Saturday, April 1, 2023

HAI CHẬU LAN TỐ TÂM

“Hai chậu lan Tố Tâm” của nhà văn Phan Du là truyện ngắn Việt Nam đã đoạt giải Nhì, đồng hạng với Nhật Bản, trong cuộc thi truyện ngắn giữa các quốc gia vùng Đông Nam Á (gồm có Trung Hoa Dân Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn, Phi Luật Tân, Mã Lai, Ấn Độ, Hương Cảng, Hồi Quốc và Việt Nam) do Trung tâm Văn bút Phi Luật Tân tổ chức và tuyên bố kết quả vào thượng bán niên 1964.

Theo một tài liệu, truyện này “do ông Nghiêm Xuân Việt lựa chọn tác phẩm của một nhà văn không đứng trong một tổ chức nào”, dịch ra tiếng Pháp gửi dự giải.

NV Phan Du người Quế Sơn, Quảng Nam. Khoảng năm 1973 Đại Học Sư Phạm Huế , trong chương trình Con Người và Môi Trường Sống đã mời nhiều vị đến nói chuyện, trong đó có hai nhà văn Phan Du và Doãn Quốc Sỹ. Không nhớ ông Phan Du nói về đề tài gì, chỉ nhớ khuôn mặt thật thà, đôn hậu của một nhà văn Quảng Nam. Lúc đó cũng chưa đọc tác phẩm nào của ông. Mười năm sau ông mất.

Phan Du(1915-1983)

MÃI đến nay, cứ mỗi lúc ngắm hoa kiểng hay bàn đến cái thú chơi hoa, tôi lại nhớ tới cụ Tú họ Nguyễn.

Cụ Tú là người bạn quí nhất của cha tôi. Nhưng thực ra, mãi đến lúc óc nhận xét của tôi đã trưởng thành và tế nhị, tôi mới nhận biết được như thế. Nghĩa là tôi mới nhận ra được tất cả cái nồng đậm của mối giao tình, mà tôi tưởng là đạm bạc, giữa hai người bạn già này.

Là vì thuở ấy, tôi không bao giờ thấy sự có mặt của cụ Tú giữa đám quan khách sang trọng, trong những tiệc rượu linh đình tại nhà cha tôi. Và họa hoằn lắm, cụ Tú mới đến thăm chơi ở tư dinh.

Có một điều làm cho tôi chú ý là sự thù tiếp của cha mẹ tôi đối với cụ Tú họ Nguyễn. Về mặt hình thức chừng như nó có vẻ giản dị, xuềnh xoàng, khác hẳn lối đối xử với đám khách khứa quyền quí. Tuy nhiên, trong cái giản dị, đơn sơ ấy, có cả một sự thận trọng nó biểu thị tất cả một tấm lòng kính yêu, vị nể hết sức chân thành.

Bao giờ cũng vậy, mỗi khi cụ Tú đến chơi, tôi thấy cha tôi tự tay chăm chút sửa soạn từ bộ ấm chén, đến đỉnh trầm, bàn cờ, nghiên, bút. Cha tôi còn chọn cho được những thứ trà ngon nhất, trầm thơm nhất, để dành vào việc này. Và hai ông bạn già thường thường hay thích đánh cờ, nếu không cùng nhau gây trầm để uống rượu, ngâm thơ hoặc đàm luận. Có nhiều ván cờ kéo dài cả buổi, lắm lúc suốt cả ngày, mà vẫn chưa phân thắng phụ.

Vài tháng một lần, tôi mới thấy cha tôi đến thăm cụ Tú. Nhưng thường mỗi lúc có trà ngon, quế tốt, thì cha tôi lại bắt anh tôi hoặc tôi phải thân hành đem đến tận nhà. Chưa từng bao giờ cha tôi giao cho kẻ hầu, người hạ, thay thế chúng tôi trong công việc này.

Chính nhờ vì năng lui tới, mà tôi được hiểu rõ cái cảnh thanh bần của cụ Tú, và đi sâu vào cái đời sống tâm thuật của bậc lão nho này.

