Sunday, November 5, 2023

Ngày Sau Nối Lại Ngày Xưa

Cô là người gắn liền biết bao kỷ niệm thời con gái. Tôi nghĩ phải có một bài viết về thần tượng của mình. Từ lúc nào tiếng hát của Cô đã thấm trong tim trong óc tôi “Người Đi Qua Đời Tôi” (thơ Trần Dạ Từ, nhạc Phạm đình Chương)

Người đi qua đời tôi trong những chiều đông sầu
Mưa mù lên mấy vai gió mù lên mấy trời
Người đi qua đời tôi hồn lưng miền rét mướt,
Vàng xưa đầy dấu chân đen tối vùng lãng quên
Bàn tay mềm khói sương tiếng hát nào hơ nóng
Và ai qua đời tôi chiều âm vang ngàn sóng
Trên lối về nghĩa trang
Nghe những lời linh hồn, nghe những lời linh hồn
Trong mộ phần đen tối đen...”

Hồi đó Huế có những quán cà phê bàn ghế thường đặt trong sân vườn rất thơ mộng, dân Huế đi uống cà phê như cái thú tao nhã, ngồi trầm ngâm hàng giờ, nhìn phin cà phê nhỏ giọt, thả hồn theo dòng nhạc êm dịu, không nhất thiết phải là đôi tình nhân, hay đám thanh niên, mà còn có đám nữ rủ nhau lựa góc hiên thềm nhìn những giọt mưa rơi tí tách xuống thành bong bóng vỡ, nghe Cô TT ru hồn với “Ngàn Thu Áo Tím

Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím
Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím
Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau
Tháng năm càng lướt mau
Biết bao giờ thấy nhau…” (Hoàng Trọng & Vĩnh Phúc)

Những chiều Hạ vàng nhóm chúng tôi thường rủ nhau đến nhà bạn Nhã Phương bên Đập Đá hái khế ngọt và nhiều thứ trái cây trong khu vườn rộng, trải chiếu sau vườn nhìn ra bến sông, bạn xách cassette kèm cuốn băng Thái Thanh, có lúc gặp anh Cường của bạn đi lính về thăm nhà, thấy tụi này cũng nhập bọn vác đàn theo ca hát. Chúng tôi ngồi nhìn bóng con đò lững thững trôi chầm chậm với hình ảnh người đứng buông tay chèo, chiều nhạt bên kia bờ, thấm từng lời nhạc của Cung Tiến theo tiếng hát réo rắc huyễn hoặc của Cô trong bài “Hương Xưa”

Người ơi, chiều nào có nắng vàng hiền hoà sưởi ấm nơi nơi?
Người ơi, chiều nào có thu về cho tôi nhặt lá thu rơi?
Tình có ghi lên đôi môi. Sầu có phai nhoà cuộc đời
Người vẫn thương yêu loài người và yên vui cuộc sống vui
Đời êm như tiếng hát của lứa đôi.
Đời êm như tiếng hát của lứa đôi...”

Mặc ai nói chuyện, tôi vẫn thu mình trong thế giới xa xôi mơ hồ theo cung điệu trầm bổng cùng “Dạ Khúc” (serenade) lời Việt: Phạm Duy

Chiều buồn nhẹ xuống đời
Người tình tìm đến người
Thấy run run trong chiều phai
Vẻ sầu của đóa cười
Tình bền của lứa đôi
Thoáng hương trong chiều rơi...”

Giọng càng lúc càng cao vút điệu luyện về nhạc lý và kỹ thuật, nhất là bài “Dòng Sông Xanh” với điệu valse dồn dập ngây ngất cho ta mơ cảnh đẹp nước Pháp tuyệt vời lãng mạn.

Có lần xem tivi chương trình nhạc “Tiếng Tơ Đồng”, lúc đó Cô chỉ 42 tuổi xuất hiện với bài “Ồ Mê Ly” của Văn Phụng. Cô đang hát, tóc xõa ngang vai, anh tôi đi đâu về vừa thấy thì la lên “Tội quá má ơi, cột tóc lên cho con nhờ...”. Vì tôi rất sợ anh nên không hề nói chuyện ngang hàng, nhưng trong lòng giận lắm chẳng thèm ngó mặt một thời gian. Tiếc là bây giờ anh đã nằm dưới lòng đất lạnh, chứ nếu còn sống thấy tôi xõa tóc, chắc bị anh rượt chạy khắp làng quá, mà cũng lạ thiệt… đến tuổi 65 tôi vẫn còn muốn xõa tóc mỗi khi mặc áo dài “dáng huyền tha thướt đê mê, tóc dài thả gió lê thê...”, thơ văn nhiều lúc đã trang điểm cho tôi cái cảm giác mình vẫn còn... trẻ, có lẽ sẽ làm ngứa mắt thiên hạ, nhưng lại làm tôi hạnh phúc mơ hồ rằng... tôi không còn thời xuân mộng, nhưng cũng chưa già, mà tôi ở thế giới của âm nhạc mây mưa ảo tưởng, đêm cụng chén nguyệt, ngày nhặt nắng hạ..., có lẽ tôi mê mẩn thơ văn, trong đầu chỉ muốn sống với thế giới đầy tiếng thu trăng sầu nên bị lạm “Mái Tóc Dạ Hương” (thơ Đinh Hùng, Nguyễn Hiền phổ nhạc).

