Thursday, May 4, 2023

Những câu chuyện đượm tình người vẫn luôn hiện hữu trong thế giới của chúng ta

18 Tháng Tư 2023
BỊ MẤT TIỀN MUA VÉ
Cậu bé Souma (17 tuổi) bị mất ví tiền ngay trước khi mua vé máy bay để về quê tham dự tang lễ của người bác. Trong ví có 60 nghìn yên là số tiền cậu dự định để để mua vé máy bay. Cậu vô cùng hoảng loạn vì đó là số tiền rất lớn với một học sinh, lại lo lắng không thể tới kịp đám tang.

Một người đàn ông không quen biết thấy Souma ôm đầu buồn bã ngồi ở nhà ga đã đến hỏi thăm. Sau khi nghe cậu bé kể lại câu chuyện, ông đã đưa cho cậu 60 nghìn yên không chút chần chừ. Nhờ sự giúp đỡ của người đàn ông này mà cậu bé tội nghiệp đã kịp mua vé máy bay trở về quê.

Khi mọi chuyện đã thu xếp ổn thoả, Souma mới nhớ ra là khi nhận tiền của người đàn ông, vì quá vội vã nên cậu chỉ kịp nói tiếng cảm ơn rồi ‪chạy‬ đi mua vé máy bay ngay. Cậu thậm chí còn chưa kịp hỏi tên và cách liên lạc của người đàn ông đã giúp đỡ mình. Không còn cách nào khác, Souma đã nhờ trường học liên lạc với báo chí địa phương để tìm ân nhân. Cậu bé muốn trả lại số tiền mình đã vay và nói lời cảm ơn thêm một lần nữa.

Chỉ trong thời gian ngắn, cậu bé đã tìm được danh tính của người đàn ông tốt bụng. Ông là bác sĩ Kanoya Hiroshi (68 tuổi), là trưởng khoa đột quỵ-thần kinh tại bệnh viện Imusu Miyoshi tỉnh Saitama. Một người đồng nghiệp của ông sau khi đọc bài báo trên đã kể cho ông.

Ông Kanoya Hiroshi xúc động nói rằng:
– Thấy cháu ấy tìm tôi để cảm ơn, tôi cảm động đến phát khóc. Thật may mắn vì tôi đã tin tưởng cháu ấy.

Cậu bé Souma cũng vui mừng nói:
– Cháu vui quá, vui tới mức ngay lập tức muốn liên lạc cho ông. Giờ trong lòng cháu ngập tràn xúc động, nhớ lại lúc được ông giúp đỡ…

Mấy ngày trước, bác sĩ Kanoya Hiroshi kể cho một người quen nghe câu chuyện mình cho một cậu bé 60 nghìn yên, khi không hề biết bất cứ điều gì về cậu. Khi ấy người ta đã đã cười nói và nói với ông rằng “Ông bị lừa rồi đấy”. Nhưng cuối cùng vị bác sĩ tốt bụng đã chứng minh được: Ông đã tin tưởng và trao sự giúp đỡ cho đúng người.

BÁN ĐÚNG GIÁ
Đó là một ngày cuối đông gió lạnh, ông Phillips kết thúc ngày làm việc và chuẩn bị rời văn phòng về nhà thì nhớ ra vợ đã nhờ ông mua một cân chuối. Vừa xuống đường, ông đã nhìn thấy một người phụ nữ lớn tuổi trông có vẻ ốm yếu đang ngồi bán chuối ở bên vệ đường. Do không có nhiều thời gian, ông quyết định sẽ mua chuối của bà cụ này mặc dù bình thường ông thường có thói quen mua sắm ở một siêu thị cách đây vài dãy nhà…

Dù hằng ngày vẫn đi qua con đường này nhưng chưa bao giờ ông Phillips chú ý tới sự hiện diện của bà cụ. Gương mặt bà không lộ ra vẻ khắc khổ mà chỉ phảng phất nỗi buồn xa xăm xen lẫn sự hiền lành. Bà ngồi yên lặng nhìn dòng người qua lại, thi thoảng thì lau sạch những quả chuối tươi đang bị bám bụi.