Nhà cụ Tú chỉ là một ngôi nhà tranh tầm thường, nằm trong một khu vườn không rộng lắm, giữa xóm nghèo. Nhưng cả ngôi nhà lẫn khu vườn, mãi đến nay vẫn còn lưu lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp đẽ và nên thơ quá.

Khu vườn của cụ Tú là cả một hoa viên. Mỗi lúc bước vào khỏi cổng, tôi có cảm tưởng như lạc vào một rừng hoa. Và cả khu vườn như bừng sáng lên vì cái tươi thắm rực rỡ của màu hoa, sắc lá, hơn là bởi ánh sáng mặt trời. Thật là một thế giới thanh khiết, cách biệt hẳn với cái thế giới náo nhiệt bên ngoài.

Tôi thường gặp cụ Tú ở giữa vườn hoa này hơn là trong nhà. Và không bao giờ tôi quên được cái hình ảnh một ông lão râu tóc bạc phơ, nhưng quắc thước với vầng trán cao rộng, đôi mắt hiền dịu phía sau cặp kính trắng gọng bạc, tấm thân dong dỏng cao trong bộ đồ vải màu nâu – lúc nào cũng là màu nâu – đứng giữa vườn hoa, bên cạnh cô cháu gái, mỉm cười với tôi. Cái hình ảnh ấy mãi đến nay, đối với tôi, vẫn còn là cái gì biểu tượng cho cả một đời sống tâm thuật thanh cao. Và nó thường hiện về trong tâm tưởng tôi, giữa những phút mà cái bời bời của sóng gió nhân dục sắp muốn đánh tan cả bao nhiêu tin tưởng của tôi, ở cái ý nghĩa thiêng liêng của cuộc đời.

Cụ Tú sống trong cảnh yên tĩnh ấy với một cô cháu gái và một người đầy tớ già. Nhưng thực ra cụ sống với hoa nhiều hơn. Vì cụ Tú rất yêu hoa. Trồng hoa, nuôi dưỡng, chăm sóc, theo dõi tất cả mọi diễn biến của đời hoa, là cái thú tiêu khiển của cụ, ngoài cái thú ngâm thơ, đọc sách.

Thoạt tiên, tôi coi đó là một chuyện rất thường. Vì cái thú chơi hoa kiểng là một thú chơi hầu hết của các cụ già phong lưu ở xứ Thần-kinh này. Một thú tiêu khiển, mà với cái tuổi mười lăm, mười sáu, cái tuổi tinh nghịch, thích hoạt động, tôi cảm thấy nó phiền phức, nhiêu khê, buồn tẻ ra làm sao ấy. Hơn nữa, với cái phong độ cổ kính của một nhà nho, cụ Tú chiếm được rất ít thiện cảm của tôi. Cho nên lúc đầu, phải đến nhà cụ, đối với tôi là một chuyện miễn cưỡng. Tôi chẳng thấy một chút hứng thú nào cả. Nhưng rồi vì phải năng lui tới lâu ngày, tôi lại nhận ra được, ngay trong nhà lão nho cổ kính, trang trọng này, một tâm hồn rất trẻ trung, một con người xuề xòa, vui tính. Càng gần cụ, tôi càng thấy kính nể, mến yêu mà không thấy sợ hãi, ngại ngùng như trước nữa. Cụ Tú coi tôi như con cháu trong nhà, coi tôi như Bội Lan, cũng xoàng tuổi tôi. Và lần lần, cụ Tú, Bội Lan, vườn hoa quyến rũ tôi, trong những ngày nghỉ học, mãnh liệt hơn những ai khác và những nơi nào khác. Tôi thấy cả một cái thú được cùng Bội Lan thúc thích đi theo ông cụ, trong vườn hoa, bắt sâu, chẻ xương và những công việc lặt vặt khác mà cụ Tú cần đến. Trong những dịp này, cụ Tú nói chuyện với tôi và Bội Lan như nói với những người lớn tuổi vậy. Cụ nói chuyện hoa. Cụ nói về những đặc tính của các thứ hoa, những nhận xét ngộ nghĩnh về hoa. Chính qua những câu chuyện trong vườn này, tuy có nhiều lúc tôi không lĩnh hội được hết, nhưng tôi cũng thấy được cái thú chơi hoa của cụ Tú có một cái gì đặc biệt đáng kính. Nó không phải là một thú tiêu khiển ích kỷ và về sau nhân một chuyện xảy ra có liên can đến số phận của mấy chậu hoa quý trong vườn, tôi được biết thêm rằng, ở cụ Tú, cái thú tiêu khiển này đã được nâng lên thành một cái đạo, đạo yêu hoa.

