Sunday, August 20, 2023

Té ngã người lớn tuổi

Cứ 100 người Mỹ từ 65 tuổi trở lên thì có hơn 25 người bị ngã mỗi năm. Và điều này hoàn toàn có thể tránh được…

Những vấn đề của tuổi già
Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng hoà-Kentucky) bị chấn động não và phải nhập viện sau cú ngã mới đây tại một khách sạn. Đây không phải là cú ngã đầu tiên đối với McConnell 81 tuổi. Năm 2019 ông bị gãy xương vai do ngã bên ngoài ngôi nhà của mình ở thành phố Louisville.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi năm có hàng triệu người Mỹ trên 65 tuổi bị ngã. 800,000 người phải đến khoa cấp cứu sau khi ngã, với 1/5 ca bị chấn thương nặng như gãy xương hông, gãy xương khác hoặc chấn thương đầu. CDC cho biết té ngã là nguyên nhân hàng đầu gây thương tích và tử vong ở nhóm tuổi này.

Christine Kistler, phó giáo sư về lão khoa và y học gia đình tại Trường Y khoa Chapel Hill thuộc Đại học North Carolina cho biết: “Đối với người cao tuổi, ngã là một sự kiện thay đổi cuộc đời, thậm chí có thể… kết thúc cuộc đời! Khi chúng ta già đi, cơ bắp sẽ trở nên yếu hơn, xương giòn hơn và phản ứng chậm hơn. Quá trình lành vết thương cũng mất nhiều thời gian hơn và nhiều người lớn tuổi sẵn có các vấn đề sức khỏe thường dễ té ngã hơn.”

Ngã là nguyên nhân phổ biến nhất của chấn thương sọ não. Chỉ riêng gãy xương hông đã khiến 300,000 người Mỹ lớn tuổi phải nhập viện mỗi năm và hơn 95% số ca gãy xương là do bị ngã. Các nghiên cứu cho thấy yếu tố dự báo chính nguy cơ té ngã tăng là từng bị ngã; còn tuổi cao là một yếu tố nguy cơ chính gây té ngã. Người lớn tuổi dễ bị ngã hơn do suy giảm khối cơ, tác dụng của thuốc đưa vào cơ thể và sức khỏe kém dẫn đến giảm khả năng giữ thăng bằng, sức mạnh, thị lực và thính giác, cùng những vấn đề khác.

Dễ té ngã do suy yếu các giác quan, do thuốc và môi trường sống thiếu an toàn.
Thực tế cho thấy, khả năng giữ thăng bằng suy giảm theo tuổi tác khiến người già dễ bị ngã, đặc biệt nếu họ bị suy nhược cơ thể, đi lại khó khăn hoặc thị lực kém. Thiếu vitamin D và một số vấn đề sức khỏe khác như tăng huyết áp và bệnh Parkinson làm tăng nguy cơ té ngã.

Dùng nhiều loại dược phẩm như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm cũng làm tăng nguy cơ té ngã. Dù biết thuốc kê toa có thể làm suy giảm khả năng phán đoán và nhận thức, thay đổi tâm trạng, choáng váng, mất thăng bằng, buồn ngủ, phản ứng chậm, chóng mặt nhưng không còn chọn lựa nào khác vì nhiều loại thuốc rất quan trọng đối với người lớn tuổi bị rối loạn giấc ngủ, lo lắng, trầm cảm, huyết áp cao cũng như nhiều vấn đề khác.

The Washington Post cho biết, theo nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins, những người bị mất thính lực nhẹ có nguy cơ bị ngã gấp ba lần người bình thường. Phụ nữ dễ té ngã hơn nam giới. Các mối nguy hiểm khác gồm đi giày dép không đúng chuẩn, buồng tắm, sàn nhà trơn trượt; bậc thang bị gãy hoặc không bằng phẳng; thảm trải sàn nhô lên “bẫy” người cao tuổi. Ra đường, lối đi không bằng phẳng, vết nứt vỉa hè, vũng nước, bùn, tuyết trơn là những nguyên nhân. Việc dắt chó đi dạo cũng dẫn đến ngã nếu chó mất kiểm soát hoặc bất ngờ làm người chủ mất thăng bằng.

