Mưa Cali
Tác giả Song Lam (trái) và nhà văn Nhã Ca tại Fountain Valley, CA
Rời Cali cả tuần nay rồi mà tâm trí tôi vẫn bềnh bồng với những sinh hoạt ngày Tết trôi qua vội vã – Gần bốn tuần lễ vui chơi ở Orange County, ngày nối tiếp ngày, đêm trôi qua đêm với những náo nức rộn rã như những ngày xưa tuổi nhỏ mỗi lần Tết đến. Tôi thật sự chưa tỉnh thức với chính mình. Cái gì làm tôi u mê đến vậy? Xin đừng hỏi tôi, tôi không trả lời được đâu.
Không dấu được nỗi buồn còn đọng lại sau chuyến đi, tôi bỗng giật mình thảng thốt với chính mình. Vui chơi với bè bạn tuổi không còn trẻ nữa tuổi bảy lăm mà cứ tưởng mười lăm nên trận mưa đêm rã rít hiếm có ở Cali làm tôi có chút ngỡ ngàng.
Tưởng là trốn được cái lạnh của New Jersey, nhưng ai có ngờ đâu, cái lạnh theo chân tôi đến cái nơi có tiếng nắng ấm này. Sự đột biến của thời tiết làm tâm lý tôi xáo trộn. Tuần lễ đầu tiên, mưa cứ tuôn ngày đêm, khi lê thê, khi chóng vánh mang theo cái lạnh ít có ở vùng Little Saigon. Mùa Đông Cali đâu thấm gì với mùa Đông miền North-East mà sao tôi thấy rét run người?
Những ngày áp Tết Âm lịch tôi thích lắm. Làm sao không vui cho được khi hàng quán đông nghịt người người sắm sửa ăn Tết, chơi Tết. Chợ Costco nắm bắt được tâm lý người Việt khi mang hàng trăm chậu hoa Cúc Đại Đóa vàng ở đâu đó về bán. Người Việt ở đâu mà đông quá vậy? Họ mua hoa Cúc xếp đầy ắp “shopping cart”. Chỉ là hoa Cúc mà thôi. Tôi mê mẩn “quơ” sáu chậu hoa, trịnh trọng đem đến ba gia đình thân thuộc.
Còn hoa Lan nữa chi? Hoa Địa Lan bày bán trước chợ ABC, hoa Lan đủ mầu, đủ sắc, lớn nhỏ chật cả lối đi. Và còn trái cây nữa chứ? Ôi thôi lê, táo, bưởi bòng tràn ngập các chợ, tràn ra lề đường, tràn luôn khu chợ hoa Phước Lộc Thọ. Tiếng đàn tiếng hát rộn rã từ hồi nào vậy ta? Khu chợ đêm với mùi thịt nướng, bắp nướng kích thích vị giác mọi người. Bây giờ, ngồi đây trên trang viết này, tôi vẫn còn thòm thèm bắp nướng mỡ hành, chuối bọc nếp nướng chan nước dừa bột báng. Ôi sao thèm quá chừng!
Bốn tuần lễ vẫn còn chưa đủ với bè bạn, với người thân, với học trò cũ quanh vùng Little Saigon. Hình như có điều gì trói buộc tôi không ra khỏi Orange County vì sự hấp dẫn của ẩm thực, hay vì sự nồng ấm của tình người?
Những ngày trước Tết dù đi chợ mỗi ngày tôi vẫn thấy còn thiếu. Hoa, quả mua rồi, thức ăn đầy ắp trong tủ lạnh nhà chị tôi, nhưng khi ra chợ vẫn muốn mua thêm. Kiêng khem đủ thứ vì bệnh cao đường. Ở New Jersey, check blood test mỗi ngày, không ăn cơm, không ăn tinh bột nhiều, tôi cố gắng giữ đường huyết ổn định, và không cho phép mình tăng cân. Nhưng tôi quên hết khi đến Cali. Ôi! Ăn Tết cái đã. Bánh chưng mỡ màng, bánh giò mềm mại, chả lụa Phú Hương, chả cốm nhà hàng Vân, bánh mì thịt Sài Gòn, bánh mì BBQ Thanh Tâm, cháo lòng Tam Biên, cơm tấm Đào Viên “extra” chả hấp. Rồi còn phở Hollic nữa chi? Bánh cuốn Thanh Trì, bánh canh Trảng Bàng, Quê Anh-Quê Em. Trời đất! Tôi còn là tôi nữa không?
