Thursday, March 16, 2023

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA NHẠC SĨ ANH VIỆT THU (1939-1975) 

(Tưởng nhớ nhân dịp 48 năm ngày mất: 15/3/1975)

Anh Việt Thu là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc vàng trước năm 1975. Tuy tuổi đời không cao nhưng ông lại có nhiều sáng tác nổi tiếng, sống mãi cùng với thời gian. Những sáng tác của ông thường gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước. Những ca từ mang nét đượm buồn, cùng giai điệu nhẹ nhàng, tha thiết nên thường chạm đến trái tim người yêu nhạc. Các ca khúc nổi tiếng của ông phải kể đến như: Giòng An Giang, Tám Điệp Khúc, Hai Vì Sao Lạc, Người Ngoài Phố, Gió Về Miền Xuôi, Đa Tạ, Người Bạn Tình Xưa, … 

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn từng nhận xét rằng nhạc sĩ Anh Việt Thu đã viết nhạc với một tâm hồn đôn hậu của người miền Nam, ít cầu kỳ cả trong giai điệu lẫn ca từ, cũng có lẽ vì thế mà nhạc của ông dễ đi vào lòng người và được mọi người đón nhận một cách dễ dàng.

Nhạc sĩ Anh Việt Thu tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang, ông sinh năm 1939 tại Campuchia nhưng đến năm 1940 mới được làm giấy khai sinh tại làng An Hữu, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang). Cái tên “Kim Sang” được biết đến là tên của một vị sư thầy tại ngôi chùa Campuchia mà cha mẹ ông đến cầu tự. Vì sau khi kết hôn, cha mẹ ông mãi mà không có con nên đã sang một ngôi chùa ở Campuchia cầu nguyện khấn sinh con và sau đó điều nhiệm màu đã đến và nhạc sĩ được sinh ra. Để nhớ ơn sư thầy tại ngôi chùa nọ mà cha mẹ ông đã lấy tên của sư thầy để đặt tên cho con trai. Nhạc sĩ Anh Việt Thu là con cả dưới ông còn có ba người em nữa là Phi Long, Kim Phụng và em út là Việt Thu. Là một người anh trai luôn thương yêu và bảo bọc các em nên khi bước vào con đường nghệ thuật ông cũng đã lấy bút danh là Anh Việt Thu (có nghĩa là anh của Việt Thu) đề dưới những sáng tác của mình.

Từ nhỏ, Anh Việt Thu theo học trường làng Tân Bình – Vĩnh Long, rồi học lên lần lượt các trường quận Cái Bè và trường tỉnh Mỹ Tho. Đến năm 1950, ông mới lên Sài Gòn học trung học tại trường Nguyễn Công Trứ ở đường Hai Bà Trưng. Cũng tại đây ông được bạn cùng lớp là Ngô Văn My chỉ dẫn cho những nốt nhạc cơ bản đầu tiên về đàn guitar, sau đó ông tự mày mò, học hỏi thêm bằng năng khiếu và đam mê của mình.

Năm 1956, Anh Việt Thu thi vào trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn khi trường mới được thành lập và trở thành một trong những người học khoá đầu tiên của ngôi trường âm nhạc danh tiếng này. Tại trường Quốc Gia Âm Nhạc, Anh Việt Thu lần lượt học các môn nhạc pháp, nhạc sử, hoà âm, đối tấu, sáng tác và dương cầm với các giáo sư âm nhạc như: Hùng Lân, Nguyễn Văи Huấn, Nguyễn Phụng, Ngô Duy Linh, Nghiêm Phú Phi, Võ Đức Thu,…

Giòng An Giang” là một trong những sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Anh Việt Thu, được ông viết năm 17 tuổi, ca khúc này được sáng tác theo thể điệu Luân Vũ, câu từ giản dị, giai điệu nhẹ nhàng cũng đủ khiến cho bao tâm hồn rung động trước một giòng “sông sâu nước biếc” ấy.

Giòng An Giang sông sâu nước biếc
Giòng An Giang Cây xanh ʟá thắm
Lả lướt về qua thất sơn
Châu đốc giòng sông uốn quanh
Soi bóng tiền Giang Cửu long…

Ngoài ra, trong thời gian này, ông còn sáng tác thêm một loạt ca khúc khác như: Ngược Giòng Cửu Long, Những Niềm Thương Mến, Đường Này Anh Về Đâu,… đậm chất quê hương trữ tình, dù những ca khúc này không được nhiều người biết đến nhưng vẫn được nhạc sĩ Lê Mộng Bảo của nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam khuyến khích cho in ra phổ biến để ông có thêm khoản tiền để trang trải cho việc ăn học.

