Saturday, May 20, 2023

Truyện ngắn Từ Thức: VVH

VVH là V.Văn Hoá. V. là cái tên tắt, vì đưa tên cúng cơm của thiên hạ ‘đi nhựt trình’ là điều nên tránh. Văn hoá là chuyện sẽ giải thích sau.

Tôi gặp lại V. trên phi trường trong khi chờ đổi máy bay. Tôi chờ đi Gibralta cho sở làm. V. đi Rio de Janeiro, dự một cái hội nghị gì đó.

V. nói gặp ông ở đây, may quá. Mấy lần tới Paris, gọi điện thoại cho ông, không thấy trả lời.

V. bô bô, những người chung quanh quay lại nhìn, làm tôi ngượng.

Cái ngượng ấy tôi cảm thấy mỗi lần gặp một đám du khách Tầu ở khách sạn hay tiệm ăn, gào thét như vỡ chợ. Ngượng lây vì da vàng, tôi không phải là người Tầu, chưa phải là người Tầu.

Bá Dương nói sở dĩ người Tàu nói chuyện như chửi nhau, vì họ vốn là nông dân. Ở ngoài đồng, gió to, phải gào lên mới nghe được.

Nước mình sắp trở thành Tàu, ồn ào như họ cũng là điều tốt, sau này dễ giả dạng thường dân.

Tôi nhìn V, từ đầu đến chân, không nhận ra một chút gì quen thuộc.

Sau 75, thỉnh thoảng gặp lại những người quen sau nhiều năm lưu lạc. Sau những năm “cải tạo” hốc hác, những năm túi bụi lao động tốt ở hải ngoại, nhiều ông thạch sùng biến dạng, nhận không ra; nhưng vài phút sau, có một nét gì đó khiến ta dần dần nhận ra những khuôn măt cũ.

Sau nửa giờ, tôi vẫn không tìm thấy một chút gì quen thuộc ở V.

V. diện bảnh bao, quần áo vào loại đắt tiền – người trong nước gọi là hàng xỉn, nhưng cái quần xanh, cái áo veste vàng chửi nhau, cái cà vạt sặc sỡ rất nhiều mầu, đôi giầy ‘đơ cu lơ’ đen trắng có vẻ ‘bức xúc’ với đôi vớ tím có hoa hồng đỏ, không anh nào muốn diễn biến hoà bình với anh nào.

V. nói hình như ông đã đi Bơ Rê Din và Cu Ba, làm ơn cho tôi địa chỉ những nơi du hí.

Phải vài giây, mới đoán Bơ Rê Din là Brésil hay Brasil, cu ba không có gì tục cả, là xứ của Fidel Castro. Cũng như đọc sách báo trong nước, phải vài phút mới biết Xác Tơ Rơ là Sartre, ông Giăng Pôn Xác Tơ Rơ, bạn văn và người tình của bà Xi mon Đơ Bô Voa .

Trong khi lúi húi viết vài địa chỉ ở Brésil và Cuba, mặc dầu không tin chúng tôi có chung một sở thích, tôi tự hỏi người ngồi trước mặt là cái ông cha căng chú kiết nào.

V. nhắc đến nhiều chi tiết về tôi, đúng bong, không chạy đâu được.

Tôi không dám thú mình đã quên V., chỉ ậm ừ, hay nói vuốt đuôi, câu giờ, vô thưởng vô phạt, hy vọng trí nhớ hoạt động bình thường trở lại.

Cái trí nhớ càng ngày càng lười, năng xuất yếu.

Hôm trước tôi xếp hàng nửa giở ờ nhà bưu điện, đọc hết một tờ báo. Đến lượt tôi, cô bưu điện da đen hỏi: ông muốn gì. Chết cha, tôi xếp hàng để làm gì nhỉ? Cô bưu điện nói thôi ông đứng sang bên cạnh, tôi lo cho bà đứng sau, chờ khi nào ông nhớ ra tới đây để làm gì. Tôi đứng, suy nghĩ một cách khoa học, đến bưu điện để làm gì: không phải để uống la de, không phải để làm massage Thái, không phải để mua thịt ba chỉ về kho tầu, hay dầu con hổ về thoa rún. Lấy tiền thì chưa cần. Tôi nói với bà Bưu điện: tôi nhớ ra rồi, tôi muốn gởi một cái thư bảo đảm. Bà ta hỏi: cái thư của ông đâu? Bonne question. Cái thư đang nằm nơi nào, ở tiệm café, tiệm bánh mì, sạp báo?

