Monday, January 2, 2023

 Cuối năm, nhìn lại cuộc đời

 

ecole-polytechnique-de-montreal  

Tôi đến miền đất lạnh vào đầu thu cách đây gần sáu mươi năm, bỏ lại sau lưng bà mẹ thân yêu nơi tỉnh nhỏ và cô láng giềng xinh đẹp mỗi ngày đi ngang qua nhà tôi để nghe tôi luyện giọng tiếng Anh với L’anglais sans peine, tôi ngây ngô muốn khoe khoang với người đẹp. 


Đường Maplewood, nay là Edouard Monpetit thật tuyệt vời, với màu lá vàng rực rỡ của hàng cây phong. Tôi lang thang đi tìm mướn nhà, hít thở không khí trong lành tươi mát trên con đường vắng buổi ban mai. Lúc ấy những nhà cao tầng cho thuê đối diện Centre social toàn là của người Do-thái. Cuối đường Maplewood góc Côtes-des-Neiges là một quán ăn Tàu mà tôi sẽ viếng thăm đều đặn sau nầy vào mỗi cuối tuần.


Trường tôi, École Plolytechnique, nằm trên đỉnh đồi cao hơn Đại Học Montréal. Mỗi ngày tôi phải vượt trên một trăm bậc thang hoặc theo con đường mòn để đi học. Mùa đông tuyết trơn, thở ra khói nhưng tôi không thấy mệt ở tuổi mười tám đầy sinh lực. Tuy nhiên khi vào lớp học tôi hay buồn ngủ dù không thức khuya. Các thầy thật dễ dãi chỉ lấy cục phấn chọi vào đầu những kẻ không cưỡng nổi chính mình gục đầu trên bàn để ngáy”. Giờ ra chơi, một số bạn cùng phì phà khói thuốc với thầy để đặt một số câu hỏi. Trong giờ học khi muốn chặn thầy để hỏi thì lấy hai ngón tay búng ra tiếng kêu tắc”. Khi cần tập họp để thông báo một số vấn đề thì vài bạn sinh viên cong lưng hô to khẩu hiệu được người khác hưởng ứng ngay thành một bản hợp ca vang dội: C’est les po-po-po, c’est les ly-ly-ly, c’est les polytechniques. C’est les in-in-in, c’est les gé-gé-gé, c’est les ingénieurs, c’est les cal-cal-cal, c’est les cu-cu-cu c’est les calculateurs. Pipi dans les pots.

 

Các bạn học của tôi thật tử-tế nhưng rất chất phác. Thiếu kiến thức địa dư, họ tưởng tượng nước VN của tôi như các nước Phi Châu nghèo đói, dân tộc chậm tiến trong lúc tôi rất tự tin vì học giỏi, vững ngoại ngữ và hãnh diện văn hóa lịch sử nước mình. Nhiều câu hỏi về nước tôi không ác ý nhưng làm tôi phiền lòng vì tự ái dân tộc. Câu hỏi khác thường được đặt ra trong trường học là bài thi có khó không”. Nó chấm dứt vài tháng sau khi bảng điểm kỳ thi đầu được công bố.

 

Chúng tôi là nhóm du học sinh học bổng Colombo được lựa chọn kỹ nên học rất giỏi. Nhóm các bạn tôi được chia đi phân nửa học ở ĐH Laval, Québec hầu hết đậu Ph.D. và thành giáo sư đại học tại đó. Lạc lõng có anh LTK trở về VN, sau đó qua Pháp trở thành nhà văn Kiệt Tấn có nụ cười hiền hòa, viết sách tục” rất hay kể chuyện thật cuộc đời tình ái sôi nổi thuở sinh viên ở ĐH Laval. Ở Montréal, không thiếu gì những người có thành tích cua đầm nhưng sau cùng cũng trở về nguồn cội. Họ thường đến Centre Maria Goretti gần bệnh viện Sainte Justine để tìm partenaire đi nhảy đầm. Nhưng đa số trong nhóm nhỏ sinh viên của chúng tôi đều thích cây nhà lá vườn. 