Tôi còn nhớ một hôm, nhân thay giỏ cho mấy khóm cúc con, cụ Tú bảo tôi :

– Phải thay thế này, không thì nó ở lỗ mất.

– Thưa bác, thế nào là ở lỗ ?

Câu hỏi ngớ ngẩn đối với những người đã sành trong việc trồng hoa, làm cho Bội Lan phải cười rúc rích. Cụ Tú bảo :

– Gốc trụi cả lá là ở lỗ. Cúc dầu có nhiều búp, nhiều hoa đến đâu mà ở lỗ thì cũng hỏng. Trồng cúc mà như thế là vụng. Cũng không phải chỉ thay giỏ, thêm đất như thế này mà đủ đâu. Còn phải tùy ở đất, ở phân mình vào và cách chăm sóc nữa.

Bội Lan vừa cúi xuống bỏ đất vào giỏ, vừa thỏ thẻ với ông cụ :

– Cứ nhiều hoa là đẹp, chứ nó ở lỗ thì đã làm sao. Tại ông khó tính quá. Ai bán hoa được cho ông cũng là cay chua lắm.

– À, bởi thế có bao giờ tao thèm mua hoa trồng sẵn. Cũng như tao chẳng bao giờ bán hoa được. Một chậu hoa trồng mà chơi đã là vô giá. Những kẻ giàu có bỏ tiền ra mua hoa đâu đã thật biết chơi hoa. Vì cái thú chơi hoa không phải chỉ tìm thấy ở hương, ở sắc, mà còn ở ngay trong sự sinh trưởng của nó nữa. Một mầm non nhú lên, một ngọn lá sắp xòe ra cũng đủ sướng mắt rồi, lắm lúc còn mê ly hơn cả ngắm hoa. Hoa là một giống vừa kiêu kỳ, vừa tế nhị. Nó không đòi hỏi ở ta sự giàu có mà nó đòi hỏi công phu. Chỉ có những người bỏ công phu, tận tình chăm sóc nó mới tận hưởng được cái đẹp, cái đẹp hiển hiện và cái đẹp tiềm tàng ngay trong hồn nó. Hoa cũng có hồn chứ phải không đâu. Nhưng hồn hoa không bao giờ người ta gần được khi chỉ biết ném tiền mua hoa.

Kể về cái công phu của cụ Tú trong việc trồng hoa, tôi thấy cũng ít ai bì kịp. Và trong các thứ hoa, cụ Tú thích nhất là hoa lan. Trong các giống lan, cụ yêu lan Tố Tâm hơn cả. Chính Bội Lan đã cho tôi biết về điểm này. Lan còn nói với tôi rất nhiều chuyện về những chậu lan quý của cụ Tú.

– Ông của em kỳ lắm. Quý lan nhiều lúc hơn quý cả em nữa. Ông bắt em phải chăm sóc nó thật là hơn chăm sóc trẻ con. Phải là nước rửa mặt của em mới được tưới cho nó. Sớm nào cũng phải rửa ráy, kỳ cọ từng lá một, phiền phức lắm chứ có dễ dầu gì đâu cái việc gầy được một chậu lan đẹp…

Tôi ngạc nhiên hỏi :

– Nhưng tại sao phải là nước rửa mặt của Lan ?

– Ông bảo em giống lan nó thích hơi đàn bà con gái. Tưới thế nó chóng tốt. Ông còn bảo nó cũng là một giống « giai nhân » nhưng là hạng « giai nhân câm lặng ». Như thế nghĩa là thế nào? Giai nhân câm lặng ?

– Cháu một cụ Tú mà không hiểu nổi hai chữ giai nhân.

