Friday, April 14, 2023

Truyện Nhiều Kỳ: Nguyễn Thanh Lai - 

Chương 1 - Nguoiviettu

Xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết nhiều kỳ gồm 7 chương ngắn của tác giả Nguoiviettudo, một cây viết chuyên về những tạp ghi được nhiều độc giả yêu thích, có số lượng viewers đông đảo đã cộng tác với trang nhà NPN từ nhiều năm qua.
Hình minh họa

Tay công an hất hàm về phía anh thanh niên :

– Đi về mày đừng cà chớn, bị hốt lần nữa là chết mẹ mày với tao

Giọng nói miền Bắc đánh thức người thanh niên đang mơ mơ màng màng. Anh vội vàng đứng dậy quay gót không quên nhoẻn miệng chào :

– Cám ơn đồng chí.

– Biến !! ai đồng chí với mày ?

Viên công an cáu kỉnh phảy tàn thuốc lá đang hút dở về phía cửa xua như xua ruồi. Không ai trong cái đồn công an ở chợ cảm tình với người thanh niên vừa được thả. Phần lớn tại màu da đen và mái tóc quắn rất đặc điểm của dân Phi Châu khác hẳn người bản xứ. Anh con lai có nửa phần máu da đen hậu quả câu chuyện ngang trái giữa cô gái miền Nam nào đó và một anh lính Hoa Kỳ trong số nửa triệu quân Hiệp Chúng Quốc có mặt ở VN thời chiến tranh. Chàng Mỹ da đen để lại trong lòng người thiếu nữ cái bào thai oan nghiệt rồi leo lên máy bay về nước.

Có lẽ cũng chẳng tình cảm gì giữa cặp trai gái (không biết sao dân Việt Nam ít cảm tình với da đen, chắc bởi ảnh hưởng tàn ác của lính gạch mặt trong quân đoàn Lê Dương thời Pháp thuộc). Người ta đoán cô gái chắc là gái quê vì chiến tranh nên trốn gia đình lên Sài Gòn tìm kế mưu sinh. Cuối cùng may mắn (hay tai hoạ) xin vào làm dọn dẹp trong một khách sạn của quân đội Mỹ. Mỹ ở khách sạn hẳn thuộc giới sĩ quan và trong một phút say rượu nhớ nhà thấy cô bồi phòng nhỏ nhắn nhút nhát đã đè con người ta xuống tâm sự !!!

Mang bầu với một lính Mỹ da đen thì gan bằng trời cũng không dám trở về quê. Thời đó người Việt Nam bị ảnh hưởng quá nặng văn hoá Tàu, tôn thờ mấy ông TỬ (đặc biệt là Khổng Tử) lên hàng thánh nên nếu có một đứa con gái lấy chồng ngoại quốc thì coi như nhục (thiếu điều đội quần lên đầu) nói gì tới chửa hoang mà lại chửa hoang với Mỹ Đen. Người con gái nào rơi vào trường hợp này tốt nhất coi như mình không có cha mẹ, bà con thân thuộc gì và khôn hồn đừng bao giờ vác mặt về quê hương làng xóm – kể cả khi cha mẹ qua đời – nếu không muốn bị cạo đầu bôi vôi.

Bà mẹ của anh thanh niên dù sao vẫn còn chút lương tâm không nở phá thai giết chết đứa con ruột của mình nên đã đơn thân độc mã bươn chải giữa Sài Gòn hoa lệ cố gắng sống. Người Sài Gòn không ghét hay kỳ thị ai hết nên sẵn lòng giang tay ra giúp đỡ. Bà Sáu cho lon gạo, ông Tư chở đi nhà bảo sanh khám thai không tính tiền, vợ chồng anh chị An cảnh sát nhét phong bì đựng vài trăm qua kẹt cửa mà vô tình người đàn bà cô quả thấy được. Không đêm nào cô không khóc vì xúc động.

Chui rúc trong một căn phòng nhỏ xíu cô ráng sắm cho mình xe thuốc lá lẻ bán kiếm sống. Thời gian càng lâu bào thai càng lớn cô bày hàng một ngày nghỉ ba ngày. Bà con hàng xóm nhất là bà Sáu chạy qua chạy lại như má ruột chăm sóc con đẻ của mình. Bà cứ khuyên nhủ :

– Đừng khóc nhiều không tốt cho đứa nhỏ !!

Bà mua cho cô chai Nhị Thiên Đường, xức lên trán lên ngực bụng để tránh gió máy, nấu cháo cho cô ăn. Nhiều lần cô ôm bà khóc nức nở :

- Bà Sáu ơi con nhớ má con quá !!!

Và những lúc như thế bà lại nhắc :

– Đừng khóc nhiều không tốt cho đứa nhỏ !!

Hồi đó trong xóm có anh lính Biệt Động Quân hay lấy cớ mua thuốc lá lẻ rồi quên tiền thối. Thỉnh thoảng anh mua cho cô vài trái cam, ổ bánh mì thịt để trên xe thuốc rồi bỏ đi trước khi cô kịp từ chối. Anh nói :

– Chị Hai cứ ăn đi mà giữ sức khoẻ cho em bé.

