Friday, May 26, 2023

QUÊN SAO ĐƯỢC MÀ QUÊN

Hồ Thị Ngọc Trang

Lần đầu tiên anh Tô Thùy Yên đọc bài thơ TA VỀ trước cử tọa mấy chục người là ở nhà của chúng tôi trong một buổi họp mặt, thật ra bữa ăn giỗ. Đó những năm gần cuối thập niên 1980 và anh Yên mới từ nhiều trại “cải tạo” trong Nam ngoài Bắc trở về. Ngoài người lớn trong gia đình như anh Chánh, anh Cường và chị Nhung, vợ chồng tôi cùng các bạn như anh Đoàn Tường, anh Tâm, Anh Yên và chị Bích, còn có thêm một đám thiếu niên là các con cháu trong nhà. Chừng ấy người, già trẻ lớn bé, lắng nghe bài thơ dài 124 dòng được đọc liên tục bằng giọng miền Nam hào sảng và chậm rãi của tác giả.

Để nói về tuyệt bút của bài thơ thì muôn vạn lời vẫn chưa đủ, chỉ biết chắc một điều là người nghe như uống từng câu, từng chữ. Theo anh Cường đây là bài hành hay nhất. Anh Tâm đặc biệt thích câu: 

Ta về như bóng chim qua trễ/ Cho vội vàng thêm gió cuối mùa.” 

Nghiễm thích nhất câu: “Ta gọi thời gian sau cánh cửa”. Bầu không khí lúc ấy tôi không biết phải diễn tả thế nào. Lũ trẻ không chắc hiểu đươc bao nhiêu nhưng cứ tròn mắt và há miệng nghe các chú bác, các cô dì và cha mẹ chúng trao đổi với nhau.

Trong 31 khổ thơ, có ít nhất 3 khổ tác giả dành trọn vẹn cho người vợ, cũng là người bạn thanh mai trúc mã, chị Bích. Chị có mặt ở đó, ngay bên cạnh anh, nở nụ cười hiền dịu mà không nói câu nào trong khi mọi ánh mắt đều đổ dồn về chị:

Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đã trổ bông
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông
Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau
Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm

Có thắc mắc rau mác là rau gì? Anh Yên bảo nó giống lục bình, nhưng lục bình trôi nổi trên mặt sông, còn rau mác thì mọc cố định ở chỗ ngập nước. Anh nhắc câu ca dao miền Nam: 

Chờ nhau cho đáng kiếp chờ/ Chờ cho rau mác lên bờ trổ bông.”

Quả thật âm hưởng ca dao trong toàn bài như Thơ đề vạt áo, núi lở sông bồi, ngựa đá qua sông, ruột mềm như đá, tinh đẩu nhạt mờ…” cứ thế trôi đi tự nhiên và nhuần nhuyễn. Với hình ảnh từ CHINH PHỤ NGÂM, “nơi gió cát” (Chàng từ đi vào nơi gió cát) và “thềm nhà bụi chuối” (Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên) dành cho người vợ chờ chồng trong bài thơ TA VỀ nghe càng thấm thía vô cùng!

Sau đó, có lẽ nhằm phần nào xua đi không khí nghiêm trang và cảm động, tác giả bắt đầu pha trò: Thơ tôi: “Mười năm mặt sạm soi khe nước/ Ta hóa thân thành vượn cổ sơ” thế mà mấy đứa con tôi đòi sửa lại “… Ta hóa thân thành vượn Darwin”. Tiếng cười vang lên, nhất là từ đám thiếu niên. Phản ứng từ phía người lớn cũng giãn ra. Anh Tâm không chịu từ “thương khó” trong đoạn:

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương khó quá, sống thờ ơ
Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ
Khách cũ không còn, khách mới thưa”

Anh Tâm bảo từ “thương khó” nghe ra Ki-tô quá. Anh Yên đáp lời ngay: “Đúng, đâu có mấy ai dùng! Mấy đứa con tôi (Tôi sực hiểu té ra các con anh là những độc giả đầu tiên của thơ anh) nói: Ba hay ghê, ở tuốt nơi xa xôi mà ba cũng biết ở đây, bây giờ, nhà thương nó khó lắm. Có bệnh dễ gì được vào nhà thương!” Thế là, ôi thôi, một trận cười vỡ nhà bùng lên không dứt.

Đến câu: “Ta về dẫu phải đi chân đất/ Khắp thế gian này để gặp em” thì anh Chánh, ông anh lớn của tôi, môt người rất hài hước, nói: “Ối giào! Đi chân đất có gì là ghê gớm! Dân mình trước đây làm gì có guốc dép mà đi. Trước khi lên giường ngủ chỉ hai xoa ba đập là xong!” Và lại một trận cười vỡ nhà nữa!

Buổi đọc thơ và bình thơ hôm ấy có sững sờ thán phục, có cảm động rưng rưng, có hài hước tếu táo như vậy thì… quên sao được mà quên!

Hồ Thị Ngọc Trang

Chú thích: Bản thảo với thủ bút của tác giả. Đinh Thạch Trung là một bút hiệu khác của Tô Thùy Yên






No comments:

Post a Comment