Ông Phillips bước lại phía bà cụ và hỏi về giá của một cân chuối. Bà nhìn ông hiền từ đáp rằng:

– Mỗi cân chuối bà bán với giá 7 đô-la.

Nghe vậy, ông Phillips ngay lập tức không hài lòng:
– Ở siêu thị tôi hay mua chỉ bán có 5 đô-la một cân thôi. Tại sao bà bán rong mà giá cao hơn nhiều như vậy? Nếu bà bán với giá 5 đô-la tôi sẽ mua.

Người phụ nữ thành thật trả lời:
– Xin lỗi ông, tôi không thể bán với giá đó được. Tôi có thể bán cho ông với giá 6 đô-la, tôi không thể hạ giá hơn được nữa. Đó là giá thấp nhất rồi.

Ông Phillips đặt túi chuối vừa mới cầm trên tay xuống rồi nói với bà cụ:
– Vậy thì thôi, tôi không mua nữa.

Ông Phillips quyết định đi đến siêu thị mà ông vẫn thường mua, lựa chọn một túi chuối và tới quầy thanh toán tiền.

Ông vô cùng ngạc nhiên khi được biết mỗi cân chuối ở đây có giá 10 đô-la. Ông hỏi người thu ngân:
– Tôi đã mua chuối ở đây mấy năm rồi. Lần này tăng giá cao quá, cô có thể giảm giá cho khách hàng lâu năm như tôi không?

Người thu ngân bắt đầu giải thích:
– Xin lỗi ông, nhưng đó là giá cố định. Chúng tôi không chấp nhận mặc cả.

Ông Phillips suy nghĩ một vài giây và đặt túi chuối trở lại. Ông quay về quầy bán của bà cụ ban nãy. Ngay lập tức bà cụ nhận ra ông, bà nói:

– Nếu tôi bán cho ông với giá 5 đô-la, tôi sẽ chẳng kiếm được chút tiền lãi nào. Mong ông thông cảm!

Ông nhìn bà với ánh mắt thông cảm:
– Bà không phải lo về điều đó, tôi sẽ trả bà 10 đô-la một cân. Bà bán cho tôi 2 cân nhé!

Người phụ nữ vô cùng ngạc nhiên và vui mừng, bà cân cho ông Phillips 2 cân chuối rồi nói:
– Tôi không thể lấy của ông 10 đô-la được nhưng tôi sẽ bán với giá 7 đô-la. Tôi vô cùng biết ơn lòng tốt bụng và sự hào phóng của ông.

Lúc này, ánh mắt bà thoáng buồn và giọng bà bỗng dưng trầm xuống. Bà nói:

– Chồng tôi đã từng sở hữu một cửa hàng bán hoa quả nhưng không lâu sau thì ông ấy mắc bệnh. Chúng tôi không có con cái hay người thân nào giúp đỡ. Tôi đã bán cửa hàng để lấy tiền chữa trị cho ông ấy nhưng ông ấy vẫn không thể qua khỏi…

Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt bà cụ đầy nếp nhăn và lấm tấm đồi mồi của bà. Nhìn bà cụ khắc khổ trong gió rét với đôi tay run rẩy vì lạnh cóng, ông Phillips dường như cảm nhận được tất cả những thăng trầm mà bà đã trải qua.

Bà cụ đã nói tiếp:
– Tuy nhiên tôi không hề cảm thấy bất hạnh. Ít nhất tôi vẫn còn có thể đi bán chuối để kiếm sống. Tôi trân trọng tất cả những gì mình đang có và sẽ không mãi đau khổ vì những điều đã qua.

Ông Phillips bỗng cảm thấy vô cùng khâm phục sự lạc quan, mạnh mẽ và tốt bụng của bà cụ. Ông nói:

– Kể từ ngày mai tôi sẽ chỉ mua chuối của bà.

Nói rồi, ông đưa thêm cho bà 100 đô-la, dặn dò:
– Bà cầm lấy số tiền này để mua thêm nhiều loại hoa quả khác nữa. Nếu bán đa dạng các loại hoa quả thì sẽ đông khách hơn. Bà cứ coi đây là số tiền tôi trả trước nhé.