Một năm sau khi tôi đến Canada, có một đoàn y-tá và nữ hộ sinh VN qua Montréal tu nghiệp một năm. Các đàn anh của tôi, sau bốn năm làm người sinh viên cô độc tranh nhau quỳ gối trước mặt các nàng với câu Anh muốn đem lại hạnh phúc cho em”. Rồi dẫn các nàng đi ăn cơm Tàu, mua sắm ở Eaton, Simpson và sau đó… về VN thành gia thất. Tôi nghĩ các anh ấy đã được giải tỏa cái libido khi cùng người yêu tìm hơi ấm trong mùa đông giá lạnh. Tôi không quên được vị bác sĩ Đ. cùng qua với các cô y tá, gọi là ông Thầy”. Ông có tài khôi hài tuyệt vời nhưng rất tục”. Có phải ông bị dồn ép sinh lý? Ông còn độc thân ở tuổi trên bốn mươi. Có lẽ cái lạnh ở Canada làm ông thèm khát cái ấm áp của gia đình. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về VN cưới người con gái mà ông đã từ chối 15 năm trước.

 

Cái học của tôi không khó khăn nên làm cho tôi phạm sai lầm của tuổi trẻ. Tôi vẫn không quên được giấc mơ đi Pháp vào Grande École học khó để có bằng cấp có giá trị giống như bao sinh viên Mỹ muốn vào Harvard. Khi ra làm việc tôi mới ý thức được cái hay của trường tôi, giúp tôi tiến nhanh trên đường sự nghiệp.

 

Tôi trở về VN theo lời thúc giục của mẹ tôi. Tôi chỉ báo hiếu cho mẹ tôi được bốn năm. Bà từ giã cõi đời lúc tôi được huấn luyện 9 tuần lễ ở quân trường Quang Trung…


Sự nghiệp của tôi là cả một quá trình rèn luyện chuyên môn, học hỏi không ngừng. Một người bạn và là cấp dưới của tôi, anh T. đã cùng tôi xây dựng nhiều nhà máy đã chịu đựng nhiều lần sự nóng giận của tôi, sau nầy trở thành ân nhân của tôi, giúp tôi có việc làm tốt trên quê hương cũ của tôi.
 

Biến cố 30 tháng 4 đẩy tôi vào trại cải tạo Long Thành. Tôi còn nhớ những gì? Ông Lê Văn Thu, tổng trưởng tư pháp, đau đớn vì bệnh thấp khớp, phó thủ tướng Dương kích Nhưỡng múc phân tưới rau muống, nhạc sĩ Vũ Thành An gầy gò sợ nước không tắm…

 

Vừa ra khỏi Long Thành sau 10 tháng, tôi bị bắt vào nhà tù Bến Tre vì vượt biên với người bạn Trần Khiết. Tôi chỉ đóng 2 cây vàng, tiền dành dụm của tôi khi dạy học và bán sách năm thứ ba môn Quản trị tài chánh tại Đại học Đà Lạt. Tôi mang ơn bạn Khiết vì nhã ý cho tôi đi với số tiền ít oi dù cả hai phải ở tù ba năm. Khiết lạc quan, mỗi ngày thì thầm vào tai tôi câu Chúng nó sắp chết rồi” trong một phòng đầy an-ten báo cáo cho VC. Một bạn trẻ võ nghệ đầy mình tên Quang vì một lời nói đùa liên quan đến Hồ Chí Minh bị bọn công an nhốt hành xác 20 ngày. Khi thả ra, anh cứ đi tiêu ra máu. Mọi người tưởng anh bị kiết lỵ. Bs Nguyễn Tú khám bệnh cho biết anh bị đánh dập phổi. Thế rồi anh từ giã cõi đời. Tôi được các bạn tù bầu làm trưởng phòng nhờ tài kể chuyện của tôi. Mỗi ngày các bạn tù trẻ Phục quốc, Gươm thiêng ái quốc v.v… được tôi cho nghe một đoạn Cô Gái Đồ Long cho đến khi xảy ra một vụ cướp ngục đẫm máu, do đó tôi bị truất phế. Trong vụ cướp ngục nầy, bao nhiêu người bạn trẻ anh hùng của tôi đã góp xương máu mình cho lịch sử.

