Monday, September 18, 2023

Đừng dát vàng Sài Gòn

Sài Gòn từ khi còn là “Hòn Ngọc Viễn Đông” tới lúc chỉ còn là “thành Hồ” trong miệng cư dân mạng, nó vẫn có những lấp lánh riêng, không cần ai dát vàng. Tánh nết thị dân cũng hào sảng, mạnh mẽ chứ không hề “ra vẻ”, se sua… Cái ngàn vàng của Sài Gòn nằm ở sự tử tế, chân thành mà người Sài Gòn dành cho nhau, cho người phương xa ghé tới, chứ không phải là những cao ốc cao lởm chởm che khuất cái khu ổ chuột buồn hiu.
Phở giá gần 4 triệu – Nguồn ảnh: Facebook

Có lẽ xã hội ngày càng chuộng những thứ bóng bẩy, se sua là có lý do của nó. Nhiều người từng nói: trong khi thế giới tìm cách tạo ra những con chip điện tử nhỏ nhất nhưng mạnh nhất, thì ở Việt Nam 2023 đang có những kỷ lục như: áo dài 220m dài nhất Việt Nam, cặp bánh nướng, bánh dẻo 400 kg, bánh chưng bự nhất, tô phở to nhất… Nói chung, những kỷ lục tào lao, chứ theo lời ông Phan Đăng Tuất (chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – VASI) nói “Việt Nam chỉ làm được con ốc vít cho biển số xe hơi”.

Bên cạnh những thứ bự nhất, to nhất, nặng nhất… lâu lâu dân tình còn hoảng hồn với giá tiền của các món ăn quen thuộc, gắn mác bình dân của Việt Nam như bánh mì, phở, kem… sau khi qua tay các đầu bếp “phá cách”. Ví dụ như món bánh mì 100 USD đã vào dĩ vãng, hay mới đây là món phở được một nhà hàng bán với giá gần 4 triệu VND (gần 170 USD)/tô phở (“soán ngôi” tô phở giá 100 USD từng gây tò mò). Cả hai món đều có dát vàng và có bỏ những loại nguyên liệu mắc mỏ là nấm truffle, gan ngỗng Pháp… Bánh mì có gan ngỗng hay nấm truffle có thể cho qua, nhưng thứ khiến người ta để ý nhiều nhất là những mảnh vàng mỏng lét được đính lên tô phở – đó có phải vàng thật không? Nếu là vàng thật thì thứ kim loại bền vững này sẽ chu du trong cơ thể thực khách thế nào? (Chắc bác sĩ riêng của ông Tô Lâm sẽ hiểu hơn đám dân đen).

Sau đây là một góc nhìn từ Facebooker Thai Vu (nhận được khá nhiều sự đồng tình của cư dân mạng trong và ngoài nước) về tô phở có giá gần bằng tháng lương của một công chức:
Những người không dám mơ tô phở đặc biệt ở quán bình dân, nói chi tô phở bình thường ở quán đặc biệt – Nguồn ảnh: Facebook

Một dạo tô phở bò Kobe hợm hĩnh gian dối, giờ tới cái tô phở quê mùa dốt nát này. Tôi có bằng Culinary Arts của trường MATC và bằng ServSafe® của WRA nên có thể nói vài điều rất căn bản:

Làm stocks (nước lèo, hầm từ xương, ta không nói làm broth, nước dùng hầm từ thịt) có thời gian simmer khác nhau, ngắn nhất là xương cá, lâu nhất là xương bò, heo. Xương bò, thời gian chuẩn là 6-8 giờ simmer tùy theo loại xương. Quá ngắn không trích xuất hết chất ngọt, quá dài (từ 10 tiếng trở lên) là nước dùng sẽ bị đắng, protein bị phá hủy, và nhiều loại có thể tạo độc tố. Ở đây khoe hầm 48 giờ.

Ăn phở bò kèm gan ngỗng foie gras, nấm truffle làm gì vậy? Quá nhiều protein cho 1 tô phở, vốn thuộc dạng entrée soups rồi. Hay đây là tô phở lẩu? Nghĩa là tả pí lù?

Văn hóa coi vàng là đỉnh của sang trọng đeo kín người chưa đủ, phải ăn vào mồm nữa. Vàng là kim loại, nó không phải thức ăn đâu bọn nhà quê à. Ăn vào là có hại đấy. Hại cho các màng nhầy đường tiêu hóa đã đành, nó không xuống ruột mà lọt vào phổi hay thận thì ăn cho đủ.