Rồi đây trên những lối đi này.
Ta sẽ cùng ai tay nắm tay.
Nhịp chân lưu luyến mãi cung đàn.
Buông lắng chìm tâm tư đắm say
Dĩ vãng nào xanh như mắt em.
Chao ôi! màu suối tóc buông mềm
Nét buồn Khuê các hoen sương phủ.
Nhạt ánh sao ngàn bên dáng xiêm...”

Còn nhớ giờ ra chơi trong sân trường, từng cặp, từng nhóm đi dạo dưới hàng cây xanh, chúng tôi 3 đứa gồm Thu Sương, Hiền và tôi đi lượm từng giọt nắng đầu hạ, tình cờ nói chuyện về thơ Phạm Thiên Thư được Phạm Duy phổ nhạc bài “Ngày xưa Hoàng Thị

Em tan trường về. Mưa bay mờ mờ.
Anh trao vội vàng. Chùm hoa mới nở
Ép vào cuốn vở. Muôn thuở còn thương còn thương...”

Hiền đang say sưa hát, bỗng dưng ngừng lại, hỏi tôi
- Ê Minh ...mi thích giọng ai hát

- Đối với tao nghe ai cũng không bằng Thái Thanh, thấy đậm đà làm sao

Hiền nghe vậy khoái quá
- Đúng, tao cùng sở thích như mi, tao thích giọng Cô lắm, rứa còn Thu Sương… mi thích ca sĩ mô

Thu Sương từ tốn nói
- Tao thích LT, nghe giọng TT có vẻ ...mệt mệt làm sao

- Hiền nghe nói vậy như bị điện giật, lúc đó tôi đi giữa, nó chồm qua người tôi, giận dữ với Thu Sương

- Xin lỗi mi ...chính LT giọng nghe mới mệt mệt

Dù tôi không cùng quan điểm với Thu Sương, dù thần tượng của tôi bị chê “nghe mệt mệt’, nhưng thường chơi bạn tôi không muốn mất lòng ai, nên im lặng và can ngăn 2 đứa bỏ qua chuyện đó. Thu Sương tánh đằm chẳng nói thêm gì nữa khi bị Hiền sừng sộ, bỏ ngang 2 đứa tôi, trở về lớp sớm. Còn lại tôi với Hiền

- Mi làm cái chi mà nổi nóng ghê rứa

- Chứ mi không thấy giọng ca như rứa mà hắn “nghe mệt mệt” à?

Rồi thì 2 đứa giận đến mấy tháng, chúng nó nhìn nhau kênh kênh cái mặt lên, Thu Sương giận cả tôi luôn, nhưng không kênh mặt, chỉ là không thân như trước thôi

Một hôm theo Tuyền Ái về quê Ngoại ăn đám giỗ, xe đò dừng ngoài lộ, muốn vào làng phải đi bộ rất xa, ngang qua thửa ruộng lúa chín vàng, có số người lom khom cắt lúa. Nhìn đồng hồ mới khoảng 2 giờ chiều, Tuyền Ái không muốn về nhà Ngoại sớm, hắn bảo về sớm phải phụ làm việc, chi bằng ngồi ngoài nhìn trời nhìn đất xem cảnh đồng quê thoải mái, canh giờ về chỉ có ăn thôi, tôi trợn mắt nhìn hắn nhưng rồi 2 đứa phá lên cười đồng tình cái lười biếng ở thành phố lâu nay chỉ có ăn học… nhác chảy thây.

Hai đứa ngồi xuống lề bờ ruộng, hái những cây lúa non thấy hạt gạo bên trong, tự nhiên cảm giác bồi hồi thích thú. Có anh thanh niên đang hốt vén cỏ gần đó, Tuyền Ái mon men tới gần hỏi:

- Anh hốt cỏ đó về làm chi rứa ?

- Về phơi khô chụm nấu cơm

- Anh gặt lúa, làm lụng suốt ngày có mệt không?

- Mệt chớ, nhưng dưới quê thì chỉ làm nghề ni thôi, mà 2 O ở thành phố xuống phải không?

