Thursday, December 22, 2022

Ông tổ ngành cải lương và ông tổ bài ca vọng cổ

Cải lương là một bộ môn nghệ thuật thuần túy Việt Nam, mang bản sắc của dân tộc. Nhiều tầng lớp trong xã hội ưa thích, nên cải lương phát triển rất nhanh. Cải lương và vọng cổ gắn bó chặt chẽ với nhau. Ông tổ cải lương là Tống Hữu Định. Ông tổ bản vọng cổ là ông Cao Văn Lầu. Cải lương phát triển rất nhanh, kéo theo một số lượng đông đảo nghệ sĩ, và các soạn giả. Soạn giả nổi bật nhất là Viễn Châu (Huỳnh Trí Bá). Về đào kép, thì có kép độc, kép mùi, đào thương. Vua vọng cổ, Nữ hoàng sầu mộng, Giọng ca vàng, Vua không ngai, Nữ hoàng sân khấu, Giọng hát liêu trai, Tiếng hát nhung lụa.

Ông tổ cải lương là Tống Hữu Định
Theo GS Trần Quang Hải, con trai của GS TS Trần Văn Khê, thì ông tổ cải lương tên là Tống Hữu Định. Bút hiệu là Tịnh Trai. Được gọi là “Thầy Phó Mười Hai”. “Thầy Phó” là vì ông giữ chức Phó Tổng vùng đất Vãng (Sau đổi thành tỉnh Vĩnh Long). “Mười Hai” là người con thứ 12 trong gia đình.

Tống Hữu Định sinh năm 1896 tại làng Long Châu (Vĩnh Long). Mất năm 1932. Là con của vị quan khai quốc công thần Nhà Nguyễn, Tống Phước Hiệp. Ông Định nổi tiếng là hào hoa phong nhã, ăn chơi đứng đầu tỉnh Vĩnh Long. Thời gian 1915-1920, ông thường tổ chức tiệc tùng, cờ bạc, đá gà nòi, ca hát, ngâm thơ, kết bạn rộng rãi.

Một hôm, ông đến Mỹ Tho, ngủ qua đêm để sáng hôm sau đi xe lửa lên Sài Gòn. Ở Mỹ Tho, ông xem hát bóng bắt đầu bằng màn phụ diễn đờn ca múa hát Việt Nam. Ông ghi nhận. Một lần khác ở Sài Gòn, ông thấy một giàn đờn tài tử. Ông để bụng.

Khi về nhà, ông Định bày ra đờn ca trên bộ ván ngựa. Vừa ca vừa ra bộ. Khoảng đầu năm 1916, trong một buổi hòa nhạc tại nhà ông, bài ca “Tứ Đại Oán” về một cảnh trong truyện Lục Vân Tiên, là “Bùi Kiệm thi rớt trở về nhà”. Vừa ca vừa ra bộ. Ba người trong vai là: Bùi Ông do thầy Du đóng vai. Thầy Diệp Minh Ký thủ vai Bùi Kiệm. Cô Ba Định giữ vai Kiều Nguyệt Nga. “Thầy” là thầy chú, chỉ người sang trọng hoặc được kính nể.

Ngày thứ bảy hàng tuần đều có tổ chức tiệc tùng, ca nhạc với ba tài tử nói trên, có sự tham dự của bạn bè khắp nơi. Phong trào “vừa hát vừa ra bộ” phát triển mạnh ở Miền Tây Nam Bộ. Ngày 15-11-1918, tuồng Cải Lương được diễn lần đầu tiên tại nhà Thầy Phó Mười Hai. Sau đó diễn ra ở Sa Đéc và Vũng Liêm.

Tóm lại, cải lương bắt nguồn từ dòng nhạc “Đờn ca tài tử” mục đích để tiêu khiển, thường được tổ chức phục vụ cho những buổi lễ như: lễ giỗ, lễ cưới, bữa tiệc, tại tư gia.

