Monday, May 8, 2023

Lụa Bạch

 
Tôi thẫn thờ vào nhà. Con Thư ngồi khóc trên giường. Tôi hỏi, cuối câu mới ra tiếng:
- Có gì lạ không, con?

Nó nín khóc:
- Dạ, ông mục sư tới hỏi có cần gì không. Con nói nhà mình Công giáo, chắc không, nhưng có gì ba sẽ điện thoại.

Tôi thấy nó trưởng thành. Nó tiếp:
- Cô Trang gọi, nói để cô mang xôi với gà quay tới.

Tôi càu nhàu:
- Con trả lời sao?

- Dạ, con nói con biết nấu cơm.

Tôi dịu lại:
- Bà ấy nói gì nữa không?

- Dạ không.

Tôi vào phòng ngủ lục tìm cái áo dài và cái quần lãnh của Hiền. Mấy chục năm trời, áo quần tôi được xếp thẳng thướm đâu vào đó; nếu sai lệch, thiếu sót một tí, tôi chỉ việc càu nhàu một tiếng là Hiền lôi ra ngay - đây là cái áo sơ-mi có cầu vai anh chê chật cả mấy năm không mặc, đây là đôi vớ len, đây là bộ pyjama anh nói giống áo tù Do-thái... Bây giờ tôi lục tung cả tủ áo cũng không kiếm ra cái áo dài lụa trắng.

- Ba tìm cái gì vậy?

Con Thư đứng ở cửa phòng tôi từ bao giờ. Hy vọng nó không nghe thấy tôi càu nhàu.
- Cái áo dài của má.

- Để làm gì, bây giờ?

- Mặc cho má.

- Áo màu gì cơ, Ba?

- Lụa trắng.

Từ ngày mẹ bệnh, rồi vào nhà thương, con bé đã cai quản trong nhà như bà cụ non, xó xỉnh nào cũng biết. Nó tìm được cái áo và cái quần tôi muốn. Tôi nói:
- Con tháo hết các nút bấm ra.

Con Thư ngoan ngoãn, lấy dao bào, rồi ngồi bệt trên sàn trong phòng nó ở tầng dưới, bắt đầu tháo. Hết khóc, nhưng nấc đều đặn, nó hỏi:
- Tại sao lại phải gỡ bỏ nút ra, Ba?

Tôi trả lời:
- Quần áo mặc cho người chết kỵ kim loại.

- 'Kỵ' là gì?

Nó sanh ở nước ngoài, chưa rành tiếng Việt. Tôi giải thích:
- Kỵ là ... không ưa, không hợp.

- Con chắc chẳng cái gì kỵ má đâu.

Đâu có đơn giản như vậy. Tôi nghĩ bụng thế, nhưng không biết đáp lại ra sao, nói:
- Phong tục người mình như vậy. Mình cứ làm như vậy thôi, con.

Mọi khi thì nó đã liến thoắng hỏi lại cho ra lẽ, nhưng bây giờ, nó hết linh hoạt, hết tò mò. Đứa con gái vừa mồ côi mẹ 12 tiếng đồng hồ, đầu cúi xuống thúc thủ, tháo mấy cái nút bấm một cách chăm chú, chứng tỏ là nó không muốn cái gì kỵ mẹ nó cả. Những ngón tay của nó giống hệt tay tôi, nghĩa là dài mà xương xẩu, chứ không mượt mà như tay mẹ nó.

Nó còn nấc liên tục, lòng tôi nhoi nhói, sợ kim đâm vào ngón tay non nớt, lọng cọng của nó.
- Lúc con nấc thì ngưng tay đi, không kim đâm.

- Con có biết lúc nào nấc đâu.

Tôi lên nhà trên, khe khẽ mở tủ chè mà nó vẫn nghe, nó hắng giặng rồi nói, không cằn nhằn:
- Ba uống rượu hả?

Tôi không trả lời, rót rượu. Nó không phản đối. Tôi uống một hớp, cảm thấy như con thuyền đang quay mà chống được con sào xuống đáy sông.

Tôi ngồi xuống cái ghế bên cạnh, "chống" thêm vài hơi nữa. Bần thần tay chân, tôi kéo cái hộc tủ: mấy tờ biên lai đòi tiền, cái thư cần trả lời, cục pin chưa biết xài rồi hay chưa, và mấy tấm hình chụp chung với vài cặp tân hôn, chưa biết gắn vào album nào ... Và một xấp giấy lời dặn của Hiền. Lời dặn cuối cùng được viết ở mặt sau cái biên lai Hiền đóng tiền cho tổ chức "Nhà thờ giúp trẻ em Sudan".

"Bố con ăn cơm với brocoli xào. Có trứng gà kho thịt trong tủ lạnh."

Tôi thuận tay lật vài tờ khác, lúc viết ở mặt sau cái phong bì cũ, lúc viết trên mặt sau một tờ giấy quảng cáo. Nàng viết vội vã để kịp chạy ra xe buýt đi làm trong lúc bố con còn ngủ. Nếu nàng đi làm về trễ thì câu dặn là:

"Chiều, Bố con nấu cơm sẵn chờ má về nấu canh chua. Gạo mới, đổ ít nước thôi"

"Mín nhớ phơi đồ!"

"Mín" là tên chúng tôi gọi nựng con Thư. Nó nấc một cái to rồi gọi:
- Ba ơi! Con đã tháo hết nút bấm rồi. Bây giờ làm gì, ba?

Tôi nói vọng xuống:
- Con kiếm một rẻo vải cắt từng khúc làm dây cột thay cho nút bấm.

- Ba nói gì, Ba?

Tôi khản cổ, không muốn nói to, lại cầu thang nhắc lại câu nói. Nghe ra, nó hỏi:

- 'Rẻo' là cái gì, Ba?

Tôi im lặng, nghĩ từ đây cả cái nhiệm vụ dạy tiếng Việt cho con cũng do một mình tôi. Còn việc nội trợ? Và quan trọng nhất, làm sao tôi duy trì trong nó đôi nét của người đàn bà Việt Nam như mẹ nó, như bà ngoại, bà nội nó? Tôi xuống kho lục cái áo cũ mong mỏng, cắt lấy một miếng dài, bề ngang bằng ngón tay.

- Đây là một 'rẻo' vải. Con gấp theo chiều dọc thế này rồi khâu hai mí lại. Xong luồn kim băng lộn ra thế này, thành sợi dây, cắt thành từng
đoạn ngắn, khâu vào áo và quần cho má.
- Ai chỉ cho Ba cách này vậy?

- Má.

- Hồi nào, sao Má không chỉ cho con?

- Hồi chưa có con.

Nhà tôi đông anh em và nghèo rạc. Không đủ ăn. Tôi thức đêm học dưới mái tôn nóng như cái lò hầm, đậu tú tài xong thì ho ra máu, nhưng vẫn cứ ráng ngoi lên đại học. May tôi đậu vào y khoa, mà chẳng may tôi phải đi chụp hình phổi, và lòi ra cái phổi lủng. Hồi đó nhà thương Hồng Bàng mới lập ra một khu điều trị riêng cho sinh viên, tiện nghi, sạch sẽ hơn các khu còn lại. Tôi được nằm đó, thùng thình trong bộ đồ bệnh bằng vải trắng ngà. Một hôm tôi mang bộ đồ cũ đi đổi. Người coi kho là một dì phước trắng xanh xao như cây chuối non. Dì hỏi:
- Bộ cũ rách rướm ra sao?

