Thursday, March 23, 2023

LUẬN

Tháng 10/70 tôi theo đại đội di chuyển về chi khu Buôn Hô. Khi làn bụi đỏ mịt mù vừa lắng xuống, thị trấn Buôn Hô hiện ra trước mắt làm tôi chới với. Thị trấn gì đâu mà chỉ có một nhúm nhà tole thấp lè tè nằm phơi mình dưới nắng, xa hơn tí nữa là những dãy nhà sàn của người thiểu số. Còn đang ngơ ngác thì bị pháo kích. Nghe tiếng đạn bay sèn sẹt trên đầu tôi hoảng hồn nhảy đại xuống một chiếc hố cá nhân ngồi núp. Mấy người lính thuộc quyền đứng phía trên cười ngất, tôi ngạc nhiên hỏi lý do cười, họ bảo :

- Tiếng đạn đi như thế nó không rớt trúng mình đâu, chuẩn úy đừng sợ

Quả như thế thật. Trái đạn rơi cách xa chi khu hơn nửa cây số. Nhưng tiếng sợ làm tôi bị chạm tự ái. Dù gì tôi cũng là cấp chỉ huy. Thế là tôi bèn nhảy phóc lên đứng hiên ngang tỏ vẽ mình ngon lành. Một tiếng khác bay vèo tới, nghe tiếng riu ríu trên đầu tôi ngước cổ lên nhìn. Nhưng đám lính lần này nhanh hơn con sóc. Thoáng một cái họ đã ở dưới hầm chiến đấu gọn gàng. Một bàn tay kéo tôi té nhào theo.

- Chuẩn úy ơi khi nào tiếng đạn bay nghe kin kít như đàn bà nghiến răng đánh ghen thì lo mà chui vào hầm ngay vì nó sẽ rớt rất gần mình đó.

Chưa kịp quay qua cự nự nghe nói thế tôi bèn im. Quả đạn rớt ngay vòng rào. Bụi đất cát đá bay phủ đầy trên miệng hầm. Tôi nghe rõ tiếng loãng xoãng của mảnh đạn chém vào mái tole của chi khu. Một mãnh đạn nhỏ bay sợt ngang gò má, tôi nghe ran rát như bị móng tay ai cào. Thế là còn đang chân ướt chân ráo mùi mực thư sinh chưa kịp phai, tôi đã lãnh thẹo. Đúng là lãng xẹt. 

Bài học đầu tiên của chiến trường đã dạy cho tôi nhiều kinh nghiệm đáng giá sau nàỵ Hôm nhận trung đội, đứng trước 23 người lính thuộc quyền xì xào mặt ông chuẩn úy này còn búng chảy ra sữa chắc mới rời vú mẹ quả chẳng sai. Nhưng thực sự vết thương trên mặt tôi không chảy ra sữa mà chảy ra máu. Đó là những giọt máu đầu tiên tôi đã đổ ra trong đời quân ngũ. Khi bị chảy máu người đầu tiên tôi nghĩ đến là má tôi. Má giờ này ở Ninh Hòa chắc không biết thằng con đang trở thành người lớn. Bây giờ mỗi khi soi gương nhìn vết sẹo theo thời gian cộng thêm da mặt xếp ly nên chỉ còn thấy lờ mờ, lòng tôi sống lại cảm giác nao nao. Vết sẹo vẫn còn đây nhưng người cũ đâu hết rồi? Nhớ những đồng đội thuở nào mà sau này đã gắn bó cùng tôi suốt mấy năm trời ròng rã.

