Friday, June 2, 2023

Mẹ ghẻ con chồng

Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng.

Câu tục ngữ này đã đi suốt hơn 50 năm trong lòng Ký, kể từ một cái đánh của bà mẹ kế mẫu. Cái danh từ kế mẫu đã xuất hiện ngay từ lúc ban đầu khi trí khôn của Ký chớm nở bởi vì không hài lòng với việc ba (pá: tiếng hoa) của Ký đã tiến thêm một bước với người đàn bà này. Chưa bao giờ Ký kêu người này bằng Má (cấy Má: tiếng hoa) mặc dầu ba đã bắt buộc và trước những cử chỉ thân thiện chăm sóc, họa hoằn lắm Ký mới thốt lên tiếng Dì theo âm việt.

Gia đình Ký từ Phúc Kiến, bên Tàu đã bỏ quê hương đến Sài Gòn trong những ngày đầu thế kỷ 20, sống chật vật khó khăn tận miệt Chợ Lớn. Cuộc đời thay đổi kể từ khi những đứa em cùng cha khác mẹ ra đời và tình yêu thương của ba cùng sự săn sóc của bà kế mẫu không còn được như ngày xưa. Ở cái tuổi vừa mới lớn, Ký cảm thấy hụt hẫng vì không có ai quan tâm đến mình, cái mặc cảm mẹ ghẻ con chồng lúc nào cũng ám ảnh trong đầu và nghe theo lời xúi giục của bạn bè. Một buổi sáng Ký đem theo một bọc quần áo rồi bỏ nhà ra đi.

Từ Chợ Lớn xuyên ngang qua Đất Hộ và buổi tối hôm ấy ngủ trong những túp lều chợ Bà Chiểu. Những ngày sau đó thân tự lập thân, Ký bắt đầu phụ việc trong chợ, có khi theo các ghe chở hàng hóa dọc con kênh Nhiêu Lộc vận chuyển thực phẩm cho chợ Bà Chiểu rồi đến chợ Gò Vấp. Và từ chợ Gò Vấp đem đồ hàng bông, hoa tươi rau quả mà các nhà vườn ở Hóc Môn, Mười Tám thôn vườn trầu chuyển trở lại chợ Bà Chiểu.

Từ chợ Bà Chiểu có một con đường đất dẫn đến bờ kênh, một bến ghe nhỏ mà hằng ngày Ký thường đi qua để vát lên vai những cần xé trái cây rau cải. Trong con hẻm này, anh Mười là người bạn thân nhất của Ký. Anh làm công cho một hãng xe hơi của Tây tận Sài Gòn và chờ đến lúc hãng xe cần người học nghề phụ việc, anh xin được cho Ký một cái nghề ổn định rất sáng giá mà biết bao đứa trẻ bụi đời như Ký từng mơ ước. 

Kể từ đó Ký sống trọ chung gia đình anh Mười, hằng ngày anh chở Ký đi làm và đi học việc. Buổi tối quây quần bên mâm cơm cùng gia đình anh, Ký nhớ đến ba và các em của mình da diết. Nói nào ngay từ lúc con Ba vừa chào đời, Ký quấn quýt với đứa em này như hình và bóng. Có khi nỗi nhớ dâng trào hình ảnh con Ba chập chờn trong giấc ngủ đã làm cho Ký có một ý nghĩ là ngày mai sẽ trở về căn nhà cũ để nhìn lại thằng Tư rồi quỳ xuống xin lỗi ba. Nhưng cái ấn tượng một đôi mắt lạnh lùng cùng nụ cười nửa miệng của bà dì kế mẫu đã kiềm chế. Ký tự nhủ thầm chỉ trở về nhà một khi mình giàu có, một khi tất cả mọi người phải nhìn mình bằng một cặp mắt thán phục và ngưỡng mộ.

