Tuesday, June 20, 2023

THÚ ĂN HÀNG VẶT CỦA NGƯỜI SAIGON

Cách đây vài tháng có một bài viết về”Những món ăn ngon của Saigon”, Tôi cũng có viết một bài tương tư nhiều tháng về trước’ nhưng vì phải sắp xếp trong tiểu muc” Món ăn đặc biệt Saigon” nên hôm nay mới trình bày cùng anh chị..tôi lấy dấu tuổi thơ khoảng tuổi 11-15 tuổi làm phông, mời anh chị đọc:

Lời mở đầu
Cả tuổi thơ của tôi từ 7 tuổi đến 17 tuổi ở một nơi chốn của Saigon gọi là Khánh Hội. Mãi sau này đến năm 1964, tôi rời Khánh Hội về Gò Vấp. Tuổi thơ vô tư, có ăn là được, những ăn vặt thì rất nhiều, nhiều đến đổi không nhớ hết. Đến bây giờ nghĩ lại cảm thấy rất thú vị vì không ngờ kinh nghiệm phong phú đến đổi nhắc tới hàng ăn vặt cũng cảm thấy như là mình đang thưởng thức món ăn ấy cho dầu là tưởng tượng từ hồi ức. Và rồi ký ức về các món ăn vặt dường như chập chờn ở quanh đây.

Các món ăn vặt được bán dưới hai dạng: Dạng thứ nhất, mang trong gánh hàng rong do những bà mẹ, với đôi vai nhỏ gánh 2 thùng món ăn, nặng trĩu ở 2 bên đòn gánh, bước đi khá nhanh hòa nhịp với tiếng rao hàng lanh lảnh vang khắp xóm như, thường vào sáng sớm hay chiều tối. Tiếng rao hàng không thể thiếu vắng tại Sài gòn cho dù anh chị ở tận hang cùng ngõ hẻm của thành phố này. Họ rao hàng như hát kéo dài như câu kệ. Đã là người dân Sài gòn sẽ không bao giờ quên tiếng rao hàng này nghe ngồ ngộ, lôi cuốn, quyến rủ, mời mọc, vui tai lắm. Tôi sẻ có bài viết về “ Tiếng rao hàng trên nẻo đường Sài Gòn” một nét sống đặc thù của Sai gòn năm xưa.

Một dạng khác, là những món ăn đều được bán tại chợ vào lúc điểm tâm buổi sáng, đến trưa thì hàng quán dọn sạch trừ sạp thức ăn bán đến khoảng 4-5 năm giờ là bạn hàng dọn về nhà để chuẩn bị cho ngày hôm sau. Buổi chiều tối, xuất hiện những món ăn vềđêm khác hơn món ăn ban sáng nhiều, nhất là món nhậu và các món Chè.

CHỢ KHÁNH HỘI
Trước khi vào các món ăn, tôi xin mô tả về ngôi chợ Khánh Hội, nơi tôi từng ăn hàng vặt từ thuở thiếu thời. Nhà tôi ở đường Nguyễn Trường Tộ dưới chân cầu Mống, đi tới chợchừng 10 phút đi bộ, đến ngã tư Hoàng Diệu, con đường này đổi tên là Lê Thạch. Chợ Khánh Hội khá lớn bao bọc bởi 4 con đường: Lê Thạch, Đinh Lễ, Lê văn Linh và Lê quốc Hưng, chiếm một diện tích khá lớn. Chợ có mái tôn xây trên một nhà lồng để tránh mưa.Phần còn lại vây quanh nhà lồng chợ, là bãi xi măng trống chia ra từng ô không mái che.Những cửa hàng sát lề đường thì tự làm mái che.

