Tuesday, September 12, 2023

Cuộc đời thăng trầm của nữ bác sĩ nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam Henriette Bùi Quang Chiêu.


Bà Henriette Bùi Quang Chiêu, hình chụp năm 1931.

Bác sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu (1906-2012) là một nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam, một nhân vật đặc biệt, chứng nhân của cả một thế kỷ Việt Nam đầy biến động.

Bà sinh ngày 8 tháng 9 năm 1906, là thứ nữ trong một gia đình người Việt giàu có mang quốc tịch Pháp ở Nam Kỳ.

Cha của bà là Nghị viên Bùi Quang Chiêu, tốt nghiệp Kỹ Sư Canh Nông tại Pháp, một chính khách có tiếng ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc. Ông sáng lập đảng Lập Hiến, sở hữu tờ báo "La Tribune Indochinoise". Mẹ bà là Vương Thị Y, người Việt gốc Hoa sinh tại Chợ Lớn, con của một vị đông y sĩ người Trung Hoa, là một thương gia rất giàu có nhờ vào việc mua bán nhà cửa đất đai tại vùng Phú Nhuận hồi cuối thế kỷ thứ 19. Chính nhờ tài sản do bà Vương Thị Y thu thập được mà tất cả những người con của bà được gởi sang du học tại nước Pháp đều do gia đình bà tự túc, và hai ông bà đã từ khước không nhận bất cứ một học bổng nào của chính quyền thuộc địa.

Tuy nguyên quán ở trong Nam, bà lại được sinh ra ở Hà Nội và lớn lên ở Sài Gòn. Thuở nhỏ, bà học Trường St Paul de Chartres (tức Trường Nhà Trắng) tại Sài Gòn. Ngay từ nhỏ, Henriette Bùi Quang Chiêu đã nổi tiếng là một cô học trò thông minh, sáng dạ.
Gia đình Bùi Quang Chiêu. Ảnh gia đình chụp năm 1921 tại Phú Nhuận. Từ trái sang: Madeline, Henriette, ông Bùi Quang Chiêu, Louis, Camille và Helène.

Năm 1915, bà thi vượt cấp và đậu bằng Certificat sớm 2 năm. Sau đó, bà vào học trường Collège des Jeunes Filles, rồi học lên Lycée Marie Curie. Bà đỗ bằng Certificat d'Études với thứ hạng cao, rồi sau đó nằng nặc đòi thân phụ cho đi học ngành Y khoa ở Paris như người anh Louis Bùi Quang Chiêu của bà.

Ông Bùi Quang Chiêu đành phải nhượng bộ cho bà sang du học ở Agen, một thành phố ở miền nam nước Pháp, và đã phải thuê một vị giáo sư để đi cùng với cô con gái bé bỏng Henriette ra bến tàu Sài Gòn, để chăm lo việc sinh hoạt và học tập của bà. Bà xuất ngoại mùa Hè 1921, khi chưa tròn tuổi 15.

Bà học rất giỏi, ngoài tiếng Việt, tiếng Pháp và Trung Hoa, bà còn thông thạo nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Tây Ba Nha, Ý và cả những cổ ngữ như La Tinh và Hy Lạp.

Một năm sau đó, mẹ bà qua đời vì bệnh lao phổi. Có lẽ việc này đã tăng thêm nguyện vọng của bà theo ngành y. Việc học của bà bị gián đoạn một năm vì bệnh đau mắt (trachoma), tuy nhiên bà cũng tốt nghiệp bậc trung học tại Lycée d'Agen và Bordeau năm 1925, thuộc miền Tây Nam nước Pháp, và lấy bằng tú tài năm 1926 dưới sự giám hộ của giáo sư triết Madame Meyerson.

Từ niềm kính phục, trân trọng người anh của mình là Louis Bùi Quang Chiêu - một bác sĩ chuyên về bệnh Ho lao nổi tiếng tại Sài Gòn, và cũng vì người mẹ đã mất vì bệnh tật, năm 1927, bà vào học trường Đại Học Y khoa Paris. và trong thời gian này, bà được giới thiệu rồi trở thành thân thiết với nhà bác học Marie Curie và nhà sử học Charles Seignobos.
Bà Henriette Bùi Quang Chiêu, thời sinh viên y khoa tại Bordeaux, Pháp.