Rồi ngày Tết cũng ào ào đến không kịp chờ đợi. Cả nhà tôi cứ chiều tan sở là rủ các cháu ra chợ, ra Phước Lộc Thọ “hưởng thụ” cảnh Tết. Trời ơi, rộn ràng háo hức quá: Nào bánh mứt, nào hoa lá rực rỡ, nào tiếng đàn tiếng hát rộn ràng. Tiếng hát thanh xuân cũng có, tiếng hát “bô lão” tám chục cũng có luôn; không ai phê phán gì hết. Vui mà! Cứ vui đi! Còn có “đãng xê” minh họa nữa chứ! Cặp vợ chồng già đi “Slow mùi” xong, lại chộp giựt điệu Cha cha coi được quá!
“Ngày ba mươi Tết ta còn gì cho nhau”? Nhóm Việt Bút ơi ới gọi nhau họp mặt ăn Tết ở nhà cô nương chủ “Khách sạn ngàn sao” ở San Jose mới dọn về Santa Ana hai năm nay. Cũng nụ cười tỏa nắng, cũng nét đẹp của “cô em Bắc kỳ nho nhỏ” ngày nào, cũng vườn cây trái xum xuê dù mới bắt đầu tạo dựng. “Chị nghiêng qua phải tí, cười lên nha, em chụp đây”. Trời ơi, vui không khép được miệng cười. Mọi người cũng veston chỉnh chu, cũng áo lụa khăn quàng đúng nghĩa thanh cao tao nhã của Saigon, của Hà Nội năm mươi năm trước:
Bảy mươi ai bảo là già?
Tám mươi ta cứ mặn mà vui Xuân!
Mà đúng như thế. Bọn tôi, trẻ nhất cũng sáu mươi lăm già nhất cũng hơn tám mươi, mà riu ríu như trẻ con ngày Tết. Tôi đã nói rồi: bảy mươi lăm mà cứ tưởng như mười lăm. Vội vàng lắm, vì như cậu em trai út của tôi hay nói: “Không còn bao lâu nữa đâu, chị ơi!”
Phải, không còn bao lâu nữa. Xuân đến, Xuân tàn, thời gian sẽ không chờ đợi một ai, cuộc vui sẽ qua đi, chỉ còn nỗi buồn còn ở lại.
Tôi đã dặn lòng không còn phải nghĩ ngợi gì, phải buông bỏ như chiếc lá khô xuống dòng nước chảy xiết, quanh co. Đêm Giao thừa ở chùa Điệu Ngự, đứng trước tượng đài Quán Thế Âm, tôi đã cầu nguyện như thế. Cho tôi quên những tháng năm chìm nổi gian truân, cho tôi quên cuộc sống cam khổ nhục nhằn từ trong nước sau 1975 nghèo đói, cơ hàn. Tôi đã quên một đất nước tươi đẹp, hào hùng mà tôi đã sống, ăn học, và lớn lên ở đó hơn bốn mươi năm sao?
Đêm Giao thừa ở chùa Điệu Ngự ghi lại trong tôi nhiều xúc cảm. Ngoài việc lễ Phật cầu cho bá tánh an khang, tôi được xem văn nghệ trên sân khấu với các nghệ sĩ quen thuộc. Lâm Nhật Tiến với bài hát: “Anh Đến Thăm Em Đêm 30” thật hay, và đúng “thời vụ” người Việt tha hương ngồi lại với nhau, chìm đắm trong lời ca, tiếng nhạc, nhớ về một Saigon đằm thắm xa xưa.
Nói như nhạc sĩ Nam Lộc “Saigon ơi! Tôi xin hứa rằng tôi trở về”. Đối với tôi, lời hứa đó, hình như tôi đã thất hứa vì tuổi già lãng đãng, vì động lực không còn, và hơn hết là niềm đau tuyệt vọng.
Sáng Mồng Một, nhìn ra sân nắng lóe, tôi vui mừng vì trời đã dứt cơn mưa mấy ngày nay, cho đồng bào ăn Tết chứ. Nắng đẹp, nhưng vẫn se lạnh, giống mùa Thu ở Đông-Bắc, ra đường mọi người phải mặc thêm jacket. Cái lạnh Cali không làm tôi phải co ro, nhưng trong lòng mình vẫn phơn phớt nhớ cái lạnh khủng khiếp ở các tiểu bang Trung Mỹ như Colorado, Minesota, Michigan khi tuyết đổ ngày đêm trong những ngày đầu Xuân mới.
