Friday, June 9, 2023

NHÌN LẠI VỤ CẤM PHIM XÍCH LÔ CỦA TRẦN ANH HÙNG NĂM 1995

(Bài của Đại tá công an Thái Kế Toại)
Một nhà văn mang cp bc đại tá công an kể, sau khi Bộ Văn hóa “hồ đồ” cấm phim “Xích Lô”, người ta đã coi Trần Anh Hùng như một “nghệ sĩ chống chế độ”, ra tiếp một cái lệnh cấm anh về nước trong nhiều năm.

Tại sao có vụ cấm chiếu phim “Xích lô” (Cyclo)? Tại sao lại có chuyện đối xử kỳ quái, bất công với đạo diễn Trần Anh Hùng như thế? Tại sao một bộ phim của người đạo diễn người Việt với các diễn viên Việt Nam về đề tài đương đại Việt Nam, quay tại Saigon, được giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice danh giá – lần đầu tiên người Việt được giải Sư tử vàng, một giấc mơ và có lẽ còn lâu nữa mới lại có một sụ kiện như thế mà giới lý luận phê bình điện ảnh im lặng không bàn đến một lời, trừ một vài bài ‘’đánh’’ không có động cơ nghề nghiệp?

Tôi là một người trong cuộc. Lúc đó tôi đang là Trưởng phòng An Ninh Văn hóa quốc gia, A25 Bộ Công an.

Chuyện bắt đầu như thế này:
Vào đầu thập niên 90 người Việt có một tài năng điện ảnh kiệt xuất. Người đó là đạo diễn Trần Anh Hùng.

Trần Anh Hùng tên Pháp là Guy Phimasset sinh ngày 5/6/1966 tại Mỹ Tho, quốc tịch Pháp. Bố mẹ Hùng quê ở Nam Đàn, Nghệ An, theo đạo Thiên chúa, di cư vào Nam từ 1954, sang Lào sinh sống từ 1973, rồi sang Pháp năm 1975, làm nghề may ở Pháp.

Năm 1991, lần đầu tiên Hùng về Việt Nam để chọn cảnh cho phim “Mùi Đu Đủ Xanh” nhưng không thực hiện được việc quay phim ở Việt Nam vì lý do tài chính mà chỉ có thu thanh tiếng động Việt Nam trong tháng 10/1992.

Tại Liên hoan phim Cannes 1993, “Mùi Đu Đủ Xanh” đoạt Giải Caméra vàng. Ngày 15-7-1993 Trần Anh Hùng cùng Christophe Rosignon Giám đốc hãng LAZENNEC FILM vào Việt Nam mang phim “Mùi Đu Đủ Xanh” chiếu báo cáo cho Hội đồng duyệt phim quốc gia và xin đi khảo sát thực tế cho kịch bản phim “Xích Lô”.

Hồi 1994, Bộ Văn hóa cho phép Hãng phim Giải phóng cung cấp dịch vụ cho hãng Lazenec Film thực hiện bộ phim “Xích Lô” của đạo diễn Trần Anh Hùng tại Việt Nam.

Xin nói thêm để có kịch bản trình Bộ Văn hóa, các chuyên viên, lãnh đạo Cục Điện ảnh, Vụ Hợp tác Quốc tế và A25 trong đó có tôi đã phải đọc và giúp tác giả sửa chữa nhiều lần. Đến khi nội dung kịch bản đạt yêu cầu, có chính kiến của A25 ủng hộ, Cục Điện ảnh ra văn bản Giám định nội dung kịch bản trình Bộ Văn hóa.

Tôi phải đọc kịch bản “Xích Lô” nhiều lần. Với bản thảo lần cuối cùng tôi chấp nhận được về nội dung và tin rằng với ý đồ của Hùng, cách trình bày câu chuyện đầy ấn tượng của anh sẽ có một bộ phim độc đáo.

