Friday, January 6, 2023

ĐỂ TƯỞNG NHỚ MỘT VÌ SAO

Tối hôm đó như lệ thường, sau khi đọc một số điện thư, viết vài thư cần thiết, tôi vào tờ báo mạng quen thuộc để đọc tin tức, và một số bài viết thường xuyên trên báo. Sau khi lướt qua các mục tin tức thế giới, Hoa kỳ … thấy không có gì khác lạ, tương tự như những tin tức trong một tờ báo Mỹ địa phương mà tôi đã đọc hồi sáng, tôi vội tìm sang phần tin Cộng đồng xem có gì đặc biệt. Bỗng một hàng tin đập vào mắt khiến tôi không khỏi sửng sốt, bàng hoàng: Nghệ sĩ Quỳnh Giao qua đời, hưởng thọ 68 tuổi. Mở tin ra đọc, tôi mới biết là thời gian qua chị bị lâm trọng bệnh và mới qua đời buổi sáng ngày hôm đó. Đã khá lâu không thấy bài của chị đăng trên báo, tôi cứ tưởng là chị bị bận một số công việc nên không có thì giờ để viết bài. Nào ngờ…

Thú thật, tôi không phải là một trong những người mến chuộng giọng hát của chị. Đó là giọng ca truyền cảm, rất sang cả, quí phái. Giọng hát của chị cũng như các bản nhạc chị trình bày rất kén chọn người nghe mà tôi lại không phải trong thành phần được kén chọn đó. Với tôi, tiếng hát của Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác, Sĩ Phú …lúc xưa và Ngọc Lan, Quang Dũng…. sau này với các bản tình ca của Trịnh công Sơn, Vũ thành An, Ngô Thụy Miên… vẫn là những tiếng hát thấm đẫm vào tâm hồn của tôi hơn. Tuy nhiên tôi mến mộ chị ở lĩnh vực khác. Cách nay khoảng mười năm, tình cờ một hôm khi đọc báo Người Việt, tôi thấy có một bài viết về một đề tài văn học , tác giả ký tên là Quỳnh Giao. Tò mò tôi mở ra đọc thử. Bài viết khá công phu, tác giả có một kiến thức về văn học Việt Nam khá uyên bác, thâm sâu. Khi đó tôi thắc mắc trong lòng: Quỳnh Giao có phải là nữ ca sĩ Quỳnh Giao? Vì theo sự hiểu biết hạn hẹp của tôi thì từ trước đến giờ người nữ ca sĩ này có bao giờ viết lách gì. Rồi tôi tiếp tục đọc tiếp thêm mấy bài viết sau đó. Những bài này thì tác giả viết về đề tài âm nhạc. Khi đó thì tôi khẳng định tác giả Quỳnh Giao chính là ca sĩ Quỳnh Giao. Thế rồi từ đó tôi thường xuyên đọc các bài viết của chị .

Bằng bút pháp điêu luyện, trong sáng, nhẹ nhàng với những nhận xét hết sức tinh tế và mẫn cảm, tác giả đã mở cánh cửa cho chúng ta cảm thấu cái hay, cái độc đáo của các ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng một thời ở miền Nam tự do thân yêu. Những bài viết theo cảm nghĩ của tôi, được viết từ sự xúc cảm chân thành, bởi sự rung động của con tim trước cái đẹp của nghệ thuật âm nhạc, nên rất sống động, hấp dẫn người đọc, chứ không phải như một bài biên khảo khô khan, nặng nề. Qua những cảm nhận của tác giả cho chúng ta thấy, tác giả nghe nhạc không chỉ bằng đôi tai thẩm âm lão luyện của mình mà còn hoà nhập con tim của mình vào tiếng hát và bài nhạc. Cũng chính nhờ những bài viết này mà một kẻ dốt đặc về âm nhạc như tôi đã hiểu biết được đôi chút về lĩnh vực này. Trước đây khi nghe ca sĩ trình bày một bản nhạc mà mình ưa thích, tôi thấy hay nhưng không biết giải thích hay ở chỗ nào. Bây giờ nhờ tác giả mà cánh cửa vô minh của tôi đã phần nào được khai mở. Đối với tôi đó là một vui sướng, một hạnh phúc thật tuyệt vời.

