Sunday, January 29, 2023

Nơi tôi về -- Phần 2

Tiểu chủng viện thừa sai Kontum, vẻ hài hòa của lối kiến trúc Pháp và nhà Rông cao nguyên, hiện là nơi du khách đến thăm nhiều nhất. Khởi công năm 1935. Hoàn thành năm 1938. Tòa nhà được dựng lên bằng gỗ Chít, cộng với đất và rơm. Mối mọt không ăn được.

Bốn người chúng tôi ở lại Kontum và Pleiku một thời gian khá dài, không khí miền cao nguyên dầu sao cũng trong lành và mát mẻ hơn ở Sài Gòn. Chúng tôi đi thăm lại những nơi trong thời niên thiếu đã đi qua, viếng đền Đức Mẹ Măng Đen phía Bắc Kontum với bức tượng Mẹ bị cụt cả hai bàn tay do chiến tranh. Chúng tôi trở về mái trường xưa, chủng viện thừa sai Kontum và ở lại nơi này 4 ngày, nhìn lại ngôi nhà nguyện nhỏ bé, từng lớp học thân thương, căn phòng ngủ ngày xưa chúng tôi trùm mền, lén thày giám thị, lấy đậu phộng và khoai lang deo ra ăn. Nhìn lại chốn xưa mà lòng dâng lên biết bao cảm xúc buồn vui thời học trò.

Pleiku bây giờ không còn là thành phố sương mù, không thể nào hình dung ra một thành phố “đi dăm phút trở về chốn cũ”. Em Pleiku giờ đã hết “má đỏ môi hồng” vì xe cộ chật kín, phun khói đầy trời; nữ sinh không còn e ấp tà áo dài trắng ngày xưa bước chân sáo tung tăng đến trường. Ngôi nhà thờ “Quân Đội” to lớn trang nghiêm ngày xưa, giờ tràn ngập những thiếu niên khăn quàng đỏ, cứ mỗi chiều tối, họp nhau hô to khẩu hiệu vang trời. Chính quyền chiếm lấy nơi thờ phượng làm cung văn hóa thiếu nhi tỉnh Gia Lai.

Người ở đâu về đông quá. Phố xá chen chúc, xe cộ tấp nập. Người ngoài Bắc di cư vào Nam ào ạt với lượng người còn đông hơn dân Bắc đi tàu há mồm vào Nam năm 1954; lạ một điều là không có di dân theo chiều ngược lại từ Nam ra Bắc, nơi khai sinh ra chủ nghĩa cộng sản được rêu rao là cái nôi giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ thực dân và cũng là nơi đem lại tự do hạnh phúc đầu tiên cho miền Bắc.

Một buổi tối, chúng tôi dạo phố thăm Chợ Mới, ngôi chợ lớn nhất của Pleiku. Tôi muốn nhìn lại nơi chốn mà năm 1988 tôi đã từng ăn, ngủ hằng đêm, chờ xe cá ở Quy Nhơn lên để khuân vác và cân cá thuê cho chủ vựa. Cố tìm kiếm mà cũng không thể nào nhận ra đâu là cái sạp cá ngày xưa mình từng ở. Đứng thẫn thờ, ngó quanh. Những thước phim dĩ vãng quay về.

Ngày đó, vợ chồng ông bà chủ vựa cá nhận cho tôi giúp việc và cho tôi ngủ lại trong một cái sạp bằng gỗ khoảng 10 mét vuông, cửa và vách là những miếng ván dài được ghép vào với nhau trượt trong những cái khe, dựng đứng lên. Ông bà chủ đã gởi gắm tôi cho ông nhân viên an ninh đi tuần chợ ban đêm nên tôi không lo bị công an hốt về đồn. Đêm về, những cơn gió lạnh miền cao nguyên xuyên qua khe hở, thổi se sắt qua vách ván, tôi nằm co ro bên trong, điếu thuốc cháy đỏ trên môi, ngẫm nghĩ sự đời dâu biển mà thương cho số phận hẩm hiu của mình.