Tôi nhìn vào cái lúp giang ra như con diều trắng. Tôi nghĩ dì có thể bay được. Trả lời:
- Dạ, không rách, chỉ đứt mất dây cột.

Dì quay vào, cắt một rẻo vải dài, chỉ cho tôi khâu hai mí lại, rồi lấy cái kim băng ruôn vào, lộn trong ra ngoài. Những ngón tay trắng thoăn thoắt. Tôi được một sợi dây vải. Dì nói

- Con trai cũng nên biết may vá.

Rồi dì cắt sợi dây ra thành những đoạn ngắn và khâu vào áo cũ cho tôi.
Tôi đang thất vọng vì tưởng đi đổi đồ mới, lại chỉ được ba sợi dây, thì cô nữ tu trẻ bảo tôi chờ rồi vào kho lấy một bộ đồ mới, nói:

- Anh giữ cả hai bộ mà mặc. Bộ cũ còn dùng được. Nhớ giữ ấm cái phổi.

Được một năm, tôi tạm lành bệnh nhưng không còn đủ sức khỏe cũng như tài chánh để theo học Y khoa. Tôi bò vào Văn khoa để có thể vừa học vừa đi làm. Thời đó sinh viên đâu có việc gì thích hợp hơn là dạy kèm tư gia. Nhưng cái nhãn Văn khoa của tôi không cạnh tranh nổi với mấy người bên Khoa học, tôi phải đi bỏ báo. Một trong những nhà lấy báo, ông thầu khoán ở đường Trần Quí Cáp dặn tôi: "Trời mưa thì cậu đưa báo vào trong nhà. Cái thùng thư hở, ướt hết báo".

Một hôm trời mưa, tôi bấm chuông để đưa báo vào nhà thì vô cùng ngạc nhiên khi người che dù ra mở cổng là dì Phước phát đồ trong Hồng Bàng.

Trong thường phục và tóc trần ngắn, cô gái càng trẻ hơn, nhưng vẫn trắng xanh như cây chuối non. Chính cái vẻ xanh cớm đó làm cho tôi thấy chút quen thuộc gần gũi. Nàng niềm nở:
- Ủa! Anh đi bỏ báo... đúng vùng này hả?

Tai người nghèo dễ bị tổn thương vì những tín hiệu không rõ rệt. Nhưng tôi nhận ra trong câu nói ngập ngừng của nàng một tín hiệu thân thiện rõ rệt, rằng nàng ngạc nhiên về việc tình cờ tôi bỏ báo trúng nhà nàng, chứ không phải về chính việc bỏ báo hèn kém. Nhưng tôi lúng túng, không tìm được một câu trả lời nào thích hợp hơn một câu có vẻ ai oán:
- Nghèo quá, phải đi kiếm thêm, Soeur à.

Nàng hỏi rành rẽ như một cô y tá biết nhiều tên thuốc cho cùng loại bệnh:
- Anh thấy bỏ báo với dạy kèm trẻ em, việc nào đỡ vất vả hơn?

Tôi nói:
- Dạ, đương nhiên là việc kèm trẻ.

Nàng không nói gì nhưng tự nhiên tôi nghĩ rằng nàng sẽ giúp tôi. Hay ít nhất có ý định giúp tôi. Nàng mời tôi ngồi và đưa ra một ly nước cam vắt lạnh mát, nói:
- Anh uống để ngừa cảm. Trời mưa phải coi chừng cái phổi.

Lần đầu tiên trong đời tôi uống cam vắt để tủ lạnh, nhưng hơi mắc cỡ vì nàng còn nhớ tôi ho lao. Uống xong, tôi đưa ngón tay chùi thành ly như sợ có con vi trùng Koch bám vào?

Một tuần sau tôi nhận việc kèm cho chính thằng em trai nàng, tên Hưng.

Quen thân với Hưng rồi, tôi dò hỏi biết chị nó tên Hiền. Nàng đi tu dòng Saint Paul, học y tá bên Pháp về, mới phục vụ được hai năm thì phải tạm về gia đình vì lý do sức khỏe. Tôi có nhận xét hồi này, có lẽ nhờ về nhà, nàng bớt xanh xao, nước da trở thành hồng hào. Tuy làn tóc cắt ngắn đơn sơ nhắc tôi nhớ nàng là một nữ tu, tôi vẫn thấy bên dưới đó là cái gáy trắng ngần thanh tú. Và lần đầu tiên sau bốn tháng đi lại, tôi khám phá ra nàng có đôi mắt tuyệt trần. Như vầy: tôi thường dạy học ở phòng khách, nhưng khi có khách bất ngờ, chúng tôi lên sân thượng làm việc. Trên đó có cái bảng đen gắn vào tường một tầng lửng, chiếm khoảng một phần ba sân thượng. Một lần tôi tò mò hỏi Hưng phòng gì, nó nói nhà nguyện gia đình, và dẫn tôi vào xem. Phòng trần thiết cực kỳ đơn giản, nhưng mỹ thuật. Nền trải chiếu cói viền chữ thọ. Trên tường chỉ có một ngọn đèn dầu, ngọn lửa đỏ leo lét, huyền bí. Trần bằng nỉ khum khum xanh đậm. Hưng nói ban đêm bật đèn như bầu trời sao.
- Bàn thờ đâu?

Tôi hỏi. Nó chỉ vào một bộ tượng ba người, lớn cỡ người thật, bằng thạch cao trắng ở giữa phòng. Ông Phan Ngữ làm riêng cho ông bà bạn thầu khoán. Người đàn ông ngồi trên một cái ghế thật thấp chắc là Chúa Giêsu. Hai người đàn bà kia -một đứng xa xa, một ngồi bệt dưới sàn, bên chân Chúa, tôi không biết là ai, nhưng không muốn lộ sở đoản của mình về tôn giáo, tôi không hỏi Hưng. Chung quanh ba tượng người là mấy cái ghế thấp chủn, mà tôi tưởng người thật ngồi vào, sẽ dễ đàm đạo với Chúa và hai người đàn bà kia. Tôi chịu đó là một cảnh siêu thái.

Một hôm, cũng chạy khách lên sân thượng như vậy, nhưng nửa buổi học trời lại đổ mưa, chúng tôi phải vào nhà nguyện "tị nạn". Mở cửa, tôi thấy Hiền đang ngồi trên một chiếc ghế thấp, bên cạnh Chúa, đối diện với tượng người đàn bà ngồi. Nàng như nói tiếp câu gì đó với Chúa rồi mới ngước mắt lên nhìn tôi. Mắt nàng to, trong sáng, như cả người chỉ có đôi mắt. Như cả vũ trụ này chỉ có đôi mắt. Nàng mỉm cười chỉ tay vào một chiếc ghế trống:
- Mời anh ngồi nghỉ chân một chút.

Tôi ngồi nói chuyện bâng quơ với nàng. Tôi thích nghe cái giọng thanh bai dịu dàng hơn là nghe nàng nói gì. Và ngoài dự tưởng của tôi, Hiền tuyệt đối không nói gì về tôn giáo. Như mọi khi, Hiền sai em mang nước cam vắt lên cho tôi. Lúc thằng nhỏ đi lấy nước, là lúc yên lặng thiên thu. Tôi nhìn lên cái trần nỉ giả làm vòm trời, nghĩ dù là sao giả, chẳng bao giờ tôi nên với. Nàng cho biết có lẽ Chúa không gọi, vì cứ về nhà thì khỏe mà vô tu viện thì đau. Bệnh chi lạ, tôi nghĩ thế, nhưng hỏi sang chuyện khác:
- Tôi đoán đây là Chúa. Còn hai vị Bồ Tát này là ai?