Vì sao gọi là “cải lương”?
Theo GSTS Trần Văn Khê: “Cải lương có nghĩa là cải cách, sửa đổi cho tốt hơn”. Đó là sửa đổi hát bội. Sau khi được sửa đổi, cải lương hoàn toàn khác hẳn với hát bội từ hình thức tới nội dung.

Ngày 12 tháng 8 âm lịch hàng năm, được chọn là “Ngày Sân Khấu Việt Nam”, cũng chính là “Ngày Giỗ Tổ” được ngành sân khấu tổ chức rất long trọng.

Quá trình phát triển của ngành cải lương
Những năm đầu của 1900, ở Mỹ Tho có ban nhạc tài tử của ông Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) rất nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Năm 1906, Pháp tổ chức hội chợ các nước thuộc địa ở thành phố cảng Marseille, từ ngày 15 tháng 4 đến 15-11-1906. Ngoài việc đem các đặc sản nông nghiệp và mỹ thuật tham gia triển lãm, chính quyền hai tỉnh Gò Công và Mỹ Tho còn đưa hai ban nhạc tài tử sang Pháp trình diễn. Ban nhạc tài tử Gò Công do ông Huỳnh Đình Điển dẫn đầu. Ban nhạc của ông Tư Triều có 16 người và hai trẻ em, gồm ông Tư Triều (Trưởng ban), đờn kìm, Chín Quán đờn độc huyền, Mười Lý thổi tiêu, Bảy Võ đờn cò, cô Hai Nhiễu (Con ông Tư Triều) đờn tranh, cô Ba Đắc là tài tử ca…

Điểm đặc biệt là ban nhạc được đưa lên sân khấu trình diễn cho khán giả ngồi trên những hàng ghế để xem, chớ không phải ngồi dưới đất như ở Việt Nam thời đó. Ban tổ chức trịnh trọng giới thiệu, và được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt về nội dung trình diễn.

Năm 1917, ông Pierre Châu Văn Tú, thường gọi là Thầy Năm Tú, người Mỹ Tho, mua lại gánh hát của ông André Thận, lập ra gánh hát cải lương mới, có rạp hát riêng, đào kép được hóa trang, y phục phù hợp với nhân vật trong tuồng hát. Sân khấu có phông, màn, vẽ cảnh và trang trí phù hợp với nội dung vở hát. Đào kép phải có giọng ca, điệu bộ và nghệ thuật diễn xuất thật hay, mới gọi là đào kép giỏi, xuất sắc.

Năm 1921, tại Sài Gòn có gánh Tân Thịnh của Trương Văn Thông. Dùng tên “Cải Lương” trên bảng hiệu của đoàn hát, và treo hai câu đối làm tôn chỉ của nghệ thuật diễn xuất, như sau:

CẢI cách hát ca theo tiến bộ
LƯƠNG truyền tuồng tích sánh văn minh.

Từ đó, hai chữ Cải Lương trở thành tên gọi chính thức của bộ môn nghệ thuật nầy.

Năm 1921, ở Chợ Lớn có gánh Văn Hí Ban của Huỳnh Kim Vui, và gánh Tập Ích Ban, chuyên diễn tuồng Tàu. Ở Long Xuyên có gánh Sĩ Đồng Ban của ông Bảy Si. Vĩnh Long có gánh Kỳ Lân Ban của bà Huyện Xây ở quận Vũng Liêm. Sóc Trăng có gánh Tân Phước Nam, của Bác sĩ Trần Văn Minh.

Cải lương Nam Kỳ ra miền Bắc
Không ai ngờ rằng, chỉ có vài ba năm sau 1920, nhiều gánh cải lương Nam Kỳ ra Bắc trình diễn. Đó là các gánh An Lạc Ban, Phúc Lộc Ban, Tân Lập Ban, với những diễn viên như đào Phùng Há, Năm Phỉ, Tư Sạng, kép Năm Châu, Tư Chơi, Tư Út…

Khán giả Hà Nội đón nhận nồng nhiệt.
Năm 1921, nhóm sinh viên Nam Kỳ ra Hà Nội học các trường Cao Đẳng, do nhớ quê hương nên trình diễn vở “Tối Độc Phụ Nhân Tâm” (Lòng dạ đàn bà hết sức ác độc) do ông Phạm Công Bình biên soạn. Thế rồi, Hà Nội cũng lập các gánh cải lương như: Kim Chung, Huỳnh Lan Anh.