Tôi ra đơn vị nửa năm sau là đến tết. Để mong muốn có một cái tết yên lành, thiếu tá chi khu trưởng quyết định đưa hai khẩu pháo 105 ly trú đóng trên một ngọn đồi cách quận lỵ 14 cây số. Tôi có nhiệm vụ phải dẫn trung đội theo làm vòng đai. Lần này thì thực sự chơi với khỉ vì chung quanh là rừng núi bạt ngàn không có một bóng dáng người dân. Lúc mới đến Buôn Hô chê lên chê xuống, giờ lên nằm cố thủ đỉnh đèo Kati mới thấy hết dám chê ỏng chê eo. Buôn Hô coi vậy mà dù sao cũng còn có vài ba cô gái Thượng đen đúa chọc đở ghiền. Những sợi lông tơ trên mép giờ đã biến thành râu mọc khiêm nhường hai chùm ở hai bên. Dưới chóp mũi là những sợi lông lờ mờ lưa thưa giống như quẹt lọ nghẹ. Nhưng không để râu thì không thể được vì đám lính thuộc quyền chê là con nít. Rừng rú có ma nào thèm nhìn thành ra tôi quyết định không cạo. Chính quyết định này mà về sau hàm râu đúng là hại bạn khi tôi gặp Luận.

Nằm trên đỉnh Kati thét rồi rồi cũng có ngày tôi theo chiếc xe dodge đại đội về thị trấn để nhận tiếp tế. Việc đầu tiên khi về đến Buôn Hô lủi vô chợ để kiếm một ly cà phê vớ uống cho ấm lòng chiến sĩ (cà phê vớ là cà phê được người Thượng đựng trong chiếc vớ bỏ vào ấm nước nấu sôi lên xong chế ra ly chứ không dùng phin vì có phin đâu mà dùng). Đang nhấp nháp thì chợt tôi trông thấy một cô gái người kinh. Giữa một rừng người Thượng đen đủi, bóng dáng cô gái nổi lên như một vì sao giữa đêm tối trời. Cô gái bán mấy món hàng tạp hóa lặt vặt được bày trải trên một tấm ni lông. Chẳng có món nào để tôi có thể tìm cớ mua được. Nhưng cơ hội ngàn năm một thuở dễ gì tôi bỏ qua. Thế là tôi bèn mò tới ngồi chồm hổm trước mặt cô chủ. Dọ hỏi tên họ thì được biết tên Linh 18 tuổi. Thấy tướng tá của tôi râu ria không cạo, câu chào đầu tiên là : chào chú. Tôi thì bước vào tuổi 21. Cách biệt nhau chỉ khoảng ba tuổi bị gọi bằng chú hơi ức. Tôi bèn mua một hộp dao lam. Linh hỏi chi vậy. Tôi đáp phen này thề quyết xuống tóc cạo râu để không bị gọi bằng chú. Đêm đó về đồn tôi cạo râu nhẳn thín. Mặt mũi lâu ngày được “ giải phóng “ nhẹ nhõm hẳn ra. Đám lính thấy thế tủm tỉm cười. Sau khi cạo râu xuống trình diện Linh, tưởng được xuống cấp anh ai dè Linh vẫn gọi bằng chú. Lần này lại kèm theo tiếng cháu khi xưng hô cho chắc ăn để phân định rõ ràng vai vế.

Mùa mưa bụi đất đỏ biến thành bùn nhão nhẹt theo bám gót dày nặng trịch. Lớp bùn thật lì lợm bám chặt đến nổi phải dùng lưỡi lê nạy mới ra. Tôi cũng lì không kém. Dựa vào vai vế người lớn, tôi hiên ngang xuống chợ la cà. Bao nhiêu tiền lương mua hết cái này cái nọ đến độ Linh không còn hàng để bán :

- Mua hàng chỉ là cái cớ, tiền lính đâu có bao nhiêu chú nên để dành uống cà phê. Có rãnh thì xuống ngồi chơi với cháu cũng được không có sao đâu
Linh gọi tôi bằng chú, tôi không có lý do để xưng anh. Nhưng chú đứng cạnh cháu trông thiệt xứng đôi vừa cặp. Tuy thế tôi vẫn không thể xác định được rõ ràng tình cảm của tôi dành cho Linh là thứ tình cảm gì? Hình như tôi thương mến Linh bằng một thứ tình thân thiết ruột rà như anh với em. Chắc có lẽ hai đứa tôi cùng là người kinh, cùng xa quê, vì thời thế phải lưu giạt lên tận miền cao heo hút nên cần thiết nương tựa vào nhau.

