VNCH: Bà Trần Lệ Xuân, người mẹ không muốn con trai út có nếp nhăn sư tử
Tác giả : Phạm Cao Phong Nguồn: BBC
Ông Ngô Đình Quỳnh trong hình chụp từ video cuộc phỏng vấn tại Bỉ cuối năm 2022
Lần đầu gặp ông Ngô Đình Quỳnh tại Paris 1/11/2022, lúc ông sang làm Lễ Tưởng niệm ngày mất của người bác, Tổng thống Ngô Đình Diệm và cha ông, Cố vấn Ngô Đình Nhu, tôi khá bất ngờ vì đối diện là một người đàn ông rất nhanh nhẹn, hoạt bát, thông minh.
Ông Quỳnh có nước da trắng mịn màng và mái tóc rất đen. Một mái tóc đen, xanh của tuổi trẻ chứ không phải mái tóc được che giấu bằng các sản phẩm của các công ty mỹ phẩm.
Ông Quỳnh kể cho tôi biết nước da của ông được thừa hưởng từ người mẹ, bà Trần Lệ Xuân.
Cũng đúng thôi, không có gì bất thường với câu tục ngữ " Trứng rồng lại nở ra rồng, liu điu lại nở ra dòng liu điu."
Thân mẫu của bà Trần Lệ Xuân là bà Thân Thị Nam Trân (1910-1986) là cháu ngoại của vua Đồng Khánh. Bà Nam Trân là con gái Thượng thư Bộ Binh Thân Trọng Huề (申仲𢤮, 1869-1925), tự là Tư Trung, danh thần và danh sĩ cuối triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
Ông nội bà Trần Lệ Xuân là tổng đốc Nam Định Trần Văn Thông, và cha bà, Trần Văn Chương là người Việt đầu tiên đậu bằng tiến sĩ Luật của Pháp năm 1922.
Có một thời ông Chương làm luật sư Tòa Thượng thẩm Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Đế quốc Việt Nam trong Chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945. Năm 1955, ông được phái làm đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa.
Luật sư Trần Văn Chương từng nhận lời bào chữa cho nhóm làm báo Le Travail (tờ báo hoạt động công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương).
Trong số những cô gái đẹp, không ít chỉ có cái nhãn bóng bẩy và mùi kẹo sữa trộn bạc hà dành cho trẻ con. Còn những người vừa đẹp, vừa thông minh, thì đó là báu vật của đời, không dễ có, cũng như người tài thì hiếm. Bà Trần Lệ Xuân hay còn gọi là bà Nhu là một người như thế.
Ông Ngô Đình Quỳnh: "Tôi luôn giữ hình ảnh rực rỡ về cha tôi, Ngô Đình Nhu"
Ông Ngô Đình Quỳnh kể về cha mẹ ông và cuộc đảo chính tháng 11/1963
Những người trong cuộc
Tôi có may mắn gặp hai nhân vật biết rất rõ bà Trần Lệ Xuân. Đó là ông Trần Văn Đôn, Đại tướng Tổng tư lệnh cuối cùng của Quân lực VNCH và ông Huỳnh Hữu Nghĩa, Bộ Trưởng Bộ Lao Động trong chính quyền của Tổng thống Ngô đình Diệm.
Tướng Đôn là người lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Ông Huỳnh Hữu Nghĩa kể chuyện duyên, biết nhiều. Suốt 9 năm ông làm bộ trưởng không lên, không xuống như các bộ trưởng khác. Một Bộ phụ trách các Công Đoàn và Ấp chiến lược, xương sống của chế độ.
Tướng Đôn và ông Huỳnh Hữu Nghĩa đều có câu chữ và thái độ tôn trọng khi nhắc tới bà Trần Lệ Xuân.
Trong Hồ sơ giải mật 1963 của Chính phủ Mỹ (Pentagon Papers trích dẫn FRUS 1961-1963, Vol III, Doc.274) có đoạn :
"Tướng Đôn nói, như tôi biết, bà Nhu cực kỳ quyến rũ. Đôn nói thực tế không thể loại bỏ ông bà Nhu vì vị trí đặc biệt mà họ đang nắm giữ; Ngô Đình Nhu là lý thuyết gia của Tổng Thống Diệm và bà Nhu là người vợ trên mây của ông Nhu (nguyên văn 'platonic wife' có nghĩa là người vợ trên cõi lý tưởng, không phải cõi đời này)."