Bà cụ nghẹn ngào xúc động, cầm lấy số tiền và cảm ơn ông Phillips.

Kể từ đó, ông Phillips chỉ mua hoa quả của bà cụ. Ông cũng giới thiệu bạn bè tới mua cho bà cụ. Với sự ủng hộ và giúp đỡ của ông Phillips và những khách hàng khác, công việc buôn bán của bà cụ ngày càng thuận lợi, cuộc sống cũng nhờ đó mà tốt hơn.

Người tử tế, họ hiểu rằng, khi làm một việc tốt hay việc xấu, nó sẽ đều quay trở lại với mình trong tương lai, không gần thì xa.

by Nguyenbmh

Viên Ngọc Quý
Hôm nay, cửa hàng của thương gia giàu có nhất thành phố tưng bừng đón tiếp bạn hàng từ phía bên kia bờ biển xa xôi đến mang theo hàng hóa là ngọc quý.
Không khí rộn rã không phải chỉ vì ngọc quý mà hôm nay còn là ngày đầu tiên con trai của thương gia tập học nghề buôn ngọc do đích thân cha mình truyền lại.

Chàng trai chăm chú ngắm nhìn những viên ngọc tỏa đủ màu sáng lấp lánh và lắng nghe từng lời chỉ dẫn của cha. Rồi chàng kinh ngạc khi thấy cha mình lấy trong hộc bàn ra một viên đá sần sùi, nhìn nó thật là thô cục trong những ngón tay cha chàng cẩn trọng nâng niu.

Chàng hỏi:
– Thưa cha, có phải viên đá này mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn? Một kỷ vật chẳng hạn?

Người cha bật cười:
– Con trai của cha ơi, đây là viên ngọc thô chưa được mài dũa, thoạt trông như những viên đá bình thường, chỉ người tinh thông trong nghề mới nhận ra đó là ngọc quý. Chính những viên đá như thế này mới đem lại món tiền lời rất lớn vì người bán không biết đó là ngọc quý. Con vừa nói đến kỷ vật, thì nó sẽ trở thành kỷ vật để nhắc cha con ta nhớ mãi ngày hôm nay. Hãy nhìn đây.

Chàng trai “ồ” lên xuýt xoa trầm trồ. Dưới những ngón tay tài tình của người cha, viên đá sần sùi được đẽo thành hình viên bi tròn trịa tỏa ánh sáng đều khắp như một ngọn đèn và những mảnh vụn khi đẽo gọt rơi xuống khiến mặt bàn sáng rực lên.

Giữa lúc ấy, bầy ngỗng cất tiếng kêu ồn ào. Là nhà thương gia nuôi ngỗng giữ nhà thay cho nuôi chó. Cũng là để thể hiện sự đặc biệt của nhà giàu có. Chó thì nhà nào cũng có, còn bầy ngỗng xinh đẹp này vừa biết báo tin khi có người lạ và cũng vừa là để trang trí cho cảnh vật thêm phần đặc sắc.

Người cha và chàng trai cùng nhìn ra cổng, họ thấy có một nhà sư đi khất thực ngang qua. Chàng trai quá phấn khích trong ngày đầu tiên học nghề mà được chiêm ngưỡng một viên ngọc toàn bích như vậy, chàng nhét vội viên ngọc vào túi áo và chạy ra cổng. Sau khi lệnh cho bầy ngỗng ngừng kêu quang quác, chàng xin nhà sư ngừng lại để chàng được cúng dường.

Nhà sư dừng lại chờ đợi.

Chàng trai chạy vô nhà để lấy thức ăn. Vì chạy nhanh nên vạt áo của chàng trai xốc tung lên, viên ngọc rơi xuống.

Lầm tưởng viên ngọc óng ả là một loại hạt ngon lành, con ngỗng đầu đàn lanh lẹ chạy đến…

Nhà sư thốt đưa tay ngăn cản nhưng không kịp, con ngỗng đã đớp lấy viên ngọc và rướn cổ nuốt chửng. Rồi nó nhìn nhà sư như là khoe “Ta nhanh hơn ông, thấy không?”