Hè đến, tôi gặp Luận. Luận là cháu ruột Linh, gọi Linh bằng cô và chỉ thua Linh có một tuổi (nghĩa là thua tôi 4 tuổi). Luận học ở Ban Mê Thuột nghĩ hè lên Buôn Hô thăm cô. Lần này thì tôi thực sự bị tiếng sét ái tình đánh trúng. Khi thấy Luận ngồi với Linh tôi mơ hồ dường như cô bé này tôi đã gặp ở đâu đây. Hồn tôi xính quýnh. Luận gọi Linh bằng cô nên suy ra gọi tôi bằng ông cho lễ phép (vì tôi tụ trì ở vai vế chú của cô). Xưng hô tréo cẳng ngỗng như vầy thì làm sao mà cua? Rõ ràng bước đầu không thuận lợi. Nhưng sét đã đánh trúng rồi cho dẫu chết cháy, ông cháu gì tôi cũng phải liều mạng nhào vô.

Luận có một cái nút ruồi duyên trên gò má phải. Tất cả nét đẹp dịu dàng tự nó toát ra không hề có một tí make up nào dính vào. Giọng nói của Luận nhẹ nhàng như chim hót. Nhất là khi Luận nói tiếng Thượng với những người dân tộc thiểu số, nghe líu lo ríu rít. Tôi không biết tiếng Thượng, tôi không hiểu được tiếng chim, nhưng âm thanh phát ra từ hai bờ môi xinh xắn kia bảo đảm nghe du dương hơn tiếng nhạc.

Sau này ở Mỹ mỗi sáng trước khi đi làm có con chim đứng trên ngọn cây trước nhà thức dậy líu lo thay cho lời chào " good morning" thế nào tôi cũng đứng lại chậm năm ba phút để mà thưởng thức. Tôi đem điều này kể cho bà xã tôi nghe. Vợ tôi hỏi:

- Anh có biết tại sao con chim nó hót nghe ngọt ngào trong trẻo hay không?

- Tại sao ?

- Là vì nó không phải nấu ăn, không phải giặt đồ, không phải rửa chén, không phải clean up nhà cửa, không phải đau đầu vì cái tật làm biếng, bày đâu xả rác đó, nhất là không phải nghe những câu hỏi vớ vẫn giống như anh

(Xét ra, lý lẽ của bà xã đúng vô cùng, hèn chi được tôi tin tưởng bâu vào chức vụ thủ lãnh của mình và dám con)

Sống trên rừng núi âm u, khí hậu ẩm thấp quanh năm lính tráng đứa nào cũng phì phèo điếu thuốc. Có chuyện gì vui : chia nhau điếu thuốc. Có chuyện gì buồn : chia nhau điếu thuốc. Tiễn đồng đội ra đi : cũng là điếu thuốc thay nhang. Điếu thuốc vì thế trở nên gắn bó. Khi sống ở Mỹ hành vi duy trì hút thuốc là một hành vi bị bà xã và đám con tôi biểu tình phản đối vì nó lạc hậu có hại cho sức khoẻ. Tôi ghi nhận ý kiến phản đối hợp lẽ với nếp sống văn hóa cao đó, nhưng vẫn cứng đầu làm người lạc hậu. Nghĩa là hút thuốc dài dài. Hút trường giang không được thì hút lén, bị cấm giữa đám đông thì tìm nơi nào vắng vẻ mà hút. Nghĩ cho cùng đời tôi gắn bó với điếu thuốc chừng ấy năm, chừng ấy kỷ niệm dễ gì một sớm một chiều là có thể dứt bỏ được? Quãng thời gian còn lại là bao ngày, hơi đâu lo. Số mạng đâu có phải mình muốn sao là được vậy. Có ai biết được ngày mai?

