Wednesday, December 14, 2022

Nhạc sĩ hay Nhạc sỹ? 

 





















Viết tiếng Việt sao cho chính xác từ lâu đã trở thành những đề tài tranh luận bất tận, đôi khi bất phân thắng bại.

 

Thực ra, ngôn ngữ nào trên thế giới cũng có những sự tranh luận liên quan tới cách viết, cách sử dụng, tuy nhiên có thể nói khó có ngôn ngữ nào nhiều “vấn đề” như tiếng Việt.

 

Nguyên cũng dễ hiểu, tiếng nước ta là tiếng Nôm, xưa kia khi còn phải vay mượn chữ Hán để viết có lẽ không có vấn đề, nhưng sau này chuyển sang sử dụng mẫu tự La-tinh thì phải mất tới mấy trăm năm mới tạm gọi là hoàn chỉnh và thống nhất cách viết, cách sử dụng, để rồi sau khi đất nước bị chia cắt, cách viết ở hai miền lại ngày càng khác nhau!

 

Có thể nói trước cuộc di cư năm 1954, khi thế hệ chúng tôi (ra chào đời trong thập niên 1940) cắp sách tới trường thì cách viết tiếng Việt (chữ quốc ngữ) đã gần như hoàn chỉnh và thống nhất.

 

(Viết là “gần như” bởi vì cũng có một số từ vẫn còn nằm trong vòng tranh luận và được các “phe” viết theo cách viết của mình, chẳng hạn “giòng sông, giòng họ” - “dòng sông, dòng họ”, “xử dụng” - “sử dụng”, chúng tôi sẽ đề cập tới những từ này trong một bài sau).

 

Tới đây xin được đi vào đề tài: NHẠC SĨ hay NHẠC SỸ?

 

Từ “nhạc sỹ” chỉ mới xuất hiện trong vòng mấy chục năm qua, và ngày càng có nhiều người sử dụng.

 

Với những đối tượng độc giả dễ tính, viết “nhạc sĩ” hay “nhạc sỹ” thì cũng đọc giống nhau, có ý nghĩa như nhau, chẳng chết thằng tây nào cả. Nhưng với những người tôn trọng nguyên tắc viết tiếng Việt, thì viết “nhạc sỹ” là sai chính tả.

 

Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, chúng tôi không đủ giấy mực để dẫn chứng viết “nhạc sỹ” là sai, nhưng cũng có thể khẳng định: từ năm 1954 tới 1975, ít nhất cũng là trong các tài liệu giáo dục, trong sách vở, trên mặt báo..., chúng tôi chưa thấy người nào ở miền nam VN viết “nhạc sỹ” (hay bác sỹ, giáo sỹ, thi sỹ, văn sỹ...).

 

Ngày ấy tại miền Nam, học trò lớp Nhất (lớp 6 ngày nay) dù là Nam Kỳ hay Bắc Kỳ di cư, hầu hết cũng được thầy cô dạy viết đúng chính tả những chữ như: hy vọng, ý tưởng, yêu đương, mỹ thuật, nhạc sĩ, bác sĩ, bé tí, tỉ mỉ, mì gói, năn nỉ ỉ ôi...

 

Sở dĩ học trò ở miền Nam viết đúng chính tả chủ yếu là do sự quan tâm của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

 

Ngay từ năm 1958, chính phủ đã thiết lập Ban Tu Thư thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục để biên soạn và in sách giáo khoa cho hệ thống giáo dục toàn quốc. Năm 1965, Ban Tu Thư đổi danh xưng thành Sở Học Liệu, và sau cùng thành Trung Tâm Học Liệu.

 

Theo chúng tôi còn nhớ thì sách giáo khoa Bộ Quốc Gia Giáo Dục được phát “free” cho học sinh trường công, còn học sinh trường tư thì được mua với giá rất rẻ, chỉ bằng 1/3 hay 1/4 so với sách của các cơ sở xuất bản tư nhân.

