Tuesday, March 7, 2023

 Chuyện Kể Ở VN

Ngước cặp mắt sưng vù, mọng mí vì khóc nhiều, chị ân cần dặn chồng:

– Anh nhớ mang theo hộ khẩu gia đình, giấy chứng tử của bệnh viện ở Thành Phố Hồ Chí Minh đến Ủy Ban Nhân Dân phường – nơi ông cụ cư trú để làm thủ tục khai tử nhé..

– Bà yên tâm đi, anh an ủi vợ: – mấy thứ này tôi chuẩn bị từ lúc ông cụ chuẩn bị lâm chung kia, khỏi dặn.

Dắt xe ra cửa, anh tăng ga phóng một mạch đến địa chỉ cần tìm; và ung dung bước vào phòng ghi cụm từ đỏ chót: Phòng xác nhận công chứng

Kiểm tra mấy thứ dấu má, giấy tờ xong, cán bộ phụ trách nhăn mặt, bảo:

– Chúng tôi không thể cấp giấy chứng tử cho ông nhà được.

– Sao cơ ạ, anh ngạc nhiên bật ra câu hỏi ngoài tầm kiểm soát:

Vị cán bộ đáp, mặt không biến sắc:

–“Giấy của bệnh viện ghi “tử vong” chứ có ghi là đã chết đâu. Theo quy định của ủy ban, Tử vong không phải là chết nên chúng tôi không cấp giấy được!”.

Mắt chữ o, miệng chữ i, Anh hỏi:

– Vậy làm thế nào để được cấp giấy chứng tử ạ?

Cúi xuống nhìn lom lom vào đống giấy tờ trước mặt, vị cán bộ trẻ măng, mặt búng ra sữa hướng dẫn:

– Thì anh phải lên lại ủy ban nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh xin ghi lại vào hồ sơ bệnh án là người bệnh “đã chết” chứ sao.

– Trời: Anh buột miệng than: -Xin cán bộ hướng dẫn cụ thể hơn, kể cả thủ tục…đầu tiên, gia đình tôi sẽ hết sức chu đáo, còn phải làm nô lệ cho dấu má, giấy tờ như thế này oải quá.

– Thôi được vị cán bộ trẻ mắt sáng lên khi nghe cụm từ đắt giá: “ thủ tục đầu tiên”

– Vậy em bày cho anh cách nhẹ nhàng hơn nhé. Theo em, anh chỉ cần viết một lá đơn, xin ủy ban phường cấp giấy chứng tử cho người thân với lý do “chết tại nhà vì già yếu”, rồi nhờ hai người hàng xóm ký xác nhận vào.

– Nhưng…nhưng ông già vợ tôi chết tại bệnh viện mà?

Cậu cán bộ trẻ quắc mắt:

– Thế ông có muốn lấy giấy chứng tử không?

– À…lờ mờ hiểu ra “ ý tốt” của cậu cán bộ trẻ, anh quầy quả quay ra, các cơ vòng dãng rộng trên gương mặt, trước khi bỏ đi còn giao hẹn : -Tôi sẽ quay lại đây ngay đầu giờ chiều nay. Hy vọng cậu vẫn trong ca trực.

– Vâng em làm theo giờ hành chính, 8 tiếng một ngày, nếu ông anh đã hẹn sẽ quay laị, em đâu dám bỏ trận địa trống.

Vừa thong thả vặn tay ga xe máy trôi chậm chạp theo dòng người ùn tắc trên đường, anh vừa lẩm bẩm nghĩ:

-Không hiểu thằng chả có mấy bộ mặt mà trong vòng mười phút đã biến hóa khôn lường như vậy. Hay hắn mắc chứng bệnh “Rối loạn đa nhân cách”?.

