Tuesday, July 4, 2023

Ngậm Ngùi

Chuyến bay A F 324 đưa tôi trở về quê hương sau bao năm xa cách. Khi tiếng bánh lốp tàu bay vừa chạm đất, cùng tiếng reo “ Bravo! Bravo!” hân hoan của những hành khách đang ngồi đầy khoang tàu, trong lòng tôi đã dậy một cảm xúc lạ thường.Vâng mảnh đất dưới chân tôi là đất Việt- nơi tôi đã ra đi từ ngày xa xưa ấy- ra đi mà mang nặng theo cả một bóng hình.Và giờ đây quay trở lại, cũng chỉ vì muốn tìm lại người xưa. Em ơi! Giờ em đang nơi đâu? Em có hay chăng anh đang trở về?

Tiếng cô tiếp viên hàng không ngọt ngào tiễn đưa khách, đã lôi tôi trở về thực tại. Từng bước một, nối theo đoàn người, chân tôi đi dần ra cửa. Trước mắt tôi là cả một khung trời quê hương.Trời đang vào thu. Nền trời trong vắt. Đâu đó trên không như có những sợi tơ trời. Tôi dang tay với ước mong đón nhận được một sợi tơ nào đó để đem về trói buộc cuộc đời em bên tôi. Nhưng sợi tơ trời mong manh quá, trong gió nhẹ, đang bay dần về phía chân trời xa xa…

Người tài xế taxi chào đón cung kính. Tôi đứng khựng lại, cố quay lại nhìn chính mình. Một đôi giày đang mang ở chân, một chiếc áo…đang mang trên cơ thể, dù chỉ là hàng may sẳn, nhưng vẫn mang mác ” Made in USA “ đã làm thay đổi hẳn một thằng đàn ông nhà quê của tôi năm nào trong buổi ra đi. Tôi bây giờ không còn là tôi của những tháng ngày bên em. Liệu khi gặp lại em, những thay đổi do sự biến đổi vật chất trong tôi có làm thay đổi những tình cảm ngày xưa trong em?

Thưa quí ông đi về mô ạ!

Cho tôi về khách sạn mà năm xưa là trường Đại học Khoa học. Anh có biết khách sạn đó không?

Dạ thưa có biết ạ. Đó là khách sạn Carambole.

Tôi ngồi vào xe, lặng ngắm cảnh sắc trên đường về. Có quá nhiều thay đổi trên quê hương như chính đổi thay của cuộc đời tôi. Quê hương tôi quay về đã không còn dáng mẹ đợi chờ nơi luỹ tre xanh. Nhưng hy vọng rằng, sẽ còn em đang âm thầm chờ đợi nơi mảnh vườn xưa đong đưa những chùm khế ngọt. Tôi miên man hồi tưởng về chuyện ngày xửa ..ngày xưa…

Ngày ấy, nơi làng quê nghèo khổ, có mái tranh xiêu vẹo, có bà mẹ goá với thằng con côi. Nhưng quê hương đã không níu được chân thằng con côi quê mùa nghèo khổ, khi hai tấm bằng Tú tài đạt được hạng ưu đã cầm tay. Ước mơ đời thằng con phải thoát cảnh chăn trâu, cày ruộng…đã thôi thúc mẹ tôi gói ghém hành trang cho tôi vào thành phố Huế để thi đại học. Tôi đã không phụ mẹ.Vậy là một thằng đen thủi đen thui vì cháy nắng của vùng quê Cùa quanh năm hứng nắng và gió Lào gay gắt, nay lại nghiễm nhiên khoác bộ áo sinh viên, ngày hai buổi cắp sách bước vào giảng đường Đại học Khoa học.Và tại nơi đây, chính thầy- người đã sinh thành ra em-chọn tôi về làm gia sư, để gõ đầu mấy cô cậu nhóc của nhà thầy. Đấy là mắc xích định mệnh mà số phận đã đưa đẩy em bước vào cuộc đời tôi.