Người đàn bà lý tưởng 'platonic wife' ấy vắng mặt trong cuộc sống gia đình riêng. Ông Ngô Đình Quỳnh nói với tôi, kỷ niệm đẹp nhất là những năm tháng sống ở Đà Lạt, khi cha mẹ ông chưa về Sài Gòn giúp cho bác ông-Tổng thống Ngô Đình Diệm :
"Khi ở Sài Gòn, trong Dinh Tổng thống, tôi gần như không bao giờ được nhìn thấy cha tôi. Phòng của gia đình chúng tôi ở liền bên nhau. Nhưng dù không ai bảo, chúng tôi luôn luôn không muốn quấy rầy cha mẹ. Vì hiểu rằng, cha mẹ chúng tôi bận nhiều công việc. Ngay cả trong những bữa ăn chung của cả gia đình, chúng tôi vẫn giữ nề nếp cổ truyền. Yên lặng tuyệt đối trong khi dùng cơm. Trẻ con chỉ có quyền nghe lời cha mẹ. Gia đình chúng tôi ít trao đổi trong những dịp như thế."
Bà Trần Lệ Xuân là Kingmaker, người đặt viên gạch đầu tiên cho chế độ VNCH, bà là người khuyên ông Diệm không sang Pháp theo lời triệu vời của vua Bảo Đại.
Trường hợp ông Diệm sang yết kiến vua Bảo Đại, chắc chắn 100% ông chỉ quay lại Việt Nam như một người du lịch, hai tay đút túi quần và ngắm phố xá. Trong tay áo vua đã có một con bài tẩy.
Bà Trần Lệ Xuân đã thúc giục, thậm chí áp lực rất lớn làm cả ông Nhu và ông Diệm đi nước cờ phế truất vua Bảo Đại và làm cuộc trưng cầu dân ý.
Không có bà Trần Lệ Xuân, ông Diệm sẽ vẫn là một ông quan cưỡi ngựa đi thu thuế, kiểu "phụ mẫu, chi dân" thời phong kiến, mà thiếu cái xe mui trần cùng vệ binh danh dự và những loạt đại bác.
Sau cái chết của ông Diệm, nhóm tướng lĩnh phản bội hỷ hả ép gia đình phải viết vào giấy báo tử cho ông chức danh 'Tuần Vũ'.
Ông trùm mật vụ Trần Kim Tuyến với bút danh Lương Khải Minh đã dành hẳn một chương trong cuốn sách nổi tiếng 'Làm sao giết một tổng thống' (1971) để nói về bà Trần Lệ Xuân:
"Bà Ngô Đình Nhu có điệu bộ vóc dáng của một minh tinh màn bạc hơn là một phu nhân theo cốt cách Đông Phương.
Bà Nhu tuy chỉ học hết lớp Đệ Tam (classe de seconde) trường Albert Sarraut Hanoi nhưng bà lại có trí thông minh thiên bẩm. Sinh ra trong nhung lụa lại thuộc gia đình quan lại vọng tộc, bà Nhu từ tấm bé đã ở trong một môi trường tháp ngà như không liên hệ với nếp sống Việt Nam.
Có thể nói, bà thuộc một giai cấp khác không có trong xã hội Việt Nam. Cái giai cấp đó được hình thành trong chiếc nôi văn hóa của Tây phương. Bà là thứ trưởng giả thiệt. Nhưng thứ trưởng giả này là một chất hỗn hợp giữa bản chất Hoàng phái (dòng máu bên ngoại) cùng quan lại vọng tộc (dòng máu bên nội qua gia đình cụ Trần Văn Thông).
Thân mẫu của bà vừa là cô gái Huế vừa thuộc hàng khuê các của sông Hương núi Ngự. Thân phụ bà tuy hiền lành nhưng trong con người của ông Trần Văn Chương đã có 80% chất Tây. Quê nội trong Nam, quê ngoại ở xứ Huế lại sinh trưởng tại đất Bắc, bà trở thành xứ lưu dàn giữa 3 miền Nam, Bắc, Trung.
Giữa hai họ Ngô Đình và Trần Văn tuy là dòng quan lại cũ nhưng họ Trần Văn đã "Tây hơn cả Tây".
Ông Nhu vốn là bạn của vợ chồng Trần Văn Chương. Lập gia đình với Trần Lệ Xuân trong vai 'chú Nhu' với ' cô cháu'. Khoảng cách tuổi tác lớn. Song trụ cột gia đình lại là 'cô cháu'. Gia cảnh túng thiếu vất vả. Năm 1952, bà Nhu còn phải đi cầm chiếc kiểng trang sức cuối cùng nuôi chồng.
