Tuesday, October 17, 2023

ANH ƠI BÊN KIA CÓ CON MẮT BUỒN…

Theo nhiều người quen Trần Quảng Nam kể, thì “Mười năm tình cũ” Trần Quảng Nam viết từ 1985 cho một em 10 năm mà chàng ta yêu, khi bất ngờ dọn đống sách vở rớt ra một tấm hình, rớt ra một kỷ niệm. Chàng nhạc sĩ bèn viết ngay vì sợ biết đâu bị tấm hình em nào nữa rớt thêm ra làm chàng ta lên cơn loạn vía, lạc vỉa tình sẽ tịt ngòi.

Lệ Thu hát.
Liêu trai.

Vừa ra đời, lập tức “Mười năm tình cũ” làm say mế bao em, biết hay chưa biết chàng nhạc sĩ có đôi mắt ngơ ngơ mơ màng… nướng trên cái mũi vênh đáng ngờ ấy.

Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ
Mây bay bao năm tưởng mình đã quên
Như mưa bay đi một trời thương nhớ
Anh ơi bên kia có con mắt buồn…

Vẫn còn tên anh cả một trời yêu
Cả một trời yêu bao giờ trở lại
Ôi ta xa nhau tưởng chừng như đã
Ôi ta yêu nhau để lòng cứ ngỡ
Tình bất phân ly tình vẫn như mơ…”

Ngày cuối ở California. Trần Quảng Nam ới gã ăn phở với Nguyễn Thiên Nga. Nàng vẫn xinh đẹp như thuở nào, nhưng gã xin tạm gác câu chuyện của nàng từng đoạt hai lần vương miện hoa hậu VN ấy, để cùng chàng nhạc sĩ vi vu San Jose khi nắng thu đang ứa vàng trên những cây phong ùa theo gió thu bên đường.

Vừa lái xe ông Nam vừa say sưa kể chuyện các mối tình. Còn gã vừa ngắm thu vàng vừa hóng nghe.

Độp, gã nói: tôi nghe bài “Mười năm tình cũ” của ông không bằng tai mà cảm thấy như tiếng hát từ trong ngực tôi vừa day, vừa trào ra rồi lan toả khắp người, và thật lạ, tai lại là nơi cuối cùng trong cơ thể tôi chạm vào tiếng hát ấy.

Ông Nam rít thuốc, trên sàn xe toàn tàn thuốc, gã không hiểu các cô nàng có thể chịu được ngồi trên chiếc xe… tình này mà quanh mình toàn tàn thuốc lá như thế nào.

Đột nhiên ông Nam nói, ông biết không, nhiều người hỏi tôi vì sao viết “Mười năm tình cũ”?. Quả thật tôi khó trả lời. Cũ? Mới? Tôi bất ngờ bị đẩy vào chân tường của chi chít câu hỏi mới, cũ này. Ở chân tường ấy tôi bị giằng kéo hai câu chuyện tôi không bao giờ quên mà chẳng liên quan gì đến âm nhạc và tình tang, tang tình hết.

Câu chuyện 1.
Tôi du học trước 1975 là sinh viên toán xuất sắc. Tôi tự hào về điều này lắm. Có một sinh viên Nhật cứ bám theo tôi học hỏi tôi làm tôi càng tự hào mình là người Việt Nam xuất sắc. Thế rồi đến ky` thi. Tôi được 92 điểm còn cậu sinh viên Nhật được 99 điểm. Tôi nhận ra sự thật rằng kẻ luôn học hỏi tôi thực sự giỏi hơn tôi. Tôi nhận ra phẩm chất của người Nhật là không bao giờ bằng lòng với chính mình như người Việt mà luôn biết lắng nghe, học hỏi.

Câu chuyện 2.
Tôi đi thi hoá học. Ngồi cùng bàn tôi bên trái là một cô dược sĩ ở VN qua, bên phải là một sinh viên Mỹ tay bị run, tàn tật, ngồi xe lăn.

Tôi làm bài xong, cô dược sĩ kéo bài của tôi gần cô để chép. Trong khi đó, tôi lại muốn giúp đỡ cậu sinh viên Mỹ bị tàn tật. Tôi đưa bài của tôi cho cậu ta chép nhưng cậu ta lắp bắp nói: tôi tự làm được.

Nhạc sĩ Trần Quảng Nam dụi điếu thuốc kể tiếp:

“Vậy đó, hai câu chuyện kia đã xoắn vào tôi khi tôi viết…”Anh ơi bên kia có con mắt buồn.” Tất cả dồn lại từ con mắt buồn ấy”.

Buồn!

Từ nỗi buồn nào đó nhấn sâu thành nỗi buồn tình, hay ngược lại? Ông nhạc sĩ không biết nữa hay ông không muốn tự thú rành mạch câu trả lời.

Lưu Trọng Văn.

No comments:

Post a Comment