Thursday, March 9, 2023

BÊN CHA NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG

-- Lê Quỳnh Hương-

24/2/2023, mồng 5/2 năm Quý Mão, Cha thương của chúng mình ra đi ở tuổi 86.

Cha đã trải qua một năm không dễ dàng. Một 'con Cọp' sinh ngày 7/7/1938, đã trải qua bảy lần ‘năm tuổi’, đến lần thứ bảy, Nhâm Dần 2022- ở tuổi 84, ông trở bệnh nặng. 12 căn bệnh nền cùng sự suy yếu tự nhiên của tuổi già khiến ông mỗi ngày một tàn phai. Từ một lão ông ngày ngày đi bộ trong công viên trước nhà, vô cùng hứng thú với sự đọc, thích nghe con cái kể chuyện và làm quân sư cho chúng, dần dần chỉ quanh quẩn trong gian phòng ông ở lầu ba nhà mình, con cái kể gì nhiều, ông không thể nghe được nữa.

Rồi ông khó thể tự lo cho bản thân. Chúng mình tìm người chăm sóc đặc biệt cho ông. Trải qua vài người gắn bó được kha khá thời gian, rồi cũng ra đi, số lượng 'đến rồi đi' ngày càng nhiều. Đến mức mấy chị em suýt rơi vào khủng hoảng vì áp lực đi tìm người chăm ông. Ông trở nên khó tính, khó chiều, có những yêu cầu khá kỳ quái, hoặc không giữ lời hứa với chính con cái. Đó là những ngày trước và sau Tết năm nay.

Điều gì đang xảy ra vậy? Chẳng lẽ, Vũ trụ biết tụi mình thương Cha đến độ nào, nên đang làm ông trở tính… khó thương, để Cha ra đi mà không bị con cái vướng víu? Chắc không phải đâu, lẽ nào…! Hoặc giả, nếu chỉ là tín hiệu, sự biến chuyển tính tình rất kỳ lạ đang báo điều gì?

Và trên hết, tụi mình cảm thấy khá khổ sở. Hơn một năm qua, mình thấm thía kỳ lạ với Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, ngấm giá trị của “Tâm không vướng mắc, thì không có sợ hãi”...

Tuy nhiên, có thứ thử thách ta có thể đối mặt một cách bình thản nếu nó diễn ra cho chính mình. Vẫn còn đó ‘gót chân Asin’, là chỗ yếu khó thể mạnh mẽ đối phó. Cha có lẽ là dạng ‘gót chân Asin’ của chúng mình. Sự biến chuyển tâm tính gây khó khăn rất nhiều cho những người thân, và vô cùng khó để người chăm sóc chịu ở lại!

Có lần, 1 học viên ở cấp độ 2 hỏi: "Vì sao người già lại đổi tính, hả cô?" Chăm sóc người già tại viện dưỡng lão ở Mỹ, em ấy quan sát thấy, đại đa số người già tánh tình rất kỳ quái, khó chịu khó chiều, có một số tính xấu mà em không thể lý giải nổi! Và khi đích thân cha mình trở tính, mình mới hiểu... câu hỏi, nhưng vẫn không tìm được câu trả lời.

Và, trong buổi chia sẻ về nguyên lý ‘Trở về Nhà qua Bát Nhã Tâm Kinh’ ở lớp cấp độ 6, tại Pù Luông, mình chia sẻ trải nghiệm của chính bản thân. Rằng: cảm thì đã cảm, hiểu lý thì đã hiểu, nhưng khi đối diện cụ thể, đặc biệt là ‘điểm yếu’ như với cha mẹ, thì chúng ta chưa thể áp dụng được ‘quán chiếu tất cả đều là giả tạm, tâm không vướng mắc, dẫn đến không sợ hãi’. Mình thú thật rằng, quan sát tâm, vẫn thấy mình đang rất khổ sở vì trường hợp của cha trong thời điểm hiện tại.

Rồi gần chục học viên chia sẻ chuyện gia đình. Mới phát hiện ra, việc trở tính ở người già hoàn toàn phổ biến, là một dạng ‘khổ khó nói thành lời’ mà không ai dám nói ra, vì sợ “vạch áo cho người xem lưng”, hoặc tệ hơn, là ‘bất hiếu’… Một học viên nói, xin các cô đừng buồn giận ông bà, có thể ông bà đang chịu tác động của bệnh Alzheimer, chứng bệnh ‘khủng khiếp’.

Và mình mới ngỡ ngàng nhận ra, trước giờ tưởng bệnh Alzheimer chỉ làm cho người cao tuổi suy giảm trí nhớ, không ngờ lại có thêm những triệu chứng khác.