Bạn tôi gật đầu, rồi không biết hỏi chi nữa, máu nghịch ngợm hắn bắt đầu nổi lên

- Anh cúp tóc ở mô rứa ?

- Hỏi chi rứa?

Mắt anh chàng ngẩng lên nhìn có vẻ ngạc nhiên.

- Thấy đầu tóc anh đẹp quá hỏi cho biết

- Cám ơn ...tui làm chi đẹp bằng mấy O mấy Cậu trên thành phố được.

- Anh có vợ chưa ?

Lần này anh thanh niên không thèm trả lời, cứ im lặng làm việc. Bạn tôi hết chọc ghẹo được, rủ tôi đi tà tà ngắm mọi người trên đồng ruộng. Tôi bắt đầu thấy rung động với nét đẹp quê hương, con người mộc mạc và sự cần cù lao động, mà từ lâu nơi thành phố chẳng hề thấy. Giọt nắng làm áo họ thấm ướt mồ hôi, mùi lúa thơm phảng phất, đồng ruộng bát ngát mênh mông, gió thổi rì rào những khóm tre trên bờ đường... Thật thỏa lòng tôi luôn ao ước, nên thường dặn dò các bạn “Khi mô về làng ngoại nội nhớ rủ đi với nghe”

Canh giờ tới nhà ngoại của Tuyền Ái, đến nơi đúng lúc bà con vừa cúng xong, dọn mâm xuống. Cậu, mợ, dì, bà Ngoại mừng rỡ ôm cháu hỏi đủ điều, đã có sẵn ba mẹ Tuyền Ái về trước hôm qua, còn dự tính mai mới lên lại thành phố. Mọi người chăm thức ăn cho 2 đứa, bới xôi, thịt gà, cam quýt trong vườn dồn lại một xách, bắt chúng tôi lên sớm, mai còn đi học.

Sau chuyến đó, cứ nhớ hoài cảnh đồng quê, về nhà tôi thích nghe bài “Tình Ca” của Phạm Duy qua tiếng hát Thái Thanh thấm trong mạch máu từng lời nhạc, nghĩa tình quê hương đậm đà...

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời

Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi...
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoát nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi
..................................

Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu
Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo
Mình đồng da sắc không phai màu

Tấm áo nâu! Những mẹ quê chỉ biết cần lao
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi
Tấm áo nâu! Rướn mình đi từ cõi rừng cao
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, áo ơi

Tôi yêu biết bao người
Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai

Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
Ngày xuân tôi hát nên bài tình ca
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà
Lòng tôi đã nở như là đóa hoa...”

Một thời xóm tôi xuất hiện chàng họa sĩ tới thuê nhà trước mặt, tôi nhìn anh chàng cũng như bao người khác với trạng thái bình thường, nhưng khi mỗi chiều hè anh ra đứng bất động, mắt chăm chú ngó nền trời, tôi đoán có thể quan sát chân trời, có thể mây bay, hoặc có thể ráng mặt trời... để lấy màu hòa sắc. Những lúc ấy tôi đang ngồi bên khung cửa sổ, ngẩng lên chợt rung động theo hình ảnh người thanh niên đứng phút giây xuất thần. Không hiểu sao anh ta hay bỏ nhạc bài “Một Mùa Đông” được phổ thơ của Lưu Trọng Lư do cô TT hát, dù lúc đó đang vào thời tiết hạ, tôi hay lắng nghe và nhớ đoạn ...

Em ngồi trong song cửa. Anh đứng dựa tường hoa,
Nhìn nhau mà lệ ứa, Một ngày một cách xa
Yêu hết một mùa đông. Không một lần đã nói
Nhìn nhau buồn vời vợi. Có nói cũng không cùng...” (Phạm Duy)

Buổi chiều trên đường đi học về, gần đến ngõ đã nghe tiếng cô TT vang lên điệp khúc ấy, lòng tôi cũng nao nao tưởng tượng như anh chàng đang dành tặng bài hát này cho mình, “chắc hẳn anh vẫn thấy mình ngồi bên song cửa...”, sắp tới nhà anh, người tôi run lên, tim đập rộn ràng, mặt quay ngược lại, bên tai tiếng hát vẫn vang lên “Em ngồi trong song cửa. Anh đứng tựa vườn hoa...”

Rồi một chiều Thu... mùa Thu nơi xứ Huế thường pha chút tím trên nền trời, cuối chân mây và khắp nẻo đường biết bao tà áo tím thấp thoáng, đó là đặc điểm của Huế ...Anh lại ra đứng ngoài ban công nhưng lần này có hình bóng người thiếu nữ diễm kiều trong tà áo tím, mái tóc xõa dài, cùng đứng cạnh nhìn theo hướng tay anh chỉ về phía chân trời. Hai người có vẻ tương đắc đang bàn điều gì, có lẽ cô đó học cùng lớp về ngành hội họa!!