Ngoài một số người ngoại quốc, bà còn quen biết với nhiều nhân vật nam nữ người Việt Nam du học tại Pháp mà sau này sẽ đóng những vai trò rất quan trọng trên các lãnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa và giáo dục trong nước. Về phía nam giới, bà quen biết với Vua Bảo Đại đang theo học tại Pháp, ông Nguyễn Văn Xuân, sinh viên trường École Polytechnique, sau này là Trung Tướng Nguyễn Văn Xuân, Thủ tướng Chính phủ Quốc Gia Việt Nam đầu tiên vào năm 1948, Thạc sĩ Hoàng Xuân Hãn, sinh viên Polytechnique, sau này là Bộ Trưởng Giáo Dục trong Chính phủ Trần Trọng Kim, ông Ngô Đình Nhu, sinh viên École de Chartres, sau này là Cố Vấn Chính Trị của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, v.v...

Về phía nữ giới , bà là bạn của bà Hoàng Thị Nga, em gái của Giáo sư Hoàng Cơ Nghị, vị nữ tiến sĩ khoa học đầu tiên của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bính, vợ của Thạc sĩ Hoàng Xuân Hãn, vị nữ dược sĩ đầu tiên của Việt Nam, v.v...

Là phụ nữ người Việt, sự hiện diện của bà trong trường chuyên môn ở Pháp là một bước đột phá trong hệ thống giáo dục chính quốc tại Pháp thời bấy giờ. Cũng trong thời gian học tại Đại học Paris, bà quen biết với nhiều người Việt đang học tại đây, đặc biệt là một sinh viên trẻ đang theo học ngành cầu đường là Nguyễn Ngọc Bích, con trai Đốc phủ sứ Nguyễn Ngọc Tương.
Nguyễn Ngọc Bích, con trai Đốc phủ sứ Nguyễn Ngọc Tương.( người chồng không cưới )

Trong những năm cuối cùng tại trường Y, bà đã chọn những ngành chuyên môn như: pathological anatomy, obstetrics, gynecology, podiatry và infant care. Cũng giống như các vị nữ bác sĩ thời đó, bà chuyên về việc chữa trị các bệnh đàn bà và trẻ em trong thời gian nội trú tại các bệnh viện la Charité, Beaujon, Cochin và Bichat tại Paris.

Năm 1932, bà tốt nghiệp đại học. Sau hai năm thực tập, bà là người phụ nữ Việt Nam lấy bằng bác sĩ y khoa đầu tiên ở Pháp.

Khi tốt nghiệp, bà dự định viết một luận án về đề tài "thụ tinh nhân tạo cho những người bị hiếm muộn", tuy nhiên vào thời đó thì đề tài này quá mới mẻ và gây nhiều tranh cãi cho một người phụ nữ trẻ tuổi, do đó bà đã nghe lời khuyên của các vị giáo sư mà đổi sang một đề tài "truyền thống" hơn: "The Phlebitis of Gestation". Bài luận án của bà đã được Hội đồng giám khảo khen ngợi và tưởng thưởng huy chương vào năm 1934.

Bà nói: "Hồi đó, ngay cả ở Pháp, phụ nữ học ngành y cũng rất ít. Ra trường, cũng không ít nữ bác sĩ bỏ nghề vì phải lấy chồng, sinh con. Tôi cũng không thoát khỏi định kiến xem thường phụ nữ thời ấy. Vừa tốt nghiệp bác sĩ, tôi đã bị cha triệu về Việt Nam để gả chồng...".

Năm 1935, Henriette Bùi Quang Chiêu quyết định trở về Việt Nam và sau khi về nước, bà đã nhận chức vụ Trưởng khoa Hộ sinh ở Bệnh viện Sài Gòn. Với khí khái độc lập, không ít lần Henriette Bùi Quang Chiêu đã bị gây khó dễ, cũng như thái độ bất thân thiện, kỳ thị của giới bác sĩ người Pháp.