V. nói tháng Tư tôi ghé Paris, thế nào cũng gặp lại.

Tôi hỏi ghé Paris có chuyện gì, V. nói lại mấy cái hội nghị văn hoá ấy mà. Hội nghị ở Ma Rốc, nhưng người ta nói Ma Rốc gần Paris, hai giờ máy bay, tại sao không ghé chơi.

V. cười híp mắt :
- Bây giờ có đứa nó gọi tôi là ‘V. văn hoá’ ông ạ. Cứ hội nghị, hội nghiếc quanh năm. Mình đéo biết văn hoá, văn hiếc mặt mũi nó thế nào, nhưng có cơ hội, mình không hưởng, thằng khác nó hưởng. Thiên hạ cũng đéo hơn gì mình, ông ạ. Nhiều thằng dốt đặc, một chữ cắn làm tư đéo biết, cũng leo lên đầu lên cổ thiên hạ, làm bố mình, ông ạ. Cái xứ mình bây giờ nó thế.

Cái xứ mình bây giờ nó thế. Câu ấy, tôi nghe nhiều lần. Sinh hoạt và ưu tư chính của người mình bây giờ là chụp giựt. Nhân sinh quan của đất nước là chụp giựt, tìm mọi cách cưỡi lên đầu nhau. Cái xứ mình bây giờ nó thế. Từ đây, ta cứ gọi V. là V. Văn hoá , viết tắt là VVH cho tiện việc sổ sách.

VVH nói :
- Mình tiếng tây, tiếng Mỹ mù tịt, nghe thiên hạ nói cứ như vịt nghe sấm, ù ù càng cạc, nó nói nó nghe, vậy mà tụi ngoại quốc nó cũng nể mình ra phết ông ạ. Chắc nó sợ người Việt đánh Tây đánh Mỹ.

Tôi nghĩ tới một ông lớn Việt Nam được một ký giả Mỹ phỏng vấn, có thông dịch viên, khoe với bạn bè là rất được Mỹ kính nể, ‘'nó cứ kêu mình là sir, các ông ạ”.

VVV bắt tay tôi, xách va-li đi, cái đầu rụt vào như con rùa già, vai còng xuống, chân đong đưa chữ bát.

Cái dáng đi rất đặc biệt ấy, cái “vòng chân chờ đợi” khiến tôi vụt nhớ ra, và khuôn mặt V. dần dần hiên ra, quen thuộc.

Bây giờ tôi mới hiểu tại sao tôi không nhận ra V: anh ta trắng trẻo ra, mập mạp hơn trước.

Nhưng cái thay đổi tích cực nhất là hàm răng, trắng nhởn, mới làm lại, đều đặn, có hàng lối chỉnh tề, trật tự, lễ phép, không liên hệ gì đến hàm răng cải mả cũ, xiên ra, xiên vào, lởm chởm như hàng rào ấp chiến lược Ngô đình Nhu khi tôi gặp V. lần đầu.

***
Tôi gặp V. lần đầu năm 80 hay 81 gì đó, do một người quen giới thiệu.

Lúc đó kinh tế khó khăn, ở Việt Nam đồng dollars còn hiếm, tiền đầu tư của nước ngoài và tiền của những khúc ruột ngàn dặm chưa đổ về như nước.

Lúc đó người di tản chân ướt chân ráo đến xứ lạ, chưa đủ nuôi mình, chưa gởi tiền về, chưa được coi là khúc ruột ngàn dặm, còn là khúc ruột thừa, suốt ngày bị đưa ra nhục mạ, phỉ báng. Bên thắng cuộc còn đang dạy dân là ăn bo bo vừa ngon vừa bổ, trầm trồ trước cái nồi cơm điện, cái bút ‘’nguyên tử’’, ngỡ ngàng trước cái nhà cầu giựt nước trong Nam, chưa ngồi trên hàng trăm triệu dollars, chưa lấy tiền gấp thuyền cho con chơi như ngày nay.

Bà con một vị có vai vế trong Đảng, V. được chọn đi dự môt khoá tu nghiệp gì đó ở Paris.

Người bạn nhờ chỉ dẫn những ngày V. ở Paris, vì đó là lần đầu V. trèo lên xe đò, lần đầu leo lên máy bay, lần đầu ra khỏi xóm.

