Saturday, August 19, 2023

Chữ và người, người và chữ

BS.Trần Văn Tích

Nữ Bác sĩ Lê thị Khánh Vân hiện là Hội trưởng Hội Y giới Việt Nam Tự do tại Pháp. Trong một điện thư phổ biến trên in-tơ-nét bàn về chuyện hành nghề, Chị tâm sự như sau: “Không thể chịu được cái giọng Bắc bây giờ. Em vẫn nổi gai ốc, và không thích giao thiệp. Khổ nỗi, đám BK (Bắc Kỳ, TVT chú) đến khám bệnh em bây giờ càng ngày càng đông vì chúng không biết nói tiếng Tây, nghe nói có BS VN, mách nhau đến khám. Vì là bn (bệnh nhân, TVT chú), nên em vẫn tiếp tử tể, đối xử như các bn khác. Nhưng khi đi chợ, đứng trước hàng thịt, có tiếng hỏi em bằng cái loại tiếng Bắc đó, em không muốn trả lời. Tiền họ lấy ở đâu để cho con đi du học, mua nhà hàng triệu €. (Em đi làm cả đời, chỉ mua nổi căn appartement nhỏ vài trăm ngàn!!!). Chế độ nào thì cảnh tượng này cũng vẫn có. Nhưng mức độ ít hơn nhiều. Siêu việt của XHCN là ăn cướp sao? Kể một chuyện cười ra nước mắt. Có một cậu độ 20, chắc du học sinh, đến pm (phòng mạch, TVT chú) khám, líu lo một tràng. Em bảo cậu ta: nói chậm lại. Tôi người Việt, cậu người Việt, mà cậu nói cái thứ tiếng gì tôi không hiểu nổi!!! Thảm trạng!!! Người cùng một gốc, cùng nói một thứ tiếng mẹ đẻ, không hiểu tiếng của nhau! Em chỉ ở Hà Nội đến khi 4 tuổi, nói năng còn chậm chạp, nhưng ai đã nghe em nói trên micro, thì đều xác nhận em nói đúng tiếng Việt, không lai Tây, và giọng Bắc kỳ 100%, thứ tiếng Bắc của Hà thành ngày trước. Oán thì không, (vì đó là thế hệ sau. Cái thế hệ sát hại gia đình em cũng đã chết mất đất rồi), nhưng allergie thì không thuốc chữa!!“

Đó là chuyện giữa người và người, cụ thể là chuyện giữa bác sĩ và bệnh nhân, cả hai đều là người Việt. Bác sĩ nghe tiếng nói, nghe cách nói của bệnh nhân thì bị dị ứng. Nhưng dị ứng không gây chết người (trong trường hợp chúng ta đang bàn luận) nên bác sĩ cảm thấy có bổn phận phải cư xử đàng hoàng với bệnh nhân và chữa trị đứng đắn cho đương sự. Câu chuyện xưa như trái đất nhưng cũng rất mới mẻ.

Chuyện mới mẻ ở chỗ khi chuyển qua lĩnh vực văn chương chữ nghĩa thay vì ở lĩnh vực giao tế nhân sự. Nguyên là hai anh bạn của tôi, BS Lê Văn Thu ở Hoa Kỳ và DS Nguyễn Hiền ở Hoà Lan, sau trên mười hai năm cật lực làm việc, vừa hoàn tất cuốn Từ điển Việt ngữ Phổ thông. Từ điển Larousse thì ghi tiếng Pháp. Từ điển Duden thì ghi tiếng Đức. Từ điển Webster thì ghi tiếng Anh, tiếng Mỹ. Mấy thứ tiếng đó thiệt là có phước nhưng tiếng Việt thì có vẻ như vô phước. Vì Việt ngữ có những từ ngữ gây dị ứng cho độc giả như cái anh chàng sinh viên khoảng 20 tuổi gây dị ứng cho Bác sĩ Lê thị Khánh Vân.