Ngày đầu tiên, khi thầy đưa tôi về nhà chung sống, lũ trẻ đã chào đón tôi với sự ác cảm lạnh lùng.Thử hỏi làm sao chúng thích được khi từ nay, luôn kềm kẹp bên chúng là một ông thầy vừa xấu vừa đen, lại có cái giọng nói quê mùa. Miềng có nghĩa là mình, uống nác có nghĩa là uống nước…Tôi cố sửa, nhưng vẫn chưa thể thích nghi ngay được. Lũ trẻ, cứ có dịp là cười rúc rích. Nhưng riêng em, em không có thái độ gì cả. Sau buổi học, em lặng lẽ ra vườn, trèo lên một vòm lá xum xuê trên cành khế ngọt và ngồi đó thật lâu một mình. Tôi quan sát em ngay tự hôm đầu tôi gặp gở. Tôi thắc mắc muốn biết em đã nghĩ gì? Nhưng nào dám hỏi, bởi tôi và em, có một khoảng xa cách vời vợi.

Những tháng ngày sống ở nhà thầy, đã giúp tôi thêm nhiều cơ hội học tập hơn. Nhất là mẹ tôi không còn phải lam lũ kiếm tiền gửi vào Huế cho tôi như dự tính ban đầu. Tôi bằng lòng với cuộc sống bình yên trong ngôi nhà vườn xanh mượt mà sắc lá bên dòng Hương giang thơ mộng, ngày đêm trôi xuôi êm đềm…

Tháng ngày lặng lẽ trôi đi…lũ trẻ học hành tiến bộ dần. Chất giọng nhà quê của tôi trở nên thân quen với chúng. Quen đến nổi đôi khi cu Tí, cu Tơ phát âm uống nác, em ăn bưa rồi mà chẳng còn ai cười rúc rích nữa.

Sau nhiệm vụ làm thầy, tôi lại đánh bạn với chúng. Cùng đi soi bắt sùng ve ve ban đêm ở gốc cây, chặt nạng ổi làm ná bắn chim cho cu Tí, cu Tơ, vót tre làm vợt bướm cho Ti Ti, kể cả việc ban đêm lén đưa Li Li ra cổng sau để gặp mặt "Boy friend" của cô ấy. Nhưng riêng với em, tất cả mọi cuộc vui ấy, em đều không bận tâm. Chuyện lòng em, em chỉ thố lộ với vòm cây xanh. Giá như lá biết nói. Tôi sẽ hỏi chúng về em. Lá ơi! Em tôi có nỗi niềm gì?

Có một hôm, tôi bắt gặp em khóc một mình khi đang ngồi trên vòm cây. Tối đến, sau khi kiểm tra xong bài vở, tôi đánh bạo cầm tay em và hỏi:

“ Mi Mi có chuyện chi buồn thì hãy nói cho anh biết để cùng chia sẻ với em ?.”

Nhưng em chỉ cười nụ thật buồn, nói lời cảm ơn, rồi lặng lẽ về phòng riêng. Năm ấy Mi Mi vừa tròn 15 tuổi. Còn thằng tôi 21 tuổi.

Gạo trắng, nước trong của nhà thầy đã thay đổi dần dung mạo của thằng tôi. Tôi không còn đen thủi đen thui như hôm nào. Khi đứng thuyết trình trên giảng đường, tôi cũng bắt gặp nhiều ánh mắt ngưỡng mộ của những cô bạn sinh viên cùng trang lứa. Gía như tôi đánh bạo tỏ tình với một cô nào đấy thì có thể tôi cũng có bồ như thiên hạ quanh tôi. Nhưng trái tim tôi, mách bảo tôi đừng bao giờ làm điều ấy, vì trong ngăn chứa của nó đã ngập bóng hình em. Em bé bỏng ơi! Hãy nói cho anh biết vì răng em luôn u sầu?