Đoàn Kim Chung do bầu Long (Trần Việt Long) sinh năm 1922, du học ở Pháp và Đức về, cùng vợ là Kim Chung, lập gánh Kim Chung. Những diễn viên người Bắc như Anh Đệ, Huỳnh Thái, Kim Chung, Lan Phương, Bích Hợp… Sau đó, bầu Long hợp tác với Phạm Thọ Minh lập ra gánh Kim Chung 2 ở Hải Phòng. Năm 1954, Kim Chung di cư vào Sài Gòn và phát triển thành 4 đoàn.

Di cư vào Nam, lúc ban đầu nghệ sĩ đoàn Kim Chung chưa sử dụng được vọng cổ ròng chất miền Nam, nên khán giả không đông. Kim Chung nhận ra điều đó, và rồi tất cả đào kép cố gắng hát theo giọng miền Nam.

Tại miền Nam, trong thập niên 1960, là thời kỳ cực thịnh của cải lương. Các sân khấu có đông khán giả đến xem hằng ngày. Riêng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định đã có 39 rạp hát. Có 20 “lò” đào tạo ca nhạc vọng cổ, nổi tiếng nhất là lò của Út Trọng. Ông Trọng từng là trưởng đoàn ca nhạc của gánh Thanh Minh suốt 13 năm. Ông là người huấn luyện Thanh Nga từ lúc thơ ấu. Những đệ tử của ông gồm có: Văn Vĩ, Duy Trì, Huỳnh Hà, Tư Tân, Yên Sơn, Ba Giáo…

Trong những giải thưởng của ngành cải lương thời đó, nổi tiếng và có uy tín nhất là Giải Thanh Tâm do ký giả Thanh Tâm, tên thật là Trần Tấn Quốc, thành lập và hoạt động từ năm 1958 đến năm 1968, người nhận giải đầu tiên là Thanh Nga.

Những đoàn hát cải lương nổi tiếng trong thời kỳ cực thịnh, gồm có: Đoàn Dạ Lý Hương, Đoàn Hương Mùa Thu, Đoàn Kim Chung, Đoàn Kim Chưởng, Đoàn Bạch Lan-Thành Được, Đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, Đoàn Thống Nhất, Đoàn Thủ Đô.

Đặc biệt gánh Hoa Sen, do danh ca Bảy Cao sáng lập, diễn những vở tuồng cải lương trên sân khấu có tiếng nổ long trời lở đất như tiếng bom đạn thật sự ngoài đời. Những vở chiến tranh, với xe tăng, thiết giáp, máy bay, bắn nhau tạo ra tiếng nổ khiến người yếu tim giật mình kinh hãi. Một lần hát ở Mỹ Tho, giữa những tiếng nổ ầm ầm của vở tuồng chiến tranh, thì bỗng nhiên có một tiếng nổ lạ làm cho đào kép ngã gục thật sự, máu me tùm lum. Đó là Việt Cộng ném lựu đạn.

Sự kiện này khiến cho khán giả thưa dần, và gánh Hoa Sen tàn lụi ít lâu sau đó. Hoa Sen dẹp tiệm.

Sau tháng 4 năm 1975, ngành cải lương xem như đã chết. Đánh tư sản, cướp của giết người bằng cách cướp nhà, đuổi đi kinh tế mới, tù cải tạo, chính quyền Việt Cộng thi hành chính sách bình đẳng hóa xã hội bằng ba cuộc đổi tiền. Ngày 22-9-1975, ngày 3-5-1978, ngày 14-9-1985.

