Thursday, November 30, 2023

Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn tạ thế vào ngày 28/11/3023


Nghe tin Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã tạ thế vào tối ngày 28 tháng 11 năm 2023. Hưởng Thọ 87 tuổi. Xin đăng lại một bài viết cũ như để kính viếng hương hồn ông...

Giới thiệu nhà văn nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn

Nguyễn Đình Toàn, một tiếng nói mà cách đây 40 năm, từng được nhà thơ Du Tử Lê gọi là “người tình không chân dung” của thính giả Việt Nam. Đó là một nhạc sĩ, một nhà thơ, một nhà văn, và là một người đã mang đến cho người nghe thời ấy một cách nghe nhạc hoàn toàn mới lạ trên Đài Phát Thanh Sài Gòn mỗi tối Thứ Năm với chương trình “Nhạc chủ đề”.

Nguyễn Đình Toàn sinh ngày 6/ 9/1936 tại Gia Lâm, Bắc Ninh di cư vào Nam năm . Ông còn có bút hiệu là Tô Hà Vân khi viết văn và Hồng Ngọc khi viết nhạc.

Ông đóng góp nhiều sáng tác cho nền văn học nghệ thuật miền Nam dưới nhiều dạng: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, bút ký. Tác phẩm “Áo Mơ Phai” đoạt Giải Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa năm 1973 gồm một tấm huy chương và còn kèm theo số hiện kim 600.000 đồng tương đương với 40 lượng vàng theo thời giá bấy giờ. Cũng chính tác phẩm này làm ông bị khổ sở không ít sau năm 1975.

Nguyễn Đình Toàn viết nhiều truyện dài đăng thành nhiều kỳ trên các báo chí Miền Nam như tạp chí Văn, Văn Học và các nhật báo như Tự Do, Chính Luận, Xây Dựng, và Tiền Tuyến.

Ông cũng có nhiều công sức trong việc phát triển tân nhạc Miền Nam qua chương trình phát thanh Nhạc chủ đề trên Đài Phát Thanh Sài Gòn.

Sau năm 1975, ông bị chính quyền Cộng sản bắt và giam học tập cải tạo 10 năm mới được thả. Năm 1998 ông cùng vợ được xuất cảnh sang Mỹ và định cư ở California nơi ông tiếp tục viết cho báo Viet Tide.

Một số bản nhạc của ông được nhiều người biết đến là "Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên" (Đúng ra tên là "Nước Mắt Cho Sài Gòn"), Hiên Cúc Vàng, Mai Tôi Đi … và "Tình khúc thứ nhất" “Em Đến Tham Anh Đêm Ba Mươi” do Vũ Thành An phổ nhạc.

Ngoài ra ông còn là một ca sĩ và đã thu âm một số ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…

Trong chương trình ca nhạc của Đài Phát Thanh Sài Gòn, trong đó có Nhạc Chủ Đề do Nguyễn Đình Toàn phụ trách. Ông có cách giới thiệu bản nhạc thật đặc biệt, chải chuốt, lời như thơ, giọng trầm ấm, có lẽ nhờ đó mà được nhiều nữ thính giả yêu thích. Không phải chỉ có nữ giới, mà cả phái nam cũng rất mê chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Ở Sài Gòn là giới thanh niên sinh viên, nơi chiến trường xa là những người lính.

Thật ra Nguyễn Đình Toàn được biết đến nhiều hơn ở địa hạt thi văn với khoảng 20 tác phẩm về văn và thơ đã được xuất bản. Truyện dài "Áo Mơ Phai" của Ông đã được giải Văn Học Nghệ Thuật toàn quốc năm 1973. Sau 1975, Ông đi tù một thời gian và sang định cư ở Hoa Kỳ cuối thập niên 1990. 

Nhạc phẩm của Ông được phổ biến qua các đĩa CD: "Hiên Cúc Vàng" và "Mưa Trên Cây Hoàng Lan" do Khánh Ly thực hiện và "Tôi Muốn Nói Với Em" do Bích Huyền thực hiện. Cuối năm 2006, Ông cũng ra mắt một quyển sách "Bông Hồng Tạ Ơn" viết về 192 tác giả nghệ sĩ Việt Nam.

Khi chính quyền Việt Nam sau 1975, xin tái bản lại tác phẩm “Áo Mơ Phai”, ông vẫn “cái tật” ngang ngạnh cố hữu: “Các anh muốn làm gì chẳng được, nhưng đã hỏi tôi khi muốn tái bản thì tôi chỉ xin các anh ghi vào lời tựa lý do vì sao đã kết án tác phẩm và bỏ tù tác giả!

Tác phẩm “Áo Mơ Phai” được viết theo dạng feuilleton cho nhật báo Xây Dựng. Nguyễn Đình Toàn có một đức tính là các trang bản thảo chỉ viết một lần, không sửa chữa và giao thẳng cho thợ nhà in sắp chữ. Nguyễn Đình Toàn cho rằng chưa hề hy sinh tính văn chương khi chọn viết những truyện dài feuilleton như vậy.