Dòng đời từ từ trôi. Năm 1939 chiến tranh được phát động trên thế giới, một vài người bạn đã hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền thực dân, phong trào tình nguyện sang Pháp bằng cách gia nhập vào đội quân Lính thợ Đông dương: Ouvrier non spécialisé (O.N.S) tại Sài Gòn. Lúc này Ký đã trở thành một thợ máy chuyên nghiệp nên được ưu tiên khi vào ghi danh phỏng vấn. Nhưng có lẽ cái số của Ký không thể xuất ngoại hay là sao Thiên di lại nằm trong cung Triệt không biết chừng, Ký bị loại ngay vòng sơ tuyển bởi vì giấy tờ cá nhân không hợp lệ và nhất là không chứng minh được nguyên quán. Nhưng đó cũng là cái may mắn cho số phận của Ký, bởi vì trong tổng số 20.000 lính thợ Đông Dương, sau khi Pháp thua trận chỉ có khoảng một phần tư là được trở về lại Việt Nam. Số còn lại phải tự tìm đường sống hoặc tự tìm cách hồi hương.

Kể từ khi Pháp trở lại Việt Nam sau thế chiến thứ hai, bắt đầu từ Nam Kỳ lục tỉnh, tình hình chính trị càng ngày càng phức tạp. Miền Tây quê của anh Mười cũng vậy, ban ngày lính Pháp cùng quân đội Quốc gia thân Pháp hay quân đội Hòa Hảo thân Nhật bố ráp tra hỏi, ban đêm thì Việt Minh đốt đuốc lùng bắt người tình nghi chặt đầu rồi bỏ xác thả trôi sông.

Một người cháu gái bà con của anh Mười bắt đầu xuất hiện trong căn nhà và trái tim của Ký cũng bắt đầu rung động.

Em đã đến giăng sầu trên mắt ngọc
Cửa tâm hồn vừa nhập tiếng yêu thương
Đôi môi chợt thẹn thùng sau suối tóc
Anh nghe lòng một tình cảm vấn vương
Xin đừng hỏi sao tình anh rào rạt
Đời anh nhiều nét chấm phá trong tim
Bao năm rồi lòng anh tan nát
Vì gia đình, tự ái tủi hờn
Giờ chỉ còn một tình yêu mộc mạc
Hãy vì anh vì hạnh phúc vô biên…”

Hai tâm hồn cô đơn, không cha mẹ nên nỗi lòng càng gắn bó cùng nhau. Tuy tuổi tác hơi chênh lệch bởi vì nàng chỉ mới hơn 16 và tiếng xưng hô đầu tiên là chú cùng con ngọt xớt.

Cô bé nhà quê khoanh tay với câu:
- Dạ con chào chú.

Tự nhiên Ký bỗng thấy mình chững chạc và lớn hẳn lên, nhưng kìa với nụ cười e thẹn, hàng lông mày cong vút và đôi má đỏ hây hây. Một nỗi xao xuyến bất chợt nẩy mầm.

Cho mãi đến một hôm chỉ một câu nói làm Ký sửng sốt, khi bàn luận về vấn đề giàu nghèo hay tài giỏi với cái ý định hồi xưa vì muốn thoát cảnh nghèo, Ký đã xin tình nguyện xuất ngoại sang Pháp bằng con đường Lính thợ Đông Dương để mưu cầu tương lai tươi sáng.

Cô bé nhà quê chợt lên tiếng:
- Xin đừng nói là mình nghèo mặc dù mình tài giỏi mà phải tự hỏi rằng tại sao mình giỏi mà lại nghèo!

Một câu nói thật triết lý từ cái vốn liếng ít học mà thông minh của cô bé đã làm cho Ký đắm say trong một tình yêu đầu đời. Anh Mười hoàn toàn ủng hộ nhưng cô bé chần chừ do dự vì tuổi đời còn quá trẻ.

Nửa năm quen nhau, sống cùng trong một căn nhà 3 gian, chưa một lần nắm tay trò chuyện riêng tư, chưa một lần hò hẹn. Nhưng “tình trong như đã, mặt ngoài còn e.” Một hôm, sau buổi cơm trưa trong hãng, anh Mười đang chuẩn bị nằm giải lao thì Ký ngồi bên thỏ thẻ:

- Anh là ân nhân của cuộc đời em, em muốn gắn bó hơn một chút nữa. Xin anh cho phép em kể từ ngày hôm nay được phép gọi anh là Cậu Mười.

Anh Mười ngồi nhỏm dậy rồi cười nói:
- Uý mèn ơi! Tao chờ tiếng cậu của mày dài đến mấy tháng rồi đó nha Ký. Nó không có người thân nào ngoài một mình tao. Chuyện của tụi bây chị Mười của mày cứ lo canh cánh trong lòng, được rồi tối nay hai mặt một lời, để tao hỏi ý kiến nó rồi quyết định.