Đồng bào trong nước đang nói và viết đại khái như sau:
1) Chúng ta có một nhiệm vụ bức xúc. Vấn đề biển đảo thực là bức xúc.
2) Cái máy may này đang có sự cố. Cả đoàn xe phải ngừng lại vì đang có sự cố trên đường giao thông* v.v.. Đồng bào quốc nội nói và viết như thế một cách hết sức tự nhiên thoải mái nhưng đối với một số bà con mình ở ngoài này thì viết hay nói như vậy là không thể chấp nhận được vì sử dụng "chữ của Việt cộng". Thực chất của vấn đề không hề đơn giản hay dung dị như một số người chỉ muốn hiểu hay cố tình hiểu. Chữ “bức xúc“ quả là không có trong các tự vị, từ điển, tự điển “mang tinh thần quốc gia“ nhưng chữ "sự cố" thì có. Nó vốn được ghi trong các từ điển tự điển sau đây:
1) Hán-Việt Tự-điển Đào Duy Anh,
2) Hán-Việt Từ-điển Nguyễn Văn Khôn,
3) Hán Việt Tự điển Trần Trọng San-Trần Trọng Tuyên, cố (bộ phác), sự việc, sự cố,
4) Nguyễn Ngọc Phách.- Chữ Nho và Đời sống mới, sự cố, biến cố bất thường, an incident,
5) Otto Karow.- Vietnamesisch-Deutsches Wörterbuch: sự cố (= tai nạn) Vorfall, Zwischenfall, Unfall, Unglücksfall. Như vậy, “sự cố“ cũng được một số tài liệu tham khảo của phe quốc gia ghi nhận và cũng có khi mang ý nghĩa “biến cố bất thường“, “tai nạn“. Vậy có nên tuyển chọn từ “sự cố“ và đưa vào từ điển tiếng Việt mệnh danh là tiếng Việt lưu vong hải ngoại hay không?

Từ điển Việt ngữ Phổ thông có ghi những từ ngữ gây dị ứng với một số người Việt chống cộng ở quốc ngoại, kiểu các từ ngữ "bức xúc, nổi cộm, sự cố". Những ai dị ứng với những chữ đó thì cứ việc “nổi gai ốc“ nhưng người biên soạn từ điển tiếng Việt phổ thông thì có lẽ không bị bắt buộc phải có phản ứng như vậy, giống như nữ Bác sĩ Khánh Vân tuy dị ứng với những chàng thanh niên vào cỡ tuổi 20 nói tiếng Việt mà líu lo như chim nhưng bác sĩ vẫn sẵn sàng chữa bệnh cho họ một cách bình thường.

Thực ra có rất nhiều người Việt Nam cố gắng thích ứng với chế độ trong nước để tồn tại cùng với gia đình và đã thành công. Tôi có một số những đứa cháu gọi tôi bằng bác bằng cậu sắm được nhà cửa khang trang và mua được cả ô-tô. Có đứa gửi được con cái sang học đại học bên Mỹ. Không lẽ tôi từ chúng tất tần tật? Một đứa cháu trai gọi tôi bằng bác (đúng ra nó phải gọi tôi bằng cậu nhưng bà xã tôi, theo cách xưng hô của người Bắc, yêu cầu các cháu con người em gái của tôi gọi chúng tôi bằng bác trai bác gái), có dịp đến Bonn thăm chúng tôi nhân một chuyến du lịch châu Âu cùng với một phái đoàn. Gặp tôi, nó bảo vì ít thì giờ quá nên nó không đi siêu thị Kaufland gần nhà mua thức ăn được và nó rất tiếc vì đã không "trải nghiệm" được việc đi chợ Đức cùng với tôi. Giả như tôi mà lẩn thẩn tra từ điển Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ thì sẽ không thấy hai chữ “trải nghiệm” để rồi không chừng tôi sẽ lạnh nhạt với người cháu vô tình vô tội vì “sử dụng từ ngữ Vixi”!