Đêm nào cũng vậy, khoảng 2 hay 3 giờ sáng, bạn hàng từ Quy Nhơn lên, đập rầm rầm vào vách ván kêu tôi thức dậy cân cá. Trời rét căm căm, tôi miễn cưỡng chui ra khỏi tấm mền ấm áp. Chiếc áo len lúc nào cũng trên người, kể cả lúc đi ngủ, tôi chỉ cần xỏ chân vào đôi dày bốt cao cổ, găng tay cao su màu vàng, và cái áo mưa khoác lên người, vội vàng lao ra chiếc xe ba-lua (poids-lourd) để vác những cần xé cá trên vai chạy thật nhanh về sạp cá, trong khi nước đá tan chảy, nhỏ ròng ròng trên cổ, trên vai, ướt hết bên ngoài áo mưa.

Cần xé cá ướp đá càng làm tăng cái lạnh nửa đêm về sáng của Pleiku, tôi cố tập quen dần tuy răng vẫn đánh bò cạp, hai hàm răng lập cập va vào nhau nghe lách cách. Cái khổ nhất của nghề cân cá không phải là dậy sớm, lạnh run, khuân vác cực khổ mà là những cái gai ngạnh cá đâm vào đầu ngón tay. Những ngón tay tê cóng khi bới đá bào ra để bốc cá chuyển qua cần xé của mình, dù cẩn thận đến thế nào, những gai ngạnh của cá cũng xóc vào đầu ngón tay nhức tới óc. Không lúc nào tôi thấm thía hai chữ “tê tái” như lúc đó. Ngón tay đau buốt “tê” cóng, mặt “tái” nhợt đi vì lạnh.

Dưới ánh đèn lù mù của bóng đèn điện, tôi và anh phu khuân vác bên bà chủ xe cá, xỏ cái đòn vào cái móc cân, cả hai nhấc cần xé cá lên cân để bà chủ kéo trái cân. Bà chủ cá và tôi cùng ghi chép vô cuốn sổ riêng của mình số lượng và trọng lượng của mỗi cần xé, để khi xong sẽ so sánh với nhau. Chúng tôi phải làm thật nhanh, không được nghỉ ngơi vì bà chủ xe cá còn phải giao cho các vựa cá khác.

Tiếng kêu của bạn kéo tôi trở về thực tại. Chúng tôi đi ra khỏi Chợ Mới đến ngã tư khu phố lớn Hoàng Diệu và Võ Tánh, ngày nay họ đặt tên mới là Hùng Vương và Hoàng Văn Thụ. Nhà tôi nằm gần ngã tư này, đối diện kho gạo Trần Tỷ là kho gạo lớn nhất miền cao nguyên ngày đó. Tôi cố hình dung ra ngôi nhà ngày xưa của mình ở đâu, phải mất nhiều lần đi qua lại, tôi mới nhận ra vì người chủ mới đã xây nó lên thành nhà lầu ba tầng. Một nỗi buồn sâu đậm len vào hồn khiến tôi thẫn thờ mất một lúc.

Chúng tôi ở lại Pleiku thêm hai ngày rồi thuê một tài xế và một chiếc xe Toyota Innova 7 chỗ, tiếp tục hành trình trên quốc lộ 19, sẵn ghé thăm hai người bạn học ngày xưa. N. K. An làm nghề xay lúa gạo và Bok N. Đ.Trường, hiện là linh mục quản nhiệm giáo xứ Ayunpa ở Phú Bổn.

Thị trấn Phú Bổn ngày xưa được nhiều người biết đến trong cuộc di tản ngày 14 tháng 3 năm 1975 từ quân đoàn II. Đoàn người di tản từ Pleiku trên quốc lộ 19 hướng về Nha Trang, đến đoạn Phú Bổn thì không đi được nữa vì quân lính cộng sản miền Bắc chặn ngang. Cả đoàn mấy chục ngàn người dân vô tội, đói ăn, mệt mỏi, lê thê lếch thếch, phải dừng lại giữa đường, cuối cùng phải cắt rừng mà đi qua con tử lộ 7B oan nghiệt, xác chết chồng lên nhau do quân lính phía Bắc bắn giết bừa bãi thường dân và cũng do chết đói, chết khát. Khi ấy, tôi chỉ là một thiếu niên di tản trong đoàn người Exodus khốn khổ đó. Những điều tôi đã trải qua và trông thấy trên đoạn đường này 47 năm trước, vẫn còn hằn lại trong tâm khảm tôi nỗi ám ảnh cho đến hết cuộc đời mình.