Hãy đọc một đoạn chị viết về nữ ca sĩ Thái Thanh:

Thái Thanh có sự bén nhạy thiên phú để hát mạch lạc từng câu từng chữ, với âm sắc hoàn toàn Việt Nam. Cái “hồn Việt” chúng ta nói đến trong tiếng hát của bà được bắt gặp trước tiên ở cách hát cho rõ lời. Cũng vì vậy, đòi Thái Thanh hát nhạc ngoại quốc là chưa bắt được cái “thần” của bà. Thái Thanh là người hoàn toàn Việt Nam từ cốt tủy. Và hát hay nhất các ca khúc về mẹ. “Bà mẹ Gio Linh” của Phạm Duy không thể nào sống mãi trong chúng ta, dù chiến tranh đã tàn, nếu không có cách diễn tả của Thái Thanh, “Giọt mưa trên lá” cũng thế. “Tình ca” cũng vậy. Ngay trong tiếng nức nở về tình yêu và chinh chiến, từ “Buồn tàn thu” xa xưa đến “Kỷ vật cho em” hay “Bài hương ca vô tận” về sau, Thái Thanh vẫn làm chúng ta rùng mình không vì nỗi lòng thiếu nữ mà là tâm tư của thiếu phụ…

Hay về nhạc sĩ Phạm đình Chương :” …..Phạm Ðình Chương không đi theo đám đông mà tự tạo một thế giới âm thanh riêng, ông không viết cho thị hiếu quần chúng hay trào lưu của xã hội. Ông mở ra trào lưu riêng. Phạm Ðình Chương chỉ biết buồn và viết nhạc buồn khi viết về tình yêu.

Ngoài Quang Dũng với các thính giả miền Nam, nhiều thi sĩ thực ra có món nợ với Phạm Ðình Chương khi ông phả thơ của họ vào cõi nhạc để đọng mãi trong hồn người. Nhiều người yêu nhạc đã tìm đến thơ cũng nhờ thanh âm Phạm Ðình Chương. Ông nắm lấy cái hồn của bài thơ và vẽ ra một không gian khác, một tâm tư khác, bằng nhạc. Phải chăng vì những bằng hữu chí thiết nhất của ông là những nhà thơ, nhà văn, những người cầm bút?...

Hoặc Anh Ngọc, Sĩ Phú: ”Quỳnh Giao sở dĩ gọi giọng hát của danh ca Anh Ngọc là trượng phu vì chất sang sảng, chắc nịch, đầy nam tính. Khi hợp ca, giọng Anh Ngọc bao trùm lên các giọng khác…”

Lạ một điều là giọng hát Sĩ Phú tương phản với vóc dáng của ông. Giọng Sĩ Phú nhẹ lắm, hát gần như thủ thỉ. Cái lối thủ thỉ ấy thật tuyệt khi hát những bài có nội dung kể chuyện, nhất là kể chuyện tình. Các ca khúc "Cô Láng Giềng" của Hoàng Quý, "Cô Hàng Cà Phê" của Canh Thân, được ông kể bằng giọng nhỏ nhẹ, nghe như vừa đủ bên tai một câu chuyện thật ra chẳng có gì đặc sắc, mà sao lại rất quyến rũ….”

Phải có một kiến thức thật sâu sắc, một tấm lòng vô cùng trân quí âm nhạc, tác giả mới có được những nhận xét hết sức tinh tế và sắc sảo như thế.

Chị không những chỉ viết về các ca sĩ, nhạc sĩ Việt Nam, mà chị còn viết thêm về những danh tài lẫy lừng quốc tế nữa. Ngoài ra chị còn bước sang lĩnh vực thời trang với những bài viết về nước hoa, ví xách, quần áo… Bài viết của chị ở địa hạt nào cũng đều rất thú vị , hấp dẫn người đọc. Những kiến thức và tài năng chị có được có lẽ nhiều phần là từ thuở bé chị đã được nuôi dưỡng trong cái nôi văn học và âm nhạc Việt Nam thời bấy giờ. Thân mẫu chị là nữ ca sĩ một thời vang bóng Minh Trang và người cha kế là nhạc sĩ tài danh Dương thiệu Tước. Giòng máu nghệ thuật đã chảy trong huyết quản của chị từ tấm bé, cho nên không những chỉ có giọng ca điêu luyện, chị còn là một dương cầm thủ tài ba, đậu thủ khoa khi tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc. Cách nay ít năm những bài viết của chị đã được gom lại xuất bản thành sách với tựa đề : Tạp Ghi Quỳnh Giao. Đây là tác phẩm đầu tiên mà cũng là cuối cùng mà chị hiến tặng cho đời.

Nhiều khi tôi thắc mắc tự hỏi, tại sao những kẻ đầy tài hoa và nhân cách như ca sĩ Ngọc Lan, nhà báo Lê Thiệp, ca nhạc sĩ Việt Dũng, nghệ sĩ Quỳnh Giao ….trời không cho sống lâu hơn. Để họ có thể cống hiến thêm cho đời, cho tha nhân những tài năng, những tâm huyết mà họ sở đắc và ấp ủ. Tôi chợt liên tưởng đến thuyết tài mệnh tương đố mà cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã nêu lên trong truyện Kiều. Nghĩ đến khiến tôi không khỏi ngậm ngùi thương tiếc. Riêng với Quỳnh Giao, tôi thương tiếc chị không chỉ vì từ đây tôi không còn được đọc những bài viết rất bổ ích, linh động, đầy giá trị nghệ thuật mà tôi còn hết sức tiếc là từ đây trên văn đàn sẽ thiếu vắng một cây bút duyên dáng và tài ba. Khi một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật qua đời, người ta thường bảo là một vì sao trên nền trời âm nhạc, văn học,… vừa vụt tắt. Nhưng với tôi, những vì sao này không bao giờ tắt, luôn luôn chói sáng trong tâm tưởng của những người mến mộ họ.