Tôi đã yêu em dẫu biết rằng tôi không xứng đáng. Một thằng nhà quê nghèo rớt mùng tơi, làm sao dám đèo bồng yêu một nàng tiểu thư khuê các? Mối tình của tôi cũng đành như mối tình Trương Chi, dấu kín tình câm nơi sâu thẳm đáy lòng mình.

Tháng ngày lại lặng lẽ trôi… Lũ trẻ như cu Tí, cu Tơ vụt lớn nhanh thành Thánh Gióng. Còn Li Li, Ti Ti đã trở thành thiếu nữ, bắt đầu biết làm dáng với tôi. Li Li được bình bầu là hoa khôi của một trường Nữ học lừng danh, cô nàng tha hồ đỏng đảnh với những chàng trai ngày hai buổi theo bám chân nàng đến tận cổng trường vôi tím…. Riêng em, với tôi, em đẹp hơn bất cứ cô gái nào trên cuộc đời này. Một làn da bánh mật mịn màng, một đôi mắt sáng luôn long lanh giọt nước, một nụ cười nửa miệng khéo lộ cái lúm đồng tiền, giọng em nhẹ thanh và dịu dàng như giai điệu của khúc tình ca…Tôi đã yêu em biết mấy. Nhưng tôi chỉ dám ngắm trộm em trong những đêm em ngồi đánh đàn một mình nơi gốc Mai già bên hòn non bộ sau bức bình phong. Trộm nghe giọng em hát vọng về từ nơi hành lang dài hun hút ngợp bóng hàng cau xanh…”Rồi một hôm có chàng trai trẻ đến nơi nầy. Đời em có một lần, là lần tim em thấy rộn ràng…”(*)

Tôi mơ biết bao đêm với những lời tỏ tình đã học thuộc lòng. Nhưng khi chỉ có mình em và tôi, sao cái thằng tôi lại luống cuống lấp ba lấp bấp cái giọng nhà quê với những chuyện vô duyên vô nợ, chẳng có dính dáng gì đến chuyện lòng tôi?

Rồi một ngày, khi tôi tốt nghiệp đại học, một cơ duyên may mắn đã đến với đời tôi. Tôi được học bổng đi du học ở Mỹ do thành quả học tập xuất sắc của năm năm qua. Tin vui đến, đã làm cho tôi bàng hoàng và sung sướng đến chảy cả nước mắt. Việc vượt trùng dương sang Mỹ học, sẽ giúp tôi rút ngắn dần khoảng cách giai cấp giữa em và tôi. Thằng tôi ơi! Luận đen thủi đen thui ơi! Hãy dũng cảm lên!

Đêm cuối cùng, tôi được ngồi bên em, trong khu vườn dưới gốc cây Hoàng Lan, cạnh bến nước bên dòng sông. Hương hoa thoảng đưa trong gió nhẹ, làm ngây ngất hồn tôi. Tôi ngồi im. Có biết bao điều để tỏ cùng em. Nhưng tôi đã không thể nói điều gì. Trong bóng đêm loang loáng ánh sáng mờ hắt xuống từ vầng trăng lạnh, tôi nhìn thấy nét mặt em thật âm thầm. Cho đến phút này, em vẫn ngồi im lìm không nói điều chi. Tôi đành tan nát cõi lòng chia tay trong tiếng hát tiễn đưa buồn vời vợi của Ti Ti: ” Chiều nay sao dâng nhanh màu tím. Và mây bay theo nhau rời bến. Thuyền cắm tay sào từ cuối thu, ngoài kia sông nước như đón chờ. Thuyền anh mai ra đi rời bến. Mình anh cô đơn nơi trời vắng…”(*2)

Đó là buổi cuối cùng tôi bên em. Tôi đành hẹn lòng ngày về sẽ bày tỏ cùng em.