Hôm xe nhà binh chở quan tài anh về trước ngỏ, cô té xỉu, khi tỉnh lại – nhờ bà con giựt tóc mai – cô chợt nhớ mình chưa có dịp cám ơn và hỏi thăm tên tuổi anh.

Chiến tranh mà !! thanh niên chết hàng ngày cho nên sau đó rồi cô cũng nguôi ngoai. Cô lại tiếp tục đẩy xe thuốc lá lẻ ra ngoài ngỏ mặc dù bụng đã lớn vượt mặt, có bữa mệt quá hàng xóm thấy chuyện lại hô hoán nhau vực cô về nhà rồi chỉ định thằng Tèo con ông Ba thợ mộc ngồi thế chỗ cho đến tối dọn dẹp và giao nộp tiền bán trong ngày. Tèo không tính công nhưng sung sướng vì làm được việc thiện mà cô giáo Thanh dạy trong trường. Những hôm đó bà Sáu dẹp hàng về sớm lo coi sóc và nấu miếng cháo thịt có nhiều gừng (chị Hai thớt heo biếu ba trăm gram) cho “con nhỏ ăn ấm bụng, tội nghiệp !!”

Tình cảm dân nghèo lao động trong một con hẻm với nhau dù không họ hàng gì, làm ấm lòng bà mẹ trẻ. Cô ngày nào cũng nhớ má muốn đứt ruột, nước mắt cứ trào ra mỗi bữa cơm nhưng không gom nổi can đảm mua vé xe về quê. Chưa kịp báo hiếu lại mang cái bụng chửa thè lè không có chồng bên cạnh thì chỉ mang nhục chớ ích lợi gi mà về. Cứ nhìn bà Sáu là nhớ má quay quắc. Nhớ những bữa má nấu canh chua, mắm ruốc xào chấm rau đồng ăn quên thôi, nhớ má nhai trầu nhổ phẹt phẹt, xịt nước tắm heo, nhớ ôm eo má, hôn má thơm mùi ngai ngái trầu cau. Nhớ chết được !!

Vậy mà chưa bao giờ cô nghĩ tới cha đứa nhỏ, người đã gieo mầm oan nghiệt vào đời cô. Cô chỉ mang máng về hình dáng một chàng trai da đen cao ráo lịch sự, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng không hiểu anh nói gì. Anh mang trên cổ áo hai gạch bạc liền nhau. Cô từng dọn dẹp phòng anh vài lần, riêng hôm đó cô thấy anh ngồi uống rượu một mình hai tay ôm đầu khóc. Gặp cô anh nói một tràng dài như muốn kể lể chuyện gì, rồi anh ôm lấy cô nhẹ nhàng. Cô chợt cảm thấy mình trở nên nhỏ bé trong vòng tay anh, cơ thể bị tê liệt rồi không biết chuyện gì xảy ra. Sau đó cô sợ hãi ôm quần áo chạy ra khỏi phòng, bỏ hẳn việc làm không bao giờ trở lại nữa. Hai tuần sau cô thấy trong mình hơi khác lạ, kinh nguyệt không có và cô nhận ra sự thật. Tháng đó cô không dám gởi tiền về cho ba má như mọi khi.

Đủ ngày đủ tháng, chiều hôm đó cô nghe bụng đau râm râm, sợ quá cô gọi thất thanh :

– Bà Sáu ! bà Sáu

Cũng may bà Sáu hôm đó về sớm nghe tiếng réo hớt hơ hớt hải chạy sang liền. Bà nhìn hiện trường rồi lập tức gọi ngay chú Tư xích lô máy. Trời thương nên ai cũng ở nhà, mấy người hàng xóm xúm lại phụ một tay đỡ cô lên xe rồi chú Tư chở bà Sáu và cô trực chỉ bảo sanh viện Từ Dũ. Vài tiếng đồng hồ sau thằng Lai ra đời …

Gọi nó là thằng Lai thật phải đạo, tóc không nhiều mà quăn tít, da đen bóng không giống mẹ nhiều tại di truyền của cha mạnh quá lấn át hết. Thằng nhỏ không khóc cô y tá phải vỗ đít nó bốp bốp mấy cái mới chịu oe oe chút xíu rồi lăn ra ngủ. Bà Sáu một tay chăm đứa nhỏ trong khi mẹ nó thiếp đi vì kiệt sức. Trong thâm tâm bà già thấy tuy lai đen mà thằng nhỏ nhìn dễ thương. Bà tính khen ” coi bộ cũng sáng sủa dữ ” nhưng chợt nhớ tới màu da của nó nên ngưng ngang.

