Thursday, September 28, 2023

UYỂN DUNG: HOÀNG HẬU XINH ĐẸP CHẾT BI THẢM TRONG CẢNH TÙ TỘI


Thu Hằng

Uyển Dung sinh năm 1906 và xuất thân từ gia tộc Quách Bố La thị, một trong những thế gia vọng tộc. Bố của bà - ngài Vinh Nguyên từng làm việc trong bộ hộ gia đình hoàng gia. Mẹ ruột của Uyển Dung qua đời khi bà mới hai tuổi. Vì thế, Uyển Dung được nuôi dưỡng bởi mẹ kế là bà Hằng Hương.

Không giống như nhiều người cùng thời, bố của Uyển Dung - ngài Vinh Nguyên tin vào việc bình đẳng giới tinh liên quan đến giáo dục. Vì vậy ông đã sắp xếp cho con gái được đi học như các anh trai của mình. Uyển Dung từng theo học tại một trường của Mỹ ở Thiên Tân, Trung Quốc.

Năm 1921, Phổ Nghi - vị vua cuối cùng của triều đại Mãn Thanh nói riêng và của chế độ quân chủ trong lịch sử Trung Quốc nói chung bắt đầu tuyển chọn hoàng hậu cho mình. Dù lúc đó Phổ Nghi đã tuyên bố thoái vị, tước hiệu Hoàng đế chỉ mang tính chất quân chủ lập hiến, không có quyền lực thực sự nhưng hôn lễ của ông vẫn là sự kiện trọng đại.

Sau nhiều lựa chọn, Uyển Dung đã được chọn để trở thành hoàng hậu. Bà và Phổ Nghi tổ chức đám cưới xa hoa vào cuối năm 1922. Uyển Dung là hoàng hậu chính thức của triều đại nhà Thanh từ năm 1922 cho đến khi chế độ quân chủ bị bãi bỏ vào năm 1924.

Cuộc hôn nhân của Uyển Dung và Phổ Nghi không hạnh phúc nhưng Uyển Dung tìm thấy niềm vui trong việc học tiếng Anh và chơi đàn organ. Hoàng hậu thích đọc sách, nghe nhạc Jazz, ẩm thực phương Tây, chơi đàn và chụp ảnh.

Hút thuốc dần trở thành một thói quen của hoàng hậu. Ban đầu hoàng hậu chỉ hút thuốc lá nhưng sau đó bà dùng thêm thuốc phiện, mặc dù ban đầu bà chỉ dùng nó để chữa đau bụng cũng như đau đầu. Theo Vương Khánh Tường, tác giả của cuốn sách Hoàng đế cuối cùng và năm người vợ của ông, chứng đau đầu của Uyển Dung thực sự là một vấn đề về "tâm trí". Uyển Dung có thể đã bị một dạng rối loạn tâm thần di truyền.

Phổ Nghi và Uyển Dung bị buộc rời khỏi thành phố vào tháng 11 năm 1924. Họ đến Thiên Tân sống trong yên bình một thời gian. Vào đầu những năm 1930, Phổ Nghi được phong làm quốc trưởng Mãn Châu Quốc. Hai vợ chồng nhà vua sống trong cung điện Wei huang do Nga xây dựng (nay là bảo tàng cố cung của Mãn Châu).

Theo tài liệu lưu trữ của hoàng cung năm 1934, Uyển Dung đã làm ra 27 chiếc sườn xám trong một năm. Bà học vẽ và chơi piano cũng như chơi cờ vua và quần vợt để giải trí. Bà được miêu tả là người sắc sảo nhưng tốt bụng và thân thiện với những người hầu.

Năm 1945, Liên Xô xâm lược Mãn Châu, Phổ Nghi tháo chạy bỏ lại Uyển Dung, thê thiếp và các thành viên hoàng gia khác. Uyển Dung cùng với em dâu Saga Hiro và những người còn lại trong nhóm của bà cố gắng chạy trốn sang Hàn Quốc nhưng bị quân du kích bắt giữ vào tháng một năm 1946.

Lý Ngọc Cầm, người vợ thứ tư của Phổ Nghi sau đó đã được gia đình đón về nhưng Uyển Dung không còn nơi an cư lạc nghiệp. Cha bà đã bị bắt và anh trai bà đã bỏ rơi bà. Bà không có lựa chọn nào khác ngoài việc di chuyển cùng quân đội.

Tác giả Edward Behr từng viết trong cuốn sách Hoàng đế cuối cùng rằng, Lý Ngọc Cầm được cho là đã đề nghị cho Uyển Dung một nơi để ở tại nhà của mình nhưng mẹ của Lý Ngọc Cầm không có thiện cảm với hoàng hậu nên đã báo cho các quan chức Đảng cộng sản. Vì thế khi quân đội rời Trường Xuân, họ mang theo Uyển Dung.

Vì hoàng hậu thiếu thuốc phiện, em dâu bà - Saga Hiro từng viết về quãng thời gian ở nhà tù Cát Lâm rằng: "Cả ngày hoàng hậu lăn lộn trên sàn gỗ, la hét và rên rỉ, đôi mắt mở to vì đau đớn".

Bởi vì Uyển Dung là cựu hoàng hậu, nhiều người lặn lội đường xa tới tận nhà tù để tận mắt ngắm nhìn bà. Trong thời gian này, Uyển Dung lại bị ảo giác trở thành hoàng hậu. Trong cơn mê sảng, bà yêu cầu những người hầu mang quần áo, thức ăn cho mình, ra lệnh cho cai ngục và bị chế nhạo.

Do nội chiến, Uyển Dung và Saga được chuyển đến một nhà tù khác ở Diên Cát. Một mệnh lệnh được ban hành để đưa Uyển Dung, Saga Hiro và đoàn tùy tùng của họ đến Mẫu Đơn Giang và sau đó đến Giai Mộc Tư nhưng Uyển Dung không còn sức để di chuyển và người quản lý nhà tù nói rằng tốt nhất là nên để Uyển Dung lại. Những ngày cuối cùng của Uyển Dung, bà không có bất kỳ người thân hay bạn bè nào ở bên.

Sau khi em dâu Saga Hiro được đưa đi, Uyển Dung chết trong tù vào ngày 20 tháng 6 năm 1946 khi chưa tròn 40 tuổi. Một số người nói rằng xác của bà được quấn trong một mảnh vải và bị vứt bỏ trên những ngọn đồi phía bắc Diên Cát trong khi những người khác cho rằng bà được chôn cất ở phía nam Diên Cát. Hài cốt của bà không bao giờ được tìm thấy.

Hoàng hậu Uyển Dung và vua Phổ Nghi không có con chung. Cho đến ngày nay, người ta vẫn chưa xác định được nơi chôn cất bà. Có một đài tưởng niệm dành cho bà ở gần Bắc Kinh, trong khu lăng mộ nhà Thanh. Em trai của hoàng hậu đã thực hiện một nghi lễ an táng bà ở đó vào năm 2006.

Phổ Nghi từng viết trong hồi ký của mình rằng: "Những trải nghiệm của Uyển Dung, người đã bị bỏ quên trong một thời gian dài, có thể sẽ khiến những người trẻ tuổi ở thời hiện đại không thể hiểu được. Nếu như số phận của cô ấy không an bài lúc sinh thời thì chắc chắn đã được an bài ngay từ đầu cuộc hôn nhân với tôi. Tôi đã từng nghĩ rằng nếu cô ấy ly hôn với tôi ngay từ khi còn ở Thiên Tân thì có lẽ cô ấy đã thoát khỏi hoàn cảnh đó...”



No comments:

Post a Comment