Nàng cười vui, môi hồng lợt:
- Không phải Bồ Tát đâu, anh à. Người đứng là bà Marta. Người ngồi bên chân Chúa là bà Maria. Đây là một gia đình ở làng Bethania mà Chúa thường lui tới nghỉ ngơi và đàm đạo với ba chị em Marta, Maria và Lazarô. Ý nghĩa chính là để khuyến khích chúng tôi tĩnh tâm cầu nguyện. Nhưng có một chi tiết vui vui là: mỗi khi Chúa đến chơi, Marta lăng xăng lo cơm nước, còn Maria ngồi bên chân Chúa tâm sự. Marta lên phàn nàn "Xin Thầy bảo em con xuống phụ với con. Chứ nó cứ ngồi không nói chuyện gẫu, còn con làm không hết việc." đố anh biết Chúa trả lời sao?

- Ôi dào! Bếp núc cứ để đó, lúc nào làm cũng được. Ta đang cần người tâm sự này.

Nàng lại cười tươi:
- Vâng, đại khái như vậy. Chúa nói Maria đã chọn "điều chính yếu".

- Điều chính yếu là gì?

- Là Chúa. Tất cả những việc khác là phụ.

Tôi cười trừ, chẳng biết "cái chính yếu" nằm ở đâu. Đối với tôi, có thể nó đang ở trong đôi mắt đẹp của nàng, dưới hàng mi dài. Tôi hỏi cho có vẻ "biết chuyện":

- Thế, không có Marta lo bếp núc, thì Chúa lấy gì mà thọ trai?

Hiền cười khúc khích:
- "Thọ trai"? Ở vùng đất bán sa mạc đó, rau quả hiếm lắm, khó mà ăn chay được. Chúa ăn mặn đấy, ông ngố ạ.

Tôi cười theo. Thấy thoải mái. Nhưng tôi chờ đợi mà không thấy nàng trả lời cho câu biện hộ Marta của tôi. Nàng chỉ nhìn qua cửa sổ. Tôi nhìn theo, thấy mưa tạnh, không còn lý do ngồi lại nữa, đứng dậy:
- Thưa Soeur, tôi về.

- Tôi không tu nữa, đừng gọi soeur. Hiền được rồi. Nếu Chúa gọi tu lại thì tôi muốn được kêu bằng "chị" hay "dì phước". Tôi không thích chữ "soeur".

"Xơ" hay "múi", tôi không cần biết, tôi thích gọi tên "Hiền" và khấn thầm "Lạy Chúa, xin đừng gọi nàng".

Ra khỏi nhà nguyện nàng nói:
- Điều anh vừa nói rất mới đối với tôi: ở đời cũng cần có người làm Marta, phải không?

Sau bữa đó, mỗi lần đạp xe tới đầu đường Trần Quí Cáp, tôi cảm thấy như đi vào thánh địa, và mỗi lần bấm vào cái nút chuông số nhà 123C, tôi nghe chuông reo quá lớn. Mặc dầu tôi chỉ đến để làm nhiệm vụ dạy kèm. Ông bà thấy Hiền hơi đặc biệt đối với tôi, bắt đầu tỏ ra lạnh nhạt. Tuy nhiên họ vẫn mời tôi dự tiệc mừng sinh nhật 18 tuổi thằng con trai, học trò tôi. Lúc mọi người bắt đầu nhảy, tôi ra hiên. Vườn đầy trăng. Thấy Hiền đứng một mình gần hòn non bộ ở góc vườn, tôi đánh liều tiến lại. Nửa đường tôi bỗng thấy những viên sỏi trắng dưới gót giầy lạo xạo to mồm quá, toan lui gót, nhưng tôi như bị thôi miên bởi ánh trăng huyền hoặc thoang thoảng hương ngọc lan, cứ đứng sững như trời trồng, cho tới khi Hiền phải lên tiếng trước:
- Anh Tường! Không nhảy hả?

Mừng quá đâm quýnh, tôi lắp bắp:
- Không, không, tôi nhà quê không biết nhảy. À , à, mà dù biết cũng chẳng có ai nhảy với mình.

Mấy cô gái tôi quen mà nghe câu này chắc đã phá lên cười khanh khách. Nhưng Hiền thì lại dịu dàng:
- Thì ở đây nói chuyện.

Tôi vụng về rút khăn mu-soa, trải trên thành hồ cá, Hiền vén vạt áo ngồi xuống, điềm nhiên như một con bồ câu đáp xuống mái tranh quen. Tôi ngồi bó gối trên bãi cỏ. Lúc ngửa mặt nhìn nàng, tự nhiên mấy âm thanh trong cổ tôi bật ra, không kịp chuẩn bị, cũng không kịp đắn đo:
- Hiền đẹp quá!

Nàng đang ngồi bắt chéo chân đài các, một chiếc giầy hồi hộp tuột ra khỏi chân. Tôi vội vàng, tay phải nhặt giầy, tay trái nâng bàn chân nàng, trì hoãn một chút trong lòng bàn tay, rồi mới tra giầy vào. Và tôi để ý cổ chân nàng trắng ngần có hàng ren đen rủ quanh. Đêm đó tôi cứ mơ đi gặt lúa mà không lấy thóc, chỉ tuốt lấy rơm trải thành bãi cho chim bồ câu đáp xuống.

Do vừa cố học thi, vừa hết lòng dạy thằng em Hiền, vừa phải kiếm thêm tiền giúp cho con em kế muốn học may, tôi bị tái phát bệnh lao. Tôi tránh giao thiệp với nàng. Và lần đầu tiên tôi sợ. Sợ chết. Sợ chết vì hình như trên đời có gì làm tôi quyến luyến. Càng quyến luyến càng sợ mất. Tôi xông xáo, vùng vẫy để vừa thoát ra khỏi bệnh tật, vừa "làm nên sự nghiệp gì" để xứng đáng với Hiền, để ông bà thầu khoán chấp nhận trước khi tôi có thể nói thẳng lòng mình. Bây giờ tôi không muốn nghĩ lại những năm tháng vẫy vùng một cách khùng điên đó nữa. Có những lúc tôi kiếm được số vốn kha khá, có lúc lại trắng tay. Tôi bỏ nhà vào cư xá Minh Mạng ở lậu với một thằng bạn đang học y khoa. Tiền cơm cũng khỏi lo vì ba thằng ăn cơm xã hội chỉ lấy phần dôi ra một chút là dư cho tôi ăn. Thỉnh thoảng mẹ tôi kho cá phi mang vào cho tụi nó ăn thêm. 

Một hôm mẹ tôi mang vào cho một phong bì, coi qua là biết của Hiền. Đầu tiên là nỗi sợ hãi và hổ thẹn - nàng biết địa chỉ tôi tức là có thể biết nhà tôi nghèo khổ tới mức nào. Tôi hồi hộp mở thư ra coi, quên cả sự hiện diện và ánh mắt tò mò của Mẹ. 'Thư' chỉ là một tờ giấy croquis nhỏ vẽ hai bóng người ngồi trên sân thượng nhìn xuống 'đời' với những mái nhà chen chúc. Dù nét vẽ thủy mạc không sắc sảo lắm, tôi cũng nhận ra một trong hai người trong tranh là tôi, và người kia là ai cũng được - em trai nàng hay chính nàng. Chúng tôi trao đổi thư từ gần hai năm trời. Tôi có lại thăm gia đình nàng vài lần. Hôm có tiệc tiễn thằng Hưng đi du học Pháp, tôi cũng được mời. Hiền đưa tôi lên nhà nguyện trong lúc mọi người bắt đầu nhảy.

