Thursday, November 9, 2023

Long mạch 600 năm Bắc Kinh bị phá hủy, ĐCSTQ tìm cách cứu vãn phong thủy đế đô?

Giữa năm 2023, lũ lụt nhấn chìm thành phố Trác Châu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Không ít người cho rằng đây chỉ là sự xả lũ, nhưng các cao nhân lại tin rằng, nguyên nhân sâu xa hơn chính là chính quyền muốn cứu vãn phong thủy đế đô đang suy tàn của Bắc Kinh.

Vậy toàn bộ bí ẩn đằng sau đó là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

Nguyên nhân Trác Châu ngập lụt
Mùa hè năm 2023, bão Doksuri liên tục gây mưa lớn và ngập lụt ở các khu vực xung quanh Bắc Kinh. Đến ngày 31/7, mực nước sông Vĩnh Định đã vượt mức cảnh báo, buộc thành phố phải công bố báo động đỏ về lũ lụt. Hai ngày sau, Trác Châu - thành cổ nghìn năm cách Bắc Kinh hơn 70 km về phía tây nam - bỗng biến thành biển nước mênh mông. Có nơi mực nước sâu đến hơn 10m, đẩy hàng trăm ngàn người vào cảnh màn trời chiếu đất, chỉ trong phút chốc đã không còn nơi quay về.

Thông thường, cách phòng chống lũ hiệu quả nhất là dẫn nước chảy theo đường sông ra biển, tránh làm tổn hại tới các thành thị dọc hai bên bờ sông. Nhưng vì sao Trác Châu nằm ở trung du sông Vĩnh Định lại bị ngập lụt? Hơn nữa, nhìn lại suốt quá trình lịch sử lâu dài, rất hiếm thấy Trác Châu bị ngập lụt.

Giữa lúc cư dân mạng đang bàn luận sôi nổi thì có tin tức tiết lộ rằng: Trác Châu là nạn nhân của việc xả lũ, và rằng chính phủ đã ra lệnh đào đê sông Tiểu Thanh và sông Bắc Cự ở Trác Châu để dẫn nước tràn về, mục đích là bảo vệ Tân khu Hùng An ở vùng hạ du. Bởi vì nếu nước lũ ồ ạt tràn vào Bạch Dương Điến thì Tân khu Hùng An vừa mới xây dựng sẽ bị ngập lụt.

Tân khu Hùng An là tòa thành mới bắt đầu khởi công vào năm 2017, được xây dựng ngay bên cạnh Bạch Dương Điến, nằm cách Bắc Kinh 120 km về phía nam. Gọi là tân khu, nhưng kỳ thực hoàn toàn không hẳn vậy. Hùng An bao gồm huyện Hùng, huyện Dung Thành, phố cổ huyện An Tân, và một bộ phận là khu vực mới phát triển, hợp lại gọi chung là Tân khu Hùng An. Phần lớn dân số của Hùng An đều cư trú trong khu phố cổ, còn tuyệt đại bộ phận của tân khu đều chưa có người ở.
Tân khu Hùng An
Trong khi đó, Trác Châu có hơn 700.000 nhân khẩu, là một tòa thành cổ nghìn năm có giá trị cả về lịch sử, văn hóa, và du lịch. Vào thời Đông Hán, Trác Châu được gọi là Trác Quận, đây cũng là quê hương của Lưu Bị thời Tam Quốc. Chúng ta hãy thử nghĩ xem, chỉ vì bảo vệ một tân khu trống trải mà phải hy sinh cả thành cổ nghìn năm tuổi, điều này có hợp lý hay không?

Nhưng nhìn lại, chỉ trong vài năm ngắn ngủi vừa qua, Trung Quốc có rất nhiều chuyện lạ đến khó tin. “Bách niên bất ngộ niên niên ngộ, thiên tải nan phùng tải tải phùng” (Trăm năm không gặp thì năm nào cũng gặp, nghìn năm khó thấy thì năm nào cũng thấy), những tin tức như hòa thượng ăn nhậu, biệt thự trôi sông, hay quan chức nuôi trăm nhân tình… quả thực là chuyện trăm năm không gặp mà giờ đây năm nào cũng gặp, nghìn thuở khó thấy mà giờ đây buộc phải thấy! Ở Trung Quốc, không gì là không thể xảy ra.

Quay trở lại với câu hỏi ban đầu: Nguyên nhân Trác Châu ngập lụt có phải vì xả lũ hay không? Đây là sự thực, hay chỉ là tin đồn?