Trở về dựng xe vào sát cửa, đề phòng trộm cắp, anh uống vội cốc nước rồi ngồi vào bàn nguệch ngọac viết mấy chữ :Đơn xin xác nhận …như gà bới, xong vác bao thuốc lá ngoại sang nhờ hai người hàng xóm ký vào làm chứng để mang nộp lại cho phường, trước khi đi, anh cẩn thận nhét thêm vào phong bì 500 ngàn, chị vợ nhăn nhó:

– Chết thật chứ chết giả đâu mà anh cứ thích hoang phí:

Hiểu tính vợ, anh vui vẻ đáp:

– Em không nghe ông bà nói : “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” à?

– Khôn khôn cái gì? Chị vợ đưa cặp mắt sưng  vì khóc nhiều, cau có đáp: 

– Có mà tiền dại thì có ấy. Người thì cũng đã chết rồi, gần trăm triệu để đưa vào đài khỏa thân… à hóa thân Hoàn Vũ chứ ít đâu, mà thời Covid Co vi này, tiền phúng viếng có được bao nhiêu đâu? Coi như ông cụ đóng hụi chết, sao anh cứ đem rải hết cấp phường lại quận, biết bao nhiêu cho đủ?

– Ôi giời, anh gạt đi. Cứ bảo chết là hết, là thổi nhúm tro tàn trong lòng bàn tay, là nghĩa tử là nghĩa tận mà cả tuần nay rồi “thổi” mãi có hết đâu? Tấm giấy chứng tử vẫn đè ngang ngực vợ chồng mình, vì thế đi đâu mà chả phải lo thủ tục đầu tiên – tiền đâu để khỏi bị làm khó dễ.

Len lách qua một biển người và vô số các phòng ban, anh bước vào phòng chứng nhận công chứng lúc sáng và ngạc nhiên khi không thấy vị cán bộ trẻ đâu, một thoáng phân vân anh lẩm nhẩm: “Quái, rõ ràng cậu ta hứa không bỏ trống trận địa mà sao bây giờ lại là một “bố già” mặt khó đăm đăm ngồi lù lù ở đây ? Hay cậu ta nghỉ ăn trưa? Có nên đợi hay …

Một thoáng phân vân, như một vệt mây đen thoáng qua trong óc, anh tần ngần bước vào, vẻ mặt căng thẳng:

- Dạ thưa cán bộ, à đồng…đồng chí,

Nét mặt hình sự, “bố già” hỏi:

– Việc gì?

- Dạ, anh vội vàng trình bày lại mọi việc và đưa lá đơn có ý kiến xác nhận kèm chữ ký của hai người hàng xóm - cũng là hai phó thường dân, cạnh nhà, viên cán bộ cau mặt;

– Bố vợ anh mất chứ có phải bố đẻ anh đâu, sao không để chị ấy tự đi mà anh lại tự ý đi thay chị ấy?

Quá mệt mỏi vì cả ngày phải giải thích hết với vợ lại hai nhân chứng quan trọng của địa phương, rồi cán bộ phường, anh trịnh trọng đưa cái phong bì có 500 nghìn tiền lẻ ra, đáp :

– Con vợ tôi nó thương cha khóc nhiều quá, lại mệt mỏi vì phải chăm sóc cha suốt cả mấy tháng trời lâm trọng bệnh nên không đi được, nó có nhã ý gửi cán bộ ít quà, mong cán bộ xem xét giùm.

– Nhưng ông cụ chết tại bệnh viện chứ có chết tại nhà đâu mà yêu cầu chúng tôi xem xét?

– Vậy là phải lên bệnh viện lấy giấy xác nhận từ đầu ạ. Trời!

Anh rụt phong bì lại, nhấc sấp giấy tờ định bỏ đi, vị cán bộ vội ngăn lại:

– Thôi được rồi, lần sau, sau khi viết đơn xong anh phải thuê người đánh vi tính cho nghiêm chỉnh nhớ, thời đại 4.0 rồi mà còn viết nghuệch ngoạc như thế này, lạc hậu quá.

– Dạ, anh gật đầu, vẻ biết lỗi, cũng tại vội quá đấy ạ, mong cán bộ thứ lỗi.