Tại những buổi họp, các bác sĩ người Pháp chỉ nói chuyện với y bác sĩ người Pháp, trong khi những người Việt Nam thì phải đứng riêng một góc. Cùng là bác sĩ, nhưng vì là người Việt dù mang quốc tịch Pháp, bà chỉ được trả lương 100 đồng mỗi tháng, trong khi bác sĩ Pháp được trả 1.000 đồng. Henriette Bùi Quang Chiêu đã tỏ thái độ của mình trước sự phân biệt đối xử này. Bà nói rằng, người Việt và người Pháp hoàn toàn bình đẳng với nhau.

Khi Henriette Bùi Quang Chiêu được giao cho chức vụ trưởng khoa Hộ sinh thì Giám đốc bệnh viện là một người Pháp đã ra lệnh cho bà phải mặc váy đầm. Giám đốc người Pháp nói với Henriette Bùi Quang Chiêu rằng nếu bà mặc váy đầm thì bà mới có thể có được sự kính trọng và bình đẳng hơn trong mắt người Pháp. Giới bác sĩ Pháp thời ấy nói rằng, nếu bà mặc y phục Việt Nam, người ta sẽ lầm tưởng bà là một “bà mụ đỡ đẻ” hơn là một bác sĩ sản khoa.
Bác sĩ Henriette Bùi (1906 - 2012).

Trước yêu cầu và lời lẽ đầy khinh miệt này, Henriette Bùi Quang Chiêu đã đáp lại một cách đầy mạnh mẽ rằng bà sẽ chỉ ăn mặc như một người Việt Nam, để những đồng bào Việt kính trọng bà.

Trên thực tế, khi sống trên 15 năm tại Pháp, Henriette Bùi Quang Chiêu cũng đã mặc đầm quen. Tuy nhiên, từ hôm đó, sau thái độ của người Giám đốc bệnh viện, bà chỉ mặc trang phục Việt trong thời gian làm việc tại bệnh viện.

Rồi cả những bất công về tiền lương cho y bác sĩ Việt – y bác sĩ Pháp, thái độ phục vụ bệnh nhân người Việt – người Pháp đều được bà Henriette Bùi Quang Chiêu tích cực đấu tranh bằng nhiều hình thức khác nhau.

Bác sĩ Henriette Bùi cũng tỏ ra vô cùng bất mãn về thái độ khinh người và kỳ thị của người Pháp thực dân tại Việt Nam. Bà kể lại rằng, khi nghe chuyện có một bà bác sĩ người Pháp tên là Eùliche đã khinh bỉ chê "người A-na-mít dơ bẩn như heo", và đánh đập, la mắng, chửi bới các nữ hộ sinh và y tá người Việt Nam. (Thực ra câu này bắt nguồn từ một câu nguyên văn trong tiếng Pháp: "Sale comme les Chinois" (Dơ bẩn như tụi Tàu). Bà đã đứng lên cực lực phản đối hành động đó. Thái độ của bà đã khiến cho một số người Pháp và cả báo chí của Pháp ở Sài Gòn, trong số đó có tờ báo L'Opinion, cũng lên tiếng chỉ trích bà.

Điều tệ hại nhất là người Pháp cũng kỳ thị đối với cả bệnh nhân nữa. Họ phân biệt hai loại bệnh nhân : bệnh nhân người Pháp thì được chữa trị tận tình trong những phòng ốc đầy đủ tiện nghi và với thuốc men tối đa, trong khi đó thì bệnh nhân người Việt Nam chỉ được chữa trị qua loa, trong những căn nhà nền đất bẩn thỉu, thiếu mọi thứ tiện nghi và nhiều khi những pharmacie (phòng phát thuốc) do người Pháp quản trị , chẳng hạn như tại bệnh viện Chợ Rẫy, họ lại từ chối không cấp thuốc cho bệnh nhân người Việt với lý do đã hết thuốc trong khi họ vẫn còn thuốc để cấp cho bệnh nhân người Pháp.