Và tôi bảo đùa :

– Giai nhân là người đẹp, đàn bà, con gái đẹp như Lan chả hạn. Còn câm lặng là ít bẻm mép, ý ông bảo thế đấy ?

Lan ngửa mặt cười. Tôi còn nhớ là tôi nói câu ấy với tất cả cái tự nhiên của tuổi trẻ chứ không có một hậu ý nào cả. Hồi đó tôi thấy Lan cũng dễ thương như những đóa hoa thơm nở trong vườn. Và gần Lan tôi thấy vui thích như gần những bạn trai thân mến nhất của tôi vậy thôi. Nhưng có một điều mà về sau này, tôi mới nhận ra được, khi trí khôn của tôi đã đủ sức sáng suốt, tế nhị để kiểm soát, phân tích những tình tiết phức tạp, tiềm ẩn trong những kỷ niệm vui buồn đã qua. Đó là cái việc tôi chú trọng đến những chậu lan quý, ngay từ khi tôi nghe câu chuyện của Lan và được biết chính Lan đã chăm sóc nó. Nhất là lúc tôi biết chúng nó luôn luôn được tắm rửa bởi thứ nước rửa mặt của Bội Lan, người bạn bé nhỏ của tôi. Tôi thấy có một cái nên thơ quá chừng trong cái lối cưng dưỡng hoa ấy. Và sau này, tôi càng quý chúng hơn, khi Lan kể cho tôi nghe về cái chuyện xảy ra giữa cụ Tú với một người đến hỏi mua hoa :

– Họ đã chịu trả đến một gói bạc hai chậu lan Tố Tâm đấy anh ạ. Thế mà ông em một hai không chịu bán. Đã thế ông em còn đuổi khéo nữa là khác.

Một gói bạc, hai chậu lan. Tôi nghe những mà sửng sốt. Ở vào cái thời mà người ta chỉ cần có một đồng bạc đã đong được một trăm lon gạo, mà chịu bỏ ra cả một gói để lấy có hai chậu lan thôi. Người mua hoa hẳn phải là một tay quý hoa đến mức nào rồi.

Thấy tôi ngạc nhiên, người đầy tớ già đang cuốc đất, ngừng tay lại thở dài :

– Một gói bạc à? Thấm gì. Phải trả đắt hơn nữa lão ấy cũng trả. Miễn là lão mua được. Lão ấy có phải quý gì lan, nhưng cốt mua cho được lan vườn này để lấy tiếng và làm đẹp lòng quan thày. Con lão làm thông phán tòa Khâm, tòa Sứ gì đấy. Tôi biết. Nhưng dại gì lại đến nỗi đem chuyện mua bán mà nói với cụ nhà. Xin không, họa may ông cụ còn có thể cho, chứ dại dột với cái lối ỷ thị đồng tiền là hỏng. Cũng may gặp lúc cụ Tú không có chén đấy nhé ! Không thì cũng bị ông cụ phang cho vài gậy, thế cho sáng mắt ra !

Lòng kính nể của tôi đối với cụ Tú càng tăng thêm với câu chuyện mua hoa này. Tôi bắt đầu hiểu vì sao cha mẹ tôi trọng cụ Tú họ Nguyễn và trong sự tiếp xúc, đối xử với cụ, cha tôi đã loại bỏ tất cả những lề thói, cung cách kiểu vẽ cần phải có trong giới quan trường. Những lúc tiếp cụ Tú hay đến nhà cụ, cha tôi là một người nào khác, chừng như không còn là một vị đại thần nữa. Và tôi thấy cha tôi vui vẻ, thư thái hơn bao giờ cả. Chính điều đó làm cho tôi, về sau này, càng lớn lên càng phải nghĩ ngợi nhiều.