Từ đó tôi ôm mùa đông xứ Huế buồn hiu hắt, bản nhạc vẫn mở, cô Thái Thanh vẫn thả làn hơi du dương nhưng tôi thấy “mỗi ngày mỗi cách xa...” xa trong cuộc sống, xa với tình yêu mà thật gần bài hát. Tôi đã biết cảm nhận “trên ngọn tình sầu”

Qua khỏi mùa đông anh cũng dọn nhà đi nơi khác, để lại trong tôi kỷ niệm về “Một Mùa Đông” anh đã cho những mơ màng rung động, những phút dệt mộng tình yêu đơn phương nhẹ nhàng như sương khói.

Còn nhớ những buổi chiều bạn bè tìm đến quán Hoa hồng 9, trời mùa đông lạnh lẽo, bên ngoài mưa rơi, trong quán Thái Thanh hát “Giòng Sông Xanh”, “Tình Hoài Hương”, “Dưới Giàn Hoa Cũ”, “Dạ Khúc”… Cùng tách trà lipton nóng, được bỏ hạt ô mai vào trong, trên có lát cam, vị thơm của trà pha mặn, mùi ngọt của lát cam thật ấm áp và sảng khoái. Số bản nhạc được chúng tôi yêu cầu vì giờ vắng khách, mỗi đứa mỗi tâm trạng… có đứa đang yêu thầm, có đứa đang vỡ mộng chán chường, có đứa đang mệt mỏi tình cảm, thất tình… cho nên nghe bản nào cũng thấy hợp, cũng se lòng thắt dạ đến ngây ngất. Không nhất thiết phải nói với nhau, nhưng chúng tôi rất cần có nhau mỗi khi đi uống cà phê, bởi vì đa số những quán cà phê ở Huế rất trầm lắng và thanh lịch, hầu như vào đó để nghe nhạc cho nên bọn con gái chẳng ngại điều gì mà không hưởng những giây phút thần tiên như vậy.

Sau 1975 mọi người như từ trên cao rớt xuống vực sâu, tinh thần suy sụp, không còn niềm tin, không còn nguồn vui bám víu. Mọi gia đình đều ly tán, bế tắc... Dân Huế bán nhà vào Nam rất đông. Gia đình bạn tôi tên Dung cũng vào cư xá Thanh Đa ở chật hẹp trong căn chung cư. Vào khoảng năm 80, 81 tôi cũng tìm đường vượt biển, ở nhà bạn thêu hàng áo dài chung. Tôi chỉ cần có chỗ tá túc trong thời gian chờ đợi liên lạc đường dây tổ chức, nên thêu kiếm bao nhiêu tiền tôi không để ý, giao hết cho bạn chi tiêu ăn uống. Gia đình bạn có tới 12 chị em, mẹ mất trước 75, cha đi “tù cải tạo” chưa về. Một hôm Dung mua được cuốn casettes cũ của ai với tựa đề “Em Ra Đi Mùa Thu” cô TT hát, nhưng trước khi mua, Dung hỏi cả nhà:

Tiền chợ mỗi ngày tiêu chuẩn chỉ $10 (bạc bắc) có ai chấp nhận hôm nay ăn rau muống chấm xì dầu, để tiền mua cuốn nhạc không? Mấy em nhỏ chẳng để ý, người lớn muốn làm gì thì làm, các chị lớn hoan nghênh liền:

- Chị Dung mua đi, ăn rau một ngày mô có chết, nghe nhạc cho đã tai.

Thế là mâm cơm chỉ có tô xì dầu xắn ớt tươi chan cơm và mấy bó rau luộc. Giây phút lịm người nhất là sau những buổi cơm trưa, đóng cửa, không gian mờ tối cả nhà nằm hết dưới sàn xi măng, mở nhạc ru giấc ngủ, nghe đến thuộc làu các bản nhạc “Hòn vọng phu 1”, “Gánh Lúa”, “Cho Tôi Yêu Lại Từ Đầu”, “Em Ra Đi Mùa Thu”, “Quê Em”, “Thư Gởi Người Chiến Binh”, “Ca Dao Me”, “Phút Đầu Tiên” ...v..v... Dù thời gian đó ai cũng bị tình trạng ăn uống thiếu chất, nhưng những buổi trưa như vậy đã bổ dưỡng nhiều cho tâm hồn chúng tôi được tươi mát dịu vợi, nhất là …

Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại
Đếm lá úa mùa thu, đo sầu ngập tim tôi
......................................