Có nhiều tiền đến đâu thì cũng phải học cách ăn cho đúng. Ông bà đã dạy học ăn học nói học gói học mở. Thấy chúng mày ăn mà tao ngửi toàn mùi phèn, buồn nôn.” – Hết trích.

Có lẽ người làm ra món phở hơn trăm USD sẽ chạnh lòng khi đọc những lời góp ý thẳng thắng trên, nhưng tôi nghĩ là nó không quá đáng, người nấu lẫn người ăn tô phở trên cũng nên đọc và nên cân nhắc. Không phải cái gì mắc là “đẳng cấp”, nhất là ở Sài Gòn.

Ở Sài Gòn, bạn uống cà phê 10 ngàn VND ở lề đường hay gọi ly espresso mắc tiền trong khách sạn 5 sao thì cũng chỉ là uống cà phê. Ở Sài Gòn, bạn ăn bánh mì 10 ngàn 1 ổ hay bánh mì 100 USD một ổ, không ai quan tâm, miễn là ăn xong bạn không vứt rác lung tung, không nhìn người lạ hỏi “mày biết bố mày là ai không?” là được. Ở Sài Gòn, bạn khó đoán người ta qua vẻ bề ngoài lắm, nhà có nguyên showroom xe hơi, nhưng có khi lại thích đi chiếc xe máy cà tàng. Đại gia hay đại chính khách tới đây đều có thể mặc quần xà lỏn ngồi bờ kè uống bia hơi, cà phê đá, con nghiện vẫn có thể ngồi cao ốc rao giảng đạo đức, thằng lừa/người không có kiến thức căn bản vẫn có thể được mời vào đại học làm diễn giả rao giảng cho hàng trăm/hàng ngàn sinh viên những lời vô nghĩa chỉ vì nó biết dát vàng lên mặt, lên trang cá nhân trên mạng xã hội… 

Hai ví dụ (tôi nghĩ là thú vị) gần đây:

Cuối tháng 3-2023, Trường đại học Ngoại ngữ – Tin học Sài Gòn (HUFLIT) mời một vị được tụng là “diễn giả Đặng Thanh Tứ” về trường, chia sẻ kinh nghiệm “khởi nghiệp”. Ngay sau khi buổi talkshow kết thúc, nhiều sinh viên đã bày tỏ bất bình dữ dội trước tác phong lẫn lời nói của vị diễn giả này. Xin trích bài viết của một sinh viên có bài đăng trên trang HUFLIT Confessions:

Anh xuất hiện trễ hơn giờ bắt đầu chương trình một tiếng đồng hồ. Anh là giám đốc công ty tổ chức sự kiện nhưng lại để hơn 400 người đợi một tiếng đồng hồ?

Nhưng vấn đề đó không là gì so với những điều anh chia sẻ cho sinh viên. Biết là anh chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp nhưng ai đời đứng trong môi trường đại học, trước bao nhiêu sinh viên mà lại nói là: “Trong 30 nhân viên của anh, không ai có tấm bằng đại học. Vậy tụi em học đại học làm gì rồi sau này cũng đi làm thuê cho người ta?”.

Anh còn nói những bạn nào da trắng thì nhuộm tóc được còn những bạn da đen thì đừng nhuộm tóc, nhìn rất dơ. Anh còn nói rất nhiều câu nghe chối tai, kiểu đang dạy đời người ta vậy nhưng mình nghe không nổi nên phải bỏ về giữa chừng.

Mình biết không phải một mình mình cảm thấy như vậy vì trong lúc ra về, mình có nghe những bạn khác đi cùng thang máy cũng nói y như mình. Mong các đơn vị tổ chức sau này có mời ai thì nên tìm hiểu kỹ về những thông tin người ta chia sẻ để sinh viên không mất thời gian vào những thứ vô bổ…” – Hết trích.

Ban đầu, bài đăng không nêu tên ai, nhưng chắc có tật giật mình, chính “diễn giả Đặng Thanh Tứ” đáp trả bằng một clip phản hồi trên mạng xã hội kèm các bình luận cãi cọ khá vô văn hóa, trong clip còn có kèm dòng chữ “Những bạn sinh viên này tương lai sẽ đi về đâu với lối sống này?”. 

Theo dõi câu chuyện thì thấy người diễn giả này đã mặc chiếc áo quá rộng, dát vàng quá lố, nên tưởng mình lấp lánh thiệt. Người đáng trách trong vụ này phải là những kẻ mời anh ta tới rao giảng cho sinh viên. 