Với lòng kính nể cụ Tú, tôi càng thấy quý những chậu lan hơn trước. Tôi và Bội Lan săn sóc chúng không ngớt, mỗi lúc gần nhau. Chúng tôi cùng bắt sâu, rửa lá, tưới nước, cùng đua nhau chẻ xương, chuốt xương cho đẹp và sắp vào một mặt chậu. Tôi còn nhớ là tôi thường được ngắm qua những kẽ hở của đám lá lan ướt át, bóng loáng, và những chuỗi búp non, cái khuôn mặt chữ điền trắng trẻo, thơ ngây, nổi bật giữa mái tóc đen nhánh. Và trên khuôn mặt ấy, cặp mắt bồ câu bừng sáng theo cái tỏa chiếu của những hạt nước long lanh đọng lại ở các ngọn lá nhấp nháy trong ánh nắng sớm. Tôi còn nhớ cả đôi môi nho nhỏ thường mím chặt vào nhau, nhưng chừng như lúc nào cũng ướm sẵn một nụ cười. Cặp môi nho nhỏ ấy, có một buổi sớm, đã thỏ thẻ với tôi qua những kẽ hở của đám lá lan :

– Ông của Lan thích hai chậu Tố Tâm này nhất, vì thế nào nó cũng nở đúng vào dịp Tết. Ông lại sẽ cho khuấy mạch nha, ướp hương lan một đêm để uống rượu. Anh đã ăn kẹo mạch nha ướp lan lần nào chưa ? Thơm một cách dễ chịu lắm. Thế nào ông cũng thưởng cho chúng mình. Chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết rồi, thích quá. Hai chậu lan Tố Tâm này nở thì đẹp tuyệt… đẹp hơn lan Bạch Ngọc nhiều.

Rồi cặp mắt bồ câu ấy nhìn vào đám lá lan với tất cả cái trìu mến giống y như cái vẻ trìu mến mà tôi thường bắt gặp trong cặp mắt cụ Tú mỗi lúc cụ ngồi nhắp trà thơm dưới giàn lý ở sân sau, trầm ngâm nhìn những đóa hoa mới nở.


Khắp cả kinh thành nhộn nhịp hẳn lên vì cái Tết sắp đến. Chỉ còn có năm hôm nữa thôi. Mưa tuy chưa dứt hẳn, nhưng cái sầu lạnh, ủ dột của trời đất như đã muốn tan biến dần đi trong cái xanh non, tươi mướt của cỏ cây và cái rực rỡ, đông đảo, nhộn nhịp của phố phường đầy cả màu sắc mới mẻ…

Tôi đến nhà cụ Tú họ Nguyễn vào một buổi xế chiều. Tôi đến để xem chừng hai chậu lan Tố Tâm mà tôi và Bội Lan theo dõi mãi những sự thay đổi lâu nay. Không có một biến chuyển nhỏ nhặt nào lọt khỏi mắt chúng tôi. Nếu tôi vắng mặt ngày hôm trước thì hôm sau, vừa tới nơi, tôi đã được nghe Bội Lan báo cáo tíu tít về những gì đã xảy ra. Cụ Tú thì lắng nghe với cái mỉm cười âu yếm của một người ông nuông chiều cháu.

Lần này, vì vắng mặt đến hai hôm, tôi chắc là Bội Lan đã có rất nhiều chuyện để kể lại với tôi. Một vài mầm non mới nhú chả hạn, một ngọn lá trổ thêm hay úa đi, một vài cánh bướm màu sắc thế nào đó đã kinh quá, và biết bao nhiêu là những cái lặt vặt ngộ nghĩnh, nên thơ khác. Tôi bước vào cổng với một buồng tim rạo rực vì cái Tết sắp đến và cả những gì sắp được nghe.

Nhưng vừa tới đầu sân, tôi đã sửng sốt dừng lại. Trên thềm Bội Lan đứng dựa cột nhìn ra với bộ mặt buồn thiu. Tôi chưa bao giờ được thấy gương mặt của cô bạn gái tôi nhàu úa như vậy. Tôi nghĩ tới một đóa phù- dung đang rũ xuống trong ánh nắng ban trưa. Tôi vội hỏi :

– Ôi Lan ! Làm sao thế ? Có việc gì vậy ?

Lan bước vội xuống thềm, đưa tay vin một cành mãng-cầu, buồn bã nói với tôi :

– Ông bán…

– Ông bán cái gì ?

Cặp mắt của Bội Lan chớp nhanh. Tôi thấy như Lan muốn khóc. Tôi hỏi lại :

– Sao thế ? Ông bán cái gì ?