Cô bé chỉ tủm tỉm cười khi gặp mặt anh và thường lẩn tránh lúc đụng chạm trong bếp. Ký biết là câu chuyện buổi trưa trong hãng, anh Mười đã thuật lại cho chị và dĩ nhiên cô bé cũng đã biết, bởi vì cặp mắt bẽn lẽn nhìn anh bằng cái đuôi của con mắt.

Mâm cơm đã dọn ra nhưng chờ hoài mà vẫn không thấy cô bé ngồi cùng bàn như thường lệ. Tiếng anh Mười thúc giục:

- Thôi ăn đi, đừng chờ nữa. Con gái nào cũng vậy, hở nhắc đến chuyện chồng con là mắc cỡ. Hồi đó chị Mười mày cũng vậy thôi.

Tiếng chị Mười nói:
- Tâm sự của con bé chị biết rõ, nó mồ côi ba má, mà em Ký thì còn có gia đình, tại sao lại tự tay cắt thịt của mình. Nó rất thương em và nhất là mong muốn em dẫn nó về nhà giới thiệu với gia đình của em.

Ký ngồi ngây người mà suy nghĩ, anh chị Mười nhắc khéo đến lần thứ hai mới cầm bát cơm mà nhai một cách chậm chạp.

Dưới tàn cây mít, buổi tối gió thổi hiu hiu từ bờ sông vào, Ký đưa tay đón nhận điếu thuốc của anh Mười. Rít một hơi thật sâu vào buồng phổi rồi nhẹ nhàng thở ra, trong cái không gian mát rượi những làn gió đã xua tan khói thuốc, Ký chậm rãi nói:

- Thú thật với anh chị, cách đây vài năm khi em có ý định đăng vào lính thợ để được cơ hội sang Pháp, em tìm về nhà cũ ở Chợ Lớn để từ giã nhưng than ôi. Lối xóm cho biết là sau khi em bỏ nhà thì một thời gian ngắn cả gia đình em cũng dọn nhà và không biết đi đâu, có người nói rằng có thể đã quay trở về Trung Hoa. Bây giờ em cũng là một người vô gia đình đúng nghĩa rồi anh chị ạ.

Chị Mười ồ lên một tiếng và nói:
- Vậy thì hai đứa cùng một hoàn cảnh, thôi thì để chị đi coi thầy xem ngày nào tốt làm một mâm cơm, cúng vái ông bà tổ tiên cho danh chính ngôn thuận rồi từ từ kiếm lại gia đình của em sau.

- Dạ, em cảm ơn anh chị.

Anh Mười khẽ đập vào vai nói:
- Cái gì mà anh chị, từ rày về sau phải gọi là cậu mợ nghe chưa!

- Dạ, Em xin cảm ơn cậu mợ Mười.

Chị Mười cười dòn ran:
- Cái thằng này.

Thế chiến thứ hai chấm dứt, nước Pháp suy nhược vì chiến tranh. Muốn khôi phục lại kinh tế nước nhà thì cách nhanh chóng và hay nhất là lấy tiền của người khác làm tiền của mình. Bán đảo Đông Dương là một tài nguyên phong phú nên Thực dân Pháp không cam tâm bỏ mất. Nhưng lúc này người dân Việt Nam đã có tầm nhìn khác trong thời gian Pháp đang bị Đức xâm chiếm và cai trị. Sự chống đối trực diện hay ôn hòa xảy ra và khiến nhiều Pháp kiều; người có đầu óc thực tế từ từ bán những tài sản hiện hữu tại Việt Nam để chuyển sang bên Pháp.

Ông phó giám đốc hãng xe hơi tên Sạc (Charles) biết anh Mười ở gần hương lộ 15 (route provinciale n°15) nên có ý định nhờ anh tìm người mua miếng đất của ông nằm trên hương lộ này, tọa lạc giữa 2 khu chợ Bà Chiểu và Gò Vấp. Anh Mười giới thiệu hai vợ chồng Ký đang tìm chỗ cất nhà, ông gọi vào văn phòng hứa hẹn:

- Moa giữ đất dùm cho toa, cất nhà ở bên hông còn bao nhiêu thì bán.