Trong hoàn cảnh như thế, còn lòng dạ nào đi xem hát cải lương. Mà gánh cải lương cũng tan rã vì chưa có những soạn giả viết ra những tuồng tích “Kách Mệnh”. Vai hề Khả Năng bị tù 6 năm, những người khác chen vào các đoàn văn công nhà nước, làm công nhân viên, mỗi tuồng hát lãnh 10 đồng.

Sau đó, phim bộ Hong Kong tràn ngập, cải lương cũng chết.

Những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng
Thanh Nga - saigoneer

Những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng: Năm Phỉ, Phùng Há, Út Trà Ôn, Minh Vương, Năm Châu, Mỹ Châu, Ngọc Giàu, Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Thanh Sang, Phương Quang, Diệp Lang, Thành Được, Lệ Thủy, Phượng Liên, Bảy Nam, Minh Phụng, Dũng Thanh Lâm, Hùng Cường, Thanh Hương, Thanh Tú, Thanh Kim Huệ, Thanh Nga, Minh Cảnh, Thanh Tòng, Thanh Thanh Hoa, Tấn Tài, Hữu Phước, Ba Vân, Kim Tử Long…

Một trong những nghệ sĩ cải lương nổi bật nhất là bà Năm Phỉ.
Mỹ Tho là cái nôi của ngành cải lương. Cuối thế kỷ 19, gia đình ông Công họ Lê có 11 đứa con. Ông đặt tên con theo câu “Công thành danh toại/ Phỉ chí nam nhi bia Truyền tạc đế”. Trong 11 người, có 4 chị em ruột là nghệ sĩ cải lương. Người thứ 5 là Năm Phỉ. Người thứ 7 là Bảy Nam, người thứ 9 là Chín Bia, người thứ 10 là Mười Truyền.

Nổi bật nhất là Năm Phỉ. Nghệ sĩ Ba Vân đánh giá:

Theo tôi, thì Cô Năm là một thiên tài trong lãnh vực cải lương, một tấm gương sáng trong việc rèn luyện, và sáng tạo nghệ thuật. Có thể nói không quá đáng, cô là người dẫn đầu trong nghệ thuật diễn xuất. Mỗi khi nhận vai tuồng, cô Năm thường suy nghĩ rất nhiều về cách diễn, nghiên cứu từng bước đi, ngồi, đứng trên sân khấu, làm sao cho mỗi động tác đều phải thể hiện rõ và đúng tâm trạng của nhân vật. Với vóc dáng mảnh mai, và một giọng ca tuy không phong phú lắm nhưng rất đặc biệt, thuộc loại giọng hiếm có, hơi khàn khàn nghe rất thảm, rất thích hợp với những vai đào thương”.

Với cách diễn thiên về nội tâm và giọng nói, hơi ca tình cảm, cô Năm đã thu hút được trọn vẹn khán giả, mỗi lần xuất hiện trên sân khấu".

Giáo sư Hoàng Như Mai khẳng định: "Nữ nghệ sĩ Năm Phỉ là nghệ sĩ tài hoa bậc nhất của sân khấu cải lương".

Những cặp đôi nổi tiếng trên sân khấu: Thanh Sang-Thanh Nga, Bạch Tuyết-Hùng Cường, Lệ Thủy-Minh Phụng, Minh Vương-Lệ Thủy, Mỹ Châu-Minh Phụng, Thanh Sang-Bạch Tuyết, Tấn Tài-Bạch Tuyết, Thanh Tuấn-Thanh Kim Huệ, Vũ Linh-Tài Linh, Vũ Linh-Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long-Ngọc Huyền…

Đào kép cải lương tham gia các gánh hát, thông qua những hợp đồng, Khi hết hạn giao kèo, thì có thể nhảy ra lập gánh hát mới, hoặc tham gia các đoàn cải lương khác.

Các soạn giả cải lương nổi tiếng:
Viễn Châu (Bảy Bá), Loan Thảo, Hà Triều, Hoa Phượng Nguyễn Phương, Quy Sắc, Yên Lang, Thạch Tuyền, Năm Châu, Trần Hà, Trần Hữu Trang, Yên Ba, Kiên Giang, Thế Châu...