Một hôm nàng nói cần nhờ tôi "tháp tùng" ra Vũng Tàu nhận chìa khóa một cái nhà của cha nàng mới mua. Tôi đi dạy học, đã đỡ chật vật đồng tiền, vốn định đổi cái xe Goebel sang cái Lambretta để chạy trường cho mau. Được Hiền nhờ, tôi đổi xe sớm hơn dự liệu. Đương nhiên tôi chọn xe yên liền. Thấy tôi xình xịch Lambretta tới, Hiền hớn hở, gọi chú tài xế lên nói:
- Hôm nay xin chú cứ lái xe cho Ba cháu, chú nhé. Cháu quá giang anh Tường được rồi.

Tôi nhìn nàng trắng toát trong áo dài lụa, ngại ngùng:
- Hiền đi xe hơi mặc thế này được. Đi Lambretta với tôi, lấm hết.

Lần đầu tiên tôi thấy Hiền nguýt trong lúc má hây lên. Nhưng nàng vẫn không thay áo. Trên đường ra biển, chúng tôi ghé một khu rừng cao-su để nghỉ. Lang thang thì đúng hơn. Nàng nói:
- Trước khi đi tiếp ra Vũng Tầu với anh, em muốn dứt khoát một việc.

Tôi linh cảm việc này rất nghiêm trọng, chỉ không biết là lành hay dữ.
Nàng hỏi thẳng, đôi mắt đẹp mở to, uy nghiêm, tôi mường tượng kẻ gian tà nhìn thấy có thể run lên được. Nàng nói:
- Anh có yêu em không?

- Ôi! Còn phải hỏi! Nhưng anh không xứng đáng.

- Thế nào là không xứng, anh?

- Anh nghèo, lao, ngoại đạo.

Tôi để ý người con gái này, hiền dịu, nhưng luôn luôn có cái quyết đáp của người y tá rành nghề, biết lúc nào phải cầm kéo, lúc nào phải cầm dao, và biết trên tay có gì:
- Nghèo thì em đã khấn khó nghèo. "Ngoại đạo" hay "nội đạo", đó là một ý niệm tương đối. Còn lao, nghe nói anh hết rồi mà?

Tôi đi tái khám biết là sức khỏe đã ổn định rồi. Nhưng không biết cái gì xui khiến, tôi nói dối. Có lẽ để "nhõng nhẽo" với người y tá:
- Chưa. Còn có vẻ nặng hơn.

Không biết điều gì khiến cho tôi không coi nàng như các cô gái khác, chắc chắn họ sẽ chạy xa khi biết tôi bị lao. Nàng nói không do dự:
- Vậy thì anh cần một người săn sóc. Còn em một người yêu.

Sau một phút bàng hoàng sung sướng, tôi tỉnh ngộ:
- Em ... Hiền cần người yêu hay cần một bệnh nhân?

- Em cần Anh.

Tôi bế thốc nàng đặt trên yên Lambretta. Đắm đuối nhìn vào khuôn mặt xinh đẹp của nàng. Rồi bước lùi lại, làm như một họa sĩ ngắm tranh.

Nắng xanh từ tầng lá dầy đổ xuống tấm lụa trắng, bao bọc nàng như hào quang từ thiên giới. Hiền ngoan ngoãn ngồi cho tôi ngắm lâu lắm. Cuối cùng tôi nói:
- Anh thầm yêu Em từ lâu lắm rồi. Có lẽ từ kiếp trước.

- Được sống một đời với anh cũng đủ rồi.

Rồi chúng tôi nói những câu chuyện mà bây giờ tôi không nhớ là chuyện gì. Cho tới lúc Hiền nhẹ giật mình:
- Chết! Anh không mỏi chân à?

Hiền hỏi và xích ra trên yên xe, chừa chỗ cho tôi, tôi muốn ngồi vào cái chỗ ấm áp ấy lắm, nhưng lại nói:
- Ngắm Hiền thỏa rồi. Thôi, ta tiếp tục lên đường. Em cứ ngồi nguyên trên yên.

Lúc vịn vào yên để thả xe xuống, ngón tay tôi vô tình chạm phải làn lãnh trên người Hiền. Một cảm giác khó tả truyền vào người tôi, vừa mát rượi như miếng thạch mùa hè, vừa nóng bỏng như cục than mùa đông. Chính cái cảm giác sấm sét này đã gióng lên tiếng còi cho chuyến hành trình của hai chúng tôi mấy chục năm sau.

Biệt thự nhà nàng mới mua nằm trên con dốc chạy lên Hải đăng. Người quản gia của chủ cũ đã để sẵn nước giải khát trong phòng khách. Nhưng Hiền bưng ra ngoài ban-công, nơi có cây bàng già cỗi phủ bóng trên những viên gạch nâu thẫm cũ kỹ, nhẵn bóng. Tôi ngồi trên ban-công, nhìn bao quát ra vùng biển bao la ngoài Bãi Trước. Còn nàng chạy quanh nhà, coi cái nọ, coi cái kia. Khi nàng đứng lên một tảng đá líu lo gọi tôi coi một con tầu đắm từ lâu đời nằm ngoài bãi, tôi thấy nàng thơ ngây xinh đẹp quá chừng, tôi ngồi khựng lại, không nhìn con tầu đắm mà mê say ngắm nàng, rồi giơ hai tay lên trời, nói:
- SOS! Tôi bị đắm! Xin cứu tôi!

Nàng hiểu ý, đỏ bừng mặt, vịn tay vào tà áo đang bị cơn gió biển thổi bay. Tôi nhớ câu hát trong bài Bến Xuân của Văn Cao "Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài Bến Xuân".

Ông bà thầu khoán không đồng ý cuộc hôn nhân, nên không tổ chức đám cưới linh đình. Nhưng ông bà thương người con gái cựu tu, gần như nể, có đi dự phép giao ở nhà nguyện một tu viện quen. Ông bà lại ngoan đạo, đương nhiên phải thừa nhận việc "Chúa đã kết hợp, con người không thể phá bỏ". Đứng cuối nhà nguyện, bà mẹ chép miệng, thở dài thườn thượt, nói với con gái:
- Con gàn dở đến nước thì thôi. Đám cưới mà mặc cái áo học trò.

Bà chảy nước mắt, có lẽ bà hối hận vì đã quá cứng rắn, xử tệ với con gái. Nhưng Hiền cứ vui vẻ:
- Cám ơn Ba Mẹ đã đến chứng kiến và cầu nguyện cho chúng con. Với chúng con, thế là đủ quá rồi. Và đối với con đây là cái áo cưới đẹp nhất. Bởi vì cái áo cưới lộng lẫy tới đâu cũng chẳng giúp ích gì cho tình yêu và hạnh phúc gia đình.

Ông bà và Hưng ngơ ngác, chẳng hiểu cái áo lụa trắng này quan trọng thế nào với chúng tôi.