Tôi tin rằng ở thế giới bên kia, nơi chị đang nghỉ ngơi yên bình, luôn vang lừng tiếng nhã nhạc, thánh thót như giọng hát trong như pha lê, du dương như tiếng đàn dương cầm, và mượt mà như những giòng chữ trong những bài tạp ghi của người nghệ sĩ tài hoa Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang Quỳnh Giao.

Mùa Hè 2014
Nguyễn Hữu Nghiêm


B túvề nữ ca sĩ Quỳnh Giao

Quỳnh Giao (1946 – 2014) là một nữ ca sĩ Việt Nam, tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang, sinh ngày 8 tháng 11 năm 1946 tại làng Vỹ Dạ, Huế, Việt Nam.

Quỳnh Giao sinh ra trong gia đình dòng dõi hoàng tộc ở Huế, là con gái của Minh Trang (tên thật: Nguyễn Thị Ngọc Trâm (1921 – 2010)), nữ danh ca của tân nhạc những năm đầu. Cha là Nguyễn Phước Ưng Quả (1905 – 1951), cháu nội Tuy Lý Vương Miên Trinh, là người con thứ 11 của vua Minh Mạng và em vua Thiệu Trị và là một học giả uyên bác, từng là Thái tử Thiếu bảo khi dạy học Thái tử Bảo Long, Hiệu trưởng trường Quốc học tại Huế, và Giám đốc Nha học chánh Trung Phần thuộc Bộ Học của nước Việt Nam thời Pháp. Năm Quỳnh Giao 5 tuổi, cha của bà qua đời và mẹ bà tái giá với nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.

Tiểu sử.
Ngay từ bé, với tên thật Đoan Trang, Quỳnh Giao đã hát trên đài Phát thanh Quốc gia Sài Gòn, trong ban Tuổi Xanh của kịch sĩ Kiều Hạnh. Quỳnh Giao cũng từng tốt nghiệp thủ khoa lớp dương cầm và được bà Robin của Trung tâm văn Hóa Pháp, Alliance Française, hướng dẫn về thanh nhạc và opera.

Quỳnh Giao thực sự đến với âm nhạc khi 15 tuổi. Đó là năm 1961, bà Minh Trang đang cộng tác với ban Tây Hồ của nhạc sĩ Hoàng Trọng thì mất giọng do căn bệnh hen suyễn nên Quỳnh Giao được mời vào thay thế cho mẹ. Từ đó bà đi hát với nghệ danh Quỳnh Giao và trở thành một ca sĩ quan trọng trong những chương trình ca nhạc của các đài phát thanh Sài Gòn, Quân đội và Tiếng Nói Tự Do trước năm 1975.

Trong những năm đầu 1970 Quỳnh Giao cùng với các em gái Vân Quỳnh, Vân Khanh và Vân Hòa thành lập Ban tứ ca Bốn Phương chuyên hát tại vũ trường Ritz và thâu âm cho các trung tâm Băng nhạc Jo Marcel, Phạm Mạnh Cương và Premier.

Ngày 24 tháng 4 năm 1975, Quỳnh Giao cùng chồng và con rời Việt Nam sang cư ngụ tại thành phố Annandale, Virginia. Trong thời gian ở Annandale, bà gần như ngưng mọi hoạt động về ca nhạc ngoài việc tiếp tục mở lớp dạy dương cầm và thỉnh thoảng thực hiện vài băng nhạc có tính cách lưu niệm do chính bà tự đàn và hát.

Năm 1990, Quỳnh Giao tái giá với chuyên gia kinh tế học Nguyễn Xuân Nghĩa, sau đó bà cùng chồng về sống tại California. Từ đó, bà bắt đầu quay lại với âm nhạc và phát hành nhiều CD thành công như Khúc nguyệt quỳnh, Hành trình Phạm Duy... Quỳnh Giao cũng cùng với các ca sĩ Mai Hương, Kim Tước lập ban Tiếng Tơ Đồng ở hải ngoại và thu được nhiều thành công.

Ca sĩ Quỳnh Giao qua đời vào lúc 3 giờ sáng hôm thứ tư ngày 23 tháng 7 năm 2014 tại Fountain Valley, California, hưởng thọ 68 tuổi.


No comments:

Post a Comment