Ngày Mồng Một chạy show không kịp thở, vì nhiều cái hẹn với bạn bè, phải đến Los Angeles thăm gặp gia tiên, trưởng lão. Tối về, phải dự bữa dinner mừng sinh nhật đứa cháu. Sang Mồng Hai chúng nó phải trở lại chỗ làm, tôi có thì giờ nấu ăn vài món cho gia đình.
“Ngày Mồng Hai chúc cho lứa đôi mình”. Câu viết trên Face Book được anh bạn ở Santa Ana thêm “…ít cãi nhau”, làm tôi tức cười quá. Ông này chắc suy bụng ta ra bụng người đây. Sao ông nói đúng quá vậy?
Tiếp nối những ngày sau Tết là thăm gặp các bạn từ xa về, như ở San Jose, San Francisco, Arizonia. Rồi tay bắt mặt mừng, ríu rít ăn uống hàn huyên, chuyện vui nổ như bắp rang, không ai nói chuyện riêng của gia đình mình, nếu có gì không vui, giấu biệt. Thoáng một cái, vài giờ khắc qua đi, chúng tôi giơ tay chào nhau từ biệt, hay họa hoằn lắm siết chặt tình thân bằng cái ôm từ biệt, hẹn hò năm sau.
Năm sau, có, không, ai mà biết được? Tuổi già như bóng mây, gặp nhau lần nào biết lần nấy, “Nobody knows tomorrow” mà! Nếu cuộc vui làm chật nức lòng tôi trong chuyến “du Xuân” Cali lần này, thì cơn mưa đột biến rã rít vài đêm cũng làm tôi nghĩ ngợi. Ôi những đêm mưa ở Saigon lộp độp trên mái tôn ngày tôi còn thơ ấu, hay cơn mưa bất chợt lúc tan trường áo dài đồng phục ướt mem lật đật quay xe đạp tìm nơi trú ẩn. Đến đây, các bạn, có lẽ, sẽ thêu dệt mối tình trú mưa xảy ra nhan nhản trong các tiểu thuyết diễm tình ngày xưa phải không? Chuyện đó, có mà, ai cũng có, ít ra một lần.
Ngoài những lúc vui chơi với các bạn Việt Bút, tôi còn phải chạy show thăm gặp những người bệnh có họ hàng với gia đình chồng ở San Diego, thành phố Cypress cách Little Saigon nửa giờ lái xe. Tôi bắt gặp chính mình ở thành phố đẹp Cypress, nhưng lặng lẽ quá, không đông vui như ở Orange County. Người anh họ tuổi tám mươi sáu, ngày xưa là giáo sư trường con gái Trưng Vương Saigon, kế bên Sở Thú, gọi văn hoa là Thảo Cầm Viên. Ai cũng một thời. Thời khắc qua đi không bao giờ trở lại.
Chồng tám mươi sáu, vợ tám mươi ba đã có một “dĩ vãng vàng son” ở Saigon. Bây giờ họ cũng sống bình an ở Cali không phải lo gì cơm áo gạo tiền nữa, nhưng họ đang ở trong bệnh tật khó lòng chữa trị. Chồng bị bệnh Parkinson, và vợ bệnh Alzheimer. Người vợ không hề nhớ tên chồng, và khách đến thăm nhà không biết họ là ai. Nếu lỡ con gái vô ý không cài cửa ra vào, bà lẻn ra, đi mất không nhớ đường về nhà. Người chồng tay run bần bật, không tự ăn được, đi đứng xiêu vẹo. Cũng may, An sinh xã hội tiểu bang chu đáo lo cho người già, nên cả hai vợ chồng có người đến giúp mỗi ngày tám tiếng, kể cả thứ Bảy, Chủ Nhật. Thật cám ơn nước Mỹ với chương trình nhân đạo này thật nhiều, thật nhiều.
“Ngày vui qua mau, chỉ có nỗi buồn còn ở lại”. Tôi nói thầm với lòng mình như thế mỗi ngày. Đâu có gì tuyệt đối trên cõi đời này? Đêm Ba Mươi Tết, án mạng lãng nhách xảy ra ở Montery Park (Los Angeles) cướp đi mười một mạng sống giữa trời Xuân đầm ấm. Hung thủ là một người Việt gốc Hoa mới não nề! Và hắn đã bảy mươi hai tuổi rồi sao lòng chẳng được bình an? Có lẽ vì cơn giận với người phụ nữ nào đó, hay ghen tuông bất chợt?