Hồi đó đám lính tráng cùng đại đội đa số hút Ruby quân tiếp vụ hoặc Bastos xanh. Chỉ riêng mình tôi là hút Pall Mall. Không phải tôi xài sang mà vì diếu thuốc Pall Mall nó dài hơn các loại thuốc thường lại thẳng thóm quấn bằng loại giấy trắng trẻo có độ dai, mỗi khi viết chữ lên đó dễ đọc, ngòi bút bi cũng khó làm rách giấy. Tiện lợi nhất là vì nó dài nên số chử viết lên đó được nhiều hơn là viết trên điếu ngắn. Quen với Luận một thời gian, chứng tỏ lòng thành cách mấy cũng không được gọi bằng anh, tôi tức lắm. Dưới sự nhận định đầy kinh nghiệm tình trường tôi cảm nhận được rõ ràng Luận đang kín đáo lo lắng cho tôi. Những tuần bận hành quân không xuống chợ Luận nhấp nha nhấp nhỏm hỏi thăm. Tình cảm của tôi dành cho Luận đâu khác gì? Không máu mủ, không bà con, mắc chi lên chức ông với cháu cho khó ăn khó nói? Khó nói bằng lời thì phải nói bằng cách viết thư, tôi là đàn ông con trai đương nhiên phải ra tay trước. Trâu tìm cột chứ ai đời cột lại đi tìm trâu? Sẳn gói Pall Mall trong túi áo tôi đánh số từ 1 đến 20, thế là cứ trên mỗi điếu tôi nắn nót một câu thơ tống tình thiệt là lâm ly bi đát. Thực hiện xong ý định tôi cho ngay ngắn vào gói. Xét theo chiến lược, viết thư trên tờ giấy trắng gấp lại khi gửi, sợ e lộ liễu quá Luận sợ không dám cầm, không gây được yếu tố bất ngờ về phía đối phương. Trong chiến thuật yếu tố bất ngờ là yếu tố then chốt quyết định mỗi trận đánh. Dùng điếu thuốc là yếu tố bất ngờ. Tôi là dân nhà binh, nên phải áp dụng yếu tố bất ngờ đó vào trận này. Mục tiêu là Luận.

Khi tôi móc từ trong túi ra gói thuốc, Luận hỏi:
- Cái gì đây?

- Gói thuốc

- Cháu đâu có hút thuốc, ông đưa cháu làm gì?

- Chú muốn cai thuốc nhưng vất đi thấy uổng gửi Luận cất giùm

- Ông mà cai thuốc có mà trời sập

- Trời cũng sắp sập rồi đó cô bé. Cất cho kỹ đừng cho ai thấy nhen.

Luận ngây thơ nghe tôi nói sao tin vậy đem gói thuốc cất kỹ. Còn tôi thì hồi hộp chờ kết quả. Hai ngày sau, tôi mò xuống chợ. Thấy trên môi tôi vẫn còn điếu thuốc đang phì phèo, Luận nói:

- Ông đã bảo cai thuốc sao còn ngậm cái gì thế kia? Hay là cháu trả lại cho ông gói thuốc ông đã gửi nhé.

Tôi vội vàng xua tay. Thì ra cô bé không tò mò mở gói thuốc ra xem. Ăn gian không được thì bỏ. Tôi hì hục viết thêm lá thư thứ hai. Khi đưa cho Luận kỳ này tôi đóng khuôn mặt thểu não hơn trước (cũng không quên ma giáo hơn trước)

- Chú lục trong ba lô thấy còn sót lại một gói. Luận trót giữ gói kia thì giữ luôn gói này luôn một thể cho có đôi có cặp

- Cháu đã nói rồi. Ông mà bỏ được cháu cạo đầu đi tu liền

- Luận có biết tại sao chú ghiền thuốc lá không?

- Không

- Ý nghĩa của điếu thuốc rất đặc biệt. Nó mang một sứ mệnh. Chỉ những ai có duyên phận thì ý nghĩa đó mới hiện ra.

- Gì mà ghê gớm vậy?

- Không tin tối nay về nhà Luận thử mở ra sẽ thấy.

- Đâu cần tối nay. Cháu mở ra liền bây giờ. Ông coi nè.

