Monday, December 18, 2023

NIỀM VUI KHÔNG TRỌN

Thuở nhỏ tôi có hai thú đam mê: câu cá và coi đá banh. Cả hai cái thú này đều do cậu tôi bày vẽ cho. Mà bày tới nơi tới chốn. Ông vốn thích đi câu cá. Thường ông đi câu với mấy ông chú tôi. Khi tôi và đứa em kế được khoảng mười tuổi, ông mang theo chúng tôi. Chia phiên mỗi đứa một tuần. Đầu tiên tôi đã thấy hứng thú, không phải vì mấy con cá lội sâu dưới nước chẳng thấy đâu, mà vì khúc bánh mì kẹp chả chiên thì là rất hấp dẫn mà ông mua mang theo ăn trưa. Được ăn nguyên một cái bánh mì dài thòong không phải cắt chia cho đám anh chị em đông đảo là miếng mồi thích thú câu tôi đi câu. Chiếc bánh mì thơm phức này có ngay nạn nhân.

Đó là những chú cá nằm tuốt tận dưới bùn lầy. Bởi vì tôi là một tay sát cá có hạng. Chỉ qua vài lần học những bài vỡ lòng, tôi đã góp phần khá phong phú vào chiếc giỏ cá mang về vào cuối ngày. Thứ cá mà chúng tôi câu hồi đó là cá giếc. Chúng có những thói quen riêng. Khi tìm mồi chúng chỉ tìm ngay trên mặt lớp bùn dưới đáy ao đáy hồ chứ không lảng vảng ở phía trên. Lúc đớp mồi chúng nghếch mõm lên để nuốt. Bằng vào những thói quen đó, mồi câu là những chú giun đỏ ngắt đôi cái đầu còn ngọ nguậy phải được đặt ngay trên mặt lớp bùn bằng cách chỉnh chiếc phao cho đứng thẳng nửa ngoi lên trên nửa chìm dưới nước. Khi cá ăn mồi, nghếch mõm lên, chiếc phao sẽ nằm bềnh ngang mặt nước. Đúng lúc đó phải nhẹ nhàng búng đầu cần câu cho lưỡi câu móc vào môi cá và kéo thẳng lên một cách nhanh chóng. Nếu để chậm, cá mắc mồi quẫy trong nước, các con cá khác trong đàn còn lảng vảng quanh đó sẽ thấy động chạy hết. Một đàn cá khi một chục khi hai chục con, nếu khéo câu, sẽ móc lên được bằng hết. Tôi thường thường chẳng để sót một chú cá nào trong cả đàn.

Mỗi khi đi câu, chỗ của nhóc con như tôi là ngồi trên porte-bagage xe đạp của cậu tôi. Những đoạn cành câu được tháo rời ra cột chặt theo chiều dài của xe đạp. Lắt lẻo trên tay lái là những túi đựng đồ ăn của người, mồi của cá và giỏ đựng cá câu được. Khi tôi lên trung học, có xe đạp riêng thì tôi đã qua thời kỳ tập sự, tự sửa soạn mọi thứ, tự chuyên chở lấy nhưng vẫn chưa được đi câu riêng. Chỗ ngồi câu thường là những ao hồ ở chung quanh Hà Nội, có những bụi tre già rậm rạp ít người lui tới. Có bị rắn bò ra dọa hay lỡ sẩy chân té xuống ao sẽ chẳng có ai biết đó là đâu. Vì vậy, chúng tôi vẫn chưa được đi câu một mình. Những ngày Chủ nhật, lớn bé mỗi người một chiếc xe, chúng tôi vẫn phải phụ thuộc vào cậu tôi nhưng không phải chia phiên đi theo nữa.