Rồi, các bạn có cùng tôi ghé mắt đến người vô gia cư rải rác nằm ngủ giữa trời Xuân giá lạnh, giữa những ngày đầu năm truyền thống của dân tộc mình? Họ là ai? Từ đâu tới? Họ là di dân Mexico, hay kẻ không nhà kia chính là người cùng chung dòng máu Việt với mình? Duy nhất một người Mỹ ngồi xin tiền trước cửa chợ Grocery Dalat làm tôi ngạc nhiên. Cộng đồng người Việt Cali ở Orange County hiếm thấy bóng dáng người Mỹ. Tôi có nghe nói rằng ở Phước Lộc Thọ, đôi khi có vài người Mỹ vào tham quan, cả chợ dòm ngó, reo hò!? Cái gì hiếm là quý, chắc chắn là như vậy.
Ngày Xuân, vui Xuân, dầm dề niềm vui, tràn trề nụ cười. Nhưng bên cạnh đó, nhóm bạn Việt Bút chúng tôi cũng lợn cợn một nỗi xót xa về sự ra đi của anh David, và nỗi u buồn của chị Ba Xưng – người bạn quí của chúng tôi. Nói sao cho vừa để an ủi chị, khi việc tử sinh ai cũng nằm lòng. Chị không nói gì với ai hết về mình, vì:
-Song Lam à! Nếu là chuyện vui thì tui chia sẻ với bạn bè, còn nỗi buồn thì tui một mình giữ lấy mà thôi!
Thương quá Cali, thương quá bạn mình, nhưng Cali hôm nay với tôi, quá nhiều đổi thay dù tình cảm bạn bè hơn mười năm nay chưa hề thay đổi. Có thể, Cali thay đổi nhiều về kiến trúc hạ tầng, hàng quán mọc lên nhiều thêm, và dân số tăng vọt chóng mặt bởi chương trình di dân của chính phủ. Do vậy, Cali có chút bất an, ai cũng nơm nớp lo sợ khi ra đường, nhất là phải di chuyển ở những khu vực vắng người qua lại. Cali vẫn an bình dù có khách “không mời mà tới” thiếu vắng nụ cười. Họ là kẻ thắng cuộc, sao lại theo chân người thua cuộc như chúng ta mà đến đây? Tôi hơi băn khoăn vì chuyện này. Vẫn còn những tai ương về chiến tranh ở Ukraine, ở Turkey mới đây, hàng chục nghìn người chết chóc, đói lạnh trong những ngày Xuân mới. Tôi nghĩ mình rã rời thân xác khi không còn cơ hội để giúp ích gì cho họ, ngay cả những đồng bạc nhỏ nhoi. Chúng ta đã già, già thật rồi.
Ở trên đời này, ai ai cũng mưu cầu hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Là Có, hay Không?
Có nhà, có xe, có tiền, có quyền lực. Nhưng những thứ ấy không bằng cái Không. Không lo lắng, muộn phiền, không bệnh tật, không tai họa.
Quý bạn nghĩ sao? Chúng ta chọn Có, hay Không?
Trong chừng mực tự trấn an mình, tôi muốn chọn giải pháp thứ hai, vì giải pháp thứ nhất tôi không có được…
…Bên ngoài, cảnh trời buồn thiu, không nắng ấm rực rỡ như trời Cali. Chắc là trời sẽ mưa chiều nay.
Tháng Hai Dương lịch ở đây hãy còn lạnh giá dù không có tuyết. Mưa cũng không sao, không có tuyết đổ là hạnh phúc lắm rồi. Đời sống của tôi khi về hưu hai năm nay cũng an nhàn, hạnh phúc. Biết đủ là đủ. Tôi đã bằng lòng với những gì mình có.
Chiều nay, ắt hẳn trời sẽ mưa. Tôi sẽ nhớ nhiều về bạn bè, về người thân ở Cali trong gần bốn tuần lễ thâm nhập vừa qua, gặp gỡ, yêu mến, cười vui với các bô lão bà-bà, và các em trai như Lãng tử, Wờ-Wạng.
Cho tôi thêm một lần thương nhớ Cali, dù mười năm nay tôi vẫn lui tới nơi này. Đặc biệt năm nay, cho tôi yêu thương nhiều hơn với những ngày MƯA CALI.
Song Lam.
Mùa Đông, Cherry Hill,
Tháng 02/2023.
No comments:
Post a Comment