Trên nhà lồng chợ là quầy hàng thịt: gồm thịt heo, bò, gà tươi có móc treo. Thịt được cắt bán theo từng kilogram. Rồi hàng tạp hóa, hàng đồ khô, phía sau là hàng khô cá, mắm, và cá đồng tươi còn bơi lội trong một trảng thiếc rộng sâu 1 tấc tròn 1m đường kính. Tôm cua, ba khía, các loại ốc sò còn tươi thả trong đó. Từ nhà lồng, chợ xoay quanh một khoảng khá rộng như đến tận lề đường: Phía đường Lê quốc Hưng là vựa bán trái cây, phía đường Lê Văn Linh là hải sản, phía đường Lê Thạch là hàng vải, kim chỉ, quán nhậu ( quán Tư Sanh ở đây). Mặt chợ hướng về đường Đinh Lễ, là nơi bán hàng ăn sáng, gồm có các sạp thấp thành hàng lối, cao đủ cho vài người khách ngồi trên ghế đẩu. Cũng có những thúng hàng bày bán món ăn sáng cầm tay như xôi, khoai. Ngoài ra,các lề đường đối diện chợ cũng bán hàng ăn vặt, mua rồi đi nhanh, vì người bán có thểdời chỗ, gánh sang địa điểm khác, bởi lẽ họ không có đóng tiền chổ, sẽ bị phạt khi cảnh sát bắt gặp. Tuy nhiên phần lớn cảnh sát trông chừng an ninh, tuy họ tỏ vẻ khó chịu bề ngoài, la hét nhưng dễ dãi không nở phạt trừ trường hợp gây gổ, ấu đã nhau làm mất trật tự .

Những món hàng ăn vặt:
Hàng Xôi có đủ loại: xôi bánh phồng đủ màu trên quết đậu xanh, muối mè đường và vài sợi dừa. Xôi nếp than bằng nếp đen đậu xanh mỡ hành, muối mè đường. Xôi đậu phộng, cốm dẹp dừa, xôi gà rô ti lạp xưởng, xôi bắp miền Nam nấu với nếp trắng sền sệt hơi nhảo gói trong lá chuối xếp gọn như chiếc tô nhỏ. Xôi bắp người Bắc thì khô hơn ănvới dừa và muối mè đường. Bánh tằm ngọt đủ màu, xôi khúc thì ít gặp chỉ thấy trong gánh hàng vặt trong xóm. Xôi gấc thì không phổ thông tại miền Nam chỉ thấy nhiều ởvùng di cư. Món ngon khác là cơm rượu tròn trắng trộn với xôi vò vàng nghệ. Người Bắc có xôi nếp ủ rượu nếp vàng rời từng hột lên men. Ngoài ra còn món khoai mì tán nhỏtrộn với xác dừa và muối mè đường ăn ngon hơn khoai mì luộc. Bắp luộc bã mía, hay bắp nướng quết mỡ hành.


Hàng Cháo, Bún : nhiều món cháo rất hấp dẫn: cháo lòng, cháo huyết nấu ăn nóng với ớt xay. Trong cháo có dồi, gan thịt ram, đôi khi có mực, huyết cắt thành khối vuông nhỏ vừa ăn. Cháo cá thì chỉ có những lát cá. Cháo thường ăn đệm với giá sống, rau thơm,tiêu, có nơi ăn với dầu cháo quẩy. Cháo vịt ngon nhất là ở Ngả Sáu Sài gòn gần đường Võ Tánh, vịt chọn lọc không mập không già, thịt mềm không có lớp mỡ dưới da ăn với gỏi bắp chuối, nước mắm gừng. Bún nước chỉ có bún riêu cua, không có bún bò Huếhay bún thang ở chợ Khánh Hội. Có lẽ vùng Khánh Hội không có người Bắc di cư nhiều như những vùng khác.

Bánh mì thịt nguội: Bánh mì nóng cắt khúc chừng 1 tấc rưởi có vài lát thịt đùi (thịt cuốn tròn bằng lớp da nhuộm đỏ), giò lụa, cá mòi, có dặm thêm dưa chua, nước sốt cà, không có bơ, không có mayonaise cho dù đánh từ trứng ra. Bữa nào, thiếu tiền, mua bánh mìkhông chan nước sốt cà với một tí nước tương, không thịt thà gì hết cũng đủ ngon miệng.

Bánh Ướt: vào thời 54, các chợ miền Nam chưa có bánh cuốn thanh trì, cũng không có bánh cuốn nhân thịt nấm mèo ngon tuyệt cú như bán cuốn Tây Hồ trong đền thờ ông Phan Chu Trinh trong chợ DaKao. Ở chợ Khánh Hội, chỉ có bánh cuốn Tàu do một thím xẩm bán: bánh tráng bột dầy, cuộn tròn có thế có vài miếng hành lá. Bánh được cắt khúc bày trên dĩa chừng 2 phân, thường ăn chung với bánh giá ( bánh cống) không tôm, thêm giá trụng , chan nước mắn thật cay( ớt nổi đỏ trong chai), ăn vào phải hít hà.

