Tuesday, September 19, 2023

SÀI GÒN

Tôi sống ở Sài Gòn 20 năm và xa Sài Gòn đã 30 năm. Mỗi khi nhớ tới quê nhà, Sài Gòn vẫn như một đốm sáng không bao giờ tắt. Có lẽ vào độ tuổi thanh niên, độ tuổi mà cuộc sống mãnh liệt nhất, tôi đã gắn bó với Sài Gòn. Biết bao chuyện để nhớ. Nhất là vào thời điểm tháng tư.

Tôi không xa Sài Gòn vào tháng 4 năm đó. Không một toan tính nào trong rất nhiều toan tính được hanh thông. Ngày quân đội cộng sản tiến vào Sài Gòn, tôi vẫn còn nguyên tại nhà. Nhà tôi ở Thị Nghè, một trong những mũi tiến công của địch quân. Chín năm trước đây, năm 2005, khi tờ Việt Mercury ở San Jose ra số đặc biệt 30 năm nhìn lại ngày mất Sài Gòn, Nguyễn Xuân Hoàng có hú tôi viết bài cho anh. Ngày đó, tôi đã ôn lại giờ phút Sài Gòn bị dày vò. 

Tiếng chân người, tiếng nói xôn xao từ ngoài đường vọng vào ầm ĩ. Tôi chẳng buồn nhìn ra ngoài. Chiếc cổng sắt im lìm bỗng có tiếng gõ mạnh. Tôi mở chiếc lỗ nhỏ trên cánh cửa kín mít nhìn ra. La Phương! Tôi vội vàng mở cửa. Người ký giả kỳ cựu của làng báo Sài Gòn uể oải bước vào. Chẳng ai buồn nói. Chỉ mới mấy bữa trước La Phương còn lạc quan vào một giải pháp trung lập. Cuộc chiến có trên 20 năm tuổi sẽ được kết thúc bằng một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai phía. Người cựu ký giả của hãng thông tấn Pháp AFP có liên hệ nhiều với người Pháp đã khẳng định một cách lạc quan như vậy. 

Tình hình chính trị mấy ngày qua như càng ngày càng xấu đi. Ba Tổng Thống trong vài ngày là một chỉ dấu không tốt đẹp gì. Hy vọng đặt cả vào một Dương Văn Minh được lòng nhiều phe phái. La Phương nhún vai, lắc đầu. Moa cũng không hiểu sao nữa! Ngồi một lúc, La Phương ngơ ngẩn ra về…

Nghe thấy tiếng xe tăng chạy ngoài đường, tôi vội ra coi thử xem sao. Hai chiếc đầy nhóc lính cộng sản đứng giương cao lá cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam phần phật bay theo gió đang tiến vào Saigon theo đường Hùng Vương dẫn tới cầu Thị Nghè. Bỗng tôi nghe thấy tiếng súng ở phía cầu. Mọi người nhốn nháo. Những thanh niên đeo băng đỏ, mặt đằng đằng, chạy tới chạy lui. Khu chợ đồ Mỹ tự phát bên lề đường như đàn kiến bị phá vỡ tổ. Chỉ một lúc, đâu lại vào đấy. Người ta kháo nhau về mấy tiếng súng vừa qua. Lính giữ cầu đã nổ súng vào đoàn xe và bộ đội trên xe đã bắn lại. Xác chết còn nằm trên cầu. Những người đi coi về kể lại như kể về một chuyện xảy ra trên màn ảnh. 

Tôi đứng nhìn khu chợ càng ngày càng phình ra. Họ bán những đồ Mỹ hôi được bằng cách phá kho Tân Cảng ở gần đó. Đồ dùng hằng hà sa số đủ thứ. Bàn ghế, dụng cụ văn phòng, máy lạnh, quạt máy, kem đánh răng, sữa bột, bánh kẹo, đồ chơi, đồ nhà bếp… Giá cả rẻ rề. Chỉ mấy ngày trước giá đồ Mỹ còn vắt vẻo trên cao, chẳng phải ai cũng mua được. Bây giờ đồ Mỹ lê la dưới đường, giá cũng sát sạt dưới đường. Người mua kẻ bán bận bịu như không hề biết là họ đang bị kéo đi theo một khúc quanh của lịch sử. Khúc quanh gắt dữ dằn”.

