Friday, August 18, 2023

Papua New Guinea: Một Nơi, Người Cười

Hình: Tác giả với trẻ em trong một thôn làng.

Lời tác giả: Gặp Nina Hòa Bình trên trang mạng! Nina nhắc nhở nhè nhẹ, lâu quá, không thấy tác giả Nguyễn Trung Tây trên trang “Viết Về Nước Mỹ.” Khi đó mới chợt nhớ ra, từ hồi Covid ghé vào, tàn phá ngôi làng toàn cầu, tác giả hãi đoàn quân Covid quá! Bởi thế, quân ta trốn trong phòng, không xuất hiện. 

Thật ra, tháng 6 năm 2016, tác giả đã rời Úc Châu, tu học tại Philippines. 
Tháng 10, 2020, tác giả bay về lại San Jose, California, trốn Covid. 
Tháng 5, 2022 tác giả bay về Philippines, lãnh văn bằng Tiến Sĩ Truyền Giáo tại Divine Word Institute of Mission Studies, nối kết với University of Saint Tomas.

***
Sau hai năm quay về cố quốc bởi đại dịch Covid-19 (10/2020-11/2022), tôi cuối cùng cũng rời Mỹ bay sang Papua New Guinea (PNG) cho một chương sách mới tinh (11/2022).

Trước khi rời cố hương California, tôi cũng chia sẻ với nhiều người quen về đích đến PNG. Nhưng rất nhiều không có khái niệm về quốc đảo. Thậm chí, có người còn tưởng PNG thuộc châu Phi. Không chỉ là người Việt, ngay cả người Mỹ, và người Việt quốc nội, những người tôi đã gặp, họ đều không có khái niệm về quốc đảo PNG thuộc vùng Châu Đại Dương.

PNG nằm về phía bắc Úc Châu, và phía đông Indonesia. PNG bao gồm rất nhiều bộ lạc, có ngôn ngữ riêng, hơn 820 ngôn ngữ, tôn giáo địa phương khác biệt, và những nền văn hóa riêng biệt của mỗi bộ lạc. Thí dụ, ẩm thực riêng, trang phục riêng, nghệ thuật riêng, v.v.

Người PNG nói tiếng Pidgin, ngôn ngữ chính nối kết tất cả các bộ tộc PNG. Thức ăn chính của dân vùng cao nguyên là khoai lang. Vùng biển hoặc đảo, lương thực chủ đạo là sago (một loại bột như bột gạo), hoặc chuối luộc. Cạnh đó là rau, khóm, bắp, chuối, và đu đủ. Vào những ngày lễ hội, họ ăn thịt heo hoặc gà. Heo có giá trị rất cao trong xã hội. Nhà gái thường thách cưới nhà trai từ 2, hoặc 5 tới 10 chú heo. Nếu đàng gái thuộc giới thượng lưu, số heo thách cưới có thể tăng cao hơn nữa.

PNG một thời bị Đức, Hòa Lan, Anh, Nhật đô hộ. Sau thế chiến thứ 2, PNG thuộc về Úc Châu. Năm 1975, chính quyền Úc trả lại độc lập cho người PNG. Thuộc khối Thịnh Vượng Chung của Anh, PNG có Thủ Tướng, người đứng đầu Quốc Hội. Nhưng bởi nét bộ lạc còn đậm sâu, tinh thần địa phương vẫn còn nằm sâu trong huyết quản của dân bản xứ.

Người dân PNG hiền hòa, hiếu khách. Gặp người lạ mặt trên đường, họ đứng đó nhìn mải miết. Nét ngạc nhiên xuất hiện đậm trên khuôn mặt. Phần lớn người dân sống ở thôn làng. Nếu cần, họ đi bộ tới phố, mua những thứ cần thiết, cho vào trong bilum (bí-lùm), mang về nhà. Tới quốc đảo PNG, người ta nhận ra dọc theo hai bên đường người dân vai đeo bilum đi bộ khá nhiều. Họ đi từng đoàn, hoặc cá nhân riêng lẻ. Phần lớn đi chân đất. Cứ thế họ đi tới phố, rồi lại đi bộ về tới làng.