Hôm em ra đi mùa thu. Mùa thu không trở lại
Lá úa khóc người đi. Sương mờ dâng lên mi
Em ra đi mùa thu. Mùa lá rơi ngập ngừng
Đếm lá úa sầu lên, bao giờ cho tôi quên… (Phạm Trọng Cầu)

Còn gì sung sướng hơn được hài lòng với mộng, tôi còn nhớ thầy dạy môn đạo đức đã giảng “tưởng tượng hay giấc mơ là trạng thái của sự thiếu thốn đè nén”, nên nó giải tỏa và thỏa mãn bằng phương cách đó. Chúng tôi được ve vuốt bởi tiếng hát “thuốc phiện”, đưa hồn lâng lâng lên thấu tầng mây xanh, quay lưng thực tại để được ru, được đi vào khung trời lãng mạn của Paris với khu vườn Luxembourg, và hóng mát bên dòng sông Seine rồi đi dần vào giấc ngủ thần tiên.

Không còn niềm rung động nào bằng thời điểm đó chìm lắng theo “Cho Tôi Lại Từ Đầu” sáng tác của Trần Quang Lộc, chúng tôi gần như mê man với bản nhạc này, dĩ nhiên chỉ có “Tiếng hát vượt thời gian” mới diễn đạt sâu sắc được

Cho tôi bước lại con đường làng. Ngày đầu cắp sách đến trường.
Bên tai tiếng cười tiếng nói lạ. Dịu dàng mùi thơm giấy mới

Cho tôi hát lại câu hát đầu. Như thuở mẹ ru rất yêu
Tay tôi xếp hoài con diều nhỏ. Để ước mơ vào mây cao

Cho tôi giữ lại khung trời mộng. Chiều về đuổi bướm trên đồng
Nâng niu hát đùa với dế nhỏ. Trải mình nằm trên cỏ ấm

Cho tôi đứng chờ em cuối đường. Lá đổ lòng nghe vấn vương
Thơ tôi viết hoài cho tình mộng. Để hát cho người yêu nhau

Cho tôi lại từ đầu ...Để được khóc, được thương được nhớ
Cho tôi lòng thật thà ...trên môi đời nghiệt ngã
Để hương xưa ...nhỏ xuống tình già

Cho tôi nói lại tiếng tình đầu. Một chiều em đứng bên cầu
Che nghiêng nón cười như dấu mộng. Thẹn thùng nụ hoa mới hé

Cho tôi nhớ lại hương tóc mềm. Gió chiều thả hương ấm vai
Đêm mơ thấy tình đi nhè nhẹ. Mà nhớ em ngày xa xăm...”

Cuối năm 1985 tôi qua Mỹ bằng đường biển, cô em họ của ông xã tôi cũng vượt biển tới đảo Galang, được bố chồng tôi bảo lãnh qua Mỹ sống chung nhà. Một hôm ông Thầy cũ muốn thăm cô em, cô không muốn tiếp tại nhà đông đúc nên rủ tôi đến nơi ông ở. Hai người nói chuyện, tôi ngồi nhìn mấy tờ báo, tình cờ thấy tấm poster quảng cáo đêm nhạc Thái Thanh vừa qua Mỹ, thấy tôi cứ nhìn chăm, ông Thầy quay qua hỏi tôi:

- Chị thích tiếng hát ca sĩ nào nhất

- Thái Thanh

Ông Thầy sáng mắt:
- OK...tôi mời chị và Vân đi xem buổi ca nhạc cuối tuần này có được không?

Tôi đưa mắt nhìn Vân không trả lời, Vân lanh ý nói sẽ xem lại chương trình rồi trả lời sau.

Nhìn giá vé buổi ca nhạc dù không phải hạng nhất nhưng tôi cũng le lưỡi thấy số tiền rất lớn, mới qua lại tay trắng rất ngại chẳng muốn đi, còn Vân thì không mê nhạc cho lắm, nhưng ông Thầy có vẻ nhiệt tình mời mọc như người gặp được tri kỷ

- Chị mê tiếng hát Thái Thanh nên tôi mừng lắm, muốn có người hợp sở thích cùng đi nghe.

Vân thương tôi nên cũng xiêu lòng nhận lời. Đêm đó ông thầy đến nhà chở 2 chị em đi. Nếu như còn ở VN, mà lại ở Huế đời nào tôi được xem buổi văn nghệ như vậy.

Bước vào rạp, tim tôi hồi hộp như sắp được gặp lại cố nhân. Chương trình có phần phụ diễn ca sĩ Ngọc Lan. Cô TT hát say sưa những bản quen thuộc tôi từng nghe như “Mái Tóc Dạ Hương”, “Kỷ Vật Cho Em”, “ Quán Bên Đường”, “Tình Ca”, “Bóng Người Đi”....v..v.... 

