Tuesday, August 1, 2023

4 NHÂN VẬT DÂN SỰ XUẤT SẮC CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA ÍT NGƯỜI BIẾT & NHỚ

1. GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN BÔNG:
Nguyễn Văn Bông từng là một cái tên đầy triển vọng của chính trường miền Nam. Ông không được mấy ai ngày nay ở Việt Nam biết đến. Nếu không có một bài báo chính thống trên tờ Dân Việt phát hành hồi năm 2011 kể về chuyện biệt động thành Việt Cộng đã ám sát ông vào năm 1971 thì có lẽ càng ít người biết đến ông hơn nữa.

Sinh năm 1929 tại Gò Công, Tiền Giang trong một gia đình thị dân nghèo, Nguyễn văn Bông khác biệt với hầu hết các chính trị gia có tiếng của Việt Nam Cộng Hòa, vốn đều xuất thân từ các gia đình danh thế, không tư bản thì cũng đại điền chủ. Các dữ liệu về đời tư và tuổi trẻ của Nguyễn văn Bông hiện nay rất hiếm, và đa phần chỉ còn có thể tìm thấy trong quyển hồi ký “Autumn Cloud: Vietnam War Widow to American Activist” (tạm dịch: Mây mùa thu: từ góa phụ chiến tranh Việt Nam đến nhà hoạt động Mỹ). Quyển này do chính bà Lê Thị Thu Vân, vợ của ông Bông viết, nên có thể xem là một văn bản đáng tham khảo.

Nguyễn Văn Bông tốt nghiệp loại ưu cấp cử nhân, tiến sĩ rồi thạc sĩ ( thời VNCH, thạc sĩ trên tiến sĩ ) tại trường đại học danh tiếng của Pháp Sorbonne Université, chuyên ngành công pháp và sau đó là luật học. Ông trở về Việt Nam vào đầu năm 1963 và trước tiên tham gia vào hoạt động giảng dạy tại Học viện Quốc gia Hành chánh, trung tâm đào tạo nhân viên công quyền cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Trong quá trình giảng dạy, tầm nhìn của ông thu hút được đông đảo sự ủng hộ của sinh viên, và trở thành nền tảng cho các hoạt động chính trị của ông sau này.

Cuối năm 1963, chính quyền hậu Ngô Đình Diệm quyết định bổ nhiệm ông làm Viện trưởng Học viện này.

Đến năm 1968, khi cả miền Nam Việt Nam chuẩn bị cho đợt tổng tuyển cử đầu tiên của nền Đệ nhị Cộng Hòa, Nguyễn Văn Bông thành lập Phong trào Quốc gia Cấp tiến (Progressive National Movement), với sự hậu thuẫn chính trị đông đảo từ sinh viên, công chức và giới trí thức miền Nam Việt Nam.

Quan điểm chính trị của phong trào thì còn nhiều tranh cãi, song cũng thể hiện được tính độc lập của phong trào này.

Một số ghi nhận ngắn như của New York Times thì cho rằng phong trào ủng hộ chính phủ đương quyền của Nguyễn Văn Thiệu, nhìn chung có thể vì Nguyễn Văn Bông có thái độ chính trị chống Cộng khá rõ ràng.

Một số tài liệu khác, như trong “Di cảo cố Giáo sư Nguyễn Văn Bông” ghi nhận lại, thì đường lối mà ông Bông đặt ra là gầy dựng một chính quyền nhân dân phổ quát và dân chủ, hạn chế và từ từ đi đến triệt tiêu chính quyền quân đội đang tồn tại ở miền Nam Việt Nam. Vậy nên cũng có thể xếp phong trào vào nhóm đối lập.

Dù không trực tiếp tham gia tranh cử năm 1968 – 1969, Phong trào Quốc gia Cấp tiến phát triển mạnh mẽ và trở thành một thế lực chính trị đáng nể. Đây là lần đầu tiên một phe nhóm chính trị có ảnh hưởng tại miền Nam Việt Nam không lệ thuộc quá nhiều vào tôn giáo, vùng miền hay là di sản kế thừa từ các chính đảng già cỗi từ thời kháng Pháp.

Thành công của phong trào khiến sau đó Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mời Nguyễn Văn Bông làm thủ tướng cho nội các mới. Tại thời điểm này, sau khi thực hiện thành công chính sách “Người cày có ruộng”, Nguyễn Văn Thiệu đang mong muốn mở rộng nền tảng hậu thuẫn và tính chính danh cho chính quyền mới, dần dần dân sự hóa và ổn định môi trường chính trị Việt Nam Cộng hòa.