Sau khi trình bày quan điểm với Ban Giám đốc Bệnh viện không được, họ cố tình làm ngơ không chịu giải quyết, bà Henriette Bùi Quang Chiêu đã đệ yêu cầu của mình lên hẳn giới chức cao cấp nhất tại Nam Kỳ lúc bấy giờ là Thống đốc Pagès. Sau khi nghe lời phản đối hợp lý của bà, Pagès đã ra lệnh cho giới bác sĩ người Pháp phải xóa bỏ mọi sự phân biệt đối với bệnh nhân, cũng như là phải thay đổi cách đối xử với người Việt Nam.

Thậm chí, lúc bấy giờ, giới y khoa Pháp tại Đông Dương thường tỏ thái độ coi thường nền y học Việt Nam trước đó. Những lời chỉ trích này không những chỉ xuất hiện trên báo chí, mà ngay cả trong các phúc trình y khoa cũng như là một số luận án tốt nghiệp của các sinh viên y khoa người Pháp.

Bà Henriette Bùi Quang Chiêu đã thể hiện quan điểm đối lập của mình thông qua nhiều bài báo, trong đó nêu rõ những thành tựu mới trong nền Y học do người Pháp mang đến, song cũng đề cập một cách cụ thể vai trò quan trọng của y học dân tộc nước nhà.

Thái độ ngay thẳng, luôn đòi hỏi sự công bằng bình đẳng giữa những người Việt và người Pháp cũng như đấu tranh cho nền y học nước nhà của Henriette Bùi Quang Chiêu đã khiến không ít người Pháp, thậm chí là cả báo chí Pháp ở Sài Gòn lên tiếng chỉ trích bà.

Tuy nhiên, điều đó chưa bao giờ khiến Henriette Bùi Quang Chiêu lo sợ mà bị suy giảm tinh thần đấu tranh của mình.

Vào thời đó bà Henriette Bùi còn làm nhiều điều mà người Việt Nam coi như là chuyện "động trời" vì chưa có người đàn bà Việt Nam nào dám làm như vậy: bà dám đi giày cao gót y như các phụ nữ người Pháp -người Việt Nam gọi là các "bà đầm"- bà dám mặc áo tắm như đầm khi đi tắm piscine, dám chơi thể thao và dám lái xe hơi...Bà Henriette Bùi cho biết là hồi đó có nhiều người Việt Nam đã nói xấu bà về việc bà mặc đồ tắm, và họ đồn đại rằng bà đã "ở truồng" khi đi tắm.

Bà nói rằng cái gì bà làm cũng đều bị họ chỉ trích, vì vào thời đó một người phụ nữ Việt Nam như bà mà đã dám làm những việc mà ngay chính cả những người đàn ông Việt Nam cũng chưa dám làm, do đó mà bà đã tạo ra nhiều vụ xì-căng-đan.

Bà nói rằng bà không ngại gì chuyện đó, tuy nhiên có một việc mà bà phải bỏ dở vì sợ xì-căng-đan: đó là việc bà đi học lái máy bay. Bà cho biết rằng bà đã đi học lái máy bay vì nghĩ rằng trong thời chiến tranh mà một vị bác sĩ như bà biết lái phi cơ thì có thể đi đến được những nơi xa xôi hẻo lánh để chưã trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên vì dư luận lúc đó chỉ trích việc một người đàn bà mà dám đi học lái máy bay, cho nên sau một thời gian thì bà đành phải bỏ học.

Vào năm 1993, bà nói rằng: -"Hồi đó, tôi là người tiền phong trên nhiều lãnh vực, cho nên nhiều người đã không ưa tôi, và do đó tôi làm cái gì họ cũng đều chê, và cho là sai trái cả". Bà chỉ tiếc là đã bỏ cuộc trong việc học lái máy bay!