Ngay buổi chiều hôm ấy, Ký và anh Mười vội vã đi coi đất. Vị trí rất thuận lợi gần đường rày xe lửa xuyên nam bắc và nhất là cũng có một đường xe lửa nhỏ nội thành từ ga Gò Vấp Xóm Thơm chạy thẳng đến Sài Gòn đi qua những giao lộ Bình Hòa, Bà Chiểu, Đất Hộ Đa Kao.Vị trí đắc địa nhưng không người nào dám bỏ tiền mua chỉ vì một lý do là phía trước khu đất, một cái giếng đã lấp kín mà dưới giếng là xác 12 chiến sĩ trận vong đã bị quân Pháp giết trong thời kỳ tầm vông vạt nhọn chống Pháp.

Trở về giai đoạn kể từ khi Ký bỏ nhà ra đi, bà dì vô cùng hối hận vì một cái tát tai. Những năm chung sống lúc nào bà cũng cố gắng chu toàn thương yêu chìu chuộng Ký, nhiều khi hành động của Ký không làm bà hài lòng nhưng câu ca dao tục ngữ mà bà từng biết qua văn chương Việt Nam:

“…Dì không mang nặng đẻ đau
Đứt dây mà xót thương bầu bí ơi!
Kệ cho bánh đúc mấy đời
Người ăn người lại nói lời nghiệt cay
Sang ngang một chuyến đò đầy
Sông sâu run cả vòng tay đôi bờ
Đêm nay cánh cửa khép hờ
Dì không ngủ được nằm chờ bước con.”
(khuyết danh)

Mấy ngày nay cả nhà rối tung lên vì sự bỏ đi của Ký, cái câu mẹ ghẻ con chồng cứ nghe xầm xì vào lổ tai. Bà quyết định giao con cho chồng và cố tìm Ký cho bằng được.

Ngang qua khu chợ đang xây dựng tại xóm Bình Tây, một công viên nhỏ mà ở giữa là một vòi nước. Khi bà ghé đưa miệng vào uống từng ngụm nước, mắt ngẩng đầu lên nhìn. Một bức tượng bán thân mà phía dưới là hàng chữ Quách Đàm, người sáng lập chợ.

Mình cũng họ Quách, bà thầm nghĩ trong đầu. Ông Quách Đàm chính là một đồng hương người Hoa của dòng họ, ông đến Sài Gòn bằng một đôi ve chai thu mua vật liệu phế thải mà bây giờ lại bỏ tiền xây chợ với mục đích đầu cơ một trung tâm buôn bán thương mại. Cách làm ăn này bà biết rõ, lúa gạo miền nam thật là trù phú mình phải bắt chước ông ta.

Thế là bà vội vã quay trở về nhà, bàn luận với chồng. Trong thời gian đi dò hỏi tung tích Ký, bà lặn lội tìm đến tận gốc thu mua lúa gạo ở miền Tây nhờ tàu bè chuyên chở đến Chợ Lớn.

Ngày qua ngày khi có một số vốn trong tay, cả nhà dời ra khu vực bờ sông Sài Gòn lập những chành lúa gạo mà buôn bán và sinh sống.

Cuộc đời từ đó trở nên thịnh vượng, những đứa con của bà, đứa em của Ký được học trường Tây. Một tương lai sáng lạn trải thảm nhung sẵn sàng chờ đón. Những năm đầu, trong tuần lễ ngày sinh của Ký bà thường đăng báo tìm kiếm trên những tờ Phụ Nữ Tân văn, Nam Kỳ Thời báo…

Chuyện đời xảy ra không một ai lường trước được, khi thật sự nhà của bà ở phía bờ sông Sài Gòn mà bây giờ có tên gọi là Bến Chương Dương chỉ cách đại lộ Catinat, hãng xe của Ký làm việc không đầy 2 cây số và đôi lúc Ký đã từng đạp xe ngang qua trường Taberd mà không ngờ rằng em của mình đang có mặt trong trường này.

Thế mới biết:

Chuyện đời thường, không lường trước được
Dòng thời gian, như nước chảy qua
Đi tìm hạnh phúc thì ra
Gần trong gang tấc mà xa nghìn trùng“
(HND.)

Trong những tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh, nếu không viết về đất Sài Gòn Gia Định thì thôi. Quyển sách nào mà nhắc đến đất Gia Định xưa, thì cái địa danh Xóm Gà là nơi dừng chân an nhàn dưỡng già cho những nhân vật ông Đốc, ông Phủ.