Đây cũng là lý do Việt Cộng ám sát ông vào cuối năm 1971, lúc ông chỉ mới 42 tuổi.

Một số tác phẩm mà giáo sư Nguyễn Văn Bông để lại có thể kể đến tham luận “Đảng phái và Đối lập chính trị”, và đặc biệt nhất là quyển “Luật Hiến pháp và Chính trị học” – sách gối đầu giường một thời của sinh viên Học viện Quốc gia Hành chánh VNCH, hiện đã được trang Pro&Contra của nhà văn Phạm Thị Hoài số hóa.

2. BỘ TRƯỞNG CAO VĂN THÂN:
Sinh năm 1934, Cao Văn Thân là Bộ trưởng Bộ Cải cách Đất đai và Phát triển Nông nghiệp dưới thời Nguyễn Văn Thiệu. Ông gần như “tàng hình” trong sử sách chiến tranh Việt Nam, một phần vì bị lấn át bởi tin tức của giới tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa, một phần vì giới cầm quyền đương đại của Đảng Cộng sản Việt Nam tránh nói về các lãnh đạo dân sự của “Ngụy quyền”. Vì lẽ này, rất khó để thu thập đầy đủ dữ liệu về thân thế và lịch sử hoạt động chính trị của ông.

May mắn là trong các tài liệu rải rác tìm được, chúng ta có thể thấy dấu ấn của Cao Văn Thân trong các thành công bước đầu của chính quyền dân sự miền Nam Việt Nam. Cụ thể, Cao Văn Thân thỉnh thoảng được báo chí phương Tây nhắc đến như là kiến trúc sư trưởng của chính sách “Người cày có ruộng” (Lands to the Tillers), cùng những nỗ lực không mệt mỏi của ông trong việc thi hành thành công chính sách quan trọng này.

Trong nghiên cứu có tên “Âm vang Đệ nhị Cộng Hòa miền Nam Việt Nam” (Voices from the Second Republic of South Vietnam) của Giáo sư K. W. Taylor thuộc Đại học Cornell – sử gia hàng đầu về Việt Nam của Hoa Kỳ, Cao Văn Thân được ghi nhận là một trong những lứa lãnh đạo đời đầu được đào tạo luật lẫn kinh tế tại Hoa Kỳ, thay thế cho nhóm “cây đa cây đề” gốc Pháp trước đó.

Ông cũng được khen ngợi là bộ óc sáng giá nhất trong nội các của Nguyễn Văn Thiệu thời kỳ bấy giờ. Hệ thống nhân sự, chương trình đào tạo và tiến trình thực hiện “Người cày có ruộng” là do ông chuẩn bị và soạn thảo trong gần nửa năm. Các chương trình phát triển như tăng cường xuất cảng nông sản, bảo vệ an ninh lương thực, thử nghiệm giống lúa mới cũng như mô hình sản xuất 5 năm… đều do ông đề xướng và chịu trách nhiệm.

Không phải là một nhà nghiên cứu, nhưng ông Thân có để lại quyển "Agrarian reform in Vietnam", được xuất bản dưới sự bảo trợ của Hội đồng Đối ngoại Việt Nam Cộng Hòa. Hiện quyển này còn có thể được tìm thấy trong Thư viện Quốc gia Australia.

Năm 1974, ông rời chính quyền và dạy tại Đại học Sorbonne ở Paris. Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, ông sang Hoa Kỳ và dạy ở Đại học Arizona. Khi về hưu, ông là Giáo sư và Khoa trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Tiểu Bang Montana, Hoa kỳ.

Theo tin hồi năm 2016 từ đài VOA, Bộ trưởng Cao Văn Thân sinh sống cùng gia đình tại Canada. Tuy vậy, gần đây báo Người Việt ở Mỹ có đăng một cáo phó nói rằng ông qua đời ngày 14/4/2020 ở Montreal, Canada.

3. GIÁO SƯ NGUYỄN NGỌC HUY:
Nguyễn Ngọc Huy là một nhân vật chính trị gốc gác dân sự khác bị bỏ quên trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Ông là bạn đồng chí với giáo sư Nguyễn Văn Bông từ lúc là sinh viên học tập tại Pháp, và cũng là tác giả của quyển “Di cảo cố Giáo sư Nguyễn Văn Bông”.