Khi cuộc tranh luận đang diễn ra sôi nổi thì đúng vào ngày 2/8, các phương tiện truyền thông lớn bất ngờ đăng tải bài báo với tiêu đề: “Bộ Thủy lợi: Cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Tân khu Hùng An và sân bay Đại Hưng Bắc Kinh”. Đến lúc này người ta mới ngỡ ngàng nhận ra: Thì ra những tin đồn trên mạng lại vượt xa mọi dự đoán ban đầu.

Nhưng rốt cuộc nguyên nhân sâu xa hơn là gì?

Chỉ vì đảm bảo an toàn cho Bắc Kinh mà xả lũ vào những địa khu khác ở Hà Bắc, tuy rằng quá tàn khốc, nhưng theo “logic kiểu Trung Quốc” thì hoàn toàn có thể lý giải. Dẫu sao thì, các quan chức lãnh đạo đều sống ở Bắc Kinh mà!

Vậy vì sao phải bảo vệ một tân khu thưa thớt người cư trú? Hơn nữa, vì sao chính phủ lại xây dựng “phó thủ đô” Hùng An ở nơi mà bất cứ lúc nào đều có thể bị nước lũ nhấn chìm?

Nếu biết được nguyên nhân sâu xa phía sau chuyện này, rất có thể bạn sẽ phải giật mình kinh ngạc.

Để tìm hiểu ngọn nguồn, chúng ta cần phải bắt đầu từ Bắc Kinh, nơi đã từng là đế đô cường thịnh suốt 600 năm.

Nguồn gốc Bắc Kinh
Năm 1402, Yên Vương Chu Đệ công phá thành Nam Kinh, quân Yên ồ ạt tràn vào cung cấm, nhấn chìm cả cung điện trong biển lửa. Giữa cuộc hỗn loạn, người ta tìm thấy ba xác chết đã cháy xém không còn nhận dạng được nữa, cùng lúc ấy Kiến Văn Đế cũng đột ngột mất tích. Sau khi dọn dẹp cung điện và thanh trừng quan viên của Kiến Văn Đế, Chu Đệ đến viếng lăng mộ Thái Tổ rồi lên ngôi hoàng đế.

Từ đó giang sơn đổi chủ, Chu Đệ trở thành quân vương thứ ba của triều Minh - Minh Thành Tổ. Ngay sau khi lên ngôi, ông đã nghĩ đến chuyện dời đô, di chuyển kinh đô từ Nam Kinh về phía bắc. Lý do đằng sau quyết định này rất phức tạp, nhưng tóm lại thì chủ yếu có ba nguyên nhân:

Thứ nhất là, cung điện ở Nam Kinh tiềm ẩn hiểm họa lớn, mối hiểm họa này bắt nguồn từ thời cha của Chu Đệ là Chu Nguyên Chương. Lưu Bá Ôn, bậc thầy phong thủy quân sư cho Chu Nguyên Chương, đã từng đích thân đi khảo sát và tìm được nơi phong thủy bảo địa ở chân núi phía nam Tử Kim Sơn. Chu Nguyên Chương bèn chọn vùng đất này làm nơi dựng đế đô. Vì vị trí ban đầu có ba ngọn núi và hồ Yến Tước, Chu Nguyên Chương bèn điều động hàng trăm ngàn nhân lực san phẳng ba ngọn núi, rồi dùng đất và đá núi lấp kín hơn nửa hồ Yến Tước, sau đó xây dựng hoàng cung lên trên. Việc lấp hồ khiến nền móng không chắc, vậy nên theo thời gian, nền móng hoàng cung cũng dần dần lún xuống.

Đến những năm cuối đời của Chu Nguyên Chương, tình trạng sụt lún đã rõ ràng đến mức mắt thường cũng có thể nhận ra. Phía nam cao, phía bắc thấp, cả cung điện trông như nằm nghiêng nghiêng trên dốc núi. Trước nhà có con dốc chắn ngang sẽ cản trở vận may, gây bất lợi cho con cháu tử tôn. Tình trạng này khiến Chu Nguyên Chương vô cùng phiền não, bản thân ông cũng từng có ý nghĩ dời đô.

Trong “Tế Quang Lộc tự Táo Thần văn”, Chu Nguyên Chương đã cảm khái nói rằng: Ta làm quân chủ đã mấy chục năm rồi, việc trị lý cũng có thể nói là đâu ra đấy. Duy chỉ có một việc khiến ta muộn phiền, đó là cung điện nơi cả gia đình già trẻ lớn bé của ta đang sinh sống, phía nam cao, phía bắc thấp. Ta muốn dời đô, nhưng lại e bản thân đã già rồi, hơn nữa ta không nỡ để thiên hạ phải nhọc công tốn sức, tiêu tiền tốn của. Thế nên, chuyện đó ta đành lòng gác lại vậy.