Phim “Xích Lô” quay trong 77 ngày từ 4/11/1994 đến 11/2/1995. Trong thời gian đó giám sát viên A25b liên tục làm việc cùng đoàn phim. Tôi được nghe báo cáo có những cảnh trên hiện trường thấy có thể gây tác động không tốt, cán bộ A25 còn yêu cầu thay đổi chi tiết. Ví dụ trường đoạn đứa bé con mụ trùm băng cướp bôi sơn đỏ vào người chạy ra đường bị xe chẹt chết, giám sát viên không yên tâm vì mầu đỏ có thể gây phản cảm đã đề nghị Hùng thay bằng sơn màu xanh lơ. Hùng đồng ý thay đổi nhiều phân đoạn theo ý các cán bộ giám sát.

Từ 21/4 đến 6/5/1995 thu tiếng động thật cho phim tại Hà Nội và TP.HCM vẫn có cán bộ giám sát của A25.

Đêm 9/9/1995 phim “Xích Lô” nhận Giải thưởng lớn Sư tử vàng. Tôi và nhiều đồng nghiệp, nghệ sĩ điện ảnh cũng xúc động vì cái tin này. Lần đầu tiên một đạo diễn người Việt Nam còn rất trẻ, một phim về Việt Nam hiện tại, làm tại Việt Nam với các diễn viên Việt Nam được một giải thưởng vào loại danh giá nhất của điện ảnh thế giới. Đấy là một dịp để quảng bá cho đất nước Việt Nam, cho con người Việt Nam và cho cả tương lai của điện ảnh Việt Nam nữa nếu nó quy tụ được những người con tài năng đang sống ngoài đất nước.

Nhưng thật đáng tiếc, ngay sau đó tôi được nghe đã có những phản ứng bất lợi cho Xích lô. Sớm nhất là ý kiến của ông Lý Chánh Trung từ bên Pháp về làm xao động tại TP.HCM… trong lúc dư luận ồn ã như vậy thì bản phim nhựa chưa về đến Việt Nam.

Hầu hết người Việt Nam chưa biết mặt mũi bộ phim được Giải Sư tử vàng là thế nào.

Tôi nhớ một buổi chiều nóng nực cuối tháng 9/1995 tại phòng họp của Cục Điện ảnh, phòng họp thôi, ngày ấy chưa có phòng chiếu hiện đại như bây giờ, Xích lô được trình chiều bằng băng video. Thành phần xem phim gồm có Hội đồng duyệt phim quốc gia và một số cán bộ của Ban Tuyên huấn, Bộ Văn hóa, Hội Đội Ảnh. Công an có anh Khổng Minh Dụ, tôi và anh Nguyễn Trọng Đạo.

Tôi thấy nội dung phim vẫn như kịch bản nhưng cách dựng phim và sử dụng âm thanh, màu sắc của Trần Anh Hùng đã tạo ra một ấn tượng dữ dội. Bây giờ thì cái kiểu âm thanh đó đã trở nên bình thường vì người ta đã quen với âm thanh surround các phim bom tấn của Mỹ của châu Âu nhưng lúc đó tôi thấy mấy gương mặt thật tội nghiệp. Có người còn la hét đòi giảm âm lượng.

Âm thanh của phim gây sốc cho những người thần kinh yếu. Trong không khí oi bức, nhộn nhạo với cách tổ chức chiếu phim cẩu thả, “Xích Lô” đã tạo ra một ấn tượng để tự giết nó. Cuối cùng có một cuộc hội ý nhưng lộn xộn và ý kiến không thống nhất, đợi bàn lại với một buổi chiếu bản phim nhựa.

Hình như có một thế lực vô hình nào đó tạo ra sự trấn áp “Xích Lô”. Trong cơ chế bộ máy của chúng ta những người lãnh đạo nhiều khi rất sợ những người cực đoan tả khuynh hay nhân danh chế độ XHCN như thế. Chẳng lẽ vài người như thế lại tài giỏi, sáng suốt hơn một guồng máy làm việc của chúng tôi ư? Một guồng máy chuyên môn trực tiếp với nghề nghiệp phải nghĩ kỹ hơn họ chứ.