Có thể gọi ông Nguyễn Ngọc Huy là một nhà nghiên cứu đi làm chính trị, do khối lượng bài viết và các công trình nghiên cứu đồ sộ của ông. Đáng tiếc là hầu hết chúng đều rơi vào lãng quên.

Giáo sư Huy sinh năm 1924, tại Sài Gòn – Chợ Lớn, gốc ở Biên Hòa. Ông gia nhập Đảng Đại Việt Quốc dân Đảng thuộc xứ bộ Nam kỳ từ khi còn khá trẻ và tiếp tục trung thành với chính đảng này cho đến tận cuối thập niên 60, dù trải qua nhiều lần bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp và phải đi tị nạn chính trị.

Sau khi lấy bằng Tiến sĩ Chính trị học ở Pháp vào năm 1963, ông trở về Việt Nam và cùng giảng dạy với Giáo Sư Nguyễn Văn Bông tại Học viện Quốc gia Hành chánh, và trở thành một nhân vật lãnh đạo chủ chốt của Phong trào Quốc gia Cấp tiến. Cũng trong năm 1969, ông tự mình lập Đảng Tân Đại Việt và trở thành nhân vật chính trị đối lập với chính quyền quân sự.

Ngoài các thành tựu chính trị mà ông gắn chung tên tuổi với GS Bông, GS Huy cũng cho thấy sức viết và khả năng đóng góp vượt trội về mặt tri thức – học thuật của mình cho phong trào dân chủ tại Việt Nam.

Giáo sư Huy có một lượng kiến thức đáng nể về văn hóa và chính trị Trung Hoa, giúp ông có một cái nhìn đặc biệt hơn về địa chính trị, vai trò của văn hóa, chủ nghĩa dân tộc và tương lai của Việt Nam giữa hai làn đạn Chiến tranh lạnh. Một số tác phẩm của ông về Trung Quốc và văn hóa Đông phương có thể kể đến như “Đề tài người ưu tú trong tư tưởng chánh trị Trung quốc cổ thời”, hay “Lễ trong tư tưởng chánh trị Trung Quốc cổ thời”.

Trong quyển “New Perceptions of the Vietnam War”, do Tiến sĩ Nathalie Huynh Chau Nguyen làm chủ bút [Giáo sư của Trung tâm Úc học Quốc gia (National Centre for Australian Studies) của Đại học Monash, và là một trong những sử gia tiếng tăm nhất thế giới về chiến tranh Việt Nam], người ta nhận định Nguyễn Ngọc Huy là một trong những chiến lược gia lớn trong lịch sử Việt Nam đương đại, dù ông không có cơ hội biến chúng thành sự thật.

Nguyễn Ngọc Huy là chủ bút của tờ nguyệt san Cấp Tiến với hàng loạt các bài viết sắc sảo về tình hình chính trị miền Nam Việt Nam. Ông cũng là tác giả của tác phẩm “Sự tồn vong của một quốc gia” (Survival of a Nation). Tác phẩm này được ca ngợi là có thể hóa giải nhiều vấn đề của chính quyền miền Nam Việt Nam và những cuộc đảo chính chống Ngô Đình Diệm dẫn đến sự thống trị của giới tướng lĩnh trong chính trường cũng sẽ không xảy ra nếu các nguyên tắc quản trị Việt Nam đặc trưng của ông được thừa nhận. Đáng tiếc là hiện nay chưa thể tìm ra bản thảo gốc đầy đủ của tác phẩm này.
Sau 1975, Giáo sư Huy tị nạn ở Hoa Kỳ, tiếp tục hoạt động đấu tranh dân chủ của mình với kỳ vọng có thể trở về Việt Nam và thúc đẩy các phong trào dân chủ bên trong Việt Nam. Tuy nhiên, ông mất sớm vào năm 1990. Quyển “The tradition of human rights in China and Vietnam”, do ông cùng Giáo sư Stephen B. Young chấp bút, hiện vẫn còn được lưu hành.

Ước mơ cuối đời của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là được sống đời ẩn sĩ để viết sách, phân tích tại sao dân tộc Việt Nam quả cảm, thông minh, nhưng lại chịu quá nhiều bất hạnh; để giúp cho các thế hệ thanh niên tránh được những sai lầm tai hại trong quá khứ, ngõ hầu xây dựng một nền văn hóa lành mạnh, vững chắc và đặc thù dân tộc.

