Sunday, December 11, 2022

ĐÀ LẠT: NAY CÒN ĐÂU?

Khi tôi còn nhỏ, mỗi khi nghe ba mẹ nhắc đến thành phố Đà Lạt thì họ không hết lời khen ngợi về văn hoá, môi trường, cũng như cảnh đẹp của thành phố này. Họ khen Đà Lạt là “thành phố sương mù,” toàn là rừng thông, không khí ôn hoà và mát mẻ quanh năm, sương mù dày đặc, và là “Xứ hoa Anh Đào.” Họ đã vẽ lên thành phố Đà Lạt đẹp như một bức tranh thuỷ mặc, mà ai nghe rồi cũng muốn một lần đến thăm.

Khi lớn lên, có cơ hội tìm hiểu qua tài liệu về thành phố Đà Lạt, mới biết rằng cao nguyên Lâm Viên (bao gồm thành phố Đà Lạt) được khám phá bởi bác sĩ Alexandre Émile Jean Yersin vào năm 1893 và sau này được người Pháp quy hoạch và xây dựng nên một thành phố văn minh, đặc sắc, và xinh đẹp. Nhiều biệt thự, khách sạn, công sở, trường học, cũng như khu trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng của Đông Dương trước 1975 cũng được xây dựng lên bởi các kiến trúc sư người Việt và người Pháp. Cho nên, nền văn minh của thành phố Đà Lạt có trộn lẫn giữa hai nét văn hoá Âu-Á.

Ngày nay, thành phố Đà Lạt sầm uất với dân số lên gấp 5,3 lần so với dự kiến, tức là khoảng 425 ngàn người (năm 2020). Đà Lạt hiện tại không còn “xanh” như trước nữa. Số rừng thông đã bị đốn hạ để dành chỗ cho các công trình xây dựng, mọc lên một cách thiếu kiểm soát. Theo Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (NN-PTNT) của tỉnh Lâm Đồng, độ che phủ rừng của Đà Lạt hiện tại chỉ chiếm 49%. Ai cũng biết khi rừng bị đốn, hệ sinh thái sẽ bị huỷ hoại nặng nề, nhiệt độ trung bình của thành phố sẽ tăng, mức nước ngầm bị hạ thấp dẫn đến lũ lụt thường xuyên hơn, cũng như nhiều loài vật trong vùng sẽ bị chết và tuyệt chủng.

Ngoài ra, dân cư thành phố Đà Lạt đông đúc, và người dân xả rác vô kỷ luật đã làm nhiều danh lam thắng cảnh, như hồ Than Thở và thác Cam Ly, của Đà Lạt tràn ngập trong rác thải. Khách du lịch đã ngỡ ngàng thất vọng khi đến thăm các địa danh này. Không khí hôi thối cùng với sự ô nhiễm môi trường nặng nề đã ảnh hưởng tới ngành du lịch của thành phố này. Không những vậy, rác thải ô nhiễm đã ảnh hưởng tới nguồn nước sạch của thành phố Đà Lạt. Theo Sở Tài Nguyên - Môi Trường của tỉnh này, thì trong vài năm nữa thành phố Đà Lạt sẽ không còn nước sạch để sinh hoạt.

Thành phố Đà Lạt đang bị thay màu. Nó đã không còn xanh, không còn sạch sẽ, không còn mát mẻ như xưa. Có lẽ vì mật độ dân số ở thành phố này đã tăng nhanh trong 47 năm cùng với chính sách gượng ép phát triển do nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra. Như cuối năm 2014, nhà cầm quyền Việt Nam đã ban hành Quyết Định 704/QD-TTg để điều chỉnh quy hoạch của Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy sự phát triển của thành phố Đà Lạt lên tầm quốc tế. 

Với sự “ép” phát triển này, liệu thành phố Đà Lạt có mất đi vẻ đẹp thiên nhiên và thơ mộng khi xưa? Quan trọng hơn, với sự phát triển dân số và bê-tông hóa thành phố Đà Lạt, môi trường và hệ sinh thái sẽ bị huỷ hoại nặng nề. Tương lai nào sẽ là của thành phố Đà Lạt nếu chúng ta không có kế hoạch bảo vệ và canh tân hệ sinh thái của thành phố này?

Cát-Tường Le

No comments:

Post a Comment