Nể lời người bạn, tôi nhận lời gặp V, miễn cưỡng. Hẹn V. ở một quán cà phê khu Latin.

V. đến trễ nửa giờ vì lạc đường. Da ngăm ngăm đen, nhỏ choắt như một trái táo tầu khô, hậu quả của nhiều năm đói khổ. Răng hô, chưa thấy người đã thấy răng.

V. ôm một cái gói to tổ bố dưới nách.

Đó là những cuộn giấy toilettes, V. tịch thu ở cầu tiêu công cộng, nơi V. đang theo khoá tu nghiệp.

- Những cuộn giấy còn mới nguyên, ông ạ. Lại có mùi thơm nữa. Vậy mà nó ngu thật, để một đống, không lấy cũng uổng.

Không lấy cũng uổng cũng là một triết lý của người Việt ngày nay.

V. có nhã ý tặng tôi những cuộn giấy còn mới nguyên, lại có cả mùi thơm nữa. Coi như món quà ra mắt.

Tôi từ chối nhận quà, nói đi lang thang suốt ngày, ít có cơ hội xài.

V. có hơi thất vọng, và ngạc nhiên, thấy có người từ chối một món quà quý như vậy, có người không tích cực chia sẻ cái triết lý không lấy cũng uổng, cái văn hoá chụp giựt của quê hương.

Tôi hỏi V. uống gì, V. đọc đi đọc lại cái menu nhiều lần, cuối cùng lựa một ly café. Sau này, V. thú thực không biết uống café, uống nà nhức đầu niền, nhưng lựa ly café vì giá rẻ nhất. Vả lại, những món khác, V. không biết nó là cái gì. Sau khi gồng mình uống nửa ly cà phê, V. rụt rè nhờ một chuyện :

- Người ta bảo ở Paris có cái tiệm vải giá rẻ, Ta-ti, ta tiếc gì đó, nếu ông đưa giúp đến đó thì quý quá.

Và giải thích :
- Đi về phải có chút quà ông ạ. Biếu những người họ cất nhắc, cho mình đi. Ông nghĩ, đi Paris ai không ham. Mình không biết điều, nần sau chỉ ăn cám. Mà giá cả ở Paris, tôi thấy ớn nạnh, đéo dám đụng đến. Nếu không có ông, chắc không dám vào tiệm cà phê đâu, ông ạ. Một ny cà phê bằng mấy kí gạo, khiếp quá. Tôi cũng muốn mang cho vợ một mảnh vải Tây, nghĩ cũng tội, suốt đời rách rưới.

V. đéo một cách rất lễ độ. Ngày nay, người ta đéo một cách rất tự nhiên.

Tôi đã kể nhiều lần, chuyện ngồi nói chuyện với vài cô du sinh (bây giờ người ta không du học nữa, chỉ du sinh, ra nước ngoài để sống) mới sang Pháp. Thấy họ là những người hiếm hoi còn để tâm tới chuyện đất nước, tôi hỏi: theo các cô, liệu sẽ có thay đổi gì ở Việt Nam hay không. Một cô, rất xinh, rất lễ phép, trả lời: Thưa bác, theo con nghĩ, sẽ đéo có thay đổi gì đâu, bác ạ.

Cái vẻ thành thực, tồi tội của V. khiến tôi có cảm tình. Ở một xã hội bình thường, V. có thể là một người tốt. Vấn đề là V. sống trong một xã hội bất bình thưòng.

Tôi đưa V. đi Tati ở Barbès.

Đó là một cái siêu thị vải vóc quần áo giá rẻ vô địch ở nước Pháp, của một người Do Thái. Ông ta, như những người Do Thái, là một thiên tài về thuơng mại, là người đầu tiên có sáng kiến nhập cảng vải vóc từ Maroc và Tàu sang Pháp, bán với giá cực rẻ cho người bình dân ê càng vì giá cả ở Paris.

Từ một cái tiệm nhỏ bằng manh chiếu, ông ta mua hai ba tiệm, rồi dần dần chiếm cả một khu phố. Thứ Bẩy, Chủ Nhật nhà nước phải mở thêm những chuyến xe điện ngầm tới khu Barbès Rochechouart để thiên hạ đi sắm đồ Tati, như đi trẩy hội. Ông ta chết, để lại cơ nghiệp cho con trai. Ông con trai bán tiệm. Có người nói vì ông ta mê Phật Giáo, theo Đạt Lai Lạt Ma đi khắp nơi, bỏ bê việc kinh doanh. Sự thực là ngày nay hàng hoá Tàu tràn ngập, nhiều nơi bán rẻ hơn cả Tati. Công ty mua lại Tati cũng bỏ cuộc, đóng cửa cái tiệm 8 ngàn thước vuông ở Barbes và chi nhánh Tati ở khắp nơi.

