Saturday, September 16, 2023

Thủ phủ đặc sản “bánh Pia” ở Sóc Trăng vào mùa sôi động nhất trong năm

PHƯƠNG ANH
Thứ sáu, 15/09/2023 

Chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết Trung thu, hiện nay các cơ sở sản xuất bánh pía trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng luôn đỏ lửa để kịp thời cung ứng ra thị trường những chiếc bánh thơm ngon.
Sóc Trăng là “thủ phủ” của các loại bánh pía nên có nhiều nét đặc trưng riêng, với những thương hiệu nổi tiếng. Ngoài tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, đặc sản bánh pía Sóc Trăng còn được tiêu thụ mạnh tại Saigon, Hà Nội và xuất cng ra nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt thị trường sôi động nhất là vào dịp Rằm tháng 8 âm lịch hằng năm.
Tại cơ sở bánh pía Mỹ Anh (Phú Tâm, Châu Thành, Sóc Trăng) mỗi ngày sản xuất từ 3.000 - 4.000 cây bánh (1 cây có 4 chiếc bánh). Với đa dạng các loại bánh từ bánh pía chay đến bánh pía mặn với giá dao động từ 50.000 - 120.000 đồng/cây.
Bà Sái Thị Mỹ Anh, chủ Cơ sở sản xuất bánh Pía Mỹ Anh, cho biết: "Để làm ra một chiếc bánh phải trải qua hơn 10 công đoạn. Trong đó khâu cán bột để làm vỏ bánh là quan trọng nhất. Cán càng nhiều thì vỏ bánh khi chín sẽ được nhiều lớp. Hiện nay vỏ bánh khi thành phẩm khoảng 3 - 4 lớp".
Nhân bánh pía thường là đậu xanh, sầu riêng, khoai môn và trứng muối.

Sau khi phần vỏ bánh đã bao quanh nhân, tiếp tục công đoạn đóng dấu trên bánh (thường là chữ Hỉ).
Và tên cơ sở sản xuất bánh.
Sau đó, bánh được mang đi nướng ở nhiệt độ trên 200 độ C. "Năm nay giá nguyên vật liệu để sản xuất bánh có tăng nhưng giá bán vẫn được giữ ở mức ổn định. Tuy nhiên, sức mua chậm hơn từ 10 - 20%. Thông thường mọi năm từ mùng 5 đến Tết Trung thu thì sức mua mới bắt đầu tăng", bà Sái Thị Mỹ Anh cho biết.
Bánh chín được một mặt thì trở lại mặt sau để nướng tiếp cho chín đều.

Qua 2 công đoạn nướng bánh pía chín đều 2 mặt.
Tại cơ sở bánh pía Mỹ Hiệp Thành (Châu Thành, Sóc Trăng) cũng đang sản xuất ra hàng ngàn chiếc bánh pía Can xại mỗi ngày. Điểm đặc biệt của bánh pía Can xại là nhân kết hợp của 3 thành phần nguyên liệu đậu xanh, củ cải muối và mỡ heo, tạo nên vị mặn ngọt tinh tế.
Chị Trần Ngọc Thủy Tiên, quản lý cơ sở bánh pía Mỹ Hiệp Thành cho biết: “Trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất trên 1.000 chiếc bánh. Khách hàng ở chủ yếu ở tỉnh Sóc Trăng và một số địa phương lân cận. Tuy nhiên thời điểm hiện tại sức mua còn hơi chậm, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2022".
Trước đây việc làm bánh pía hoàn toàn mang tính thủ công, tất cả các quy trình đều bằng tay và các lò bánh pía tập trung nhiều ở xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng (tên dân gian gọi là Vũng Thơm). Vì vỏ bánh pía có cấu trúc nhiều lớp da mỏng xếp chồng lên nhau và có thể lột dễ dàng ra từng lớp nên còđưoc gọi  là “Bánh lột da“.

Nghề làm bánh pía ở Sóc Trăng có gần 100 năm hình thành và phát triển. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 lò bánh. Năm 2020, nghề làm bánh pía truyền thống được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Năm 2022, 2023 thành phố Sóc Trăng cũng đã tổ chức Ngày hội bánh pía và bánh trung thu nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của món bánh pía đặc trưng của vùng đất Sóc Trăng; từng bước đưa Ngày hội trở thành hoạt động định kỳ hàng năm vào dịp Tết Trung thu, tạo điểm dừng chân của du khách khi đến thành phố Sóc Trăng.

No comments:

Post a Comment