Thanh niên PNG với con dao dài cầm trên tay đi lại nơi công cộng

Điểm đặc biệt nhất về xã hội PNG là thanh niên PNG có phong tục cầm theo một con dao dài trong khi đi trên đường. Con dao rất dài này chính là một phương tiện để người dân phát cỏ, chặt cây, và làm vườn. Nói ngắn gọn đó là một dụng cụ thường nhật tương tự cái cuốc mà người Việt Nam vác trên vai trên đường đi xuống ruộng.

Nhưng người ngoại quốc dễ cảm thấy ớn lạnh, khi nhìn người thanh niên cầm dao dài đi trên đường phố. Đến ngày hôm nay, hơn 9 tháng rồi, tôi vẫn chưa quen với hình ảnh văn hóa thanh niên PNG cầm dao dài đi lại dọc ngang trên đường phố. Chắc phải thêm một thời gian nữa, may ra mới quen được!

Công việc chính của tôi ở PNG là dạy học tại Đại Chủng Viện Good Shepherd. Các thầy nói chung chăm học và đạo đức. Cuối tuần, tôi cũng vô trong những thôn làng sinh hoạt với dân PNG.
Với các Thầy Đại Chủng Viện The Good Shepherd

Cũng như bất cứ một nền văn hóa nào trên thế giới. PNG có những nét văn hóa riêng biệt phản ảnh môi trường sống. Là đất nông nghiệp thuộc vùng nhiệt đới, người dân trồng khoai lang trong Vườn, đơn vị căn bản của văn hóa PNG. Trong khu vườn này, người dân trồng bắp, đu đủ, cà chua, rau quả, lương thực căn bản trong những bữa ăn hằng ngày xuất hiện trên mâm khoai lang, phải gọi là mâm khoai lang bởi dân bản xứ không ăn cơm. Người dân phát triển y phục và ngôn ngữ riêng của từng bộ lạc. Mỗi bộ lạc lại có những niềm tin riêng biệt.

Một nơi thiên hạ hay cười

Người dân PNG căn bản sống vào ngày hôm nay. Ngày mai, họ lại ra vườn, đào khoai lang, nhặt rau, bẻ bắp mang về mâm cơm gia đình. Sống đơn giản và vui với đời sống hiện tại, người dân PNG dễ cười. Gặp nhau, họ chuyện trò vang vang, nói cười không ngớt. Đây là một đặc điểm nổi bật của người dân đảo quốc PNG. Thêm một đặc điểm nổi bật về PNG là quốc đảo này mặc dù đời sống vật chất hạn hẹp, nhưng không có người homeless hoặc hành khất sống trên vỉa hè phố.
Với thanh niện PNG tại một gian hàng bán trầu cau và thuốc lá

Khi viết những dòng chữ này, tôi cũng đã sinh hoạt ở PNG được hơn 9 tháng rồi. Tôi vẫn còn lạ lùng với nền văn hóa riêng biệt này lắm. Nhưng tương tự như Môisen, khi bước vào sa mạc, Ông Trời đã yêu cầu lãnh tụ Môisen cởi đôi săng-đan, bởi vùng đất ông đang đứng là vùng đất thiêng. Tôi cũng thế, khi bước vào văn hóa PNG, tôi cũng đang từ từ bước vào ngôi Vườn văn hóa riêng biệt của dân PNG. Tôi cũng phải học lại từ đầu, từ ngôn ngữ cho tới những nét tổng quát về một nền văn hóa riêng biệt. Thí dụ, Mi nau likim kaikai kaokao long kakaruk na kumu/Tôi bây giờ thích ăn khoai lang với gà và rau. Trên tất cả, tôi cũng phải sẵn sàng để lại sau lưng những hành trang dư thừa cho đời sống mới tinh với người dân hay cười PNG.

Nguyễn Trung Tây
The Good Shepherd Seminary, PNG

No comments:

Post a Comment