Wednesday, August 30, 2023

Trường phái rút ví chậm 

Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, tôi thích nhất nhân vật Hồng Thất Công, bang chủ Cái Bang (kế thừa là Kiều Phong), ông già tính khí trẻ con.

Tôi thích vì rất hợp tạng.

Nói cách khác, tôi rất sợ những chuyện nghiêm túc. Ở đây bạn đọc sẽ bắt gặp mọi chuyện: chính trị, xã hội, kinh tế, văn chương, thi ca, nghệ thuật…, kể cả những chuyện tầm phào như gái trai, rượu chè hoang đàng nhăng nhít... Nói gọn, mảnh vườn "Ba Điều Bốn Chuyện" này luôn rộng cửa, bạn đọc hãy cùng tôi rong chơi.

*
Xét theo học vị, họ bình thường, nếu không muốn nói, chả có gì đặc biệt đáng quan tâm.

Nhưng cả hai lại là những tài năng kiệt xuất.

Người thứ nhất, nhà văn Mai Thảo, tác giả của trên 50 tác phẩm, bao quát nhiều thể loại, tùy bút, truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện dịch, phóng tác, biên khảo, nhận định… Đầu tàu tạp chí Sáng Tạo, dấu mốc mở đường cho dòng văn học tự do sau 1954 tại miền Nam Việt Nam. Là tổng thư ký tạp chí Văn cùng nhiều báo khác trước 1975 tại quê nhà, và sau này tại hải ngoại. Là ông vua viết phơi-dơ-tông, một ngày không dưới 6 cái, trên các nhật báo, chưa kể những bài viết xuất hiện thường xuyên ở mọi diễn đàn chữ nghĩa.

Mai Thảo viết dễ dàng, nhanh. Văn chương lóng lánh, chữ nghĩa trau chuốt, rất riêng. Một mình một cõi, không lẫn với ai. Người đọc có thể thích hoặc không, nhưng một điều khó phủ nhận, chỉ cần lướt qua năm bảy dòng, chúng ta biết ngay tác giả là ai. Để tạo ra dấu ấn đặc thù đó tất nhiên không dễ.

Người thứ hai, nhạc sĩ Phạm Duy, chủ nhân của cả ngàn bài hát thuộc mọi chủ đề, quê hương, chiến tranh, tình yêu, tâm ca, tục ca, đạo ca, thiền ca… Phù thủy trong lĩnh vực biến các thi phẩm thành những ca khúc lẫy lừng. Thơ của các thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư, Minh Đức Hoài Trinh, Nhất Tuấn…, qua người nhạc sĩ tài hoa này, được chắp thêm cánh, bay xa hơn, cao hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn cách đây hơn 50 năm tại Sài Gòn, ký giả hỏi,
“Ông sáng tác thế nào?”

Phạm Duy cười,
“Như đi đái ấy mà!”

Đi đái. Phạm Duy muốn nói, ông sáng tác dễ dàng như hành động bài tiết. Quả thế, tôi từng chứng kiến, chỉ chưa đến nửa giờ, ông phổ thơ của một thi sĩ thành ca khúc, giai điệu mượt mà, trữ tình, tha thiết.

Hai người xuất hiện cùng thời. Mỗi người một cõi. Không khác hiện tượng thiên nhiên, họ làm ra gió, tạo nên bão trong môi trường thủ đắc.

Là người Việt Nam, không ai không biết đến họ.

Nhưng hai thiên tài hai tính cách, hai phong thái sống.

Mai Thảo tay chơi có hạng. Di chuyển bằng xe hơi (Mustang). Mỗi ngày một bao thuốc, một chai cỏ-nhắc. Hàng đêm nhẵn mặt ở các vũ trường, cặp kè với những bóng hồng trong thế giới đèn màu. Mặt lạnh như thép nguội trên các chiếu bạc. Xài tiền hào sảng. Là một trong số không nhiều những nhà văn sống thuần bằng chữ nghĩa một cách phong lưu. Độc thân cho đến lúc về với đất.