(Viễn Châu - wikipedia)

Viễn Châu tên thật là Huỳnh Trí Bá (Bảy Bá), sinh ngày 21-10-1924 tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ông là người con thứ sáu trong gia đình nên thường được gọi là Bảy Bá. Ông mất ngày 1-2-2016 ở Sài Gòn, thọ 92 tuổi.

Năm 1950, ông viết vở cải lương “Nát cánh hoa rừng” với bút danh là Viễn Châu. Từ đó, tên tuổi Viễn Châu được giới mộ điệu cải lương chú ý. Các tác phẩm biểu diễn đờn tranh của ông, được các hãng dĩa thu thanh và phát hành liên tục. Ngón đờn của Bảy Bá được xem là một trong 3 ngón đờn cổ nhạc được đánh giá cao, được coi là bậc thầy là: Năm Cơ (đờn kìm, đờn sến), Bảy Bá đờn tranh, Văn Vỹ đờn guitar phím lõm.

Năm 1984, ông cùng đoàn nghệ thuật 284, lưu diễn Tây Âu như: Đức, Bỉ, Pháp, Ý.

Trước khi chết, ông dặn con cái: “Ba chết, nhớ bỏ vô quan tài một mớ giấy, bút, để xuống đó ba viết bài vọng cổ”. Có nghĩa là suốt đời gắn bó với vọng cổ, cải lương. Viễn Châu đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 tuồng cải lương, 2,000 bài vọng cổ. Viễn Châu được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, và huy chương Lao động Hạng ba.

GSTS Trần Văn Khê khẳng định, anh Bảy Bá là một trong những đại thụ của giới soạn giả cải lương miền Nam.

Những tuồng tiêu biểu: Chuyện tình Hàn Mặc Tử, Chuyện tình Lan và Điệp, Chiêu Quân cống Hồ, Giọt máu chung tình, Người đẹp Trữ La Thôn

Soạn giả Viễn Châu còn được coi là cha đẻ của thể loại nhạc tân cổ giao duyên. Tân cổ giao duyên là một thể loại nhạc được kết hợp cổ nhạc với tân nhạc. Bà bầu gánh Kim Chưởng, một đại bang của Sài Gòn xưa cho biết, anh Bảy là người mạnh dạn canh tân bằng cách ghép tân nhạc vào bài vọng cổ, góp phần cho nó quyến rũ hơn, phong phú và sinh động hơn, và nâng nó lên tầng cao mới. Nghệ sĩ Phượng Liên cho biết, khi nhạc sĩ Bảy Bá đưa ý kiến lồng tân nhạc vào vọng cổ, thì có một số nhạc sĩ tân nhạc không đồng ý, do kỳ thị cải lương. Tuy nhiên một số nhạc sĩ tân nhạc chấp nhận, trong đó có nhân chứng sống là nhạc sĩ Lam Phương.

Từ đó, nhạc sĩ Bảy Bá quyết định sáng tạo dòng nhạc tân cổ giao duyên. Bài tân cổ đầu tiên là bài “Dưới ánh trăng xuân”, do Bảy Bá viết dựa trên tân nhạc của Lam Phương.

Cũng có ý kiến cho rằng, chính soạn giả Lê Khanh mới thật sự là người khởi xướng việc ghép tân nhạc vào bài vọng cổ để thành tân cổ giao duyên.

Các danh cầm tài hoa thì có Văn Vĩ, Bảy Bá (Viễn Châu), Năm Cơ, Năm Vĩnh, Hai Thơm, Ngọc Sáu, Chín Trích, Hai Khuê, Thanh Kim, Hoàng Ân, Trần Xuân Ngã, Tư Huyện, Văn Giỏi...

