Monday, September 25, 2023

Viết cho ngày giỗ tổ sân khấu: Tổ thực tế của nghệ sĩ là ai?

Nguyễn Gia Viet 

Thứ ba này là ngày giỗ tổ nghệ sĩ, thấy rục rịch um sùm. Kinh tế càng xuống họ càng cúng nhiều, càng lạy nhiều, áo quần màu mè lòng thòng làm lễ tổ

Tổ vốn là chỗ dựa tinh thần, là niềm tin tâm lý để bước ra sân khấu, từ những cảm xúc tinh thần đã bị biến tấu ra thành màu mè áo xống, thứ bậc đẳng cấp, đồ ăn đồ uống, kéo bè kéo thế

Nghệ sĩ giỗ tổ, những kẻ "ăn theo" cũng giỗ tổ. Làm hóa trang, áo quần, giày dép cho nghệ sĩ, bưng nước che dù cũng giỗ tổ, nhà báo chuyên ôm ấp kề cổ nghệ sĩ cũng lạy "tổ", làm thành một tràng a dua nhìn không giống ai, không giống con giáp nào.

Ngày giỗ của ngành sân khấu, gom chung giới hát xướng mà ngày nay kêu nghệ thuật biểu diễn là ngày 11 và 12 tháng 8 Âm Lịch

Cúng con heo quay vái cái biệt thự nhà lầu, cúng con gà luộc thèm cái xe hơi, cúng dĩa trái cây ước gặp được đại gia lên biệt thự, tựu trung là phải có tiếng, phải tỏa sáng bất chấp tài năng và phe phái rườm rà.

Thấy rõ nhứt là lạm dụng hình thức thờ cúng "tổ”, họ lấy tất cả nghi lễ của hoàng gia, cúng đình vào cúng ”tổ”. Đặc biệt Hoài L đem hầu đồng, đem bà cốt Bắc vào cúng tổ trong Nam.

Tại nhà thờ “tổ” của Hoài L xài toàn đầu rồng 5 móng-rồng của Hoàng Đế, để đầu rồng trên bàn thờ, quá hỗn. Ngày xưa rồng của gánh hát chỉ 3 móng, dám chòi lên 5 móng là bị xử liền.

Nghệ sĩ kéo bè, kéo nhóm, thể hiện "quyền lực" mình bằng giỗ tổ, mạnh ai nấy làm show tổ, càng xôm càng thích, tổ của riêng cá nhân.

Người ta làm lơ, quên luôn nhà thờ tổ, nơi đặt bàn thờ tổ, nơi tri ơn, ghi nhớ công ơn của các tiền nhân khai sáng nghề hát, nơi bàn bạc chuyện người sống, vun bồi nghề nghiệp, là trụ sở Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu -Tương Tế ở số 133 đường Cô Bắc Sài Gòn, hàng năm giỗ Tổ do Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu – Tương Tế tổ chức.

Tại 133 Cô Bắc, bàn thờ Tổ ở đây được dùng làm nơi cúng Tổ từ năm 1948 đến sau ngày 30 tháng 4 /1075.

Thời 1948, thời trước 1975 khi đó không có cảnh "chi bộ đảng" trong giới sân khấu, giới nghệ sĩ chỉ là một hội đoàn nghề nghiệp thông thường như hàng ngàn hội đoàn xã hội khác.

1. Ông Tổ sân khấu là ai? Tới nay chưa ai rõ, chưa xác định là ai

Là ông ăn mày, ăn cướp, người ăn xin, ba ông hoàng tử nhỏ...thậm chí có cùng tổ với mấy cô bán phấn buôn hương-kỹ nữ. Chưa ai xác định rõ là ông bà nào.

Ngày xưa, nghề "Xướng ca " là nghề vô định, hồi xưa không coi là nghề vì nó mua vui kiếm sống, hát hò hay mới no bụng, có hát mới có ăn, khán giả cho cơm, cho tiền mà sống, ngày nào ế thì húp cháo thay cơm.