Vì cha đã muốn dời đô, nên Chu Đệ có ý định dời chuyển kinh đô cũng là điều hợp tình hợp lý. Đương nhiên Chu Đệ vẫn còn có một lý do khác không tiện nói ra, đây cũng chính là nguyên nhân thứ hai mà chúng ta sẽ bàn ngay sau đây.

Thứ hai là, bản thân Chu Đệ đã cướp ngai vàng của cháu trai là Kiến Văn Đế, phái Nho học chính thống nhìn nhận việc làm này là đoạt ngôi bất chính. Nam Kinh là nơi Kiến Văn Đế thừa kế hoàng vị từ ông nội mình là Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Những ký ức về vị hoàng đế trước vẫn còn, hơn nữa số người ủng hộ Kiến Văn Đế cũng không ít.

Trong khi đó, Yên vương Chu Đệ từng đồn trú ở Bắc Cương (Dzungaria) suốt 17 năm. Khi phát động sự biến Tĩnh Nạn (Tĩnh Nạn nghĩa là 'dẹp yên họa nạn', cũng bị đọc chệch thành Tĩnh Nan), các cận thần cùng Chu Đệ khởi binh đều là người phương bắc, tất cả những người ủng hộ ông và cơ sở địa bàn đều nằm ở phương bắc. Sau khi giúp Yên vương thành tựu đại nghiệp, tất nhiên họ đều mong mỏi được áo gấm hồi hương, vinh quy bái tổ, thiết tha chờ đến ngày được trở về chốn cũ.

Xuất phát từ cơ điểm bảo hộ vương triều và củng cố địa vị hoàng quyền, đương nhiên Chu Đệ sẽ lựa chọn quay về phương bắc dựng đế đô.

Thứ ba là suy xét từ góc độ quân sự, cũng chính là nguyên nhân quan trọng nhất. Khi ấy vùng đất phía bắc Vạn Lý Trường Thành đã được bình định, quân Minh tiến đánh như vũ bão khiến Mông Cổ phải vội vàng cuốn gói. Khi Chu Đệ còn là Yên Vương đồn trú ở Bắc Cương, ông có trong tay tướng hùng binh mạnh khiến Mông Cổ phải e dè, không dám xâm phạm vào biên giới. Nhưng thế lực Mông Cổ vẫn luôn nhòm ngó Trung Nguyên như cọp rình mồi.

Sau khi Chu Đệ bình định Nam Kinh, quân Mông Cổ là thế lực duy nhất ở phương bắc còn uy hiếp tới Đại Minh. Trong mắt người Mông Cổ, cuộc tranh giành đế vị giữa hai chú cháu chỉ là nội loạn của Minh triều, vậy nên họ vẫn không từ bỏ mưu đồ đánh chiếm phía nam một lần nữa. Vì thế, yêu cầu cấp thiết là dời đô thành lên phía bắc, ở nơi gần với biên cương để bảo vệ lãnh thổ. Vào thời đại mà tốc độ truyền tin không vượt quá tốc độ ngựa phi, thì bậc quân chủ cần phải nhanh chóng nắm rõ tình hình chiến sự. Hoàng đế triển khai và điều động quân đội vô cùng thần tốc, ứng biến mau lẹ, ấy gọi là “Thiên tử thủ quốc môn, quân vương tử xã tắc” (Thiên tử giữ nước, vua chết vì xã tắc).

Vậy là sau nhiều lần cân nhắc, Chu Đệ đã đưa ra quyết định dứt khoát: Tìm nơi phong thủy bảo địa ở phía bắc để xây dựng đế đô. Ông bèn phái một cao nhân Kham dư mà ông tín nhiệm nhất, đó là Diêu Quảng Hiếu, lên phương bắc khảo sát địa chất, lựa chọn vị trí xây dựng kinh đô.

Kham dư” là gì? Đó là cách gọi thuật phong thủy thời cổ đại. Có câu: “Kham vi thiên đạo, dư vi địa đạo” (Kham là Thiên Đạo, dư là Địa Đạo), ý tứ là ngẩng lên quan sát thiên tượng, cúi xuống xem thế đất, dân gian gọi đó là “phong thủy”. Mục đích chủ yếu của Kham dư là gì? Chính là muốn tầm long, tìm kiếm long mạch, xác định mạch núi có khí đế vương. Các mạch núi quanh co uốn khúc, nhấp nhô lên xuống trông giống hình con rồng, do đó phong thủy học thường ví mạch núi với rồng.