Chiến tranh với những luồng ý thức hệ khốn khổ nhập khẩu từ nước ngoài được khuân tới Việt Nam chuyên chở theo hệ lụy là những người phụ nữ phải gác một bên thiên chức làm mẹ.
Từ quyết định quan trọng tháng 4/1954, can ngăn anh chồng không sang Cannes yết kiến Bảo Đại, bà Nhu còn là người có đối sách và cứng rắn trong vụ tướng Nguyễn Văn Hinh (1913-2005).
Tướng Hinh là con của ông Nguyễn Văn Tâm 'Con cọp Cai Lậy', từng giữ chức Thủ tướng của vua Bảo Đại 1952-1953.
Hổ phụ sinh con gì?
Tướng Trần Văn Đôn kể với tôi nhiều chuyện, khâm phục cách cầm quân, dẹp loạn của tướng Hinh. Ông Hinh rất được tín nhiệm dưới thời tướng Pháp Jean de Lattre de Tassigny (1889-1952) làm Tổng tư lệnh Đông Dương. Ông Nguyễn Văn Hinh làm tướng khi mới 36 tuổi.
Gặp ông Hinh tại quán "Nụ cười Sài Gòn" tại Paris, tôi vẫn nhớ ông kể, sáng sáng vẫn đấm bốc đến 400 trái. Tướng Nguyễn Văn Hinh vừa làm tướng Việt, vừa làm tướng Pháp. Ông làm đến chức Trung tướng trong quân đội Pháp.
Tướng Hinh đã tham gia thế chiến thứ hai, đánh quân Đức tại các chiến trường Bắc Phi, Ý, hành quân đổ bộ lên Provence.
Ông Hinh được nhận hai Huân chương Đệ ngũ và Đệ tứ đẳng Bắc Đẩu Bội tinh của Pháp, Đệ nhất đẳng Bảo Quốc Huân chương vua Bảo Đại tặng. Về Pháp, ông phụ trách phần phòng thủ chống vũ khí hạt nhân trong quân đội Pháp.
Ngày 15/06/2000, tướng Hinh được tổng thống Pháp trao tặng Huân chương Đệ nhất đẳng Bắc Đẩu Bội Tinh- Công trạng Quốc gia. Lực lượng Hoa kỳ cũng trao tặng tướng Hinh Huy chương Air Medal.
Khi tướng Nguyễn Văn Hinh mất, lễ tang được cử hành tại điện Invalides, nơi nước Pháp dát vàng con đường đưa hương hồn Hoàng đế Napoleon từ nơi lưu đầy trở về.
Trong cuộc đấu tay đôi với 'Ông trời con' Nguyễn Văn Hinh, Bà Nhu là người thắng cuộc.
Bà Trần Lệ Xuân và ông Ngô Đình Nhu
Tình mẫu tử
Qua những bộc bạch của ông Quỳnh, tôi nhìn thấy chân dung về người đàn bà uy quyền một thời ở một khía cạnh mềm mại khác. Khía cạnh của tình mẫu tử và trái tim tìm đến với thiên nhiên:
"Căn hộ của mẹ tôi có hai ban công lớn. Song một ban công không thể ra ngoài được, vì mẹ tôi đã biến nó thành một khu vườn rất nhiều, rất nhiều khóm cây nho nhỏ và khóm hoa. Tôi nói với mẹ tôi : Maman, có nhiều cây quá thế này, thì làm sao mà bước ra được ban công?
Mẹ tôi nói, con chẳng hiểu gì cả, con nghĩ thế nào khi mẹ nghiêng người ra ngoài thế này thật tuyệt vời làm sao. Mẹ rất thích như thế, chỉ cần một lối để ra tưới cây, thế là đủ.
Mẹ tôi cũng có một bể nước nuôi cá. Rất lớn, như thế này này. Thỉnh thoảng có con chết. Món quà quý nhất tặng cho mẹ tôi là kiếm mấy con cá khác để thay những con đã chết. Đó là cách sống êm đềm mẹ tôi chọn.
Mẹ dạy cho chúng tôi biết tự lập, tự mình lo lấy bản thân. Chính mẹ tôi cũng tự lập cho đến một năm trước khi qua đời. Hôm nào mẹ cũng đi bộ đi nhà thờ xa nhà đến một cây số. Rất tự lập và thích như thế..."
Về cuối đời, bà như muốn quên đi tất cả. Ông Ngô Đình Quỳnh kể cho tôi:
"Mẹ tôi rất cố gắng để không thổi lên nỗi căm hờn, không trút căm giận trong quá khứ của bà với những kẻ đã giết bác tôi và cha tôi, những kẻ đã làm điều ác với gia đình chúng tôi.Tôi nghĩ điều này rất khó khăn với mẹ tôi, song bà luôn luôn cố gắng.