 

Tuy nhiên vì ngân sách chỉ có hạn, số sách giáo khoa do Trung Tâm Học Liệu ấn hành không đủ đáp ứng nhu cầu của tất cả các trường tiểu học trên toàn quốc, vì thế một số trường tư đã phải tìm nguồn sách từ các cơ sở xuất bản tư nhân, mà nội dung có thể thiếu chính xác so với sách của Trung Tâm Học Liệu.

 

Trước sự lo xa về tình trạng phân hóa trong cách viết tiếng Việt, vào khoảng năm 1968 (nếu tôi nhớ không lầm), Bộ Quốc Gia Giáo Dục đã ban hành những quy định cho ngành giáo dục về cách viết một số từ, trong đó có những từ có chữ “i” và “y”.

 

Qua tham khảo một số tài liệu cũ, chúng tôi xin ghi ra một số quy tắc sau:

 

(1) Viết y trong trường hợp từ ấy có nguồn gốc Hán Việt và đứng một mình, thí dụ: y phục, y sĩ, y tế, ý nghĩa, ý tưởng, ý nhị..., hoặc y được sử dụng như một phụ âm đi đầu, thí dụ: yêm, yên, yến, yết, yêu, yếu...

 

(2) Viết y trong tên riêng. Thí dụ: Lý Thường Kiệt, Như Ý, nước Mỹ, Mỹ Tho, v.v... Trừ trường hợp chữ Sĩ và Sỹ: hàng trăm năm trước, đã có những người được đặt tên Sỹ hoặc Sĩ, đồng thời có hai họ Nguyễn Sỹ và Nguyễn Sĩ.

 

(3) Viết y những từ ngữ gốc Hán Việt sau các mẫu tự H, K, L, M, T, và QU. Thí dụ: hy vọng, kỷ yếu, lý thuyết, mỹ thuật, tỷ lệ, quý vị...

 

Còn những từ bé tí, chi li, tỉ mỉ, xỉ vả, i tờ, í ới,… viết i vì không có gốc Hán Việt.

 

Những quy tắc trên đã được đại đa số người miền Nam tuân theo, trừ một vài người cố tình viết khác đi, do lập dị, như một ông thi sĩ nọ làm thơ ca tụng “tình iêu”, hoặc... bị bệnh tâm thần, chẳng hạn nhà thơ Nguyễn Ngu Í (1)

 

*  *  *

Trong khi đó tại miền Bắc, sau khi chế độ cộng sản được thiết lập, người ta đã “cách mạng”, dần dần bỏ mẫu tự y trong cách viết tiếng Việt và thay bằng i: hi vọng, hỉ tín, phú quí, quí vị, nước Mĩ, thẩm mĩ, mĩ lệ, mĩ viện, tỉ lệ, lí lịch, lí thuyết, v.v...

 

Tới năm 1980, tức sau khi chiếm miền Nam được 5 năm, Bộ Giáo Dục của chế độ CSVN đã chính thức ra quy định thay toàn bộ y (y dài) bằng i (i ngắn) trong cách viết tiếng Việt, trừ trường hợp (1) chúng tôi đã ghi ra ở phần trên (y có nguồn gốc Hán Việt và đứng một mình, hoặc y được sử dụng như một phụ âm đi đầu)

 

Lẽ dĩ nhiên, một khi nhà nước đã ra quy định thì thầy cô và mọi viên chức trong ngành giáo dục ở miền Nam phải tuân theo; riêng những người cầm bút nếu có bất mãn cũng chỉ tỏ thái độ một cách tiêu cực là tiếp tục viết y, chứ không ai dám công khai lên tiếng phản đối.