– Ôi, ngỗng ơi – Nhà sư kêu lên.

Chàng trai từ trong nhà đi ra, mang theo một bát cơm nóng thơm dẻo và đĩa thức ăn thơm phức ngon lành.

Chàng cung kính sửa sang lại vạt áo để quỳ xuống dâng cúng cho nhà sư. Tay chàng chạm vào túi, không thấy viên ngọc đâu.

Chàng trai cuống cuồng tìm kiếm ở những nơi mình vừa đi qua – trên đường từ phòng học việc ra cổng, trên đường từ cổng vào bếp, và trên đường từ bếp ngược ra cổng.

Tất cả các nơi đều không có ai. Tất cả gia nhân đều đang bận công việc ở những nơi khác. Chỉ một mình chàng trai, và… Ngay cả khi vào bếp cũng chính tay chàng xúc cơm và lấy thức ăn.

Không có ai, chỉ có chàng trai và nhà sư mà thôi.

Chàng đưa mắt nhìn nhà sư, người đang đứng yên lặng từ nãy giờ.

Tràn đầy nghi ngờ, chàng trai cất giọng giận dữ:
– Hãy trả lại viên ngọc quý giá cho tôi.

Nhà sư lặng thinh không nói gì.

Thái độ yên lặng và bình thản của nhà sư càng làm cho chàng trai thêm tức giận, chàng lớn tiếng mắng mỏ và gọi gia nhân bắt trói nhà sư lại, đồng thời cho mời hương chức đến để tra hỏi.

Nhà sư yên lặng chịu đựng lời lẽ khinh bỉ của mọi người và hình phạt tra tấn của hương chức. Mỗi gậy quật xuống thì thêm một lằn lưng rướm máu, sức vóc có hạn, sau hai chục gậy thì nhà sư không chịu đựng được nữa, té xỉu và ngất lịm.

*
Con ngỗng đầu đàn bỗng cất cánh bay lại bên nhà sư và cất tiếng kêu quàng quạc, gặp ngay lúc cây gậy từ tay hương chức vụt xuống, con ngỗng không kịp né tránh, nó rú lên đau đớn rồi gục xuống. Tiếng rú khiến nhà sư tỉnh lại. Nhìn thấy con ngỗng đã chết, nhà sư đưa tay vỗ về nó và lâm râm đọc kinh cầu siêu.

Trong cơn tức giận căng tràn, chàng trai ra lệnh cho đầu bếp làm thịt ngỗng ngay kẻo để lâu sẽ bị ươn, uổng phí.

Khi người đầu bếp mổ con ngỗng, viên ngọc hiện ra.

Nhìn thấy viên ngọc, sau giấy phút sững sờ, chàng trai quỳ sụp sát chân nhà sư cầu xin người tha thứ cho sự xúc phạm khủng khiếp mà chàng trót gây ra.

Không muốn con trai cưng của mình bị mang tội nói lời độc ác, người cha phân bua bằng câu hỏi:
– Người nhìn thấy con ngỗng nuốt viên ngọc phải không?

Nhà sư khẽ gật đầu.

– Vậy tại sao Người không nói ra trước để đến nỗi con trai tôi lầm lỗi đến vậy?

Nhà sư nhẹ nhàng trả lời:
– Nếu ta nói thì ắt con ngỗng sẽ bị giết để lấy lại viên ngọc. Sao ta làm điều ấy cho đành?

*
Viên ngọc trở thành kỷ vật thiêng liêng đối với cha con thương gia, nó nhắc cho họ nhớ lòng từ bi vô hạn của nhà sư.

Kể từ đó, cha con thương gia phát nguyện ăn chay để chuộc lại lỗi lầm của mình. Và cũng từ đó, cửa nhà họ luôn rộng mở sẵn sàng giúp đỡ kẻ khó khăn người cơ lỡ.

Nguồn: Tiểu Bộ Kinh – Tập VIII
Nguyên Hương viết lại

No comments:

Post a Comment