Hành trang tôi ra đi gói gọn bóng hình em và tiếng hát vọng dài trong hành lang hun hút…

***
Nhưng ngày trở về đã không diễn ra như tôi mong đợi. Đất nước đã thống nhất Bắc Nam. Việc hồi hương của những người đang sống ở đất Mỹ như tôi, đang tạm ngưng. Mọi liên lạc thư từ về thầy và em đều không có sự hồi âm. Kể cả việc mẹ mất ở quê nhà, mãi đến những năm sau này tôi mới hay tin.Tôi hối tiếc vì mình chưa một lần nói lời tỏ tình, cho em biết tôi yêu em để đợi chờ. Em ơi! Em đang ra sao?

Cho đến hôm nay, sau 15 năm xa cách, ước mơ trở về tìm em, mới thành hiện thực.Lòng tôi nôn nao mong sớm gặp lại nét mặt người thương.

***
Xe dừng ở cổng khách sạn. Tôi bước lên bậc thềm. Một lần nữa tôi lại nhận được sự đón chào cung kính từ người gác cổng, làm tôi lại phải thoáng soi bóng mình trong gương. Mọi người cung kính tôi vì bộ dạng bên ngoài. Nhưng tất cả điều ấy, với em, thì không phải thế.Với tôi năm xưa và tôi hôm nay, nếu trong trái tim em có tình yêu, thì em yêu bóng hình nào? Tự nhiên lòng tôi thoáng hiện cảm giác lo âu và chần chừ không dám nhanh chóng đi tìm em..Tôi sợ!

Tiếng cô nhân viên Lễ tân thật nhẹ nhàng:

-Dạ thưa quí ông đã đặt phòng trước chưa ạ?

-Thưa chưa. Xin cho tôi một phòng có cửa sổ nhìn xuống sân vườn dưới kia.

Khi thủ tục nhận phòng đã xong, tôi về phòng, đứng lặng bên khung cửa sổ ngắm khu vườn bên dưới. Chính đó là sân trường đại học mà năm xưa tôi đã học. Từ nơi gốc cây Bồ đề già cổi toả bóng mát phủ ngập một khoảng sân rộng, thầy đã đứng đó, cho gọi tôi đến, để tỏ ý muốn đưa tôi về làm gia sư cho lũ con thầy. Nếu không có ngôi trường định mệnh này, thì làm sao tôi gặp gỡ được em? Tôi lại muốn bay thật nhanh đến nơi em đang sống- nhưng lại chạnh lòng lo lắng vì liệu đến giờ, đã mười mấy năm trôi qua- em có còn là em như ngày xưa hay đã tay bế tay bồng? Lòng tôi lại chợt thấy bất an.

Tôi nằm dài một lúc trên chiếc giường nệm êm ái, với muôn ngàn kế hoạch được vạch trong đầu. Tìm em bắt đầu từ nơi đâu? Chắc chắn phải bắt đầu từ ngôi nhà ngày xưa tôi cùng sống với gia đình em.

Ý nghĩ đó đã bật tôi vùng dậy, nhanh chóng đi ra khỏi khách sạn để tìm em. Tim tôi đập những nhịp mạnh khi bước chân sắp đến gần ngôi nhà cũ. Nhưng thật bất ngờ. Khi tôi dừng lại, thì có còn gì nữa đâu! Trước mắt tôi sừng sững toà nhà Thư viện của Viện Đại học Thành phố, ngay trên chính mảnh đất ngày xưa. Mắt tôi kiếm tìm bóng cây khế ngọt hôm nào em vẫn trèo lên ngồi khóc lặng lẽ..nhưng nó cũng không còn tồn tại nơi đây. Một nỗi xót xa dâng trào trong lòng tôi. Biết kiếm tìm em nơi đâu?

Tôi tìm về Viện Đại học để hỏi tin tức thầy. Mới hay tin thầy tôi đã mất. Ngôi nhà năm xưa thầy ở là của nhà nước cấp, nay đã phải trả lại.Giờ cô tôi đã về sống ở chợ Thông, một miền quê hiu quạnh bên bờ Tây bắc dòng sông.