 

Từ nhà tù Bến Tre, tôi được cho về làm việc tại Ủy Ban Khoa Học Kỹ Thuật và Công Ty dịch vụ kỹ thuật. Người đứng đầu Ủy Ban Khoa Học Kỹ Thuật là anh Đức học ở Đông Đức về. Anh tổ chức nhiều buổi hội thảo brainstorming” để VC cao cấp học hỏi kiến thức kinh tế tư bản. Hai người được tôi quý trọng tư cách và tài năng là ông Nguyễn Xuân Oánh và công tử Đức chồng Bạch Tuyết. Công tử Đức dường như có cử nhân hay tiến sĩ kinh tế bên Pháp. Hai vị ấy giữ tư cách hiên ngang hầu như trịch thượng đối với cán bộ VC. Riêng công tử Đức là người cứu vớt nhiều công chức cao cấp chế độ cũ ở tù về có việc làm trong Công ty trục vớt tàu của ông trước khi họ vượt biên. Trong số ấy có ông Trần Ngọc Oánh cựu Tổng Trưởng Công Chánh, bị chết đuối tại bãi biển Thái Lan.


Tại Ủy Ban Khoa Học Kỹ Thuật, tôi và anh PMT trông đợi anh NVH, TGĐ Công ty Đường cho chúng tôi đi trên chuyến tàu vợ anh tổ chức nhưng anh đã bỏ lại không thương tình hai anh khố rách áo ôm không có được 6 lượng vàng.

 

Nhưng rồi một quới nhân đã giúp tôi thoát khỏi “thiên đường cộng sản” miễn phí trên chiếc tàu ra khơi chứa 60 người. Giữa biển chúng tôi được một chiếc du thuyền mang tên Maya Roma của một văn sĩ giàu có, người Úc gốc Áo vớt lên tàu đi đến Singapore. Du thuyền lênh đênh trên biển 3 ngày. Chúng tôi cùng ca hát dưới ánh trăng, tiêu thụ hết dự trữ đồ hộp của nhà Mạnh Thường Quân và làm nghẹt cái toilette duy nhất trên tàu. Cao Uỷ Tỵ Nạn phải thương lượng thật lâu với Lý Quang Diệu chúng tôi mới được lên trại. Ân nhân của chúng tôi bị bỏ tù mấy ngày vì dám đem người tỵ nạn đến Singapore. Ông còn phải bị phạt một số tiền lớn chưa kể chi phí sửa chữa cái cầu tiêu”. Để cám ơn lòng tốt của ông, chúng tôi có một nhà giáo vẽ viết tay rất đẹp làm một bảng tri-ân lộng kiếng với lời lẽ rất hay. Khi đọc lên bài văn trước mặt ông, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, chúng tôi không cầm được nước mắt, nhớ những phút vui đùa ca hát trên boong tàu dưới ánh trăng, sau những phút kinh hoàng trên biển cả.

 

Tôi được Cao Ủy Tỵ Nạn cho làm Trưởng trại Tỵ Nạn Singapore thay thế Trung Tá Hà văn Chuyên. Trong chuyến đi Cali vừa rồi tôi được biết ông Chuyên vẫn khoẻ mạnh nhưng anh Chuân, nhân viên Cao Uỷ vừa mới qua đời. Kỷ niệm tôi còn giữ lại của anh Chuân là phút giây anh biểu lộ vừa tức giận vừa nuối tiếc khi tra hỏi một thiếu nữ tuyệt đẹp, đầy vẻ hiền ngoan trốn ra khỏi trại làm gái điếm bị bắt trả về. Cô ta không khóc chỉ gục đầu im lặng. Một biến cố khác làm xôn xao trại tỵ nạn là sự xuất hiện của ba thiếu nữ đẹp được cho là vũ nữ trình diễn chuyên nghiệp. Ba cô trốn trên tàu của Ba Lan cập bến Saigon. Sau một màn trình diễn sôi động ở trại, nước Bỉ đã đem các cô đi chỉ sau một tuần lễ.