Thế nào là long mạch?
Địa hình Trung Quốc có rất nhiều núi cao, thông thường cứ mỗi 8 vĩ độ lại có một mạch núi lớn chạy theo hướng đông - tây. Ví dụ như mạch núi Thiên Sơn - Âm Sơn, mạch núi Côn Luân - Tần Lĩnh, mạch núi Nam Lĩnh, v.v. Cuốn sách địa lý cổ “Vũ Cống” phân chia sơn mạch thành “tứ liệt cửu sơn”. Cũng chính là nói Trung Quốc có rất nhiều mạch núi, nhưng không phải tất cả mạch núi đều gọi là long mạch.

Những ngọn núi tiềm ẩn long mạch đều phải có thủy có chung, có gốc có nguồn, có sinh khí chạy khắp bên trong, bên ngoài quanh co uốn lượn, nhấp nhô không ngừng, bên trong sinh cơ bừng bừng, tràn đầy sức sống. Long mạch cũng giống như cây đại thụ, phân thành Căn long, Cán long, Chi long, và Diệp long.

Giới phong thủy học cho rằng: Tất cả long mạch của Trung Hoa đều khởi nguồn từ dãy núi Côn Luân ở phía tây bắc. Côn Luân được mệnh danh là “vạn sơn chi tông” (tổ của vạn núi), “long mạch chi tổ” (tổ của long mạch), “Trung Hoa tổ long” (rồng tổ Trung Hoa). “Sơn Hải Kinh” gọi đây là “Thực duy đế chi hạ đô”, tạm hiểu là kinh đô dưới hạ giới của Thiên Đế, địa mạch vươn đi tám phương, có tám Thiên long vươn đi các hướng. Núi Côn Luân chạy từ tây bắc sang đông nam, mở rộng ra ba đại Cán long trọng yếu nhất, chính là Bắc Cán long, Trung Cán long, và Nam Cán long. Ba đại Cán long này đều bắt nguồn từ phía tây bắc chạy hướng về đông nam, hình thành địa hình Trung Quốc với địa thế cao ở phía tây bắc và thấp ở phía đông nam.

Trong đó:

Bắc Cán long trải dài phía bắc sông Hoàng Hà, từ Âm Sơn, Hạ Lan Sơn, tiến nhập vào ba tỉnh Sơn Tây, Hà Bắc, Sơn Đông.

Trung Cán long trải dài khu vực phía bắc sông Trường Giang và phía nam sông Hoàng Hà, từ Mân Sơn tiến vào Quan Trung, sau đó từ Tần Sơn ra biển.

Nam Cán long từ Vân Quý, Hồ Nam, trải dài đến Phúc Kiến, Chiết Giang ra biển.

Tam đại Cán long: Bắc Cán long, Trung Cán long, và Nam Cán long

Lý luận thì ai cũng biết, nhưng vẫn còn một bước quan trọng nữa khi khảo sát long mạch, đó là cần phải là tìm được huyệt kết long. Nơi bạn sinh sống lâu dài mới là nơi kết tụ tinh hoa của trời đất, mới có được khí số trường cửu, nếu không thì chỉ là nơi rồng đi ngang qua, khí số cũng nhanh chóng tiêu tán. Khảo sát long mạch đã khó, định vị long huyệt lại càng khó hơn. Bởi vì long mạch cũng giống như rồng vậy, biến hóa vô cùng, khi lớn khi nhỏ, khi ẩn khi hiện, khi thì bay lên lúc lại lặn xuống.

Điều ấy cũng giống với các loài kỳ trân dị thú trong tự nhiên: luôn luôn che đậy hành tung, giấu kín sào huyệt của mình, trách xa tầm mắt của nhân loại. Càng là Thần thú linh thiêng thì lại càng không cho phép con người dễ dàng phát hiện. Xã hội nhân loại cũng vậy, những nhân vật tên tuổi đều khiêm nhường, kín đáo, gìn giữ sự riêng tư cá nhân. Con người chúng ta còn như thế, huống hồ là Thần long? Loài thần thú có thể lên trời xuống đất ấy, há lại có thể cho phép bạn muốn thấy liền được thấy, muốn tìm liền có thể tìm ra được?