Tưởng ở trên là chuyện khó gặp ngàn năm, nhưng chưa bao lâu, đại học Hoa Sen lại bị dị nghị vì mời một người tên “Hao Lee” tự nhận là giám đốc sáng tạo của một công ty tổ chức biểu diễn kỹ thuật sân khấu, kết nối giữa các ê-kíp quốc tế Thái Lan, Hàn Quốc với Việt Nam của concert BlackPink tại Hà Nội “Góc nhìn chuyên gia: Từ concert BlackPink đến các sự kiện quốc tế” ở Đại học Hoa Sen ngày 8-8-2023. Báo chí trong nước cũng đăng tin tôn vinh vị “giám đốc sáng tạo” một cách đầy bóng bẩy như cái mặt nạ màu vàng của anh ta.

Mọi chuyện sụp đổ khi Ban tổ chức concert BlackPink ở Việt Nam – công ty IME Việt Nam đăng lên bài viết chỉ thẳng mặt, kêu thẳng tên “Hao Lee”: 

Xin xác nhận “Hao Lee” không có bất kỳ vai trò nào trong sự kiện Blackpink World Tour Ha Noi 2023, những chia sẻ của người này trong workshop tại Đại Học Hoa Sen ngày 08-08 về “thành viên ban tổ chức, người làm việc, kết nối để đáp ứng technical rider giữa Thái Lan, Hàn Quốc với Việt Nam” là hoàn toàn bịa đặt, chúng tôi đã rà soát toàn bộ danh sách nhân viên, công nhân, của toàn bộ các nhà thầu, đều không có tên người này…

…Ngoài ra, toàn bộ nhân viên, nhà thầu phục vụ đêm diễn đã ký thoả thuận bảo mật, không tiết lộ thông tin về chương trình. Người này bằng một cách nào đó đã sử dụng thẻ công nhân (CREW) để vào trong chương trình để chụp ảnh.

…Sau khi nắm được thông tin, đại diện công ty đã liên hệ với Đại học Hoa Sen, yêu cầu đính chính, gỡ bỏ mọi thông tin về buổi talkshow nói trên.” – Hết trích.


Khảo sát chính thống: “Chỉ 26.2% người lao động có điều kiện ăn thịt, cá hàng ngày” – Nguồn ảnh: thanhnien.vn

Mặt nạ dát vàng rơi xuống, Hao Lee nhục một, kẻ mời hắn tới talkshow này phải nói là nhục mười, dầu chưa nghe phía Đại học Hoa Sen lên tiếng về chuyện này.

Không thể đổ lỗi do cái áo dát vàng của hai vị “diễn giả” nhìn quá thiệt, làm cho người của hai trường đại học danh tiếng ở trên lầm tin mà xảy ra cớ sự. Cái ngàn vàng của người đầu bếp nằm trên lưỡi thực khách, cái ngàn vàng của người làm giáo dục nằm trên sự tiến bộ của học trò, khi không đem một tên “không rõ xuất xứ” về làm cây gậy chỉ đường cho học trò, cái ngàn vàng của quý vị ở đâu?

Tóm lại mây tầng nào thì ăn phở/thừa hưởng nền giáo dục tầng đó, lỡ sanh ra là dân ngu khu đen như Du Uyên mà dám chê phở “chọc trời” thì sẽ bị mắng là “cáo không ăn được nho thì nói nho xanh”, chê nền giáo dục hiện tại thì sẽ bị mắng là “có giỏi thì qua nước ngoài mà học”… 

Hỡi ơi, tôi muốn ăn phở 170 USD, ăn bánh mì 100 USD để phàn nàn có cơ sở lắm chứ, tôi cũng muốn đi du học nước ngoài cho bằng chị bằng em bằng con nhà cán bộ lắm chứ, nhưng tôi không thuộc “26.2% người lao động có điều kiện ăn thịt, cá hàng ngày” mà lại thuộc “75.5% người lao động có thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu” (theo kết quả khảo sát mới nhất từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2023 trên 3,000 người lao động ở 6 tỉnh lớn của Việt Nam). Tôi nghèo tôi chịu, tôi không biết dát vàng lên mặt mình, tôi chịu… nhưng có lẽ nhờ vậy mà tôi là tôi, như Sài Gòn vẫn là Sài Gòn qua bao cuộc bể dâu…

No comments:

Post a Comment