Đời tôi cũng quanh theo khi vào giữa tháng 5, tôi xách chiếc túi nhỏ tới trường Trưng Vương trình diện đi “học tập cải tạo”. Đó là lần thứ nhất tôi xa Sài Gòn. Chẳng kịp nhỏ được một giọt nước mắt. Cải tạo (sic) về, chúng tôi như những con kiến bị vây khổn, chỉ tính đường thoát đi xa. Mãi tới mười năm sau, tôi mới thực sự xa Sài Gòn. Lần này tôi mới có nước mắt, không biết là nước mắt vui hay buồn!

Sài Gòn đến với tôi trước khi tôi tới Sài Gòn. Cuối thập niên 1940, ông anh họ con một ông bác tôi, từ Sài Gòn ra Hà Nội chơi. Anh em tôi cứ ngơ ngẩn khi nghe ông anh nói tiếng Sài Gòn trong lúc chơi đùa với nhau. “Tìm” được ông anh Sài Gòn nói là “kiếm” khi chúng tôi chơi trò trốn tìm. “Được” lại gọi là “đặng”. “Thằng ấy” thành “thẳng”. Và tiếng “ủa” ông anh tôi thốt ra thường xuyên khiến chúng tôi cười ngất. Ngày đầu ở Sài Gòn, thấy một đám cãi nhau ngay trước cửa nhà ở đường Lê Thánh Tôn, gần chợ Bến Thành, tôi chạy ra coi. Hai bà buôn bán la lối, xỉa xói kịch liệt. Tôi dỏng tai ra nghe. Những âm thanh lạ lùng hình như không phải là tiếng Việt. Khi trở vào nhà, ông bác tôi hỏi mấy người đó gây nhau chuyện chi vậy, tôi ngây ngô trả lời: “Cháu chẳng hiểu họ nói gì!”. Ông bác tôi cười ngất thằng cháu Bắc Kỳ di cư ngồ ngộ! Mới nghe thì thấy giọng Sài Gòn cũng ngồ ngộ. Cái giọng như một thứ trái cây chín nẫu, nhẽo nhẹt nhưng thơm ngọt tình thân. 

Ông Hải Phan có những phân tích kỹ lưỡng về cái giọng Sài Gòn: 

“Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là biết liền. Ngồi nghe hai người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau ở một quán nước, bên đường hay qua điện thoại, dễ dàng nhận ra họ. Cái giọng không cao như người Hà Nội, không nặng như người Trung, mà cứ ngang ngang, sang sảng riêng…

Mà điều đặc biệt trong cách người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau là mấy từ “nghen, hen, hén” ở cuối câu... Người miền khác có thích hay khoái, có yêu người Sài Gòn thì cũng vì cách dùng từ “nghen, hen” này. Khách đến nhà chơi, chủ nhà tiếp. Khách về, cười rồi buông một câu “Thôi, tôi dzìa nghen!” . Chủ nhà cũng cười “Ừ, dzậy anh dzìa hen!”. Nói chuyện điện thoại đã đời, để kết câu chuyện và cúp máy, một người nói “Hổng còn gì nữa, dzậy thôi hen!”. “Thôi” ở đây nghĩa là dừng lại, kết thúc, chấm dứt gì đó. Hai đứa bạn nói chuyện cùng nhau, bắt gặp cái gì vui, quay đầu sang đứa kế bên lên tiếng “Hay hén mậy?” bằng giọng điệu thoải mái…

Ngồi mà nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi “mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta ?” . Mà “dzậy ta” cũng là một thứ “tiếng địa phương” của người Sài Gòn à. Người Sài Gòn có thói quen hay nói “Sao kỳ dzậy ta?” “Sao rồi ta?” “Được hông ta?”…Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà…hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà, “coi dzậy mà hổng phải dzậy”.