Những ngày hạnh phúc đang trôi êm đềm, tưởng là vô tận, bỗng bị phá tan vì một ngày tàn xuân 75. Cha mẹ vợ tôi bị đánh tư sản mại bản, mất hầu hết sản nghiệp. Chúng tôi cũng phải bán dần mọi vật trong nhà để sống qua ngày, nhưng tấm áo lụa trắng vẫn còn. Đi vượt biên chúng tôi cũng mang theo. Nàng biết ý tôi, không sang Pháp định cư với cha mẹ. Và để làm lại từ đầu, người con gái đài các đó, mà xưa kia tôi sợ áo nàng lấm bụi, nay bắt đầu dấn thân làm bất cứ việc gì để sinh nhai. Nhưng chúng tôi lại tràn ngập hạnh phúc, nhất là từ ngày bé Thư ra đời. Tôi xin nàng ở nhà trông con. Nhưng chỉ được một năm nàng lại tất tả đi làm. Một tuần nàng đi làm ca tối hai ba bữa, có hôm 12 giờ đêm mới lội tuyết về nhà. Và buổi sáng, dù tôi đi làm sau hay trước nàng, trong cặp cũng sẵn gói ăn trưa. Tôi không có cớ gì để bắt nàng bớt đi làm, chỉ nói đùa:
- Em làm việc nhiều quá, mau già.

Nàng nói:
- Ấy, hoạt động nhiều mới trẻ lâu, anh ơi!

Tôi thừa nhận nàng trẻ thật, so với những bà cùng tuổi hoặc nhỏ hơn mươi tuổi. Tôi nói:
- Thì sở chính của em đang cần người làm toàn thời gian, em nên nhận chỗ đó thay vì chạy lang bang hết chỗ nọ sang chỗ kia.

Nàng cãi:
- Làm một chỗ đơn điệu mới là tổ mau già.

- Vậy chắc mai mốt em lấy ba ông chồng cho khỏi đơn điệu?

Tôi nói đùa, nàng cũng đùa:
- Một ông đã đủ chết rồi, ông ạ.

Chẳng ai nói ra cái lý do thật: Chúng tôi nợ nần nhiều quá, mà tôi lại có máu cờ bạc. Nàng phải phụ tôi đi làm nhiều là để trả nợ cờ bạc cho tôi thôi.

Mặc dầu thầm cảm kích đức hạnh của vợ, tôi vẫn không chịu theo đạo vợ. Nàng cũng không bao giờ đề cập tới vấn đề tôn giáo. Tôi cảm thấy đời sống của nàng toát ra đức tin. Tôi chỉ thấy chưa đến lúc chia sẻ được với nàng đức tin đó. Tuy nhiên, các lễ lớn trong đạo, tôi đều chở mẹ con đi, và cũng vào ngồi đó. Một lần bài thánh kinh nhắc lại sự tích Chúa với hai bà Maria và Marta, tôi kín đáo tìm tay nàng xiết chặt. Nàng lấy ngón trỏ vẽ chữ "Y" vào lòng bàn tay tôi.

Những cử chỉ thân ái như thế thưa dần. Vì sinh kế? Vì tuổi tác? Nhưng có lẽ quan trọng nhất là vì tôi chưa thực hiện được giấc mộng "phải có danh gì với núi sông", với nhà vợ thì đúng hơn. Tôi vẫn tự nhủ lòng phải tỉnh táo để cảnh giác trước những tín hiệu nhạy cảm cho "tai người nghèo" của tôi, nhưng nó len vào lúc nào, ý thức tôi không kiểm soát được, tích tụ dần qua những lần chúng tôi sang Pháp thăm ông bà hoặc ông bà sang đây. Ví dụ một lần vợ chồng thằng em vợ (thằng Hưng) báo tin sang chơi. Tôi nói Hiền nhắn nó mua cho mớ sách tiếng Việt và tiếng Pháp. Nhưng nó lại giao cho con vợ đầm đi mua, thành ra chỉ mua được sách Tây, không có sách Việt. Tụi nó về rồi, tôi cự Hiền. Thực ra tôi bực vì Hiền có vẻ lăng xăng chiều chuộng thằng em trai hơn tôi. Sách Tây sách Việt chỉ là cái cớ. Nàng buồn:
- Có phải lỗi em đâu. Con Catherine không biết tiếng Việt mà.

- Thế mới nói. Không ai quan tâm tới nhu cầu tinh thần của tôi hết.

- Em cũng không?

Tôi đâm cối:
- Không luôn. Cùng lắm em lo miếng cơm manh áo cho anh.

Hiền im lặng. Từ đó nàng chăm lo hơn cho tôi. Tôi lại bịa Nho nhe:
- "Dưỡng phu như dưỡng trư" (nuôi chồng như nuôi heo).

Được cái chúng tôi còn thích đối thoại. Chúng tôi cùng muốn chêm cái chênh vênh của đời hôn nhân bằng những cục gạch quí trong quá khứ. Tôi vẫn giữ trong lòng những sợi dây vải, những ly nước cam, chiếc áo lụa trắng, và nhất là đôi mắt Hiền trong nhà nguyện gia đình tại Sài Gòn. Một hôm tôi gợi lại sự tích Bethania, và hỏi:
- Em là Marta hay Maria?

Hiền đắn đo, sợ sa bẫy:
- Với Chúa em muốn luôn luôn là Maria.

Tôi cúi xuống:
- Còn với anh?

Vẫn cung cách cô y tá điệu nghệ, nàng nói minh bạch:
- Anh là loài người hay Thượng đế? Nếu anh là Thượng đế, em thuần túy là Maria. Nếu anh là phàm nhân, em là Marta, chắc có lợi cho anh hơn.

Tôi bướng:
- Anh là con Thượng đế, có cả hồn lẫn xác.

- Vậy em vừa là Maria, vừa là Marta.

- Nhớ phải đóng vai trò cho quân bình đấy!

Nàng buông:
- Anh ạ, nếu con người Maria trong em không lớn đủ, con người Marta của em đâu có chịu đựng được tới nay. Anh hãy yên tâm về phần em. Phần anh, xin anh khỏi cần nghĩ phải làm đại sự gì cho em. Bởi vì em chỉ cần "điều chính yếu" nơi anh.

Tôi biết nhiều lúc tôi ích kỷ, nhưng tôi yêu nàng. Tôi cần nàng ghê gớm trong cõi đời sống bấp bênh này. Bởi vì, bên dưới vầng trán thấp có những sợi lông tơ li ti của nàng là những quan niệm minh bạch về cuộc đời và lẽ đời. Bên dưới lớp lụa bạch đơn sơ là một tâm hồn phong phú, trung hậu. Nàng là một người bạn đời mà đi bên cạnh tôi cảm thấy vững tâm. Hôm kỷ niệm 15 năm được tàu Na-uy vớt, chúng tôi (có cả cháu Thư) đi thăm ông thuyền trưởng cũ. Tôi chỉ vào cái mỏ neo khổng lồ làm cảnh trước hãng tầu nói với Hiền:
- Em là cái mỏ neo này.

Tuy chúng tôi cảm thấy cô đơn ngay giữa những bữa tiệc vui, giữa những người quen biết, Hiền tế nhị không bao giờ xa lánh những người không hợp. Ví dụ bà Trang, cái bà góa chồng, một con, và rất "vâm". Tôi vẫn trách yêu Hiền:
- Chơi với cái bà đó làm gì? Đàn bà gì cái mắt không nhìn thẳng được.

