Thursday, December 7, 2023

MUÔN MẦU CUỘC SỐNG

Lúc đó chúng tôi mới ở độ tuổi mười tám đôi mươi tràn đầy lạc quan và nhiệt huyết. Hai đứa gặp nhau trong trại tị nạn ở Philippines, do học cùng lớp và anh thì khá tiếng Anh nên tôi thường nhờ về bài vở. Từ từ có cảm tình rồi thích nhau. Tuy nhiên tình cảm vừa chớm nở thì cũng là lúc anh được rời trại và gia đình tôi gặp rắc rối.

Chuyện là nhà tôi xuất cảnh theo diện con lai nhưng không phải con cháu trong nhà mà là mua người lai rồi làm hồ sơ để đi. Ở trại được vài tháng thì người con lai bắt đầu giở chứng. Hắn đi theo đám ngổ ngáo trong trại tối ngày ăn nhậu rồi về kiếm chuyện chửi bới đòi tiền. Đưa mãi rồi cũng cạn nên khi gia đình tôi không còn khả năng đáp ứng thì hắn ta đã lên văn phòng cao ủy tố cáo về việc hồ sơ giả. Thế là cả nhà tôi bị bỏ lại chỉ có một mình hắn được rời trại sau khi hoàn tất cycle (khóa học ở trại).

Anh đi được hơn một năm thì trại cũng đóng cửa. Tất cả những người còn kẹt lại đều được đưa về khu "làng Việt Nam" do cộng đồng người Việt ở hải ngoại quyên góp thành lập. Anh liên lạc với tôi lần cuối qua một bạn người Mỹ còn làm việc ở trại và có gửi chút quà. Tôi cũng nhờ người bạn Mỹ chuyển thư cảm ơn anh hộ tôi. Sau lần đó là mất liên lạc luôn vì trại đóng cửa và gia đình tôi dời về khu làng Việt Nam. 

Ở trong làng Việt Nam được một thời gian ngắn tất cả đều phải bung ra ngoài bươn trải kiếm sống. Người thì làm thuê người thì buôn bán hàng rong hay rau quả ở chợ. Khi đã ổn định, đa số người ta mướn nhà ở lại thành phố luôn để tiện cho việc buôn bán và gia đình tôi cũng trong trường hợp đó. Lúc đầu hai anh em tôi và người chú thuê nhà ở chung nhưng đến khi anh tôi lấy vợ thì ra riêng chỉ còn tôi và chú. Cuộc sống vốn đã chật vật giờ càng khó khăn hơn vì chú tôi đau yếu không đủ sức để đi làm. Số tiền lương ít ỏi từ công việc chạy bàn mỗi tháng của tôi cũng chỉ nhỉnh hơn tiền thuê nhà một chút mặc dù là khu xóm lao động. Vì vậy mọi khoản chi tiêu hàng ngày phải hết sức tiết kiệm thì mới đủ. Cuộc sống đầy căng thẳng và bấp bênh cứ thế tiếp diễn cho đến khi tôi gặp Khương. Do cả hai đều cùng cảnh ngộ nên chúng tôi rất dễ đồng cảm và tiến đến với nhau.

Khương vượt biển và lên đảo vào những ngày cuối cùng của các trại tị nạn. Qua mấy vòng phỏng vấn Khương đều bị rớt vì không có thân nhân ở nước ngoài bảo lãnh và cũng không từng làm việc hay đi lính cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. Đến ngày trại đóng cửa Khương cũng bị kẹt lại như một số người khác. Quen nhau được vài tháng hai chúng tôi dọn về ở chung và cùng nhau sát cánh xây dựng tổ ấm. Sau mấy năm cố gắng góp nhặt từ đồng lương làm thuê bọn tôi cũng để dành được một ít. Rồi bé Na chào đời đem lại niềm hạnh phúc dạt dào cho gia đình nhỏ chúng tôi.

Tưởng chừng cuộc sống sẽ như thế dần dần thăng tiến, nhưng mọi thứ đã không như lòng người mong ước. Ba năm trước ông chú tôi mất vì căn bịnh viêm gan C . Ông đã có căn bịnh này từ khi còn ở Việt Nam nhưng không được chữa trị đúng mức nên ngày càng nặng. Hai vợ chồng tôi cũng cố gắng hết sức nhưng ông cũng không qua khỏi. Người chú mất chưa được cái giỗ đầu thì Khương tiếp nối ra đi trong một vụ tai nạn lật xe để lại cho tôi đứa con gái chưa đầy ba tuổi. Thế là tất cả số tiền dành dụm được bấy lâu đã dùng hết cho việc mai táng. Từ đó tôi phải làm lại từ đầu, một mình cáng đáng mọi việc, vừa đi làm vừa chăm con. Do chỉ còn một thu nhập nên tôi phải dọn ra ngoài thuê một căn phòng nhỏ vừa đủ cho hai mẹ con. Mỗi ngày của tôi thật tất bật, xong việc ở chỗ làm lại dúi đầu vào việc nhà: giặt giũ, nấu nướng, dọn dep. Cả ngày tôi cứ quay cuồng với công việc ngoại trừ giờ đi ngủ ban đêm.

Mười năm sau chúng tôi gặp lại nhau trong sự ngỡ ngàng đầy bất ngờ và cũng đầy cách biệt về chỗ đứng trong xã hội. Tôi là người bưng bê chạy bàn cho một quán ăn Việt Nam ở Manila, còn anh là khách du lịch.

Hôm đó khi tôi bưng đồ ăn đến bàn cho người khách thì bàng hoàng nhận ra anh, tôi sửng sốt rồi ấp úng:

- Có phải anh Đoàn không?