Phim “Xích Lô” có những cảnh vượt ngoài tầm hiểu biết của cán bộ Bộ Văn hóa l. Bộ Văn hóa yêu cầu Hãng phim Giải phóng kiểm điểm về việc hợp tác với Hãng Lazennec làm phim “Xích Lô”. Sau đó có quyết định cấm chiếu phim “Xích Lô” ở Việt Nam. Còn tôi và A25 không được hỏi ý kiến về việc này. Tôi dự định khi có một buổi họp đàng hoàng hơn với bản phim nhựa sẽ phát biểu chính kiến của mình. Tất nhiên là tôi bảo vệ đạo diễn Trần Anh Hùng và người bạn của tôi Trần Thanh Hùng, Giám đốc Hãng phim Giải phóng, người đầy nhiệt huyết và mạnh dạn tìm cầu nối điện ảnh nước nhà với thế giới.

Vậy mà tôi cứ chờ…. Cuối cùng cho đến nay không hề có một buổi họp như thế. Tôi không rõ những cá nhân nào đã làm các văn bản tham mưu cho lãnh đạo Bộ Văn hóa ra quyết định vội vã như vậy.

Người ta đã coi Trần Anh Hùng như một nghệ sĩ chống chế độ, ra tiếp một cái lệnh cấm anh về nước trong nhiều năm.

Quay lại nội dung phim “Xích Lô”. Bộ phim đã gây ra sự phân hóa cao độ trong số người đã được xem phim. Tôi hỏi ý kiến một số nghệ sĩ, người khen thì khen hết lời, người chê thì cũng chê thậm tệ. Nhưng tựu trung người ta đều cho rằng nó trình bày thực trạng xã hội một cách táo bạo mới mẻ quá. Ấn tượng của nó mãnh liệt quá.

Các bài báo lên án phim “Xích Lô” nói gì? Người ta cho là bộ phim đầy những hình ảnh bạo lực, nhiều cảnh sex và hiện thực trong phim không đúng với thực tế Việt Nam.

Sau này các đĩa phim “Xích Lô” được bán chui ở trong nước nhưng bản quay trộm chất lượng xấu.

Tôi cứ tự hỏi tại sao Liên hoan phim Venice năm 1995 người ta trao giải Sư tử vàng cho phim Xích lô? Lẽ ra các nhà phê bình phim Việt Nam phải giải đáp câu hỏi đó. Có lẽ vì sợ hãi Bộ Văn hóa mà họ im lặng. Không một ai bênh vực cho bộ phim tội nghiệp đó.

Chả lẽ Liên hoan phim Venice chỉ nhằm chống Việt Nam? Chả lẽ vì chống Việt Nam ban giám khảo lại hạ mình để trao giải cho một bộ phim mà người Việt Nam cho là thấp kém? Lý trí của một người tỉnh táo có thiện chí giải đáp câu này không khó lắm.

CHẲNG QUA LÀ BỆNH ẾCH NGỒI ĐÁY GIẾNG MUỐN BẮT TRỜI PHẢI NHỎ LẠI CHO VỪA MIỆNG GIẾNG ẤY MÀ!

VN chắc là quốc gia hiếm hoi tác phẩm nghệ thuật lại giao cho công an duyệt! Thậm chí chỉ vì không thích phim của người ta mà coi người ta thành kẻ thù, thậm chí cấm người ta về quê hương trong nhiều năm!

Thế nên điện ảnh VN mới như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói: “Cái gì cũng có chỉ không có phim”!

Giờ lại nhận vơ không ngượng mồm nhỉ?

Nguồn: FB Nguyễn Hoàng Ánh.

No comments:

Post a Comment