Sống lâu với Sài gòn, đã quen với cái giọng Sài Gòn, thấy dễ thương chi lạ. Nhất là nghe người con gái Sài Gòn thủ thỉ tiếng Sài Gòn. Những đứa trẻ di cư năm 1954 đó, sống với Sài Gòn, chơi với bạn bè Sài Gòn, lớn lên bồ với con gái Sài Gòn, thấy giọng Sài Gòn nghe rất hợp với những thủ thỉ tâm tình. Nhiều ông bạn Bắc Kỳ di cư của tôi chỉ vì một cái giọng mà rước về nguyên một con người. Ông M.Q.H. diễn tả sự khác biệt này bằng một hình ảnh: 

Nếu phải so sánh Sài Gòn với Hà Nội chẳng hạn, thì ta có thể so sánh ngay hai loại ổi của hai xứ. Ổi đào Hà Nội thơm lừng, ngọt ngay, ruột đỏ tươi rất đẹp, nhưng cùi mỏng, hột to, vừa khó nhá vừa chỉ nhắm được tí là hết. Ổi sài Gòn to hơn nắm tay, cùi dày, không ngọt và thơm như ổi đào nhưng giòn tan, cắn một miếng là mát lịm, lại có thể chia cho nhiều người ăn, chấm muối ớt, nghe qua là chảy nước miếng. Con gái Sài Gòn cũng vậy, nghe qua là…chảy nước miếng!”.

Sài Gòn dần dần thân tình, thấm vào máu, nằm trong tim của lũ chúng tôi. Vậy nên tới bây giờ, nhớ về quê hương, chỉ nhớ tới Sài Gòn. Tôi đã bao lần định trách khéo ông Du Tử Lê đã làm chết tim tôi khi nghe bản nhạc “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn” được phổ từ thơ của ổng. Vậy mà bao lần gặp ông, khi ở Cali, khi ở Montreal, tôi chẳng thốt ra lời được. Những địa danh Thị Nghè, Xa Lộ, Hàng Xanh làm tôi chết điếng nỗi nhớ nhà.

ngỡ hồn tu xứ mưa bay
tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa
đêm về trên bánh xe qua
nhớ em Xa Lộ nhớ nhà Hàng Xanh
nhớ em kim chỉ khíu tình
trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
nắng Trương Minh Giảng lá hè Tự Do
nhớ nghĩa trang: quê bạn bè
nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường
đêm về trên vết xe lăn
tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào?

Sài Gòn, cái nôi của tuổi mới lớn, là những chói chang trong mỗi chúng tôi. Tuổi trẻ chúng tôi ở đó. Tình yêu đầu của chúng tôi ở đó. Mảng đời tươi vui nhất của chúng tôi ở đó. Dễ gì quên được. Nhà văn Lý Thụy Ý cũng không bao giờ quên: 

Sài Gòn của một thời tôi mới lớn, những “con đường tình ta đi” Duy Tân, Trần Quý Cáp, Tú Xương, Công Lý. Những chiều bát phố Lê Lợi, Tự Do. Những rạp ciné. Món bánh tôm hẻm Casino. Những xe bò viên Nguyễn Thiện Thuật. Bánh mì thịt trước chợ Trương Minh Giảng, gỏi đu đủ - khô bò - nước mía Viễn Đông (góc Lê Lợi - Pasteur)…Sài Gòn của tôi “sáng nắng chiều mưa”. 

Mưa như được lập trình sẵn. Hoặc chiều hoặc sáng, có khi… cùng giờ nên người Sài Gòn có thể nhởn nhơ bát phố khi “cơn mưa qua”, rất ít khi mưa như… đòi nợ! Nắng Sài Gòn không quá gắt. Có lẽ nhờ thế nên mới chợt mát chỉ qua màu áo lụa Hà Đông. 