Các danh hiệu đặt cho nghệ sĩ sân khấu cải lương danh tiếng nhất là, Vua vọng cổ: Út Trà Ôn. Nữ vương sầu mộng: Út Bạch Lan. Giọng ca vàng: Hữu Phước. Vua không ngai: Thành Được. Hoàng đế dĩa nhựa: Tấn Tài. Vua vọng cổ hài: Văn Hường. Nữ hoàng sân khấu: Thanh Nga. Giọng hát liêu trai: Mỹ Châu. Tiếng hát nhung lụa: Ngọc Giàu.

Vai hề trong cải lương
Về vai hề, thì trước kia người Việt Nam đã từng xem những nghệ sĩ chọc cười Tây phương, thời hát bóng câm, như hề Charlot (Charlie Chaplin), “Thằng mập thằng ốm” Laurel Hardy.

Nội dung vở cải lương nào cũng mang đầy đủ tính: hỷ, nộ, ái, ố để thỏa mãn sở thích của khán giả. Vai chọc cười khán giả là một trong những vai quan trọng của gánh hát. Gánh nào cũng có đào, kép thủ vai hề cả. Chọc cười thiên hạ không phải là chuyện dễ. Những kép hề trên sân khấu nổi tiếng như Văn Hường, Văn Chung, Kim Quang, Thanh Việt, Thanh Hoài, Tùng Lâm, Xuân Phát, Khả Năng, Phi Thoàn… Nổi bật nhất là hề Văn Hường.

Văn Hường sinh tại xã Long Thạnh Mỹ, quận Thủ Đức được mệnh danh là vua vọng cổ hài vì có lối hát đặc biệt khác người, khó bắt chước được. Soạn giả Viễn Châu đã viết 100 bản ca riêng cho Văn Hường hát. Các soạn giả Yên Ba, Quy Sắc cũng góp vào gần 100 bài nữa.

Kế đến là hề Văn Chung. Văn Chung tên thật là Quách Văn Chung, sinh ngày 21-9-1927 tại Chợ Lớn, mất ngày 22-1-2018 tại California. Hưởng thọ 91 tuổi.

Cười cho quên cay đắng. Năm 1952, Văn Chung hát chung với Thanh Hương, con gái của Năm Châu (Nguyễn Thành Châu) ở đài Pháp Á. Yêu nhau. Kết hôn. Văn Chung được cha vợ nhận vào Đoàn Việt Kịch Năm Châu. Sau đó, vợ chồng Văn Chung về Đoàn Thanh Minh, rồi vào Đoàn Kim Chưởng. Cả hai nổi tiếng, nên ra lập gánh hát riêng tên Thanh Hương-Văn Chung. Năm 1961, khi đi hát ở Hậu Giang, Thanh Hương đóng cặp với kép Hùng Minh “mùi mẫn quá”, dẫn đến đổ vỡ hôn nhân. Ngậm đắng nuốt cay, Văn Chung về Sài Gòn gia nhập Đoàn Dạ Lý Hương. Lúc đó hai kép trẻ là Hùng Cường và Dũng Thanh Lâm, nổi danh, chiếm lĩnh sân khấu.

Để cho Văn Chung có một chỗ đứng bên cạnh hai kép chánh nầy, soạn giả Nguyễn Phương đề nghị Văn Chung diễn một vai hài trong tuồng Tiền Rừng Bạc Biển do ông sáng tác. Từ vọng cổ mùi, Văn Chung chuyển sang diễn hài, rất ăn khách, mỗi đêm mang tiếng cười cho khán giả. Cười cho quên cay đắng. Văn Chung nổi tiếng với giọng cười dê, be he.

Kế nữa là Thanh Việt. Thanh Việt để hàm râu dê dưới cằm nên được gọi là hề râu Thanh Việt. Năm 14 tuổi, Thanh Việt theo cha dượng là kép Tám Huê, theo những gánh nhỏ hát dưới tỉnh. Thanh Việt đóng những vai quân hầu, lính chạy cờ hiệu, đầy tớ theo hầu, nịnh bợ ông chủ… Vì hát cương nên thầy tuồng nhắc đến đâu thì hát đến đó. Vì không thuộc bài bản nên hát như người cà lăm, thế mà khán giả ở tỉnh lại thích anh hề bất đắc dĩ nầy.