Hiền bênh:
- Người đàn bà đoan trang kiểu xưa nói truyện phải cúi mặt xuống. Chị ấy không nhìn thẳng là vì thế.Tôi thắc mắc: tại sao một người như cành nhược lan, một người như con ngựa đua; một người trên bàn tay chỉ có chiếc nhẫn cưới chỉ rưỡi, một người quên đeo kim cương vàng bạc là không dám đi thăm bạn bè; mà nói chuyện với nhau hàng giờ được. Rồi tôi tò mò:
- Em với bà Trang nói chuyện gì mà lâu vậy?

Hiền trả lời:
- Thì chuyện hột xoàn, áo quần, sửa sắc đẹp v.v.

Tôi ngạc nhiên:
- Hột xoàn, silicon, đâu phải lãnh vực của em!

Nàng cười:
- Thì chị ấy nói. Em nghe thôi. Bởi thế chuyện mới lâu.

Rồi nàng đùa thêm:
- Coi bộ anh quan tâm tới chị Trang hơi nhiều đấy.

- Còn lâu.

Không bao lâu sau, cha vợ tôi bệnh nặng, Hiền sang Pháp một mình săn sóc ông. Trong lúc nàng đi vắng, bà Trang thường lại nhà tôi, nói để "trông chừng con Thư" (con bé đã 17 tuổi!). Những dịp này, tôi thấy bà không còn cái tật mà tôi ghét là "nhìn xéo" nữa, mà nhìn thẳng mặt tôi. Đôi mắt không "gian" như tôi vẫn thấy, mà có thể nói là thiện cảm nữa, thường nhướng lên nhìn tôi vẻ ngưỡng mộ. Tôi nghĩ ai cũng có cái dễ thương của họ. Vì vậy hôm đó, khi tôi chở bà về nhà, bả nói "Thằng con trai em đi trại trường mãi bên Ba-lan, tuần sau mới về. Ăn nhà một mình buồn thấy mồ", và rủ tôi vô nhà, tôi cũng không từ chối. Hai người uống trà Việt Nam và nói chuyện hơi lâu. Khi bà bắt đầu "ra chiều lả lơi" tôi mới tỉnh ngộ. Có thể tôi có lỗi một phần: sự tò mò trước một mẫu đàn bà tương phản với vợ, khiến tôi đặt nhiều câu hỏi dễ bị hiểu lầm là thân mật; xa hơn nữa, ánh mắt tôi cố tỏ vẻ bướng bỉnh trước những phần thân thể hở hang của bà chắc chắn đã bị coi là một sự thèm muốn. Tôi vội vàng - dù sao cũng lịch sự cáo từ ra về. Ngồi vào xe, tôi thấy cái khăn quàng mỏng của bả rớt lại trên ghế. Tôi tính mang lên trả, nhưng nghĩ sao, lại nhét vào túi, chờ dịp khác trả.

Về nhà, con Thư nói có Mẹ điện thoại nói ông ngoại mất. Cha con tôi chuẩn bị sáng mai sang Pháp. Và tôi quên bẵng cái khăn, hình như cũng bằng lụa.

Người thân đã ít lại rơi rụng dần, chỉ còn sách vở và thiên nhiên. Chúng tôi có một chỗ "bí mật" trên vịnh Oslo nơi có một ghềnh đá hẻo lánh, chỉ có sóng nước, trời mây và rừng thông vây kín. Và trên mặt đất một thảm hoa linh lan bát ngát. Loài hoa lá xanh biếc, hình như chiếc khiên dài, cứng cáp hiên ngang, bảo bọc bông hoa nhỏ bằng hạt ngọc trai, hình trái tim trắng muốt. Từ tháng năm đến tháng sáu hoa linh lan nở, khách bước vào rừng thấy hồn thơm ngát. Chúng tôi gọi riêng đó là Bến Xuân. Mùa hè vừa qua kỷ niệm 25 năm đám cưới. Tôi xin Hiền mặc áo lụa trắng ra Bến Xuân. Hiền rất thương cái áo đó, nhưng bảo nàng mặc ra bãi biển thì nàng ngại ngùng. Nhưng không biết linh cảm gì khiến cho lần này nàng vui vẻ chịu mặc. Tôi mang theo cả máy ảnh để ghi lại những kỷ niệm đẹp. Biết đâu chẳng còn dịp nào nữa...

Chúng tôi hái được một bó hoa linh lan to thì Hiền kêu mệt. Nhưng lại không chịu nằm, bảo nằm chóng mặt. Nàng dựa gốc thông, cho tôi kê đầu lên đùi. Đang nằm ngửa nhìn mây bay qua một lỗ hổng trên tàng cây, bỗng một trái thông rớt xuống gần trúng mặt, tôi bèn xoay người nằm nghiêng, lớp lãnh mát rượi áp vào má làm tôi thấy mình bé hẳn lại như hồi mười tuổi đi đò dọc với Mẹ ban đêm. Tôi hít hương thơm của lãnh mới, chua chua như mật ong, thoang thoảng long não. Lãnh tẩm hương những người đàn bà tôi yêu và mùi mằn mặn nước biển, với tiếng sóng lách tách vỗ mạn thuyền đi vào vô tận.

Đó là lần đi chơi rừng sau cùng. Tết Nguyên đán năm qua cũng là tết sau cùng. Ở Việt Nam thấy mai nở biết xuân về. Ở đây mai không có, chỉ biết coi lịch, rồi ra vườn cắt một cành forsythia nhiều nụ -một loại mai Âu châu, bốn cánh, nở đầu xuân- cắm trong bình. Năm ngoái Hiền cắt cành "mai Tây" để chờ Tết Ta, nhìn nàng kiễng chân một cách hơi khó nhọc đặt bình hoa trên bàn thờ ông Bà, tôi bồi hồi thấy loài hoa này, trong sắc xuân đã hoen màu thu úa. Ăn cơm xong, Hiền kêu khó chịu đi nằm.

Từ hôm bệnh viện phát giác nàng bị ung thư đến khi nàng tắt thở chỉ có mười ba tháng tám ngày. Và nỗi đau đớn tột cùng tôi cảm được là khi tôi vào bệnh viện Radiumhospitalet, Hiền nói:
- Anh về lấy áo lụa trắng cho em thay.

Tôi gật đầu quay đi, Hiền lại gọi:
- Anh! Thôi, khỏi cần áo. Quần đủ rồi. Anh lấy cái quần thâm. Áo lụa, quần trắng... để dành.

Trên đường về nhà, nước mắt tôi tuôn ra xối xả, nhiều lúc không nhìn thấy xe cộ ngược chiều, tôi phải tự nhủ "Phải trấn tĩnh, sống để lo cho Hiền và con". Thay quần cho Hiền, tôi đau đớn khi thấy dưới lớp lãnh mịn xưa không còn là cặp búp măng đầy nhựa sống nữa, mà chỉ còn là hai cái que sậy khẳng khiu. Tuy vậy, mặc quần lãnh vào, má nàng đỏ ửng, vì cảm động. Những rung động lần cuối của trái tim? Nhìn cảnh tượng ấy, tôi khấn Thượng đế xin đổi những năm tháng còn lại của đời tôi lấy một ngày -một ngày thôi- cho nàng đứng dậy, cùng tôi đi ra biệt thự ngoài Vũng Tầu, để tôi được nhìn lại "Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài Bến Xuân". Hôm đó má nàng cũng ửng hồng. Tôi nói đây là nỗi đau tột cùng, bởi vì sau đó lòng tôi tê dại rồi.

