho dù đầu óc tôi chưa hề dệt "Giấc Mơ Mỹ Quốc". Nhưng con người và đất nước này cũng ban cho tôi và gia đình tôi mọi điều thật tốt lành mà nếu có ước mơ cũng không thể nào đẹp đến như vậy. Brant đã viết: Brant là một phần trong giấc mơ đó. Với riêng tôi tuy Brant chỉ là một phần, lại là phần quan trọng nhất. Nhờ Brant giao cho tôi công việc đan vợt, mà mỗi gia đình nhỏ trong gia đình lớn của tôi đều mua trả góp được một mái ấm riêng, chỉ hơn một năm sau ngày định cư trên đất Mỹ.

Sự thân thiết giữa chủ và thợ lan sang cả các con tôi. Tôi từng thấy đôi mắt Brant trìu mến nhìn con tôi bò lê bò la dưới sàn nhà, cạnh chiếc máy đan vợt quanh chân mẹ. Tôi cảm nhận được vòng tay thân ái lúc Brant ôm các con tôi vào lòng, hay nhét vào tay cho chúng bọc kẹo cùng mấy món đồ chơi nho nhỏ hình người nhện hay siêu nhân. Qua việc vợ tôi lưu lại mọi tấm thiệp Brant gởi đến, như cất giữ cẩn thận những gì thân thương nhất. Qua việc con cháu tôi học hành thành đạt,… Tôi thấy rõ mọi thứ tôi có hiện giờ đều thấp thoáng hình bóng Brant trong đó.

Với cuộc sống đã qua đi hơn ba phần tư thế kỷ, tôi có thể xác quyết Brant là Ông Chủ duy nhất và vĩnh viễn nằm sâu trong tâm khảm tôi. Ngày tôi rời mái trường lên đường nhập ngũ, Ông Chủ tôi chính là quê hương đất nước Việt Nam, chớ không phải ông tá hay ông tướng nào chỉ huy tôi. Từ ngày đặt chân đến quê hương thứ hai, tôi làm việc với toàn những ông giám sát, trưởng phòng hay giám đốc, không ai là Ông Chủ tôi hết. Bởi họ chỉ giao phó công việc mà không trực tiếp phát lương cho tôi, bằng chính đồng tiền trong túi hay trong ngân hàng của họ.

Đời tôi trải qua nhiều khúc quanh cũng như trạm dừng chân. Nếu ngày hôm ấy tôi không rẽ vào một khúc quanh rồi đến bấm chuông nhà Brant, tôi không biết cuộc sống gia đình tôi sẽ đi theo chiều hướng nào? Dù sao chăng nữa, tôi luôn trân quý tất cả, từ tâm tình cho đến con người gởi thiệp chúc mừng đến gia đình tôi liên tục, đều đặn không bỏ sót một Giáng Sinh nào suốt gần năm mươi năm qua. Những cánh thiệp cứ đến gần mùa của hy vọng, của tràn đầy tình yêu thương, vợ chồng tôi luôn mong đợi và háo hức mỗi khi mở ra đọc nhất.

– Sapy Nguyễn Văn Hưởng

No comments:

Post a Comment