Tuesday, September 26, 2023

Tự trọng khi làm người Việt

Các bạn làm báo không có lòng tự trọng dân tộc khi viết Hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhì mà viết kiểu "đã tự phong là Nữ Vương"(xem hình dưới cmt)

Bạn chỉ cần viết là "sau khi dẹp giặc Đông Hán thì bà Trưng Trắc lên ngôi Nữ Vương"

Trong lịch sử Việt Nam hay lấn cấn chuyện "được phong" hay "thụ phong "và tự mình làm vua mà nhiều kẻ mất gốc kêu là "tự phong"

Chữ 封王 phong vương hay thụ phong mà chữ thụ 受 thụ có nghĩa là theo lời,nghe theo,thụ động như chữ thụ mệnh 受命 và thường 100% là vua Tàu sẽ phong

Tàu tự cho mình là Trung Quốc có nghĩa nước ở trung tâm, là bá chủ và ban phát mưa móc cho "Man-Di-Mọi-Rợ"chung quanh

Nhưng trong lịch sử Tàu,nhiều lần nước này cũng chịu ...thần phục các nước mà họ kêu là man di mọi rợ đó

Nhà Hán phải “hòa” với Hung Nô phía Bắc,cho Chiêu Quân cống Hồ.Bắc Tống nạp cống cho Liêu và Hạ. Nam Tống cống cho nước Kim và còn cắt 1/2 lãnh thổ cho Kim.Mông Cổ,Mãn Châu cai trị Trung Hoa

Người Tàu không phong thì vua Việt không chính danh hay sao?

Ngẫm lại thì làm gì có. Chuyện không nhận hoặc nhận hình thức là nghệ thuật ngoại giao của dân tộc chúng ta từ xưa

Việt Nam độc lập và lập quốc được,làm chủ khoảnh đất nhỏ trên bầu trời này không dễ dàng.Chúng ta qua nhiều cuộc chiến tranh với láng giềng mà chủ yếu là Tàu

Tàu là dân tộc xấu xí, nham hiểm nhứt thế giới

Nhưng Việt là một tộc nhỏ, nép mình bên một anh Tàu quá lớn thì phải bị ảnh hưởng ít nhiều .Và tránh voi không xấu mặt nào

Vị vua đầu tiên trong sử Việt là Triệu Đà xưng là Hoàng Đế trước khi vua Hán cho sứ đi qua .Để tránh chiến tranh

Triệu Võ Đế Triệu Đà từng lập Nam Việt quốc,xưng đế ngang vua Hán,ngồi chổm hổm tiếp sứ Hán,khinh Hán ra mặt ,nhưng rốt cuộc để bớt chiến tranh,ông phải nhận ấn phong của nhà Hán,thần phục với danh "Nam Việt Vương" ,từ Triệu Võ Đế thành Triệu Võ Vương

Như vậy Triệu Đà là vị vua Việt chịu thần phục Tàu đầu tiên. Chữ 'thần phục" với Triệu Đế là ...chơi chữ thôi

Thực tế vua Triệu có xài ấn vương của Tàu ban cho đâu,vẫn đúc ấn xài chữ đế, vua vẫn đội mảo bình thiên của hoàng đế, mặc áo vàng rồng 5 móng, hậu cung vẫn thái hậu, hoàng hậu, quan tước của một hoàng đế xe lộng nghinh ngang

Tàu không xen được vào triều đình Việt một chút gì. Triệu Đà bỏ xưng Đế, làm Vương nhưng thực tế vẫn là Đế trong nghi thức ở đất Việt

Trong triều đình Nam Việt vẫn xài ấn “Hoàng Đế” bình thường ,các thủ lãnh Bách Việt mới là Vương

Khi bà Cù thị có chút tàm xàm thì Lữ Gia giết chết từ trong trứng nước

Các vua Việt sau này làm y chang Triệu Đà

Lê Lợi thắng Minh, đánh Tàu hộc xì dầu, nhưng rốt cuộc làm bước "em ái" là thần phục chịu triều cống hàng năm

Nhà Minh mất dạy, nhận người vàng, của báu cống nạp, nhưng không chịu phong vương cho Lê Lợi, mà Lê Lợi cũng đâu cần

