Sunday, October 29, 2023

 Người Của Mồ Hôi | Nguyễn Ngọc Tư

"Má đẹp nhất là không làm gì. Trời ơi, mấy lúc vậy bả đẹp kinh hồn vía".

---
Nhà kiêm luôn quán nước ngó ra đường, mảnh ruộng cũng nhỏ nằm ngay sau nhà, đủ cơm cho cả năm, nhưng cũng ngốn ngấu nhiều thời gian và tâm sức.

Gần năm năm trở lại đây, mùa nước lên, má con chị thêm dịch vụ cho mấy hội nhóm săn ảnh. Thằng con chèo xuồng đưa khách ra chỗ có chòm thốt nốt soi bóng nước đẹp nhất vạt đồng. Chị, hoặc trụng mấy tô mì cho khách dằn bụng, hoặc làm người mẫu ảnh. Công việc sau khó hơn, nhưng kiếm được nhiều tiền hơn.

Buổi đầu làm mẫu, nửa người dưới chị ngâm trong nước, nhưng nửa trên lại mướt mải mồ hôi. Tóc tai dính bết cả, nhưng mấy anh chụp ảnh nói vậy mới đẹp, càng mồ hôi càng đẹp. Họ nói - không biết thật hay giỡn - mồ hôi mà làm giả, kiểu như vẩy nước vào cũng không đẹp bằng mồ hôi thật, thiếu hơi muối nên nhìn hạt nó không trong và tròn chắc, không đọng lại lâu trên da. Nhưng thằng con chị cãi, đẹp nhất má mình là khi nằm võng nghe cải lương buổi xế trưa, hay khi má gội đầu xong, ngồi hong tóc trước quạt gió, hoặc khi má tắt đèn chuẩn bị dọn quán, chắp tay sau đít nấn ná đứng nhìn ngấn trăng rọi vói vào nhà, kiểu không nỡ nào đóng cửa.

“Trời ơi, mấy lúc vậy bả đẹp kinh hồn vía”, thằng nhỏ vừa ngậm cọng cỏ mần trầu bên mép, vừa nói với mấy tay máy, gạ gẫm họ ghi lại hình ảnh má mình những lúc mà cậu cho là đẹp. Một người trong đám họ cười, mẫu ảnh phải làm gì đó, không ngồi không vậy được đâu.

Người đàn bà trong đó dẫu đang tung chài, hay hái bông điên điển, hay rửa bông súng, kiểu gì thì cũng đẫm mồ hôi, cũng khoe bàn tay tựa cành khô, cũng cái cười xếp nếp nhăn lên mặt nhưng mắt rạng rỡ vô cùng.

Chị không có tên thật trong những bức ảnh đó, họ gọi chị bằng “nét đẹp lao động”, hay “tung chài”, hay “hoa của nước”. Nhưng không hề gì, chị biết kẻ trong ảnh là mình, dù đang làm gì. Cả thằng con chị cũng nhận đó là má mình, “nhưng xấu”. “Má đẹp nhất là không làm gì”, thằng nhỏ nói.

Lâu lâu ai đó gọi khoe ảnh chụp chị được trao giải cao, rồi ai đó khoe chân dung chị được bảo tàng phụ nữ mua lại. “Vậy là ảnh chị được treo ở đó cả trăm năm nữa, cho cháu chắt chị coi”, nghệ sĩ nọ hồ hởi nói qua điện thoại. Đứa con nghe tin tự dưng trong lòng bức bối. Nó cũng không biết mình buồn bực vì lẽ gì. Nhưng một bữa trên đường đi làm hồ, ngang qua bảo tàng nọ, thằng con chị nhận ra, chừng nào cái bảo tàng còn, cái ảnh kia còn treo trên vách phòng trưng bày thì má mình còn dầm trong nước lũ, rửa bùn sình cho bông súng.

(Trích từ một câu chuyện mới của Tư _ Ảnh sưu tầm)

No comments:

Post a Comment