Cái thú thứ hai, phải nói là một đam mê mới đúng, là coi đá banh. Cũng chính cậu tôi là người dẫn dắt trong ánh mắt không bằng lòng của mợ tôi. Cậu tôi cắt nghĩa cho chúng tôi hiểu về luật đá banh, kỹ thuật đá như thế nào là hay. Còn cái đam mê sống chết với môn thể thao hấp dẫn này, cậu tôi không cần chỉ, tôi cũng có. Cứ mỗi thứ năm là anh em chúng tôi ra cửa đón cậu tôi đi làm về. Đứa nào cũng muốn là người đầu tiên cầm được tờ báo Khỏe chuyên về thể thao trong tay. Đầu tiên là chờ ở cửa, càng về sau, cự ly càng ngày càng xa hơn. Đầu đường, ngã tư, đứa nào cũng muốn dành phần thắng. Sau cùng thì cậu tôi cũng có một giải pháp. Luân phiên ưu tiên đọc báo nhưng ấn định thời gian đọc. Tuần này tôi được đọc trước trong nửa giờ thì tuần sau tới lượt đứa khác. Trật tự được vãn hồi với một chút bất tiện: đứa chưa đến lượt đọc biểu lộ sự sốt ruột bằng mọi trò gây rối.

Chủ Nhật là ngày đi coi đá bóng. Hồi ở Hà Nội là sân Mangin, gần cột cờ. Vào tới Sài Gòn là sân Vườn Ông Thượng, sau đổi tên thành sân Tao Đàn và sau đó là sân Thống Nhất. Khi chúng tôi chưa có xe đạp riêng thì cậu tôi na đi được hai đứa, một đứa ngồi đằng trước trên dàn xe, một đứa ngồi sau trên porte- bagage có cột một chiếc gối cho êm bàn tọa. Khi chúng tôi có xe đạp thì cha con dắt díu nhau đi. Chúng tôi không phải mua vé vào sân, nhưng mỗi người lớn chỉ được kèm một trẻ em nên cậu tôi cứ luôn miệng cười cầu tài với những người vào cùng để nhờ họ kèm theo đám con bao giờ cũng trên một đứa. Khi vào Sài Gòn, người đông của khó, thân xác chúng tôi lại không còn kích thước được đi kèm, phải mua vé. Khi thì mua được vé, khi thì đi trễ hết vé phải mua giá chợ đen nơi những người đầu cơ bán vé dạo. Lúc đó, chúng tôi nhiều khi không mua được vé nhưng vẫn cứ lẻn vào sân được. Khi thì leo rào, khi thì chui qua lỗ hổng của hàng rào do tập thể khán giả không vé xé ra, khi thì nhào vào sân theo đám khán giả chen chúc nhau qua cổng. Cứ loanh quanh một hồi thì cái thân đam mê cũng bay vào được trong sân.

Cả cha cả con cứ mê mệt với sân banh là một điều không vừa ý mợ tôi. Những gian nan vất vả để cha con thoát ra khỏi nhà được đều là công khó đầy sáng tạo của cậu tôi. Khi tôi trở về thăm gia đình, cậu tôi đã trên tám chục tuổi, nhưng đam mê coi đá banh vẫn còn sôi nổi như ngày nào. Chiếc ghế dựa trước màn ảnh truyền hình chẳng bao giờ thiếu hơi cậu tôi khi có đá banh. Có những trận đấu trực tiếp truyền hình vào lúc nửa đêm khuya khoắt, cậu tôi cũng không bỏ qua mặc những lời cằn nhằn của mợ tôi. Tôi sống ở nước ngoài, phần vì cuộc sống, phần vì môn hockey nhanh nhẹn và hấp dẫn hơn, niềm đam mê đã hao hụt đi nhiều. Thấy mặt tôi là ông bảo ngồi bên cạnh trong khi mắt ông vẫn không rời màn ảnh. Cậu tôi hầu như không biết đến sự cạn kiệt niềm đam mê của tôi ngày nhỏ. Mười năm xa nhà của tôi là một thời gian vô nghĩa đối với ông.