Về nhà bà lại một tay lo cho mẹ thằng Lai nằm than. Hàng xóm ai rảnh thì phụ hợ nhau thay tã, nấu thịt kho tiêu cho bà đẻ, chẳng ai phiền hà gì hết trái lại còn có vẻ khoái trá. Như thằng Tèo cứ xin phép bà sáu cho được ẵm em bé một chút thôi ” Con ẵm chắc tay lắm, bá Sáu đừng lo ” . Thấy “con ếch ” Tèo ẵm ” con nhái ” Lai, bà cũng lo, mắt cứ chăm bẵm theo dõi sợ nó xẩy tay thì mệt .

Hôm làm khai sanh cho thằng nhỏ bà đứng ra lo hết, nhưng đều hỏi ý kiến người mẹ muốn khai tên con là gì. Thằng nhỏ mang họ Nguyễn của mẹ còn tên thì cứ theo màu da mà đặt. Cuối cùng thằng công dân mới tinh của cái xóm nhỏ nghèo mà đầy nghĩa tình mang tên đầy đủ là Nguyễn Thanh Lai (Thanh lấy từ chữ lót của ông ngoại nó) .

Thằng Lai dễ nuôi dễ sống không quấy rầy gì mẹ nhiều. Nó cứ bú no rồi ngủ không khóc đêm, không quậy phá. Thấy mẹ nó ốm yếu hàng xóm (phần chắc là vợ chồng anh chị An cảnh sát không có con) mua cho vài hộp sữa Ông Thọ dậm thêm.Thằng Lai chẳng dị ứng gì hết quất láng nhờ vậy càng ngày càng tròn.

Ban ngày mẹ nó trùm chặt đem theo để kế bên thùng thuốc lá lẻ. Nó đói thì cứ vạch vú ra cho bú, bú no lại lăn ra ngủ. Dạo này mẹ nó nấu thêm xôi đậu phọng và khoai lang khoai mì luộc. Cực quá khiến cơ thể ngày càng gầy rạc, nhưng phải chịu chứ biết sao. Nhiều lúc muốn liều ẵm con về quê mà không nở làm ba má buồn. Cũng có khi muốn bỏ con cho Cô Nhi Viện nhưng cứ nhìn tay chân con mặt mũi con lại đứt ruột.

Một buổi sáng bà mẹ trẻ vươn mình ngồi dậy mà không nổi. Thân thể tay chân cứng đờ, dở không lên, cô hốt hoảng. Hàng xóm xúm lại cạo gió giật tóc mai mà không đỡ, cuối cùng chú Tư xích lô máy chở thẳng vào nhà thương. Chú Tư phụ với bà Sáu ở lại chăm sóc cho tới khi y tá bệnh viện gọi trên máy phóng thanh ” Ai là thân nhân của Nguyễn Thị Được lên văn phòng gấp ” , cả hai cùng hồi hộp không biết chuyện gì xảy ra. Cho tới khi nhận được tin “Chúng tôi rất tiếc người bệnh tới nhà thương trễ quá !! ” thì bà Sáu té xỉu cái đùng! Chú Tư thì khóc rối trí không biết phải giải quyết làm sao với người chết và người ngất.

Cả xóm hùn nhau lo ma chay cho mẹ thằng Lai mà tới bây giờ ngoài bà Sáu mới biết tên thật là Nguyễn Thị Được. Thằng Lai chẳng quan tâm cứ bú ” Ông Thọ ” và ngủ li bì. Tội nghiệp thằng nhỏ vấn vành khăn tang trên đầu khiến ai cũng lắc đầu thương xót. Có người trách móc ông Trời, có người chửi cha thằng Lai ” Quân vô lương tâm !” nhưng cũng có người chắc lưỡi ” Đây rồi thằng nhỏ sống ra sao ?…”

Sau ma chay cho cô Được bà Sáu đem thằng Lai về nuôi. Bà có chồng nhưng không con nên bà cũng thương thằng nhỏ, còn ông thì hơi khó chịu mặc dù không ghét ra mặt vì mái tóc xoắn và màu da của tụi Tây đen Lê Dương Pháp hay đi càn bố dân quê miền Nam khi xưa. Ông phàn nàn ” Chuyện người ta tư nhiên nhảy vô gánh, thiệt là bà rảnh quá !! “

Cuối cùng bà Sáu chịu hết nổi phải ra chùa đốt nhang tâm sự với cô Được :

– Con có sống khôn thác thiêng về phù hộ cho thằng nhỏ, bà xin lỗi con chắc bà sẽ giao cháu cho viện mồ côi …

Rồi bà đợi ngày rằm tháng tốt ẵm thằng bé cùng với tờ khai sanh nhờ chú Tư Xích Lô Máy rành đường chở bà đến Cô Nhi Viện của mấy bà Phước. Bà quỳ xuống chắp tay lạy mấy bà năn nỉ :

– Dạ thưa Ma Sơ, mẹ của cháu chết rồi mà tui nuôi không nổi. Nay xin nhờ Ma Sơ nhận dùm cháu, tui sẽ ăn chay cầu trời khấn Phật Amen Chúa phù hộ độ trì cho mấy Ma Sơ (bà còn tính thêm buôn may bán đắt nhưng ngưng kịp !!)