Cũng trong năm 1935, bà lập gia đình với luật sư Vương Quang Nhường, Tiến sĩ Luật khoa đầu tiên của người Việt, một đảng viên Đảng Lập hiến Đông Dương, luật sư nổi tiếng của Tòa Án Sài Gòn, cũng là người bạn thân của thân phụ bà. Ông sinh năm 1902 tại Yên Luông Đông, Gò Công, là cháu ruột của Thái hậu Từ Dụ.
Luật sư Vương Quang Nhường, người chồng đầu tiên. Sau khi li dị với bác sĩ Henriette, ông trở thành rể vua Thành Thái.

Vương Quang Nhường du học Pháp tại trường Luật và Kinh tế. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ Luật khoa, Vương Quang Nhường trở về nước với tư cách là tiến sĩ Luật khoa đầu tiên của nước ta.

Là người có học vấn cao, kiến thức rộng nên Vương Quang Nhường được các giới thượng lưu Việt, Pháp lúc bấy giờ kính nể. Vì thế, cuộc hôn nhân giữa Henriette Bùi Quang Chiêu và Vương Quang Nhường được đánh giá là cuộc hôn nhân “môn đăng hộ đối” bậc nhất thời bấy giờ.

Thế nhưng, chính bản thân bà Henriette Bùi Quang Chiêu lại là người phản đối cuộc hôn nhân tưởng chừng rất xứng tầm với bà như vậy. Henriette Bùi Quang Chiêu không muốn có một cuộc hôn nhân xếp đặt, dù là với một người trí thức lớn, tài năng đi chăng nữa.

Tuy nhiên, dưới sức ép và sự kiên quyết của cha, Henriette Bùi Quang Chiêu đã phải đồng ý với cuộc hôn nhân này. Đám cưới của Henriette Bùi Quang Chiêu và Vương Quang Nhường được tổ chức ngay trong năm 1935 và trở thành một trong những cuộc hôn nhân được chú ý nhất lúc bấy giờ.

Là một cuộc hôn nhân được đánh giá “cân xứng” của hai con người đều tài năng, song chỉ không đầy hai năm chung sống, cuộc hôn nhân của Henriette Bùi Quang Chiêu và Vương Quang Nhường đã tan vỡ.

Về sau, khi giải thích việc tan vỡ này, bà Henriette Bùi Quang Chiêu nói rằng: bởi sự khác biệt giữa hai người là quá lớn. Với Henriette Bùi Quang Chiêu, người chồng mà cha đã chọn cho bà quả thực là một người đàn ông rất tốt, rất có tài và cũng đã chăm sóc cho bà một cách tận tình. Nhưng, ông lại không phải là người có thể chia sẻ, cảm thông với công việc bận rộn, vất vả của một nữ bác sĩ như bà.

Bà thường xuyên phải vắng nhà để có thể tham gia vào việc khám chữa bệnh, kể cả trong những buổi trực đêm, trong khi ông thì không chấp nhận mãi như vậy, Ông chỉ muốn bà ở nhà, lo chuyện nội trợ.

Ông luật sư tuyên bố: - "Tôi là trạng sư, lương đủ cho bà ở nhà, đi chơi".

Bà nói: - "Tôi thích làm, không thích chơi".

Bất chấp sự phản đối của ông, bà vẫn đến nhà bảo sanh Từ Dũ hành nghề bác sĩ, chuyên khoa sản và nhi. Chính sự khác biệt giữa hai người khó lòng dung hòa, nên không đầy 2 năm sau, hai người ly hôn. Với bà, đó là mối hôn nhân không hạnh phúc, cho dù gia đình hai bên rất "môn đăng hộ đối". Vụ ly dị của Henriette Bùi Quang Chiêu với Vương Quang Nhường quả thực đã gây ra một “chấn động” lớn ở Sài Gòn nói riêng và Nam Kỳ nói chung lúc bấy giờ. Không ai có thể tưởng tượng được rằng một người phụ nữ trí thức, lại xuất thân trong gia đình của ông Bùi Quang Chiêu lại có thể đệ đơn xin ly hôn. Vậy nên, người ta cứ bàn tán không ngớt về sự “liều lĩnh, cả gan” của Henriette Bùi Quang Chiêu vào thời điểm lúc đó.