Thanh Việt thành công trong một số vở tuồng, nhưng vì bị Việt Cộng chọi lựu đạn khi hát ở Miễu Quốc Công, tỉnh Vĩnh Long, nên gánh hát tan rả. Đào kép tứ tán.

Năm 1960, tại Đại Nhạc Hội Cù Léc, Tùng Lâm, Xuân Phát, Phi Thoàn, Khả Năng, Thanh Hoài, Thanh Việt được mệnh danh là Lục Hài Tướng. Một hôm, bà Bầu Thơ của đoàn Thanh Minh-Thanh Nga nhờ Thanh Việt hát thế vai của hề Kim Quang, bị té xe Honda nằm nhà thương Chợ Rẫy. Sau đó, Thanh Việt được ký hợp đồng hát cho đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, chính thức gia nhập ngành cải lương. Ngoài cải lương còn tham gia đóng phim với tiền lương cao nhất. Thanh Việt mua nhà ở Phú Nhuận, mua xe hơi mới. Đời sống huy hoàng.

Sau năm Mậu Thân 1968, các nghệ sĩ gia nhập quân đội như: Thành Được, Hùng Cường, Thanh Tú, Diệp Lang, Thanh Việt, Khả Năng, Phi Thoàn…

Sau năm 1975, Khả Năng bị tù 6 năm. Phi Thoàn lách vào ban văn nghệ của Bến xe Xa cảng Miền Tây, và những người khác núp bóng trong các đoàn văn công của nhà nước ở Hậu Giang. Thanh Việt hát cho đoàn văn công Huyện Cầu Ngang. Lãnh 10 đồng mỗi suất hát. Không đủ tiền nuôi vợ con.

Vợ anh dẫn con đi vượt biên. Chết ngoài khơi. Ban ngày anh chọc cho thiên hạ cười, tối về nhớ vợ nhớ con, nhớ hoàn cảnh bi đát của mình nên khóc thầm thâu đêm.

Ông tổ bản ca vọng cổ là Cao Văn Lầu

Cao Văn Lầu

( wikipedia)

Bản “Dạ Cổ Hoài Lang” của ông Cao Văn Lầu được coi là nguồn gốc khai sanh ra những bản vọng cổ hiện nay, của ngành cải lương. Dạ Cổ Hoài Lang có nghĩa là “Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng”.

Về nguyên nhân ra đời của bản Dạ Cổ Hoài Lang thì chính ông Cao Văn Lầu thổ lộ với bạn:

“Tôi đặt ra bản nầy bởi vì tôi rất thương vợ là Nguyễn Thị Tấn. Tôi đã ở với vợ suốt ba năm mà không có con. Theo tục lệ xưa “Tam niên vô tự bất thành thê”. Gia đình buộc tôi phải thôi vợ. Trả vợ về cha mẹ ruột, nhưng tôi không đành. Tôi âm thầm chống lại nghiêm lịnh của gia đình, đem vợ gởi cho một gia đình bên vợ. Trong một thời gian dài, phu thê phải chịu cảnh “Đêm đông gối chiếc cô phòng”.

Ông Sáu Lầu mượn tiếng đàn để vơi cơn phiền muộn. Và bản Dạ Cổ Hoài Lang ra đời trong bối cảnh đó. Ông thường xuyên bí mật gặp gỡ vợ, và sau đó bà vợ có thai và hai người sống chính thức với nhau có 7 người con (5 trai, 2 gái).