V. đi hết sạp này, tới sạp kia, ngắm nghía, sờ mó, nắn vuốt từng mẫu vải, đi hết dưới nhà tới trên lầu, vẫn chưa mua được gì.

Tôi bực mình hơn là đưa đàn bà đi siêu thị.

Tôi nói với V. sẽ ngồi trong một tiêm café bên cạnh, chờ V. mua xong. Tôi uống hai ly bia, đọc hết tờ báo, làm xong một bài thơ tình ướt át than mây khóc gió, tưởng nhớ một người tình tưởng tượng trên giấy trải bàn, ngủ ngáp ngủ dài, mãi mới thấy V. trở lại với một cái túi nylon Tati, bên trong lèo tèo hai mảnh vải.

V. nói nhiều hàng đẹp quá ông ạ, nhưng đắt quá, mua đéo nổi, mua vậy thôi, biếu các anh lớn, vợ con nghĩ lại cũng chưa cần.

Đó là lần đầu tiên tôi nghe có người than đồ Tati đắt quá.

Tôi đưa V. về chỗ trọ.

Hôm sau, tôi ghé Tati, mua một chồng vải, xách gẫy cánh tay không bằng giá mua một cái áo chemise ở những nơi khác. Tôi đưa tặng V., nói tình cờ kiếm ra một cái tiệm nó bán đổ bán tháo, giá rẻ không bằng nửa giá Tati.

V. xúc động ra mặt, lúng túng, không biết phải làm gì để cảm ơn, cuối cùng nói: khi nào ông về Việt nam chơi, cho hay, để gia đình chúng tôi được tiếp rước .

Tôi không ngờ mấy thước vải Tati có thể gây hiệu quả đến thế.

Có người gọi tiệm vải rẻ tiền là Université Tati, đại học Tati.

Nhiều ngưòi trong nước qua Pháp tu nghiệp, được tuyển chọn theo nguyên tắc CCCCC, con cháu các cụ cả, túi không có ba chữ Tây làm vốn, vào trường ù ù càng cạc, không hiểu mô tê gì, cả ngày kéo nhau ra Tati mua vải gởi hay mang về nước kiếm sống. Những thước vải rẻ tiền sẽ trở thành xa xỉ phẩm ở một xứ lúc đó bói không ra que diêm, sợi chỉ.

***
Bây giờ, tôi nhận ra V.

V thay đổi như kinh tế Việt Nam thay đổi. Nói đúng ra kinh tế của những người có quyền hành, hay được ăn ké với quyền hành, vì bên ngoài, dân đen càng vẫn tiếp tục đói rách, nheo nhóc.

Bộ quần áo nhiều mầu trên người, cái đồng hồ Rolex trên tay, bộ răng sửa lại có hàng lối, đội ngũ nghiêm chỉnh, chứng tỏ V. không còn là V. của đại học Tati nữa. V. chỉ cái đồng hồ vài chục ngàn dollars trên tay: cũng là của anh lớn vứt cho đấy, ông ạ. Bây giờ Rolex là đồ bỏ, người ta xài Patek Philippe, sang hơn. Giá một chiếc Patek Philippe bằng một đời lương của người lao động tốt.

VVH nói khi nào ông có dịp đi Úc, nhớ ghé chơi, V. mới mua một cái trang trại khang trang, không xa Sydney, dần dần đưa vợ con qua định cư.

V. nói: nói thực với ông nhá, bây giờ ở Việt Nam có tiền cũng đéo biết ăn cái gì cho khỏi độc, đéo biết tính toán gì cho con cái, ngoài chuyện dạy nó chụp giựt.

Tôi khen V. ăn nên làm ra. V. nói có làm ăn gì đâu ông, chỉ có cái may được ăn ké mấy anh lớn.

Hôm trước tôi gặp một cô du sinh, 16, 17 tuổi gì đó, quê mùa đặc, dù quần áo sang trọng, mới sang Pháp, dù tiếng Pháp chỉ đủ để chào ông, chào bà. Cô ta nói nhà ở khu Trocadéro, nhìn ra tháp Eiffel. Tôi nói thuê nhà ở đó giá cắt cổ, thước đất thước vàng. Cô bé cười tươi: nhà mua bác ạ, tội gì đi ở thuê.