Xóm Gà là một địa danh quen thuộc đã có từ trước thực dân Pháp xâm chiếm miền Nam. Có một truyền thuyết cho rằng nơi đây là trại nuôi gà đá của Đức Tả Quân Lê văn Duyệt.

Những hương lộ mang số 15 (Lê Quang Định), 18 (Hoàng hoa Thám), 20 (Ngô tùng Châu)... bao quanh Xóm Gà bằng những rừng tre, hàng cây sao, cây bàng to lớn tạo nên những khu rậm rạp mà người dân phải gọi là rừng non.

Khi hai vợ chồng Ký về cất một ngôi nhà tranh vách ván nền đất, chung quanh đã có nhiều nhà cư ngụ nhưng đại đa số là chiếm đoạt đất công hay của những Pháp kiều mà họ không biết ai là chủ đất.

Hằng ngày đi làm, Ký không còn phải đạp xe bởi vì gần nhà là một trạm ga xe điện. Lúc này các chuyến xe lửa nội thành không còn chạy bằng toa kéo đầu xe lửa mà đã thay thế bằng xe điện.

Bắt đầu từ ga Xóm Thơm Gò Vấp, đường rày xe lửa chia nhiều nhánh nhỏ tạo thành nhiều hướng khác nhau. Hướng xe điện đi về phía những nhà ga: Đông Nhì, ngã chắn Xóm Gà, Bình Hòa và ngừng tại chợ Bà Chiểu dọc theo đường làng số 15.

Từ chợ Bà Chiểu, xe điện lấy thêm khách chạy thẳng qua một cây cầu sắt để vào Đất Hộ-Đa Kao. Song song với chiếc cầu sắt xe điện này là cây cầu Bông, mà đã có một câu hát quen thuộc hầu như ai ai cũng biết:

Ai đang đi trên cầu Bông.
Té xuống sông ướt cái quần ni long…”

Xe điện rời ga Đất Hộ quẹo theo đường Rue de Bangkok (Mạc đĩnh Chi) để đến đường Norodom (Thống Nhất), rồi đi dọc đường Boulevard Luro (Cường Để) chạy thẳng tới Bến Bạch Đằng, đường Charne (Nguyễn Huệ); nơi Ký xuống để đi làm tại hãng xe ở đại lộ Catinat (Tự Do), xe điện chạy tiếp rồi quẹo vào đường De Somme (Hàm Nghi) và cuối cùng là chợ Bến Thành; ga Sài Gòn.

Sau khi ông Ngô đình Diệm lên làm Tổng Thống, xe điện đã dừng hoạt động và việc chuyên chở công cộng lại trở về bằng xe thổ mộ.

Những buổi chiều đi làm về, một hạnh phúc tràn ngập trong lòng mỗi khi bước xuống ga Đông Nhì, nhìn thấy vợ ẵm con ra chào đón. Tiếng bi bô của đứa trẻ, tiếng ríu rít mừng vui hỏi thăm của vợ khi trao con cho chồng bế theo con đường nhỏ trở về căn nhà hạnh phúc; có giàn mướp trước hiên, hàng chuối cao chạy dài bên hông và phía sau những cây vú sữa, cây mận, cây mãng cầu trồng xen kẽ những bụi ớt đang ra trái.

Rồi biết bao đêm trăng sáng, lòng trằn trọc không ngủ được, Ký châm điếu thuốc ra ngồi ngoài hiên nhà mà suy nghĩ mông lung. Không biết ba và các em cùng bà dì kế mẫu đang lưu lạc phương nào, có ung dung thảnh thơi hưởng cái hạnh phúc gia đình, tuy không giàu có nhưng cơm no áo ấm giữa chuyển biến chính trị của thế giới trong khuynh hướng 2 đàng Quốc gia và Cộng sản.

Nhìn những vì sao trên trời lung linh ẩn hiện, không biết ngôi sao nào là vì sao bổn mệnh của mình? Ngôi sao nào là của người thân? Phải chi ngày đó mình đừng quá tự ái, kềm chế nóng giận. Hoặc mình khoanh tay xin lỗi hay phải chi mình đừng bỏ nhà đi hoang. Ký tự nhủ thầm: Một thằng con trai trưởng trong gia đình, rồi bất ngờ Ký chảy nước mắt khi từ trái tim vang dội những thổn thức Pá ơi! Dì ơi! Các em ơi! Mọi người đang ở đâu?