 

Còn kỷ niệm nào đáng ghi ở Singapore? Tôi nhớ đến anh Khiết phó trại tìm cho tôi áo mặc cho đỡ rách rưới, anh bác sĩ Quản Đức Hưng lo vệ sinh trại, đi Đức, anh Huấn ban ngoại giao thần tượng của các cô Hồng thập tự xinh đẹp. Tôi không quên Trung Tá Chuyên đòi nhốt con-nét những kẻ trốn trại và tiếng chuông mõ của thầy Pháp Châu vang lên trong đêm vắng. Bs Khoát, Bs Nga đã đóng góp nhiều cho bệnh xá. Nhà tôi, lúc ấy còn độc thân rất ghét tôi vì tôi không thoả mãn yêu cầu của cô thiếu nữ xinh xắn muốn chuyển công tác từ ban giáo dục sang ban ngoại giao. Tôi không còn nhớ tên rất nhiều bạn trẻ hằng đêm đến nhờ tôi viết đơn xin cùng đi Mỹ vì chúng em đã yêu nhau và nàng đã có thai (tại Singapore!)!”. Tôi gặp khó khăn khi phải tập họp số người lên xe đi Ý và Pháp chỉ vì một bức thư: Phải cố đi Mỹ, tụi tao qua Ý bị họ cho đi chăn bò”. Khó khăn thứ hai là thuyết phục trại viên đừng trốn trại ra ngoài kiếm tiền. Với số tiền lao động vài ngày, họ có thể mua thuốc gởi về VN hay tìm thú vui cùng người yêu trong một khách sạn. Những lời cầu khẩn Phật, Chúa trên biển cả hay trước khi vượt biên tạm gác lại để hưởng những ngày tươi đẹp. 


Ơn trên đã phù hộ chúng ta đến bến hạnh phúc! Nhưng thảm trạng vẫn còn trước mặt. Có một người bác sĩ dường như tên Trình hằng ngày lê la ngoài đường nói cười vô ý nghĩa: anh đã bị bệnh tâm thần rất nặng vì vợ con bị cướp biển giết chết trước mắt anh. Hiện giờ anh ở đâu? Nước Mỹ hay Âu Châu? Anh đã tỉnh chưa? Chưa hết thảm trạng. Trong một buổi họp với bà Druke đại diện Cao Uỷ Tỵ Nạn, một nhân viên đến báo cáo có xác của một phụ nữ và một em bé tấp vào bờ biển. Đó là xác hai người trên tàu của vợ tôi bị hải quân Singapore cho lên tàu theo lệnh máy bay của Cao Ủy Tỵ Nạn, sau đó bọn chúng quăng xuổng biển.

 

Thế rồi tôi rời Singapore để trở về quê hương cũ, miền giá lạnh nhưng ấm tình người. Một giai đoạn mới trên con đường sự nghiệp. Một người bạn học cũ ở Poly đã bảo lãnh tôi và cho tôi tá túc ở sous-sol nhà anh. Một người Ba lan chống cộng giúp tôi có việc làm đầu tiên, một bạn cố tri mà tôi hay gây gổ trở thành ân nhân giúp tôi có việc làm tốt hơn.

 

Nay tóc đã bạc, mắt đã mờ, chân đã yếu. Tôi trải qua những tháng ngày mong đợi ngày tàn của bọn cộng nô. Nhưng chúng vẫn còn đó, tham ô, ác độc, đem dân tộc VN xuống hố thẳm vực sâu. Tôi hối hận cho cuộc sống vô tư thời tuổi trẻ, trước thảm cảnh của quê hương. Nhưng tôi quá bé nhỏ cho khát vọng của tôi: chứng kiến ngày tàn của cộng sản!

  

Trần Anh Kiệt

No comments:

Post a Comment