Là bậc thầy phong thủy thì không chỉ cần phải tìm ra vị trí của ba Cán long, mà còn phải định vị được nơi kết huyệt bí mật của chúng. Đây là một thử thách lớn đối với các nhà phong thủy. Từ long mạch đến long huyệt là một quá trình từng bước, từng bước thu hẹp phạm vi tìm kiếm. Câu nói “lai long khứ mạch” (long đến mạch đi) chính là diễn hóa từ phong thủy học. Người cổ đại không có các thiết bị khảo sát địa hình tiên tiến, cũng không có flycam chụp toàn cảnh từ trên không, nhưng họ đã tìm ra đặc trưng của nơi có long mạch: “Tiền hữu chiếu, hậu hữu kháo” (phía trước có chỗ nhìn, phía sau có chỗ dựa). Đây là cách nói đơn giản hóa từ một câu trong cuốn sách cổ về phong thủy “Kim Tỏa Ngọc Quan”. Nguyên văn như sau:

Trạch hậu thanh sơn số trượng cao,
Tiền diện trì đường khởi ba đào”

Tạm dịch:

Sau nhà núi xanh cao mấy trượng
Phía trước ao hồ sóng ba đào.

Ý tứ chính là trước mặt có nước, do đó có tầm nhìn, có thể đón nắng chiếu sáng; phía sau có núi, có thể làm chỗ nương tựa.

Phong thủy đế đô
Nhận lệnh của hoàng đế, Diêu Quảng Hiếu liền đi khảo sát địa thế xung quanh Bắc Bình. Vào lúc đó, Bắc Bình là thành phố nổi tiếng ở vùng Hoa Bắc, đã từng là cứ điểm quan trọng qua các triều Liêu, Kim, Nguyên.

Vào thời nhà Liêu, nơi đây được gọi là Nam Kinh, bởi vì trong mắt người Khiết Đan thì vùng đất ấy nằm ở phía nam, do đó họ gọi khu vực Bắc Kinh ngày nay là Nam Kinh Tích Tân phủ, là một trong những “bồi đô” của triều Liêu. Đến thời Kim, Nam Kinh đổi tên thành Yên Kinh. Sau khi định đô tại Yên Kinh, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt liền đổi tên thành Đại Đô. Khi quân Mông Cổ rút khỏi Trung Nguyên, triều Minh liền đổi tên Đại Đô thành Bắc Bình, ý nghĩa là bình định phương Bắc. Về sau khi Chu Đệ xây dựng kinh đô ở đây, ông liền đổi tên thành Bắc Kinh, tên gọi này vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Phạm Trấn, một học giả trứ danh thời nhà Tống đã miêu tả Bắc Kinh trong “U Châu phú” như sau:

Hổ cứ long bàn, hình thế hùng uy
Dĩ kim khảo chi, thị bang chi địa
Tả hoàn thương hải, hữu ủng Thái Hành
Bắc chẩm Cư Dung, nam khâm Hà Tế
Hình đằng giáp ư thiên hạ

Ý tứ là, Bắc Kinh có địa thế rồng cuộn hổ ngồi, hình thế hùng uy, vị trí nằm ở vùng cực bắc của đồng bằng Hoa Bắc. Một bên là biển xanh, một bên là dãy núi Thái Hành, phía bắc là dãy núi Yên Sơn, phía nam là sông Hoàng Hà và sông Tế Thủy. Hai dãy núi giống như hai cánh tay bao quanh toàn bộ Bắc Kinh, khiến nơi đây tàng phong tụ khí, trở thành nơi phúc địa, xứng đáng là mảnh đất đế vương tới muôn đời.
Đồng bằng Hoa Bắc với dãy núi Yên Sơn ở phía bắc, Thái Hành Sơn ở phía tây

Sơn chi long
Diêu Quảng Hiếu leo lên núi Thái Hành và Yên Sơn đưa mắt nhìn khắp non sông vạn đại, cảnh tượng trước mặt khiến ông vui mừng khôn xiết. Bình nguyên Hoa Bắc thu gọn trong tầm mắt, từ đây ông có thể nhìn rõ hết thảy: phía trước là vịnh Bột Hải, phía sau là dãy núi Yên Sơn và Thái Hành, núi sau biển trước, đúng thực là “tiền hữu chiếu, hậu hữu kháo”.

Cổ nhân đều đã tiết lộ thiên cơ, vậy vì sao Diêu Quảng Hiếu vẫn đích thân đi khảo sát địa hình?