Do thần kinh não bộ bị suy giảm từng vùng, các chức năng hoạt động có thể trở nên tê liệt, dẫn đến việc người bệnh không còn làm chủ hành vi của họ được nữa. Cho nên, sự khủng khiếp ẩn tàng của căn bệnh này làm người già trở nết, gây ức chế hay bức xúc nơi con cháu. Và quan trọng hơn, căn bệnh này không có thuốc chữa, chỉ có thể hiểu biết để thương cảm họ mà thôi…

Trở về nhà sau khoá giảng ở Pù Luông, kể lại nhận thức mới này cho cả nhà biết; và mọi người bắt đầu nhìn cha bằng cái nhìn chấp nhận, hiểu và thương hơn… Thật là kỳ lạ, một khi con cái đã nhìn được bản chất vấn đề, thì cha lại đột ngột trở khác, hoàn toàn chẳng còn vết tích của một thời khó tính trước đây, như thể phiên bản ấy chưa từng tồn tại, chỉ là một giấc mộng thôi.

Chưa kịp mừng, thì sức khõe ông đột ngột sa sút một nấc nữa. Chúng mình chuyển sang bài thi mới: cùng ông chiến đấu dài ngày trong phòng Chăm sóc đặc biệt (ICU) của bệnh viện...

Những ngày quan sát cha chống chọi với sự phát tác bệnh đến thời kỳ ‘tổng nổi dậy’, mình thấy rõ: cho dẫu đội ngũ bác sĩ vô cùng tận tâm và đầy trách nhiệm, ‘muốn chửa lành’ cho ông là việc viển vông. Ở tuổi 85, với lịch sử bệnh dày như vậy, điều duy nhất là tìm ra phương thức để ông có thể duy trì sự an lạc và ít đau đớn thể xác. Tấm thân ông có lẽ không còn đủ sức để chịu tác động mạnh và trực diện từ thuốc Tây như trước. Mình nghĩ tới việc chuyển cha sang cầm cự bằng Đông y, miễn sao ông không cảm thấy đau đớn là được; tuổi 85 coi như rất thọ rồi, ông phải đi ngày nào thì tụi mình hoan hỉ chấp nhận ngày đó.

Liên lạc với vị bác sĩ đầu ngành Đông y tại TP.HCM, mình thực sự bất ngờ khi anh cho biết, không có loại thuốc nào lý tưởng làm được điều mình mong mỏi, ở giai đoạn này của cha. Thay vào đó, anh kể chuyện gia đình anh, để chúng mình suy ngẫm thêm.

Trước Tết, anh vừa tiễn biệt mẹ vợ. Bà đã 94 tuổi rồi, và là Phật tử tu tập lâu năm. Khi bệnh nặng, bà ‘ra chỉ thị’: không đưa bà vào bệnh viện hay ICU, không gắn ống thở oxy… gì hết. Nếu con cháu thực sự có hiếu thì hãy về tề tựu đông đủ quanh bà; lúc bà mệt nặng, chỉ cần đọc kinh và niệm Phật hộ niệm cho bà thôi. Bản thân bà cũng tự niệm Phật, nhưng bà biết lúc sức yếu, bà sẽ cần tâm lực hộ niệm với sự thành tâm từ con cháu.

Vị bác sĩ bảo: "Anh đã trải nghiệm tận mắt sự ra đi đẹp vi diệu, em ơi. Đến nỗi anh bảo các con, sau này ba cũng muốn sẽ được như bà vậy".

Nhưng anh nói thêm, do ‘chính chủ’ ra chỉ thị, con cháu mới dám làm theo ý nguyện, chứ đại đa số nỡ nào thấy cha mẹ khó thở, sa sút sức khoẻ, mà đành lòng không đưa vào cấp cứu! Mà trở nặng, làm sao bệnh viện không đưa vào ICU, dẫu biết rằng đó là kéo dài hành trình thống khổ và đau đớn, với hàng loạt ống dẫn cắm vào mũi, vào miệng, hàng chục kim tiêm truyền gắn khắp tứ chi, có khi còn chích thuốc an thần dài hạn để giảm đau và dễ hơn cho việc điều trị… Và nghiêm trọng hơn, dù biết chắc không có khả năng phục hồi, liệu con cháu nào đủ dũng khí ngắt máy trợ thở, rút ống dẫn khí để cha mẹ ra đi?

Mình hỏi, vậy chẳng lẽ đành lòng cam chịu thúc thủ sao anh? Bác sĩ trầm ngâm rồi đáp: Em là người học Phật, hiểu đạo, chắc chắn sẽ tìm ra cách thức gì đó để cha em hoặc khoẻ lại, hoặc ra đi một cách nhẹ nhàng...

No comments:

Post a Comment