Người đàn ông nhìn tôi ngờ ngợ nhưng có lẽ chưa nhận ra ngay, anh nói:

- Đúng, tôi Đoàn đây.

Khi đã chắc chắn là anh tôi nói tiếp:

- Em, Như ở vùng 8 nè, anh còn nhớ không?

Có lẽ anh đã nhận ra tôi nên ồ lên một tiếng:

- Ồ, anh nhớ rồi. Trời ơi, anh không thể nào ngờ là em.

Tôi rất hiểu câu nói thành thật của anh. Làm sao anh nhận ra tôi được ngay chứ. Làn da mịn màng và mái tóc mượt mà ngày nào giờ đã được thay thế bằng nét chai sạm và búi tóc khô xơ. Gương mặt xinh tươi tràn đầy năng lượng một thời giờ đã mất hút nhường chỗ cho sự phai nhạt của người đàn bà lam lũ.

Vì tôi đang làm việc nên không có thời gian để nói chuyện nhiều. Anh hỏi tôi khi nào thì gặp bên ngoài được rồi xin tôi số điện thoại để tiện liên lạc. Tôi cười và nói:

- Em làm gì có điện thoại.

- Ồ, anh xin lỗi. Thôi, vậy cho anh xin địa chỉ nghe.

- Dạ được, để em viết cho anh.

Tôi đi vào phía sau quầy tính tiền xé một góc của tờ lịch viết địa chỉ rồi đưa cho anh.

Chiều hôm sau anh đến thăm tôi. Anh phải đi bộ vào con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo vì chiếc taxi không vào lọt. Căn phòng của mẹ con tôi chỉ đủ kê chiếc giường, cái bàn nhỏ và vài ba cái ghế con cóc. Tôi mời anh vào nhà mà trong lòng đầy lo ngại mặc cảm. Anh niềm nở bước vào rồi ngồi xuống chiếc ghế thấp lè tè. Tôi mời anh chai nước lọc mà tôi đã mua sẵn chiều hôm qua để đón khách. Dù sự sơ sài thiếu thốn của tôi là thế nhưng anh không hề tỏ ra dè bỉu hay xem thường ngược lại rất tự nhiên thoải mái. Thái độ bình thản nhã nhặn của anh làm tôi yên tâm và vơi bớt sự lo lắng mặc cảm ban đầu. Thấy bé Na, anh mỉm cười đưa tay vẫy làm quen, con bé cũng đưa tay vẫy nhưng vẻ bẽn lẽn nép phía sau mẹ. Anh hỏi tôi:

- Chắc ba cháu đang đi làm?

Câu hỏi vô tư của anh làm tôi cảm thấy buồn và tủi thân lắm. Tôi cố nén xúc động rồi kể anh nghe những gì đã xảy ra. Anh thở dài chép miệng rồi xin lỗi tôi. Tôi cũng hỏi thăm về cuộc sống và gia đình nhỏ của anh thế nào. Anh cho tôi biết hiện tại anh làm việc trong một bưu điện ở thành phố nơi anh đang sinh sống và anh vẫn chưa lập gia đình. Anh hỏi bé Na đã đi học chưa, tôi ngập ngừng vì không biết phải nói thế nào. Có lẽ anh cảm nhận được sự ngại ngần của tôi nên cũng yên lặng. Lát sau tôi cho anh biết tôi rất muốn con mình được đến trường như bao đứa trẻ khác nhưng vì không có điều kiện. Đồng lương đi làm của tôi chỉ đủ trang trải cho tiền thuê phòng và những nhu cầu thiết yếu của hai mẹ con thì lấy đâu ra tiền để đóng học phí. Bên cạnh đó phương tiện di chuyển cũng là một trở ngại lớn vì trường học thì khá xa mà tôi làm sao mua được một chiếc xe trong hoàn cảnh hiện tại. Nghe xong anh hỏi:

- Anh muốn giúp cháu đến trường được không?

Tôi phân vân cúi đầu yên lặng. Anh ôn tồn:

- Em cứ suy nghĩ rồi cho anh biết sau cũng được.

Tôi nhớ hai hôm sau anh trở lại trao cho tôi một túi shopping màu hồng và ân cần bảo:

- Ngày mai anh phải về Mỹ rồi. Anh có chút quà cho cháu mong em nhận cho.

Tôi nhận và cảm ơn anh. Anh nắm tay tôi chào tạm biệt rồi quay đi.

Buổi tối ăn cơm xong tôi gọi bé Na rồi hai mẹ con cùng mở quà. Đó là một chiếc hộp thiếc hình chữ nhật của loại thương hiệu bánh ngọt đắt tiền. Tôi nhấc chiếc hộp ra đặt lên giường, bé Na nhìn theo chăm chú. Tôi mở nắp, bên trong nhiều loại bánh với hình thù khác nhau trông thật bắt mắt cùng mùi thơm thoang thoảng bay theo. Ở bên hông chiếc hộp có một phong bì trắng, tôi cầm lên rồi mở ra và không thể nào tin vào mắt mình. Một cọc tiền dày mệnh giá $100 nằm ngay ngắn bên trong kèm theo một mảnh giấy. Tôi rút mảnh giấy ra đọc:

"Anh hy vọng số tiền này đủ cho hai mẹ con em chuyển đến một khu vực tốt hơn gần trường học cũng như học phí cho bé Na. Khi nào dời đến chỗ mới thì viết thư cho anh. Đây là họ tên, số điện thoại, và địa chỉ của anh".

Lòng bồi hồi ngổn ngang cảm xúc, tôi đưa tay lau những giọt nước mắt đang lăn dài trên má và thầm cảm ơn anh một người bạn giản dị nhưng đầy tình thương.

CHU HIỆP DŨNG

No comments:

Post a Comment