Triều cống như cúng cô hồn vậy mà

Tại vì Tàu nó mê cướp đất láng giềng lắm, tới ngày nay, năm 2023 này tất cả các quốc gia chung quanh đều bị Tàu liếm một miếng, Nga cũng đâu có ngoại lệ

Hãy coi lợi thế thứ nhà Triệu :

- 207 TCN đến 180 TCN: Võ Đế Triệu Đà
– 180 TCN đến 137 TCN: Võ Đế Triệu Hồ
– 137 TCN đến 124 TCN: Văn Đế Triệu Muội
– 124 TCN đến 113 TCN: Minh Vương Triệu Anh Tề
– 113 TCN đến 112 TCN: Ai Vương Triệu Hưng
– 112 TCN đến 111 TCN: Vệ Dương Vương Triệu Kiến Đức

Năm 111 TCN nước Nam Việt sau vụ Cù Thị thì tể tướng Lữ Gia không đánh lợi quân Tàu xâm lăng, Nam Việt bị người Tàu chiếm. Ta mất Lưỡng Quảng từ đó

Từ năm 111 TCN đến năm 932, nước ta bị Bắc Thuộc 1050 năm

Tới các đời Trưng Vương (40-43), Triệu Ẩu (248). Lý Nam Đế (544-602), Mai Hắc Đế (722), Phùng Hưng (791), Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ (906-923), Dương Diên Nghệ ,Kiều Công Tiễn (931-938)

Chờ mãi tới năm 938 Ngô Quyền phá quân Nam Hán thì nước ta mới giành được độc lập hoàn toàn

Mãi tới Đinh Tiên Hoàng mới có vị Hoàng Đế thứ 2 của người Việt

Tự Triệu Đinh Lý Trần chi triệu tạo ngã quốc
Dữ Hớn Đường Tống Nguyên nhi các đế nhất phương.

Các ông vua Việt sau này học theo Triệu Đà là nhận Vương của Tàu nhưng trong xứ Việt thực chất vẫn là Hoàng Đế

Ta coi phim Hàn Quốc thấy trào Joseon không dám xưng Đế, quỳ mọp sợ hãi với Tàu thì biết vua xứ Việt dữ dằn cỡ nào

Năm 40 thời Đông Hán Hán Quang Võ Đế Lưu Tú có hai người phụ nữ Giao Châu là chị em Trưng Trắc và Trưng Nhì khởi nghĩa độc lập được 3 năm

Hai người phụ nữ là niềm tự hào của sử Việt

Chúng ta phải kêu chính xác là hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhì, cũng như ông tướng quân tên Thi. Không kêu họ kiểu người Tàu là Hai Bà Trưng hay Thi Sách

Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhì là chị em sanh đôi, sanh vào khoảng năm 14 sau Công Nguyên là con của Lạc Tướng vùng Châu Phong. Cha thì mất sớm, mẹ là Man Thiện nuôi dạy theo cung cách con nhà võ

Bà Trưng Trắc lấy ông tướng tên Thi là con của Lạc Tướng Châu Diên, rủi tướng Thi bị Tô Định là Thái Thú Hán giết

Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhì mộ quân, hiệu triệu dân chúng Giao Châu nổi trống khởi nghĩa tại Mê Linh vào mùa xuân năm 40, Tô Định chạy về Tàu

Bà Trưng Trắc lên ngôi vua, sử Việt gọi là Trưng Nữ Vương và cùng năm 40 SCN

Năm 43, tướng Tàu Mã Viện đem lực lượng hùng hậu qua Giao Châu. Hai Bà chống không lại nên tự gieo mình xuống Hát Giang Cẩm Khê trầm mình đền nợ nước

Thực ra nói Trưng Trắc tự "xưng vương" là không đúng. Chúng ta biết thời Triệu Đà khi ông là Đế thì các Lạc Tướng chư hầu đều là Vương. Trưng Trắc là con Lạc Tướng đã có tước Vương thì bà làm Nữ Vương cũng hợp lẽ

Trưng Nữ Vương mặc váy áo tứ thân làm vua

"Bà Trưng quê ở châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân,
Ngàn Tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.
Hồng quần nhẹ bức chinh yên,
Đuổi ngay Tô Định dẹp tan biên thành.
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
Ba thu gánh vác sơn hà,
Một là báo phục, hai là bá vương.
Uy danh động đến Bắc phương,
Hán sai Mã Viện lên đường tiến công.
Hồ Tây đua sức vẫy vùng,
Nữ nhi xung trận ùn ùn quân reo
Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo,
Chị em thất thế cùng liều với sông.
Phục Ba mới dựng cột đồng,
Ải quan truyền dấu biên công cõi ngoài.
Trưng Vương vắng mặt còn ai?
Đi về thay đổi mặc người Hán quan."