Tôi ra đi trong tình huống không bình thường tuy là đi chính thức bằng máy bay. Chiếc xe thuê đưa gia đình tôi lên phi trường Tân Sơn Nhất rời nhà từ năm giờ sáng. Chỉ trước khi ra đi, tôi mới tin cho hàng xóm hay và lên xe liền. Vậy mà cậu tôi đã có mặt tại nhà tôi từ sáng sớm. Ông là người thân duy nhất tới với tôi vào giờ phút tôi rời xa quê hương. Dựng chiếc xe honda trên hè nhà, ông cứ quanh quẩn với hết đứa cháu này tới đứa kia. Bốn đứa con tôi, tuổi từ 12 tới 4, như những sợi dây mà ông không thể buông tay ra được. Tới giờ lên xe, tôi mời cậu tôi lên phi trường, ông lắc đầu. Tới lúc đó tôi mới thấy những giọt nước mắt vương trên mặt ông. Đây là lần thứ hai ông chia tay gia đình tôi. 

Năm năm trước, cũng vào một buổi sáng tinh mơ, ông đã bịn rịn khi gia đình tôi leo lên chiếc xe xích lô máy ra ga xe lửa đi Nha Trang để gieo mình vào một chuyến vượt biên. Lần đó, ông cũng cố dấu những giọt nước mắt. Khi xe chuyển bánh, tôi quay nhìn lại, thấy vai ông rung nhè nhẹ. Lòng lo sợ cho những giờ phút gian nan đánh cuộc với số mệnh bằng sinh mạng của vợ con sắp tới, tôi chỉ muốn quay trở lại để hứa với ông tôi sẽ không bao giờ nuôi ý định đi xa nữa. Nhưng tôi chẳng thể nào lùi được. Guồng máy đã vận hành. Chỉ có xuôi tay chạy theo. 

Cũng như ông đã phó mặc cho may rủi khi đưa gia đình hồi cư về Hà Nội năm xưa. Ngày đó, bảy người trong gia đình lúc thúc theo người dẫn đường được ông thuê từ trước, men theo những bờ ruộng trong đêm tối, trượt lên trượt xuống. Đứa bé bảy tuổi là tôi, vai đeo chiếc túi vải, đi sát theo người đàn bà dẫn đường. Ông dắt chiếc xe đạp cột chiếc nôi đứa con nhỏ mới năm tháng đi tập hậu như một cánh chim chở che những người thân. Cả gia đình lầm lũi đi. Không ai nói với ai một câu. Người dẫn đường đã dặn phải tuyệt đối im lặng kẻo lộ diện bị bắt trở lại. Thỉnh thoảng tôi quay lui để thấy khuôn mặt ông lạnh căm. Ông như muốn trấn áp những hồi hộp lo lắng của một người mang trách nhiệm với sáu người thân đang dấn thân vào những rủi ro một đời. Chỉ khi đã bước chân vào tới vùng tề, người dẫn đường xong công việc quay trở lại, ông mới tiến lên phía trước khi chúng tôi sắp tới chiếc đồn gác đầu tiên. Khẩu súng trên tay tên lính Lê Dương làm anh chị em chúng tôi run lập cập. Ông vỗ nhẹ vào vai tôi trước khi nói chuyện với tên lính gác. Ông vốn làm việc cho Không Quân Pháp trước ngày tản cư khỏi Hà Nội nên tên lính gác vội đưa ông vào trong đồn. Đứng bên ngoài sân đồn canh, tôi run lập cập trước những tên lính Pháp dềnh dàng qua lại, những khuôn mặt đen kịt với những vết rạch trên má của đám lính Phi châu đánh thuê. Tôi thấy lo cho ông. Chẳng biết ông có còn ra được với gia đình không. Khi ông tươi cười bước ra với tên sĩ quan Pháp, hối mọi người lên xe trở về nhà cũ, tôi như thấy ông cao hơn với vẻ bình thản của một người thừa công lực che chở cho những người thân.