Nghề hát xưa rất khổ, toàn con nhà nghèo ít học, đào kép hát lang thang vô định, hát hò đã đời tối ngủ ở sạp chợ.

Các đoàn hát lưu diễn xa tối đều vô nhà lồng chợ giăng võng , trải chiếu qua đêm .Cho nên thiên hạ nói giới nghệ sĩ có bà con với ăn mày cũng là đây.

Cái nghề không tạo ra một sản phẩm nào cho đời.

Chẳng phải tổ đãi gì, chẳng qua có giọng hát riêng, trau dồi son phấn, trao dồi ca hát, diễn tốt, có chút nhan sắc và may mắn được khán giả thích thì thành danh

Và lệ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội của thời nữa, tức là dân làm ăn được, dân khá giả, dư tiền thì nghề hát sung. Còn dân nghèo, dân làm ăn lụn bại, xã hội tiêu điều thì nghề hát sập tiệm, nghèo quá ai coi hát, ai nuôi đoàn hát.

"Xướng ca vô loại" bị coi thường vì nó không có đạo lý gì. Có vợ có chồng ngoài đời đó nhưng lên sàn là nó hun hít, ôm ấp, lên giường đóng cảnh hun hít nút lưỡi pặc pặc với kép khác, rồi cha lạy con, mẹ quỳ với dâu rể.

Tiếp khách thì ỏng ẹo, mặc đồ mỏng dánh, kép đào tối kéo chiếu, nằm võng lăn qua lăn lại sau cánh gà

Thành ra có câu:

Trồng trầu trồng lộn dây tiêu
Con theo hát bội, mẹ liều con hư”

Nhưng ngày nay thời hiện đại nó là ngành công nghiệp không khói. Trúng một show là mua nhà lầu, quen với đại gia là mua biệt thự, thành ra hát xướng rộn ràng là vậy

Sau 1975 tới ngày này giới nghệ sĩ có những thay đổi rõ rệt mà coi mòi xô bồ nhiều hơn

2. Trước 1975 người Nam Kỳ xưa cứ nghệ sĩ là "con" và "thằng" hết, con đào, thằng kép, con Bạch T, con Diệu H, thằng Minh Vương, thằng Thanh T ....

Kêu thằng, con là như con cháu đó, khán giả lúc nào cũng lớn, dù biết người hát lớn tuổi hơn mình cũng cách gọi thương mà dân dã đó. Vậy mà trong lịch sử gánh hát Nam Kỳ mình chưa có ông thầy tuồng, đào kép nào phản đối chuyện kêu đó

Ngày xưa, thời còn Nam Kỳ Lục Tỉnh

Sau 1975 thì kêu là nghệ sĩ, rồi có danh hiệu do nhà nước tặng ban.
Người nghệ sĩ không bao giờ làm chánh trị, nhưng đứng chàng hảng thì thấy rõ

Nhiều nghệ sĩ làm "chiến sĩ văn hóa" , làm tuyên truyền và danh hiệu

Thực ra nghệ sĩ là phi chánh trị,  không phải người của chánh trị. Nghệ sĩ chỉ là con cờ của thế sự.

Nhiều khi khán giả khó tánh cứ để cảm xúc mình theo nghệ sĩ, trong khi nghệ sĩ là những người phi chánh trị, họ chỉ cần đem tâm trí hát cho thăng hoa trong một bài,diễn cho xuất thần lên trong một tuồng, vãng hát thì xong, lãnh cát xê đi về, họ thích đứng chàng hảng ở mọi tư thế mà tư thế nào có lợi cho bản thân họ là họ cứ đứng thôi.

"Em ra đi nơi này vẫn thế
Thành phố vẫn có những giấc mơ
Vẫn sống thiết tha
Vẫn lấp lánh hoa trên đường đi"

Khán giả chỉ "ái mộ" nghệ sĩ chứ không thần tượng nghệ sĩ.

Chữ ái mộ nghĩa là yêu mến, mến mộ, quý mến. Trong làng văn nghệ, hát xướng, giải trí khi nghệ sĩ được ví là tri kỷ thì khán giả là tri âm.