Ký ức ngày xưa từ từ trôi vào quên lãng, con cái lần lượt trưởng thành. Mỗi lần các con hỏi thăm về gia cảnh dòng họ bên nội. Ông Ký chỉ giải thích vắn tắt:

- Ba cùng ông nội từ bên Tàu đến Sài Gòn kiếm sống rồi bị thất lạc, không biết bây giờ ông nội còn sống hay đã mất rồi.

40 năm trôi qua, tất cả đã chìm vào quên lãng. Ông Ký đã về hưu, mảnh đất của ông Tây tên Sạc đã bị chia năm xẻ bảy, nhất là trong thời gian nền Đệ nhất Cộng hòa ra đời. Người dân miền Trung đổ vào Xóm Thơm lập nghiệp mở hãng dệt, rồi hợp thức hóa giấy tờ, không còn ai nhớ nổi cội nguồn của miếng đất này nữa.

Năm 1970, có một cặp vợ chồng từ Tây Ninh chạy loạn sau biến cố Tết Mậu Thân vào trú ngụ ở xóm trong, buôn bán qua ngày. Một buổi sáng nào đó ông Ký từ trong nhà đẩy chiếc xe gắn máy mà không cẩn thận làm người vợ ngã xuống đất, ông hốt hoảng xin lỗi và đưa tay nâng chị đàn bà lên. Khi bàn tay của ông vừa chạm vào thì chị ta bỗng chụp lấy tay ông thốt lên:

- Chú hai ơi chú đang gặp vận may rồi đó, cháu thấy ánh sáng tỏa ra quanh người của chú giống như hào quang trên tòa Thánh Tam Kỳ Phổ Độ ở quê cháu đó chú hai.

Ông Ký ngạc nhiên hỏi:
- Chị té có nặng không, có đau nhức chỗ nào không? Chị nói gì mà tui không hiểu gì hết.

Người đàn bà tiếp:
- Có một sự may mắn sẽ đến giúp đỡ, sẽ đem lại cho chú giàu sang tột cùng. Hay là chú phải đi mua vé số liền đi chú.

Người chồng đứng kế bên nói vào:
- Vợ con lâu lâu lại bị bà nhập đó chú hai, mà nhiều lúc nói cũng linh nghiệm đó chú. Chiều nay nếu chú rảnh, xin mời chú vào nhà tụi con để nó xem cho một quẻ.

Ông Ký cười thầm trong bụng, chắc là muốn quảng cáo coi bói đây mà, nhưng ông cũng giả lả:
- Thôi được để tui mua vé số hôm nay. Nếu mà trúng thì tui xin biếu chị một phần.

Vài tuần lễ sau, trên đường từ Sài Gòn về nhà, ông không như thói quen mà bỗng dưng chạy dọc theo con đường Phan đình Phùng, con đường có nhiều tàng cây me thoáng mát cho buổi chiều vừa nhạt nắng.

Chiếc xe gắn máy đang chạy bỗng khịt khịt liên hồi rồi không chịu chạy tiếp nữa. Là một thợ máy hơn 40 năm vật lộn với dầu nhớt, ông biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tấp vội vào bến xe lam bên vệ đường và cắm cúi quan sát nguyên nhân.

Một cánh cửa sắt bên hông căn biệt thự sang trọng mở hé ra, tiếng chó sủa vang rền. 2 con chó bẹt rê to lớn chạy về phía ông vội bị khựng lại vì sợi dây ghì từ phía sau bởi một người đàn bà trung niên. Một ông già cầm cây gậy ba ton lững thững từng bước chân chậm rãi bước theo. Ông Ký ngẩng đầu nhìn và đầu óc bỗng quay cuồng. Chẳng lẽ là Pá của ông! Ông khóc lúc nào mà ông cũng không biết.
50 năm đã trôi qua, nhưng những nét quen thuộc của ba ông không bao giờ phai nhòa trong tiềm thức.

Ông cụ nhìn chăm chăm vào khuôn mặt đầm đìa nước mắt của ông Ký rồi buông rơi cây gậy ba ton, ngồi bệt xuống đất thở dồn dập, một tay chặn lồng ngực một tay như vẫy gọi ông lại gần:

- Nị là thằng Ký? Thằng Ký có phải không?