Bản Dạ Cổ Hoài Lang có 20 câu, mỗi câu trong bài có hai nhịp, gọi là nhịp đôi. Do nhu cầu phát triển, bản vọng cổ có từ 8 nhịp, 16 nhịp và hiện nay là 32 nhịp trong 6 câu. Thành ngữ “Rành sáu câu” bắt nguồn từ vọng cổ. Nốt nhạc là: hò (la), xự (si), xang (rê) xê (mi) cống (fa). Sau khi cất cao giọng nói lối, rồi xuống giọng chữ “Xề” để bắt đầu ca vọng cổ. Khán giả thường vổ tay khen điệu mùi của chữ xề.

Ông Cao Văn Lầu, thường gọi là Sáu Lầu (1892-1976), gia đình gốc ở Long An, vì nghèo và bị áp bức, nên xuống Bạc Liêu sinh sống. Năm 1908, ông Sáu Lầu mỗi đêm đến học đờn tại nhà thầy Hai Khỵ (Lê Tài Khí). Do yêu thích và siêng học, Cao Văn Lầu thành thạo các loại đờn: đờn kìm, đờn cò, đờn tranh, trống lễ, và trở thành nhạc sĩ nòng cốt trong ban cổ nhạc của thầy Hai Khỵ.

Năm 1912, Sáu Lầu bắt đầu đi hát với Sáu Thìn và cô Phấn, trong bài Tứ Đại Oán của vở Bùi Kiệm Thi Rớt Trở Về Nhà.

Thể điệu lý và hò trong âm nhạc cải lương
Âm nhạc trên sân khấu cải lương, ngoài vọng cổ và tân cổ giao duyên, còn có thể lý và hò phù hợp với khung cảnh trong nội dung vở diễn. Lý là một làn điệu dân ca, lời mộc mạc, giản dị tạo ra nét độc đáo của Việt Nam. Có nhiều bài lý như: Lý con sáo, lý ngựa ô, lý quạ kêu, lý qua cầu… Hò là một lối phát âm phổ biến trong dân gian, khởi nguồn trong sinh hoạt tập thể, diễn tả tâm trạng của những nhóm người, hò đối đáp với nhau. Hò đạp lúa, hò giã gạo, hò kéo gỗ, hò kéo thuyền…

Nhạc cụ trong cải lương
Khác với hát bội, nhạc cải lương không dùng trống, đồng la, chập chả, và kèn. Nhạc cụ cải lương gồm có: đờn kìm, đờn cò, đờn sến, đờn tranh, đờn lục huyền (guitar). Đờn guitar của Tây Ban Nha nhập vào Việt Nam khoảng thập niên 1930. Ống sáo (ống tiêu) làm bằng một lóng trúc, có khoét lỗ. Ngoài ra, còn có thêm một cái “song lang” để đánh nhịp.

Đờn ca tài tử trở thành di sản của nhân loại
“Đờn ca Tài tử Nam Bộ” của Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), chính thức công nhận, là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Quyết định trên được đưa ra tại phiên họp ngày 5/12/2013 của Ủy ban Liên Chính phủ, về việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO, diễn ra ở Baku, Azerbaijan.

Tối 11-2-2014, tại hội trường Thống Nhất (TP.HCM) đã diễn ra lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ”, là di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại.

Đến dự lễ đón bằng có thủ tướng chính phủ cùng các quan chức Bộ, ngành, các nghệ sĩ của 21 tỉnh thành phía Nam về tham dự. Bên cạnh đó còn có sự tham dự của các đại sứ, các tổ chức quốc tế, là thành viên của UNESCO. Đờn ca Tài tử của Việt Nam là một trong số 14 nét văn hóa, từ các nước trên thế giới, vừa được UNESCO bổ sung vào danh sách di sản phi vật thể của nhân loại.

Cải lương là một nghệ thuật vang bóng một thời. Về sau đó, cải lương chỉ thu hút những thế hệ cao tuổi. Đám thanh niên thì chỉ thích ciné hơn. Sau này, những ban kịch và tân nhạc chiếm lĩnh “thị trường”. Vũ trường với tân nhạc và ca sĩ được giới nhà giàu ưa thích hơn.

– Trúc Giang MN
(Minnesota, 2-11-2022)

No comments:

Post a Comment