Trên thế giới hiện có dăm ba quốc gia bị chia cắt mà chỉ có nước Đức là đã thống nhất trong đắc nhân tâm trong khi Việt Nam tuy gọi là thống nhất nhưng thống nhất trong hận thù chia rẽ. Chúng tôi không có điều kiện để nhận định về sự khác biệt của ngôn ngữ Hàn quốc được sử dụng ở Bình nhưỡng và ở Hán thành nhưng lại có may mắn lớn là bản thân đang sử dụng tiếng Đức hằng ngày. Từ điển Duden triệt để không phân biệt từ Đức cộng sản và từ Đức dân chủ, chỉ có các cung cách sử dụng những từ ngữ chung nhưng hơi khác thường do phía xã hội chủ nghĩa chủ trương được Duden ghi nhận và chú thích trong ngoặc đơn “(bes. DDR)“ (đặc biệt Đông Đức), những trường hợp này không nhiều. Riêng Trung Hoa thì hình thức chữ viết lối giản thể của lục địa khác với hình thức chữ viết lối phồn thể ở Đài loan, ở Tân gia ba, ở Mã lai á. Không rõ cộng đồng tỵ nạn cộng sản người Cuba – vốn hoạt động rất tích cực và rất hữu hiệu ở Hoa Kỳ, nhất là ở Florida – có sở hữu một kho từ vựng chống Cuba-cộng hay không.

Người biên soạn từ điển đơn ngữ tiếng Việt sinh sống trong cộng đồng hải ngoại vô hình trung phải kiêm nhiệm chức năng phán quyết và tuyển chọn. Mỗi mục từ được trình bày phải hội đủ các điều kiện lý lịch cần và đủ sau đây:
(1) tiếng Việt,
(2) quốc gia,
(3) lưu vong,
(4) tỵ nạn cộng sản.
Ghi vào từ điển những từ "bức xúc, nổi cộm, sự cố" có thể bị một số thành viên trong cộng đồng lên án hay kết tội vì các từ đó chỉ có duy nhất điều kiện số (1).

Thực ra trong thực tế chúng ta phải chứng kiến nhiều tình huống éo le khó xử. Người Việt tỵ nạn cộng sản nếu dung dăng dung dẻ du ngoạn Việt Nam là phản bội chính nghĩa quốc gia? Lĩnh lương hưu do “đế quốc đầu sỏ” trả rồi về Sài gòn, Nha trang ung dung dư dả sống những tháng ngày nắng ấm là tự phủ nhận căn cước tỵ nạn? Ra công góp tiền góp của để cùng nhau thi đua xây cất mồ mả tổ tiên thực đồ sộ bề thế là vô hình trung “làm theo lời Bác”: “Còn non còn nước còn người / Đánh thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng bằng mười ngày nay”? Những kiến giải như vậy rất hợp lý, có ai muốn phản bác phản đối cũng chỉ là gượng gạo, khiên cưỡng. Tuy nhiên chúng khác với chủ trương hô hào triệt để tẩy chay một số từ ngữ tiếng Việt chỉ vì chúng bị gán cho cái mác “từ ngữ Việt cộng”. Nếu thấy mình dị ứng đối với một số từ, đối với một số chữ nào đó thì chỉ việc tránh xa không dùng. Bản thân tôi thay vì viết hay nói : “Sản phẩm của Đức có chất lượng cao” thì tôi nói hay viết “Phẩm chất hàng hoá Đức nổi tiếng là tốt”. Tôi còn tránh chữ “nhân dân” vì thấy chính quyền trong nước hay sử dụng, thay vào chữ đó, tôi nói hay viết “quần chúng, đại chúng, dân gian” v.v... tuỳ theo tình huống. Xin nói ngay cho tiện sổ sách: chữ “chính” trong chính quyền không phải là chữ “chính” trong chính nghĩa, chính danh, chính nhân quân tử. Ấy, cẩn tắc vô áy náy, nói ngay để tránh mọi lôi thôi rắc rối có thể xảy ra, những lôi thôi rắc rối không lường trước được khi viết khi nói. Mà tôi thì phải cái nết không chừa được là hay viết hay nói.

Tóm lại, tôi chủ trương nếu là từ điển tiếng Việt thì nên ghi những từ, những chữ nào là tiếngViệt. Chỉ có thế thôi.

14.08.2023

* Các ví dụ này được trích dựa vào Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê Chủ biên, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội – Trung tâm Từ điển học. Hà nội. 1994..

No comments:

Post a Comment