Giờ giải lao tôi không ngần ngại chen chân mua cuốn CD “Quê Hương và Kỷ Niệm”, mừng rỡ có 2 bài tôi ghiền nhiều là “Giòng Sông Xanh” và “Đôi Mắt Người Sơn Tây”. Đó là món quà đặc biệt nhất ngày tôi vừa bước chân đến Mỹ được hơn 3 tháng.

Thời gian kế tiếp tôi học lái xe có người chuyên nghề dạy. Ông là cựu sĩ quan, ngoài giờ làm hãng điện tử, dạy thêm kiếm tiền. Sau giờ học trên đường trở về nhà, tôi thấy ông bỏ nhạc Minh Hiếu trên xe, ông hỏi tôi thích giọng ai, tôi cho biết thích TT, ông nổi hứng hứa sẽ tặng tôi cuốn băng TT. Tối ông đến nhà đưa liền cuốn CD chủ đề “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn”, đây là những kỷ niệm liên quan đến tiếng hát cô Thái Thanh tôi rất trân quý giữ nó một góc trong tâm hồn...

Cuộc sống bắt đầu thấm mệt theo những bận rộn công việc, không còn thời gian để nghỉ ngơi. Tôi cày ngày 12 tiếng, tháng 30 ngày, đạp theo chân người Mỹ vì cũng phải sắm xe, nợ nhà, thêm bản tính dân Huế hay lo xa, cày được cứ cày, lỡ ngày mai thất nghiệp. Về nhà chỉ biết thèm giấc ngủ, tuy nhiên cũng còn nũng nịu bắt cô TT dỗ dù chỉ 1, 2 bài rồi say giấc ngủ dễ dàng. Vài năm sau tôi thay công việc làm cho company Kyle Design nên được nghỉ ngày cuối tuần thong thả.

Giấc ngủ muộn màng, mở tung cánh cửa sổ thấy bầu trời trong sáng rực nắng hạ, hay màn mưa mù ngoài song, cảm giác sung sướng thoát khỏi cảnh bị đồng hồ báo thức. Nằm nướng mở nhạc chiếc máy để đầu giường, nghe cô đưa vào kỷ niệm xa xưa... Hay là pha ly cà phê sữa nóng, ngồi một mình nơi phòng khách mở nhạc lớn thoải mái, ngồi bất động để tâm hồn lạc lối về miền quá khứ...

Mời người lên xe về miền quá khứ.
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu
Đứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt mầu.
Sẽ có chẳng nhiều đớn đau
Nối gót người vào dĩ vãng nhiệm mầu.
Có lũ kỷ niệm trước sau ...”

Giọng hát cô uốn lượn theo nhiều cung bậc, xoáy sâu vào lời nhạc mang hồn thi ca phong phú, xoắn mạnh vào tâm hồn tôi ngây ngất, có lúc dồn dập....

Chiều hành quân qua những đồi sim, những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt...” (thơ Hữu Loan nhạc Phạm Duy )

Có lúc lâng lâng ...

Lắng trong tiếng chiều ngân, nhạc dặt dìu ái ân.
Người ơi nhớ mãi cũng đàn, năm tháng phai tàn, duyên kiếp vẫn còn lỡ làng...“Chiều Tà” (Phạm Duy dịch)

Có lúc thắt ruột

“Lòng Mẹ bao la như biển thái bình dạt dào...”(Y Vân)

Có lúc chùng xuống “Đêm Cuối Cùng” (Phạm đình Chương).

Đêm nay đêm cuối cùng gần nhau. Lệ buồn rưng rưng, lời hát thương đau.

Nhịp bước bâng khuâng ngoài phố lạnh. Giọt sầu rơi rớt hồn phiêu linh....

Tất cả cô đều chuyên chở vào âm nhạc những vui buồn cảm xúc bằng tiếng ca lời nhạc, đã đem tâm hồn tôi đi xa, xa lắm ...tạm quên đời cơm áo, những đè nặng lo âu hiện tại, tìm lại chiếc bóng ngây thơ dẫm trên đường hoa mộng, trở lại dòng sông xưa, có “bạn bè hiền như thỏ, đêm đêm về gặm cỏ dưới ánh trăng thanh...”. Thuở mây mưa giăng lối, thuở có giàn ti gôn trước hiên nhà, thuở một sớm thức dậy nghe tiếng chim hót, nhìn ánh nắng tràn qua song, vươn vai ra quét sân, thật nhẹ nhàng sợ đau những xác hoa vung vãi, nghe dư âm vang vọng tiếng hát thần tượng bên tai, rồi hát nho nhỏ:

Bao nhiêu là ngày. Theo nhau đường dài
Trưa trưa chiều chiều. Thu đông chẳng nhiều
Xuân qua rồi thì. Chia tay phượng nở sang hè...