Muốn nói với các bạn có quan điểm "tự phong" đầy tự ti. Đâu phải ông vua nào của VN cũng nhận thụ phong từ Tàu, và đâu phải vua Việt nhận thụ phong thì làm như y như cái sắc thụ phong đâu

Xin nhắc lại Việt Nam là một nước nhỏ nằm kế cận một nước lớn là Tàu. Tàu là nước lớn luôn coi mình là trung tâm của văn hóa, chánh trị và quân sự

Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, không triều đại phong kiến Trung Hoa nào không coi Việt Nam là phiên thuộc và luôn không ngừng tìm cách xâm chiếm, đồng hóa

Và tất cả các triều đại Việt Nam đều giữ nền độc lập dân tộc nhưng lúc nào cũng cố gắng mềm dẻo, chịu “thần phục” trên danh nghĩa thông qua “sắc phong, triều cống”

Việt Nam “sắc phong, triều cống” nhưng quan hệ giữa Việt Nam và Trung Hoa không phải lúc nào cũng là quan hệ giữa chư hầu và tôn chủ

Vua Việt lên ngôi rồi mới đưa chiếu qua Tàu, tức là không phải vua nào của Việt Nam cũng phải chờ thiên triều phong mới lên ngôi

Vua Việt Nam rất tự chủ trong cai trị, người Tàu không dính vào được chút nào

Hãy nhìn qua xứ Hàn Quốc coi lịch sử nó đi

Cùng ảnh hưởng Nho giáo, tuy nhiên ở Việt Nam ta là “Nho Việt”, còn xứ Hàn là “Nho Tàu” thành ra mức độ có khác nhau

Chúng ta nên nhớ vua VN toàn xưng Hoàng Đế, còn vua Joseon từ ngày lập triều đã lệ thuộc nhà Minh chỉ là vương

Vua Việt Nam mặc đồ Hoàng Đế rồng năm móng vàng, đi tàn lọng Hoàng Đế, có ấn Hoàng Đế, có Hoàng Thái hậu, Hoàng Hậu, Hoàng thái tử đàng hoàng

Còn vua Joseon chỉ mặc đồ đỏ của Vương, rồng bốn móng, Hoàng Thái Hậu kêu là Đại phi, Hoàng hậu kêu là Vương hậu ,Hoàng thái tử kêu là Vương thế tử

Vua Việt thậm chí coi thường vua Tàu

Lý Thường Kiệt từng nói "Ngồi im đợi giặc, không bằng đem quân ra trước để chặn thế mạnh của giặc "

Năm 1075-1076, Lý Thường Kiệt thống lãnh bốn vạn thủy binh từ châu Vĩnh An kéo buồm thẳng tiến đánh Khâm Châu, Liêm Châu bên Tàu

Phó tướng Tôn Đản chỉ huy sáu vạn lục quân từ châu Quảng Nguyên tấn công Ung Châu

Quân Đại Việt phá hết thành quách, kho tàng, cầu cống, đường xá, bến tàu… Rốt cuộc thành Ung Châu bị giết đến 58.000 người, bị Việt bắt hơn 8000 tù binh tại thành Liêm Châu, thu gom của cải đem xuống thuyền chở về Việt

Trong bốn mươi ngày đêm quân Việt đánh như chẻ tre, đập tan cả ba châu bên Tàu. Tống triều hết hồn vía

Năm 1076 Vương An Thạch sai Quách Qùy, Triệu Tiết đem 10 vạn quân đánh Đại Việt, nhưng bị chặn ở sông Như Quyệt, rốt cuộc rút về Tàu

Từ đó nhà Tống sợ nhà Lý như sợ cọp

Hãy đọc lại một thư tịch cổ, bài “Phạt Tống lộ bố văn 伐宋露布文 “(Bài văn lộ bố khi đánh Tống) của Lý Thường Kiệt trước khi đem quan tấn công qua Tàu