Sài Gòn của tôi có những ngôi trường đi vào thơ và nhạc như Văn Khoa, Luật, Gia Long, Trưng Vương, những con đường địa chỉ báo như Lê Lai, Phạm Ngũ Lão… Hồn đất và hồn người quyện nhau hồn hậu, chân tình…

Sài Gòn của tôi trẻ - luôn luôn trẻ. Không phải vì thiếu phố cổ hay người Sài Gòn không thích “ra vẻ cụ” mà vì Sài Gòn luôn luôn mới, hồn nhiên và dễ thương, không điệu đà, kệch cỡm. Sài Gòn của tôi còn nhiều hơn thế. Không diễn tả hết dù văn hoa cách mấy. Không lớn lao gì, kỷ niệm chỉ chứa đầy ngăn cặp học trò. Sự ồn ào sống động, dễ thương của vùng đất và con người. Đi xa, cứ về đến cầu Sài Gòn hay cầu Bình Điền là coi như đến nhà. Như bạn bè cùng trang lứa, tôi giữ Sài Gòn như giữ chính cuộc đời mình. Khóc một ngày khi thương xá Tam Đa bị thiêu rụi. Thức một đêm khi Eden bị đập bỏ”.

Sài Gòn ngày nay đang bị cắt lìa khỏi quá khứ. Những thương xá Tam Đa, hành lang Eden, đường Tự Do còn níu chăng những bước chân bát phố của chúng tôi một thời hoa mộng. Những Pagode, Brodard, Givral ngày xưa nay đã bị cày nát, mất máu. Có một lần, về với Sài Gòn, ngồi lại với bạn bè còn lại tại Givral, tôi đã như được sống lại thời xưa cũ. Nếu cần khóc, chắc tôi cũng khóc được, nhưng ngày đó tôi chỉ lâng lâng như một thời quá khứ bỗng vụt dậy, khẽ lay vai tôi, ấn chìm hồn tôi xuống. Givral nay không còn nữa. 

Ngày nghe tin Givral bị khai tử cùng với hành làng Eden, nhà sách Xuân Thu, tôi đã lặng đi. Bạn bè cũ ngày đó, nay biền biệt. Nhà thơ Đỗ Trung Quân tiếc nuối. “Givral khai trương đồng thời với tòa nhà Vincom Center. Nó vẫn nằm ở vị trí cũ. Nhưng, tất nhiên, nó không còn như cũ. Một Givral mới với một lịch sử đi qua quá sâu đậm với người Sài Gòn. Những ai nặng hoài niệm một không gian ấm cúng kiểu Tây hẳn sẽ hoàn toàn lạ lẫm với Givral hôm nay, kiến trúc tổng thể của khối nhà Vincom pha trộn kiến trúc Á- Âu, nó phảng phất đường nét của kiến trúc đâu đó trên đảo quốc Singapore. Givral mới cũng xóa hẳn phong cách kiểu Pháp đã có hơn nửa thế kỷ của nó. Giờ đây, dù lộng lẫy, nó chỉ như một quán cà phê hộp có bán bánh ngọt. Thế thôi! Hóa ra muốn làm văn hóa, hay tìm lại một không gian mà lịch sử tình cờ để lại nơi đây, không dễ dàng chút nào. Nó đòi hỏi những người tiếp quản, và tiếp tục nó cần nhiều điều hơn chỉ là nơi “xơi bánh ngọt – uống cà phê”.

Sài Gòn đã mất dấu. Lâu lắm tôi không về lại Sài Gòn. Song thân tôi đã lần lượt theo nhau đi trong hai năm liền. Đó là hai lần cuối cùng tôi về lại Sài Gòn, để sống những giờ phút buồn bã của chia lìa. Cũng đã trên chục năm. Ngày đó, Sài Gòn mới chỉ mất quán Cái Chùa. Nhìn trên mạng internet thấy những hình ảnh diêm dúa của Sài Gòn ngày nay, tôi thấy hụt hẫng. Trát son trát phấn, Sài Gòn như xa lìa chính mình. Không còn là Sài Gòn của chúng tôi. 

Ông Nguyễn Hậu, một người mới từ Bắc vào Sài Gòn, cũng thấy tiếc Sài Gòn xưa, Sài Gòn thời đích thực là Sài Gòn. 