Luận rút ra một điếu, hết hồn khi thấy trên đó có những chử viết li ti. Khẻ bật lên tiếng kêu ngạc nhiên Luận chợt hiểu ý đồ của tôi, hai gò má nàng ửng đỏ :

- Cháu sợ

Gươm đã rút ra khỏi vỏ đâu dễ gì tra vô. Tôi hỏi:
- Luận sợ gì?

- Luận không biết.

Đang từ cách xưng hô bằng cháu, Luận ha giọng xuống xưng tên, tôi nắm phần chắc ăn được khoảng 70%. Phần 30% còn lại chỉ cần điều động hai con mắt biểu diễn làm sao đó thật "thê thảm" khi nhìn vào đối phương, bảo đảm đối phương chạy trời không khỏi nắng. Trong khoảng thời gian vài ba cái tích tắc của đồng hồ, khi tôi chưa kịp thực hiện trò ma mảnh đó thì cảm xúc không biết xuất phát từ đâu dâng lên trong lòng tôi ào ạt. Hai con mắt rơm rớm, tôi nhìn thẳng vào Luận một cách thiết tha, cái nhìn chân thật của một người yêu một người, cái nhìn sẳn sàng xả thân. Tóm lại những gì tôi biểu hiện ra ngoài nét mặt đều phát tiết từ con tim chân thành chứ không nằm trong kế hoạch dự trù. ( lại nghiệm ra thêm một chân lý : không thể dùng lý trí để mà cãi lý lẽ với con tim ). Tôi run giọng nói với Luận :

- Những gì anh muốn nói với Luận anh đều viết trong hai gói thuốc. Anh hy vọng sau khi đọc xong Luận sẽ hiểu

Tự nhiên tôi xưng anh ngon lành. Nhưng mặc kệ bất kỳ Luận nghĩ gì, tôi quyết định sẳn dịp này xuống chức làm "anh " chứ không thèm làm "ông " nữa.

- Luận không biết

Lại không biết. Những tiếng "không biết" nghe sao mà dể thương. Dể thương ở chổ không phản đối tiếng anh khi tôi chuyển hệ và không gọi tôi bằng ông xưng cháu nghe chói tai như trước. Đảo hai con mắt một vòng chung quanh chợ thấy không có ai , tôi làm bạo nắm tay Luận, Luận sợ hải rụt lại, nhưng sau đó để yên run rẫy. Tôi 21 Luận 17 hơn nhau có bốn tuổi, nhưng khi tỏ tình với Luận giống y như ông già đi dụ dỗ con nít. Chắc có lẽ tại vì tôi sớm lăn vào vùng sương gió nên kinh nghiệm già trước tuổi, còn Luận dù sao cũng chỉ là một bông hoa đồng nội mộc mạc đơm lên từ chốn thâm u cùng cốc. Nhưng tình cảm tôi dành cho Luận không hề giả trá, đó là tình yêu chân thật phát xuất từ trái tim.

Hôm sau tôi lại xuống núi ( tôi đóng quân trên ngọn đồi, nên khi xuống chợ gọi là xuống núi). Luận trong chiếc áo bà ba màu trắng, thấy tôi từ xa khuôn mặt Luận rạng rỡ hẳn lên

- Đọc thư anh viết chưa

- Không biết

- Nghĩ sao

- Không biết

Thuở đó chưa có câu hát " con gái nói không là có ", nhưng tôi biết những tiếng trả lời không biết của Luận có nghĩa là có biết

- Nhưng em sợ cô Linh buồn

Tự giác xưng em ngọt sớt. Chợ miền núi tuy nhỏ bé tí tẹo nhưng vẫn có lác đác vài ba chục người dòm ngó chứ nếu không thì tiếng em ngọt ngào kia thế nào cũng bị tôi thưởng cho một chục cái hôn là ít. Sau này có một lần tôi canh vào lúc trời chạng vạng tối vắng người, tôi ôm Luận và hôn trên đôi môi đó. Khi " bị" tôi hôn hai con mắt Luận nhắm nghiền lại. Luận chưa biết cách hôn đáp trả. Đã thế khi tôi hôn xong Luận lại còn đưa tay lên chùi hai bên mép một cách vụng về lúng túng. Cử động phủ phàng đó không làm tôi phiền lòng mà ngược lại tôi rất vui vì nó chứng tỏ lần đầu tiên đôi môi Luận được áp vào bởi đôi môi của người khác phái.