Gãy xương hông thường gây đau dữ dội và cần phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn kèm vật lý trị liệu chuyên sâu sau đó. Chấn thương đầu sẽ gây ra các vấn đề về thần kinh như yếu cơ hoặc mất khả năng phối hợp và suy giảm nhận thức. Một cơ thể già hơn có nghĩa là những gì sẽ không nghiêm trọng ở độ tuổi 40 sẽ nghiêm trọng hơn nhiều ở độ tuổi 80. Té ngã của những người có các tình trạng như loãng xương hoặc teo cơ sẽ làm chậm quá trình phục hồi. Người lớn tuổi nằm trên giường một ngày sau té ngã giống như một người trẻ hơn nằm trên giường một tuần, sức khỏe và các chức năng sẽ yếu đi nhiều hơn.

Các giải pháp khả thi
Theo Hội đồng Quốc gia về Người cao tuổi (National Council on Aging-NCOA), hầu hết các vụ té ngã (khoảng 60%) xảy ra trong nhà so với 30% xảy ra ở nơi công cộng và 10% tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Bởi vì rất nhiều trường hợp té ngã diễn ra ở nhà, nên những cách đơn giản có thể giúp ích rất nhiều để giảm thiểu rủi ro té ngã.

Muốn ngăn ngừa té ngã, người lớn tuổi nên cố gắng tập thể dục và đi bộ để duy trì sức mạnh, đồng thời thông báo ngay bất cứ sự thay đổi nào về thị lực, thăng bằng cho người thân và nơi chăm sóc. Vì té ngã chủ yếu trong nhà nên cần làm cho ngôi nhà an toàn hơn, loại bỏ sự bừa bộn và đặt những vật dụng thường dùng ở nơi dễ lấy để người già không phải bước lên ghế hoặc thang.

Cần canh chỉnh ánh sáng và đừng cố đi trong bóng tối. Loại bỏ thảm vì chúng là một nguy cơ vấp ngã phổ biến. Đặt thảm chống trượt trong bồn tắm và trên sàn nhà. Sắp xếp lại đồ nội thất sao cho có nhiều không gian trống để người già đi lại. Loại bỏ các mặt bàn bằng kính để không gian an toàn hơn nếu bị ngã. Thêm các thanh vịn trong phòng tắm. Tất cả cầu thang đều có tay vịn và đủ ánh sáng. Người già tuyệt đối tránh dùng thang vì bất kỳ lý do gì.

Nhờ bác sĩ đánh giá nguy cơ té ngã trong điều kiện sức khoẻ của mình và thảo luận các biện pháp có thể tự thực hiện để ngăn ngừa té ngã. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để xem xét loại thuốc nào người già đang dùng có thể gây chóng mặt hoặc buồn ngủ để thay thế bằng loại an toàn hơn. Kiểm tra tình trạng thiếu vitamin D (và bổ sung nếu cần), kiểm tra tầm nhìn và thính giác người già ít nhất một lần mỗi năm để dùng kính chính xác.

Tập luyện và rèn luyện cũng rất quan trọng để tăng cường cơ bắp và cải thiện sự ổn định. Khi còn có thể, người già hãy đi bộ và sử dụng cầu thang nhiều để cơ, xương khoẻ hơn. Tập yoga và võ thuật như thái cực quyền cũng giúp cải thiện khả năng cân bằng. Mang giày chắc chắn, chống trượt, vừa vặn và đế có độ bám chắc chắn. Giày cao gót, đế trơn làm tăng nguy cơ té ngã. Nếu đi dép ở nhà, hãy dùng loại có đế chống trượt. Kistler nhắc hãy cảnh giác khi đi dạo với thú cưng.

CDC ước tính có gần 87,000 thương tích ở người mỗi năm liên quan đến chó, mèo. Chó là nguyên nhân gây chấn thương do ngã cho chủ cao gấp 7.5 lần so với mèo. Phụ nữ dễ bị thương trong các cú ngã do vật nuôi cao gấp đôi so với nam giới. Tỷ lệ chấn thương do chó mèo cao nhất ở những người trên 75 tuổi, nhưng ai cũng có thể té ngã vì vật nuôi.


No comments:

Post a Comment