Không biết Hiền bớt thật hay chỉ vì nhớ nhà, xin về phép một thời gian. Bác sĩ tán thành. Những tuần lễ hạnh phúc vui vẻ xen lẫn phập phồng như thuyền bơi trên sông có đá ngầm mà chúng tôi không ai thuộc con nước thủy triều. Trời bắt đầu trọng thu, Hiền bị kêu trở lại bệnh viện. Trời đã lạnh se sắt mà Hiền nói:
- Cho em ra công viên bệnh viện ngắm lá thu vàng.

Lá bạch dương vàng ối. Lá trinh đằng đỏ lịm trên tường. Tôi thấy "mùa thu tóc ngắn" của tôi tóc quá ngắn, rụng hết rồi. Nàng ngồi một lúc thì kêu bồn chồn ở chân. Tôi đặt bàn chân nàng lên lòng, thoa bóp. Nàng sung sướng:
- Cám ơn Anh cho em hưởng lại giây phút trong vườn ngọc lan khi Anh xỏ giầy cho em.

Tôi thở dài:
- Thời gian qua mau quá!

Nàng nói:
- Cả những tàn phai rồi cũng qua.

- Anh tin có những cái không bao giờ tàn phai.

Nàng xin gặp linh mục để chịu các phép đạo lần cuối cùng. Trời thương, nàng kiên trì ở lại thêm được gần một tháng mới đi. Đêm cuối cùng, thứ sáu, tôi nói chuyện giỡn, làm mặt hề với nàng. Chúng tôi viết chữ trên bàn tay nhau, nói "Chắc chắn hồi đó Chúa không nghĩ ra trò này". Cuối cùng ngón tay trỏ nàng run run thành chữ "Y", rồi bất động. Khi ông bác sĩ đặt tay lên vai tôi nói "Rất tiếc", tôi gục đầu lên mình Hiền khóc rống lên. Cả đời tôi nương tựa vào một cành lan. Cành lan gẫy tôi mới thấy mình yếu đuối dường nào.

Con Thư mân mê mấy sợi dây như sợi tơ hồng đã trói buộc cha mẹ chúng từ thuở đó, rồi gói áo quần mẹ bằng một tờ giấy gói quà. Xong, hỏi:
- Ba ăn gì trước khi mình đi nhé?

Tôi không nhớ ăn bữa cuối cùng khi nào, nhưng bụng đặc khừ, nói cho qua:
- Nếu con đói thì mình cùng ăn?

Nó rút trong túi quần Jean ra mẩu giấy nhỏ đưa cho tôi.
- Con không đói. Nhưng má dặn phải ăn đây này.

Nét chữ Hiền nhảy múa trong mắt tôi:
"Bố con bỏ thịt bằm vào chảo bắc lên bếp hâm, cho thêm ketchup, đừng hâm lò micro. Luộc trước spaghetti, 10 phút. Đổ vào ăn".

- Má viết bao giờ vậy, con?

- Dạ, hôm thứ tư, trước khi má vô nhà thương lại.

Tôi mở tủ lạnh. Tô thịt bằm đã uôi rồi. Chúng tôi trở lại nhà xác thì người ta đã liệm Hiền xong đâu đó rồi. Người nhà đòn đã cởi áo khoác nhựa, đang ngồi hút thuốc coi phim hoạt họa trên TV, buổi sáng thứ bảy nhiều phim loại này lắm. Tôi cầm bọc quần áo trong tay, nâng lên ngang mặt, lễ phép nói:
- Ông làm ơn thay bộ đồ này cho vợ tôi.

Ông ta quay lại, lạnh lùng:
- Trễ rồi. Rất tiếc.

Những chữ "trễ rồi, rất tiếc" của ông bác sĩ xoáy vào ruột gan tôi đau đớn đêm qua, bây giờ tôi không muốn nghe lần thứ hai nữa. Tôi muốn nổi giận, nhưng cảm thấy yếu đuối, bất lực ghê gớm. Tôi ghì gói đồ vào bụng để giằn một cục gì quằn quại trong đó. Tôi năn nỉ:
- Ông làm ơn đi. Vợ tôi thích bộ đồ này lắm ...

Ông nhà đòn dụi điếu thuốc, hỏi:
- Đã nói với ông xếp tôi chưa?

Tôi lúng túng:
- Cần phải nói hay sao? Ông với tôi tính với nhau sau được không?

Sống ở xứ này lâu năm, tôi đã bắt đầu cảm thấy hối lộ là một sự sỉ nhục cho người và cho mình. Nhưng chắc tôi sẽ kiếm ra cách khác đề bù cho ông. Nhưng tôi phải cho Hiền mặc áo dài, quần lãnh để nàng ra khỏi cõi đời này. Như nàng đã mặc như thế khi đi vào đời tôi. May quá, ông ta chìa tay:
- Đưa đây!

Tôi bảo con về nhà lấy chai rượu mạnh biếu ông nhà đòn, và ngồi lại một mình, nhìn qua khung cửa sổ có nhánh cây trụi lá đong đưa trên nền trời xám. Điện thoại reo trong túi tôi. Một người đồng hương hỏi thăm.

Cám ơn chia buồn, nhưng tôi không muốn kể lể về cái chết của vợ tôi.

Đang tẩm liệm. Thứ hai đưa. Bà Trang kêu chia buồn nữa, nhắc lại đề nghị mang xôi gà tới nhà xác, tôi thấy không hợp. Nói xong, tôi ngắt đường dây. Ông nhà đòn đi ra, hỏi:
- Vô đây chỉ cho tôi cái nào là quần, cái nào là áo? Mặt nào trước, mặt nào sau?

Tôi không muốn nhìn xác vợ lõa lồ, nên yêu cầu ông phủ khăn lên nàng, rồi tôi mới vào cầm cái áo dài cắt nghĩa:
- Hàng dây quay phía trước. Phải giữ nguyên nịt ngực cho nàng. Lụa mỏng lắm. Và xin ông cẩn thận kẻo rách. Vạt áo phải ngay ngắn. Nhưng việc này tôi có thể vào coi lại.

Rồi tôi cầm tấm quần, lần tới sợi dây kém thẩm mỹ nói:
- Cái dây này phải nằm đàng trước.

Ông ta gật đầu, mắt ngó như thắc mắc sao lại có bộ y phục với những sợi dây kỳ cục như vầy. Tôi lại liên tưởng tới sợi tơ hồng.

Chiều, mẹ vợ tôi và vợ chồng Hưng từ Pháp sang. Từ ngày ông mất bà yếu lắm, thấy xác con cứ run bần bật chứ không khóc.

Sáng chủ nhật, người ta chở quan tài tới nhà nguyện, chờ linh mục tuyên úy Việt Nam tới làm phép xác để đóng tấm ván thiên.
"Tuyết đã rơi. Em mặc áo lụa có lạnh không?"

Tôi hỏi thầm. Hiền nhát lạnh lắm. Vậy mà lại chết vào mùa đông. Tôi muốn lấy mền đắp cho nàng. Nhưng lại muốn ngắm nàng trong chiếc áo trắng. Chiếc áo này năm nào nàng cũng mặc, vào dịp kỷ niệm đám cưới, và Tết. Cũng lạ, 30 năm vẫn vừa. Lòng nàng không đổi, thể xác cũng vậy. "Tết mặc trắng xui chết!" Trong câu nói vô tình của tôi có tới hai chữ cấm kỵ. Nhưng lỡ rồi. Vả lại nàng không tin dị đoan. Nàng nói đức tin và tình yêu thắng tất cả. Nhà đòn có bôi cho nàng chút phấn hồng, nhưng không giống màu hồng của thẹn thùng, đặc tính tới khi có con lớn đễu mà vẫn giữ. Tôi sửa vạt áo nàng cho ngay ngắn. Em về Thiên đàng bỏ anh một mình với mùa đông.