Nhà Lý dám công khai viết “Nay nghe vua Tống ngu hèn” thì biết mức độ khinh khi Tàu thế nào

Lịch sử Việt Nam là lịch sử của máu và nước mắt. Trong đó phần lớn là đánh với Tàu

Năm 1406 Minh Thành Tổ Chu Đệ đang thời cực thịnh, mạnh bao nhứt đã đem quân nuốt Việt của họ Hồ, khi đó ông Lê Lợi đã 21 tuổi

Minh cai trị Đại Việt dã man và tàn bạo

"Ta nhiều lần dụ cho các ngươi phàm tất cả sách vở, ván khắc chữ của An Nam, kể cả mảnh giấy con chữ của trẻ con làng quê dùng để mới học chữ và những tấm bia xứ ấy dựng lên, hễ thấy là hủy ngay, chớ bỏ sót. Các ngươi nay phải làm theo sắc chỉ trước đây, lệnh cho quân lính hễ gặp một mảnh văn tự của xứ ấy thì phải đốt ngay, không được giữ lại” (Trích chiếu chỉ của Minh Thành Tổ Chu Đê gửi Trương Phụ năm 1419 khi Minh đang chiếm VN)

Thế mới biết vai trò lịch sử của Lê Lợi và Nguyễn Trãi lớn lao biết chừng nào

Là con cháu, chúng ta ca ngợi hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhì

Than ôi !Có họ nào của người Việt mà không dính Tàu
từ Nguyễn (阮), Trần (陳)… Bùi (裴), Đào(陶), Đặng (鄧), Đỗ (杜), Lê (黎), Ngô (吳)…

Người Miền Nam chúng ta không kêu họ như Tàu nên tách hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhì ra khi đặt tên đường, ở thành phố bị ảnh hưởng kiểu Bắc mới có Hai Bà Trưng

Đường Trưng Trắc, Trưng Nhị, Trưng Nữ Vương và Hai Bà Trưng

Tại Vũng Tàu có đường Trưng Trắc và Trưng Nhị nằm hai bên hông chợ Vũng Tàu xưa

Mỹ Tho có đường Trưng Trắc là con lộ nằm cặp mé sông Bảo Định từ đầu vàm tới chợ Mỹ Tho ,qua tới cầu Nguyễn Trãi mà thời Pháp có tên là Quai Galliéni. Trưng Trắc của Mỹ Tho là con lộ trung tâm,sầm uất bậc nhứt xứ Mỹ, một bên nhà, một bên sông

Vũng Tàu có đường Trưng Trắc và Trưng Nhị riêng.Hai đường này nằm ở Bãi Trước.Sau này có thêm đường Thi Sách nhưng ở tuốt Bãi Sau

Đại lộ Hai Bà Trưng (Paul Blanchy) ở Sài Gòn kéo dài từ cầu Kiệu tới mé sông Sài Gòn tại bồn binh Mê Linh trong khi đường Thi Sách cũng trổ ra bùng binh

Bình-nguyên Lộc từng viết rằng:

" Nhưng mà tội quá, ông Thi Sách ở mãi bên kia nhà thương Đồn Đất, ở xóm ngoại nhân, không bao giờ có người Việt bước chân đến. Ông nầy đã chết vì tay ngoại nhân mà hương hồn ngày nay vẫn lẩn quẩn với ngoại nhân.

Ông Thi Sách và Hai Bà Trưng chạy song song với nhau cho tới mé nước, và không bao giờ gặp nhau cả, đó cũng là một điểm đáng buồn cho cặp vợ chồng ấy

Ông Nguyễn Thái Học mà còn ngậm cười được vì đã gặp Cô Giang, Cô Bắc ở hai ngã ba chợ Cầu Muối, đằng nầy ông chồng Bà Trưng chỉ nghe văng vẳng tiếng bà đâu đó thôi"

Hai Bà Trưng còn bị cái buồn thiên thu ở đất Sài Gòn là bị ông Trần Hưng Đạo chiếm nhà, chiếm công trường Mê Linh mà đứng còn ...chỉ tay ra sông nữa

Thời đệ nhứt cộng hòa ở công trường Mê Linh có bức tượng Hai Bà Trưng do bà Trần Lệ Xuân vận động xây