– Bán cả hai chậu lan.

Tôi ngạc nhiên :

– Có lý nào ? Lan nói dại. Chắc là ông nói đùa Lan cho vui đấy thôi. Đời nào ông chịu bán. Nếu bán thì đã bán ngay dạo trước rồi. Mà việc gì ông phải bán đã chứ ?

Lan lại lắc đầu :

– Nhưng ông bán thật mà. Ông bán cho người hỏi mua lần trước. Anh không tin thì cứ vào phía sân sau mà xem.

Tôi liền rời Lan, chạy quanh ra phía sau.

Tuy Lan nói với giọng quả quyết, tôi vẫn còn ngờ. Tôi không thể nào tin được một chuyện lạ lùng như vậy, từ ngày tôi đã cảm thấy lòng yêu hoa như cụ Tú và tính khí của cụ. Một người như cụ không thể nào vì túng tiền, cần tiền mà bán hoa. Sự túng thiếu dù đến mức độ nào cũng không thể đè bẹp được lòng tự ái, kiêu hãnh của một người nặng về đời sống tâm thuật như cụ. Bán hoa đối với cụ là cả một cái nhục trong đạo yêu hoa. Huống nữa là bán hai chậu hoa quý nhất, hai chậu hoa mà cụ và cháu cụ đã tốn bao công phu chăm sóc, gò gẫm cho kịp được thưởng hoa vào dịp Tết, hai chậu hoa mà cụ đã gửi vào đó một phần hồn, nâng niu, cưng dưỡng như mẹ đối với con. Hơn nữa, tuy nghèo, nhưng với đức tính tiết kệm và sự dự liệu mọi việc chi tiêu trong gia đình đâu vào đấy cả, nên cụ Tú không bao giờ phải bị thiếu hụt dầu không dư dả, trừ những biến cố thất thường. Mà trong vòng mấy tháng nay, có một biến cố nào xảy ra trong gia đình cụ Tú đâu? Tôi ngỡ chừng Lan đã nghe lầm hoặc cụ Tú nói đùa với cháu gái.

Nhưng vừa ra đến sân sau, tôi lại càng sửng sốt hơn khi nghe được những câu đối thoại giữa cụ Tú và một người đàn ông lạ mặt. Người đàn ông tuổi độ năm mươi, mập núc ních như một con lợn ú trong chiếc áo đoạn căng thẳng gần muốn nứt cả đàng chỉ. Lão có một cái bụng phệ trong cũng khá cân xứng với bộ mặt phì nộn đến híp cả mắt. Vừa thở ành ạch lão vừa nói :

– Thưa cụ, giá bận trước cụ đồng ý cho thì hay quá. Cụ vừa được tiền mà tôi… dạ tôi cũng được việc. Bây giờ thì dạ… dạ thưa cụ… tôi không thể nào, dạ không thể nào giữ y giá cũ được.

Cụ Tú hơi nhíu mày :

– Thế thì ông định bao nhiêu ?

– Dạ… hì… hì… dạ tôi đến đây là vì… dạ tôi nể lời cụ nhắn. Chứ dạ thưa có cụ, tôi không muốn mua. Số là… dạ vì dạo trước cụ từ chối, tôi đã phải tìm mua nơi khác… dạ.

Lão lại thở ành ạch rồi nói tiếp :

– Hì… hì… dạ thưa thiệt với cụ, nếu cụ cho được giá rẻ thì dạ… hì… hì… dạ tôi cũng gắng lấy cho vui. Dạ còn như giá cũ thì … dạ thưa cụ… xin thưa để cụ chơi.