Bên kia cách một lối đi nhỏ là hàng cơm tấm, bà chủ này là người cùng xóm. Họ chuẩn bị từ ngày hôm trước. Sáng sớm dọn hàng ra chợ. Nồi cơm tấm khá to, để phía sau sạp gỗ cùng với vỉ nướng thịt trên than đỏ hồng, một thúng bún và bánh tầm trắng. Trên sạp bày bì, thịt ram xắt nhỏ, tôm cháy, vài dĩa chả chưng tráng một lớp trứng đỏ phía trên mặt chả thật hấp dẫn, một lọ nước cốt dừa trắng đục, một lọ nước mắm chanh trên mặt nổi những tia chanh. Một tô mỡ hành lớn có tốp mở hạt lựu chiên giòn, một lọ dậu phọng đâm nát, một lọ đồ chua cải trắng đỏ, không có hành phi. Quày hàng này chuyên bán cơm tấm bì, cơm tấm thịt nướng, tôm nướng, bánh tầm bì, có bán bún tôm nướng, bún thịt nướng v.v. Mùi thịt nướng lan xa thơm phức làm đói lòng và thèm thuồng. 

Ngoài ra, còn có bánh bèo bì miền Nam khác bánh bèo miềnTrung: bánh bèo đổ ra từ chiếc chun khá dầy, trên đó có trét đậu xanh, và phủ lên trên lớp bì, mỡ hành, nước cốt dừa và nước mắm, dưa chua. Có bán bánh Ít tròn bột trắng, bọc đậu xanh, ăn với nước mắm chanh trên có để một con tôm khô vài ba tốp mở giống bánh it ram người Huế gọi là bánh ít trần

Một sạp bán bún và cháo trong chợ

Không xa là hàng Bánh canh: phần lớn trong chợ bán bánh canh giò heo, tôm cua, theo kiểu Trảng Bàng. Nước lèo trong khác với bánh canh Huế nước lèo đục màu đỏ cà chua, nước lèo sền sệt có thể có thịt cua, thịt bằm. Bánh canh này chỉ thấy bán ở nhà hàng Thanh Thế. Nhân tiện nhà hàng Thánh Thế còn nổi tiếng món suông đặc biệt

Hủ tiếu mì Các Chú: quanh chợ Xóm Chiếu có 3 cửa hàng Hủ Tiếu do toàn chú người Tàu đảm trách.Trước cửa hàng là xe hủ tiếu. Xe hình dáng đặc biệt: đóng kiến xung quanh, kiến có vẽ hình, phần lớn là hình trong tích trong truyện Tàu: Đông Du bát Tiên, Vườn đào kết nghĩa, Tề Thiên đại Thánh.v.v. xe có quầy để phía ngoài cho khách ngồi ăn trên xe có thùng nước lèo lớn bọc một ống nước sôi để trụng hủ tiếu hay mì, trên gác xe có ngăn chứa hủ tiếu khô, hủ tiếu ướt, sợi nhỏ sợi to, hủ tiếu dai nữa, ngoài ra nhiều vắt mì sợ nhỏ, sợi to. Phía dưới gần nồi nước lèo bày nào là xá xíu, gan, tim, cật heo, hành xanh cắt nhỏ, thịt bằm, cải bắp thảo. Khách ngồi trước xe, hay ngồi vào trong cửa hàng có vài cái bàn. 

Ăn sáng ngoài hủ tiếu mì, hoành thánh, có dọn thêm bánh bò trắng, bánh tiêu, dầu cháo quẩy, đôi khi có bánh mì xíu mại. Cà phê xây chừng bán tại đây, lọc trong ống dài như chiếc vớ : Cà phê đen, đường hay sữa đặc. Có người uống cà phê kiểu bạn hàng: sau khi khuấy cà-phê trong ly, đổ vào dĩa nhỏ mà húp, họ lấy làm khoái chí sau khi bập bập vài hơi thuốc rê vấn. Không biết bây giờ cách uống cà phê kiểu này có còn hay không?

Hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu Nam Vang ( Triều Châu) không khác nhau lắm, có thể dùng hủ tiếu dai nhiều hơn, nước lèo cho thêm khô mực nướng hay tôm khô nhỏ nên có vị ngọt khác, có thêm giò heo hay tôm cua.vv. Hai địa điểm khác, nổi tiếng ở Saigon, rất đông người sành điệu đến ăn là hủ tiếu Thanh Xuân và Mì nước bán ở Hải Ký Mì Gia còn gọi là mì La Cai ( đường lacaze). 