V. nhìn trước nhìn sau, ghé tai tôi: tôi chỉ là tép riu thôi ông ơi, thiên hạ có dinh cơ, cơ sở làm ăn ở Pháp, ở Canada, ở Mỹ. Bạc triệu đô la là chuyện vặt. Ông có chức lớn, chỉ ký một cái giấy phép xây khách sạn, nhập cảng xe, xây chung cư, thương xá, ăn 10, 15 % là tiền ông đốt cũng không hết. Chưa nói mua máy bay, tàu bò, võ khí, gọi là để phòng thủ đất nước.

Nghe chuyện đốt tiền, tôi nghĩ tới một bài báo nói về cái mode mới ở Việt Nam: những tay đại gia đốt hàng mã cho người chết, không phải đốt tiền giấy, áo giấy như ngày xưa. Người ta đốt xe Mercedes, laptop Toshiba, cellphone Apple. Một cái xe Mercedes, làm bằng lụa thượng hạng Nhật Bản, có thể lên tới cả chục ngàn dollars.

Người ta kể chuyện một ông lớn xây một cái mộ cho cha tốn mấy trăm ngàn dollars, đốt 2 chục ngàn đô hàng mã, đãi tiệc bằng thịt những con thú rừng loại hiếm, được Liên Hiệp Quốc đưa vào danh sách thú vật bị đe dọa diệt chủng. Nhậu những thứ nhập cảng đắt tiền là chuyện nhàm, phải nhậu những đồ quốc cấm, vừa lạ, vừa quý, vừa chứng tỏ mình có quyền ngồi xổm trên pháp luật.

Ông ta trước đây là một nhà cách mạng nhiệt thành, vào sinh ra tử, sẵn sàng hy sinh tính mạng để xây dựng xã hội chủ nghĩa, công bình, bác ái, thế giới đại đồng.

Sau 75, ông ta đi dọc Việt Nam, từ Bắc vào Nam theo đoàn quân giải phóng, nách ôm một món quà quý, một ký lô đường nội hoá, vào biếu ông anh sống trong đất ngụy đói rách. Tới nhà ông anh, một biệt thự ở đường Trần Quý Cáp, ông ta ngượng ngập giấu gói đường vàng đã bắt đầu chẩy nước trong tay áo.

Sau này ông ta chiếm luôn cái biệt thự của ông anh bị đưa đi cải tạo, sau khi được thưởng một dinh cơ lớn ở trung tâm Sài Gòn.

Nhân tiện, V. nhờ tôi hỏi cách nhập cảng vài cái máy in lớn loại Rank Xerox cho một công ty bán công bán tư. Tôi nói nếu công ty vài chục người, chỉ một cái máy in cũng dư xài.

V. cười típ mắt: các ông ngây thơ thật, ngây thơ như thế, các ông có chống Cộng hết hơi, chúng tôi vẫn phây phây. Nếu ông chỉ mua một cái máy, ông ăn gì ? Chia chác ba bốn cấp, đến tay ông còn cái giải rút. Cứ mua 5, 6 cái, làm thịt tiền hoa hồng cái đã. Nếu khôn ngoan, ông bảo nó làm hoá đơn giả, trả một khai ba. Nhiều cái máy nhập cảng về, vẫn còn nguyên trong thùng; mà có khui ra cũng đéo ai biết xài. Giấy chỉ dẫn cách xài của nó viết bằng tiếng Tây, tiếng Đức, bố ai hiểu.

- Hôm trước khi đi, V. tiếp, tôi đến văn phòng một anh bạn. Ngạc nhiên thấy trụ sở tiếp nhiều khách mà bàn ghế cũ kỹ, khổ hạnh quá. Ông ta than: bàn ghế mua mấy lần rồi ông ơi, toàn là hàng xỉn. Nhưng hàng vừa giao là mỗi ông xách một hai cái về nhà. Nói ra chỉ thù oán, gặp người có rễ lớn, chỉ thiệt thân. Thôi thì thiên hạ lấy, mình cũng lấy vài cái. Không lẽ chỉ có vợ con mình chịu thua thiệt ?