Sau khi li hôn, bà Henriette Bùi Quang Chiêu với ông Vương Quang Nhường vẫn là những người bạn tốt của nhau.(Sau này, luật sư Nhường lấy con gái của vua Thành Thái).

Cũng từ đó, bà Henriette Bùi Quang Chiêu dốc mọi tâm sức vào việc nghiên cứu, khám chữa bệnh của mình.

Cuối năm 1945, một sự kiện bất hạnh ập đến gia đình bà. Cha bà là Bùi Quang Chiêu và 3 người anh em trai của bà bị lực lượng Việt Minh thủ tiêu tại chợ Đệm, với tội hợp tác với chính quyền Pháp thuộc địa,"làm tay sai cho thực dân Pháp". Người bạn thân thiết của bà là Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích, bấy giờ đang giữ chức Khu bộ phó Việt Minh, bị chính quyền Pháp bắt được và bị kết án tử hình. Nhờ sự vận động của bà và các bạn bè cũ tại Pháp, Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích thoát án, chuyển sang danh sách trao đổi tù binh, thay vì án tử hình, nhưng bị buộc phải rời khỏi Việt Nam và sang sống tại Pháp. Tại đây, ông trở lại trường Y khoa và thành tài trong mấy năm sau. Tuy nhiên, ông không hành nghề bác sĩ mà trở thành giáo sư dạy môn Vật Lý tại trường Y Khoa.

Còn Henriette Bùi Quang Chiêu vẫn tiếp tục ở lại Việt Nam và làm công việc nghiên cứu Y khoa của mình.

Từ khi tốt nghiệp y khoa bác sĩ tại Pháp cho đến năm 1955, trong thời gian phục vụ tại các bệnh viện tại Sài Gòn, Bác sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu đã giữ những chức vụ như Trưởng Ban Ngoại Chẩn Nhi Khoa (Outpatient Department of Pediatrics,) Trưởng Ban Những Chứng Bệnh Truyền Nhiễm (Infectious Deseases Department,) Trưởng Ban Phụ Khoa và Hộ Sản v.v...

Vào thời đó, tuy chưa có thuốc mê và thuốc trụ sinh, nhưng Bác sĩ Henriette Bùi đã dùng kỹ thuật giải phẫu "Caesarien" (C-section) trong những trường hợp "đẻ khó", và đã cứu được không biết bao nhiêu là sản phụ người Việt Nam thoát khỏi cảnh hiểm nghèo.

Năm 1957, bà Henriette Bùi Quang Chiêu sang Nhật Bản để nghiên cứu và theo học về Châm cứu. Bà đã học tại Nhật trong hai năm rồi trở về nước và phát triển hướng nghiên cứu của mình trong khoa Châm cứu.

Đến năm 1961, Henriette Bùi Quang Chiêu sang Pháp và mở ở đây một phòng mạch. Cũng tại Pháp, Henriette Bùi Quang Chiêu đã gặp lại ông Nguyễn Ngọc Bích. Mối thân tình mà hai người đã phát triển thành tình yêu.

Bà Henriette Bùi Quang Chiêu và ông Nguyễn Ngọc Bích về sống với nhau như vợ chồng. Rất không may là ông Nguyễn Ngọc Bích lại bị ung thư vòm họng.Thế nên, sau bốn năm chung sống trên đất Pháp, năm 1965, bà Henriette Bùi Quang Chiêu đã đưa ông Nguyễn Ngọc Bích trở về Việt Nam để ông có thể sống những ngày cuối đời trên quê hương.

Ngay trong năm đó, ông Trần Ngọc Bích mất. Cũng từ đó, khi còn lại một mình, bà Henriette Bùi Quang Chiêu đã không ngừng tích cực tham gia các hoạt động khám, cứu chữa thương bệnh binh trong chiến tranh chu đáo, không hề phân biệt bạn hay thù.