Con đường đi Phú Bổn vẫn còn xấu, nhiều đoạn đầy ổ gà, ổ voi, có đoạn đang sửa chữa nhưng không hề có bảng cảnh báo nguy hiểm. Anh tài xế cho hay nhiều người dân chạy xe máy ban đêm đã lọt hố chết trên đoạn đường này mà chẳng ai chịu trách nhiệm. Mấy nhà thầu thích đào đường lên rồi bỏ đó như một kiểu ăn vạ, mặc cho dân than phiền cho đến khi chính quyền địa phương chịu không nổi vì dân chửi, phải kêu nhà thầu tới sửa chữa thì họ mới có tiền.

Bây giờ trong nước lạ lắm, món ăn gì cũng đều được tôn lên hàng “đặc sản”, nghe rất kêu nhưng thật ra chẳng có gì là đặc biệt. Bok Trường hỏi chúng tôi có muốn thử món “bò một nắng” chấm với “muối kiến vàng” mà dân ở đây gọi là đặc sản của Phú Bổn. Nghe nói thịt bò, thịt heo sống mà phơi một nắng, nướng lên chấm với muối kiến vàng; chúng tôi không ai dám ăn, nhưng chúng tôi vẫn liều nếm thử đặc sản muối kiến vàng vì tự biết bụng dạ mình không quen, lỡ giữa chiến trường “thọ tiễn” của Tào Tháo, bị ngài rượt sát đít thì biết chạy đi đâu.

Việt Nam bây giờ tràn lan hàng giả, son phấn dầu thơm giả, que thử covid-test giả, thậm chí cơm chúng ta đang ăn cũng giả; một hôm chúng tôi đưa mắt dõi theo một bóng hồng nhún nhẩy đi qua với những đường cong tuyệt mỹ đong đưa lên xuống, tôi chợt khám phá ra một “bộ phận” không ít phụ nữ trong nước bây giờ cũng xài đồ giả … nói theo văn chương trong nước, đây chỉ là có tính cách “cục bộ”, nghĩa là chỉ có “một bộ phận” ngườì đàn bà vẫn thích xài hàng giả thôi. May mắn thay, tôi cũng được an ủi khi biết rằng đồ giả vẫn có thể là “đồ tốt” và rất có ích cho con người khi nhìn bác tài xế tháo hàm răng giả ra cọ rửa sau bữa ăn, vừa đánh răng vừa huýt sáo véo von, thế mới tài!

Muối kiến vàng. Góc trái phía trên, thấy rõ đầu con kiến Vống trên cây Xoài. Loại muối này dùng để chấm với thịt bò/heo phơi một nắng. Đặc sản của Phú Bổn.

Khi bàn về kinh tế của một đất nước, người ta thường trích dẫn cuộc sống người dân, công ăn, việc làm, nhà cửa, và phương tiện công cộng người dân có thể sử dụng hằng ngày. Cái đập vào mắt chúng tôi nhiều nhất là nhà cửa, phố xá mà trong nước gọi là bất động sản. Trong nước hiện nay có hai thế lực bất động sản mạnh nhất được bảo kê bởi nhà nước là Sun Group của ông Lê Viết Lam và Vin Group của ông Phạm Nhật Vượng. Cả hai ông nhà giàu mới nổi này đều người ngoài Bắc từng đi lao động hợp tác, sống và làm ăn ở Ukraine trở về. Họ ngầm đồng ý chia nhau mỗi người hùng cứ một phương, không dẵm chân lên nhau.

Ai đã từng về Việt Nam mà không biết hay không từng đi chơi khu công viên (theme park) Bà Nà Hills ở thành phố Đà Nẵng của tập đoàn Sun Group, hệ thống cáp treo, các địa điểm vui chơi ở đây, tất cả đều do họ xây dựng lên nhái theo phong cách Châu Âu. Đa số khách đến thăm Bà nà Hills là người châu Á từ các nước láng giềng của Việt Nam và người Việt trong nước, họ thích thú ngắm nhìn những tòa lâu đài “made-in-Vietnam” rẻ tiền, vì du lịch tại chỗ tốn ít tiền hơn nhiều so với đi ra nước ngoài.

Từ Phú Quốc cho đến Quảng Ninh, ngoài Bắc và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, nhiều dãy nhà trải dài cả 2,3 cây số, được xây cất rất đẹp, theo phong cách Châu Âu, 3, 4 tầng lầu ngay trên những đường phố chính được trải nhựa mới tinh, mà chẳng thấy có người ở hay chứng tỏ đã có người mua. Mỗi căn được rao bán từ 20 tỷ cho đến 40 tỷ đồng Việt Nam ($800,000 - $1,6 millions). Khu The Grand World ở Phú Quốc thuộc tập đoàn Vin Group, rộng 85 mẫu đất, toàn những căn nhà nguy nga với giá 40 tỷ đồng một căn. Nếu chụp hình đưa lên mạng, nói đây là một thành phố châu Âu, ai cũng phải tin.