Ông không đơn thuần sao chép lại hay chỉ rập khuôn theo chỉ dẫn của tiền nhân, ấy là bởi vì trải qua các thời đại lịch sử, vị trí cụ thể của đô thành Bắc Kinh không hoàn toàn trùng khớp với nhau. Nam Kinh Tích Tân phủ thời nhà Liêu về cơ bản ở cùng chỗ với kinh đô Kế Thành của nước Yên thời Chiến quốc, nay là khu vực Quảng An Môn ở phía tây nam Bắc Kinh. Đến thời nhà Kim, vị trí của Yên Kinh nằm ở trung tâm Bắc Kinh ngày nay, còn Đại Đô thời nhà Nguyên lại nằm trong đường vành đai thứ hai ở phía bắc đường Tràng An của Bắc Kinh.

Sở dĩ vị trí xây dựng đô thành khác nhau qua các triều đại là vì mọi thứ đều thay đổi theo thời gian. Dòng chảy chuyển hướng, long mạch đổi thay, ngay cả ao hồ còn có lúc cạn lúc đầy. Tục ngữ có câu: "Sơn bất chuyển thủy chuyển” (núi không chuyển thì nước quay đầu) chính là ý nghĩa này. Sự biến đổi của điều kiện thủy văn khiến đất đai màu mỡ hôm nay sau vài trăm năm nữa lại không còn thích hợp cho trồng trọt canh tác, còn đất hoang cằn cỗi khi xưa đến nay lại có thể cấy cày. Tự nhiên thay đổi, xã hội nhân loại cũng theo đó đổi thay, các khu vực dân cư đông đúc khi xưa cũng không còn sầm uất như trước. Sự biến hóa của sông hồ kéo theo sự thay đổi của mạch nước ngầm, sự thay đổi của mạch nước ngầm đến lượt nó lại dẫn tới rất nhiều biến hóa khác. Cứ như vậy, mọi thứ đều theo thời gian mà biến đổi.

Vậy nên, trong mỗi thời kỳ lịch sử việc lựa chọn vị trí định đô đều cần phải điều chỉnh lại. Từ góc độ huyền học mà nói, Thần long nào phải gỗ đá, sao có thể ở mãi một nơi bất động cho được? Nó cũng cần bay lượn rong chơi mà, phải không? Ngay cả khi đang ngủ rồng cũng có lúc chuyển mình, chẳng phải thế sao?

Sự thay đổi của rồng khiến cho khí số nơi ấy có tăng giảm, có lên xuống, có biến hóa. Đây cũng là nguyên nhân vì sao Diêu Quảng Hiếu phải đích thân đi khảo sát thực tế, chứ không thể hoàn toàn vận dụng lý thuyết của tiền nhân.

Chuyện kể rằng, Diêu Quảng Hiếu lên đỉnh Yên Sơn phóng tầm mắt ra xa, ông không nén nổi, ngửa mặt lên trời cảm thán: Cuối cùng ta đã tìm thấy long mạch rồi! Đây chính là nơi Bắc Cán long ẩn mình!

Lại cẩn thận quan sát thêm lần nữa, Diêu Quảng Hiếu phát hiện long khí từ Côn Luân đều ngưng tụ trên Thiên Thọ Sơn ở phía bắc. Nhưng muốn chứng thực điều này, ông vẫn cần phải tìm một yếu tố quan trọng khác – Đó là gì?

Chúng ta biết, chân long long mạch không chỉ cần có “sơn” mà còn cần phải có “thủy”, bởi vì sơn là thế của rồng, thủy là huyết của rồng. Phong thủy gọi đó là “sơn chi long” và “thủy chi long”. Cần phải có đồng thời cả hai yếu tố này thì mới tính là nơi phong thủy bảo địa.

Thủy chi long
“Thủy chi long” của Bắc Cán long nằm ở đâu? Nhắc đến điều này cần phải đề cập đến một bậc cao nhân khác, đó chính là vị quân sư khai quốc của Hốt Tất Liệt triều Nguyên, đồng thời cũng là bậc thầy về Dịch học – Lưu Bỉnh Trung. Lưu Bỉnh Trung và Diêu Quảng Hiếu có một số điểm chung: họ đều là các bậc kỳ nhân, đều từng xuất gia trở thành cao tăng sau đó ra làm quan, và đều được gọi là “hắc y tể tướng”. “Hắc y” là màu áo của hòa thượng, do đó mới gọi là “tể tướng áo đen”.

Năm 1263, Lưu Bỉnh Trung dẫn theo đệ tử Quách Thủ Kính - một học giả về thủy lợi và thiên văn học - đi khảo sát lựa chọn vị trí xây dựng Đại Đô cho nhà Nguyên. Cũng giống như Diêu Quảng Hiếu, Lưu Bỉnh Trung đã phát hiện ra Bắc Cán long, hơn nữa ông còn khám phá ra rằng “thủy chi long” nằm trên núi Ngọc Tuyền ở phía tây Bắc Kinh. Nếu như có thể dẫn nước núi Ngọc Tuyền vào đô thành, thì chẳng phải sẽ vĩnh viễn bảo trì được long mạch hay sao?