Người ta ái mộ chứ không thần tượng, là vì nghệ sĩ khác nhà chánh trị, lãnh tụ chánh trị. Người làm chánh trị, anh hùng dân tộc mới thần tượng.

Có vô số nghệ sĩ, nhưng được gọi là nghệ sĩ chân chính thì không có nhiều.

3.Lịch sử nghề hát đã có từ trước 1975, không phải có sau 1975

Những danh hiệu NSND, NSUT nhiều khi không quan trọng trong mắt khán giả Miền Nam, có cũng được, không có cũng không sao

Đơn giản đi hát khán giả trong Nam không cần biết danh hiệu, họ nuôi nghệ sĩ, họ có quyền, họ vẫn thẩm định nghệ sĩ bằng nhỡ quang của họ như ông bà họ đã làm hàng trăm năm trước.

Mà nói thẳng, nghệ sĩ nào được khán giả "thẩm định" thì lại chính xác nhứt về tài sắc. Có danh hiệu chưa chắc là hay nhứt chưa có đoàn hát nào về Miền Tây trưng bảng hiệu lên rằng nghệ sĩ này có danh hiệu phong tặng này nọ, vì trưng lên khán giả cũng không để ý.

Những danh hiệu ban tặng này chỉ được xướng lên trong những buổi lễ có tính chất liên quan tới chánh quyền,trong những show truyền hình của chánh quyền

Nói vầy không phải coi thường danh hiệu, có vài nghệ sĩ Miền Nam vẫn cố gắng làm sao "cho có được" cái danh hiệu kia kìa. Nhưng thực tế rõ ràng là có sự khác biệt trong quan điểm của người dân hai vùng miền.

Những danh hiệu được trao tặng không phải là con át chủ bài lôi khán giả Miền Nam tới rạp.

Nhưng rõ ràng là nhiều nghệ sĩ đã "tự tin" hơn trong xã hội và họ đã làm quá lố mà họ không hay

Nào là NS ND, rồi Tiến Sĩ và tung hoành coi không ai ra gì

Đừng đem danh hiệu, pháp luật và chánh quyền ra để tìm cách truất đi cái quyền yêu ghét, đánh giá, chấm điểm và trừng phạt nghệ sĩ của khán giả Miền Nam vốn có hàng trăm năm nay rồi.

Nhiều lúc ý chí của chánh quyền và khán giả đi ngược nhau. Mà nó không riêng về văn nghệ, nó còn trong nhiều vấn đề khác nữa.

Yêu, ghét, thích hay không chẳng ai ép khán giả được, cũng không có luật nào điều chỉnh, "xử" được chuyện này

Bằng chứng là đã xử bà PH, nhưng các ca sĩ, nghệ sĩ um sùm với bà thì có lấy lại được địa vị trong khán giả như xưa không thì đã biết.

Hai má con cô sáu có đâm đơn kiện hết cái xã hội cũng không thể sống như xưa.Quyền L và Cát T, Hồ Hoài A và Hoàng Thùy L có quỳ gối chổng khu xin lỗi hết xóm cũng không thể còn hình ảnh như xưa,quá ghê rồi!

4 .Tổ của nghệ sĩ chính là khán giả,là công chúng

Nghệ sĩ sanh ra để đi hát, nhưng sống hay chết, tồn tại hay lụn bại là do khán giả

Cúng tổ um sùm làm chi mà khán giả nhìn như cái thứ không ra gì thì "Tam Vị Thánh Tổ" nào mà cứu đặng.

Từ nguyên thủy, nghĩa của 改良 cải lương là tiến bộ, trong đó chữ 改 cải là sửa đổi, thay đổi, 良 lương là tốt lành, 改良 cải lương hàm nghĩa là sửa đổi cho tốt đẹp

Nó có nghĩa là cải tiến, canh tân,biến đổi cho tân thời để theo kịp sự tiến bô của văn minh nhân loại.