Xứ Mỹ luôn luôn vội vã, tất bật, chính giọng hát cô đã kéo lại những giây phút thanh thản cho tâm hồn, bù đắp sau giờ làm việc mệt nhọc. Tôi chợt nhớ đã đọc đâu đó những tư tưởng lớn bày tỏ về giá trị tuyệt vời của âm nhạc, do những nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới đã nói:

Robert Schumann :“Nhiệm vụ cao quý của âm nhạc là chiếu sáng vào những cõi sâu thẳm trong trái tim con người”.

Gioachino Rossini: “Ngôn ngữ của âm nhạc là ngôn ngữ chung của tất cả mọi thế hệ và mọi dân tộc; ai cũng hiểu được nó, bởi nó được hiểu bằng trái tim”.

Beethoven: “Âm nhạc khơi ngọn lửa trong tim người đàn ông và dâng lệ lên mắt người phụ nữ”.

J. B Bach: “Âm nhạc có thể giúp tinh thần rũ sạch mọi bụi trần của cuộc sống thường ngày

Tôi làm việc trên thành phố Livermore, phải chạy qua 2 freeway 880 & 580. Mỗi chiều trên đường về bị kẹt xe, mấy cuốn CD luôn là bạn gần gũi, cô luôn đi cạnh tôi an ủi, vỗ về theo nhịp “Tiếng Sông Hương” (Phạm đình Chương), “ “Hát Nữa Đi Hương” (Trầm Tử Thiêng), “ Mẹ Việt Nam Ơi” (Nguyễn Ánh 9)... Cô là người ve vuốt tôi rất nhiều bằng sự diễn đạt sâu sắc trong từng lời nhạc, bao nhiêu tình tự lãng mạn, về tình yêu quê hương, về đất nước đau buồn trong thời loạn ly, đủ sắc thái cho tôi rung động nhịp thở un đúc những cảm giác buồn vui lẫn lộn...

Cô ra đi… ngậm ngùi và nuối tiếc một bảo vật vừa bị mất mát. Đám tang Cô được tổ chức tại thành phố Westminster thuộc Nam Cali vào lúc 12 giờ trưa ngày 25 tháng 3. Trước khi tang lễ diễn ra có phần Livestream, tôi thấy có nhiều nghệ sĩ như Cô Kiều Chinh, cô Kim Tước, cô Châu Hà, nhạc sĩ Lam Phương, ca nhạc sĩ Từ Công Phụng, giám đốc Trung Tâm Thúy Nga Tô Văn Lai nói lời chia buồn. Nhìn các nghệ sĩ nay đã tuổi hạc bày tỏ cảm xúc, nước mắt tôi ràn rụa ngậm ngùi ....vì bệnh dịch Covid-19, bạn bè thân thiết, khán giả hâm mộ không thể đến thắp nén hương giã biệt, chỉ biết tưởng nhớ nén hương lòng buồn bã lặng lẽ.

Ý Lan, Quỳnh Hương và con cháu mặc áo hồng trong đám tang, cô Thái Thanh nằm bình thản được khoác y phục màu hồng tươi đẹp như mong muốn của cô lúc còn sống, cô đã quan niệm đó là “Màu Hạnh Phúc”. Nhạc vang trong đám tang bằng bài “Tình Ca

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi...”

Chiếc xe đẩy quan tài và con cháu đi sau một đoạn đường xa, mọi người đều hát “Nghìn Trùng Xa Cách” (Phạm Duy)

Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi
Còn lời trăn trối gởi đến cho người
Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời
Đường dài hạnh phúc cầu chúc cho người...”

Tiếng hát Ý Lan và Quỳnh Hương nức nở nghẹn ngào, chắc hẳn bao nhiêu người hâm mộ cô cũng hát theo và rơi lệ. Bài hát này đã xoắn vào tim tôi ngày xưa khi tôi thất tình, và khi vượt biên qua đảo Pulau Bidong đầu năm 1985, mỗi khi có chuyến tàu rời đảo, tôi thường chứng kiến những cặp yêu thương nhau phải rời xa đau khổ, tiếng hát cô Thái Thanh vang lên xé buốt, giờ đây tôi lại đưa tiễn cô, nghe lại bài hát trong nỗi luyến thương, dẫu biết mọi người cũng sẽ lần lượt ra đi mà thôi...