Tôi thuê taxi, hối thúc tài xế phóng nhanh hướng ngược lên con đường ven sông. Cảnh hai bên dòng sông thật đẹp, sông Hương vẫn lặng lờ trôi dưới ánh mặt trời, bàng bạc như giải lụa đào mà cô con gái nhà trời do mãi ham chơi đánh rơi xuống trần gian. Nhưng tôi không buồn ngắm. Đã có một điều gì đó thay đổi lớn trong cuộc sống của mẹ cha em, mà sao tôi không hề hay biết để sẻ chia? Sao tôi chỉ biết sống cho riêng mình? Em giờ ra sao?

Xe đưa tôi đến chợ Thông.Việc tìm kiếm nhà bà Giáo Chương không khó mấy. Tôi tần ngần bước vào một ngôi nhà rường cổ, nằm sâu trong hẻm nhỏ. Cô tôi- mẹ em- đã không nhận ra tôi.

- Thưa cô, con là Luận đen đã về!

Cô đứng lặng một lúc. Bóng dáng quí phái của cô giáo Chương năm xưa giờ như không còn lưu lại một nét nào. Trước mặt tôi, một người phụ nữ gầy đét, với chiếc áo đã bạc màu, đứng trong một cảnh nhà đã thể hiện rất rỏ nét sự sa sút.

Tôi đến ôm cô tôi và nói thật nhẹ nhàng:

- Con đã về. Cho con thắp hương cho thầy.

Tôi nghe tiếng khóc của cô. Mùi hương bay nhẹ lan toả trong ngôi nhà nhỏ.Tôi đứng lặng trước bàn thờ thầy. Nhìn vào khung ảnh, nét mặt thầy vẫn còn phong độ như xưa, bởi tấm hình được chụp trong những năm tháng huy hoàng nhất của đời thầy tôi. Tôi lầm bầm khấn và tự trong tâm tôi, bật lên tiếng gọi: Cha ơi! Con đã về. Cha cho con đựơc phép thay cha bao bọc yêu thương mẹ và các em. Cho con được quyền yêu thương Mi Mi thật nhiều…

Cô ngồi xuống bộ trường kỷ, đã bạc phếch do nhiều năm không đánh bóng Tôi ngồi bên cô, lặng lẽ nghe cô kể chuyện nhà. Khởi đầu là thầy không còn nhận được tiền hưu trí do đất nước thay đổi chế độ mà thầy chỉ dạy học cho chế độ trước. Rồi chuyện em Tơ theo bè bạn đi vượt biên, đến nay đã trên mười năm, vẫn không tin tức. Em Li Li đi lấy chồng, đã li dị vì không hợp nhau. Em Ti Ti xuống tóc đi tu tại một chùa ở Đà Lạt.Và cuối cùng, điều tôi mong đợi nhất nhưng không dám hỏi là chuyện của Mi Mi.Giọng cô chùng xuống:

“ Điều ân hận nhất trong lòng cô là những gì cô đã cư xử với Mi Mi. Khi cô sinh nó, vất vả vô cùng, nên chẳng hiểu sao cô đâm ghét nó. Chính vì thế mà cả tuổi thơ nó luôn trốn tránh cô. Nó đã tự chọn con đường tự nguyện lên Tây nguyên dạy học một mình.Và chính trên vùng núi cao đó, đã đem lại bao điều bất hạnh cho đời nó. Giờ đây cô chỉ biết thương nó nhưng cô còn làm được điều gì? “

Giọng cô nhỏ dần, nhỏ dần và như dại đi. Rồi cô ngồi im lìm bất động.

Vậy thì chuyện gì đã xảy đến với Mi Mi? Tôi không dám hỏi thêm và cũng ngồi im lìm bất động bên cô tôi, cho đến khi bóng tối hoàn toàn phủ trùm lên ngôi nhà rường cổ…Bước chân cu Tí về nhà, mới thức tỉnh tôi và cô quay về hiện thực.