- Em là cháu của cô Linh, ở cùng chung nhà, chắc em cũng hiểu rõ tình cảm của anh dành cho Linh không giống như tình cảm của anh dành cho em phải không? Anh sẽ giải thích với Linh sau

Sau này Linh nói với tôi như một lời gửi gấm :
- Luận tuy 17 nhưng hãy còn con nít lắm, mong chú thật tình, đừng làm nó khổ

- Chú hứa
( xưng chú với người cô, xưng anh với người cháu mất cả tôn ti trật tự, nhưng ai bảo Linh gọi tôi bằng chú ráng chịu)

Luận tặng tôi một chiếc cong nhỏ đeo vào cườm tay làm bùa may mắn. Chiếc cong chỉ là một thanh đồng được uốn tròn lại. Người Rhadé dùng để tặng cho nhau biểu hiện ký thác niềm tin. Tài sản của người Thượng được dịnh giá bởi những cái ché, những con trâu những con bò, họ dùng dao nhọn khắc lên chiếc cong một vạch mỗi khi mua được thêm một cái ché hoặc một con trâu hay bò đó. Nhìn những vạch được khắc trên chiếc cong thì biết người chủ chiếc cong giàu hay nghèo. Chiếc cong Luận tặng, tôi khắc lên đó một vạch mỗi khi tôi nhớ. Những khi nào mắc bận hành quân không xuống chợ được nghĩ đến Luận, tôi dùng lưỡi lê dồn lên nhiều vạch. Sau khi đi hành quân về tôi đem chiếc cong xuống khoe. Luận cảm động nhưng thường chống chế :

- Anh xạo ghê

- Anh xạo nhưng xạo đầy chân thành

- Xạo cũng có chân thành nữa sao

- Có chứ

- Làm sao để phân biệt ?

- Nhìn vào mắt

-Nhìn vào mắt?

- Phải. Người xạo chân thành ánh mắt họ thẩn thờ, hai tròng đen đứng yên một chổ

- Còn giả dối?

- Xạo giả dối thì hai tròng đen chạy qua chạy lại không hề đứng yên.

- Xạo. Xạọ Xạo

Luận cười sung sướng. Nhìn Luận cười rạng rỡ, bước phong sương của tôi tưởng chừng như muốn mỏi. Tôi muốn dừng chân. Tôi muốn có một mái ấm gia đình trong đó chỉ có tôi và Luận. Nhưng Luận thì còn quá nhỏ. Còn tôi đang là một chiến binh, tương lai mù mịt không biết chết sống giờ nào.

Trong ba lô mỗi khi đi hành quân tôi thường bỏ vào đó một cây thuốc Pall Mall ( một cây 10 gói, một gói 20 điếu) , Mỗi lúc dừng quân tôi làm thơ trên mỗi điếu thuốc. Điếu nào câu thơ ưng ý thì tôi đánh số thứ tự để Luận còn biết đường mà đọc. Điếu nào viết dỡ thay vì vứt đi thì tôi hút. Vừa tiện vừa lợi. Vừa lãng mạn, vừa thực dụng.

