Wednesday, December 13, 2023

Di sản VNCH đã gìn giữ một nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ra sao?

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ mất vào ngày 16 Tháng Một, năm 2009, mọi thứ trong đời ông như cũng lặng lẽ tàn dần kể từ sau năm 1975. Có vẻ nằm ngoài suy nghĩ của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, cũng như rất nhiều người yêu âm nhạc – vốn vẫn quan sát cuộc đời và sự nghiệp của ông, cứ tưởng rằng sau khi miền Nam bị sụp đổ, chế độ mà nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ âm thầm phục vụ đã thắng thế và thuận lợi – nhưng dường như ông lại không nhận được sự đối xử xứng đáng từ các đồng chí của mình.

Cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là một trong những câu chuyện đầy trớ trêu của lịch sử âm nhạc Việt Nam. Là một người nằm vùng trong lòng chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng ông lại trở nên vô cùng nổi tiếng nhờ vào xã hội tự do sáng tác, và tinh thần đón nhận âm nhạc vô cùng cởi mở của người miền Nam Việt Nam. 

Suốt trong những năm dài mà nền văn hoá nghệ thuật của VNCH bị từ chối, bị kiểm duyệt, có lẽ nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là người cảm nhận rõ nhất sự cay đắng, khi nghe các trung tâm âm nhạc hải ngoại ở Pháp, Mỹ… vẫn trình bày các ca khúc của mình. Ở các ngôi nhà cửa khép kín, trong lòng hẻm nhỏ Sài Gòn hay bất cứ đâu Việt Nam, người ta vẫn mở những bài hát làm nên tên tuổi của ông Những ngày xưa thân ái, Hoa vẫn nở trên đường quê hương, Trăng tàn trên hè phố… Ngược lại, những bài hát mới viết sau 1975, chỉ là hương hoa đóng góp cho thời thế, và hôm nay còn mấy ai nhớ và hát?

Lịch sử âm nhạc Việt Nam, bị cuốn vào giai đoạn chiến tranh quốc gia – cộng sản hơn 20 năm, kéo theo những mảnh đời và những điều trái ngang. Chẳng hạn, như ông Lưu Hữu Phước, người ký quyết định đưa tất cả những văn nghệ sĩ của Việt Nam tù cải tạo sau Tháng Tư 1975, đã ngẫm nghĩ gì về chế độ thù địch với ông lại không ngần ngại dùng ca khúc của ông làm Quốc ca? Và nếu đoạn đời về sau, với những phút cuối nói thật, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nếu không cho biết rằng ông luôn đau đáu về bài Dư Âm – ca khúc mà ông bị đấu tố là “tình cảm tiểu tư sản”, nên phải viết kiểm điểm và thề từ bỏ để được sống còn, ai biết được trong trái tim những người nghệ sĩ ấy mang nỗi niềm gì?

Tiểu sử của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ghi là ông sinh tại Đập Đá, An Nhơn, Bình Định, là con thứ 11 của gia đình trung lưu. Ông có hai người anh là nhà văn Phạm Văn Ký và nhà văn Phạm Hổ. Từ năm 1947 đến năm 1949, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ học và hoạt động văn nghệ trong trường Thiếu sinh quân ở Liên khu 5. Lúc nhỏ, ông có năng khiếu vượt trội về sáo. Tuy nhiên, đam mê của ông không được cha ủng hộ vì cho rằng chơi sáo dễ mắc bệnh lao, cha ông khuyên ông chơi guitar.

Đầu thập niên 1950, ông làm công tác tuyên huấn và làm phóng viên cho báo Quân đội Nhân dân. Sáng tác đầu tay của ông ra đời trong thời gian này là bài Nắng lên xóm nghèo.

Sau hiệp định Geneve, Phạm Thế Mỹ được tổ chức cách mạng bố trí ở lại miền Nam. Năm 1959, ông học trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Từ năm 1959 đến năm 1970, ông dạy Việt văn và âm nhạc tại các trường trung học tư thục Bồ Đề, Tây Hồ, Sao Mai, Bán Công, Nguyễn Công Trứ, Tân Thanh,… tại Đà Nẵng. Khoảng năm 1965–1966, ông bị bắt khi trà trộn vào các phong trào phản kháng của Phật giáo Miền Nam để chống chế độ VNCH.

Lịch sử không thể thay đổi việc ông Phạm Thế Mỹ là một người của miền Bắc Việt Nam cài vào miền Nam, nhưng lịch sử cũng không thể phủ nhận ông là một nhạc sĩ tài hoa. 

Đã có nhiều người dành thời gian để phân tích từng câu từng chữ trong những bài hát trước năm 1975 của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và chỉ ra việc ẩn giấu những tình cảm dành cho bộ đội Bắc Việt cũng như là nhằm chống phá chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Thế nhưng sự nghiệp của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phải nói là vô cùng rực rỡ trong lòng chế độ mà ông ta luôn tìm cách chống lại nó. Quả là mỉa mai. Vì bởi chính nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ không thể ngờ được chính vì những bài hát tưởng như tình ca mùi phản chiến đó đã chặn đứng sự nghiệp của ông sau năm 1975. Tài năng của ông có vẻ là không được công nhận đủ và đúng khi chỉ được sắp xếp là một nhân viên văn hoá thông tin của quận 4, Sài Gòn, và rồi qua đời trong hoàn cảnh khó khăn và lặng lẽ.