Đêm ấy, tôi ở lại nhà của em, nằm ngủ trên chiếc giường ọp ẹp với cu Tí. Cậu nhóc học trò ngày xưa hay nhại cái giọng nhà quê của tôi, nhại nhiều đến nỗi giọng cu cậu chuyển thành giọng nhà quê thật sự. Em đã cho tôi địa chỉ của Mi Mi và không nói gì thêm. Tôi gặng hỏi thì em bảo: “ Hãy đến nơi rồi anh sẽ tự biết tất cả mọi điều.”

***
Lại tiếp tục một cuộc hành trình khá vất vả, tôi mới tìm đến vùng đất Tây nguyên.Và phải lặn lội thêm một ngày đường mới đến buôn Kra-pang, nơi em đang sống.Việc tìm kiếm một cô giáo người kinh đang dạy học ở đây không có gì là khó.Tôi lại rơi vào tâm trạng bối rối, khi bước chân đến ngưỡng cửa ngôi nhà sàn em ở.

Bước chân tôi đặt trên nấc thang cuối, cùng với sự đau nhói trong tim. Em đứng đó- một thân thể gầy guộc, một tấm áo bạc màu cũ kỷ. Nhưng điều gây đau đớn trong lòng tôi hơn cả, là đôi mắt em- đôi mắt mở to nhưng bất động, chứa đựng tất cả nỗi xót xa mà em chưa tỏ cùng ai!

Tôi không hỏi nhưng tôi đã hiểu được tất cả những gì em đang có: một bà mẹ chồng già nhăn nheo như quả mướp đắng héo, đôi mắt mù, đang ngồi lẩm bẩm những lời vu vơ và một ông chồng đang cười, nụ cười ngây ngô mà ta vẫn thường gặp ở những bệnh viện tâm thần..

Chân tôi không còn đứng vững nên khuỵ xuống sàn nhà. Bên tai tôi nghe như vọng về từ cõi chết, chất giọng nhẹ và dịu dàng của năm xưa nay đang u uẩn, đang tự sự về chính cuộc đời mình.

***
Tôi sinh ra trong ngôi sao xấu.

Từ ấu thơ như anh đã thấy bao lần tôi luôn khóc trong những vòm cây.

Tôi đã không được mẹ yêu nên cảm thấy thật sự bơ vơ trong cuộc đời này…

Đất nước thống nhất đem đến niềm vui hạnh phúc cho biết bao kiếp người. Nhưng riêng tôi, người cha tôi yêu đã chết, em Tơ tôi yêu cũng đã chìm sâu trong biển nước mênh mông…Chỉ còn lại mình tôi đơn độc. Tôi chọn núi rừng Tây nguyên để làm nơi trú ẩn, như bao lần trong đời tôi đã trú ẩn trong đám lá xanh của tuổi thơ bất hạnh.

Nơi đây, trong những tháng ngày dạy học, tôi đã gặp anh ta. Đầu tiên là những lần gặp tình cờ trên đường trở về khi tan lớp. Anh ta có một dáng vẻ thật núi rừng. Một dáng người cao lớn với một nét mặt đẹp đến khó tả. Đã có người bảo đó là cái đẹp của con Ma rừng. Những câu chuyện về rừng sâu thì thật quái đản.Tôi chưa hình dung được con ma Rừng ra làm sao mà lại sinh được đứa con đẹp tuyệt vời đến thế! Nhưng tôi không rung động bởi nét đẹp của anh ta. Tôi chọn núi rừng Tây nguyên để sống những tháng ngày dài bất tận…có nghĩa là tôi đã khép kín lòng tôi!

Nhiều lần anh ta cố bắt chuyện cùng tôi, nhưng tôi im lìm. Trái tim tôi đã hoá đá và trên môi tôi khó tìm thấy nụ cười.

