Wednesday, April 5, 2023

Cả môt đường dây hối lộ nhiều năm

Điều gây ngạc nhiên là vụ "các chuyến bay giải cứu" lại vắng mặt nhân sự của Viet Nam Airlines. Ban điều tra đã công bố danh sách trên 50 bị can, trong đó có 21 cán bộ (thuộc bộ ngoại giao) bị truy tố. Điều này thấy đăng trên báo chí. Không thấy bị can nào có "gốc" từ VN Airlines.

Vụ tiếp viên hàng không VN Airlines "xách dùm" 11 ký ma túy lùm xùm mấy hôm trước cho phép ta đặt lại nghi vấn về một "hệ thống chuyên chở hàng hóa", bao gồm hàng quốc cấm, của tập đoàn hàng không quốc gia này và các nhân viên của họ.

Trong quá khứ không biết bao nhiêu lần các phi công, các tiếp viên hàng không thuộc VN Airlines đã bị hải quan các quốc gia bắt giữ vì tội chuyên chở hàng lậu. Một hai lần ta có thể nói là do lòng tham của một vài tiếp viên hay phi công. Nhiều lần như vậy ta có thể nghĩ đó là "chủ trương" của VN Airlines. Quá trình điều tra của công an trong vụ "thả tự do" cho các tiếp viên "xách dùm ma túy" vừa rồi giúp ta thêm lý do khẳng định, thứ nhứt, việc tiếp viên chuyển hàng hóa trái phép xuyên quốc gia là "chủ trương" của ban giám đốc VN Airlines. Thứ hai, VN Ailines là một mắc xích trong hệ thống buôn lậu quốc tế mà tổ chức này có dây mơ rể má cùng khắp ở các nhánh quyền lực thuộc nhà nước VN.

Hôm rồi tôi có coi clip video của một tiếp viên hàng không thuộc Việt Nam Airlines. Cô này khoe rằng việc tuyển chọn nhân sự của xí nghiệp rất khắc khe, vì đây là xí nghiệp của nhà nước. Các chuyến bay của VN Ailines thường chở các lãnh đạo cấp cao do đó các tiếp viên phải có lý lịch "tốt".

Theo tôi, Hàng không Việt Nam (Viet Nam Airlines) là một trong những "bộ mặt" của VN trước thế giới. Đây là xí nghiệp quốc gia. Các tiếp viên vì vậy cũng là đại diện của VN trước quốc tế. Vấn đề là các tiếp viên, điển hình qua clip video vừa nói, không coi mình là đại diện của "quốc gia" mà họ tự nhận họ là một thứ "giai cấp tinh hoa", đại diện cho đảng.

Thực tế các xí nghiệp nhà nước nào ở VN cũng vậy cả. Từ giám đốc cho tới nhân viên, không ai nhận thức được rằng mục tiêu của xí nghiêp nhà nước là phục vụ cho lợi ích của công chúng. Thái độ, hành vi của họ cho phép ta nghĩ rằng họ là một thứ "giai cấp ngoại lệ", (như đảng viên), được phép ăn trên ngồi trước, được phép "ăn bòn" của cải của nhân dân. Ta thấy hầu như không ngoại lệ, xí nghiệp nhà nước nào cũng lỗ sặc gạch.

Việt Nam Airlines năm nay lỗ bao nhiêu ? Không ai biết con số thật. Giá trị VN Ailines còn lại bao nhiêu ? Xí nghiệp nhà nước bây giờ lại lọt vào vòng kiểm soát của nước ngoài hay tài phiệt nước ngoài.

Theo tôi, qua vụ "các chuyến bay giải cứu" và "vụ xách dùm 11 ký ma túy, đã quá trễ để rà lại mọi cách hoạt động của VN Airlines từ lãnh đạo cấp cao cho tới hàng tiếp viên và phi công.

Biết bao nhiêu của cải của nhân dân đã đổ vô cái "lỗ đen" tên gọi VN Airlines. Quá trễ vì xí nghiệp quốc doanh này đã sắp "tan hàng" và phải "bán rẻ" cho tài phiệt nước ngoài.

o0o

"Chuyến bay giải cứu"

Sau hơn 1 năm "giải mã" vụ án "chuyến bay giải cứu" từng gây rất nhiều khó hiểu vào thời điểm dịch hoành hành kinh khủng nhất, nhiều bà con xa xứ bị móc túi dữ dội nhất thì các chú CA đã cho hay những điều dễ hiểu nhất:

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng đã nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng để chỉ đạo đưa doanh nghiệp thân quen vào danh sách 'chuyến bay giải cứu'. Một cựu TT khác kiêm cựu đại sứ VN tại Nhật-Vũ Hồng Nam nhận hối lộ hơn 1,8 tỉ đồng để giúp Công ty Nhật Minh bán vé máy bay và khách sạn lưu trú cho 6 chuyến bay đưa bà con từ Nhật Bản về nước.

Nhưng chị Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự chỉ là cấp dưới của 2 anh giai lại nhận đến 25 tỷ, đứng đầu bảng trong danh sách nhận hối lộ! Bà Lan nhận nhiều thế vì "chỉ lựa chọn các doanh nghiệp do cấp trên chỉ định xuống, do người thân quen nhờ hoặc đã và hứa chi tiền". Doanh nghiệp nào chưa thỏa thuận đưa tiền sẽ bị gây khó dễ như thông báo sát ngày bay, thay đổi kế hoạch, số công dân trên chuyến bay...

Riêng Trần Văn Tân, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận 5 tỉ đồng từ Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu tổng giám đốc Công ty Bluesky, để cấp chủ trương cách ly cho các doanh nghiệp của bà Hằng đưa công dân về cách ly tại Quảng Nam trên 56 chuyến bay. Cựu PCT HN Chử Xuân Dũng cũng nhận hơn 2,05 tỷ đồng để cấp chủ trương cách ly cho 5 DN!

Còn thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội thì nhận hơn 61 tỷ đồng giúp hai doanh nhân "chạy án" cũng trong vụ trên. Có nghĩa là tham gia tích cực để giải cứu những kẻ dính chàm trong vụ bay giải cứu nhưng cuối cùng chẳng ai giải cứu được ai mà cùng nhau dính luôn vụ giải cứu này.

Ngoài ra, hàng loạt các cựu cán bộ của Bộ Ngoại giao, bộ ngành đã nhận hối lộ để đưa doanh nghiệp thân quen vào danh sách "chuyến bay combo" tham gia chiến dịch "chuyến bay giải cứu". Theo đó, các bị can đã nhận hối lộ hơn 180 tỷ đồng!

Hồi đó chưa ai biết tại sao nay rất dễ hiểu như vậy đấy bởi tiền không mất đi mà chỉ từ túi của người "bị" giải cứu chảy vào túi nhiều kẻ tham gia giải cứu mà giờ có trời cũng không cứu được!

No comments:

Post a Comment