Bà Sơ cỡ trên dưới năm mươi tuổi hiền từ mỉm cười đưa tay ẵm thằng Lai :

– Dạ không sao đâu bác. Cô Nhi Viện sẽ lo hết cho cháu.

Sẵn trớn bà Sáu đưa luôn tờ khai sanh :

– Dạ còn đây là giấy tờ khai sanh xin gởi luôn cho Ma Sơ.

Chiều hôm đó bà Sáu bỏ cơm, cả xóm yên lặng không ai thấy ông Sáu đâu hết. Ổng biến mất vì sợ hàng xóm láng giềng nói bóng nói gió : Người thiếu lòng nhân đạo !!!

Rồi thằng Lai bắt đầu cuộc sống trong Cô Nhi Viện do mấy bà sơ phụ trách. Trời sinh trời dưỡng thấm thoát mà nó lớn lên lúc nào không biết. Thỉnh thoảng bà Sáu, vài cô bác ở xóm có ghé thăm mua cho vài hôp sữa. Cuối cùng không thấy ai ghé thăm nghe nói đâu chừng bà Sáu dọn nhà đi mất.

Lai sinh vào tháng Ba 1968. Đến 1975 mấy ông bộ đội tiến vào giải phóng miền Nam giải phóng luôn Cô Nhi Viện nằm trong vùng Thủ Đức. Nó càng lớn càng giống người cha Mỹ Đen bỏ chạy hơn là bà mẹ Việt Nam. Nó không biết ai là gia đình dòng tộc của mình ngoại trừ những bà Ma Sơ mà ngày nào cũng chăm sóc cho gần bốn mươi đứa con nít không cha không mẹ, trai có gái có Việt Nam rặt cũng có mà lai Đại Hàn hay Mỹ Đen cũng có. Trai gái được chia ra ở riêng.

Phụ trách đám mồ côi bên con trai là hai Ma Sơ: Ma Sơ An Na và Ma Sơ Tê Rê Sa, còn bên phía nữ là Ma Sơ Lu I Sa và Ma Sơ Cờ La Ra. Tất cả dưới quyền của Mẹ Ma Sơ Ma Ri A một người đàn bà hơi lớn tuổi và nghiêm khắc. Lai cũng như các bạn khác theo sự hướng dẫn gọi bà là Mẹ.

Ma Sơ Tê Rê Sa là một nữ tu nhỏ nhắn chừng trên dưới hai mươi lăm, đặc trách chăm sóc mấy đứa con trai, lớn nhất là anh Chí Ròm mười lăm tuổi. Ma Sơ hay cười và gọi đám con nít là các em. Cô dạy mấy đứa tập đọc làm toán và thỉnh thoảng thưởng đứa nào giỏi cây bút chì hoặc cục gôm mới tinh. Mặc dù đám trẻ hay nghịch nhưng chưa bao giờ cô phạt, quá lắm thì Ma Sơ ôm mặt khóc, những lần như vậy cả lớp im phăng phắc con ruồi bay ngang cũng nghe tiếng. Được cái khóc đó nhưng vài phút sau cô lại cười đùa chơi giỡn với đám trẻ bình thường trở lại.

Ma Sơ Tê Rê Sa đặc biệt thương thằng Lai. Thỉnh thoảng cô bẹo má nó, móc trong túi áo chùng thâm cây viết chì màu dúi vào tay thằng nhóc năm tuổi đầu khen ngợi tài vẽ đẹp. Cô hay xoa đầu nó lẩm bẩm ” Tội nghiệp con ” . Nó cũng thương cô như một người mẹ vì nó chưa bao giờ biết mẹ mình là ai huống chi tình cảm mẹ con. Mới năm tuổi nhưng nó dơ nắm đấm đe dọa mấy đứa hay lì lợm không nghe lời Ma Sơ. Đứa nào cũng sợ vì nó to con và rõ ràng là rất mạnh. Thỉnh thoảng Cô Nhi Viện mở cửa cho người ngoài vào thăm. Bọn con nít ăn mặc sạch sẽ, đầu tóc chải gỡ đàng hoàng hy vọng sẽ có người nào đó chịu nhận về làm con nuôi. Vài đứa gặp may mắn rồi, nhất là phía con gái. Nhưng khách cứ tới chỗ thằng Lai thì bước nhanh sang phía khác. Nó nhìn những ông bà buột miệng gọi ” Ba, má ” ao ước họ sẽ cười, ẵm lên, hôn và vuốt tóc nó. Rồi thấy người ta bỏ đi luôn nó tủi thân ôm mặt khóc. Ma Sơ Tê Rê Sa từ đâu bỗng xuất hiện chạy tới ôm nó vuốt mái tóc xoăn tít vổ về ” Tội nghiệp con tôi, tội nghiệp con tôi …” Nó oà lên trong vòng tay của Ma Sơ ao ước Ma Sơ là mẹ mình để mình ôm hôn. Thỉnh thoảng nó vẽ gương mặt Ma Sơ dưới vòng lúp đội đầu giống hình mấy bà Thánh treo dọc hành lang. Nét vẽ con nít giản dị nhưng đủ sức làm Ma Sơ rươm rướm nước mắt.