Vừa nói xong, người đàn ông lạ mặt nhe cả hai hàm răng gồ ghề, vàng khệnh ra mà cười. Nhìn cái diện mạo và cách ăn nói của lão tôi đâm ra ghét cay, ghét đắng. Tôi biết lão « dạ » nhiều là chỉ vì một thói quen của hạng người hay vào luồn ra cúi ở chốn quyền môn, chớ không phải vì lão nể nang cụ Tú. Ngay ở gương mặt lão lúc này, tôi nhận thấy cái vẻ đắc chí hí hởn và mặc dầu tôi còn nhỏ, tôi cũng không lạ gì mà không biết lão cố nói xỏ ông cụ để trả cái thù bị đuổi khéo hôm trước. Tôi cứ lo ngay ngáy rằng cụ Tú nổi đóa lên. Nhưng lạ một cái là cụ vẫn điềm tĩnh. Tôi thấy cụ cắn chặt môi dưới một lúc, rồi thong thả nói :

– Ông muốn bao nhiêu cứ định lại đi. Tôi xem được thì tôi để cho.

Người đàn ông lại vác cả bộ mặt phì nộn lên, cố nhướn cặp mắt lươn nhìn ông cụ :

– Dạ… thưa cụ, hì… hì… dạ cụ dạy cho thì hơn. Tôi khó nói quá.

Cụ Tú vuốt râu, nhìn qua hai chậu lan :

– Tôi bớt cho ông năm « trự ». Thế là nhiều lắm rồi. Chỉ vì có chút việc cần mà tôi phải chiều ý, chứ không thì…

Người đàn ông mua hoa nhe răng ra cười :

Dạ, dạ thưa cụ… quả có thế. Những người như… dạ như quý cụ thì có bao giờ nghĩ đến chuyện bán hoa. Hì… hì… cũng may là cụ có việc cần nên chúng tôi, dạ chúng tôi hì… hì mới được… dạ mới được cụ gọi đến… Nhưng dạ thưa cụ, dạ thưa cái giá đó còn đắt quá, mà dạ có kéo dài thêm nữa, dạ có kèo nài thì ra cái chuyện không phải với cụ. Thôi thì dạ thưa cụ tôi xin lui… dạ…

Cụ Tú nhìn sững người đàn ông. Mặt cụ hơi ửng đỏ và môi dưới càng được cắn chặt thêm. Chừng như cụ không muốn nói nữa. Nhưng đến khi lão vái chào bước ra, cụ Tú bỗng đằng hắng, rồi bảo :

– Thôi thì bớt ông đủ chục đấy.

Người mua hoa dừng lại :

– Dạ, hì… hì… Thôi thì xin gởi cụ… dạ xin gởi cụ ba chục. Nếu cụ bằng lòng thì dạ… dạ…

Cái ửng đó của sắc mặt cụ Tú chuyển vội ra thành màu bầm tái. Qua cặp mắt cụ, hơi ngước lên phía sau cặp kính trắng, tôi nhận thấy cả một sự tức tối, phẫn uất, khinh bỉ và đau đớn bị dồn ép lại trong buồng tim già ấy. Cái thái độ khinh bạc thô lỗ của con người hèn kém đứng trước mặt kia đã làm tổn thương lòng kiêu hãnh của cụ một cách quá sức nặng nề. Bàn tay cụ run lên khi cụ với lấy bao diêm cạnh đấy. Tôi nghe cả một tiếng thở dài khe khẽ :

– Thôi thì cũng được. Ông cứ chồng tiền mà lấy.

Ngay bên tai, cái giọng nói hằn học của người đầy tớ già :

– Quân đểu giả thật. Nó vẫn cần muốn mua lắm chứ : Lần trước nó nài nỉ cụ nhà thiếu điều lạy. Gặp dịp này nó lại trở lại eo sách. Biết là hạ xuống nữa ông cụ không bán, chứ không thì nó cũng còn bớt thêm.

Khi người mua hoa đã chở hai chậu lan đi rồi, cụ Tú tựa mình vào chiếc ghế dựa, ngồi yên lặng như một pho tượng. Cụ nhìn vào xấp bạc trong khay trầu rồi quay mặt ra ngoài, gục vầng trán vào lòng bàn tay. Một tiếng thở dài não nuột từ từ buông ra. Tôi thấy người cụ tựa hồ gẫy gập đi.

Từ ngoài, Bội Lan chạy vào đứng bên ông cụ. Nàng nhìn ông nàng, nhìn xấp bạc, rồi nhìn về phía hai chậu lan lúc nãy, Bội Lan khóc thút thít :

– Thế là Tết này mất vui rồi. Tết này ông hết chơi lan rồi. Tại sao ông bán ?