Phạm Duy, người chồng, người cha mẫu mực (dù, như hầu hết mọi tài hoa khác, nhiều nhan sắc đã ghé qua trong đời Phạm Duy). Tôi từng đến nhiều lần nhà ông ở Midway City (Thị Trấn Giữa Đàng- chữ của ông), căn nhà tuy nhỏ nhưng nhờ có sân sau rộng. Lợi dụng ưu điểm này, ông ép thêm nhiều phòng, làm nơi trú ngụ của vợ chồng và các con, người chưa lập gia đình, người có chồng, có vợ. Tất cả, con cái dâu rể, đều sống chung dưới một mái nhà. Chị Thái Hằng, phu nhân Phạm Duy, có thể xem như quản gia, quán xuyến mọi chuyện. Người đàn bà này, theo nhận xét của tôi, là điển hình tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam, một đời vì chồng vì con.

Tôi từng ở gần Mai Thảo thời gian dài, chứng kiến sinh hoạt thường nhật của ông. Mỗi ngày, buổi sáng thức dậy làm vệ sinh xong, thay bộ quần áo mới, áo sơ mi tay dài, cài khuy tươm tất. Đến bật lò điện đun nước pha cà phê, trà. Ra ngồi vào bàn, cầm cây bút, kéo xấp giấy lại gần, vừa nhấm nháp vừa viết. Những con chữ nối đuôi nhau làm đầy trang, ngay hàng thẳng lối, sạch sẽ, rõ ràng, gần như không tẩy xóa.

Nhắm chừng vừa đủ cho số chữ mục Sổ Tay của tạp chí Văn, Mai Thảo ngừng viết, vói tay cầm chai rượu rót vào chiếc ly trống, nâng lên miệng nhấp một ngụm nhỏ. Uống hết ly rượu, ông bắt đầu công việc khác, viết tên địa chỉ độc giả dài hạn trên ngót nghìn phong bì màu vàng hôm qua ông đã dán tem. Đỗ Ngọc Yến, giám đốc sáng lập công ty Người Việt, tờ nhật báo lớn nhất tại hải ngoại, nhiều lần đề nghị Mai Thảo giao danh sách độc giả dài hạn cho nhân viên đả tự của công ty vào computer, đến kỳ in ra label, dán vào phong bì, chỉ mất độ một hai tiếng là cùng, vừa đỡ tốn thì giờ, vừa sạch sẽ, tiên tiến. Mai Thảo lắc đầu. Lý do, tuy mất công (trung bình trên dưới ba ngày ông mới viết xong gần 1.000 địa chỉ) nhưng khi độc giả nhận được báo, họ nhìn nét chữ thân quen, cảm được tấm lòng trân trọng của ông với họ. Nhờ vậy độc giả gắn bó lâu dài với tờ báo.

Tôi cũng từng đến nhà và “mục sở thị” căn phòng làm việc tuy nhỏ, bày biện đơn sơ nhưng rất ngăn nắp, sạch sẽ của Phạm Duy. Một bàn gỗ không lớn lắm, trên mặt bàn ngay ngắn tập giấy trắng. Sát tường, bên cạnh, là một tủ sách, hai ngăn trên cùng sắp đầy sơ-mi chứa rất nhiều hình ảnh, tư liệu qua từng thời kỳ, lúc còn trẻ, theo kháng chiến, về thành, vào Nam, đi hát, đám cưới của ông và chị Thái Hằng, cũng như các con… Nhờ những tư liệu, hình ảnh phong phú, Bốn cuốn Hồi Ký Phạm Duy được hình thành dễ dàng.

Tuy hai nhân vật này có chung mẫu số là rất nghiêm túc trong công việc (phong thái của những tài năng thực sự, khác xa với những thiên tài dỏm thời nào, ở đâu cũng nhan nhãn), nhưng lai rất… kỵ nhau trong đời sống.

Kỵ, phải thôi.