Ngoại trừ con đường chính trong The Grand World là có người ở và tấp nập người qua lại, phía trong, dân cư rất thưa thớt, lèo tèo vài nhà có người đang sống thì có đèn điện, các nhà khác tối om, không ai ở. Họ chỉ cho phép xe điện là phương tiện di chuyển duy nhất trong đây. Một cái hồ nhân tạo khá lớn ở khu trung tâm, điện sáng trưng, bao quanh là nhà dân và cũng là tiệm buôn bán và nhà hàng, vài đêm một tuần, có màn trình diễn một “show” 45 phút gọi là The Color of Venice để phô trương cái phồn hoa giả tạo.

Đây là màn múa của các vũ công Việt Nam, được sự hỗ trợ của ánh sáng, âm thanh, và các vòi phun nước giống như ở sòng bài Las Vegas. Tôi thất vọng vì họ nhảy múa quá dở, vũ công ăn mặc theo kiểu phương Tây, nhưng trình diễn rất vụng về. Ánh sáng không nhịp nhàng với vũ điệu, âm thanh quá ồn ào. Tôi chỉ cầu mong cho nó kết thúc sớm để tôi khỏi bị tra tấn cái lỗ tai. Tôi tự hỏi ai là người dám bỏ ra 1 triệu 6 đô la ($1.6 millions) chỉ để sống trong khu “sang trọng” không có 1 chút gì Việt Nam, và để mỗi đêm bị tra tấn bởi âm thanh nhức óc như thế này.

Tôi cho rằng những cán bộ điều hành nhà nước và các kỹ sư xây dựng đô thị người Việt Nam hiện nay đều tốt nghiệp từ những trường đại học “KINH-THẾ” ở trong nước mới có thể nghĩ ra kiểu làm kinh tế như vậy. Tôi chắc họ đi theo mô hình của công ty địa ốc vừa sập tiêm Evergrande bên nước Tàu. Quan chức bắt tay với tài phiệt thân hữu, xoay đất ruộng rẻ mạt, thành đất vàng đô thị, để các tập đoàn “mafia” này xây nhà bán theo phương châm “có làm mới có ăn”. Quan chức có thực hiện công trình thì mới có lại quả, được chia phần trăm.

Cách điều hành đất nước và làm kinh tế của Việt Nam hiện nay đều bắt chước theo cách quản lý của nước đàn anh Tàu. Trung ương ra nghị quyết, chỉ thị, địa phương phải thi hành sao cho đạt chỉ tiêu là tệ nhất, còn thường là vượt chỉ tiêu theo phép thần thông biến hóa của từng viên bí thư địa phương.

Hiện nay, Tàu là nước có hệ thống xe lửa tốc hành (Bullet- trains) lớn và dài nhất, các khu đô thị, thương xá cũng to lớn và đẹp nhất thế giới mà không ai biết là số nợ xấu mượn nhà bank đã vượt quá mức cho phép nên Trung Cộng chịu không nổi, phải dừng lại chương trình con đường Tơ Lụa từ Á sang Âu. Ai từng đi du lịch Trung cộng đều biết có những khu đô thị ma không có người ở.

Một ví dụ điển hình là đoạn đường sắt Metro Hà Nội, tuyến đường Cát Linh – Hà Đông, được xây dựng bởi nhà thầu Trung cộng, dài 13.1 Km, gồm 12 trạm, tốc độ tối đa 80 Km/giờ. Chi phí hoàn thành cao gấp 3,4 lần dự tính, có thể nói mắc nhất trên thế giới, theo Báo Điện Tử đảng cộng sản Việt Nam đưa tin. Họ dự đoán khoảng 4.9 triệu khách trong một tháng, nhưng chỉ chưa đến 800.000 khách xử dụng tàu điện vì tò mò. Dân Việt Nam chỉ thích đi xe gắn máy riêng chứ không thích metro vì bất tiện.