Đó có phải là số phận chung của người từng góp sức với “cách mạng” nhưng rồi bị nghi ngờ, không được trọng dụng? Chẳng hạn như nhân vật phi công Nguyễn Thành Trung nổi tiếng từng trở mặt ném bom vào Dinh Độc Lập vào ngày cuối của chế độ, hay nhà thơ Trần Vàng Sao bị theo dõi, ngăn chặn mọi thứ cho đến khi chết. Mặc dù nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ra sức sáng tác và đóng góp nhiều cho chế độ mới, nhưng ông không được cấp trên đáp lại như với Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Diệp Minh Tuyền…, dù tài năng của ông thì rõ là vượt lên trên rất nhiều.

Nhà văn Nguyễn Đình Bổn có kể lại rằng vào năm 1994, khi ông ra Bắc có việc và được nhà thơ Phạm Hổ nhờ chuyển quà cho em mình là ông Phạm Thế Mỹ ở trong miền Nam. Khi đi cùng nhà thơ Trần Tiến Dũng đến trao quà, ông Phạm Thế Mỹ khi biết nhà văn Nguyễn Đình Bổn đang làm trong nhà xuất bản Mỹ thuật, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ mang ra một tập dày có đến cả trăm bài hát ca ngợi bác và đảng, than phiền rằng ông muốn in nhưng không có ai giúp. Chi tiết này gợi lên câu hỏi rằng: Chẳng lẽ với vị trí của một người như ông Mỹ, và hoàn toàn dành tâm sức để vận động cho chế độ mới, nhưng vẫn không thể tìm được nơi yểm trợ để làm điều “phục vụ” này, thì thực sự cuộc sống của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sau năm 1975 đã cô quạnh đến thế nào?

Lúc còn là phóng viên của báo Tuổi Trẻ, vào ngày nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ qua đời, ban biên tập nhờ tôi gọi tìm một ai đó cùng thời để viết tin buồn và tâm tình. Kỳ lạ nhất là lúc đó tôi gọi khắp nơi nhưng hầu như ai cũng từ chối. Cuối cùng, tôi còn nhớ báo Tuổi Trẻ phải nhờ cậy đến một bài viết cũ, của một người không liên quan là nhạc sĩ Từ Huy như vài trăm chữ chia buồn về sự ra đi của ông. Lúc đó, tôi chạnh lòng nghĩ về sự cô đơn của ông, mặc dù nhà nước có làm lễ tang trọng thể, nhưng đó cũng chỉ là hình thức rổn rảng trong sự hiu quạnh của đời ông.

Tôi có đọc nhiều những bài viết tức giận và phê phán thái độ nằm vùng của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Và tôi cũng đọc được những bài viết tiếc nuối cho một tài năng nhưng không đứng về phía chế độ Việt Nam Cộng Hòa, dù đó là miền đất đã tạo thành cái tên nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, và nuôi dưỡng trong sự yêu mến của không ít người yêu âm nhạc miền Nam. Nhưng biết sao được, đó là cuộc đời, là định mệnh và là lịch sử của đất nước Việt Nam. Lịch sử đã cho chúng ta chứng kiến những văn nghệ sĩ bất khuất đến phải ứa nước mắt vì kính trọng, nhưng chúng ta cũng có những người nghệ sĩ chấp nhận thay đổi cuộc đời của mình, chỉ vì để được sống còn, hoặc họ chọn hay nhầm một lý tưởng, mà không thể quay lại.

Những ai đã từng tiếp xúc với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cũng nhận ra rằng ông là một người hiền lành, và rốt cuộc chỉ mong muốn được sống với nghề của mình mà thôi.

Nhà nghiên cứu nhạc Việt người Mỹ Jason Gibbs từng viết trong bút ký khi tìm hiểu âm nhạc Việt Nam ở Sài Gòn, rằng: “Vợ chồng tôi được gặp và nói chuyện với Phạm Thế Mỹ năm 2001 ở nhà riêng của ông ở Quận Tư Sài Gòn. Ông vui tính, cởi mở, hiền và kể nhiều chuyện hay. Thời chιến tranh Việt Mỹ ông là một người cộng sản nằm vùng. Đất Việt thống nhất ông được tham gia mọi hoạt động âm nhạc ở một miền Nam giải phóng, nhưng thực ra ông không ưa chính sách văn hóa lúc bấy giờ”.

Có lẽ phần tính tình hiền lành và chân thành ấy, khiến cho những màu sắc và giai điệu trong các bài hát về quê hương của Phạm Thế Mỹ luôn làm người nghe nhanh chóng có sự đồng cảm và thương mến.

Khi được báo Sài Gòn Giải Phóng (số ra ngày 28/10/2001) phỏng vấn về những bài hát sáng tác thời “Mỹ-Nguỵ”, Phạm Thế Mỹ đã nói cho qua rằng “Tôi thật sự không thích nói về những gì mình đã có, tất cả những sáng tác của tôi chỉ được bộc phát bằng sự say mê của chính mình”.

Có thể đó là kết luận quan trọng mà nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ muốn để lại cho những thế hệ sau tìm hiểu về ông. Số lượng những bài hát về nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ được công bố trên truyền hình cũng như hệ thống truyền thông của chế độ mới sau năm 75 rất nhiều, nhưng mọi thứ mang tính “phục vụ” ấy trôi dần vào quên lãng. Ngay cả trên wikipedia, các liệt kê đánh dấu sự thăng hoa sáng tạo của đời ông cũng nằm trong thời kỳ sáng tác tự do không kiểm duyệt của Việt Nam Cộng Hòa. Điều trái ngang là ở đó. Di sản vàng son của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa lại chính là nơi gìn giữ những điều đẹp nhất của một người nhạc sĩ Bắc Việt – Phạm Thế Mỹ.

Tuấn Khanh


No comments:

Post a Comment