Hai cha con ôm chầm lấy nhau ở giữa đường đi bộ, chỉ có tiếng khóc thút thít, bao nhiêu lời nói không thốt lên vì nỗi vui mừng rào rạt của hai trái tim già cằn cỗi, hai mái đầu bạc xen lẫn vào nhau.

Từ xa người đàn bà trung niên tay ghì hai con chó, dõi đôi mắt ngạc nhiên nhìn hai ông già đang ôm khóc mùi mẫn cho đến khi ông cụ cất tiếng gọi:

- Con sen đâu rồi, mầy chạy vô nhà kêu bà ra đây ngay, nhớ kêu luôn chú tài dẫn chiếc xe gắn máy này vào nhà.

Một lúc sau, có tiếng chân vội vã chạy ra.

Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau trong tiếng nức nở nghẹn ngào: Ký ơi! Con ơi! Dì ơi!

Tất cả thành viên trong nhà gồm đủ hai người đàn bà giúp việc và chú tài xế, không ai ngăn được niềm xúc động tột cùng. 50 năm, một nửa thế kỷ. Cuộc hội ngộ bất ngờ vô tiền khoáng hậu vì chiếc xe chết máy ngay trước căn nhà của người cha đã thất lạc đứa con trai đầu lòng.

Tiếng đầu tiên của dì thốt lên:
- Đúng là thằng Ký đây rồi! Trời ơi sao mà nó giống ông như in vậy kìa. Khuôn mặt chữ điền, râu quai nón, tóc quăn và nhất là cặp lông mày rậm hơi chênh chếch. Ký con ơi, con có biết là dì thương nhớ con biết dường nào không con?

- Dạ con biết, con xin lỗi dì.

Ông nghẹn ngào nói qua nước mắt.

Bà dì bỗng lớn tiếng nói:
- Ông gọi điện kêu con Ba thằng Tư bỏ hết công chuyện về đây ngay. Mà cũng gọi hết mấy đứa khác nữa nha.

Đưa bàn tay vuốt lên mái đầu bạc hoa râm của ông Ký, bà nói tiếp:
- Con sống hiện giờ ở đâu, vợ con thế nào?

Ông Ký thuật sơ về gia cảnh của gia đình trong khi bà dì lúc nào cũng nắm giữ bàn tay của ông, nắm chặt như sợ rơi mất như năm nào vậy.
- Tội nghiệp con tôi, tội nghiệp cho con tôi. Bà dì chép miệng nhìn ông Ký bằng một đôi mắt trìu mến.

- Để từ từ rồi con về đây ở chung nhà như ngày xưa nha con, nhà rộng lắm. Nhà này là của con Ba đó con, chỉ có ba, dì và con Ba mà thôi. Mấy đứa khác đều ra riêng, ở nhà khác cũng gần gần trong thành phố.

Ông Ký giật mình:
- Cái biệt thự này là của em Ba? Chồng nó làm gì mà giàu quá vậy dì?

- Nó chưa có chồng, lo học rồi lo làm kinh doanh nên không chịu lấy chồng. Nhà này tự tay nó bỏ tiền mua lúc các em con thành tài. Bây giờ nó có một hãng bào chế thuốc tây nên cũng gọi là thành đạt.

Ông Ký tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Hãng bào chế thuốc tây? Em Ba là dược sĩ?

Tiếng ba ông xen vào:
- Ừ, con Ba là dược sĩ, thằng Tư là bác sĩ, còn thằng Năm là Kỹ sư, con Út sáu là giáo sư đại học. Tất cả đều do dì của con một tay đào tạo đó con.

Trong lòng Ký bất chợt trào lên những nỗi niềm; mừng vui khi biết các em mình đều vinh hiển sang giàu nhưng niềm tủi hổ bỗng nghẹn ngào cay đắng cho thân phận của mình. Cái dư âm lời nói “Tất cả đều do dì của con một tay đào tạo,” nghe như một mũi dao đâm thẳng vào lồng ngực.

Cái câu ca dao Việt Nam mà từ nhỏ ông đã thuộc lòng, bây giờ tự đáy lòng của ông vẫn còn văng vẳng:

Mấy đời bánh đúc có xương
Mẹ tôi, dì ghẻ cũng thương con chồng.

MẸ ƠI! CẤY MÁ ƠI!

Hồ Danh Ngọc

No comments:

Post a Comment