Sài Gòn xưa thật đẹp, văn minh và thanh bình với những con người hiền lành, mộ đạo. Nếu không có những bức ảnh tư liệu mà mỗi ngày càng được người ta chia sẻ càng nhiều, không có hàng ngàn những bản thu âm trước 1975 về dòng nhạc trữ tình Sài Gòn đã một thời lên tới đỉnh cao của văn hóa/ nghệ thuật, rồi các kiệt tác văn chương…, những người sau này ắt hẳn chẳng bao giờ tin vào điều đó – Hòn ngọc Viễn Đông – vì sách giáo khoa không nói như vậy. 

Tôi đến với mảnh đất này với tâm thế của một người hiền lành và tôi cũng nhanh chóng nhận ra mình chưa đủ tử tế và hiền như Sài Gòn. Tôi tri ân Sài Gòn như đất mẹ thứ hai đã cho tôi biết bao điều tốt đẹp, đã dung dưỡng và trao cho tôi những điều thật tử tế. Tôi đến và ở lại Sài Gòn không chỉ vì mưu sinh, một ước mơ ngông cuồng nữa, mà vì tôi yêu, tôi thấy mình thuộc về mảnh đất này. Tôi cũng biết nhiều người xứ tôi đã làm cho Sài Gòn dữ và biến dạng đi từng ngày. Tôi chỉ có tâm nguyện một ngày còn ở lại nơi này là một ngày gieo xuống những hạt mầm lành, gieo xuống sự tử tế và gìn giữ những hạt mầm tử tế còn sót lại… 

Tôi chỉ là một tay Bắc Kỳ lạc thời, tơ tưởng và hướng đến cái đẹp và sự tử tế. Tôi tin vào những giá trị bền vững theo thời gian và trên con đường ngược chiều ấy tôi tìm thấy hay nói đúng hơn là nhận ra những người cũng ấp ôm một điều tốt đẹp nào đó cũng đang cố gắng đi ngược chiều đồng loại. Tôi nhớ hoài một câu nói của người bạn đời của mình: “Đêm hỗn mang thắp hỏa châu đi tìm bộ lạc”… 

Có lần một người bạn Sài Gòn mà tôi rất quý mến nói “anh thật sự là một người Sài Gòn”, với tôi, đó là lời khen tặng mà tôi trân trọng vô ngần và có thể nói là hãnh diện nhất (Có lẽ là không xấu hổ với những tiền bối đến đây từ những năm 54 và rất được người Sài Gòn yêu mến)”.

Cái mà Sài Gòn làm được là đã thu phục được chân tâm của những con người ở bên kia vĩ tuyến. Chỉ bằng sự văn minh và đáng yêu của chính mình. Chắc chúng ta hầu như ai cũng biết về giai thoại nhà văn Dương Thu Hương đã ngồi khóc trên vỉa hè Sài Gòn ngày bà theo đoàn quân tiến vào Sài Gòn. Bà đã trả lời nhà báo Đinh Quang Anh Thái của báo Việt Tide vào cuối năm 2007: 

Khóc thì tôi có hai lần khóc. Lần thứ nhất khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn năm 1975, trong khi tất cả mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bầy trong các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV, radio, cassette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là những giấc mơ. 

Ông Thái đừng quên rằng, ở miền Bắc, tất cả mọi báo đài, sách vở đều do nhà nước quản lý. Dân chúng chỉ được nghe đài Hà Nội mà thôi; và chỉ có những cán bộ được tin tưởng lắm mới được nghe đài Sơn Mao, tức là đài phát thanh Trung Quốc. Còn toàn bộ dân chúng chỉ được nghe loa phóng thanh tập thể; có nghĩa là chỉ được nghe một tiếng nói. Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. 

Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ . . .nếu người ta muốn. Đó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Đó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải”.

Sự hàm hồ của lịch sử đã cướp đi cái tên Sài Gòn. Sài Gòn ngày nay đang đội vòng gai. Nhưng cái tên Sài Gòn vẫn mãi mãi ở trong lòng người dân Việt, nhất là trong sâu thẳm tâm trí của chúng tôi, những đứa con của Sài Gòn.

SONG THAO

No comments:

Post a Comment