– Hơn nữa, vẫn giữ nét mặt hình sự “bố già” lên giọng cảnh báo:

- Lần sau nếu lấy giấy xác nhận tại địa phương phải có chữ ký của tổ trưởng dân phố và bí thư đảng ủy nhớ

– Ô, anh nhăn mặt, vì biết đã có phong bì “đưa đường chỉ lối” rồi nên cao giọng phán xét:

– Thì ông già vợ tôi chết thật mà, hai vị hàng xóm biết rõ, còn … hai ông bí thư và tổ trưởng ấy, mấy hôm khâm liệm tại nhà, các vị ấy có ló mặt tới đâu?

Ung dung nhét tiền vào ngăn kéo bàn làm việc, vị cán bộ thong thả:

– Tôi biết việc anh khai và xác nhận ba vợ anh chết tại nhà là không đúng, lại không có chữ ký xác nhận của tổ trưởng dân phố và bí thư chi bộ theo nguyên tắc, nhưng thôi, không lẽ bắt anh quay về lần nữa… Thời đại này, người dân phải chủ động đi tìm cán bộ trong địa bàn mình ở, chứ làm sao họ biết ở đâu có người chết mà tìm đến, rồi lại phải quà cáp, thăm hỏi, phúng viếng ? Thôi anh chờ một lát, tôi sẽ đóng dấu xác nhận vào đơn xin cấp giấy chứng tử của cụ ngay, sau đó anh lên ngay ủy ban nhân dân thành phố nộp, kẻo hết giờ làm việc.

- Vâng, anh hí hửng cầm tấm giấy đã xác nhận đi ra ngoài, và cẩn thận kẹp thêm một phong bì 500 ngàn vào sắp giấy tờ, liếc qua lá đơn nghuệc ngoạc đã được đóng dấu đỏ chót, anh lẩm bẩm: Sao họ không cấp “giấy chứng chết” mà lại cấp “giấy chứng tử” nhỉ, vì họ khẳng định TỬ là tử chứ có phải là chết đâu? Nhưng thôi, cố phóng lên ủy ban nhân dân thành phố đã, kẻo hết giờ làm việc, ngày mai lại phải đi tới đi lui mệt mỏi lắm.

Mải nghĩ, anh không biết ngay sau lưng anh, cậu cán bộ trẻ măng và vị cán bộ già khó tính đang chia chác số tiền lẻ trong phong bì :

Vị cán bộ già vui vẻ nói: – Đây, phần của cậu đây. 200 nhé. Lần sau cũng đừng có quên tôi đấy.

- Dạ cậu cán bộ trẻ vui vẻ đáp: - Thủ trưởng yên tâm: – Sau này em còn cần đích thân thủ trưởng kê ghế cho em mà.

– Ừ- “bố già” thú nhận :- Tôi cũng chỉ còn gần một năm nữa là về hưu, cũng mong kiếm chác chút đỉnh, còn cậu vào được đây -tuy là họ hàng, dây mơ rễ má, nhưng tôi biết cũng không thể “tay không bắt giặc” như thời của tôi được, sơ sơ cũng dính vài trăm triệu.

– Vâng, tay cán bộ trẻ xác nhận: -Thời thủ trưởng tuy thế còn võ vẽ tiếng Nôm, tiếng Hán, chứ thời của bọn em – lớp 3 trường làng, cô giáo chết nửa chừng thì ngoài tiền kê ghế ra còn cần vài chục triệu để mua bằng giả đấy ạ.

– Ấy. “Bố già” gạt đi: – Cứ dốt đặc cán mai, dốt dài cán thuổng như cậu lại hay đấy, tha hồ bắt bẻ, hù dọa, lý sự cùn, chứ cứ …sáng lỏng như tôi ấy à, bố bảo cũng không dám phán “tử vong” không phải là “đã chết”…hà hà …

Sacto 13-1-2023

T.K.T.T

(Viết theo lời kể của anh Trần Trung Nguyên ở Đồng Tháp)

No comments:

Post a Comment