Thực ra thì cuộc sống trong Cô Nhi Viện không có gì phải phàn nàn. Bọn nhóc được ăn uống đầy đủ có cả sữa tươi do lính Mỹ đóng gần đó cung cấp. Ăn sáng xong chúng xếp hàng lên lớp học giống như sinh hoạt trong trường Thiếu Sinh Quân ở Vũng Tàu và mọi chuyện được điều hành tốt đẹp từ khi thành lập tới bây giờ là nhờ vào khả năng của người khai mở : ông cha Giu Se.


Cha Giu Se mới trên dưới bốn mươi lăm chịu chức Linh Mục hơn mười năm. Đặc điểm của ông là chưa kịp nhìn thấy người đã nghe tiếng cười oang oang sảng khoái. Cha Giu Se con một gia đình giàu có phú hộ dưới miền Tây, trốn cha mẹ đi tu theo Công Giáo cuối cùng thành linh mục khiến ông bà Huỳnh Văn Báu khóc hết nước mắt . 

Ai đời có mỗi đứa con trai nối dõi cho ăn học theo Tây U để kịp tiến bộ với đời, cuối cùng nó bỏ hết cha mẹ tài sản đi tu đạo Chúa. Nó bỏ thánh hiền các đức Khổng, đức Mạnh, đức Quan Công bên Tàu, bỏ luôn cả tổ tiên ông bà. Rồi sau này ông bà về miền tiên cảnh ai sẽ lo cúng quảy nhang đèn? Nghĩ tới đó là bà khóc rống lên, đổ thừa ông cho con theo Tây học. Ông thì thúi ruột nghĩ tới dòng họ Huỳnh từ nay tuyệt tự. Đạo ông bà sao nó không chịu giữ? đất đai tài sản cò bay thẳng cánh sau này khi ông bà về tiên cảnh sẽ để lại cho ai. Lẻ ra tất cả sẽ thuộc về con trai Huỳnh Ngọc An và vợ con nó. Bây giờ càng nghĩ càng nhức đầu…

Huỳnh Ngọc An rất hiểu tâm sự cha mẹ như hầu hết người dân miền Nam về chuyện thừa kế, chuyện nối dõi tông đường. Hồi mới lên Sài Gòn học anh cũng muốn mình theo con đường phụ mẫu mong mỏi: học thành tài lấy vợ sinh con, trở về quê chăm sóc tài sản, y như ngày xưa cha đã làm theo ý ông nội …

Cho tới cái ngày định mệnh dẫn dắt anh đi ngang qua ngôi nhà thờ cổ, nằm cô đơn trên góc đường ít người qua lại. Anh đã đi ngang qua đây vài lần nhưng hôm nay một điều gì đó lôi kéo anh bước vào bên trong. Vòm nhà thờ cao vút trên tường treo hình ảnh vẽ lại một người đàn ông vác cây thập tự. Cũng chính người đàn ông đó giờ bị treo tay chân lên một cây thập tự khổng lồ giữa nhà thờ. Theo những điều học hỏi trong sách vở anh biết người ấy tên là Giê Su giáo chủ của đạo Thiên Chúa nhưng anh chỉ biết đến đó.

Anh ngồi xuống và khi ngước lên mắt anh chạm vào tượng một người phụ nữ ăn mặc đơn sơ trong trang phục màu xanh trắng, hai bàn tay xoè ra, cánh tay giang rộng như muốn mời gọi tất cả đến với mình. Sự giản dị trong cung cách, nét hiền dịu trong vẻ mặt giống như ảnh Phật Bà Quan Âm cầm bình nước cam lồ mà nhà anh hay treo trên đầu sập gụ. Nụ cười hiền hoà trên khuôn mặt bà làm anh bất giác mỉm cười và gật đầu chào…

Vài ngày sau anh trở lại ngồi đúng vào chỗ anh đã ngồi vài hôm trước, gật đầu chào người phụ nữ – mà anh gọi là Bà Đẹp – và bắt đầu mở sách ra học. Anh không quan tâm đó là tượng ai cho đến khi mắt anh đọc dòng chữ Latin ghi dưới chân tượng ” Regina Pacis” (Nữ Vương Hoà Bình) và chú ý đôi bàn chân bà đứng trên quả địa cầu đang đạp đầu một con rắn.

Từ đó anh hay ghé ngôi nhà thờ tìm sự yên lặng suy nghĩ về cuộc đời và đôi khi chợp mắt một chút. Có lúc trong mơ anh gặp ông Giê Su có lúc anh thấy cả Bà Đẹp. Một lần anh nhớ Bà mỉm cười mở rộng đôi tay khẽ nói với mình “Hãy theo Ta “

Ngày anh nhận điện tín báo tin má bệnh nặng. Anh hết hồn tức tốc mua vé xe đò về quê sợ không kịp nhìn mặt.