Tiếc thay, một đời tận tụy hy sinh gần nửa thế kỷ cho dân tộc, nhưng Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy chưa thực hiện được tâm nguyện đơn sơ, bình dị rất đáng yêu này.

Ông tạ thế ngày 28 tháng 7 năm 1990 tại Paris, Pháp Quốc… để lại phía sau một cuộc đời phục vụ tận tụy cho dân tộc Việt Nam… xứng đáng làm gương cho các thế hệ mai sau như lời chia buồn của Tổng Thống Hoa Kỳ George Bush sau khi hay tin Ông mất.

4. NHÀ BÁO TỪ CHUNG:
Từ Chung là biên tập viên, cây bút của tạp chí Chính Luận, một trong những tờ báo độc lập được đón đọc và nể trọng nhất miền Nam Việt Nam thời điểm bấy giờ.

Cũng như Bộ trưởng Cao Văn Thân, dữ liệu về thân thế và lịch sử hoạt động của Từ Chung gần như là không thấy. Tản mạn trong một vài bài viết trên mạng, như của Hoàng Hải Thủy nói về hai tờ Ngôn luận và Chính luận, Từ Chung có được nhắc đến như là thư ký của tờ báo, từng du học tại Thụy Sĩ. Nhưng còn dữ liệu về thân thế của ông thì gần như không có.

Riêng tạp chí Chính Luận thì được bàn khá chi tiết trong nghiên cứu của tác giả Tran Nu Anh có tên “South Vietnamese Identity, American Intervention, and the Newspaper Chính Luận”, đăng tải trên tạp chí khoa học Journal of Vietnamese Studies của Đại học California. Được thành lập vào năm 1963, và vận hành cho đến tận khi Sài Gòn thất thủ, Chính Luận là tờ tạp chí tồn tại lâu đời nhất và là tờ báo được đọc nhiều nhất. Trong năm 1974, tạp chí phát hành được hơn 13.000 bản mỗi ngày, cao nhất trong các báo miền Nam Việt Nam.

Như nghiên cứu chỉ ra, tờ Chính Luận là diễn đàn lớn nhất bàn luận về danh tính Việt Nam giữa “cơn bão” văn hóa Mỹ và tiền Mỹ. Các bài viết đặt ra những câu hỏi về danh tính người Việt, vai trò của người Mỹ, rồi cả hình ảnh và vai trò của người phụ nữ trong sự giao thoa giữa phương Đông và phương Tây.

Song đồng thời, đây cũng là tờ báo hiếm hoi dành thời gian chỉ trích những sai lầm của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lẫn hành vi khủng bố thường trực của phe Mặt Trận Giải phóng miền Nam Việt Nam (hay Việt Cộng).

Sự trỗi dậy của tờ báo phần lớn nhờ vào tầm nhìn và chủ trương của ông Đặng Văn Sung, một dân biểu có tiếng, và hoạt động quản trị của thư ký – biên tập viên Từ Chung.

Cuối năm 1965, sau nhiều loạt bài chỉ trích hành vi tấn công dân thường và các hoạt động quân sự không phù hợp của phe Việt Cộng, Đặng Văn Sung và Từ Chung nhận tối hậu thư của Cộng sản: một là im lặng – hai là chết.

Vài ngày sau khi nhận được tối hậu thư, Từ Chung thay mặt tòa soạn viết thư trả lời phe Việt Cộng đăng trên Chính Luận. Theo ghi nhận của “Vietnam Information Notes” do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lưu trữ, Từ Chung khẳng định rằng Chính Luận là một tờ báo trung lập và từng vạch trần tất cả sai phạm của mọi bên trong chính trường miền Nam, song duy chỉ có Việt Cộng là đưa ra kiểu đe dọa vô pháp như vậy. Ông khẳng định: Các anh có thể giết chúng tôi, nhưng tinh thần của chúng tôi sẽ còn sống mãi.

Ngày 30 tháng 12 năm 1965, sau hai năm quản lý tờ báo, Từ Chung bị Việt Cộng (nhiều khả năng là biệt động Sài Gòn) bắn chết ngay trước cửa nhà ông bằng bốn phát đạn !

No comments:

Post a Comment