Giờ tới lượt tôi. Cũng như ông ngày xưa, tôi dẫn vợ con vào một cuộc phiêu lưu muôn phần hiểm nguy hơn ông ngày xưa. Không chỉ là đoạn đường vài chục cây số, không phải chỉ là những bờ ruộng nhỏ nhưng vẫn còn đủ chỗ đặt được bàn chân, chuyến đi trong trách nhiệm của tôi sẽ ngàn dặm, sẽ phải chống chỏi với sóng nước hung dữ và vô tâm. Khác với ông gần bốn chục năm trước, tôi đã thua cuộc. Cuộc chơi với sinh mạng đã bị bể, tôi lếch thếch trở về. Nét mặt ông rạng rỡ khi ôm lại được những đứa cháu tưởng đã ngàn trùng chia xa. Giờ tôi lại ra đi. Không còn những phiêu lưu sống chết, không đối mặt với hiểm nguy, sự chia lìa sẽ là chắc chắn, ông lại có mặt. Nhưng cậu tôi sợ cái giờ phút đứt đoạn khi cánh phi cơ bốc gia đình tôi lên khỏi đất nước nên ông không theo lên phi trường.

Khi ra đi, cả ông và tôi đều nghĩ chắc chẳng có ngày cha con gặp lại nhau nữa. Chia tay là rốt ráo. Vậy mà mười năm sau tôi đã trở về. Buổi sáng, ông thường thức sớm để kịp đi lễ nhất vào lúc 5 giờ. Đi lễ về, ông mới chăm sóc cây cối trong vườn nhà, quét tước và sửa chữa những chỗ hư hỏng. Tôi ngồi trong phòng nhìn ông làm việc, lòng như thấy chẳng có gì thay đổi. Ông vẫn tráng kiện, xốc vác, vẫn giữ những đam mê ngày cũ, vẫn ham đọc sách báo. Và vẫn dính chặt với những trận đấu bóng tròn. Cha con tôi ít nói chuyện với nhau mặc dù cả ông và tôi đều là những người hay nói. Cho tới bây giờ tôi cũng chẳng hiểu tại sao. Ngay từ những ngày tôi còn nhỏ, mỗi lần thiếu tiền tiêu, tôi mới chờ tới lúc cậu tôi lấy xe đi làm, chạy theo, lúng búng trong miệng xin tiền. Bao giờ ông cũng móc ví, hỏi cần bao nhiêu và luôn luôn cho số tiền trên mức tôi xin. Lớn lên những cuộc nói chuyện tay đôi với ông chỉ xảy ra khi có chuyện thật quan trọng cha con cần bàn với nhau. Vậy mà lúc nào tôi cũng biết là ông rất thương tôi. Và khi tôi lập gia đình ông cũng rất thương vợ tôi. Những ngày tôi đi tù cải tạo, ông là người lo lắng cho gia đình tôi hết sức chu đáo.

Lúc tôi đưa vợ về thăm ông thì ông đã ngoài chín chục và sức khỏe đã kém đi rất nhiều. Ông nằm trên giường, lấy tay che ánh nắng chiếu qua cửa sổ, nheo mắt nhìn vợ chồng tôi, mặt như bối rối không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi cúi xuống, cầm tay ông:

“ Cậu! Con về đây này. Cậu nhận ra con không?”

Một lúc sau ông mới chống tay ngồi dậy, cười giả lả:
“ San đấy à? Nắng chói mắt quá tôi nhìn không ra.”

Tôi biết ông nói trớ ra như vậy. Ông đã phải mất một thời gian để định thần rồi mới nhìn ra đứa con tám năm ông chưa thấy mặt. Tôi chỉ nhà tôi:
“ Cậu có nhận ra ai đây không?”

Ông nheo mắt. Ngồi một hồi. Rồi cúi mặt không nói. Ông không nhận ra đứa con dâu đã mười tám năm xa ông. Lần trước tôi trở về không có nhà tôi, ông rất khỏe, còn đi được xe đạp loanh quanh. Ông bỏ không đi xe honda từ lúc nào, tôi không rõ. Nhìn thấy ông nằm bệnh, tôi như thấy một hình ảnh lạ. Tôi không nhớ ông có lúc nào bị bệnh không ngoài lần ông bị bệnh hoàng đảm từ ngày còn ở Hà Nội, khi tôi còn ở bậc Tiểu Học. Có lẽ trời cho ông một sức khỏe quá tốt nên lần ông bị bệnh đó, tôi nhớ rất rõ. Ông ngồi trên chiếc ghế xếp bằng vải, da mặt vàng ệch, tròng trắng mắt cũng vàng như nghệ, bên cạnh ông là gói bánh mì khô biscotte trong giấy bóng kính. Cái cảnh ông ở nhà suốt ngày là một việc chưa bao giờ xảy ra. Trông ông khó chịu như một người tù. Thương ông, tôi không biết tỏ lòng ra sao ngoài việc lê la trên sàn đá hoa bên cạnh ghế, lúc thì học bài, lúc thì mang đồ chơi ra chơi. Ông ngồi chăm chú đọc cuốn tạp chí Sélection du Reader’s Digest, thỉnh thoảng giơ tay ra xoa đầu tôi.