Trước cái nhìn ngây thơ của tôi, V. khoái chí, miệng cười tới mang tai:
- Đó chỉ là cò con, trò vặt ở cấp nhỏ. Cứ tưởng tượng ông ký giấy nhập cảng một cái tàu, một cái máy bay. Hay ông quyết định làm đường, xây khu thương mại, ông mua đất của nông dân trong vùng, giá rẻ như bèo, một sớm một chiều tấc đất thành tấc vàng. Thằng nào chống lại, ông đổ lên đầu nó cái tội lớn là tội chống nhà nước. Có tiếc đất, tiếc ruộng, cũng cắn răng mà chịu. Loạng quạng đi tù mục xương, bỏ con cái ở nhà đói khát. Không lẽ kiện củ khoai ; thôi thì chín bỏ làm mười, bỏ của chạy lấy người. Đất nước mình bây giờ nó như thế, ông ạ.

Tôi nghĩ tới chuyện kinh doanh ở nước Nga, thời hậu Cộng Sản. Nhà nước muốn tư hữu hoá các doanh nghiệp. Có anh chỉ nhờ quen lớn, mua được một cơ sở làm ăn, chạy qua bên kia đường, bán lại gấp 700 lần giá mua.

Tôi nghĩ tới một ông thầy cũ, bây giờ trên 80 tuổi, nhà cửa bị tịch thu, sống trong nghĩa địa, ăn ngủ với người chết, suốt ngày cặm cụi lượm mấy cái ve chai, bán, lấy tiền đong gạo. Có 2 cô con gái, một cô lấy chồng Đài Loan trên 80 tuổi, một cô lấy một ông người Hàn đã có vợ, tối ngày hầu hạ cả họ nhà chồng; nhưng chưa cô nào gởi cho bố một đồng như vẫn mơ ước, vì chưa trả xong tiền cho những người môi giới và chạy chọt giấy tờ.

Trước khi chia tay, VVH nói:
- Kỳ tới tôi sang, ông phải đưa tôi đi du hí Paris bai nai một chuyến.

Tôi đã nghe chuyện V. đi du hí Paris by night.

V. và một anh lớn nhờ một tay thổ công ở Paris dẫn đi ăn tiệm. Một tiệm ăn sang, 3 sao, nổi tiếng.

Pháp là xứ ăn chơi, tiệm ăn đươc gắn 3 sao chỉ dành cho người thừa tiền. Một bữa ăn vài trăm Euros, một chai rượu bạc ngàn, hay chục ngàn Euros, nếu là rượu quý.

Mỗi năm guide Michelin lựa những tiệm ăn được gắn sao. Tin tức chạy trang nhất các báo, mở đầu bản tin 20 giờ trên TV, quan trọng hơn tin thành lập tân nội các, hay chiến tranh bùng nổ ở Trung Đông.

Những tiệm ăn được gắn 3 sao vay tiền ngân hàng, tuyển dụng thêm nhân viên, sửa sang cửa tiệm, mở thêm khách sạn bên cạnh, hay bãi đậu trực thăng nếu ở khu rộng rãi, để khách thập phương về thưởng thức món ăn dễ tới và có chỗ nghỉ ngơi.

Ông anh lớn nhìn cái thực đơn, nói: cái món này đắt nhất, ăn thử xem ra sao. Đó là caviar Beluga Impérial, 350 euros ba mươi grammes. Ăn xong, ông ta phán: đéo mẹ, đắng bỏ mẹ, thua cái dồi chó của ta, các ông ạ.

Chuyên viên về rượu của tiệm ăn khuyên một chai Oenothèque Dom Pérignon, rất hợp với caviar, nhất là Beluga, nhưng ông anh nói với ông thông ngôn: hợp hiếc đéo gì, bày vẽ. Cứ gọi một chai rượu đỏ.

Nhấm nháp ly rượu đỏ Pétrus, ông ta đòi vài cục đá lạnh, uống cho mát ruột. Ông thông ngôn can: rượu quý của nó, ông cho đá lạnh vào, nó kiện, ông ạ.

Ông lớn cười ha hả, khiến cả tiệm ăn giựt mình. Đéo mẹ, ông muốn uống kiểu gì, bố thằng Tây cũng không cản ông được.

Ông lớn là con một nhà cách mạng có vai vế.

Nông dân nghèo, thất học, ông bố theo cách mạng từ nhỏ, nổi tiếng vì can trường, coi tính mạng mình, và nhất là tính mạng người khác như pha, cứa cổ thiên hạ như cắt tiết gà. Nhờ can trường, lừa lọc, ông leo thang danh vọng rất nhanh.