Năm 1965, Bác sĩ Henriette Bùi tình nguyện tham gia vào một chương trình y tế do Hội Church World Service, một cơ quan bất vụ lợi do nhiều giáo hội Tin Lành có trụ sở tại New York tài trợ, cũng tương tự như Hội Médecins San Frontières sau này. Trong suốt 5 năm trời, dù đã lớn tuổi nhưng bà vẫn hoạt động với tư cách là Trưởng nhóm, và tích cực xông pha vào tận những nơi người dân cần sự săn sóc về y tế, dù rằng tình hình chiến sự ở trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng. Bà phục vụ cho tất cả mọi người, bất kể là họ sống trong vùng do chính phủ VNCH kiểm soát, hay là trong những vùng do MTDT GPMNVN kiểm soát. Bà cũng cứu chữa cho tất cả những người bị thương, không kể họ thuộc phe nào, vì theo bà, nguyên tắc của Hội Hồng Thập Tự là chữa trị như nhau cho tất cả mọi người bị thương tích, bất kể họ là bạn hay là thù nghịch.

Vào năm 1970, bà tình nguyện vào phục vụ không lương trong ngành hộ sản và nhi khoa tại Bệnh viện Phú Thọ ở vùng ngoại ô thành phố Sài Gòn.

Mãi đến năm 1971, bà Henriette Bùi Quang Chiêu mới sang lại Pháp. Ở đây, bà tiếp tục khám chữa bệnh cho đến năm 1976, khi 71 tuổi bà mới nghỉ hưu, sau khi phục vụ trong ngành y khoa tại Việt Nam cũng như tại Pháp trong hơn 44 năm trời.

Năm 2011, đã 105 tuổi, bà vẫn còn khoẻ và minh mẫn.
Bà Henriette Bùi Quang Chiêu, ở tuổi 105. (Năm 2011).

Bà mất vào ngày 27/04/2012 tại Paris, thọ 106 tuổi. Theo tâm nguyện của bà, sau khi hỏa táng, tro cốt của bà được phân làm hai nơi: Dòng tộc họ Bùi ở Huyện Mỏ Cày Bắc lưu giữ một phần, phần còn lại được an táng kế bên mộ phần của chồng, tức kỹ sư bác sĩ Nguyễn Ngọc Bích, trong khuôn viên Tòa Thánh Cao Đài tỉnh Bến Tre.
Biệt thự tư gia của bà, đồng thời là cơ sở bảo sanh đầu tiên do bác sĩ nữ Việt Nam đảm trách, ở số 28 đường Testard.

Một đóng góp đáng kể nữa của nữ bác sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu là việc hiến tặng biệt thự tư gia của bà, đồng thời là cơ sở bảo sanh đầu tiên do bác sĩ nữ Việt Nam đảm trách, ở số 28 đường Testard. Chính phủ bảo hộ cho xây cất một biệt thự trên khu đất chùa Khải Tường ở số 28 đường Testard (Trần Quý Cáp, nay là Võ Văn Tần) để cho các viên chức cao cấp sử dụng. Chủ nhân chót là Nghị viên kỹ sư Canh nông Bùi quang Chiêu. Con gái thứ của ông, bà Bác sĩ Henriette Bùi quang Chiêu, đã hiến tặng cho Chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa năm 1954 làm cơ sở cho Trường Đại học Y khoa Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn, nay là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM.

Bác sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu, vị nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp tại Trường Đại học Y Khoa Paris vào năm 1934, đã đóng đúng vai trò tiền phong mở đường cho giới phụ nữ Việt Nam thời đó noi gương, và sau đó họ đã theo chân bà dấn bước vào con đường y học. Cho đến năm 1975 thì con số nữ bác sĩ y khoa tại miền Nam Việt Nam được xem như là chiếm tỷ lệ cao nhất tại các quốc gia Châu Á, dù rằng đất nước đang phải đương đầu với một cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt trong nhiều thập niên.

Bác Sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu, biểu tượng của phụ nữ Việt Nam, một nhân vật đặc biệt, chứng nhân của cả một thế kỷ Việt Nam đầy biến động.


No comments:

Post a Comment