Wednesday, March 15, 2023

'Ty. nạn' là kị huý ?

Chẳng rõ tại sao báo chí Việt Nam khi viết về hai diễn viên Quan Kế Huy và Hồng Châu đều không hề đề cập đến nguồn gốc 'ty nạn' của họ. Có báo sửa tài tử Quan Kế Huy từ 'gốc Việt' thành 'gốc Á' hay 'gốc Hoa'.
Ít ai chú ý rằng trong danh sách được đề cử giải Oscar năm nay còn có tên của một minh tinh khác cũng gốc Việt: Hồng Châu. Cô ấy cũng là một người ty nạn. Hồng Châu (hình), theo các trang điện ảnh Mỹ, sanh ra ở trại ty nạn Thái Lan vào năm 1979. Trang wiki mô tả chuyến vượt biên đầy nguy hiểm: 

"Năm 1979, gia đình cô là một trong số những thuyền nhân rời bỏ đất nước, xuyên suốt chặng đường vượt biên, bố cô bị bắn đến suýt chết trong khi mẹ đã mang thai cô được sáu tháng."

Gia đình Hồng Châu được một nhà thờ Công giáo bảo trợ và định cư ở New Orleans. Cô ấy theo học điện ảnh ở ĐH Boston, và theo đuổi sự nghiệp màn bạc cho đến nay. Ngoài những giải thưởng lớn trước đây, được đề cử giải Oscar là một vinh dự và một thành tựu đối với Hồng Châu.

Báo chí Việt Nam có những bài viết về Hồng Châu và Quan Kế Huy, nhưng điều đáng chú ý là họ tránh đề cập đến nguồn gốc ty nạn của họ. Những bài viết nhân dịp họ được đề cử hay nhận giải thưởng chỉ viết chung chung như 'sang Mỹ định cư'. Chẳng hạn như đối với Quan Kế Huy, có báo viết như sau: "Quan Kế Huy là diễn viên gốc Việt, còn được biết đến với nghệ danh Jonathan Ke Quan. Nam diễn viên sinh ra tại Sài Gòn vào năm 1971 nhưng sớm cùng gia đình di cư sang Mỹ từ năm 1975." (Thật ra, anh ta cùng thân phụ vượt biên vào năm 1978).

Một số báo thoạt đầu đề cập đến Quan Kế Huy là 'diễn viên gốc Việt', nhưng một ngày sau thì đổi thành 'gốc Á' hay 'gốc Hoa'.

Động thái của báo chí Việt Nam liên quan đến Quan Kế Huy và Hồng Châu rất khác với trường hợp ca sĩ Sangeeta Kaur (Mai Xuân Loan), người mới được trao giải thưởng âm nhạc Grammy danh giá. Báo chí Việt Nam có vẻ rất tự hào về cô ấy như là một 'người gốc Việt'. Cha mẹ cô ấy là người Việt tị nạn, và cô ấy sanh ra và lớn lên ở Mỹ.

Có lẽ điều khác nhau giữa hai người là Quan Kế Huy nhắc đến thân phận ty nạn của mình trước thế giới. Câu chuyện thuyền nhân ty nạn vào thập niên 1970 và 1980 là một chương sử lớn và tan thương của dân tộc. Gần đây, chánh phủ Việt Nam kêu gọi mấy người làm phim ở Nam Hàn là hãy tôn trọng lịch sử. Tôi thiết nghĩ nếu mình kêu gọi người ngoài tôn trọng lịch sử thì mình trước tiên hãy tôn trọng lịch sử của nước mình.

Sự thật là báo chí phương Tây vẫn ghi anh ấy là một diễn viên Mỹ gốc Việt (“Vietnamese-born American actor”) có cha mẹ gốc Hoa. Anh ấy sanh ở Sài Gòn vào năm 1971, và chắc từng mang quốc tịch Việt Nam trước khi vượt biên tìm tự do. Anh ấy mang một cái tên rất Việt: Huy. Anh ấy nói tiếng Việt. Khi sang Mỹ, gia đình anh ấy sống trong khu đông người ty nạn gốc Việt. Do đó, cách báo chí Mỹ và phương Tây đề cập đến anh ấy như là một diễn viên Mỹ gốc Việt theo tôi là bình thường.

Những tranh cãi về ‘Người Mỹ gốc Việt’ và ‘Người Mỹ gốc Hoa’ không thể làm lu mờ sự thật: anh ấy là người ty nạn từ Việt Nam.

Tôi nghĩ thế giới chú ý đến anh ấy vì thân phận ty nạn, chứ không vì anh là người gốc Việt hay gốc Hoa. Tôi nghiệm ra là đối với người phương Tây, những chữ như 'ty nạn' và 'tìm tự do' có thể gây cảm xúc rất mạnh. Có lẽ từ trong tiềm thức, những người sanh ra và lớn lên trong những nước có lịch sử tương đối 'trẻ' như Mỹ và Úc, họ nhìn người ty nạn đi tìm tự do như là tấm gương phản chiếu của những thế hệ ông cha đầu tiên cũng đi tìm tự do và vươn lên từ nghịch cảnh.