Chúng tôi đến tận nơi và leo lên đi thử. Con tàu rất tầm thường không có gì đặc biệt, hành khách thưa thớt nhưng vẫn phải hoạt động dù bị lỗ nặng nề, lại một kiểu cách có làm mới có ăn, cha ông mình vẫn dạy như thế. Tôi hỏi một cặp vợ chồng trẻ đi với đứa con trai, lý do gì anh thích đi tàu điện này. Anh cho biết đứa con trai mê đi tàu điện có máy lạnh mát mẻ mà lại vui được gặp bạn bè, thay vì ở nhà chật chội và nóng nực, giá tàu lại rẻ mạt.

Sau đó, cậu hướng dẫn viên du lịch đưa chúng tôi đến Phở Thìn nổi tiếng ở phố Cổ Hà Nội. Cậu khoe đây là một trong hai tiệm phở nổi tiếng nhất ở đây, tiệm kia là Phở Lý Quốc Sư. Đây là 1 tiệm phở tồi tàn nằm ngay trong con hẻm chật chội, họ dẫn chúng tôi ngồi vào một cái bàn có mấy cái ghế gỗ nhỏ xíu. Sau khi gọi món phở, tôi đứng dậy kiếm nhà vệ sinh. Họ chỉ sâu vô phía trong hẻm cách đó chừng 10 thước. Vừa bước vào một cái vách ngăn không có cửa là một cảnh tượng tôi không thể nào quên. Phải diễn tả là một bàn cầu ngập ngụa phân và mùi xú uế xông lên ngạt thở. Tôi quay ngoắt ra ngay lập tức, ráng nhịn, trở lại nhìn tô phở, tôi không thể nào ăn nổi vì hình ảnh vừa nhìn thấy. Ôi thủ đô ngàn năm văn vật của Việt Nam.

Dọc đường đi miền Trung, chúng tôi đáp tàu lửa toa giường nằm vì nó chạy dọc theo bờ biển ra tới Hội an, Đà Nẵng. Tuy chậm nhưng chúng tôi có thể ngắm phong cảnh và quan sát đời sống người dân rõ ràng hơn. Đa số những làng mạc và thị trấn đi qua, nhà cửa bình thường, chỉ lác đác vài căn nhà lầu vươn lên cao coi rất lạc điệu, nhưng mấy cái cổng chào thì được xây to lớn không cần thiết, người trong nước gọi là “hoành tráng”. Trên cổng chào lúc nào cũng có hàng chữ đỏ to tướng “độc lập-tự do-hạnh phúc” mà tính tôi lại thật thà như đếm nên diễn dịch ra là độc lập trừ (-) tự do và trừ (-) hạnh phúc vì trước các chữ tự do và hạnh phúc có hai cái dấu trừ (-) lừng lững trước mắt.

Tàu lửa đi ngang qua sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, tỉnh Quảng Trị. Cây cầu lịch sử chia đôi Nam Bắc vẫn còn đó, không còn xử dụng, coi như là một chứng tích của cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Trước năm 1975, tôi còn nhỏ, chưa đi lính, nên không hình dung được sự căng thẳng ở đây ra sao. Bây giờ bên phía Bắc cây cầu, họ dựng lên một cổng chào và một bảo tàng viện, một cái đài cao lớn nhiều bậc cấp với hàng chữ “cột cờ giới tuyến” và lá cờ đỏ búa liềm bay phất phới, còn phía Nam, đìu hiu, không có gì.

Chúng tôi về Việt Nam vào lúc dịch bệnh đang hoành hành bên Trung cộng nên các địa điểm du lịch không bị tràn ngập du khách Tàu, nghe nói họ không được lịch sự cho lắm, mà lại xả rác bừa bãi. Trung cộng vừa mở cửa từ ngày 8 tháng 1-2023, cho dân Tàu đi tự do vì chính sách Zero-Covid của họ thất bại não nề. Người dân như những con chim bị nhốt trong lồng, giờ bung ra đi khắp nơi trên đất nước Việt Nam và thế giới. Không biết họ sẽ còn gieo rắc con Covid này đến nơi nào trên quả địa cầu này.

– Nguyễn Văn Tới

Phụ lục hình ảnh:
 
Tàu metro Cát Linh-Hà Đông vắng khách.
 
 Hồ nước nhân tạo với màn trình diễn nhạt nhẽo The color of Venice, Phú Quốc.
Khu phố chính The Grand World, Phú Quốc. Một căn nhà trị giá 40 tỷ đồng VN.

No comments:

Post a Comment