Một tiệm mì Vịt Tiềm đặc biệt rất ngon mà tôi quên tên nằm trên đường Gia Long kế rạp hát Long Phụng. Thú vị nhất của dân nhậu là chờ hơi trưa một chút kêu một tô xí quách xương heo, nhậu với la ve thì phải biết. 

Một loại mì đặc biệt ở Saigon không nói tới thì quả thật thiếu sót đó là Mì Gõ. Thật ra trong khu phố có xe hủ tiếu di động đóng một nơi nào đó, rồi cho người gõ hai thanh tre vào từng ngõ hẻm tiếng vang lốc cốc, cùng với tiếng rao hàng” Mì , Hủ tiếu đây” vang trong xóm. Người ăn đêm cứ kêu đặt hủ tíu hay mì. Một lát có người bưng đến, ăn xong người ấy trở lại thâu tiền và mang tô tộ về.

Chiều xuống, chợ trống trơn, chỉ có quán nhậu mở cửa, bếp ở phía sau xào nấu, phía mặt đường bày những chiếc bàn san sát lộ thiên. Người ăn hàng khề khà vài chai bia, ngồi nhâm nhi xem chừng thích thú. Ở Chợ Xóm Chiếu, ai mà không biết quán Tư Sanh nấu đủ thứ món nổi tiếng rất đông khách sành điệu đến nhậu, từ chiều đã hết chổ. Nào là lươn um, lươn xào lăn. Các món dê, đặt biệt là cà ri gà và dê nấu rất ngon, với khoai tây nhỏ chiên vừa cứng vỏ. Cà ri rất đặc biệt mua từ chùa Ấn Độ, rồi chế biến thêm nấu với nước sữa tươi. Đường Hoàng Diệu có món cá cơm chiên bơ trong quán Ba Mập. Ngoài ra, món cá lóc nướng trui ăn với rau sống mắm nêm. Theo tôi , vẫn thua hàng cá nướng trui ở chợ Cầu Ông Lãnh và trong đường Trương Minh Ký phía sau đường Trương minh Giảng.

Chiều chiều, trong chợ có hàng ốc bán đủ thứ ốc: ốc bươu nước mắm gừng, ốc gạo, nghêu với nước mắm chanh, ốc len xào dừa, sò huyết nướng than chấm muối tiêu chanh. Thường thì họ nhậu với la ve hay xị đế. Ngoài ra có hàng khô nướng: khô mực, khô cá đuối, cá thiều, tôm khô củ kiệu, cua luộc.v.v. Ngồi quán này kêu món ăn quán khác mang đến cũng hài hòa. Còn món đặc biệt đó là món Hột Vịt Lộn, nếu trong quầy hàng trong chợ thì người ta luộc ăn với rau răm muối tiêu chanh thêm một ly La ve là hết xẩy. Ngoài ra, hột Vịt Lộn còn nóng chôn trong thúng trấu cũng được gánh đi bán trong ngõ hẻm xa chợ.

Có những quán ăn mà chợ Khánh Hội không có nhiều, muốn ăn phải đi xa: Canh chua cá bông lau, cá ngát câu từ sông hay ao hồ, gỏi ngó sen, gỏi củ cải tôm càng luộc phải xuống tận Nhà Bè. Bò bảy món Duyên Mai ở Hàng Xanh, Gia Định, Pagolac ở Chợ Lớn, Riêng Ánh Hồng tôi chưa có dịp tới.

Những món đặc biệt ít khi bày trong chợ hay theo hàng rong về xóm: đó là Bò Bía, Phá lấu, bò vò viên, gỏi đu đủ khô bò gan cháy, nước mía thì hãy đến khu Viễn Đông góc đường Pasteur, Công lý và Lê Lợi. Chiều thứ bảy, sáng Chủ Nhật dân bát phố, đi xem Xi nê, dạo phố mua sách, ngồi quán ăn kem ngắm người qua lại. Ai có đào, có kép ởSaigon đều biết qua nơi chốn nầy. Đặc biệt ở Viễn Đông, hàng vặt thành hàng chạy (cảnh sát không cho phép) nên không có ghế ngồi, ăn đứng vậy.