Năm 1958-1959, Anh Việt Thu là trưởng đoàn văn nghệ Tổng hội Sinh viên Quốc Gia. Đến năm 1963, sau hơn 7 năm học tập và nghiên cứu ông đệ trình luận án âm nhạc tại nhạc viện Tokyo – Nhật Bản và sau đó ông tốt nghiệp hạng Ưu tại trường Quốc Gia Âm Nhạc khoá đầu tiên.

Năm 1964, nhạc sĩ Anh Việt Thu từ Sài Gòn về Tây Ninh dạy nhạc cho Trường Nam Trung học Tây Ninh (nay là Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo). Tại đây, ông đã đưa âm nhạc vào trong giảng dạy và có thể nói ông là người thầy đầu tiên đưa âm nhạc vào học đường thời bấy giờ. Lớp học trò ngày ấy vẫn còn nhớ bài hát mang điệu valse ngọt ngào mà thầy giáo Anh Việt Thu đã dạy: 

Dòng An Giang sông sâu nước biếc, dòng An Giang cây xanh ʟá thắm,lã lướt về qua Thất Sơn….” 

Dòng An Giang đáy nước in sâu, nhịp cầu tre ngắm bóng say sưa, nắng vẫn chiếu trên làn nước nhấp nhô…

Cũng trong khoảng thời gian này, nhạc sĩ Anh Việt Thu ra mắt ca khúc nổi tiếng Tám Điệp Khúc.

Đến năm 1965 thì nhạc sĩ Anh Việt Thu trở lại Sài Gòn và lập gia đình với một nữ sinh Gia Long tên là Nguyễn Nữ Hiệp (bà cũng là một người hâm mộ tài năng sáng tác của ông). Sau khi trở lại Sài Gòn, nhạc sĩ Anh Việt Thu bắt đầu tham gia các hoạt động văn nghệ sôi nổi hơn, khởi đầu bằng việc thành lập đoàn du ca Phù Sa, quy tụ nhiều nhạc sĩ cùng quê với ông như Anh Việt Thanh, Hà Phương, Phạm Minh Cảnh,… để đi hát ở các nơi từ Cần Thơ đến Huế.

Năm 1966, nhạc sĩ Anh Việt Thu trở thành huấn luyện viên tại các khoá huấn luyện Thanh Ca Tác Động do Bộ Thanh Niên tổ chức ở Sài Gòn cùng với những nghệ sĩ khác như: Đỗ Quý Toàn, Nguyễn Đức Quang, Phương Oanh, Nguyễn Thanh, Ngô Mạnh Thu, … Các khoá sinh do Ty Thanh Niên ở các tỉnh tuyển chọn đưa về dự, đây cũng bước khởi đầu cho Phong Trào Du Ca Việt Nam ra đời sau này.

Năm 1966 cũng là năm nhạc sĩ Anh Việt Thu viết nên ca khúc “Đa Tạ” – một trong những ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. “Đa Tạ” có giai điệu nhẹ nhàng, tình cảm nhưng sâu lắng ẩn sau đó là mong muốn sự thanh bình trở về trên quê hương.

Từ năm 1966 đến 1968, nhạc sĩ Anh Việt Thu cùng với thi sĩ Thiên Hà (bạn thân của ông) cùng chủ trương chương trình Phù Sa (ca – ngâm – diễn – đọc) và Tuần báo văn nghệ truyền thanh trên Đài Vô Tuyến Việt Nam.

Cũng trong giai đoạn này, Anh Việt Thu phổ nhạc cho nhiều bài thơ của thi sĩ Thiên Hà, nổi bật nhất là “Nhớ Nhau Hoài” và “Gió Về Miền Xuôi”, trở thành hai ca khúc nổi tiếng và quen thuộc với khán thính giả yêu nhạc vàng.

Năm 1971, ông thực hiện chương trình “Giờ Âm Nhạc Anh Việt Thu” trên Đài Vô Tuyến truyền hình, chương trình này kết hợp với hãng dĩa Việt Nam thực hiện những băng nhạc mang đậm tình quê có chủ đề Thương Quá Việt Nam, Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam.