Tôi cố giúp ông nhớ ra vợ tôi:
“ Mẹ con Uyên đấy! Cậu nhớ ra không?”

Ông gật đầu. Nhìn vào ánh mắt ông, tôi biết cái gật đầu của ông không có ý nghĩa gì. Trí óc ông vẫn chưa về với ông. Ông hỏi loanh quanh:
“ Anh đi máy bay về à?”

Tôi cười:
“ Dạ! Đi máy bay chứ đâu có đi xe honda được!”

“ Tôi bây giờ đi honda cũng không được nữa! Mà đi máy bay chắc cũng không được. Anh đi có lâu không?”

“ Lâu lắm cậu ạ! Nguyên ngồi trên máy bay cũng phải mất cả ngày. Đó là không kể thời gian chờ đổi máy bay ở Nhật Bổn cũng mất thêm chục tiếng đồng hồ nữa.”

“ Anh có ở Nhật bổn nữa à?”

“ Vâng, nhưng chỉ ghé phi trường Tokyo thôi.”

Ông gật đầu, mỉm cười.
“ Lần trước anh đi Nhật Bổn có mua về cho tôi đôi giầy. Sao giầy họ làm đẹp và êm thế nhỉ? Đi sướng cả chân!”

Tôi không ngờ ông nhớ được chuyện xa xôi đến như vậy. Lần trước đó cũng cách đây cả ba mươi lăm năm, khi tôi có công tác phải sang Nhật. Đôi giầy đó ông rất thích. Hóa ra nó còn bám víu được vào ký ức của ông đến tận bây giờ!

“ Hồi đó khi nó rách, tôi mang đi sửa đi sửa lại tới mấy lần. Mãi sau thì rách quá hết cách sửa mới phải vứt đi. Nếu nó còn tới bây giờ, tôi cũng chẳng đi được nữa. Già rồi! Còn đi đâu nữa mà giầy với dép!”

Tôi thấy nhói trong lòng. Cậu tôi đã chịu cái già. Tám năm trước, khi tôi về thăm nhà lần đầu, ông vẫn cứ liều mạng làm những việc mà người già không nên gắng làm. Ông không chịu nhận mình đã già, dù lúc đó tuổi ông đã tám mươi bốn. Có lần tôi đã phải lớn tiếng với ông:

“ Cậu già thì phải nhận là già chứ! Khi sức khỏe không cho phép mình làm những việc quá sức thì cậu không nên làm, kẻo nguy hại.”

Nghe tôi nói, ông xì một tiếng, nguây nguẩy quay đi. Tám năm của cái tuổi trên tám chục là thứ thời gian phản phúc. Cậu tôi đã xếp ve dưới sức nặng của nó.
“ Chân tôi hồi này yếu lắm. Đi không được. Phải chống gậy.”

Ông chỉ tay vào chiếc gậy dựng trong góc giường. Tôi cầm chiếc gậy chống thử.
“ Con nhớ hồi trước Dung có gửi cho cậu chiếc gậy có bốn chân cơ mà. Sao cậu không dùng?”

Ông không nói gì. Bà chị tôi xen vào:
“ Có đấy. Cậu còn cất trong kia kìa. Nói thế nào cậu cũng không chịu chống gậy đó. Cậu bảo là trông già!”

Bà chị tôi ôm miệng cười, tiếp:
“ Cậu không chịu già đâu. Còn cái bàn chống cậu Dung gửi về nữa. Nhất định không dùng là không. Đi bằng cái bàn chống đó vững chắc, tiện lợi biết bao, cậu Dung lại mua thứ tốt, đồ từ Mỹ gửi về, ai trông cũng thấy đẹp, vậy mà cậu cứ lắc đầu nguây nguẩy không đụng tới!”