Cuộc đời và sự nghiệp của Quan Kế Huy là khá tiêu biểu của những người đi tìm 'Giấc mơ Mỹ'. Đó là giấc mơ được sống trong một xã hội tôn trọng các giá trị như dân chủ, nhân quyền, tự do và bình đẳng; là môi trường mà trong đó mọi người -- bất kể xuất thân từ thành phần nào -- đều có thể thành công, có cuộc sống tốt đẹp hơn, đầy đủ hơn, thịnh vượng hơn qua làm việc chăm chỉ.

Tuyệt đại đa số người ty nạn Việt Nam, bất kể là người gốc Hoa hay 'Việt thuần tuý', đến Mỹ thời thập niên 1970 và 1980 đều nghèo hay rất nghèo. Có rất nhiều người đến Mỹ với hai bàn tay trắng sau một cơn biến động lịch sử. Họ không biết tiếng Anh. Ấy vậy mà họ đã sống sót, ổn định, và vươn lên. Theo tôi biết, có nhiều văn nghệ sĩ gốc Việt ty nạn đã thành danh ở Mỹ, dù họ ít khi nào nhắc đến quá khứ ty nạn của mình. Không nhắc đến không có nghĩa là quên.

Những người từ Việt Nam đến Mỹ sau này không thể nào cảm nhận được những khó khăn của người ty nạn thời đó -- và điều này cũng dễ hiểu vì họ không được dạy về chương sử đau buồn thời đó. Nhưng họ nên biết rằng người ta có câu "Những kẻ nào quên lịch sử sẽ bị buộc lặp lại lịch sử" (Those who forget their history are condemned to repeat it.)

Ngày nay, có khá nhiều người Việt Nam xin đi định cư ở các nước như Mỹ, Úc, Canada bằng tiền. Những người có nhiều tiền có thể thành đạt ở nước ngoài nhưng họ không bao giờ nhận được sự ngưỡng phục như những thuyền nhân thành đạt như Quan Kế Huy. Điều này đặc biệt đúng ở các xã hội như Mỹ và Úc, có lẽ họ (những người vươn lên từ nghịch cảnh) là hiện thân của Giấc mơ Mỹ, còn những người giàu có thường bị công chúng nhìn với sự nghi ngờ của Honore de Balzac ("Đằng sau mỗi tài sản kết xù đều là một tội ác").

--

THUYỀN NHÂN

- Xuân Sơn Võ -

Trong một chừng mực nào đó, tôi thuộc về "bên thắng cuộc". Nhưng ngay từ những ngày đầu tiên khi tôi vô Sài Gòn năm 1975, tôi không có cảm giác gì là mình thuộc về "bên thắng cuộc" cả.

Cho đến khi tôi bị đề nghị kỷ luật khai trừ đoàn, vì cái tội giới thiệu một bạn, là con của một đại tá chế độ cũ, gia nhập Hội Thanh niên (hội chứ không phải đoàn nhé), tôi nhận thấy, cho dù mình có ly' lịch thuộc về "bên thắng cuộc", nhưng thân phận thì nằm ở phía ngược lại.

Năm 1979, ba tôi gặp lại gia đình, đã ly tán từ năm 1940. Một trong những người cô ruột của tôi khi ấy sống ở Hàm Tân. Lúc ấy, tôi đang về nhà dịp hè để chuẩn bị đi du học ở Đông Âu. Tôi lên xe đò đi ra Hàm Tân. Đến ngã ba 46, tôi bị bắt lại vì không có CMND(chng minh nhân dân)

Lúc đó, CMND của tôi đã bị giữ lại để làm passport đi du học, và được cấp một cái giấy gì đó thay thế. Tuy nhiên, tại đồn công an 46, tôi bị bắt giữ vì bị cho là đi vượt biên. Tôi bị 4 tay công an quây lại đánh trong phòng giam, mà sau này tôi mới biết, là đánh để cho ra vàng.

Sau này, tôi đã từng đến những nơi có những tấm bia hoặc phù điêu, tượng... kỷ niệm việc các thuyền nhân đến các địa phương ở Mỹ, Đức... Tôi cũng đã đọc những cuốn truyện viết về những khó khăn, vất vả, những đau khổ, mất mát, thậm chí phải bỏ mạng... của những chuyến vượt biển đầy máu và nước mắt.

Nhưng tôi vẫn chưa cảm nhận hết được sự đau thương, mất mát của những người phải bước lên thuyền để ra đi. Thường thì khi giải thích cho bệnh nhân mổ, tôi luôn nói, mổ có thể liệt, có thể có biến chứng, thậm chí có thể chết người. Nhưng mổ thì mới có hi vọng. Đôi khi, không mổ thì không còn chút hi vọng nào cả. Có lẽ, phần nhiều những người bước chân lên thuyền để trở thành thuyền nhân, đều ở trong hoàn cảnh như vậy.

Điều đó tác động rất lớn đến cuộc đời một con người, lớn đến nỗi mà vào cái giờ phút nhận tượng vàng Oscar cực kỳ cảm xúc và long trọng, Quan Kế Huy đã phải nhắc đến nó.
Và cuối đoạn phát biểu anh nói về nước Mỹ với lòng trân trọng và biết ơn sâu sắc kèm lời nhắn gởi “đó là giấc mơ Mỹ” cho những ai có sự kiên trì và phấn đấu, điều mà nếu ở quốc gia khác thì giấc mơ chưa chắc đã được thành sự thật!

No comments:

Post a Comment