Xe chạy ngang qua ngôi nhà thờ, đột nhiên anh bảo tài xế ngừng lại và bước vội vào rồi quỳ dưới chân Bà Đẹp mà năn nỉ: ”Bà ơi xin bà cứu chữa cho má con rồi Bà muốn gì ở con cũng được !!!”

Về tới nhà anh chạy ào vào thấy má nằm thoi thóp anh quỳ dưới chân giường nắm tay má mà khóc. Giá như anh đánh đổi sinh mạng mình để má khoẻ mạnh bình thường thì anh cũng không hối tiếc. Nhìn thấy ngực má thoi thóp, hơi thở khó nhọc anh sợ quá ngất đi. Ba đỡ anh ngồi lên ghế thúc đầy tớ làm ly trà chanh đường nóng mớm anh mới hồi tỉnh lại. Anh cứ ở bên má như vậy lúc ngủ lúc thức cho tới sáng hôm sau.

Má mở mắt mỉm cười nhìn đứa con trai yêu của má. Hơi thở coi bộ nhẹ nhàng hơn, sắc mặt hồng hào một chút, má hỏi :

– Dìa hồi nào dậy con

Huỳnh Ngọc An ôm má khóc :

– Má khoẻ chưa má …

– Má thấy đỡ nhiều lắm rồi. Hôm qua má tưởng mình đi luôn không kịp nhìn thấy con. Có cái bà nào đó đẹp lắm nhưng không quen biết gì đến lấy tay đặt lên trán má trong lúc ngủ làm má khỏe luôn…

Bà má không quen nhưng ông con Huỳnh Ngọc An thì biết má mình đang nói về ai vì mấy ngày nay anh cứ năn nỉ Bà Đẹp liên tục.

Trở lên Sài Gòn An bận bịu việc học hành nên không còn thì giờ ghé thăm ngôi nhà thờ cổ kính và Bà Đẹp gần cả năm trời. Thời gian nầy chiến tranh bắt đầu lan rộng, tình hình không an ninh nữa. Huỳnh Ngọc An nhân nghỉ hè về quê thăm gia đình cùng tá điền ra ruộng. Lớ ngớ thế nào bị dính lựu đạn gài nổ tung làm người tá điền banh ruột chết tại chỗ còn Huỳnh Ngọc An bị miểng xuyên qua lồng ngực phải đưa ra bệnh viện tỉnh cấp cứu. Trong những ngày nửa mê nửa tỉnh này chàng thanh niên chợt nhớ lại lời mình hứa.

Bình phục, An trở lại ngôi giáo đường thăm Bà Đẹp và bắt đầu tìm hiểu về Đạo Thiên Chúa. Càng đọc càng mê và cuối cùng sau thời gian gần cả năm trời suy nghĩ An quyết định chọn theo con đường của ông Giê Su – mà anh giờ đây gọi là Chúa – anh càng ngày càng siêng năng gặp gỡ, tâm sự với Bà Đẹp – Anh gọi Bà là Mẹ như mọi người Công Giáo vẫn làm…

Cha Giu Se khi chịu chức còn trẻ lắm. May cha kịp rửa tội, đưa hai ông bà Joachim và Anna lên Thiên Đàng trong một thánh lễ trước khi chết (cha thi hành bổn phận của con cái với hai ông bà cố – cũng không hiểu tại sao người ta cung kính xưng hô song thân mình như thế) . Những ngày tháng đầu tiên cha cảm thấy ít thoải mái khi nhiều người già cúi chào thật sâu, xưng CON và kêu mình bằng CHA. Cha hốt hoảng nhưng riết rồi cũng quen.

Tài sản của ông bà Joachim và Anna đúng ra thuộc hết về cha nhưng cha giao cho người em gái mình cai quản. Tiền bạc đối với cha giống như một gánh nặng hơn là niềm vui – không hẳn vì lời Chúa dạy trong Phúc Âm hay tuân theo điều răn khó nghèo của Linh Mục mà đơn giản là cha không biết xử dụng tiền bạc vào cái gì. Từ nhỏ cho tới khi ra đời cha sống trong sự lo liệu của song thân chưa bao giờ bị túng thiếu nên tiền bạc đối với cha giá tri không hơn một tờ giấy lộn là mấy. Cha Giu Se thương con nít. Cha gọi con nít là những Thiên Thần (không tin thì hãy nhìn vào những đôi mắt của chúng). Nhất là những trẻ mồ côi. Chuyện như vầy :

Hôm đó mới sáng sớm ông từ giữ nhà thờ chạy tới đập cửa phòng cha rầm rầm :

– Cha Giu Se ơi, thưa cha Giu Se… Lạy Chúa tôi…

Đang quỳ gối cầu nguyện cho giờ kinh sáng cha hốt hoảng mở cửa hỏi :

– Gì thế bác Năm?

Ông từ Năm đưa cái bọc ông đang ôm trong hai tay :

– Thưa cha có ai bỏ cái bọc này trước cửa nhà thờ…

Cha Giu Se vén rộng hai bên bọc : một gương mặt sơ sinh mới chừng vài tuần đẻ nhìn lên. Điều này thật bất ngờ khiến cả hai người đàn ông điếng hồn. Cha Giu Se đưa tay đỡ, ôm bọc vào trong lòng không nghĩ ra được phải làm gì với hài nhi oan trái của ai đó . ….