 

Cách đây khoảng 30 năm, Trung Tâm Ngôn Ngữ và Văn Hóa VN, thuộc Bộ Giáo Dục và Đào Tạo của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đã bắt tay vào việc thực hiện cuốn “Đại từ điển Tiếng Việt” do Nguyễn Như Ý chủ biên; sau gần 10 năm mới hoàn tất, được Nhà Xuất Bản Văn Hóa – Thông Tin ấn hành năm 1998.

 

Trong cuốn “đại từ điển” gồm trên 120.000 từ, được xưng tụng là “đầy đủ, công phu, chính xác nhất” từ trước tới nay, người ta không còn thấy một từ nào có chữ y (ngoại trừ trừ trường hợp (1) chúng tôi đã ghi ra ở phần trên).

 

Thế nhưng trong khi kho tàng tiếng Việt mất đi nhiều từ có chữ y thì lại phát sinh một từ mới tinh sử dụng chữ y, đó là từ “sỹ” đi phía sau một số ngành nghề, mà thường thấy nhất là “nhạc sỹ”.

 

Trước năm 1975, chúng tôi chưa từng thấy người nào ở miền Nam viết “nhạc sỹ” (hoặc “thi sỹ, văn sỹ, bác sỹ, nha sỹ, giáo sỹ...), hoặc chỉ có một số rất ít mà chúng tôi không được biết.

 

Sau năm 1975, đọc sách báo của miền Bắc, chúng tôi mới biết một số tác giả và cơ sở văn hóa ngoài Bắc đã sử dụng từ “nhạc sỹ” từ lâu rồi.

 

Hình như một số người cầm bút ở “đàng ngoài” thích viết “nhạc sỹ” thay vì nhạc sĩ, ”tường vy” thay vì tường vi vì cho rẳng viết chữ y có vẻ... văn chương, thơ mộng hơn thì phải!

 

Hiện nay, từ “nhạc sỹ” không còn là độc quyền của miền Bắc nữa mà không ít nguời cầm bút trong Nam (đa số thuộc giới trẻ) đã bắt chước, thậm chí cả một số nhân viên Ban Việt Ngữ của VOA, BBC cũng viết “nhạc sỹ”.

 

Với chúng tôi, đang đọc một áng văn hay, một bài viết có giá trị mà đụng phải từ “nhạc sỹ”, cũng cụt hứng chẳng khác nào đang ăn một bữa cơm thịnh soạn bỗng dưng nhai phải một hạt sạn thật lớn. Mất ngon!

 

Trong khi đó lại có ít nhất hai tờ báo quốc doanh trong Nam là Sài Gòn Giải Phóng và Tuổi Trẻ không bao giờ viết “nhạc sỹ”!

 

Có lẽ tuy mang tiếng là “báo quốc doanh”, những người cầm bút của hai tờ này cũng thấy được tính cách “không giống con giáp nào” của từ “nhạc sỹ”! 

 

Thiên Ân

Tháng 12/2002

  

CHÚ THÍCH:

 

(1) Nguyễn Ngu Í (1921 – 1979) là một nhà thơ kiêm nhà báo, nhà giáo nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975. Ông tên thật là Nguyễn Hữu Ngư, với các bút hiệu Nguyễn Ngu Í, Nguiễn Hữu Ngư, Trịnh Nguiên, Phạm Hoàn Mĩ, Lưu Nguiễn.

 

Theo trang mạng Wikipedia (tiếng Việt), năm 20 tuổi, Nguyễn Hữu Ngư đang theo học Trường Sư phạm thì bệnh tâm thần phát xuất lần đầu, phải vào nhà thương Chợ Quán chữa trị. 


Năm 1942, khỏi bệnh, ông bỏ học và bắt đầu bước chân vào nghề văn, nghề báo.


Năm 1950, được tin em gái mất, ông lại bị quẫn trí.


Năm 1952, trở lại nghề dạy học và viết báo.


Năm 1977, ông vào Dưỡng trí viện Biên Hòa, và qua đời tháng 2 năm 1979.

 


No comments:

Post a Comment