Mỗi lần tôi đặt câu hỏi về Việt Nam, vì tôi không biết nhiều về Việt Nam, thì mẹ tôi giận dữ lắm, như tôi có lỗi khơi lại nỗi đau mà bà phải chịu đựng từng ấy thời gian. Trước phản ứng của mẹ tôi như vậy, tôi phải nói:
"-Thôi, thôi maman, mẹ ơi, mẹ ơi!!! Nếu maman không thích thì chúng ta không nói đến nữa."
Tôi hiểu rằng vì sao mẹ tôi không muốn quay lại quá khứ, vì điều căm hờn đó hành hạ bà. Mẹ tôi tuyệt đối không muốn truyền sự vật vã đó sang chúng tôi, nhưng bà không biết phải làm thế nào, hẳn chỉ bằng cách đó.
Thâm tâm bà chỉ muốn những suy nghĩ tiêu cực không tiêm nhiễm chúng tôi. Và mẹ tôi đã thành công trong việc này.
Tôi nghĩ rằng, cá nhân tôi cũng rất biết kiềm chế.
Tại vì thế, hay cũng nhờ cách ứng xử như thế của mẹ tôi, mà tôi không có những hành động hay suy nghĩ tiêu cực.Tôi thoát được những độc dược chẳng hạn như nỗi sợ, sự điên giận, sự căm thù, đeo đuổi trả thù, tất cả những thứ đại loại như vậy. Những điều nói trên không tồn tại trong tôi, kể cả sự ghen tuông tôi cũng không biết.
Đương nhiên, giống tất cả mọi người, đôi khi tôi cũng nổi giận. Song điều đó chỉ xẩy ra trong hai phút. Ngay sao đó tôi tự nhủ, tại sao mình lại giận dữ nhỉ ? Mình phải chế ngự điều đó và tôi vứt điều đó đi ngay.
Bà Trần Lệ Xuân
Tôi không bao giờ để cảm xúc tiêu cực điều khiển tôi. Vì điều đó chẳng giúp ích gì cả. Đó là những trọng lực cản trở suy nghĩ, cản trở nhìn vấn đề rõ ràng, rành mạch, cản trở mình tiến lên phía trước. Tất cả điều đó tôi học được ở mẹ tôi, được thừa hưởng từ bà. "
Tôi trêu ông Quỳnh:
"-Vì thế nên ông không có nếp nhăn sư tử (nếp nhăn giữa trán, người Pháp gọi là nếp nhăn sư tử)?
Nét mặt vụt trở nên linh động, ông Quỳnh thoáng nụ cười nhẹ nhàng trả lời:
" Mẹ tôi nói với rằng, Quỳnh ạ! Con là người được thừa hưởng nước da của mẹ, phải biết giữ gìn để không có nếp nhăn trên khuôn mặt. Không được nước đến chân mới nhảy. Có nếp nhăn rồi thì không chữa được nữa đâu con ạ. Lúc đó có bôi kem gì cũng chỉ che giấu được chút xíu thôi, quá muộn rồi. Con nghe mẹ, phải tránh ngay từ đầu. Cau mày, nhíu trán sẽ sinh ra nét nhăn. Phải tránh điều đó, đừng cau mày, cau trán. Phải dưỡng da bằng cách bôi kem. Phải tránh ra nắng. Tôi nghe lời khuyên của mẹ tôi về tất cả các mặt, trừ chuyện bôi kem. Để giữ gìn cơ thể, tôi luyện võ. Hồi trẻ, tôi tập đến 13 giờ một tuần. Võ karaté. Tôi bắt đầu tập khá muộn, vào độ 18 tuổi. Nhưng tôi thấy ham ngay. "
Người mẹ ấy đã đi qua cái phù du của danh lợi, cái phi lý của tranh chấp để giác ngộ cho người con trai út nét đẹp thuần lương trên khuôn mặt, dạy con chế ngự tình cảm để giữ cái thuần hậu, xa lánh dữ dằn của một con sư tử?
Còn quá nhiều điều chúng ta chưa được biết về người mẹ không muốn đứa con có nét uy quyền của mãnh thú.
Bài viết cho BBC News Tiếng Việt dựa trên cuộc phỏng vấn video của nhà báo Phạm Cao Phong thực hiện tại Brussels, Vương quốc Bỉ với ông Ngô Đình Quỳnh, tháng 12/2022.
No comments:
Post a Comment