Tôi biết tính cậu tôi. Ông khó khăn khi phải chấp nhận những thực tế không vừa ý. Tôi nói vào:
“ Ở bên đó những người già đều cố gắng tập đi, chứ không chịu lệ thuộc vào con cháu. Con thấy họ khỏe mạnh, tự tin và yêu đời. Cậu nên cố gắng tập đi mỗi ngày.”

Ông nói ngay:
“ Nhưng mỗi lần đi vất vả lắm!”

Tôi tiến tới:
“ Vì vậy mới phải tập!”

Buổi chiều, khi tôi đi phố về, thấy ông đang chống chiếc gậy bốn chân chậm chạp đi ở ngoài sân. Thấy tôi, ông cười khoe:
“ Tôi đi được hai vòng rồi đấy!”

Tôi khuyến khích:
“ Cậu cứ tập dần, mỗi ngày thêm một ít, cố gắng hết sức mình, khi nào mệt thì nghỉ, đừng ráng quá độ, chỉ ít lâu nữa là cậu đi được, chẳng cần ai đỡ cả.”

Nhìn vợ tôi đứng bên cạnh, ông ngập ngừng nói như ân hận:
“ Tôi nhận ra mẹ con Uyên rồi. Hồi này khác quá, béo ra nhiều, bây giờ tôi mới nhận ra!”

Vợ tôi cười:
“ Vâng, con có đổi khác nên cậu không nhận ra. Cũng gần hai chục năm rồi còn gì nữa! Mấy đứa nhỏ bây giờ lớn cả rồi. Mai mốt chúng về thăm ông chắc ông chẳng nhận ra được đâu. Cậu có nhớ chúng con có mấy cháu không?”

Ông ngẩn người như đang lục lọi ký ức.
“ Chịu! Lâu quá rồi còn gì nữa!”

Tôi cảm thấy xót xa. Bầy cháu ông thương đã lọt ra khỏi lòng ông. Chắc thế nào cũng phải thu xếp đưa chúng về thăm ông bà một lần.
“ Tụi con có bốn cháu tất cả.”

Ông vẫn ngẩn ngơ. Vợ tôi nhắc tên từng đứa. Cũng chẳng giúp gì được cho cái trí nhớ đã bị lấy cắp hết dữ kiện của ông. Nhà tôi quay sang tôi, nói nhỏ.
“ Tội cậu quá!”

Buổi tối, nhà tôi bấm vai tôi, cười rúc rích.
“ Em biết tại sao cậu thương anh rồi!”

Tôi nhíu mắt hỏi.
“ Tại sao?”

Vẫn chưa hết nụ cười.
“ Tại vì anh giống cậu như đúc!”

Tôi chợt nghĩ. Chắc tôi giống bố thật. Mấy năm trước, bà thím dâu sống ở Pháp đã lâu, có việc qua chỗ tôi tạm cư, trong một buổi họp mặt, đã tiến tới hỏi tôi. Con ông Trưởng Hưng phải không? Tôi ngớ người ra, bà tiếp. Tôi là thím của cậu! Tôi chào bà. Sao thím nhận ra cháu? Bà xuề xòa. Trông giống bố như đúc thế này làm gì tôi không nhận ra! Dễ chừng đã gần bốn chục năm bà chẳng hề thấy tôi.

Vợ tôi bồi thêm.
“ Càng già càng giống!”

Tôi giỡn.
“ Anh mà già à?”

 Đấy, thấy không! Không chịu già. Giống bố như hệt. Tri thiên mệnh rồi đấy anh ơi!”

Tôi lặng thinh chẳng nói được gì. Như bị nàng bắt được chân cẳng. Vợ tôi xoa tóc tôi.
“ Muối nhiều hơn tiêu rồi ông ơi!”

Tôi chống chế.
“ Tóc gin đấy! Nhuộm vào thì lại thanh niên như ai ngay!”