Bệnh dịch xáo trộn mọi thứ, mọi việc. Tôi đã nghỉ hưu, suốt ngày trong nhà không đi đâu, vì nghĩ tuổi mình không còn trẻ, sức miễn nhiễm có thể yếu đề phòng kỹ lưỡng vẫn tốt hơn. Ra vườn chăm tưới hoa, vào nhà ngồi đọc sách nhưng không tập trung đầu óc. Tôi mở Google gõ những bài yêu thích, chỉ trừ không tìm ra số bài cô Thái Thanh đã hát, thì quay qua dùng CD mở máy. Tiếng hát cô vẫn du dương, vẫn đưa tôi về nhiều kỷ niệm xa xưa. Tiếng hát muôn đời ở lại. Đêm tôi bị mất ngủ, bên tai nghe tiếng yêu thương của Cô, tôi say sưa làm thơ về Cô:

Nhớ Ca Sĩ Thái Thanh

Mưa buồn mở nhạc giọng trong thanh
Hơi vút đưa tình lướt phím nhanh
Tưởng nhớ yêu thương người nghệ sĩ
Năng tài lão luyện đã thành danh

Tròn trăng thiếu nữ thấm khi nào
Tuyệt diệu âm bè luyến láy cao
“Kỷ Vật Cho Em “ buồn ứa lệ
“Giòng Sông Xanh”, “Gánh Lúa” ngời ca

“Ồ Mê Ly” bộ tứ hoà nhau
Gắn bó anh em một chuyến tàu
Ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng
Dâng đời tài nghệ những viên châu

“Người Về”, “Lòng Mẹ” nở ngàn hoa
“Dạ Khúc” ngày xưa quyện nắng tà
“Mái Tóc Dạ Hương” còn đắm đuối
“Nghìn Thu” tiếng hát chẳng rời xa (Minh ThúyThành Nội)

Giã Biệt Thái Thanh

Cánh Nhạn bay xa tiếc vạn hồi
Theo vời tiếng hát gởi mây trôi
Hơi cao thả sóng danh lừng đỉnh
Giọng vút buông thuyền tiếng nổi ngôi

Rộn rã lời duyên gieo ánh mắt
Êm đềm chữ ái thả làn môi
Người đi để lại lòng thương nhớ
Nghệ sĩ ưu tài chẳng nhạt phôi (Minh Thúy Thành Nội)

Tưởng Nhớ Ca Sĩ Thái Thanh

Chị Thái Thanh lìa cõi giá băng
Buồn dâng ký ức vẫn in hằn
“Người Về “thuở ấy trời mơ phủ
“Dạ Khúc” hôm nào khói ảo giăng

“Kỷ Niệm” từng làm trăng uốn đảo
“Tình Ca” đã khiến gió xoay quằn
Say mê tiếng hát ngôi thần tượng
Nguyện ước cho người sớm vãn thăng (Minh Thúy Thành Nội)

Trời đã cuối thu… màu sắc bên ngoài héo úa, cành lá trơ trọi chuẩn bị đi theo mùa đông ảm đạm. Biết bao giờ cuộc sống hết con vi khuẩn tàn ác phá hoại. Thiên tai hỏa hoạn tại Bắc Cali, bão gió bên Texas, biểu tình bên Seattle... Buồn và lo âu đủ thứ chuyện. Mùa đông lại sắp đến, mùa thường làm con người ta trầm ngâm ngồi nhìn mưa… thả tâm hồn trở về ngày tháng cũ, ký ức mơ hồ hoang vắng, tâm tư lạc lõng chơi vơi buông rơi niềm đau nỗi nhớ trên cung sầu phím lạc…

Tôi đang nghe bài “Tình Cầm” (thơ Hoàng Cầm, nhạc Phạm Duy)

Tiếng hát cô lanh lảnh, ngây ngất se thắt lòng tôi. Đêm tĩnh lặng, thơ nhạc giờ này là người bạn gần gũi tôi nhất, cô vẫn luôn bên tôi, tiếng hát cô đang vỗ về, dìu dắt tôi đi vào giấc mộng êm đềm thật xa...

Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh
Những buổi chiều buồn phơ phất lại
Anh đàn em hát níu xuân xanh

Nhưng thuyền em buộc bên sông hận
Anh chẳng quay về với trúc tơ
Ngày tháng Tỳ Bà vương ánh nguyệt
Mộng héo bên song vẫn đợi chờ

Có mây bàng bạc gây thương nhớ
Có ánh trăng vàng soi giấc mơ
Có anh ngồi lặng so phím cũ
Mong chờ em hát khúc xuân xưa

Nếu có ngày nào em quay gót
Lui về thăm lại bến thu xa
Thì đôi mái tóc không xanh nữa
Mây bạc, trăng vàng vẫn thướt tha...” 

Minh Thúy Thành Nội 2020

No comments:

Post a Comment