Đu đủ khô bò, có lẽ do món gan, lá mía bò cháy kèm theo khô bò, đu đủ xanh, được bào nhỏ như sợi chỉ. Một cái kéo to bản dùng để cắt khô bò thành miếng nhỏ. Rau quế cắt nhuyễn. Nước tương, giấm, ớt. Đu đủ khô bò giòn, chua, ngọt, cay xé miệng. Ai ăn xong cũng bước qua đường dùng ly nước mía chữa cay. Đó là xe nước mía Viễn Đông, lúc nào cũng đông nghẹt khách hàng. Nước mía ngọt lịm, có trái tắc hay quít cho thêm hương vị đặc biệt. Xe nước mía gần như có mặt khắp nơi từ góc đường đến chợ búa. Nước mía là một thức uống quen thuộc với dân thành thị Sài Gòn.

Gánh hay xe bò bía thường được bán trước cổng trường hay đi rảo khắp phố. Một nồi củ sắn xắt sợi, xào chín, được giữ nóng trên bếp. Hai miếng bánh tráng mỏng được đặt kế nhau. Que tre dùng để phết tương đen và tương ớt. Một miếng cải xà lách, vài lá rau quế. Một đũa củ sắn. Vài con tôm khô, đậu phộng chiên. Vài lát lạp xưởng, được xắt thiệt mỏng, có thể nhìn xuyên qua. Cuốn tất cả lại thành món bò bía. Trước khi đưa cho khách, người bán nhúng đầu cuốn vào nước củ sắn nóng, làm cuốn mềm, trở nên dễ nhai. Đậu phọng rất giòn, béo, củ sắn ngọt, nhai kêu sừng sực. Lạp xưởng béo, tôm khô mặn mà, tương cay khiến món bò bía ăn hoài không chán. Bò bía chỉ cuốn khi có khách mua. Thành thử, những lúc đông khách, người bán phải cuốn liền tay mới kịp cho khách dùng.

Muốn ăn vịt quay, heo quay, lạp xưởng, gà xì dầu, xá xíu, thì ra chợ Cũ đường Hàm Nghihay Tôn Thất Đạm được treo thẳng đứng đên tân trần nhà. Thịt bán theo ký, Người chặt thịt rất khéo tay, nhát nào ra nhát ấy, trình bày lát thịt đẹp, vừa miệng ăn xong gói vào bao giấy dầu có quấn dây xách.

Tới đây, vì ăn hàng vặt có nghĩa là khi mình có một chút tiền, thèm miệng, món hàng nào gánh qua, hay bất chợt mình đi ngang qua, hay tiếng rao hàng quá hấp dẫn mình kêu vào. Cho nên những món sau này không có một không gian nơi chốn và cũng không có thời điểm rỏ rệt. Vì có thể ở chỗ đó mà không phải vào giờ đó, hay đúng giờ đó mà không quán hàng họ chỉ đi qua chỗ mình đứng, chỗ mình ở lưu động.

Nhưng phần lớn đều có một nơi và một lúc nhất định mình phải đi tìm tới, như Nghêu ở Nguyễn Tri Phương vào chiều tối, Sinh tố cũng vậy. Bánh bột chiên ở Ngã Sáu. Trường học lúc nào cũng đầy đủ, xôi, ô mai, cóc, ổi, me, tầm ruột dụ dỗ.

Những gánh bò viên được bán dạo hay tại các cổng trường học. Những năm 1955-1956, chỉ có bò viên là món duy nhứt. Vài cục bò viên trong chén nhỏ, nước lèo nóng hổi với hành lá xắt nhỏ. Bò viên dai, ngọt thịt, chấm với tương đen và saté cay. Xong một chén, muốn thêm chén nữa. Một vài gánh bày trò “đổ hột xí ngầu” ăn thua bằng bò viên, để dụ dỗ người thích cuộc đỏ đen. Ví dụ chén bò viên giá 1 đồng, ai có 50 xu cũng được đổ. Thua thì mất tiền. Nếu thắng thì được 1 chén. Có thể “đổ nhồi,” 1 chén thành 2, rồi thành 4… Vì thế, có ngày xui xẻo, hoặc gặp tay lão luyện, người bán thua cả gánh mà không thu được đồng nào. Chắc chắn, hôm đó về nhà hắn ta bị vợ quần cho một trận.Đến những năm 1960, các xe bò viên đậu tại chỗ không còn dạo quanh xóm làng. Chuyện cờ bạc biến mất. Món hủ tiếu bò viên ra đời. Từ đó, xe bán thêm lá sách, lưỡi, gan, tim…

Vì vậy, tôi chỉ kể tên nếu anh chị thấy thiếu sót, xin bổ túc giùm để biết đời học trò mình cũng không những quậy phá, mà tổ ăn hàng vặt: Học trò không hổ danh đứng hàng thứ ba sau quỷ và ma.