Năm 1972, nhạc sĩ Anh Việt Thu là một trong 12 nhạc sĩ du ca có mặt trong tuyển tập nhạc “Hát Cho Những Người Sống Sót”. Trong Bút nhạc xuất bản năm 1973, ông đã viết: “Một ngày Việt Nam thơm lừng hoà bình, một ngày Việt Nam bay tràn thế giới…”

Cuối năm 1972, nhạc sĩ Anh Việt Thu sáng tác ca khúc “Người Ngoài Phố” – đây có thể được xem là một trong những nhạc phẩm buồn nhất của ông. Chính ca sĩ Hương Lan – nữ ca sĩ đầu tiên được nhạc sĩ Anh Việt Thu tập dợt, mời thu thanh lần đầu tiên vào Dĩa hát của hãng Việt Nam ngoài chợ Cũ cũng đã phải khóc theo lời của bản nhạc buồn.

Nhạc sĩ Anh Việt Thu ngoài sáng tác những bản nhạc trữ tình nhẹ nhàng, sâu lắng, ông còn viết nên một số bản nhạc Hùng, điển hình là ca khúc Trên Đầu Súng và Đường Chúng Ta Đi. Trong chương trình “Hùng Ca Sử Việt” của Trung tâm Asia đã phát hành, hai ca sĩ Đan Nguyên và Quốc Khanh đã song ca nhạc phẩm “Trên Đầu Súng” của cố nhạc sĩ Anh Việt Thu, đó là một ca khúc hào hùng, đầy sĩ khí.

Ngoài hoạt động sáng tác, ông còn tự thực hiện riêng cho mình một băng nhạc mang tên “Băng Nhạc Anh Việt Thu”.

Khi đang trong thời ky hoạt động sôi nổi nhất và đạt được nhiều thành tựu đáng kể thì nhạc sĩ Anh Việt Thu đổ bệnh, đó lại là một căn bệnh hiểm nghèo không thể chữa trị. Vào những ngày cuối đời nhạc sĩ Anh Việt Thu đã tâm sự với thi sĩ Thiên Hà (bạn thân ông) là ông ước mơ có một căn nhà bên cạnh dòng sông như ở Tân Qui đường Trần Xuân Soạn hay Bình Đông, có lẽ lúc ấy ông muốn ngắm nhìn dòng nước mỗi ngày như ở vùng An Hữu quê ông thời thơ ấu, để có những phút giây bình yên, không lo toan suy nghĩ và chỉ chú tâm vô việc sáng tác. 

Thế nhưng ước mơ ấy đã mãi mãi bị chôn vùi không thể nào thực hiện được vì căn bệnh nan y kia đã cướp đi cuộc sống của ông, nhạc sĩ Anh Việt Thu qua đời ngày 15 tháng 3 năm 1975 tại Y Viện Quảng Đông (Sài Gòn). Sau đó ông được đưa về quê nhà để an táng tại làng An Hữu.

Bạn bè của cố nhạc sĩ Anh Việt Thu nhận xét ông là một người ít nói, hiền lành và sống nhiệt tình với mọi người. Trong khoảng thời gian đi dạy nhạc ở Tây Ninh, tuy lương bổng rất khá nhưng do tính nghệ sĩ lại thởi lởi với mọi người nên ông vẫn cứ túng thiếu, thậm chí nhiều lúc phải bán vật dụng trong nhà để trả tiền thuê nhà.

Ca sĩ Giao Linh cũng có những chia sẻ về cố nhạc sĩ Anh Việt Thu trên sóng truyền hình. Bà tiết lộ những năm 70 của thế kỷ trước, bà từng được nhạc sĩ Anh Việt Thu giúp tập nhạc. Trong mắt bà, cố nhạc sĩ là một người hiền lành, ít nói và kín tiếng. Nhưng đặc biệt, ông rất nhiệt tình, ông tập nhạc cho nữ ca sĩ rất kỹ, giúp bà từ cách lấy hơi, nhả chữ cho đến sửa cho bà từng câu hát. Ngoài ra, ca sĩ Giao Linh còn chia sẻ một kỷ niệm với cha của nhạc sĩ Anh Việt Thu. Đó là trong một lần đi diễn, ông đã lên sân khấu gặp ca sĩ và nói: “Tôi có thể yêu câu bài Hai Vì Sao Lạc để nhớ đến con trai hay không?”. Và lúc đó ca sĩ Giao Linh đã hát tặng người cha đáng kính ca khúc này.

Thoixua biên soạn

No comments:

Post a Comment