Cải lương tiến bộ mà người nghệ sĩ xưa, đào hát, kép hát cũng phải tiến bộ, sống khiêm tốn, chừng mực, khuôn phép khi đối diện với công chúng, luôn giữ niềm tin đặng mà công chúng, bà con thương mến, càng thương càng sống khỏe re.

Trao dồi ca ngâm, diễn, vũ đạo, càng hát hay càng luyện cái nết. Càng lên cao, càng tột đỉnh, càng sáng đèn phải càng khiêm tốn, bình dân, giữ miệng trong ăn nói.

Có nghệ sĩ đã già, về chiều mà nay lên youtube nói cái này, mốt lên nói cái nọ, nói như hát, nói tùm lum tà la là xong rồi. Gần 80 tuổi còn nghe lời bạn bè xúi nói tào lao thì sẽ biết mùi khán giả.

Nghệ sĩ chân chánh là gì? là khi bà con vỗ tay không được chảnh, dạy đời khán giả, ta đây với khán giả, nói chuyện phải dạ thưa.

Nghệ sĩ không được ta đây với khán giả là cái ít ai làm được.

Khi coi hát bội, thấy các nhân vật ra sân khấu sẽ tự xưng danh"như ta đây" là để khán giả biết nhân vật thôi, nhưng đó là sân khấu, ngoài đời ít ai "tự xưng" kiểu vậy lắm vì rất kỳ khôi.

Báo chí ngày xưa lăng xê và cũng hạ bệ nghệ sĩ. Báo chí sau 1975 thì do chánh quyền nắm, nhưng mạng miếc phát triển ,khán giả có nhiều cách để nói "tôi ghét","tôi không ưa" nghệ sĩ nào đó quá đáng mà không biết dừng lại, có nhiều cách phản ứng trực tiếp nên nghệ sĩ thời giờ phải luôn biết mình biết ta.

Nghề hát ở Miền Nam là một nghề giải trí và nó phát triển vượt bậc, doanh thu khổng lồ, đào kép, nghệ sĩ lên nhà lầu xe hơi, bay nước ngoài như đi chợ là do khán giả.

Khán giả nuôi sống hát xướng, nuôi sống nghệ sĩ, cho nghệ sĩ địa vị dù xuất thân là học không có bao nhiêu, gia đình nghèo kém.

Lịch sử nghề hát ở Miền Nam rất riêng biệt, có đặc điểm riêng của nó từ xưa nay là "quyền lực" nằm trong tay khán giả và không ai, kể cả chánh quyền có khả năng tác động vào nhận thức đó.

Lịch sử Miền Nam từ đờn ca tài tử, cải lương, thoại kịch, tân nhạc và điện ảnh, tất cả, hết thảy mọi thứ đều đi từ dân và do khán giả bỏ tiền ra nuôi.

Khán giả là hội đồng giám khảo đánh giá tài sắc của người nghệ sĩ khán giả là người phân loại nghệ sĩ, có đào kép loại nhứt, có loại nhì, loại ba. Khán giả quyết định đêm diễn đó thành công hay thất bại.

Ai dám thách thức quyền lực khán giả?

Ai đưa nghệ sĩ lên cao? Đó là khán giả. Người trả tiền là khán giả. Ai hạ nghệ sĩ xuống nếu vô đạo đức? Cũng là khán giả.

Tiêu chuẩn ở đâu? là khán giả nắm tiêu chuẩn.

Nghệ sĩ Miền Nam nhớ rằng, bất cứ lúc nào, bất kể năm tháng, khi họ còn diễn trên sân khấu, còn sống bằng nghề hát thì khán giả vẫn còn "chấm điểm" họ. Mười mấy tuổi hay tám chục tuổi, chín chục tuổi vẫn bị khán giả chấm điểm. Trừ khi họ mất và giải nghệ mới hết bị đánh giá thôi.

Khán giả Miền Nam chỉ yêu cầu anh chị hát hay ,diễn giỏi, tánh tình dễ thương thì dầu sau này có già, thanh sắc có giảm, hơi có yếu nhưng bà con vẫn thương tràn trề.