Ông từ Năm sống côi cút cả chục năm vì vợ chết được cha Giu Se thương tình cho ở trong góc chái bên nhà kho để lo cơm nước. Ông cũng chẳng bao nhiêu kinh nghiệm nuôi con nít vì hai vợ chồng hồi đó chưa kịp có con. Bây giờ nhiệm vụ của ông là lo thêm một miệng bú ngoài ông và cha Giu Se.

Cuối cùng cha phải gởi đứa nhỏ vào Cô Nhi Viện, nhưng ngay sau đó cha chợt nẩy ý nghĩ là sẽ lập một Cô Nhi Viện tự mình chăm sóc…

Có một khoảng đất hoang rộng sát bên nhà thờ thuộc sở hữu quận. Cha Giu Se làm đơn xin mua lại giá rẻ, gặp ông quận trưởng cũng là con chiên ngoan đạo nên mọi chuyện giấy tờ dễ dàng. Ông quận sốt sắng giao bằng khoán còn làm dấu thánh giá xin cha ban phép lành cho. Thời buổi chiến tranh cẩn tắc vô áy náy – ông quận nghĩ vậy.

Cha Giu Se huy động thanh niên trong xóm phụ với cha làm sạch mặt bằng rồi dựng căn nhà lớn chia nhiều phòng. Lúc đó con chiên mấy ông trùm, ông từ, các bà mẹ Công Giáo và những thanh niên thiếu nữ hội Con Đức Mẹ mới biết cha Giu Se mở Nhà Mồ Côi cho con nít – đặc biệt những em nạn nhân chiến cuộc.

Hôm khánh thành ông quận dẫn bà vợ dân Sài Gòn đến tham gia. Bà này trẻ đẹp mà bình dân cùng lần một tràng Mân Côi với giáo dân địa phương. Bà còn móc ví lấy mười ngàn bỏ thau; ông quận tính bỏ hai ngàn, thấy bà vợ liếc sắc lẻm bèn rút trong bóp gom cho đủ năm ngàn. Buổi tiệc chiêu đãi quan khách gồm có bánh mì thịt nguội và Coca Cola do cố vấn Mỹ cung cấp. Nghèo mà vui !! (tiền mua đất là do cha năn nỉ với em gái chứ cha Giu Se chỉ có cây Thánh Giá và tràng hạt Mân Côi làm của)

Mới đầu mấy bà mẹ Công Giáo và các thiếu nữ hội dòng Con Đức Mẹ xung phong phụ cha còn cha đi lang thang xin chỗ này một ít xin chỗ kia một chút làm vốn phát triển. Từ từ công trình trở nên khang trang rộng rãi chứa được gần chục đứa từ sơ sinh cho tới vài tuổi. Nhiều lúc cha phải về quê năn nỉ em gái hỗ trợ. Cô Mát Tha em gái – chịu rửa tội sau khi cha mẹ qua đời – gặp cha Giu Se là cười :

– Dữ hôn, lâu mới thấy anh. Khoẻ hôn? ở chơi bao lâu? chiều nay em bắt con gà nấu cháo đãi, còn dư thì đem chia cho ông (từ) Năm dùng với !!

Rồi chiều đến cô nói nhỏ với anh mình :

– Nè, anh cầm chút quà về lo công chuyện!! anh không phải cám ơn em đâu !! của cải ba má để lại làm việc tông đồ đó.

Và lần nào sau khi vun quén cho Nhà Mồ Côi cha Giu Se vẫn còn dư chút đỉnh để giúp cho mấy gia đình nghèo.

Nhưng rồi các bà mẹ Công Giáo và thiếu nữ hội Con Đức Mẹ không phải chuyên nghiệp chăm cho cả chục đứa con nít nên từ từ bỏ cuộc. Cuối cùng cha Giu Se xin với Giám Mục cử vài Ma Sơ có huấn luyện bài bản đến phụ. Mới đầu được hai Ma Sơ, sau thấy không xuể vì con nít chạy giặc chết cả cha mẹ xảy ra thường xuyên phải điều động thêm một Bề Trên và hai Ma Sơ nữa mới xoay việc suôn sẻ.

Có những đứa được nữ quân nhân Trợ Giúp Xã Hội đem đến, nhưng đa số do chính cha Giu Se đem về từ các trại tị nạn. Hàng ngày sau bổn phận chủ chiên cha thường đạp xe loanh quanh, thấy đứa nào lôi thôi lếch thếch là dừng lại. Cha hay hỏi tình cảnh và cuối cùng đề nghị :

– Con có muốn về ở với gia đình cha không?

Và nếu đứa nhỏ gật đầu nó sẽ ngồi sau yên xe cho cha chở về Nhà Mồ Côi. Còn nếu nó từ chối cha sẽ hướng dẫn thủ tục để nhập trại tị nạn. Và trường hợp của Trương Hoàng Trí đã xảy ra chính xác như thế.