Nhà tôi tố thêm.
“ Đừng có mộng trò phồn vinh giả tạo! Mà này, từ nay anh làm ơn tập thể dục thường xuyên dùm em nhé. Lười như anh sợ còn chống gậy trước cậu ấy chứ! Vậy mà còn bày đặt khuyên cậu chịu khó tập! Không biết mắc cở!”

Tôi nhắm mắt dỗ giấc ngủ. Người tôi lơ mơ trong những suy nghĩ không đâu. Một mai, khi tôi già như cậu tôi, tôi sẽ ra sao? Trong đầu tôi lướt qua những thăng trầm của cuộc đời. Thế hệ tôi sinh ra trong nhiễu nhương của đất nước. Sống nhiều hơn, gian truân cũng nhiều hơn. Có nhiều ông bạn cho rằng lứa tuổi chúng tôi được sinh ra trong lúc vận nước bấp bênh đầy kịch tính nên cuộc sống phong phú hơn những thế hệ trước và sau. Ba lần chuyển đổi cuộc sống vì những thay đổi chính trị của đất mẹ đã làm chúng tôi sớm trưởng thành hơn. Với hồi cư, di cư, di tản, chúng tôi đã phải gieo mình vào những tình huống bất ưng. Chúng tôi tồn tại bằng những thương đau liên tiếp đổ xuống đầu và bằng những cố gắng ngoi lên trong những hoàn cảnh ngặt nghèo. Chúng tôi đã phải già trước tuổi!

Quãng đường phải tới, không ai tránh được, tôi đang bước vào. Cậu tôi hầu như sắp nuốt xong đoạn đường khó chịu đó. Thú câu cá, cậu tôi đã bỏ ngay từ ngày di cư vào Nam. Ông chỉ câu ao, và chuyên trị loại cá giếc, những thứ trong Nam không có. Thú coi đá banh bây giờ vẫn còn bám riết lấy ông. Ông anh rể tôi, người luôn ngồi trước máy truyền hình với ông, lắc đầu.

“ Cậu vẫn còn mê coi đá banh lắm, nhưng chỉ coi ban ngày thôi. Ngày trước, những trận truyền hình trực tiếp những trận quốc tế vào ban đêm, chẳng bao giờ cậu bỏ. Bây giờ thì chịu, tối nào cậu cũng phải đi ngủ sớm.”

Ông vẫn chăm chú vào màn hình, bỏ ngoài tai câu chuyện của chúng tôi nói về ông. Những chân cẳng trong màn hình hút tất cả sự chú ý của ông. Tôi hỏi.
“ Hồi này cậu còn đọc báo đọc sách không?”

Theo dõi tin tức thời sự, đọc truyện chưởng là những món nghiện ngập của cậu tôi. Tôi còn nhớ khi mới di cư vào Nam, cậu tôi muốn mua một chiếc máy thu thanh nhưng mợ tôi không bằng lòng. Cuộc sống mới còn nhiều thử thách trước mặt làm bà phải chắt chiu từng đồng bạc. Trong bữa cơm, cậu tôi nói là nếu mua máy thu thanh thì khỏi phải mua báo mỗi ngày, đỡ tốn kém. Mấy đứa chúng tôi đứa nào cũng muốn có máy để nghe nhạc nói thêm vào. Mợ tôi đành chịu. Ngày cha con tôi đi mua máy thu thanh là một ngày hội. Mang được chiếc máy kềnh càng chạy bằng đèn về, chúng tôi xúm vào nghe suốt ngày. Cậu tôi quả có bỏ mua báo, nhưng chẳng được bao lâu. Những truyện chưởng hấp dẫn nơi trang trong của tờ báo hàng ngày khiến ông lẳng lặng tiếp tục mua báo. Tôi không nhớ ông có bị mợ tôi cằn nhằn không.

Ông vẫn dán mắt vào màn ảnh nhỏ như không nghe thấy câu hỏi của tôi. Anh rể tôi nhắc tôi.

“ Cậu phải nói lớn ông mới nghe thấy. Hồi này tai ông nghễnh ngãng nhiều rồi.”