Tôi kể các bạn nghe hai chuyện tiêu biểu nói lên cá tính khác biệt của hai người.

Có lần nhà văn Trần Vũ từ Pháp sang chơi. Chúng tôi bày cuộc nhậu. Suốt buổi tôi ít cười nói như thường khi, Mai Thảo hỏi,

“Sao hôm nay cậu táo bón thế?”

“Em đang rầu thối ruột.”

“Chuyện gì?”

“Nhà in vừa gọi bảo báo đã in xong, đến lấy, nhưng em gom chưa đủ tiền!”

Mai Thảo cười mỉm,
“Tưởng chuyện gì.”

Rồi chồm người rút từ dưới gối trên đầu chiếc gường sắt kề bên một cọc tiền mỏng,

“Còn thiếu bao nhiêu?”

“Bảy trăm anh.”

Cọc tiền ít, Mai Thảo đưa tôi bảy, chỉ còn lại 2 trăm. Tôi nói,

“Anh cũng sắp lấy báo, rồi làm sao?”

“Tính sau, cậu cần, xài trước đi.”

Tôi nhủ thầm lấy báo về, gửi đi xong, tôi sẽ đến các nhà xuất bản nhận một số bìa sách, vẽ gấp lấy tiền bù lại. Đây không phải lần đầu Mai Thảo đưa tiền cho tôi, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn chia nhau những đồng tiền ít oi có được, nếu một trong hai sạch túi. Mai Thảo xem nhẹ tiền bạc, tiêu xài rộng rãi và rất tế nhị. Vào hàng quán ông thường nhắc bọn chúng tôi, dù ông chỉ uống, hầu như không ăn,

“Gọi món đi chứ, nhiều vào, chúng mày mang rượu đến nhậu, không gọi, người ta uống nước lã phục vụ à?”

Phạm Duy khác. Một hôm Ông gọi cho tôi,
“Tớ vừa xong mười bài Thiền ca. Cậu vẽ bìa và viết cho tôi một bài nhé?”

“Vâng ạ.”

Hai mươi ngày sau CD ra lò với hình bìa rất… thiền, một nhánh cây trơ trọi trên nền xám nhạt, và đã phát hành toàn cầu, bài viết tôi cũng đã viết xong, đi trên Hợp Lưu số mới nhất. Phạm Duy lại gọi,

“Sáng mai tớ mời cậu đi ăn nhé.”

Tôi hí hửng khoe với vợ,
“Anh Phạm Duy mời anh đi ăn, thích quá.”

“Ông ấy mời, chuyện lạ.”

“Anh vẽ bìa, còn viết bài tán tụng, công không nhỏ.”

Sáng hôm sau Phạm Duy đến nhà chở tôi ra Laguna Beach, cách Sài-Gòn-nhỏ khoảng 45 phút xe. Đến nơi, ông ghé vào một tiệm bánh, mua hai ly cà phê và hai bánh donuts to go. Tôi theo ông ra ngồi ngoài ghế đá sát bờ biển, vừa thưởng thức “bữa tiệc” vừa nghe người nhạc sĩ tài hoa nói về mười nhạc phẩm vừa trình làng với đôi chút hài mãn.

Sau hôm đó, tôi kể cho Mai Thảo nghe về “bữa tiệc” khoản đãi của Phạm Duy, anh cười,

“Cái thằng rút ví chậm!”

Tôi thắc mắc,
“Là sao?’

Mai Thảo giảng,
“Ở Sài gòn tôi thường đi ăn nhậu với nhiều thằng. Có thằng đến lúc trả tiền nhanh nhẩu lên tiếng, để moi, và thò tay ra sau móc ví, khổ nỗi móc mãi không được, đến khi người khác thanh toán xong hắn mới càm ràm, các cậu kỳ quá, đã bảo để moi lo mà. Đấy, Phạm Duy thuộc trường phái rút ví chậm.”

Khánh Trường
 

No comments:

Post a Comment