Hôm đó cha Giu Se đang trên đường trở về nhà xứ sau khi thăm trại tị nạn thì thấy một đứa bé cỡ khoảng chín mười tuổi ngồi bên vệ đường. Thằng bé mặt mày lem luốc áo quần xốc xếch cổ đeo một giỏ cói lớn, nhìn chăm chăm trước mặt mà hình như chẳng thấy gì. Cha ngừng lại hỏi :

– Con làm gì mà ngồi đây?

Không trả lời

– Con chờ ba má hả, có đói bụng không?

– Ba má chết rồi !!

– Ôi lạy Chúa !! rồi con sống với ai?

Không trả lời

– Lên xe cha chở con đi mua ổ bánh mì …tội nghiệp con tôi…đói lắm không con?

– Đói..

– Cha biết…

Rồi hai cha con chở nhau đi. Trên đường cha hỏi đứa bé hoàn cảnh gia đình và đây là những gì cha biết …

– Đứa nhỏ tên tên Trương Hoàng Trí, con ông Trương Hoàng Dũng và bà Nguyễn Thị Mai quê ở ngoài Trung. Trên đường chạy giặc vào Nam cha mẹ và đứa em gái nhỏ Trương Hoàng Mỹ Trân bị pháo kích chết nằm tênh hênh ngoài lộ. Còn Trí không kịp khóc cha mẹ em, được mấy người tốt bụng lôi theo vào tận Sài Gòn. Mấy ngày hôm nay bị lạc nhau Trí không biết phải đi đâu cứ lang thang cổ đeo giỏ cói chứa ít quần áo và tờ khai sanh. Đói thì lục rác hay ăn chực đồ dư, khát thì uống nước phông tên. Tối nằm trước hiên nhà người ta mà ngủ. Nhiều khi khách đang ăn mà cứ nhìn chăm bẳm họ ghét đuổi như đuổi tà hay ngủ quên trước hàng quán bị chủ tạt nước buổi sáng….

Cha Giu Se chứng kiến bao trường hợp nhưng chuyện của Trương Hoàng Trí làm cha không ngăn được nước mắ . Cha cứ kêu ” Lạy Chúa con…” hoặc ” Mẹ ơi ” sau mỗi ” phân đoạn ” ….thói quen trước một sự việc đau lòng. Cha dùng chữ ” Mẹ ơi ” để ám chỉ Bà Maria Hằng cứu Giúp vì cha gọi thân mẫu mình bằng má như mọi người miền Nam.

Rồi cha lại hỏi Trí câu quen thuộc :

– Con có muốn về sống với gia đình cha không?

Trí không chút sợ hãi hay nghi ngờ gật đầu. Sau này Trí tâm sự với Ma Sơ phụ trách là Trí tin tưởng gương mặt hiền hoà, giọng nói đầy thương yêu thông cảm của cha Giu Se. Ở quê Trí cũng gặp mấy ông mặc áo dòng như vậy và người nào cũng tốt cho nên dù cha mẹ vẫn dạy Trí và em gái không nghe lời, không đi theo người lạ, nhưng Trí ưng thuận lời đề nghị của cha Giu Se ngay lập tức mà không đắn đo gì hết.

Kể từ khi về Nhà Mồ Côi, Trí trở thành “đàn anh” chín tuổi của đám con trai chừng chục đứa trải dài từ mới đẻ cho tới bốn tuổi đầu. Cha Giu Se giờ không còn đạp xe nữa nhưng cỡi một cái Honda cà tàng mua lại của một giáo dân. Nhờ đó cha đi xa hơn có khi cả chục cây số tìm kiếm những nhà bảo trợ hảo tâm. Nhiều hãng xưởng bánh kẹo, giày dép quần áo rất vui lòng trích ra một số để cha đem về làm quà cho con cái. Những lần như thế cha vui lắm mới đẩy xe vào cửa đã nghe tiếng cha cười oang oang :

– Trí ơi thưa với mấy dì ra phụ cha đem bánh kẹo cho mấy em nè…

Cha cười quạt phành phạch mồ hôi nhễ nhại trên mặt. Cha vui thấy rõ và nói với Ma Sơ phụ trách:

– Tội nghiệp mấy đứa nhỏ thèm ngọt…

Cố vấn Mỹ thỉnh thoảng cho xe nhà binh chở sữa và bánh mì tới phân phối cho con nít. Ông thiếu tá da trắng bự con đứng cao hơn cha Giu Se cái đầu mà mỗi lần nói chuyện với cha đều cung kính hai tay chấp vào nhau. Cha Giu Se hành động tương tự và xổ tiếng Anh như gió trả lời. Cảnh hai người lớn một Việt một Mỹ nói chuyện với nhau giữa một đám con nít chơi chung quanh mới thấy tình yêu không có biên giới.

Nguoiviettudo

Mời đọc tiếp chương 2

No comments:

Post a Comment