Cũng như những ngày xưa cũ, mỗi khi có chuyện buồn không tỏ được cùng ai, tôi lại tìm trú ẩn trong những lùm cây, để thầm thì với lá. Lá lắng nghe tôi, lá lao xao, lá xạc xào..và tôi thì thầm kể lể…

Có một hôm, lúc tôi đang thầm thì trên vòm cây nơi mé rừng gần lớp học. Tự nhiên tôi nghe tiếng chim hót dưói gốc cây.Tiếng hót nghe thật trong vắt của giọng con chim Khách đuôi cờ. Tôi ngoái đầu nhìn xuống.Thật ngạc nhiên làm sao khi tiếng chim hót lại xuất phát từ đôi môi anh ta đang chúm lại! Chỉ một chốc thôi, không biết từ đâu, lũ chim Khách đuôi cờ, với những chiếc đuôi dài, bay về vờn quanh tôi và cùng hót lên như muốn chào đón tôi- người bạn mới của rừng. Tôi quên hết nỗi buồn và cất tiếng cười tan đáp lại với cõi lòng thật hạnh phúc giữa muôn ngàn tiếng chim réo…

Chính nụ cười của tôi đã đưa tôi và anh ta đến gần nhau.Về sau, tôi còn biết thêm biệt tài gọi chim của anh ta. Khi đã quen thân nhau, chính Đin ( tên anh ta) vẫn hay giả tiếng chim hót, để gọi rủ tôi đi ngắm rừng khuya.Tôi mạnh dạn đi bên anh ta, trong quảng rừng vắng mà lòng không còn thấy sợ…

Anh ta đưa tôi về ngôi nhà sàn này, mà ngày ấy, anh ta đang sống với người mẹ mù. Đin là kết quả của một tình yêu mà nếu có kể ra, người đời vẫn cho là bịa đặt.

Người đàn bà mù đang ngồi ở góc kia, vốn là một cô gái bất hạnh. Sự bất hạnh ấy lại bắt đầu từ một điều thật nghịch lý: vì cô ta quá đẹp. Ở nơi núi rừng này, những cô gái quá đẹp, thì không thể là con của người thường, mà là con của Ma Rừng. Nếu cô gái ở đâu, Ma rừng sẽ có mặt ở đó và gieo điều bất hạnh cho những ai sống gần bên cô.

Từ quan niệm quái đản đó, H’ May ( tên mẹ Đin) đã bị buôn làng xô đuổi vào rừng sâu. Những kẻ thân thích, thương quá thì chỉ biết thỉnh thoảng gùi một ít gạo vất bỏ gần khu vực cô sống, rồi chạy biến thật nhanh vì sợ Ma rừng. Phần còn lại, tất cả những nhu cầu của cuộc sống, cô phải tự lo liệu.Vì bản năng sinh tồn, H’May đã tự biết đặt bẫy thú, tự kiếm lá che thân…và cô đã sống nhiều năm đơn độc như thế một mình trong rừng sâu.

Có một hôm, chiếc bẫy cô cài, không đánh bắt được con thú để cho cô có miếng ăn, mà lại kẹp chân một gã đàn ông lạ lùng, từ đâu trên trời rơi xuống. Do anh ta mãi chạy theo vợt một con Bướm giống Giáp lớn cái, sắc đỏ, vốn rất hiếm khi tìm được, nên vô tình đạp bẫy. Anh ta đang rên rĩ và cố gỡ bàn chân rớm máu ra khỏi chiếc bẫy thì cô xuất hiện .Vẻ rừng rú của cô làm anh khiếp sợ. Nhưng cô đã đến bên anh, với sự dịu dàng, cô lặng lẽ giúp anh xoa dịu vết thương mà không nói lời nào cả. Phải chăng cô ta không nói được hay vì đã quên ngôn ngữ của loài người? Giữa hai người, họ đã nói với nhau bằng ngôn ngữ gì, thì chẳng có ai có mặt trong rừng sâu những khoảnh khắc ấy để mà biết được. Chỉ có biết duy nhất một điều, là sau đó khi anh ra đi, cô gái rừng hoang dã ấy đã tự sinh ra một đứa con trai và đem đến bỏ ở bìa rừng rồi từ đó đi thẳng vào rừng sâu.