Các Loại Bánh
Bánh bò, bánh da lợn, bánh men, bánh đuôn, bánh bông lan, bánh bò nướng. Bắp rang, bánh tây. Kẹo kéo chỉ, kẹo kéo cây với đậu phụng.

Bánh tráng đậu phụng, bánh tráng mạch nha mè. Bánh tằm dừa, bánh bao nhân thịt, bánh bao chay nhân đậu xanh đậu đỏ, bánh bía nhỏ. Bánh ú, bánh ít, bánh dừa nhân đậu hay nhân chuối thường thấy gánh tòng ten rao bán, và có khi bày của hàng ngoài chợ. Chuối bọc nếp nướng, chuối sứ nướng đập dẹp chan nước dừa, nướng trên lò than. Bánh quai vạc nhưn thịt, bánh tai heo, bánh tiêu, bánh dầu cháo quẩy, chiên dầu thật nóng.

Các loại Chè
Chè thưng, chè bột khoai, chà trôi nước, chè đậu xanh, chè đậu đỏ, chuối chưng bột bán, chí mè Phủ, đậu đỏ bánh lọt, sương sa hột lựu, bánh đúc lá dứa nước dừa. Chè kho người bắc (chè đậu xanh đặc). Chè táo xọn, chè bắp, chè khoai môn, xâm bổ lượng, chè đậu nếp. Một tiệm chè đặc biệt nổi tiếng, đó là tiệm chè Hiển Khánh, ở sát cạnh rạp Casino Đakao, đường Hiền Vương rất được thanh niên thiếu nữ ưa chọn đặt biệt là món rau câu( sương sa kéo chỉ) với nước đường ướp hoa lài, đá bào . Trên đường Hàm Nghi phía trên đường Võ di Nguy trước hàng thịt quay , vào buổi chiều có đôi ba xe bán chè của ngườì Hoa, bày những khay tròn,xâu dựng đủ thứ chè được hâm nóng phía dưới.

Các Loại Trái cây:
Mía hấp, mía ghim, dưa hấu, cóc, ổi tươi hay ngâm cam thảo chấm muối ớt, xoài tượng nước mắm đường, mắm ruốc, trái ô môi, trái dâu, bòn bon, măng cụt, me ngào đường, me dốt, me ngâm cam thảo, saboche, thơm Bến Lức, khóm tây, trái xây có lông mịn, sầu riêng, mãng cầu xiêm, mãng cầu xiêm sữa đặc đá bào, vú sữa ăn không, hay vú sữadầm trong sữa đặc, đá bào, mãng cầu cầu dai. Chuối cau khô, xoài ngon nhất là xoài cát, xoài sơn ca, có loại xoài mủ ăn sống. Đu đủ, mận (roi), trái Lý, lôm chôm, mít khô, mít ướt, mít tố nữ.v.v

Thức uống: Ngoài, nước xá xị, sô đa, nước Cam, nước ngọt, cà phê phin, cà phê vớ, các loại bia 33 hay con cọp bán rải rác trên những chiếc xe giải khác khắp nơi trong thành phố, còn có những quán kem ly sang trọng ở trên Lê Lợi, hay Tự do. Rải rác trên lề đường Sài gòn Gia định nhiều xe bán bán sinh tố trái cây: thơm, mãng cầu, xoài riêng, mít, đu đủ, ổi đậu xanh lá dứa có cho thêm sữa tươi, hay sữa đặc,

Dọc trên các đường phố Saigon ta thấy những chiếc xe bắp rang bơ đường thơm phức, với những hột bắp rang nhờ máy thổi gió phun lên như pháo bông trông rất hấp dẫn.

Cà rem cây, đá nhận si rô, nước mía lau, lười ươi hột é, sương sáo, sương sâm nước đường vanilla hay hoa nhài, nước chanh đường, nước chanh muối, hay nước xí muội

Tới đây, trí nhớ tui đuối sức không thể nào moi thêm được nữa. Xin anh chị bổ túc theo kinh nghiệm tuổi thơ vì ở VN bây giờ có nhiều món lạ, chế biến tuy ngon như không có trong tiềm thức.

Thân mến

Lê minh Đức

No comments:

Post a Comment