Ông cụ bỗng quắc mắt, nhìn cháu :

– Cả một xóm bị cháy, chồng người ta chết, cha người ta chết, nhà cửa người ta bị thiêu ra tro cả, vui cái gì nữa. Trong chỗ lân lý có chuyện buồn như vậy, còn vui cái gì !

Rồi như thoáng thấy tôi, ông cụ ngồi thẳng người lên :

– À, cậu Ngọc. Hay lắm. Cậu đi đây với bác. Lan đưa dù, đưa gậy cho ông. Đừng khóc nữa.

Cụ Tú lấy cái khăn nhỏ, gói cả xấp bạc bỏ vào túi, chống gậy ra sân, ra ngõ.

Tôi theo sau cụ. Chiều cuối đông. Trời không mưa nhưng gió lạnh lên nhiều. Chúng tôi cùng theo con đàng đất đỏ vào phía xóm cuối phường. Tôi đã hiểu rõ ý nghĩa của việc bán hoa. Cách đây ba hôm, xóm dưới này phát hỏa. Có hai người bị chết, bốn năm gia đình bị cháy sạch cả nhà cửa. Vừa đi cụ Tú vừa bảo tôi :

– Tội nghiệp Bội Lan. Nó khóc cũng phải. Nhưng biết làm thế nào. Cái thú chơi hoa là cái thú để di dưỡng, tinh luyện tâm hồn chứ có phải chơi hoa để ích kỷ đâu. Cái đạo yêu hoa phải đưa những kẻ được nhập diệu đến cái đạo yêu người. Hoa có bao giờ ích kỷ đâu. Hương đấy, sắc đấy, hiến hết cho đời rồi chết. Tạo hóa đã khéo gói ghém cái ý nghĩa của sự sống trong lòng hoa. Yêu hoa mà quên yêu người là quái gở…

Cúi xuống lượm một nhành gai rơi giữa đàng đi, vất vào hàng rào xong, cụ Tú lại rảo bước và tiếp :

– Mấy hôm nay băn khoăn mãi, đêm nằm không yên giấc, vì những nạn nhân trong phường. Nhưng lúa tháng giêng, tiền tháng chạp, biết làm sao cho có số tiền lớn kịp thời nếu không chịu bán hai chậu lan ấy. Bán hoa đã là một cái nhục. Lại gặp phải những hạng tiểu nhân nó lên mặt eo sách mình càng nhục thêm. Nhưng nhục mà cũng phải bán. Kể ra vác gậy đuổi nó ra khỏi cửa là một việc dễ quá. Nhưng rồi những đứa con không cha, vợ goá chồng, sẽ lấy gì mà ăn… Bán hai chậu lan buồn nẫu cả lòng đi. Buồn như buồn người chết. Con Bội Lan nó khóc là phải. Nhưng để người ta khổ, mình ngồi yên làm sao được mà ngắm hoa đã chớ !


Mười mấy năm trời trôi nhanh qua. Cụ Tú họ Nguyễn hiện giờ đã là con người thiên cổ. Bội Lan cũng vậy. Cành thiên hương này đã gãy vào cái tuổi mười tám. Người đầy tớ già có lẽ cũng đã theo chủ mà về thế giới bên kia.

Sau một thời gian cách biệt lâu dài, trở lại chốn cũ, tôi không còn tìm đâu ra bóng những người xưa. Họ đã qua hết, họ rủ nhau đi hết. Cả ngôi nhà cũng đã biến dạng và vườn hoa, đã tàn rụi đâu rồi. Tuy vậy, đứng trước cái cảnh dâu bể, trong những gì đã đi qua, đã lùi vào quá khứ, đã biến đổi, đã tan rã, tôi vẫn thấy còn lại trong tôi một cái gì không bao giờ qua, không bao giờ mất.

Và chính vì cái gì không mất ấy mà hôm nay tôi thấy cần phải thức suốt đêm, để chép lại câu chuyện hai chậu lan trong một vườn hoa cũ.


No comments:

Post a Comment