Theo ghi chép trong “Nhật Hạ Cựu Văn Khảo”, Lưu Bỉnh Trung đã dành vài năm nghiên cứu và thiết kế thành Đại Đô cho nhà Nguyên. Ông cho dẫn nước từ núi Ngọc Tuyền vào sông Kim Thủy, bao quanh Đại Đô hơn nửa vòng rồi nhập vào dòng chảy khác, chảy ra khỏi đô thành.

Chữ “Kim” trong tên gọi sông Kim Thủy đã nói rõ đầu nguồn của dòng sông. Bởi vì “Kim” trong ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ đối ứng với phía tây, mà núi Ngọc Tuyền lại nằm ở phía tây. Diêu Quảng Hiếu vô cùng bội phục trước thiết kế của Lưu Bỉnh Trung, ông bèn vận dụng thiết kế này và thêm vào đó một số thay đổi quan trọng: Ông di chuyển trục trung tâm của Tử Cấm Thành một đoạn ngắn về phía đông, để trục trung tâm của hoàng thành Đại Đô nằm ở mặt phía tây Tử Cấm Thành, đúng vào vị trí “Bạch Hổ” để khắc chế vương khí còn sót lại của triều đại trước. Sau đó, ông chia sông Kim Thủy thành hai nhánh là Nội Kim Thủy và Ngoại Kim Thủy, lần lượt bao hơn nửa vòng quanh Tử Cấm Thành và Bắc Kinh, cuối cùng nhập vào dòng chảy của con sông khác.

Với đầy đủ cả “sơn chi long” và “thủy chi long”, Bắc Kinh bắt đầu chuyển mình hoa lệ, trở thành đế đô hoàn mỹ. Nơi tinh hoa nhất trong thành Bắc Kinh, cũng chính là vị trí long huyệt nằm ở điện Giao Thái trong Tử Cấm Thành, ở giữa cung Càn Thanh và cung Khôn Ninh. Tên gọi “Giao Thái” mang ý nghĩa thiên địa hòa hợp, âm dương giao hòa.

Mặc dù đã tìm ra vị trí đắc địa, nhưng đáng tiếc Diêu Quảng Hiếu lại không chờ được đến ngày kinh đô xây dựng. Ông đã qua đời hai năm trước khi Chu Đệ chính thức dời đô. Bắc Kinh mà Diêu Quảng Hiếu và Lưu Bỉnh Trung cùng nhau thiết kế ấy đã trải qua hơn 600 chiến hỏa, 600 năm đổi đại thay triều, nhưng chưa bao giờ mất đi vượng khí, vẫn luôn là kinh đô hoa lệ sừng sững giữa đất trời.

Kế hoạch ngàn năm
Vì sao cần phải nói dài dòng như vậy? Chúng ta cần hiểu rõ ngọn nguồn phong thủy của Bắc Kinh, sau đó mới có thể trở lại câu hỏi lúc ban đầu: Trác Châu bị lụt có quan hệ gì với Tân khu Hùng An mới xây dựng?

Đó là vì người ta phát hiện nước suối Ngọc Tuyền vẫn liên tục chảy suốt mấy trăm năm, đến năm 1975 lại đột nhiên ngừng chảy. Điều ấy nói rõ rằng phong thủy đế đô 600 năm của Bắc Kinh đến nay đã bị phá hủy.

Nước trên núi Ngọc Tuyền là máu huyết của Bắc Cán long, tức “thủy chi long”. Không có “thủy chi long” cũng đồng nghĩa long mạch đã suy tàn.

Rất nhiều chuyên gia cùng nhau thảo luận vì sao nước Ngọc Tuyền ngừng chảy? Kết luận đại thể là hai nguyên nhân: 
Thứ nhất là dòng sông lớn nhất ở Bắc Kinh là sông Vĩnh Định đã ngừng chảy. 
Thứ hai là nước ngầm ở đồng bằng Hoa Bắc bị khai thác quá đà làm gián đoạn dòng chảy.

Các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều biện pháp để kích thích dòng chảy trên núi Ngọc Tuyền, nhưng các phương án này đều cần thời gian rất dài, nhanh thì phải chờ đến năm 2030 mới có thể thực hiện, muộn thì phải kéo dài đến năm 2050. Đến lúc ấy, liệu có thực sự khai thông dòng chảy núi Ngọc Tuyền hay không vẫn còn là câu hỏi lớn. Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ xưa nay vẫn hô hào “đánh đổ mê tín phong kiến”, nhưng lại vì điều này mà ngày đêm trăn trở.