Thằng con trai mang trong máu vừa nét văn minh của cha và sự man dại của mẹ, được nuôi dưỡng, được học hành. Những tiếng gọi thôi thúc của núi rừng hoang dã luôn vọng trong tâm anh. Anh chọn học ngành nghiên cứu về rừng và chuyên nghiên cứu chuyên sâu về các loài chim ở rừng nhiệt đới.

Ngày đất nước giải phóng, Đin tìm về khu rừng mà qua câu chuyện kể, mẹ cha anh đã gặp nhau. Anh đi sâu trong rừng đến đêm thứ 9 mới tìm lại được mẹ mình đang sống trên cái chòi ở cành cây .

Do cuộc sống thiếu thốn trăm bề, mắt bà đã bị bệnh và không còn nhìn thấy được gì. Anh chọn quê mẹ để sống, nuôi dưỡng mẹ và nghiên cứu tiếp về các loài chim.

Cũng nhờ tiếng hót học được từ chim, Đin đã lôi được tôi bước vào cuộc đời anh. Chúng tôi sống bên nhau thật hạnh phúc.Thứ hạnh phúc mà tôi không biết chính xác là có mặt của tình yêu hay do khung trời tôi sống luôn rộn tiếng chim ngân?

***
Một ngày, tôi nghe những âm thanh vọng lại của một vụ tranh chấp ẩu đả khi đang giảng bài cho học sinh.Tôi không hề hay biết số phận vẫn đang tiếp tục trêu tôi. Đin đã bị một trai bản ghen tuông, chém sả đỉnh đầu khi anh đang nhại giọng chim hót để tỏ tình với cô gái bản xinh xắn.

Vết chém quá sâu đã để lại di chứng tàn phế suốt đời. Tôi đón Đin về. Âm thầm nuôi Đin và nuôi mẹ Đin cho hết trọn kiếp người của họ.

Tôi không hiểu được rằng tôi có yêu Đin không. Nhưng dù tình yêu chưa kịp đến thì cái nghĩa vợ chồng cũng đã hiện hữu.Vậy hãy vì tôi mà quay về! Hãy vì tôi mà quên tôi! Hãy vì tôi mà đừng bao giờ trở lại chốn này. Tôi van xin!!!

Tôi ngồi nghe trong sự đau buốt của trái tim. Vâng, em nói không hề sai.! Dù không có tình yêu, thì vẫn còn đó cái nghĩa ân tình. Em không thể là kẻ bạc nghĩa. Núi rừng nơi đây là chốn ở vĩnh hằng em chọn. Còn kẻ phải ra đi chính là tôi. Tôi lục tìm trong túi chiếc ví đựng tiền mà tôi đã dành dụm bao năm với ý định dùng tổ chức lễ cưới xin khi quay về tìm được em, đặt trong ngăn kéo trên đầu giường, rồi đứng lên. Tôi muốn ôm em thật chặt trong vòng tay trước giờ ra đi. Tôi muốn cho em tất cả những gì mà tôi có thể…Nhưng dù tôi có cho em tất cả vũ trụ bao la này, cũng không thể nào còn mang lại hạnh phúc cho em.

Em ơi!

***
Tôi quay về đất Mỹ xa xôi trong chuyến bay đêm.

Lần ra đi này, tôi không còn mang theo tiếng hát vọng của em trong hành lang rợp bóng cây xanh ngày nào, mà hành trang…tất cả chỉ còn lại sự nặng trĩu của nỗi ngậm ngùi !

Viết trong đêm Huy Du vĩnh viễn ra đi- lòng thêm nỗi ngậm ngùi.

18/12/2007
Hoàng Thị Như Huy

No comments:

Post a Comment