Nếu theo thứ tự xuất bản, thì Áo Mơ Phai là cuốn sách feuilleton thứ 13 của Nguyễn Đình Toàn, và cũng là tác phẩm được trao giải Văn Học Nghệ Thuật 1973.

Trên tạp chí Văn Học 1974, Nguyễn Đình Toàn đã nói về kỹ thuật xây dựng “Áo Mơ Phai” như một tác phẩm tâm đắc của mình: 

“Mỗi tác phẩm đã viết ra như que diêm đã được đốt cháy, nhà văn có bổn phận phải sáng tạo, dù rằng toàn bộ tác phẩm chỉ là sự nối dài từ cuốn đầu tiên. Nhiều người đã nói tôi dùng lối viết quá dài, cả trang không chấm trong Áo Mơ Phai này mới mang đủ sắc thái không khí của Hà Nội. Nhân vật chính trong tác phẩm không phải là những nhân vật được nhắc tới trong sách mà chính là thành phố Hà Nội. Ai sống ở nơi này thường có cái cảm tưởng đang sống trong một giấc mơ, có lẽ là giấc mơ không bao giờ phai nhạt với sương mù cơn mưa sướt mướt hơi lạnh của mùa thu… Áo Mơ Phai thoát ra từ cơn mơ đó từ khi tôi xa Hà Nội mới 17 tuổi.”

Sách Nguyễn Đình Toàn được xếp vào loại “văn hoá đồi trụy” sau 1975; nên tất cả bị tịch thu và trở thành “Tro Than”, như tên một tác phẩm định mệnh Nguyễn Đình Toàn trong chiến dịch đốt sách lan rộng khắp Miền Nam thời bấy giờ.

Năm 2006, khi được hỏi về tác phẩm “Áo Mơ Phai” Nguyễn Đình Toàn bày tỏ: “Có những người thức thời, nhìn xa trông rộng, có thể tiên đoán dự liệu được những biến chuyển của thời cuộc, dĩ nhiên có những điều họ tiên đoán cũng có điều sai. Mà đúng hay sai thì chỉ khi nào sự việc xảy ra thì họ mới biết được. Tôi viết cuốn sách đó chỉ dựa trên những dự cảm đối với hoàn cảnh lịch sử cho một người chịu đựng hoàn cảnh lịch sử như chịu đựng sự đổi thay của thời tiết”.

Áo Mơ Phai là dự cảm về một thành phố Hà Nội sắp mất năm 1954, Đồng Cỏ là một tác phẩm khác dự báo một Sài Gòn sắp mất năm 1975. Nguyễn Đình Toàn mẫn cảm với thay đổi thời tiết cũng như với những biến chuyển của lịch sử. Dự cảm hay trực giác của nhà văn đi trước tấn thảm kịch, đi trước những đổ vỡ chia ly đã mang tính tiên tri.

Đọc văn Nguyễn Đình Toàn, để sống với Hà Nội những ngày sắp mất nhưng cũng không bao giờ mất qua hơn 300 trang sách Áo Mơ Phai.

Nguyễn Đình Toàn sáng tác nhạc rất nhiều, sau khi ra hải ngoại ông đã cho ra mắt 2 CD, đó là: Hiên Cúc Vàng với chỉ một giọng ca Khánh Ly, và Tình Ca Việt Nam với Duy Trác, Khánh Ly, Sĩ Phú, Thái Thanh, Võ Anh Tuấn, Lệ Thu. Nhạc Nguyễn Đình Toàn mang hơi hám của một người lưu vong luôn luôn nhớ về những kỷ niệm cũ, một hoài niệm không rời với hồi ức, thường buồn hơn vui, đã đưa người nghe vào một không gian âm thanh sâu lắng, không sôi nỗi xáo động, nó trầm lắng, dịu dàng, nên lớp người cũ đã sống trước 1975 ở miền Nam rất thích nghe.

Nguyễn Đình Toàn mang tuổi trẻ đi vào tình yêu, như kẻ hành hương gian nan đi tìm thánh địa trong tâm tưởng. Ở những gia đọan của cuối một con người với nhiều bệnh họan, ông vẫn nương dựa vào tình cảm của người bạn đời là bà Thu Hồng mà được ông trìu mến gọi là bà Tú Xương của ông… Nói tới thành tựu của một nền văn học, người ta chỉ nhắc tới những nhà văn, nhà thơ nhưng có lẽ không thể không nhắc tới những bà Tú Xương của mọi thời đại với bao nhiêu công khó hy sinh của họ.

Bài viết này xin dành tặng cho những bạn bè cùng thời đã có những đêm khuya bên chiếc Radio để nghe Nhạc Chủ đề từ giọng giới thiệu Bắc kỳ ấm áp và truyền cảm của Nguyễn Đình Tòan, từng đọc những tác của nhà văn của nhà văn lặng lẽ nổi tiếng mà không cần phải giới thiệu này …

Hoài Nguyễn - 14/01/2016

* Bài viết có tham khảo một số tư liệu về nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn

No comments:

Post a Comment