Anh chị có danh hiệu này nọ nhưng "mất nết" là bà con khỏi nhìn mặt.

Thành ra ở đất Miền Nam nghệ sĩ nào khúc mắc với khán giả thì coi như tiêu tán đường.

5. Khán giả thương thì tổ đãi, khán giả ghét thì tổ hại, đơn giản tổ là khán giả

"Sân khấu về khuya" ông Năm Châu có một câu nói nhớ đời:"Vì không ai gọi đào hát là bà bao giờ"

Nên nghệ sĩ đừng xưng danh, đừng ta đây, đừng dạy đời thiên hạ, đừng giảng đạo lý cho chúng sanh.

Có câu "Thầy già con hát trẻ" ám chỉ đào kép già thì làm thầy cho đào kép trẻ chứ không phải thầy của khán giả hay toàn xã hôi bên ngoài.

Thành ra vì sao chúng sanh ghét cô tiến sĩ dạy đạo đức, ghét anh Lệ Tổ hay giảng đạo lý, ghét anh đạo diễn ngồi nói dài dòng, ghét anh diễn viên MC tỏ ra bình dân, đơn giản nhưng quảng cáo tào lao mà mặt thì dai nhách.

Vì sao nhiều người ghét nghệ sĩ Thành L? Vì khi góp ý trong phim Phượng Kh anh này đã viết tụt đòi "bat tai" khán giả chê những cái vô lý trong phim. Tôi ghi tên thẳng luôn cho khổ chủ biết

Nghệ sĩ hãy nhớ rằng:

"Sân Khấu Về Khuya" của soạn giả Nguyễn Thành Châu khi Lĩnh Nam vừa buông câu mắng “Mợ còn ngu lắm!” thì Giáng Hương đã lập tức sừng cồ lại “Vậy thì cậu hãy thừa dịp ấy mà khôn lên đi!”

Thành L nói anh đang "lao động nghệ thuật" trong PK nên đòi bạt tai khán giả thì anh có khôn lên hôn?

Cô đào Giáng Hương nói:

"Công chúng đã đẻ ra cậu, cậu phải trả ơn cho công chúng, những tác phẩm cậu diễn, những quần áo cậu mặc, chiếc xe cậu  đi, cái nhà cậu ở là của công chúng cho cậu, cậu phải làm cho công chúng vừa lòng, kể cả lựa chon nhân tình hay hay dở cậu cũng phải làm theo ý thích của công chúng"

Thành ra hai má con "nghệ sĩ" Hồng Nh và Hồng Ph đừng có ngồi hờn oán xa xôi rằng "máu mủ ruột rà, chuyện riêng của dòng họ" sao lại như vậy. Khán giả nuôi Vũ L,nghệ sĩ Vũ L cho hai má con ăn theo thì không có riêng của dòng họ đâu

Kết luận:

Ào ào đi cúng tổ, làm lễ trang trọng, áo quần màu mè lòng thòng cúng tổ, hát hò điếc con rái mà quên rằng Tổ chính là khán giả, là công chúng.

Lịch sự với khán giả, sống cuộc sống đàng hoàng chính là ơn Tổ đó.

Đừng bao giờ lên sân khấu làm vua này nọ rồi đào kép bị ám ảnh vai mà ra tới đời, ra đường cũng nghĩ mình là vua. Vua cải lương, vua tuồng, vua hát xướng thôi nghe mấy cha mấy mẹ!

Bà cũng chỉ là "tiến sĩ hát xướng" thôi nghe bà nội! Không giỏi hơn thiên hạ đâu mà ta đây!

Sống trúng đạo lý thì không lỗi thời bao giờ. Ai dám bước qua giới hạn, người đó sẽ trả giá.

Làm người của công chúng không phải dễ, làm người có chút tiếng tăm rất khó, thành ra phải ráng giữ gìn nó bằng chính đạo đức của mình.




No comments:

Post a Comment