Linh mục Việt Nam tới làm phép xác. Có chừng mươi người đồng đạo và bạn bè Hiền đến cầu kinh. Có cả bà Trang. Xong nghi thức ngắn, linh mục mời tôi về trung tâm Mục vụ bàn tiếp về đám tang theo nghi thức tôn giáo vào trưa thứ hai. Con Thư ở lại với mấy ông bà trong họ đạo đọc kinh, canh xác. Vào văn phòng ông cha, tôi nói ngay:

- Vợ tôi là người Công giáo. Tôi xin cha cứ quyết định mọi việc giùm, tôi không có ý kiến gì cả. Mọi sự nhờ cha.

Ông linh mục gật đầu, nói tôi ở trong trường hợp đặc biệt, nên đã có ban Mục vụ tiếp tay, bà con cả. Tôi lấy giấy bút ra ghi cho khỏi quên những chi tiết mà nhà hiếu phải làm. Cha an ủi một lần nữa:

- Chị sống đạo đức lắm, lên Thiên đàng sẽ phù hộ cho ông và cháu.

Hiền khi còn sống vẫn cho rằng người ta lạm dụng hai chữ "đạo đức" để nói về lòng "sùng đạo". Bị gán hai chữ đó hẳn nàng ngượng lắm. Nhưng bây giờ, khi xác nàng sắp bị vùi xuống đất, tôi cảm thấy hồn nàng xứng hợp với hai chữ đó, ít nhất là trong cách nàng đối xử với chồng con bao năm nay.

Ông cha xưng "chị" với vợ tôi và "ông" với tôi, có vẻ như ông gián tiếp coi tôi là người ngoài. Tôi thầm nghĩ nếu Hiền muốn, tôi sẽ theo đạo, hỏi:
- Trước khi chết nhà tôi có giối giăng riêng gì với cha, ví dụ về tinh thần?

Ông lắc đầu, rót trà cho tôi một cách thân ái. Chúng tôi cùng uống một hớp, ông đáp:

- Chắc ông cũng đã biết hay nghe qua Công giáo có phép giải tội, và linh mục chúng tôi, khi ngồi nghe con chiên xưng tội, phải giữ tuyệt đối bí mật. Nhưng mười mấy năm làm cha giải tội cho chị Hiền, tôi có thể nói với ông điều này: chị Hiền có một lương tâm cực kỳ trong sáng và một đời sống tốt lành. Tôi nói vậy để ông yên lòng và đỡ buồn, khi nghĩ bây giờ chị đang ở một nơi hạnh phúc hơn chúng ta. Tôi cho rằng chính cuộc sống của chị là một điều giối giăng cho tất cả chúng ta.

Nghe những lời đó, tôi muốn được khóc một mình, đứng dậy cáo từ.
- Dạ vâng, tôi cũng nghĩ như vậy và ráng làm theo. Bây giờ nếu cha không còn dặn gì nữa tôi xin phép về.

Trưa thứ hai. Nhà nguyện nghĩa địa Bærum, cả đầu hồi chính diện ghép toàn bằng kính trong, nhìn thấu ra ngoài rừng bạch dương trơ trụi. Lần đầu tiên trong đời tôi được ngồi chỗ danh dự trong một buổi lễ nhà thờ - trước quan tài vợ tôi. Hôm Hiền hấp hối, tuyết đầu mùa rơi bói vài hạt như so dây đàn. Hôm nay tuyết rơi tơi bời. Lúc đầu là những giọt nước mưa sền sệt, nặng nề, sau là những cọng tuyết mảnh bay tán loạn, cuống quít, cuối cùng là những bông tuyết xốp to bằng nụ bông vải lừng lững rơi xuống, hết từng này tới lớp khác, bao phủ trắng xóa mặt đất. Ở Việt Nam, mưa rào sầm sập, gào thét. Ở đây tuyết câm lặng buông như tấm khăn tang vĩ đại bằng lụa bạch, tấm lụa đã bị bứt hết những sợi ngang, sợi dọc, chỉ còn mảnh vụn tả tơi trùng trùng.

Sau khi chôn cất xong, vị linh mục mời tôi vào văn phòng nhà nguyện và lôi trong xắc của ông lấy ra một cái phong bì giấy dầu, nói:

- À, còn cái này chị nhờ tôi trả lại cho ai đó, mà không có ai nhận.
Ông mang về làm kỷ niệm.

Tôi dúi cái phong bì vào túi áo khoác, ra khỏi trung tâm Mục vụ. Tôi mở máy xe, trong khi chờ đợi cho tan băng trên cửa kính, tôi mở phong bì ra coi. Một cái khăn quàng bằng lụa mà cầm vào tôi đã lạnh toát cùng mình nhận ra đây là cái khăn của bà Trang quên trên xe mấy tháng trước. Tại sao nó lại lọt vào tay Hiền? Tại sao nàng đưa cho ông cha?

Một lời "mách" kín đáo? Tôi ân hận đã không kể đầu đuôi cho Hiền biết việc này sau khi chúng tôi ở Pháp về. Tôi quên, nhưng có lúc nhớ thì lại nghĩ khó mà kể rành rọt một hoàn cảnh tế nhị như thế.

Tôi tắt máy xe, chạy vội trở lại trung tâm Mục vụ.
- Thưa cha, cái khăn này của ai?

Ông cha vẫn điềm tĩnh, cái điềm tĩnh của một người đã ngồi toà giải tội nhiều năm:
- Thì tôi đã nói chị Hiền không biết của ai mới đưa cho tôi tìm người trả. Và tôi hỏi không ai nhận, mới đưa lại cho ông.

Tôi thẫn thờ:
- Tại sao nhà tôi lại đưa cho cha đem trả một cái khăn quàng ... đàn bà?

Ông bảo tôi cho mượn lại cái phong bì. Khi ông rút khăn ra tôi mới để ý nó không được ngay ngắn như nguyên thủy, tôi đã dúi khăn trở lại một cách vội vã, như dấm dúi một vết tích không phải vết tích tội lỗi, nhưng cũng không hẳn một vết son. Ông chỉ vào một chữ trên cái khăn lụa trắng:
- Tại chữ Montmartre này. Chị nghĩ rằng cái khăn phải là của một người tham dự chuyến đi chơi Paris do Trung tâm Mục vụ tổ chức.

Đúng rồi, bà Trang có khoe với tôi đi Pháp, nhưng không phải đi với Trung tâm Mục vụ, mà đi riêng. Tôi kêu thầm trong bụng, nhưng cố giữ vẻ bình tĩnh, thăm dò một cách khéo léo:
- Nhà tôi không dặn thêm chi tiết tìm được ở đâu thì làm sao cha trả đúng chủ được ... Thế cha đã hỏi những ai?

Câu thăm dò mà tôi tưởng là khéo léo vừa được buông ra, làm ông cha mất kiên nhẫn:
- Thôi, chuyện nhỏ, ông đừng thắc mắc. ông cứ đem về ... để thêm một chứng tích nhắc ông nhớ về người bạn hiền.

Tâm Thanh

No comments:

Post a Comment