Đêm 27 rạng sáng ngày 28/01/73 lợi dụng hiệp định ngưng bắn Paris vừa hiệu lực việt cộng mở một cuộc tấn công chiếm Hà Lan đánh thẳng vào Buôn Hô. Đại đội tôi tham chiến. Đại úy đại đội trưởng tử trận. Đại đội phó bị thương. Tôi tạm thời nắm quyền đại đội. Dằn co mãi đến cả tháng sau Hà Lan mới được giải tỏa. Buôn Hô đã vốn tiêu điều, khói lửa chiến tranh càng làm thêm xơ xác. Tôi trở lại tìm Luận và Linh. Dân chúng đã chạy sơ tán hầu hết. Chỉ còn sót lại một số ít người dân tộc thiểu số. Tôi không biết Luận và Linh đang ở đâu? Pleiku? Thuần Mẫn? Ban Mê Thuột? Địa thế Buôn Hô tọa lạc trong cái lòng chảo, ngửa mình nằm trên một con đường duy nhất nối liền Ban Mê Thuột - Pleiku, còn chung quanh là rừng và núi. Đầu con đường về hướng đông là Hà Lan đang xảy ra chiến trận, chỉ còn một lối cho dân chúng chạy giặc ngược lên đó là Thuần Mẫn hoặc Pleiku. Đơn vị tôi sau khi lâm trận đang bận chỉnh đốn, tôi không thể bỏ đi. Còn Luận thì chắc chắn không biết đơn vị tôi đang di chuyển về hướng nào để liên lạc vì nguyên tắc nhà binh luôn luôn bảo mật lệnh di quân. Kế tiếp tôi được thuyên chuyển về phòng 1 tiểu khu Darlac. 

Lúc quen với Luận tôi nghe phong phanh nhà Luận ở đường Hai Bà Trưng. Suốt một tháng trời tôi quầng nát cả một khúc đường, nhưng bóng chim tăm cá. Rồi thì lệnh của quân đoàn 2 chỉ định tôi biệt phái qua CSQG. Tôi nhận sự vụ lệnh giả từ Ban Mê Thuột để về trình diện Bộ chỉ huy CSQG Khu 2 (Nha Trang). Tôi được gửi đi học một khoá nghiệp vụ tại Cam Ranh. Khi mãn khoá tôi được đổi ra Bình Định. Tất cả mọi sự việc xảy ra quá nhanh với một tốc độ dồn dập làm tôi trở tay không kịp. Trong khi tôi chưa có được nghỉ phép để trở lại Buôn Hô tìm Luận thì biến cố 30/04/75 ập đến. Thế là tôi bặt tin Luận. Xem như tôi là một kẻ phụ tình. Trước đây tôi cũng đã từng yêu và từng bị phụ tình, Khi bị bồ đá lòng tôi vô cùng đau đớn, cứ tưởng không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau bị đá . Nhưng khi tôi phụ tình Luận trong lòng tôi còn đau hơn thế nữa. Phụ người cả là một ray rức vô bờ. Tôi đâm ra thông cảm được nỗi khó khăn của những người phụ tôi. Chắc họ không vui sướng gì khi quyết định chia tay.

Chiều nay xứ người nơi cách chiến trường xưa nửa vòng trái đất, những cơn mưa đầu hạ rơi hoài không tạnh. Hai bàn tay xoáy chặt lại với nhau, tôi nhìn những mảnh vụn của gỗ cây mục từ cánh rừng trước nhà bị mưa cuốn đi trong dòng nước, rồi lẫn thẫn lẩn thẩn nghi vấn : những mảnh gỗ vụn kia sẽ trôi qua bao nhiêu ải trạm của mệnh số để ra sông trước khi tuôn về biển? Hay chỉ trôi tạm trên cõi đời này trong một cơn mưa để rồi bị vùi dập vào một ống cống hay một đường mương cống rãnh nào đó? Và nỗi nhớ có như những mảnh vụn kia trôi qua bao nhiêu phiền muộn, trôi qua bao nhiêu sóng gió của tai ương? Trong đầu óc trống trơn khô héo này bừng bừng lên cái không có. Cái không còn gì cả.

Hay chỉ là những cảm xúc thoáng ẩn hiện qua cuộc sống quá khô khốc này? Tôi chẳng tìm được ra câu giải đáp, chỉ biết rằng bỗng chiều nay chiến trường xưa mưa bay chập chùng. Bỗng chiều nay rưng rưng trong tôi nỗi nhớ.

Quan Dương

* Hình chụp năm 1974

No comments:

Post a Comment