Nhiều người nói mặt Hai Bà Trưng lấy nguyên mẫu khuôn mặt của mẹ con bà Trần Lệ Xuân và cô lớn Ngô Đình Lệ Thủy

Sau đó năm 1964 sau khi đảo chánh TT Ngô Đình Diệm thì xúm lại kéo sập tượng

Thì xây lại tượng Hai Bà Trưng mới thế vô chỗ cũ liền, nhưng không

Năm 1967, khi chánh quyền quân nhân của ông thiếu tướng Bì Bắc Nguyễn Cao Kỳ sửa soạn trao quyền lại cho dân sự thì ông Kỳ giao bên hải quân đúc một bức tượng Trần Hưng Đạo đặt lên chổ của Hai Bà Trưng khi xưa

Thiệt là hết chổ nói, chánh nhơn quân tử, nam nhi như Thánh Trần mà dám chiếm nhà của hai chị em đàn bà quần hồng sao? Bùng binh Mê Linh là phải đặt tượng Bà Trưng chớ

Người Bì Cắc có câu "Để lâu cứt trâu hóa bùn". Ngẫm tượng Trần Hưng Đạo chiếm công trường Mê Linh của hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị đã bị thành xi măng chứ bùn gì nữa

Lắm lúc chạy ngang khu công trường Mê Linh thấy bức tượng ông Trần Hưng Đạo hùng dũng chỉ tay mà thấy quá tréo ngoe

Chắc "Thánh Trần" đứng đó cũng xâm mình,nhột dữ lắm (??)

Nhà thơ Đông Hồ được thỉnh giảng làm giáo sư dạy văn học Miền Nam ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn

Ngày 25/3/1969 tại lầu 2 khi đang bình giảng cho sinh viên bài thơ Trưng Nữ Vương của nữ sĩ Ngân Giang, nghe đồn là khổ thơ cuối:

Ải bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá,
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi”

Đông Hồ “xúc động” bị lên tăng xông, đứt mạch máu não và chết tại giảng đường, năm đó ông 63 tuổi

Ông Văn Giảng viết bài "Đêm Mê Linh" rất hay đặng ca ngợi Trưng Trắc và Trưng Nhị:

"Ta cùng chung lòng mong ngày vang danh thơm dòng oai linh
Thề quyết rèn chí quét quân thù đang cướp nước
Ta cháu con dân Việt hùng
Nơi Mê Linh ta trùng phùng
Đồng lòng nguyền vẫy vùng
Ta chiến binh đang thề nguyền
Quanh ách thiên nung lòng bền
Gian nguy càng hăng chí
Xung phong chờ đến ngày"

Chúng ta nhớ cô đào Thanh Nga trong tuồng "Tiếng trống Mê Linh" khi đau đớn nén hờn quắc mắt tế sống Thi tướng quân.

Trong nghề cải lương gọi đây là biểu cảm, diễn viên càng diễn càng lên tay

Cái đoạn này mắt Thanh Nga long lên rất sắc, khúc này tui thuộc vì kinh điển

"Hỡi phu tướng!

Cách tường thành phu tướng không thể nào thấy được nhưng tâm linh chàng ắt hẳn sẽ cảm thông. Nay thiếp vọng bàn thờ trước ngưỡng cửa Luy Lâu thành. Hương khói nhạt xin chàng chứng giám!

Nhớ năm xưa chúng ta hiệp cẩn đã lạy nhau ba lạy để vầy cuộc trăm năm

Thời gian qua thiếp chưa lỗi đạo vợ hiền. Chàng cũng vẹn nghĩa tình phu tướng. Chàng với thiếp cùng chung chí hướng vai kề vai gánh nặng non sông....

....Nhưng hỡi ơi chí tang bồng nay chưa kịp thỏa thì đường âm dương cách trở lành lạnh áng mây ...sầu

Thiếp xin được quấn vành khăn tang trắng lên đầu

Lạy thứ nhất thiếp xin tạ tội vì không đủ tài cứu nổi phu quân
Lạy thứ hai thiếp mong được thứ tha vì đau lòng tế sống người bạn trăm năm chăn gối

Ôi trời Luy Lâu chưa tan hồi trống trận
Mà đất Mê Linh hoa lá ngập thương sầu.!".



No comments:

Post a Comment