Cấp tướng, dẫn một đoàn quân chiến thắng vào Nam, với quyết tâm thực hiện cách mạng vô sản, xây dựng thế giới đại đồng, vài chục năm sau ông trở thành một đại gia.

Cái anh nông dân ngày nào tự nguyện, và tự tay chôn sống một ông chú, bị kết án địa chủ gian ác vì có vài sào ruộng, một con heo nái, một đàn gà, ngày nay là một triệu phú được kính nể, đứng đầu một gia tài trên dưới nửa tỷ dollars.

Ngày nay gần đất xa trời, ông trao hết việc thực hiện cách mạng vô sản, xây dựng thế giới đại đồng, việc kinh doanh trong và ngoài nước cho con trai, con gái, con dâu, vợ cả, vợ lẽ, đào nhí chính, đào nhí phụ, chỉ nghĩ đến việc ngày đêm lên chùa tụng kinh, niệm Phật. Cũng vui, vì lên chùa có dịp uống ly rượu, vỗ đùi, ôn quá khứ oanh liệt với thượng toạ chủ trì, cũng là đại uý công an, vào sinh ra tử, trong khi con cháu ngày nay, bạc bẽo, không đứa nào hỏi han gì tới sự nghiệp cách mạng của ông, ngưỡng mộ một thằng đá banh, một anh nhóc nhẩy nhót hát nhạc Hàn Quốc, hơn là một anh hùng đã đánh Tây, dẹp Mỹ, huy chương đầy ngực.

Lịch sử dẫn người ta đi vào những nẻo đường bất ngờ. Ngày nay ngồi trên nửa tỷ dollars, ông không hy vọng gì được hưởng cuộc sống của một người vô sản, cái mộng khiến ông đã hăng say cứa cổ mổ bụng không biết bao nhiêu tên phản động, nhưng ông vẫn kiên trì thực hiện giấc mộng đó cho đồng bào của mình.

Ông chán đời, buồn cho thế sự, chỉ còn một đam mê là việc sai bảo mấy thằng kiến trúc sư vẽ lăng mộ cho ông, nhập cảng đá quý từ Ý, vạt rừng xẻ núi, xây một cái mộ hoành tráng, trên 2500 thước vuông đất, trên một ngọn đồi được coi là một trong những thắng cảnh đẹp nhất nước, được du khách ngưỡng mộ. Tướng tá, họ có cái thú ăn đất khi còn sống, cũng như khi đã chết. Đó là một cái sở thích rất Việt Nam; các đại gia hay vĩ nhân nước ngoài, họ chỉ biết nằm chết trong một ngôi mộ nhỏ, với một tấm bia đơn giản đề tên, năm sinh năm mất.

Thiên hạ nói chuyện văn hoá chỉ là phụ, nhiệm vụ chính của V. là đi rửa tiền cho các anh lớn.

Tôi bán tín bán nghi, nghĩ V. chữ nghĩa đâu mà liên lạc, làm ăn với ngân hàng. Thực ra đó chỉ là lo hão. Tiền bạc làm được nhiều phép lạ.

Tôi hỏi kỳ này hội họp văn hoá ở Maroc về đề tài gì, V. cười khành khạch: bố ai biết nó bàn chuyện gì, nó nói nó nghe, ông ạ.

V. có sẵn một bài phát biểu học thuộc lòng, đem ra xài trong mọi trường hợp, mình cứ lói tiếng Việt, ló dịch cho ló nghe, trong đó V. ca ngợi tư tưởng Hồ Chủ Tịch, tinh thần chiến đấu quật cường của dân tộc Việt, đã từng chiến thắng hai cường quốc mạnh nhất thế giới, và đang quyết tâm xây dựng một quốc gia dân chủ, cộng hoà, độc lập, tự do, hạnh phúc.

Nhìn V. Văn Hoá chân đi chữ bát, cong lưng kéo chiếc va-li Vuitton trên 2 ngàn Euros, bô bô om xòm như chửi nhau với người bạn bên cạnh, coi thiên hạ như pha, tôi tự nhiên thấy tiếc cái anh V. quê mùa, ngượng nghịu, tay ôm cuộn giấy vệ sinh tổ bố tới làm quà, trong một tiệm cà phê khu Latin ngày nào

No comments:

Post a Comment