Tôi hỏi lớn, cậu tôi quay lại như muốn hỏi. Tôi nhắc lại câu hỏi một lần nữa. Cậu tôi lắc đầu. Không hiểu cái lắc đầu của ông có nghĩa là ông đang trả lời câu hỏi hay không nghe được câu hỏi.

“ Bây giờ nặng tai lắm. Nhiều khi nghe không rõ. Anh nói gì vậy?”

Tôi hỏi lại. Lần này ông nghe được.

“ Cũng muốn đọc lắm nhưng đọc câu sau lại quên câu trước. Nhiều khi đọc mà chẳng hiểu gì cả. Nghe thì dễ chịu hơn, nhưng phải mở lớn mới nghe được.”

Tôi sực nhớ lại dáng vẻ vồ vập của ông khi thấy hộp que ngoáy tai tôi mang về. Ông dành ngay lấy. Thứ này tốt đây này! Ở bên này không có. Để cho tôi! Ông tưởng rằng những chiếc que nhựa đầu bịt bông gòn này sẽ mang lại được phép lạ cho ông.

“ Chắc cậu phải cần một chiếc máy nghe.”

Ông nhổm người lên.
“ Máy nghe à? Có thứ máy đó nữa sao?”

Tôi gật đầu.
“ Để khi về, con sẽ tìm mua cho cậu một chiếc.”

Mặt ông tươi tỉnh. Ông như tìm thấy vật cứu mạng.
“ Nghe rõ như người thường được thì sướng lắm nhỉ?”

Tôi trấn an ông.
“ Về tới nơi con sẽ tìm mua ngay và gửi bưu điện liền cho cậu.”

Chiếc máy nghe đã luôn luôn nằm trong đầu ông. Chuyến bay trở về của tôi cất cánh vào đúng giờ giao thừa của năm mới dương lịch. Khi tôi rời nhà lên phi trường, ông đã lên giường ngủ. Tôi không muốn đánh thức ông dậy. Ngày hôm qua tôi đã cho ông biết chỉ còn một ngày nữa là vợ chồng tôi sẽ lại phải xa ông. Mặt ông buồn hẳn. Suốt ngày ông lặng câm đưa mắt nhìn mỗi khi vợ chồng tôi đi ngang qua ông. Ông anh rể tôi như không đành lòng.

“ Ông đi nằm chứ chưa ngủ đâu. Để tôi đánh thức ông dậy. Biết bao giờ cậu mợ mới về thăm ông lại được nữa!”

Anh rể tôi kêu ông dậy. Ông giật mình ngơ ngác như chưa rời khỏi giấc ngủ. Vợ chồng tôi chào ông. Ông nắm lấy tay tôi nghẹn ngào. Tôi tưởng ông không nói được gì nữa. Nhưng ông lại dặn tôi.

“ Nhớ gửi cho cậu chiếc máy nghe nghe!”

Về tới nhà, tôi hỏi thăm ngay mấy ông bạn bác sĩ về chiếc máy nghe. Ông nào cũng bảo phải khám tai rồi mới mua được. Làm sao mà khám? Tôi nhờ mấy ông tìm cách mua dùm tôi. Cứ thứ tốt mà mua.

Chỉ chừng hơn tuần lễ sau, tiếng điện thoại trong đêm vang lên. Tôi lớ quớ mở mắt bắt máy. Chị tôi tin cho tôi biết là cậu tôi đã qua đời. Có lẽ ông chỉ chờ gặp cậu rồi ra đi. Từ khi cậu mợ đi, sức khỏe ông tồi tệ dần. Tối qua ông ngủ rồi đi luôn!

Khi ông bạn bác sĩ điện thoại cho tôi báo tin đã mua được máy, tôi thẫn thờ trả lời.

“ Cám ơn toa nhưng chắc moa không cần tới nữa đâu. Muộn rồi!”

Chắc bạn tôi không hiểu tôi nói gì. Nhưng trong đầu tôi như có tiếng vang dội lại không ngừng. Muộn rồi! Muộn rồi… ./.

Song Thao

No comments:

Post a Comment