Đến năm 2017, ông Tập Cận Bình đưa ra chỉ thị quan trọng: thực hiện kế hoạch lớn nghìn năm – “Trung Quốc đích thiên niên đại kế”. Nội dung của bản kế hoạch là xây dựng Tân khu Hùng An ở nơi cách Bắc Kinh 120 km về phía nam, hứa hẹn đây sẽ là trung tâm kiến thiết đất nước, để Trung Quốc lại trở nên hùng cường. Kế hoạch này khiến các chuyên gia thủy lợi đều bối rối: Tân khu nằm sát Bạch Dương Điến, trên một phần lòng hồ cổ đã khô cạn. Bạch Dương Điến có vai trò là hồ chứa lũ tự nhiên của đồng bằng Hoa Bắc, nằm ở địa hình thấp, một khi xả lũ ở thượng du sẽ khiến toàn tân khu bị ngập lụt.

Thực vậy, trước cơn lũ tháng 8/2023, chính phủ ra quyết định dẫn nước về Trác Châu để bảo vệ Hùng An. Rất nhiều người không khỏi thắc mắc: Lẽ nào lại chỉ vì một tân khu mà làm như vậy sao?

Có người đã tiết lộ chân tướng đằng sau, rằng mọi việc không đơn giản như vậy. Nguyên nhân sâu xa chính là: “Thủy chi long” trên núi Ngọc Tuyền không còn nữa, chính phủ chỉ còn cách dùng “thủy chi long” của Bạch Dương Điến để tiếp dẫn long khí tới Tân khu Hùng An, lại liên thông Tân khu Hùng An với Bắc Kinh để cứu lấy long mạch của đô thành.

Nếu “thủy chi long” của Bạch Dương Điến có thể hồi sinh toàn bộ long mạch, thì thủ đô Bắc Kinh sẽ có thể vững vàng không suy yếu, trở thành đế đô muôn đời. Vì vậy việc xây dựng tân khu mới được gọi là “đại kế hoạch ngàn năm của Trung Quốc”. Thật là một ván cờ lớn!

Người Trung Quốc xưa nay vẫn có câu cổ ngữ: “Nhân thắng hung tà, đức trừ bất tường” (nhân nghĩa thắng hung tà, đức hạnh trừ những điều không may). Mục đích của phong thủy không phải là để gìn giữ khí số vương triều, mà là dẫn con người đến với Đạo, tin vào Thiên lý, hành sự thuận theo đạo lý của đất trời, do đó mới nói là “tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích”. Điều căn bản nhất vẫn là đức hạnh của con người. Muốn biết khí số của gia tộc, cần nhìn vào đức hạnh của gia chủ. Muốn biết khí số của vương triều, vậy cần nhìn vào đức hạnh của người đứng đầu. Nếu như phải hy sinh hàng trăm ngàn dân lành vô tội chỉ để bảo vệ long mạch thành đô, thì e rằng ngay cả chân long long mạch cũng không thể khởi được tác dụng.

Có ý kiến cho rằng: Phong thủy cũng là một sinh mệnh, vì là sinh mệnh nên không thể vĩnh viễn trường tồn. Đất trời có “thành trụ hoại diệt”, con người có “sinh lão bệnh tử”, cho dù là “tam nguyên bất bại” cũng phải đến lúc suy tàn. Bắc Kinh đã trải qua hàng trăm năm, giờ đây giống như một cơ thể đã đến hồi suy lão, tất nhiên vận khí sẽ không còn sung mãn. Đất nước muốn hùng mạnh, đế đô muốn thịnh cường thì người dân trên khắp đất nước phải tích đức hành thiện, như vậy mới dưỡng thành long huyệt.

Dân có đức thì mới có người lãnh đạo hữu đức, người lãnh đạo hữu đức thì mới có thể đem lại phúc lành cho quốc gia. Con người nếu không gìn giữ đức hạnh, chỉ lo tranh đoạt cho bản thân, thì Thần long đương nhiên sẽ rời bỏ. Cây cần có rễ mới có thể vươn cành, người cần có đức mới có thể dưỡng thành phong thủy. Đất nước mà toàn dân đều tu dưỡng, toàn dân đều hành thiện thì rồng tự nhiên sẽ tìm đến, nào cần phải đi tìm long mạch nữa đây?

Wenzhao
Minh Hạnh biên dịch

No comments:

Post a Comment